Trước vòng chung kết

Chương 3


Bạn đang đọc Trước vòng chung kết – Chương 3

Chương 3
– Nguyễn Hoàng Tân!
Cô giáo chấm cây viết vô cuốn sổ điểm và kêu lên. Mấy chục cặp mắt trong lớp đều dồn vô thằng Tân. Mấy đứa con gái ngồi bàn trên cũng quay đầu lại, dòm.
Nếu ở trên sân bóng, Tân là trung tâm chú ý của mọi người nhờ tài dẫn bóng nhuần nhuyễn của mình, thì ở trong lớp, nó cũng là trung tâm chú ý của tụi bạn nhờ cái “tài” lười học và nghịch ngợm có một không hai.
Mỗi lần bị gọi lên bảng để trả bài, nó luôn luôn chứng tỏ cho người khác thấy là không có ai trên đời kiên cường hơn mình, nghĩa là mặc cho cô giáo hỏi cả chục câu, nó vẫn nhất quyết không chịu “khai” lấy một chữ, dù rằng sau đó nó bị điểm 2 hoặc điểm 1 cũng đành. Nhứt là môn toán, mặc dù độ rày nó học có tiến bộ hơn, nhưng cứ mỗi lần bị kêu lên bảng giải toán là nó lại đứng trơ ra như phỗng. Cứ nghĩ tới ánh mắt của cô giáo và tụi bạn đang xoáy vô lưng mình, chăm chú dò xét từng cử động nhỏ nhặt nhứt của mình là Tân cảm thấy người nhột nhạt ngượng nghịu và quên tuốt tất cả những hiểu biết ít ỏi của mình về toán học. Thế là nó hết gãi đầu đến gãi cổ, gãi tai như muốn nói là tại người ngứa ngáy, nó bận gãi chớ nếu không nó đã giải bài toán từ nãy rồi, mọi người hãy kiên nhẫn đợi nó một chút. Nhưng rồi vì đợi hoài mà thấy nó vẫn ung dung, thong thả, chưa có vẻ gì muốn rớ tới bài toán và vì thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt cầu cứu của nó, cô giáo biết là có chờ đến Tết cũng đừng mong thằng Tân giải ra bài toán. Do đo, cô bèn gợi ý cho nó bằng những câu hỏi hết sức thuận lợi, không khác gì chỉ cho nó làm. Chỉ đợi có thế, thằng Tân bắt đầu hí hoáy viết những con số lên bảng. Cứ như vậy, dưới sự hướng dẫn, giảng giải từng li từng tý của cô giáo, thằng Tân mày mò, hì hục và rốt cuộc cũng làm xong bài toán, vất vả như trâu kéo cày, trong khi đó những đứa học trò biếng khác mong cho tình trạng này càng kéo dài ra thì tiết toán qua đi mà cô giáo chưa kịp kêu đến mình. Với những đứa đó thì thằng Tân đúng là một vị cứu tinh.
Do đó, khi cô giáo kêu đến tên Tân, cả lớp đều dòm nó với những ánh mắt và ý nghĩ không hoàn toàn giống nhau.
Tân nhanh nhẹn cầm cuốn tập lên bảng, không tỏ vẻ gì rụt rè hay chậm chạp, bởi nó đã quá quen với cái cảnh bị “tra khảo” này rồi. Nó vẫn cho rằng cuộc đời của nó, từ bây giờ cho tới về sau, chỉ gắn liền cùng sân cỏ với trái bóng đáng yêu, chớ không phải cứ tiến lên bảng với cuốn tập khốn khổ. Vì vậy nó kiêu hãnh cho rằng những điểm 2, điểm 3 mà nó phải chịu là cái giá nó phải trả cho sự nghiệp tương lai của mình, nó đã dũng cảm “hy sinh” việc học tập cho sự nghiệp bóng đá vĩ đại. Thực ra, chưa chắc thực bụng thằng Tân nghĩ như vậy. Có thể những lúc đứng như trời trồng trước bảng đen, nhìn vô đề toán như nhìn vô một màn sương mù dày đặc, nó đã nhủ như vậy thật, nhưng như chúng ta đã biết, thằng Tân cũng biết xấu hổ khi phơi bày cái chuyện học “đúp” của mình ra trước ánh sáng của dư luận và trong phần sâu thẳm nhất của tâm hồn, nó cũng cảm thấy bị thương tổn khi bạn bè nhìn nó bằng ánh mắt khinh thường và chế giễu. Cho nên mặc dù không ưa gì môn toán, thậm chí cho đó là một môn học rắc rối, vô bổ, chỉ có mỗi một mục đích là làm hại đầu óc con người, nó cũng đã có những cố gắng nhất định, dù ít ỏi nhưng dù sao cũng đáng biểu dương. Quả thực, ít ra hôm nay những cố gắng của nó cũng được đền bù xứng đáng.
