Cô Dâu Thủy Thần
Cô Dâu Thủy Thần
Thông tin truyện: Cô Dâu Thủy Thần
Ngài là một Thủy thần uy nghi cao quý, nắm quyền cai trị vùng sông hồ của bộ tộc Dương Tuyền thuộc Văn Lang Quốc, vì một kẻ xâm phạm vùng nước thiêng mà nổi trận lôi đình gây hạn hán khắc nghiệt làm sinh linh đồ thán.
Chàng là dược sư dòng máu thuần khiết băng thanh cải trang làm Tế nữ thay em gái song sinh của mình hiến tế cho Thủy thần, nguyện hy sinh tính mệnh mà bảo vệ những người mình yêu thương trân quý.
Trên cõi đời này không có thứ gì ngẫu nhiên hay tình cờ và sự gặp gỡ của ngài cùng chàng cũng là tất yếu. Đó chính là Thiên Mệnh.
***
Sau thời Hồng Hoang đến thời Viễn Cổ, Tam tầng tứ giới đã hình thành nhiều thần tộc, mạnh nhất trong số đó là Thanh Long, Bạch Hổ, Hồng Lạc, Kim Quy. Bốn thần tộc này tuy không hòa hợp lắm nhưng cũng chưa xảy ra hiềm khích lớn. Thế nhưng Quỷ Yêu tộc đã lợi dụng việc thần tiên chưa đồng thuận mà gây ra Loạn Thần Đại Chiến làm máu chảy thành sông, sinh linh đồ thán. Lúc này, cháu bốn đời của Viễn Cổ thần Thần Nông đức cao vọng trọng mang tên Lộc Tục là người duy nhất đủ tài trí hóa giải hiểu lầm, thống lĩnh chư thần phá tan âm mưu thống trị của Quỷ Yêu tộc, buộc chúng phải đời đời hòa hiếu. Tam tầng tứ giới được hưởng thái bình thịnh trị, đi vào chế định khuôn phép nghiêm cẩn.
Kỷ Hồng Bàng thị khai mở từ đây.
Lộc Tục lên ngôi Thần Vương, lấy hiệu Kinh Dương Vương, lập Xích Quỷ quốc ở Nhân giới. Ngài kết duyên cùng Long Nữ thuộc thần tộc Thanh Long, con gái của Bát Hải Long Vương. Tam tầng tứ giới bình yên vô sự qua mấy ngàn năm, Kinh Dương Vương truyền ngôi cho con trai tên Sùng Lãm còn gọi Lạc Long Quân, rồi cùng Long Nữ chu du khắp nơi không màng chính sự, biệt tích từ đó. Sau khi Văn Lang lập quốc, hai vị được con cháu kính ngưỡng suy tôn là Thủy tổ phụ và Thủy tổ mẫu.
Sùng Lãm nối ngôi Thần Vương, lấy hiệu là Hùng Hiền Vương, thành hôn cùng Căn Kỷ hiệu Âu Cơ, thuộc thần tộc Hồng Lạc sinh ra bọc trứng nở ra trăm người con trai. Hai vị cùng trăm con giáng hạ Nhân giới thuận theo Thiên Mệnh. Năm mươi con cùng Âu Cơ lên non lập Văn Lang quốc, tôn người con trưởng lên ngôi Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu. Năm mươi con cùng Long Quân xuống biển lập Thủy Văn Lang. Xích Quỷ quốc phân định từ đó. Con cháu ngưỡng vọng tôn kính gọi hai vị là Tổ phụ và Tổ mẫu.
***
Tam tầng tứ giới
“Tam tầng tứ giới” nghĩa là “ba tầng bốn thế giới”, là một sự tưởng tượng dựa trên vũ trụ luận của người Mường. Như trong truyện thì “Tam tầng tứ giới” được hiểu như sau
-Tam tầng:
1. tầng Trời - 2. tầng Đất - 3. tầng Nước
-Tứ giới:
1. Thần tiên giới thuộc tầng Trời
2. Nhân giới/ Dương gian (người sống) vở tầng Đất
3. Âm giới/ Địa phủ (người chết) ở tầng Đất
4. Thủy giới/ Bát Hải ở tầng Nước.
Thực ra, vũ trụ luận của người Mường, theo sự tìm hiểu của giáo sư Từ Chi, là sự hỗn dung của hai kiểu loại vũ trụ luận khác nhau:
-Vũ trụ luận “ba tầng, bốn thế giới”: tầng trên Trời, tầng Giữa và tầng Dưới. Tầng Dưới lại được chia thành hai thế giới. Thế giới Dưới nước và thế giới Dưới đất.
