Yêu tinh tình yêu

Chương 16


Bạn đang đọc Yêu tinh tình yêu: Chương 16

Chương 16:
Lang Trung ngồi ở lô ghế trong phòng ăn nơi chúng tôi thường ngồi, khuôn mặt đẹp trai vẫn như xưa. Hình như anh ấy cũng đã sớm biết là tôi sẽ đến đón, chẳng có chút gì ngạc nhiên cả.
Nhiễm Địch và tôi ngồi mỗi đứa một bên, đều không nói gì.
Lang Trung cười nói: “Dế con, không nói gì à?”
Tôi lúng búng: “Máy bay đông không?”
Lang Trung cười: “Cũng đông”.
Ba người chúng tôi lặng lẽ ăn, Nhiễm Địch bỗng nhiên thốt ra một câu: “Anh ly hôn chưa?”
Lang Trung lặng đi một lúc rồi cười khổ sở, gật đầu nói: “Rồi”.
Tôi đã ngẩng đầu nhìn anh ấy một cách không chủ định, cho dù còn những thành kiến khi chúng tôi ở Nam Kinh, nhưng trong mười mấy năm nay rốt cuộc tôi vẫn coi anh là bạn, nhưng trong số những người bạn của chúng tôi, thì anh ấy là người có nhiều điều tiếng. Sao chỉ trong thời gian ngắn như thế, với những hành động khinh suất như thế anh ấy có thể kết thúc cuộc hôn nhân của mình? Huống hồ, Vương Âu lại đang có bầu.
Tôi có điều nghi vấn nhưng không tiện hỏi.
Nhiễm Địch hỏi: “Thế còn Vương Âu? Còn con của hai người?”
Lang Trung vẻ mặt nặng như chì, bỏ đũa xuống, nhìn tôi chăm chú nói: “Dế con, trải qua bao nhiêu chuyện như thế, em phải biết rằng từ khi học cao trung đến nay, tình cảm của anh đối với em thế nào chứ?” Rồi không đợi tôi trả lời, nói tiếp, “Anh thực sự rất thích em, từ tận đáy lòng, khi sự việc không thay đổi được, thấy rằng thích một người bình thường như em thì thật mất mặt, nên không dám thừa nhận. Cái hôm Nhiễm Địch đính hôn, anh đã muốn ngỏ lời với em, nhưng… anh thấy rằng có thích em thì cũng không thể tiến xa hơn được, nên đã không ngỏ lời, mà vội vã cưới Vương Âu, nhưng anh không hối hận cũng không ruồng rẫy cô ấy, anh thực sự muốn sống hết đời bên cô ấy, anh sợ cô ấy không chịu nổi nên đã không thừa nhận chuyện thích em”.
Lang Trung từ từ nới lỏng cà vạt, cúi đầu nói: “Cô ấy không chịu được việc anh thích em, tuy nhiên ngay từ đầu, cô ấy là người biết rõ chuyện này hơn ai hết”.
Khi chưa đạt được, người ta luôn nói với bản thân mình rằng, chỉ cần mình có được thì bất kể cái gì cũng không quan tâm, không tính toán, làm gì cũng vì anh ấy, không cần bất kỳ sự đáp trả nào. Đợi đến khi có được rồi, người ta lại không ngừng chất vấn bản thân, chất vấn đối phương: “Vì sao? Vì sao ngay từ đầu anh không yêu em? Em có chỗ nào không tốt? Có chỗ nào không bằng cô ta?” Người ta sẽ nghĩ là mình đã cho đi quá nhiều, và cảm thấy quá tủi thân.
Vương Âu đúng là như thế.
Trong mấy năm Lang Trung phải đau lòng vì tôi, Vương Âu vốn yêu Lang Trung lại càng thêm cảm động về mối tình si đó, cô ấy không ngừng tự hỏi mình: “Một người đàn ông tốt như vậy, còn đi tìm ở đâu nữa?” Đến khi mối tình của Lang Trung đối với tôi thành mối tình chết, rồi anh cưới cô ấy, Vương Âu lúc nào cũng nhắc đến tôi: “Nếu là Quách Doanh, anh sẽ có như này, như này… không?” Mối tình si của Lang Trung ngày xưa mà cô ấy đã từng cảm động thì nay đã trở thành tội chứng để cô ấy giày vò Lang Trung, giày vò bản thân mình. Thật khổ sở không chịu nổi.