Số là hôm nay, vì là tháng đầu tiên của năm học, môn toán chỉ ôn lại chương trình lớp bốn, cô giáo đã bắt nó giải một bài toán “hên hết biết”:
“Hai tổ công nhân chuyển tà-vẹt lên xe chở ra chỗ làm đường sắt, tổ một có 15 người, tổ hai có 10 người. Trong một giờ, tổ một chuyển nhiều hơn tổ hai 25 tà-vẹt. Hỏi trong một giờ, hai tổ đã chuyển được bao nhiêu tà-vẹt?”
Thiệt y chang bài làm ở nhà hồi hôm. Chỉ khác các con số thôi và thay vì khâu nón thì ở đây là chuyển tà-vẹt. Tân nhíu mày, từ từ nhớ lại và chỉ trong một thoáng nó đã hình dung ra cách giải. Trong bụng thì mừng rơn, nhưng ngoài mặt thì giả bộ rầu rĩ, ngờ nghệch ra cái điều mù tịt, nó đưa tay gãi đầu tỏ vẻ băn khoăn ghê gớm, thỉnh thoảng còn nhìn trộm cô giáo bằng ánh mắt thảm hại. Nó còn quay đầu xuống lớp, bắt gặp những tia nhìn giễu cợt của đám con gái và những cặp mắt mở to hồi hộp của những đứa chung tổ học tập với nó. Không dừng lại ở những nhân vật “tầm thường” đó, thằng Tân đảo mắt tìm kiếm những ánh mắt sáng ngời hy vọng của những đứa bét lớp và gục gặc đầu ý nói “tụi mày đừng lo, tao sẽ câu giờ đến khi ra chơi lận”, làm những ánh mắt hy vọng kia càng rực rỡ thêm.
Cho đến khi ở dưới lớp nổi lên tiếng xì xào “hôm nào nó cũng trồng cây trước bảng”, “thằng Tân nó tính nằm vạ trên đó kìa bây” và cũng là lúc cô giáo không còn kiên nhẫn hơn được nữa, định lên tiếng hỏi thì thằng Tân bắt đầu quệt viên phấn lên mặt bảng. Nó viết một mạch những phép tính cực kỳ chính xác với lời giải rõ ràng. Tiếng phấn nghiến kin kít trên mặt bảng, vang lên đầy vẻ kiêu hãnh.
Cả lớp kinh ngạc trước hiện tượng quỷ quái đó. Thằng Dương dụi mắt như không tin vô mắt mình nữa. Thằng Thịnh xuýt xoa “bữa nay nó làm xiếc tụi mày ơi”. Cả cô giáo cũng ngạc nhiên. Sau khi thằng Tân làm xong bài toán, cô hỏi:
– Em làm khá vậy sao hồi nãy đứng lâu thế?
Lần đầu được cô giáo khen là “khá”, Tân cảm thấy vô cùng thích thú. Chưa bao giờ nó trải qua cảm giác nào giống như vậy. Nó cố nén niềm sung sướng, trả lời:
– Dạ khi nãy em suy nghĩ ạ.
Cô giáo trả cuốn tập cho nó, khen một lần nữa:
– Giỏi lắm! Em học tập có tiến bộ. Cố lên nghen!
Tân cầm cuốn tập, trở về chỗ ngồi. Nó lạ lùng nhận thấy bước đi của mình hình như khác trước, có cái gì đó vững chắc, mạnh dạn và nhẹ nhõm hơn.
Thằng Dương né người cho Tân bước vô chỗ ngồi của nó ở phía trong. Đó là cái bàn nằm ở cuối lớp, sát vách tường của năm cầu thủ “Mũi tên vàng” là Dương, Tân, Thịnh, Hoàng và Quân. Còn đám thằng Dũng, Tình, Thành thì ngồi dãy bên kia.
Tân vừa ngồi xuống, thằng Dương liền trầm trồ:
– Số một! Bữa nay mày lại sút một trái không ngờ!
Còn thằng Hoàng thì chồm qua sau lưng thằng Thịnh, kéo áo Tân:
– Hết sẩy nghen mày!
Tân cố giấu niềm vui đang tràn ngập trong lòng, nó cố giữ nét mặt bình thường và trả lời với giọng tỉnh khô:
– Có gì đâu! Tại bài toán cũng không đến nỗi khó lắm!
Cô giáo tiếp tục kêu đứa khác lên bảng. Còn Tân thì ngồi khoái trá, gặm nhấm sự vinh quang của mình. Nhưng rồi ngồi thưởng thức niềm vui một cách lặng lẽ cũng đâm ra nhàm chán, Tân lập tức biến cái niềm vui đó thành hành động.
Với sự tinh nghịch, nó xé tập và cuộn tròn tờ giấy lại rồi vặn nhỏ phía trên, uốn cong lại thành hình một cái móc. Sau đó, nó chồm người lên bàn trên, móc mẩu giấy vô cổ áo thằng Lộc. Thằng này cứ ngồi lẩm nhẩm ôn bài không hề hay biết có mẩu giấy quái ác lủng lẳng trên lưng mình.
