World War Z

Cảnh Báo (2)


Bạn đang đọc World War Z: Cảnh Báo (2)

Hành động của cậu bé bạo lực và dữ dội tới độ tôi buộc phải gọi thêm hai người đàn ông to khỏe nhất làng tới giúp. Ban đầu họ chẳng dám nhúc nhích, chỉ đứng nép bên cánh cửa như những con thỏ non. Tôi buộc phải giải thích rằng nguy cơ lây nhiễm là không hề có nếu sử dụng găng tay và khẩu trang. Khi họ lắc đầu nhất quyết từ chối, tôi lập tức lớn tiếng ra lệnh bất chấp bản thân mình chẳng có cái quyền hạn nào để làm thế.

Tất cả chỉ cần có vậy. Hai “con bò cứng đầu” quỳ xuống bên cạnh tôi. Một giữ chân cậu bé trong khi người còn lại nắm chặt tay. Tôi cố gắng lấy mẫu máu nhưng tất cả những gì có được chỉ là một thứ chất lỏng màu nâu nhày nhụa. Ngay khi rút xi-lanh ra ra khỏi người, cậu bé lên cơn vùng vẫy một lần nữa.

Tay “trợ tá” của tôi, người chịu trách nhiệm giữ tay cậu bé, đã tự quyết rằng mọi chuyện sẽ an toàn hơn nếu lấy đầu gối đè tay cậu ta xuống sàn. Nhưng bệnh nhân nhỏ tuổi lại vùng dậy một lần nữa, và lần này… tôi có thể nghe rõ tiếng xương tay gãy đôi. Phần đầu nhọn của cả xương quay và xưởng khuỷu tay bị vặn gãy đâm thủng lớp da thịt xám xịt. Và cho dù cậu ta chẳng kêu gào tới một tiếng khóc hay thậm chí nhận ra thương tổn của bản thân, cảnh tượng thôi cũng đã là quá đủ để hai người đàn ông lực lưỡng quay đầu và chạy thục mạng khỏi căn phòng.


Theo bản năng tôi cũng nhảy lại vài bước. Thật xấu hổ khi phải thừa nhận điều này.. Tôi là một bác sĩ trong gần cả cuộc đời mình, tôi được đào tạo.. thậm chí cậu có thể nói tôi được “nuôi nấng” bởi Quân Đội Giải Phóng. Tôi đã chữa trị còn nhiều hơn cả thương tổn của chính bản thân, đối mặt với cái chết một lần chưa kể hết. Nhưng giờ đây tôi sợ hãi, sợ hãi một cách thực sự, sợ hãi trước một đứa trẻ đang bệnh tật.

Đứa trẻ bắt đầu quay về hướng tôi với cánh tay hoàn toàn đứt lìa. Thịt và các múi cơ bị xé toạc chừa lại gốc chi cụt. Cánh tay phải nay đã chẳng còn ai giữ lại, nắm lấy khúc tay trái, cố gắng kéo thân hình cậu ta lê lết trên sàn nhà.

Lập tức chạy ra ngoài và đóng sập cánh cửa phía sau lưng, tôi cố gắng kiềm chế sự sợ hãi và nhục nhã của bản thân mình. Giọng tôi vẫn còn run khi hỏi dân làng bằng cách nào mà cậu bé lại bị nhiễm bệnh. Nhưng chẳng ai trả lời. Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng động nơi cánh cửa sau lưng, tiếng nắm đấm yếu ớt của cậu bé đập trên lớp gỗ mỏng. Lúc đó những gì tôi có thể làm là không nhảy dựng lên khi nghe thấy âm thanh rợn người và ước xin đừng ai nhận ra cái sắc hồng đỏ đang dần hút cạn trên gương mặt tôi. Tôi gào lên, với nỗi sợ và cơn tức giận, rằng mình phải biết chuyện gì đã xảy ra với cậu bé.

