Trăng Sáng Chiếu Lầu Tây

Trăng Sáng Chiếu Lầu Tây

Nguồn: Internet

81.141

Trăng Sáng Chiếu Lầu Tây

GIỚI THIỆU

Editor: Losedow
Thể loại: Cổ đại

Lời dẫn: 

Ở Dị Thiên Nhai đã được bao phủ bởi một vùng tuyết trắng ngần sáng lóa dưới ánh trăng, ánh trăng sáng cong cong, sương giăng trắng cả đất, tất cả tạo nên một bức tranh vô cùng tuyệt đẹp như thơ như họa.

Ở trên Dị Thiên Nhai được như quang cảnh rất đẹp  nhưng ở dưới thì không đẹp được như trên núi. Trên con đường nhỏ có tên Phong Tuyết chạy giữa hai ngọn núi, gió lạnh gào thét mà qua cuốn theo vô vàn bông tuyết bay lượn giữa không trung.

Có tiếng sáo vang lên từ trên vách núi, nghe loáng thoáng như một khúc quân ca. Người thổi sáo trình độ không cao nhưng hơi lại rất dài, khúc quân ca này mặc dù chệch choạc nhưng được cái âm lượng rất lớn, xuyên qua tiếng gió gào thét truyền thẳng xuống dưới vách núi, truyền vào trong tai mọi người.

"Đã thổi được ba năm rồi, tại sao vẫn còn sai nhịp được?" Một người khách buôn là Lão Hồ co người bên chân con lạc đà của mình, bịt tai than thở.

Lão Lý là người đã sinh sống nhiều năm trên con đường đầy gió tuyết này đã cuộn mình trong chiếc áo bông, chậm rãi lấy một chiếc mũ che tai bằng da cáo ra đội lên đầu, thoải mái nhắm mắt chuẩn bị ngủ: "Quen rồi, đi ngủ sớm thôi, bài này không thổi hết đêm sẽ không dừng lại".

Lão Hồ giương mắt nhìn lên trên vách núi nhưng gió tuyết đã che khuất tầm mắt. Ông ta vỗ vỗ khuôn mặt đông cứng vì lạnh, cho thêm củi vào đống lửa rồi mới cuộn chặt áo bông. Sau khi suy nghĩ một lát, ông ta lại móc lấy hai cục bông từ trên áo ra nhét vào tai, ngả người nằm xuống, ngập ngừng nói: "Cũng không biết ai đang thổi sáo trên vách núi, ngày ngày thổi, đêm đêm thổi, gió tuyết lớn như vậy mà vẫn cứ thổi, chẳng lẽ không lạnh à?"

Lão Lý đã nửa chìm vào giấc mơ, ngáp một cái, trả lời câu được câu chăng: "Không biết hắn có lạnh không, tôi chỉ biết người này thổi quân ca tồi như vậy, nếu như Dận sư phụ nghe thấy thì chắc chắn sẽ tức giận đến hộc máu".

Dận sư phụ là nhạc công giỏi nhất Đại Lương, bài quân ca này chính là tác phẩm thành danh của ông ta.

Mười năm trước, Đại Lương và nước Đại Sóc ở phía nam trở mặt. Đêm trước ngày đại quân xuất chinh, trong lúc các tướng quân tuyên thệ, Dận sư phụ xúc động trước bầu không khí trang nghiêm, múa bút vẩy mực ngẫu hứng sáng tác trước ba quân, một mạch viết xong khúc quân ca, làn điệu sục sôi, hát lên làm mọi người cuồn cuộn huyết khí, sĩ khí dâng trào. Từ đó khúc quân ca này trở thành lựa chọn số một để khích lệ sĩ khí trước khi giao chiến, ông ta cũng một khúc thành danh, thiên hạ đều biết tiếng, danh vọng tăng gấp trăm lần.

Nếu để ông ta nghe thấy có người thổi khúc quân ca ông ta hài lòng nhất một cách thê thảm thế này thì sợ rằng sẽ tức giận đến mức ra roi thúc ngựa đến Dị Thiên Nhai ở mãi vùng biên tái, lôi cổ người thổi sáo trên vách núi xuống chửi mắng thậm tệ.

Đại Lương và Đại Sóc giao tranh mười năm, đánh vô số trận, ngươi cướp một mảnh đất của ta, ta lại cướp mạnh đất đó về, hai bên giằng co không dứt.

Mới đầu trăm họ hai nước còn rất hào hứng, nghe ngóng tình hình chiến sự là việc phải làm hàng ngày mỗi lúc trà dư tửu hậu. Hôm nào có người biết được một tin tức từ nguồn không chính thống là nhất định sẽ giữ chắc như giữ một pháo đài quân sự quan trọng, chờ đến lúc tất cả mọi người trong quán trà đều hứng thú mới chịu bắt đầu kể chuyện.