Mấy tháng đầu sau khi kết hôn, Vương Âu quẩn quanh Lang Trung đòi ly hôn, Lang Trung không đồng ý thì cô ấy lại khóc lóc, mắng nhiếc anh: “Vì sao anh muốn biến tôi thành vật thay thế cho Quách Doanh, tôi không muốn làm cái bóng của người khác”. Sau này Lang Trung đồng ý, cô ấy lại càng khóc lóc, mắng nhiếc hơn: “Cuối cùng cũng đúng như mong ước của anh, có thể bỏ tôi để chạy đi tìm Quách Doanh rồi, đúng không?” Lang Trung thương cô ấy, cũng thích cô ấy, sau này thì chịu để cô ấy quấy rầy như thế, mà chẳng có phản ứng gì, chỉ luôn khuyên nhủ cô ấy, bầu bạn với cô ấy.

Lang Trung thương cảm nói: “Quách Doanh, anh thích em, nhưng anh đã cưới cô ấy, cô ấy là vợ anh, anh đã muốn sống suốt đời với cô ấy, những ngày đó, anh luôn nói quá lên rằng em có chỗ này không tốt, chỗ kia không hợp, chỉ khi anh liên mồm chế giễu em, móc máy em, thì cô ấy mới có thể bình tâm hơn một chút”.
Lang Trung nói: “Với em, anh rất áy náy, nên mới có cuộc điện thoại nhẹ nhàng vào tháng tư vừa rồi”.
Đến khi Vương Âu có bầu.
Lang Trung cười khổ sở nói: “Thực sự, biết cô ấy có bầu, anh đã rất vui, niềm vui làm anh sợ hãi đến chóng mặt, anh đã cho rằng bọn anh phải bắt đầu lại từ đầu, có đứa bé này, bọn anh sẽ quên hết mọi chuyện không vui, chỉ còn biết tận hưởng cuộc sống, tận hưởng từng tí một những ngọt ngào và đẹp đẽ mà cuộc sống mang lại”.
Lang Trung nói: “Người phụ nữ mang thai, tâm tư tình cảm thay đổi rất nhanh, cô ấy muốn anh phải chửi mắng em càng nhiều hơn, việc này anh chịu được. Anh đã nói rồi, anh thích em, nhưng cô ấy mới là vợ anh, để cô ấy vui, anh không từ việc gì, dù làm hại đến bất kỳ ai… nhưng càng như thế, cô ấy lại càng cảm thấy tủi thân, cô ấy không ngừng hỏi anh rằng: “Quách Doanh không tốt như vậy, vì sao lúc đầu anh thích cô ta mà không thích em?” Rồi như cái vòng luẩn quẩn ấy, anh không nói em không tốt nữa thì cô ấy lại nói anh vẫn nhớ tình cũ, anh nói em không tốt, thì cô ấy lại thấy ấm ức”.
Lang Trung nói: “Anh thực sự rất tuyệt vọng. Anh không biết đến bao giờ những ngày này mới chấm dứt, anh khổ sở vô cùng”.
Lang Trung nói: “Cho dù là như thế này, anh cũng chưa bao giờ có ý nghĩ ly hôn, mỗi lần đòi ly hôn, đều là do cô ấy đưa ra, cô ấy tìm luật sư, cô ấy ký tên… Em biết không, cô ấy đã mấy lần đến cơ quan anh làm ầm ĩ, chuyện ly hôn của bọn anh giờ đã thành chuyện cười cho anh em trong công ty mỗi dịp lâu lâu gặp nhau”.
Lang Trung cười buồn nói: “Anh chấp nhận, anh chịu được hết, cái gì anh cũng chịu được, anh cứ nghĩ đến bao nhiêu năm cô ấy yêu anh, nghĩ đến đứa con trong bụng cô ấy, thì cái gì anh cũng đều chịu được hết”.