-Vũ trụ luận “hai bên”: Người Mường quan niệm ở tầng người có hai bên: một bên là mường của người sống và một bên là mường của người chết (Mường Ma)
Ý kiến của một số nhà nghiên cứu thì trống đồng thể hiện mô hình vũ trụ theo quan niệm
-”Tầng trên”, tương ứng với phần mặt trống, gồm hai thế giới: Trời (“Mường blời”) tượng trưng bằng hình ảnh mặt trời tỏa các tia sáng và Ðất (“Mường tất”) tượng trưng bằng các cảnh nhà cửa, người, chim, thú…
-”Tầng giữa” tương ứng với phần tang trống là “thế giới nước” (“Mường nác”), tượng trưng bằng các hình thuyền, người chèo thuyền, cá, giao long, chim nước…
-”Tầng dưới”, tương ứng với phần thân trống, là “Cõi âm” (“Mường âm phủ”, ở đó, có hình tượng tổ tiên, với bộ trang phục hình chim – vật tổ)
.
Thần nông
*Trích từ Tìm về Bản sắc văn hóa Việt Nam của GS. VSKH Trần Ngọc Thêm*
Thực ra thì Thần Nông, cũng như một số nhân vật thần thoại khác liên quan đến nông nghiệp, đều vốn là cư dân bản địa phương Nam bị sát nhập vào Hoa tộc. Không phải ngẫu nhiên mà Thần Nông ( = ông tổ nghề nông) luôn được xem là vị thần cai quản phương Nam và còn tên khác là Viêm Đế ( = vua xứ nóng. Niên đại truyền thuyết của Thần Nông (3.320 – 3.080 ?? = thiên niên kỷ thứ IV trước công nguyên) tương ứng với giai đoạn người Đông Nam Á phát triển mạnh nghề nông ( thời đá mới). Như vậy, Thần Nông thực chất là tên gọi biểu trưng cho những thành tựu tập thể của cả một giai đoạn.
Truyền thuyết của người Mèo kể rằng “khi loài người đang lo tìm thức ăn lâu dài thì một ông già tóc bạc không biết từ đâu xuất hiện. Ông cụ cho nhiều giống hạt, bày cho cách gieo trồng. Từ đó mới có lúa để ăn và bong lanh để se chỉ dệt vải. Ông lại bày cho họ cách kiếm những cây thuốc để chữa bệnh. Lúc chia tay, ông cụ vẽ một cái hình vuông xuống đất, bảo loài người làm nhà theo cách đấy, đừng ở hang mà lạnh. Loài người nhớ ơn ông cụ, gọi ông là Thần Nông”. Truyền thuyết người Việt thì xem thần nông là ông tổ bốn đời của Kinh Dương Vương, năm đời của Lạc Long Quân và sáu đời của vua Hùng thứ nhất.
GS. Đinh Gia Khánh viết: “Việc coi Thần Nông là thủy tổ của các vua Hùng là một trong những dấu vết của việc người Việt kế thừa những thành tựu của cơ tầng văn hóa Nam-Á cổ xưa. Chắc rằng nhân ta từ xưa, trước khi tiếp thu ảnh hưởng của văn hóa Hán tộc, đã từng coi Thần Nông là vị thủy tổ của mình. Được coi như vị thần sáng nghiệp của nghề nông xứ nóng ấm thì Thần Nông rất dễ được những cư dân trồng lúa như người Lạc Việt tôn sùng nhiều hơn cả và cũng lại dễ được họ coi như vị thủy tổ của mình. Đó là điều có thể hiểu được. Hán tộc không hề coi Thần Nông là Thủy tổ mà chỉ coi đó như là một thiên đế quản lĩnh phương Nam”
Nếu để ý đến khía cạnh ngôn ngữ học còn thấy rằng tên gọi Thần Nông đã được đặt theo cú pháp xuôi phương Nam (danh từ định tố) nếu theo cú pháp tiếng Hán thì phải đặt ngược lại là “Nông Thần” Ảnh hưởng của văn háo phương Nam đối với phương Bắc vào thời đó mạnh đến nỗi ngay cả các ông vua có thực đầu tiên của Trung Hoa như Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Cốc, Đế Vũ cũng đều được đặt tên theo lối cú pháp xuôi của phương Nam (chứ không phải là Nghiêu Đế, Thuấn Đế, Cốc Đế…)
.
Bát Hải Long Vương
Theo truyền thuyết và một số tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam thì Bát Hải Long Vương, một số nơi gọi là Bạt Hải hay Bột Hải, chính là Long Vương cai quản Hồ Động Đình hay Vua Cha Bát Hải, gả con gái mình là Long Nữ, có một số sách viết là Thần Long, cho Kinh Dương Vương, tức Bát Hải Long Vương đầu tiên là ông ngoại của Lạc Long Quân. Trong truyện, Bát Hải Long Vương cai quản tám biển ở tầng Nước, tức Thủy giới. Chức Bát Hải Long Vương truyền nhiều đời theo phụ đạo.