Bạn đang đọc World War Z: Cảnh Báo
Đại Trùng Khánh – Liên bang thống nhất Trung Quốc
Trước khi chiến tranh nổ ra, dân số tại đây đạt ngưỡng hơn 35 triệu dân, nay cả thảy thậm chí còn chưa tới 50.000 người. Tiền vốn dành cho việc tái xây dựng luôn đến chậm ở những nơi như thế này trong cả nước vì chính phủ đang tập trung vào các khu vực đông dân ven biển. Ở đây chẳng có cái gọi là lưới điện trung tâm hay hệ thống sông ngòi chảy qua ngoài độc con sông Trường Giang. Tuy nhiên những con đường nay đã sạch bóng các đống đổ nát và “hội đồng an ninh” cũng ngăn chặn kịp thời mọi trận bùng phát thời hậu chiến. Chủ tịch của Hội đồng an ninh là ông Quang Kinh Sơ, một bác sĩ y khoa – người bất chấp gánh nặng tuổi già và thương tật chiến tranh, vẫn tận tình khám chữa bệnh tận nhà cho mọi bệnh nhân của mình.
Trận bùng phát dịch đầu tiên mà tôi chứng kiến là tại một ngồi làng vùng cao không có cái tên chính thức. Dân cư gọi nó là “Tân Đại Xưởng”, nhưng cái danh này phần nhiều lại mang ý nghĩa xuất phát từ hoài niệm quá khứ. “Cựu Đại Xưởng”, ngôi làng trước đây của họ, đứng với lịch sử từ thời Tam Quốc tranh hùng mang theo mình những mái nhà, những thửa ruộng, những hàng cây có tuổi đời đến hàng thế kỷ. Khi đập Tam Điệp hoàn thành và nước hồ chứa bắt đầu dâng, toàn làng Đại Xưởng được tháo dỡ tới từng viên gạch để rồi xây lại trên thế đất cao hơn. Tuy nhiên ngôi làng Tân Đại Xưởng bấy giờ chẳng còn gì ngoài danh phận của một “bảo tàng lịch sử”.
Nó chắc hẳn là một sự trớ trêu tới quặn lòng cho những người dân nghèo, những người dân thấy quê hương mình được cứu để rồi trở thành một nơi cho thiên hạ thăm quan thưởng ngoạn. Nhưng đó có thể là lý do cho việc họ đặt tên nơi đây là “Tân Đại Xưởng”, mang mong muốn gìn giữ phần nào mối liên kết với di sản quá khứ, cho dù chỉ qua cái tên. Cá nhân tôi chưa từng biết sự tồn tại của “Tân Đại Xưởng” nên cậu có thể thấy tôi đã mơ hồ ra sao khi điện thoại gọi tới.
Bệnh viện khá im ắng trong đêm đó, một đêm trôi qua rất chậm, ngay cả ở cái thời mà số lượng ca cấp cứu do lái xe khi say xỉn đang ngày một tăng. Xe máy lúc đó là một phương tiện phổ biến, và chúng tôi thường nói với nhau rằng số lượng thanh niên Trung Quốc chết bởi chiếc Harley-Davidsons còn nhiều hơn cả số lính tráng hy sinh tại mặt trận Triều Tiên. Đó là lý do tại sao tôi rất thích một ca trực im lặng. Tuy vậy, tôi bắt đầu thấm mệt với đôi chân và cái lưng đau nhức. Nhưng khi đang trên đường ra ngoài ban công để hút điếu thuốc và ngắm mặt trời mọc thì bất ngờ tôi nghe tên mình được xướng lên. Cô y tá trực đêm đó mới vào làm và gần như không hiểu được tiếng địa phương của bệnh nhân nên không rõ đó là một ca cấp cứu vì tại nạn hay do ốm đau bệnh tật. Nhưng rõ ràng đây là một trường hợp rất khẩn cấp và cần chúng tôi giúp đỡ ngay lập tức.
Nhưng tôi có thể nói gì đây? Những bác sĩ ít tuổi hơn, những đám trẻ ranh Trung Quốc nghĩ rằng ngành y là con đường để đắp đầy tài khoản ngân hàng, hẳn nhiên sẽ chẳng tới tận nơi và ra tay giúp đỡ một gã “dân quê” đơn thuần chỉ vì tấm lòng.
Có lẽ việc đi tới tận nơi cứu chữa là vì bên trong sâu thẳm tôi vẫn nghĩ mình là một con người mang tinh thần cách mạng. “Nghĩa vụ của chúng ta là phải có trách nhiệm với nhân dân”. Những câu từ đó vẫn còn đôi chút ý nghĩa, và bản thân tôi vẫn cố gắng gợi nhớ lại chúng mỗi khi chiếc Deer của mình nhảy lên xuống trên những con đường sỏi đá mà chính phủ hứa mãi chưa thấy sửa.