Nhưng
Tháng trước, Vương Âu không nói gì với Lang Trung đi phá thai, xong việc mới gọi điện cho Lang Trung, mắng nhiếc rằng: “Vì sao tôi phải sinh con cho anh? Vì sao tôi phải hao phí tuổi thanh xuân và sắc đẹp của mình, sinh con ột người đàn ông vốn không hề yêu tôi?”
Tất cả đã không thể cứu vãn được nữa.
Lang Trung cười buồn: “Cô ấy biết đã làm tổn thương anh, vết thương rất lớn, gây cho anh đau đớn, cô ấy hài lòng, thấy rằng những ấm ức trong những năm qua, những khổ đau cô ấy phải chịu đựng đều được xóa đi, cuộc sống có thể bắt đầu trở lại. Nhưng con tim anh đã đau khổ đến cùng cực, tính ích kỷ của cô ấy, không biết gì đến hậu quả của cô ấy, thực sự đã làm anh vô cùng đau đớn. Lần ly hôn này là do anh đề nghị, cô ấy không đồng ý, nhưng anh thì chẳng còn cách nào khác, anh không thể chung sống với một người phụ nữ lấy cuộc sống chính đứa con ruột thịt của mình đặt lên bàn tính”.
Như thế, cuối cùng họ cũng đã ly hôn.
Nhiễm Địch và tôi trầm tư một lúc.
Lang Trung cười cười nói: “đã qua rồi, nói chuyện hai người đi”.
Nhiễm Địch và tôi vẫn lặng lẽ, chẳng ai nói gì.
Lang Trung nói: “Nhiễm Địch, chuyện của em và Thiên Hồng, cuối cùng thế nào đây?”

Nhiễm Địch cười nhạt: “Em và anh ấy chẳng có chuyện gì cả, cũng chẳng có gì là cuối cùng hay không cuối cùng cả”.
Lang Trung nói: “Chuyện nhà Thiên Hồng đơn giản hơn chuyện anh và Vương Âu nhiều, giữa cô ấy và người đàn bà kia không có tình cảm, sự mù quáng và ích kỷ của cô ta ngay cả anh cũng không ưa nổi”.
Nhiễm Địch cười nhạt: “Như thế thì sao? Anh ấy đã cưới cô ta, cô ta là vợ anh ấy. Huống hồ em cũng đã kết hôn rồi”.
Đây là lần đầu tiên Nhiễm Địch thừa nhận mình đã kết hôn.
Lang Trung ngạc nhiên: “Em đúng là đã kết hôn với anh chàng họ Tôn ấy à? Anh ta có xứng với em không?”
Lời nói của Nhiễm Địch lạnh ngắt: “Anh ấy là chồng em, anh nói chuyện lịch sự một chút”.
Không khí nặng nề một lúc, Nhiễm Địch bỗng hỏi Lang Trung: “Cuộc sống ở Thành Đô có được không?”
Lang Trung cười nói: “Rất tốt, trước kia Thiên Hồng xui anh chuyển từ Bắc Kinh đến Thành Đô, anh còn bảo rằng: “Cái vùng đất thung lũng ẩm ướt đó, ngoài ớt ra chẳng có đặc sản gì, lúc đó sống chết nhất quyết không đi. Sau này khi Thiên Hồng cầm số tiền lương cao gấp ba lần Bắc Kinh về làm cho anh lung lay, kết quả lần đi này, liền thấy thích muốn cắm chốt cắm rễ ở đấy”.
Nhớ lại cách đây không lâu xem mục quảng cáo ở trên kênh vệ tinh Tứ Xuyên, tôi tiếp lời anh: “Dùng câu nói của Trương Nghệ Mưu, thì là một tòa thành mà đã đến là không muốn đi, có đúng không?”
Lang Trung nói: “Chính xác, cuộc sống thật dễ chịu thoải mái”.
Không khí đã có phần sôi nổi hơn, tôi bèn đem mấy câu chuyện về Thành Đô mà Tuyên Nhụy đã kể cho tôi nghe, kể lại một lèo cho Lang Trung. Lang Trung vừa nghe vừa gật đầu cười nói: “Cô bạn em có tâm kế đấy, những câu chuyện này chưa hẳn đã nói hết về Thành Đô trước đây”. Nghe kể xong, Lang Trung cười nói: “Thiếu một câu chuyện quan trọng nhất”.
