Đọc truyện Tục làng – Chương 2
Khương Cảnh giấu nhẹm chuyện đã thấy ở phòng thiếu gia. Chị Hồng nhìn quầng thâm dưới mắt y, lờ mờ đoán ra có chuyện gì, nhưng cũng không hỏi. Cả ngày hôm sau trôi qua lặng lẽ. Nội phủ vốn dĩ trước nay đều rất im ắng, Khương Cảnh cũng không để ý lắm. Nhưng khi đi ngang qua căn phòng mà y từng ngày đêm khao khát muốn bước vào, cảnh tượng đêm qua lại hiện ra rõ mồn một, khiến Khương Cảnh không khỏi rùng mình. Rồi y lấy làm lạ. Lại băn khoăn, hay do mình hoa mắt nên mới thấy thế… Người như thiếu gia, muốn ai mà chẳng được, sao phải làm thế với một con búp bê cơ chứ?
Nhưng những gì do chính mắt mình chứng kiến, lại rất khó phủ nhận. Hơn nữa, Khương Cảnh không cách nào quên được hai tròng mắt trắng dã của “người” đó. Dù cho búp bê có làm tinh xảo tới mức nào, thì đôi mắt cũng sẽ tố cáo nó chỉ là một vật vô tri. Bởi vì, đó là cái khó ngụy tạo nhất.
Đi đi lại lại, chẳng mấy chốc đã xế chiều.
Chị Hồng khẽ khàng mở cửa bếp, thấy Khương Cảnh đang xắt hành, cũng không làm rộn, mà chỉ để một cái túi nhỏ lên bàn, nhắc nhở, “Này là phần muối và gạo của năm nay. Quản gia phát cho mỗi người làm một túi. Cậu nhớ phải luôn mang theo.”
Khương Cảnh ngẩng đầu, cười đáp, “Cảm ơn chị Hồng.”
Chị Hồng gật đầu, định rời đi. Nhưng ra đến cửa, lại chần chừ. Đứa nhỏ Khương Cảnh này là người tốt, nhưng lại quá tâm cơ. Người có tâm cơ trong nội phủ này không thiếu, nhưng mà ôm mộng hão huyền như Khương Cảnh thì… đã lâu rồi không có. Họ cũng như Khương Cảnh vậy, đều là người ngoài làng, vì nhiều lí do khác nhau mà lưu lạc tới Triêu Tịch. Chính thế, nên mới không hiểu.
Có rất nhiều điều không hiểu. Mà chị chỉ là kẻ dưới, không tiện nói nhiều.
“Khương Cảnh, cậu… ban đêm đừng ra ngoài. Quản gia đã cho mấy tên lính lệ nghỉ hết rồi. Nhỡ có xảy ra chuyện gì, cũng không có ai tới ứng giúp kịp thời đâu, biết chưa?”
“Cảm ơn chị Hồng, em biết rồi.” Khương Cảnh nở nụ cười vô hại, nhìn người phụ nữ rời đi. Cửa bếp được đóng lại rất khẽ.
Khương Cảnh nhìn con dao sáng bóng trên bàn, không khỏi nghĩ ngợi. Trước khi đến đây, y cũng nghe nói, làng Triêu Tịch bí ẩn lắm. Nhưng mà được tận mắt trải qua hèm của làng, thì lại là một vấn đề hoàn khác.
Khương Cảnh, suy cho cùng vẫn là người trẻ tuổi. Mà người trẻ tuổi, lại thường hay tò mò.
…
Nếu như bây giờ ra ngoài, có thể thấy được, đèn lồng treo ngoài phố đã được thắp sáng trưng. Ánh nến chiếu lên từng chuỗi vàng, ánh lên ánh sáng giàu sang chói mắt. Cửa các hộ dân xung quanh đều đóng kín. Trước cửa treo một tép pháo. Đi vài bước, lại thấy dán một chữ Hán cắt bằng giấy đỏ. Nhưng tịnh không một bóng người. Tiếng gió vù vù thổi qua, mang tới cảm giác lạnh lẽo thấu xương. Mà, chính bởi không có hơi người, nên dù có phô trương tới mấy, cũng chỉ thấy cảnh là phồn hoa điêu tàn. Trong không gian lạ lùng ấy, lại có tiếng giày tiếp xúc với mặt đường lát đá, vang lên “cộc cộc” đều đặn. Chừng như người đi rất bình tĩnh, không có vẻ gì là khẩn trương.
Có hai người ôm nhau. Bóng của họ đổ xuống mặt đường, kéo thành vệt dài màu đen. Bởi vì khoảng cách quá gần, nên hai chiếc bóng giống như bị trộn vào làm một, hình dáng vô cùng kì quái. Nếu nhìn kĩ, lại thấy người con trai đang ôm lấy người còn lại, bế lên rất cao. Cao tới mức chân người nọ không hề chạm đất. Bàn chân đi giày đỏ, lắc lư môt cách cứng nhắc trên khoảng không trống rỗng.
Từ khi hai người họ xuất hiện, ngoài tiếng lá khô và tiếng gió âm u, còn có thể nghe thấy tiếng trò chuyện khe khẽ. Người nọ ghé vào tai người đang được mình bế, thanh âm trầm thấp mà vui vẻ, “Kia… cả kia nữa… em có thích không?”
Người đó chỉ lên những chiếc đèn lồng được chế tác tinh xảo, thêm cả vàng ròng và pháo đỏ, không ngừng hỏi người được ôm trong ngực. Tuy không nói thẳng ra, nhưng vẫn cho người chứng kiến có cảm giác rằng, toàn bộ bài trí xa hoa này, đều là do người đó làm ra để lấy lòng người nãy giờ vẫn luôn im lặng kia.
Một đôi chân cứng ngắc đung đưa trong không khí. Không có tiếng đáp lại.
Làng Triêu Tịch không lớn. Đi một lúc, đã tới đền thờ.
Giờ đã là giờ Tý. Ngay cả trăng cũng bị mây che mất, sao trên trời lại không có lấy một ngôi. Khi hai người bước vào, bên trong đã có mấy người chờ sẵn. Một phụ nữ trung tuổi bận áo tấc(*) màu huyết dụ ra đón. Như đã ngầm ước định từ trước, bà không hề nhiều tới tới người vẫn duy trì im lặng kia, chỉ hướng người con trai họ, chắp tay cúi đầu.
“Lạy cậu.”
Sau lại quay sang, nói với thằng bé đứng ngay đó, “Vào trong thông báo, cậu Mân tới rồi.”
_
(*) Áo tấc: Áo cắt rộng, xẻ bên, với tay thụng dài bằng gấu, cài khuy bên phải như áo dài. Áo Tấc rất thông dụng, được mặc trong các lễ yết miếu, từ đường, việc hỷ, cũng như các việc thăm viếng quan trọng. ( theo hinhanhvietnam.com )