Tục làng

Chương 4


Đọc truyện Tục làng – Chương 4

“Thế nào? Mấy năm rồi vẫn chỉ có câu khấn ấy sao? Thầy đồ Phạm trước kia lều chõng đi thi, không phải suýt cũng qua được kì nhất kinh đấy à?” Mân Doãn Kỳ hơi hơi ngả người về phía sau, mắt liếc gã đàn ông đang quỳ dưới chiếu, hai tai đã đỏ như rỏ máu. “Hay tại lâu ngày không đụng bút mực nghiên sách, nên cũng chẳng còn mấy chữ? Ôi chao, ta nói này, đồ Phạm ạ, giá mà năm ấy ông quyết chí hơn tí nữa, có khi tên tuổi cũng đã được đề trên bảng Thám hoa(*)…”
Người thầy đồ Phạm run rẩy dữ dội. Vì cúi gằm mặt, nên chẳng mấy ai để ý ánh mắt ông ta chẳng còn sợ hãi, thay vào đó là thù hận ngút trời. Việc thi trượt ngay từ kì nhất kinh năm ấy vẫn luôn là cái gai canh cánh trong lòng ông ta, bao nhiêu năm vẫn chưa thể nguôi được. Thời trẻ, thầy đồ Phạm dốc hết sức lực vào sách vở, lại luôn có ý nghĩ mình tài trí hơn người, ai ngờ giấc mộng của ông ta lại tàn nhanh như thế, thậm chí nó còn chưa kịp nở, đã bị những hiền tài khác đè bẹp ngay tại vòng đầu. Đây là nỗi nhục cả đời, cũng là vết đau mà ông ta không bao giờ muốn rớ tới.
Thế mà bây giờ, lại bị Mân Doãn Kỳ khơi ra nhẹ như không.
“Thôi thôi…” Mân Doãn Kỳ phất tay, ý bảo chuyện tới đây kết thúc. “Xem giờ, chắc thứ đồ ấy cũng phải được đưa đến rồi chứ? Bà Loan, bà xem thế nào,…”
Mân Doãn Kỳ mới chỉ nói như thế, bà Loan đã cuống quýt đứng dậy, như người đang kinh sợ trong ác mộng lại bất thần bị lay tỉnh. Bà khẽ quát vào trong, “Thằng Tí đâu? Mau mang tự(**) của cậu và ngài ra đây cho cậu xem!”
Nghe thấy bên kia cửa có tiếng lộc cộc, sau đó thằng cu Tí khệ nệ bưng một chiếc khay gỗ, bên trên có một món đồ gói bằng vải đỏ. Qua ánh nến mù mờ, màu đỏ ấy như phát sáng, thể như cất giấu một kho báu nào đó. Thằng Tí đã nắm được quy cách, khẽ khàng đặt khay xuống sập, ngay cạnh chỗ cậu Mân đang ngồi. Nó chẳng nói câu gì, chỉ há mồm ê a như chào hỏi. Mân Doãn Kỳ gật đầu cười với nó, ra hiệu cho lui xuống, cũng làm như không nhìn thấy cái lưỡi cụt ngủn trong miệng thằng cu Tí. Hắn ung dung tháo mở nút buộc. Lúc vải bọc rơi ra, mới thấy rõ trong khay, hóa ra lại là hai cái bài vị.
Không khí bỗng chốc trở nên lạnh ngắt. Hương nến và nhang mịt mù, như cuốn tất cả bọn họ vào một chốn không thực.