Tôi không biết câu chuyện đó là gì, Nhiễm Địch thì nói: “Là chuyện Hoa Nhụy phu nhân và thành Phù Dung à?”
Nhiễm Địch chậm rãi: “Trác Văn Quân, Tiết Đào, Hoa Nhụy phu nhân là ba người phụ nữ tài giỏi của Thành Đô xưa, Trác Văn Quân với giai thoại thiên cổ về Phụng Cầu Hoàng, Tiết Đào ở khe Cán Hoa có loại giấy viết tỏa mùi thơm, danh tiếng lớn, thơ hay lưu truyền hậu thế, nhưng thực sự được nhắc đến như một truyện truyền kỳ lại chính là Hoa Nhụy phu nhân này”.
Nhiễm Địch nói: “Hoa Nhụy phu nhân có hai người, một người là Từ thị, phi tử của vị hoàng đế Vương Kiến trước khi nước Thục khai quốc, trong cung gọi là Hoa Nhụy phu nhân, nhưng người trong dân gian thường lưu truyền lại là bà Hoa Nhụy phu nhân khác, không phải chuyện của bà này.
Một Hoa Nhụy phu nhân khác là Phí Quý phi của vua Mạnh Sưởng nước Thục đời sau, xuất thân là một ca kỹ, là người Thanh thành phía đông nam thành Giang Yến. Quyển sách “Những lời trong cung của Hoa Nhụy phu nhân” mà dân gian lưu truyền có hơn một trăm bài, trong quyển “Đường thi toàn tập” nói những bài thơ này là của người phi vua Mạnh Sưởng, cũng chính là Hoa Nhụy phu nhân ấy.

Bà Hoa Nhụy phu nhân này rất yêu hoa mẫu đơn và hoa Hồng quỳ tử, vì thế Mạnh Sưởng lệnh ọi người dân trồng thật nhiều mẫu đơn, còn nói: Hoa mẫu đơn của thành Lạc Dương đứng thứ nhất thiên hạ, từ nay về sau phải đưa mẫu đơn của Thành Đô trở thành nhất của Lạc Dương. Ông ta không tiếc công sai người đi khắp nơi tìm mua các giống tốt nhất, làm thành một Vườn mẫu đơn ở trong cung, ngoài những lúc cùng Hoa Nhụy phu nhân ngày đêm quẩn quanh bên hoa, còn lại là triệu tập quần thần, mở tiệc lớn thưởng mẫu đơn. Còn hoa hồng quỳ tử nghe nói là do vị đạo sỹ Thân thiên sư dâng tặng, chỉ có hai hạt giống, khi hoa nở, màu hoa có những đốm đỏ, mỗi bông hoa có sáu cánh, mùi hương vương vấn quanh người. Nhưng do khó ra hoa, nên có người đã mô phỏng hình dáng của loài hoa đó vẽ lên chiếc quạt tròn, lâu dần thành quen, đó cũng chính là hoa phù dung. Mỗi khi hoa phù dung nở rộ, quanh thành bốn mươi dặm giống như phủ một lớp gấm. Cái tên thành Phù Dung của Thành Đô cũng vì thế mà có”.
Tôi hình như đã nghe chuyện này, nhưng không để tâm nhớ như Nhiễm Địch.
Lang Trung cười nói: “Nhiễm Địch, thật khó có được trí nhớ tốt như em, nhớ được cả những điển cố như thế”.
Nhiễm Địch cười nói: “Thực ra tên tuổi của Hoa Nhụy phu nhân nổi tiếng như vậy, không đơn giản là vì bà là một người phụ nữ tài giỏi hoặc yêu hoa phù dung, còn vì những chuyện sau này. Thời kỳ sau của nước Thục bị quân nước Tống tấn công, vua Mạnh Sưởng đầu hàng, Hoa Nhụy phu nhân bị bắt làm tù binh. Hoàng đế nước Tống thấy Hoa Nhụy phu nhân xinh đẹp tuyệt trần, bèn lấy làm phi. Hoa Nhụy phu nhân sau khi bị đưa đến cung Tống, vẫn không quên người chủ cũ, bèn họa tượng Mạnh Sưởng để thờ riêng. Mỗi khi đêm khuya canh vắng, bà ôm tranh Mạnh chủ khóc lóc kể lại chuyện cũ.
