Bạn đang đọc World War Z: Giới thiệu
Chương I: Giới thiệu
Nó có vô vàn những cái tên, “Đại khủng hoảng”, “Năm tháng tăm tối”, “Cơn đại dịch biết đi” cũng như những cái danh mới lạ và nghe “thảm thiết” hơn như “Thế chiến Z” hay “Chiến tranh Z lần thứ nhất”. Cá nhân tôi thì không hề thích cái danh đặt cuối cùng vì dường như nó ám chỉ điều không thể tránh khỏi – “Chiến tranh Z lần thứ hai”. Với tôi, nó luôn là “Đại chiến Zombie”.
Trong khi nhiều người có thể tranh cãi về tính xác thực khoa học xung quanh chữ “Zombie” thì họ sẽ cảm thấy miễn cưỡng khi biết rằng thế giới ngoài kia đang chấp nhận nó nhiều hơn, chấp nhận cái định nghĩa về một loài sinh vật suýt chút nữa khiến chúng ta tuyệt chủng.
Zombie vẫn là một cái tên đáng sợ, mang quyền năng vô song khi gợi lại biết bao ký ức và cảm xúc. Và chính những ký ức cảm xúc đó… là chủ đề của cuốn sách này.
Cuốn sách ghi nhận cuộc xung đột lớn nhất trong lịch sử con người lại nợ sự sinh thành ở một cuộc xung đột nhỏ bé và mang tính cá nhân hơn rất nhiều, cuộc xung đột giữa tôi và vị Chủ tịch Ủy Ban Báo Cáo Thời Hậu Chiến trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Ban đầu, công việc của tôi tại Ủy Ban chưa bao giờ liên quan tới cái gọi là “tình yêu”. Những gì tôi có là vài ba đồng phí đi lại, thẻ an ninh, pin cho kim từ điển cũng như chiếc máy ghi âm kích hoạt bằng giọng nói tuy nhỏ nhưng vô cùng quý giá, món quá lớn nhất mà một kẻ đánh máy chậm chạp như tôi có thể đòi hỏi… tất cả số chúng đều nói lên sự tôn trọng của tôi dành cho công việc này. Vậy nên chẳng cần phải nói cũng biết tôi đã sốc ra sao khi thấy nửa số thành quả của mình bị xóa sạch khỏi bản báo cáo cuối cùng.
“Nó mang quá nhiều tính cá nhân” – Bà Chủ tịch Ủy ban lên tiếng ở một trong nhiều những cuộc tranh luận “sôi nổi” giữa chúng tôi.
“Có quá nhiều những ý kiến, có quá nhiều những cảm nghĩ. Đó không phải là những điều mà bản báo cáo này hướng tới. Cái chúng ta cần là những sự kiện và con số, những thứ không bị che phủ bởi yếu tố con người”.
Tất nhiên là bà ta hoàn toàn đúng. Một bản báo cáo là tập hợp của cả tá những dữ liệu khô cứng nhằm mục tiêu “ghi nhận thông tin hậu chiến”, cho phép thế hệ tương lai có quyền học hỏi kinh nghiệm ở 10 năm tan thương đã qua mà không bị ảnh hưởng bởi yếu tố con người.
Nhưng chẳng phải cái “yếu tố con người” kia đang là thứ gắn kết chúng ta tới ngọn nguồn quá khứ? Liệu thế hệ tương lai có quan tâm tới ngày tháng năm hay số lượng thương vong, những thứ hoàn toàn không giúp gì được họ? Bằng việc loại bỏ yếu tố con người, chẳng phải chúng ta đang tự tách mình khỏi lịch sử, để rồi.. biết đâu… lặp lại sai lầm một lần nữa? Và cuối cùng, chẳng phải “yếu tố con người” là điều khác biệt thật sự ngăn cách loài người với kẻ thù, sinh vật mà nay chúng ta gọi bằng cái tên “Xác sống”?