Và rồi như rất nhiều lần trước đó, Mân Doãn Kỳ vuốt ve mấy chữ thiếp vàng trên bài vị. Đây là tên của hắn, Mân Doãn Kỳ. Còn chiếc kia cũng đề tên em ấy, Trịnh Hiệu Tích. Bài vị làm bằng gỗ mít lâu năm, còn thoảng mùi sơn quét. Khung bài vị được chạm khắc tỉ mỉ, vừa nhìn đã biết, để làm ra chúng, phải tốn kém không ít tâm tư.
Mân Doãn Kỳ thở dài một hơi, vẻ mặt thỏa mãn. Cậu Mân thường ngày không ra khỏi nội phủ, chỉ có tháng Bảy này mới xuất hiện. Mà bao năm vẫn thế, những người ở đây vẫn thấy cậu ta tình nùng mật ý mà nhìn hai cái bài vị kia, chẳng quản chữ trên bài vị thậm chí còn không tuần tự Qủy – Khốc – Linh – Thính(***). Cái sự cố chấp này của cậu Mân, đem làng Triêu Tịch trở thành chốn xa hoa nhường ấy; mà cũng đem làng Triêu Tịch trở thành địa ngục trần gian.
“Đẹp, đẹp lắm.” Mân Doãn Kỳ tấm tắc khen, sau liền đứng dậy, cũng không cần ai giúp, ôm hai chiếc bài vị tới bàn thờ. Giờ mới để ý, bàn thờ lớn đến thế, như là bàn thở tổ vậy, nhưng lại chỉ có đúng hai chiếc bài vị. Trên đó cũng khắc y nguyên hai cái tên kia: Mân Doãn Kỳ, Trịnh Hiệu Tích. Thế nhưng Mân Doãn Kỳ vẫn tự tay lấy xuống, thay bài vị mới lên.
Mân Doãn Kỳ lặng người nhìn tên của mình và “Trịnh Hiệu Tích” đặt cạnh nhau. Qua một lúc, bỗng nhiên hắn đưa tay áo lên lau mắt. Mọi người đều không dám thở mạnh. Cứ cho cậu Mân xúc động hết hẵng. Nếu làm phiền cậu, có khi hèm đêm nay lại không hoàn thành nổi, bề trên trách phạt, chẳng ai đủ khả năng để gánh tội thay cả làng.
“Hiệu Tích à…” Mân Doãn Kỳ nghẹn ngào, đột ngột đưa hai tay về khoảng không phía trước, dường như muốn ôm ai đó. Hắn như nhìn thấy em ấy, giống như vô số lần trong giấc mộng kia. Hiệu Tích vận áo dài đen, cầm bút lông viết chữ. Khuôn mặt thanh tú của em mờ tỏ dưới ánh trăng, đẹp đến mức không thật. Và rồi, Hiệu Tích mỉm cười cúi đầu – mà trong mắt Mân Doãn Kỳ, hắn đã mặc định ấy là cái cúi đầu e thẹn của những người đang yêu.
“Cậu Hai…”
 Đúng lúc này, một giọng nói vang lên, đánh tan giấc mộng được thêu dệt chóng váng của Mân Doãn Kỳ. Người đàn ông mặt đầy phấn son khi nãy quay lại, trên tay ôm một “người” nữa, kính cẩn thưa.
“Lạy cậu, ngài đã làm lễ mộc dục xong. Xin đưa ngài trao lại cho cậu. Sau đó chúng con xin phép chọn người làm lễ, kẻo lỡ mất giờ, bề trên quở mắng…”
Mân Doãn Kỳ nhìn thấy “người” kia, nước mắt trên mặt cũng chẳng thèm lau, dường như vẫn đang trong cơn xúc động quá đỗi, nên động tác đón lấy có vẻ hung hăng. Thay vì nói là “nhận lại”, thì chi bằng nói là “giằng” khỏi tay người đàn ông kia.
“Xem nào, xem nào…” Mân Doãn Kỳ lẩm bẩm như kẻ tâm thần, tham lam ngửi mùi hương của người trong ngực. Mặc dầu mùi hương nguyên bản ban đầu đã mất, giờ chỉ còn ngửi thấy toàn là nước ngũ vị hương, nhưng hắn vẫn lấy làm khoái trá lắm. Mân Doãn Kỳ vạch mí mắt “người” ấy ra, thấy đôi đồng tử màu nâu lấp lánh, bèn cười xán lạn. “Được, được.”
“Còn chọn người, không cần nhọc công. Chẳng phải chúng ta còn một người khác đang rình mò bên ngoài kia ư?” Mân Doãn Kỳ ung dung nói. Tức thì bốn phía lặng ngắt như tờ.

Mân Doãn Kỳ đột ngột tung ra thông tin, khiến kẻ theo dõi không kịp phòng bị, lập tức giật mình mà té ngã. Một tiếng “rầm” vang dội, kéo theo tiếng kêu thê thiết của đàn quạ đen vẫn thường lượn qua lượn lại trên những mái nhà.
|
Âm thanh của cái chết khiến cho người ta sởn cả tóc gáy.
 
 
 
_
 

 
 
(*) Thám hoa: Một trong tam khôi. Tam khôi chia làm: Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa. Nghĩa là một kì thi lấy ba người đỗ cao nhất ứng với ba tước hiệu ấy.
(**) Tự: là tên. Bà Loan muốn tránh nói đến từ “bài vị”, nên mới thay bằng từ này.
(***) Qủy – Khốc – Linh – Thính: Khi xưa lúc làm bài vị, người ta đều tuân thủ điều này: số chữ trên bài vị phải được chia hết cho 4, hoặc chia cho 4 còn dư 3 (không được dư 1 hoặc dư 2) theo cách đếm tuần tự 4 chữ: Quỷ – Khốc – Linh – Thính; nếu là người nam thì phải vào chữ Linh (dư 3), người nữ phải vào chữ Thính (chia hết) là được. ( theo mynghedoisong.vn )
 


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.