Một hôm, Tống Thái tổ vào cung nhìn thấy bức họa bèn truy hỏi, Hoa Nhụy phu nhân trong lúc cấp bách đã nghĩ ra nói: “Đây là bức họa Thần Tống tử[25], người dân nước Thục ai cũng biết”, may mà Tống Thái tổ không hỏi kỹ. Thần Tống tử vì thế được truyền ra ngoài cung, đến cuối đời nhà Thanh thì bức họa ông tiên được thay thành bức họa tượng bà Hoa Nhụy, Hoa Nhụy phu nhân được tôn làm Tống tử nương nương.
[25] Vị thần giống như Đức Mẫu ở Việt Nam.
“Tuy nhiên sau này Triệu Khuông Dận biết chuyện, buộc Hoa Nhụy phu nhân phải giao lại bức tranh, Hoa Nhụy phu nhân có chết cũng không chịu, nhà vua trong lúc tức giận đã giết Hoa Nhụy phu nhân. Khi Hoa Nhụy phu nhân ngã xuống, máu của bà đã nhuộm hồng những bông hoa mẫu đơn trong vườn, mọi người tôn kính tấm lòng chung thủy sắt son với tình yêu của Hoa Nhụy phu nhân, tôn xưng bà là thần hoa phù dung”.
Lang Trung nói: “Đúng vậy, lòng kiên trinh không thay đổi, bà ấy không làm thần hoa thì còn ai làm thần hoa? Nhiễm Địch, sao em lại hiểu rõ những truyền thuyết của Thành Đô như thế?”
Nhiễm Địch tỉnh bơ nói: “Thấy nó hay hay thì ghi lại”.
Tôi nhớ lại câu Nhiễm Địch đã nói: “Yêu một người, thì yêu cả một tòa thành”. Tôi càng tin tưởng rằng Nhiễm Địch yêu Lý Thiên Hồng. Nếu không vì sao cô ấy lại để ý để nhớ những câu chuyện như thế này kia chứ?
Tôi chẳng có kiến thức về loại hoa phù dung trông hình dáng thế nào, nhưng loáng thoáng nghe Tuyên Nhụy nói qua về loại hoa phù dung ở Thành Đô còn có tên gọi “Phù dung tam túy”, lại nghe nói “trong một đêm có ba màu hoa”, “sáng sớm vẻ đẹp như ngọc, chiều có vẻ đẹp tựa như ráng mây”, cùng một bông hoa nhưng sáng sớm, trưa, chiều lại có màu nắng, màu phấn hồng, màu tím nhạt, vô cùng kỳ diệu. Khi đó Tuyên Nhụy còn ngâm vịnh một bài thơ của cư sĩ Đông Pha: “Thiên lâm tảo tác nhất phiên hoàng, chỉ hữu phù dung độc tự phương, hoán tác cự sương trị vị xưng, khán lai khước thị tối nghi sương”. (Tạm dịch: cả một rừng cây màu vàng, chỉ có mỗi hoa phù dung tỏa hương, lặng lẽ chống chọi với sương gió, xem nưh lại hợp với sương gió nhất mà thôi).
Nghĩ đến Tuyên Nhụy, tôi hoảng hốt phát hiện ra rằng, cô ta mới đi vài hôm tôi đã quên mất cô ta, không biết chuyện cô ta và Thang Ninh tiến triển đến đâu, không biết hiện nay mọi việc có khá hơn không…
Chúng tôi giống như những nhà thơ, triết gia đang nghiên cứu truyền thuyết lịch sử của cổ thành, thoát khỏi những chuyện đau đầu của cuộc sống đời thường, trong sáng mà rộng rãi bao la, còn tôi qua Nhiễm Địch, cuối cùng đã biết lai lịch của Thành Đô: một năm ở đó là nơi sống quần tụ (Lạc Thôn), hai năm thì thành huyện, ba năm thì thành Đô.
Cũng chỉ vì có Nhiễm Địch ở đấy, chúng tôi ngồi trong phòng ăn bàn đến những chuyện phong nhã mới thấy không đường đột và mất hứng.