Một người phụ nữ bước lên, dường như là mẹ cậu ta. Tôi có thể nhận ra cô đã khóc trong nhiều ngày với đôi mắt khô mang màu đỏ thẫm. Cô kể rằng chuyện xảy ra khi cậu bé cùng cha mình đi “câu trăng”, cái từ người ta vẫn dùng để chỉ việc lặn tìm kho báu trong những phế tích cổ chìm sâu dưới lòng hồ chứa đập Tam Điệp. Với hơn một ngàn một trăm ngôi làng, thị trấn và thậm chí là cả thành phố bị bỏ lại, người ta luôn có hy vọng rằng mình sẽ tìm thấy một thứ gì đó giá trị dưới lòng nước. Ngày đó việc này là khá phổ biến và tất nhiên là hoàn toàn trái pháp luật. Nhưng người phụ nữ giải thích rằng chồng con cô không tới đó để đánh cắp, mà nơi họ tới chính là ngôi làng xa xưa, ngôi làng Cựu Đại Xưởng của họ, và họ cũng chỉ muốn tìm lại đồ đạc thừa tự từ những ngôi nhà chưa bị dời đi mà thôi. Cô liên tục lặp đi lặp lại điểm này, khiến tôi buộc phải cắt ngang và hứa rằng sẽ không báo công an. Cuối cùng cô mới giải thích rằng cô thấy con mình chạy về nhà khóc lóc cùng vết cắn trên bàn chân, nói mình không hề biết chuyện gì xảy ra vì lòng nước quá tối và đục. Người cha cũng mất tích kể từ đó.


Tôi lập tức lấy chiếc điện thoại di động và bấm số bác sĩ Cố Văn Quý, một đồng chí cũ của tôi thời còn đi bộ đội và nay đang làm việc tại Viện nghiên cứu bệnh Truyền Nhiễm thuộc Đại Học Trùng Khánh. Chúng tôi qua lại vài chuyện phiếm, hỏi han sức khỏe, con cái cháu chắt của nhau – tất cả chỉ để cho có lệ. Sau đó tôi cho anh hay về đợt bùng phát dịch và nghe anh đối đáp bằng vài ba câu chuyện cười xung quanh cái thói quen vệ sinh của người miền núi. Tôi cố gắng cười xã giao nhưng trong lòng tự nhủ rằng sự việc có thể mang tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Gần như miễn cưỡng, anh bạn tôi hỏi lại về các triệu chứng bệnh. Tôi kể hết, tôi kể mọi thứ: từ vết cắn, cơn sốt, rồi cậu bé, cho tới chuyện cánh tay… Và bỗng nhiên khuôn mặt anh cứng đờ. Tiếng cười của anh cũng tắt lịm.

Anh lập tức đòi tôi cho xem các bệnh nhân. Tôi quay chiếc camera điện thoại về mỗi người bệnh. Anh nói tôi đặt điện thoại gần hơn vào các vết thương. Tôi làm theo, và khi nhìn lại màn hình, tôi thấy đầu kia hình ảnh video đã tắt tự lúc nào.


“Ở yên đó!”. Tiếng anh xa dần: “Lấy tên của tất cả những ai đã tiếp xúc với bệnh nhân. Kiểm soát những ai đã bị nhiễm bệnh. Nếu đã có ai rơi vào tình trạng hôn mê, hãy rời bỏ căn phòng và tìm lối ra ngay lập tức.” Tiếng anh quả quyết, máy móc như thể anh đang thuật lại từ một thông báo hay tài liệu nào đó. Anh hỏi tiếp: “Cậu có súng không?” Tôi đáp: “Mình có thì để làm gì cơ chứ?”. Anh nói là anh sẽ gọi lại cho tôi một lần nữa về tất cả những chuyện này. Anh bảo anh phải gọi vài cuộc điện thoại và dặn tôi “hỗ trợ” có thể tới trong vài giờ đồng hồ nữa.

Nhưng chẳng cần tới một giờ đồng hồ để họ tới đây. Chừng 50 người trên vài chiếc trực thăng quân đội Z-8A. Họ nói mình là người của Bộ Y Tế. Họ nghĩ họ đang nói dối ai cơ chứ! Với dáng đi nạt nộ đầy vẻ dọa dẫm, ngay cả mấy gã nhà quê ở cái vùng chó ăn đá gà ăn sỏi này cũng có thể nhận ra một tay của Bộ An Ninh Quốc Gia.​
Liệu vị bác sỹ có trốn chạy được khỏi cơn đại dịch đang âm ỉ? Liệu những tay ở Bộ an ninh quốc gia dưới vỏ bọc của nhân viên y tế sẽ làm gì những con người nơi đây? Thanh trừng để ém nhẹm và bịt miệng nhân chứng, vật chứng?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.