Sau đó càng ngày càng nhiều trận chiến diễn ra, hôm nay ngươi thua ta thắng, ngày mai ngươi thắng ta thua, đánh tới đánh lui cũng không có gì mới. Cùng với thời gian, hứng thú của trăm họ cũng nhạt dần, những chuyện như tên Nhị Cẩu Tử nhà đối diện nhìn trộm khuê nữ nhà hàng xóm tắm, bà chủ bán rượu liếc ngang liếc dọc với đứa ở đưa rau lại trở thành chủ đề tán chuyện. Suy cho cùng thì đánh nhau sống chết vẫn không thú vị bằng những việc vặt vãnh trong cuộc sống xung quanh.

Đại Lương là nước yếu, mấy năm nay thường thua trận, không những phải cắt đất bồi thường mà còn dùng cả chiêu bài gả công chúa cầu thân để được tạm thời bình an. Trong vòng mười năm Đại Lương đã gả bốn công chúa, hai người yếu đuối đã mất ngay trên đường đến Đại Sóc, một người vào cung chẳng bao lâu cũng mất vì nhớ nhà buồn bã u sầu, đành phải gả công chúa An Ninh đến Đại Sóc bình an. Do công chúa An Ninh xinh đẹp mê người nên Sóc vương mừng rỡ phong làm quý phi, từ đó cuộc giằng co ở biên giới hai nước mới được hạ màn.

Nhiều năm chiến đấu, không dễ gì được yên ổn một hồi, tướng sĩ hai nước cũng rất mệt mỏi, vì vậy hai bên hiểu ngầm vạch một đường thẳng chia đôi khu vực tranh chấp nhiều nhất, hai quân dựng trại đóng quân dọc theo đường thẳng này, không còn xâm phạm lẫn nhau.

Vì vậy đường thẳng này cũng trở thành biên giới tạm thời, Dị Thiên Nhai ở chính giữa đường thẳng này, quả thật là một nơi cả hai bên đều không quản được.

Đánh trận là đánh trận, làm ăn là làm ăn, trao đổi thương mại của người dân hai nước chưa bao giờ gián đoạn. Do có vị trí địa lí rất tốt nên khe núi Phong Tuyết đã trở thành con đường các khách buôn thường xuyên phải đi qua.

Ba năm trước có người bắt đầu thổi sáo trên Dị Thiên Nhai, thổi ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, khách buôn qua lại bị ép phải nghe đủ ba năm, từ lúc đầu bị làm phiền phát điên đến lúc có thể coi như một khúc hát ru là một quãng đường hết sức gian khổ.

Thổi sáo ba năm, thời điểm thổi không cố định, thổi bao lâu cũng không cố định, không có bất cứ quy luật nào, hoàn toàn phụ thuộc tâm tình người thổi sáo. Có lúc bắt đầu từ nửa đêm, thổi đến hết đêm. Có lúc bắt đầu từ trưa, thổi một lần là dừng. Còn lúc hắn vui vẻ sẽ thổi lâu hơn hay lúc không vui hắn thổi lâu hơn thì không có người nào biết được.

Trừ các khách buôn lạc đà không thể không đi qua Phong Tuyết câu, tướng sĩ hai quân trong quân doanh dưới chân núi cũng bị tiếng sáo thường xuyên vang lên giữa đêm này ám ảnh và hành hạ ba năm.

Đám hiệu úy không ngủ được mấy lần nổi giận đùng đùng dẫn binh lính trèo lên Dị Thiên Nhai, muốn bắt người thổi sáo này về đánh cho một trận. Tuy nhiên Dị Thiên Nhai vừa cao vừa dốc, gió lớn tuyết trơn, trèo lên cao còn không có cả chỗ đứng, người bình thường hoàn toàn không thể trèo lên được, vì vậy lần nào cũng phải mất công mà về.

Vậy người thổi sáo trèo lên kiểu gì? Vấn đề này thật sự làm mọi người vô cùng khó hiểu.

Đêm nay tiếng sáo lại vang lên đến nửa đêm, trong quân doanh Đại Lương, một binh sĩ cấp thấp vừa kéo quần vừa run rẩy đi từ nhà vệ sinh ra, trong lòng tưởng nhớ ổ chăn ấm áp, co chân chạy về doanh trại trát đất theo tiết tấu của tiếng sáo.

Chạy được nửa đường, hắn vội dừng lại, nghiêng đầu lắng nghe. Cung... Thương... Giác... Chủy (ngũ âm thời xưa, gồm cung, thương, giác, chủy, vũ)... Ờ, quả nhiên lại thổi sai.

Ba năm, thằng con mình ở quê đã biết chạy rồi mà tiếng sáo này vẫn không có một chút tiến bộ nào, lần nào cũng sai ở cùng một chỗ. Binh sĩ hả lòng hả dạ buộc dây lưng, mẹ mình vẫn nói mình đầu óc bã đậu, thiên hạ không có ai ngu ngốc hơn. Mẹ sai rồi, trên đời này vẫn còn có người ngu ngốc hơn con, người trên Dị Thiên Nhai này chính là một trong số đó.

 Bình luận

Để lại một bình luận