Ăn xong, Nhiễm Địch đi rửa tay, chỉ còn lại tôi và Lang Trung, tôi nghĩ một chút, ngồi dịch sang bên cạnh, cười nói: “Chật quá”.
Lang Trung đăm đăm nhìn tôi, ánh mắt của anh khiến tôi chỉ muốn trốn đi, tôi lấy một điếu thuốc châm lửa hút, nhờ làn khói uốn lượn để giấu mặt mình.
Nhưng việc gì đến cũng phải đến.
“Dế con, Vương Âu đã ly hôn với anh, em có muốn đi cùng anh không?”
Giống như một âm thanh nào khác vẳng đến, ánh mắt Lang Trung như xuyên qua đám khói thuốc mù mịt nhìn thấu con tim tôi.

Tôi luống cuống hút thuốc, cười cười nói: “Gì cơ?”
Lang Trung nói: “Dế con, hãy cho anh một cơ hội, anh không muốn lại phải trải qua một lần sai lầm nữa, từ nhỏ anh đã thích em, điều này ai cũng đều thấy, đều biết trừ em. Giờ anh muốn nói ra điều ấy với em, anh muốn ở bên em”.
Ở bên em. Lòng tôi đau như có dao đâm, tôi thấy buồn cười vì nhớ đến Thạch Duệ, khi Lang Trung đang bên cạnh cầu xin, tôi nhớ Thạch Duệ chưa bao giờ nói muốn ở bên tôi. Anh ta chỉ muốn nói sống cùng tôi, anh ta nói chúng tôi sẽ rất vui, nhưng từ trước đến nay chưa từng nói sẽ ở bên tôi.
Thấy ánh mắt tôi xa vắng, Lang Trung đặt tay lên tay tôi nhẹ nhàng hỏi: “Em nghĩ gì thế?”
Tôi cười ngớ ngẩn: “Đang nghĩ Thạch Duệ chưa bao giờ nói với em rằng anh ta muốn ở bên em”.
Ánh mắt Lang Trung bỗng tối sầm lại, giống như ánh mặt trời nhanh chóng tắt lúc hoàng hôn, bàn tay của anh buông thõng xuống bàn.
Khi chúng tôi đưa anh ấy đến cửa khách sạn, Lang Trung đã mở cửa xe nhưng vẫn nhìn tôi, nói tha thiết: “Quách Doanh, em đưa anh đi chơi ngày hôm nay nhé”.
Tôi thật thà nói: “Em không biết anh hôm nay đến, nên đã hẹn bạn mười một giờ đi chơi, sắp đến giờ rồi, em không thích lúc này lại cho người ta leo cây”.
Nhiễm Địch nhìn vẻ thất vọng của Lang Trung không nói gì, không xuống xe, cũng không nói lời tạm biệt.
Cô ấy đưa tôi đến bữa tiệc do Nhất Phong tổ chức.
Chuyến thăm viếng đột xuất của Nhiễm Địch vốn luôn xa cách người khác khiến mọi người đều vui mừng quá sự mong đợi, sự hoạt náo được tăng thêm một chút.
Trong lúc đang hò hét vui chơi, tôi thấy Nhiễm Địch đứng trước cửa sổ, khuôn mặt bình thản nhìn ra bên ngoài, ôm quyển tạp chí lộn ngược trong lòng.
Đến bốn giờ sáng, Lang Trung gọi điện cho tôi, tôi nghe máy, anh nói khẽ: “Dế con, Vương Âu đã ly dị anh, em muốn đến với anh không?”
Tôi ngắt điện thoại, thản nhiên nói với Nhiễm Địch: “Thật là, giờ này còn có người gọi nhầm điện thoại”.
Nhiễm Địch liếc qua tôi, mỉm cười nói: “Chắc chắn là Lang Trung”.
Tôi chán nản thừa nhận là anh ấy.
Nhiễm Địch hỏi: “Anh ấy… nói gì vậy?”
Tôi thật thà kể lại, Nhiễm Địch chẳng nói năng gì.
Chính đêm đó, Lang Trung đặt vé máy bay ngày hôm sau về Thành Đô.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.