Tôi mất không biết bao nhiêu thời gian để tìm ra nơi đó. Chính thức thì ngôi làng này không hề tồn tại và vì thế, nó cũng chẳng xuất hiện trên bản đồ. Tôi lạc đường mất mấy lần và phải hỏi đi hỏi lại dân địa phương, những người vẫn nghĩ rằng tôi muốn tới “bảo tàng của thị trấn”. Lúc đó tâm trạng tôi trở nên mất bình tĩnh, và khi tới được ngôi làng nằm trên đồi, tôi nhớ mình nghĩ trong đầu: “Mấy cái chuyện chết tiệt này mà không đáng công sức thì..”. Nhưng khi nhìn thấy vẻ mặt của dân làng, tôi ngay lập tức hối hận.
Họ có bảy người, tất cả nằm trên chiếu và không còn tỉnh táo. Dân làng đã chuyển họ tới Hội trường xã mới được xây, hầu hết tường mới chỉ trát xong lớp xi măng. Không khí bên trong khá lạnh và ẩm. Tôi nghĩ thầm: “Tất nhiên là họ mắc bệnh rồi” nên quay sang hỏi những người dân làng rằng ai đã chăm sóc cho các bệnh nhân trước khi tôi tới. Họ nói là chẳng ai cả và bảo rằng chuyện đó “không an toàn”.
Tôi nhận ra là cửa Hội trường đã bị khóa chặt từ bên ngoài và có thể thấy người dân xung quanh đang vô cùng hoảng sợ. Họ túm tụm với nhau và thì thầm, số khác giữ khoảng cách và cầu nguyện. Thái độ của họ thực sự làm tôi tức giận, không phải trực tiếp tới họ, cậu biết đấy, không phải qua từng cá nhân mà thực tế là qua những gì họ thể hiện dưới bộ mặt của đất nước này. Một đất nước với những gã nông dân đần độn, trì trệ và mê tín như cái thời kỳ đầu của Ngưỡng Thiều man di mọi rợ.
Tôi vẫn còn lạc lối trong đầu óc của mình với những suy nghĩ chỉ trích khi quỳ xuống khám xét cho bệnh nhân đầu tiên. Cô ấy bị sốt rất cao, tới tận 40 độ C trong khi co giật một cách rất dữ dội. Gần như không còn tỉnh táo, cô rên nhẹ khi tôi cố gắng di chuyển chân tay. Tôi phát hiện một vết thương nhỏ bên cánh tay phải, một vết cắn. Khi nhìn kỹ hơn, tôi nhận ra vết cắn không phải của động vật. Chu vi và dấu răng cho thấy vết thương bị gây ra bởi một người có vóc dáng nhỏ, có thể là trẻ em. Mặc dù giả thuyết của tôi chỉ ra đây là nguồn gốc của việc lây nhiễm thì lạ thay, vết thương hoàn toàn sạch sẽ.
Một lần nữa tôi quay sang hỏi dân làng là ai đã chăm sóc bệnh nhân, và một lần nữa, họ trả lời là chẳng ai cả. Tôi biết điều này không phải là sự thật. Miệng của con người là nơi chứa nhiều loài khuẩn gây bệnh, thậm chí còn nhiều hơn cả một con chó. Vì thế nếu không ai chăm sóc những bệnh nhân này, vậy tại sao vết thương không bị sưng tấy vì nhiễm trùng?
Tôi khám sáu bệnh nhân còn lại. Tất cả đều cho thấy các triệu chứng và vết cắn giống nhau trên đủ bộ phận cơ thể. Tôi chỉ thằng vào một người trong số dân làng mà hỏi, người tôi cảm thấy vẫn còn tỉnh táo nhất, rằng ai hay cái gì đã gây ra những vết thương này? Anh ta trả lời rằng chuyện này xảy ra khi mọi người cố gắng kiềm chế “nó”.
“Ai?” – Tôi hỏi.
Cuối cùng tôi cũng thấy “Patient Zero” (Bệnh nhân số 0, là bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm virus trong một đợt dịch bệnh) đằng sau một cánh cửa khóa chặt của một ngôi nhà bỏ hoang đầu bên kia làng. Cậu bé mới có 12 tuổi. Cổ tay và chân cậu bị buộc với dây nilon gói hàng. Nhưng dù cậu ta kéo giật dây tới tróc lật da, lạ thay lại chẳng hề có chút máu. Máu cũng không chảy ra từ các vết thương khác trên người cậu bé, không ở các vết loét trên tay chân, hay thậm chí là từ khoảng trống đã khô máu nơi ngón cái của cậu “từng” ở đó. Cậu vần qua lại như một con thú trong khi miếng rẻ bịt mồm nén lại phần nào tiếng gầm gừ.
Ban đầu dân làng ngăn tôi lại và cảnh báo rằng đừng nên chạm vào cậu bé, rằng cậu đang bị “nguyền rủa”. Nhưng tôi gạt họ sang bên, với lấy đôi găng tay và khẩu trang của mình. Da cậu ta lạnh toát và xám xịt như chính sàn nhà nơi cậu đặt lưng. Tôi chẳng thể tìm ra mạch hay nhịp tim. Mắt cậu ta hoang dại, mở lớn và hút sâu vào trong hốc, khóa chặt tới tôi như đôi mắt của thú săn mồi. Trong suốt quá trình khám xét, cậu ta hành động bạo lực một cách cực kỳ khó hiểu, cố gắng vồ lấy tôi với đôi tay bị trói chặt và cắn đớp liên hồi bất chấp mồm nhét giẻ kín…