Đọc truyện Tục làng – Chương 3
Đền thờ rất rộng, nhưng bài trí cũng không có gì nhiều. Nói đến mấy đồ vật đáng kể, thì chỉ có một bàn thờ đẽo bằng gỗ lim; chiếc bàn nhìn như là án hương, kê cách đó một đoạn; còn thêm cả một sập gỗ gụ đặt ở mé trái. Cửa ngách đóng chặt. Không biết phía sau còn chứa vật gì không. Lúc này có khoảng mươi người, đang ngồi xếp bằng trên tấm chiếu trải giữa đền. Đàn ông thì vận áo dài đen, khăn xếp ngay ngắn. Phụ nữ thì mặc áo tấc màu đỏ, tóc uốn gọn gàng. Họ lầm rầm trò chuyện trong không khí đẫm mùi nến và hương nhang. Dường như như đang bàn luận một chuyện trọng đại nào đó. Thằng bé con chạy vào, ghé tai một người đàn ông, nhỏ giọng nói. Bốn phía bỗng chốc lặng ngắt như tờ.
Những người ngồi dưới chiếu lục tục đứng dậy. Họ xếp thành hai hàng, chính giữa là án hương. Tất cả đầu cúi gằm. Như đang chờ đợi. Chưa quá đôi phút, từ cửa chính thấy người phụ nữ đi vào. Theo sau là người đàn ông đang ôm lấy một “người” khác. Bộ dáng chậm rãi khoan thai. Như sợ người trong lòng bị động mà tỉnh. Mà cũng như sợ chạm vào thứ gì đó không nên.
“Lạy cậu.”
“Lạy cậu.”
Cửa ngách mở ra, một người vận áo tấc đỏ đi tới. Người này trang điểm rất đậm. Cả mặt đánh phấn trắng bệch, lại thêm màu son đỏ tươi như máu. Khiến cho người ta liên tưởng tới người chết khi được trang điểm. Dáng dấp lại mảnh mai yểu điệu như con gái. Nhưng khi mở miệng nói mới thấy, chất giọng trầm khàn của đàn ông. Cổ áo không cao lắm, còn có thể thấy được yếu hầu đang chuyển động.
“Mọi thứ đã chuẩn bị xong. Xin phép cậu, chúng con đưa ngài đi làm lễ mộc dục(*)…”
“Ừ phải, phải làm lễ mộc dục chứ.” Mân Doãn Kỳ lẩm bẩm, lại chuyển người trong lòng cho anh ta. Ánh mắt ba phần luyến lưu, bảy phần không nỡ. Nhưng cuối cùng vẫn trơ mắt nhìn người nọ bị mang đi. Đôi chân đung đưa khuất sau cửa ngách.
Người phụ nữ chờ khi Mân Doãn Kỳ an tọa ở sập bên mé trái, mới nhẹ nhàng bước tới bên án hương. Dưới chiếu hẵng còn một chiếc đĩa, bên trong có hai đồng tiền trinh; có lẽ là không kịp dọn trước khi họ tới. Người phụ nữ ngẩng phắt đầu, nhìn lướt hai hàng người, trầm giọng hỏi, “Ai gieo quẻ?”
Không ai đáp lại. Tay áo họ khẽ đưa. Không rõ là vì gió thổi hay vì đang run sợ. Mân Doãn Kỳ ngồi ngay trên sập, lúc này mới lại lên tiếng, “Ai còn lưỡi thì nói đi.”
Thái độ của Mân Doãn Kỳ rất bình tĩnh, còn như thờ ơ. Thế nhưng hầu như những người ở đây đều biết, đó là một lời cảnh cáo. Một số người nhớ tới cái cảnh lưỡi mình bị rút ra, máu me đầy miệng. Vị tanh ngày đó dường như vẫn ám quanh khứu giác của họ, khiến họ cảm thấy buồn nôn. Nỗi đau khi bị mất đi một phần máu thịt. Đau đến mức chẳng thiết sống, mà vẫn cứ phải chịu đựng kéo chút hơi tàn.
Một gã đàn ông lập cập bước ra khỏi hàng. Y quỳ xuống chiếu, hết lạy lục người phụ nữ kia, lại hướng sang Mân Doãn Kỳ, hai tay chắp vào nhau, “Lạy bà, lạy cậu, chúng con đâu dám…”
“Quẻ gieo thế nào?” Mân Doãn Kỳ bất chợt hỏi. Người phụ nữ đi đến bưng chiếc đĩa lên. Nhìn thấy kết quả cũng khiếp hết hồn vía.
“Thưa cậu… nhất âm nhất dương.”(**)
“Nói xem, vừa nãy các ngươi hỏi bề trên điều gì vậy?” Mân Doãn Kỳ hướng tới gã đàn ông đang run như cầy sấy. Cũng chỉ coi đây là màn thẩm vấn để tiêu khiển. Hắn còn đang chờ người trong kia. Em đang tắm rửa. Để lại một mình hắn ở đây, thật buồn chán.
Lần này, ngay cả người phụ nữ kia cũng run rẩy. Lồng ngực bà ta phập phồng, chừng như cũng đã biết lũ người kia hỏi điều gì. Làng Triêu Tịch nếu như gieo quẻ, thì đều sẽ hỏi bề trên một câu.
“Bao giờ Mân gia lụi tàn
Triêu Tịch lửa cháy, để rời chốn này.”
_
(*) Lễ mộc dục: Là bước đầu tiên trong việc tổ chức tang lễ. Hiểu đơn giản là tắm cho người chết.
(**) Xin đài âm dương: Dùng hai đồng tiền trinh để hỏi ý kiến thần linh. Khi gieo quẻ, sẽ có ba trường hợp xảy ra:
1. Hai đồng đài đều sấp cả: nghĩa là không được, không đồng ý, không chấp nhận.
2. Hai đồng đài đều ngửa cả : nghĩa là có sự thiếu sót gì đó, còn phải xem xét chưa phê chuẩn, chưa đồng ý.
3. Một đồng sấp, một đồng ngửa: nghĩa là nhất âm nhất dương = sự việc được chấp nhận, bề trên đồng ý theo sự kêu cầu.
Thường thì gieo quẻ chỉ được phép tối đa 3 lần, sau 3 lần đó thì sự sai đúng thành vô nghĩa, không còn chuẩn xác nữa.
( theo .tuvikhoahoc.com )