Tôi đề đạt ý kiến, có lẽ mang phong thái phần nhiều thiếu chuyên nghiệp tới “bà sếp” của mình, người sau khi nghe xong trường ca “chúng ta không thể để những câu chuyện đó chết” đã tức thì trả lời: “Vậy thì đừng để chúng chết. Hãy viết một cuốn sách. Anh vẫn có những tài liệu của mình và quyền tự do sử dụng chúng. Ai có thể ngăn anh giữ những câu chuyện đó sống mãi trong trang sách của chính mình?
Một vài nhà phê bình, chẳng lạ thay, sẽ thấy mình có vấn đề với thể loại sách lịch sử cá nhân được ra mắt ngay sau ngày tàn của cuộc đại chiến thế giới. Suy cho cùng, cũng mới chỉ 12 năm kể từ khi chiến thắng đặt chân lên Châu Mỹ và gần 10 năm kể từ lần cuối cùng người ta thấy một thế lực lớn ca khúc ca khải hoàn. Nếu nhiều người cho rằng VC Day là ngày chính thức cho dấu chấm hết của chiến tranh, vậy thì chúng ta làm sao có được một cái nhìn đúng đắn khi mà.. theo cách nói từ một đồng nghiệp của tôi tại Liên Hiệp Quốc.. “Thời gian chúng ta hưởng thái bình cùng đã ngang bằng với thời gian chúng ta chinh chiến.” Đó là một luận điểm xác đáng và nó đòi hỏi một câu trả lời.
Xét tới thế hệ này, cái thế hệ mà đã chiến đấu và hy sinh để đổi lại một thập kỷ hòa bình, thì thời gian là kẻ thù cũng như khi gã là đồng minh của chúng ta vậy. Vâng, những năm tháng tới đây sẽ cho ta một thước ngắm, cho ta một biển kiến thức sánh ngang với ký ức vốn đã bước qua ánh sáng thời hậu chiến, nơi thế giới đã trưởng thành hơn. Nhưng biết đâu nhiều trong số những ký ức đó đã chẳng còn tồn tại, bị khóa kín trong thân xác và linh hồn quá đỗi tổn thương, quá đỗi tàn tệ mà chẳng thể thấy ngày chất nhựa chiến thắng được hút cạn.
Chẳng phải là bí mật gì quá lớn khi biết tằng tuổi thọ con người nay chỉ là cái bóng của những con số thời tiền chiến. Suy dinh dưỡng, ô nhiễm, sự gia tăng của những vấn đề vốn đã bị xóa sổ trước đây, thậm chí ngay tại Hoa Kỳ, bất chấp thực tế hiện hữu là kinh tế và chăm sóc sức khỏe toàn cầu đang cải thiện hơn trước. Đơn giản chỉ là chúng ta chẳng có đủ nguồn lực để giải quyết mọi vết thương về thể xác và tinh thần. Tất cả do gã kẻ thù này, gã kẻ thù mang danh thời gian, gã kẻ thù mà bản thân tôi đã chối bỏ để công khai câu chuyện của những người sống sót. Có lẽ hàng thập kỷ sau, ai đó sẽ lại đảm đương trách nhiệm ghi chép lời kể của những người sống sót già cả và thông thái hơn nay rất nhiều. Và biết đâu tôi lại ở trong số họ.
Mặc dù cuốn sách này là cuốn sách của ký ức, nhưng nó còn chứa đựng thông tin chi tiết về công nghệ, xã hội, kinh tế cùng nhiều vấn đề khác bạn có thể thấy trong bản Báo Cáo của Ủy Ban… cũng như qua chính các câu chuyện, lời kể được lưu lại tại đây.
Đây là cuốn sách thuộc về họ, những con người còn sống sót. Nó chưa bao giờ là của tôi. Trên từng trang giấy, tôi cố gắng viết mình như một hình bóng vô hình khi có thể. Những lời phỏng vấn được viết tại đây đơn thuần chỉ để mạn phép mà thay thế cho câu hỏi có thể được đặt ra bởi người đọc. Những đánh giá và bình luận cá nhân theo bất cứ phương cách nào sẽ được tôi giữ cho riêng mình, và nếu đâu đó có cái “yếu tố người” cần phải loại bỏ, hãy loại bỏ những gì là của tôi.