Khi nghe mấy đứa bàn sau cười khúc khích, tụi bàn trên quay lại, trợn mắt “suỵt, suỵt”, nhưng tụi thằng Dương chỉ cố nín được một lúc rồi lại tiếp tục cười rúc rích với nhau. Lộc quay lại, chẳng hiểu ất giáp gì, cũng nhe răng cười phụ họa khiến tụi thằng Dương càng cười dữ.
Nghe ồn, cô giáo nhìn xuống, nhắc:
– Mấy em ngồi bàn chót nhớ giữ trật tự nghe chưa!
Năm chú nhóc hoảng hồn, vội im bặt, đứa nào đứa nấy cúi mặt xuống tỏ vẻ biết lỗi. Nhưng khi ngẩng mặt lên, bắt gặp “cái đuôi” toòng teng trên lưng thằng Lộc, tụi nó không nhịn cười được. Nhứt là thằng Tân, tác giả của trò chơi đó, nó nắm chặt hai tay, gồng người lên và nghiến răng lại cho tiếng cười cồn cào trong cổ đừng thoát ra, sợ cô nghe thấy.
Đúng lúc tụi thằng Tân đang tận hưởng cái niềm vui do trò đùa đem lại thì tai họa bất ngờ xảy đến. Cô giáo kêu đúng tên thằng Lộc lên bảng. Cả bọn giật bắn người. Khi Lộc đứng dậy đi ra khỏi bàn, thì Tân tính chồm người lên giựt mẩu giấy. Nhưng sự việc xảy ra đột ngột quá nên khi Tân nghĩ tới điều đó và dợm người đứng lên thì Lộc đã ra tới đầu bàn. Lúc này cô giáo đang ngó xuống nên không đứa nào dám kêu thằng Lộc lại. Thế là, với cuốn tập trên tay, cái đuôi trên lưng, thằng Lộc bước lên bảng.

Thoạt đầu là ở những bàn sau, rồi nửa lớp, rồi cả lớp, những tiếng cười lan ra như những đợt sóng, tụi con gái thì cười hí hí, tụi con trai thì cười hích hích mặc dù không đứa nào dám cười lớn, nhưng tất cả cũng đủ tạo thành một bầu không khí huyên náo không thể tả.
Lộc không hiểu tại sao mình vừa bước chân ra là tụi bạn cười dữ vậy. Đoán là quần mình bị rách, nó bèn đưa tay mò mẫm khiến tụi bạn cười ngặt nghẽo. Thấy cái quần không có gì khả nghi, Lộc đưa tay lên sờ đầu nhưng vẫn bình thường, vẫn nằm yên trên cổ. Nó hoang mang nhìn cô giáo như cầu cứu.
Nhưng cô giáo cũng không hiểu tại sao đám học trò ngoan ngoãn của mình lại sinh ra mất trật tự như vậy. Cô đập tay xuống bàn, la lên:
– Các em giữ yên lặng coi!
Cả lớp lập tức yên lặng, một sự yên lặng giả vờ.
Cô chỉ tay vô nhỏ Thúy ngồi bàn đầu:
– Em nói cho cô biết các em cười cái gì?
Nhỏ Thúy đứng lên, cố giữ giọng nghiêm trang:
– Thưa cô, tụi em thấy cái đuôi…
– Đuôi gì? – Cô giáo cau mày – Bộ chuột bò vô lớp hả? Có vậy mà cũng ồn ào lên! Có mấy tiếng “hí hí” ở bàn sau. Nhỏ Thúy muốn cười lắm nhưng nó cố trấn tĩnh, trả lời:
– Dạ thưa cô, không phải đuôi chuột ạ.
– Không phải chuột sao lại có đuôi? Vậy chớ các em thấy đuôi con gì?
– Dạ, đuôi của bạn Lộc ạ!
Cô giáo sửng sốt:
– Cái gì mà đuôi của bạn Lộc? Lộc, em qua lưng lại đây coi!
Thằng Lộc quay lưng về phía cô giáo. Và cô giáo hiểu ra. Cô đứng lên và hỏi bằng một giọng bực bội:
– Em nào đã làm cái trò này?
Không đứa nào trả lời nhưng tất cả đều đồng loạt hướng mắt về phía bàn chót bởi vì Lộc ngồi ở bàn áp chót. Chỉ có thể là mấy ông tướng kia thôi! Cô giáo hình như cũng nghĩ vậy nên cô thong thả đi về phía cuối lớp, tay nhịp nhịp cây thước kẻ.
Thằng Dương ngồi đầu bàn, chăm chăm nhìn cây thước, mắt ánh lên vẻ lo âu. Bốn đứa ngồi phía trong cũng hồi hộp không kém. Nhứt là Tân, nó không dè cái trò đùa của mình lại tai hại như vậy. Thiệt là niềm vui bao giờ cũng ngắn ngủi!
– Bàn này đứng hết dậy! – Cô giáo đứng ngay đầu bàn, ra lệnh.
Năm chú nhóc, kẻ trước người sau, lục tục tuân lệnh. Đứa nào cũng cúi gầm xuống bàn, chỉ thỉnh thoảng mới ngước lên để trình bày cho cô giáo thấy vẻ mặt ngây thơ vô tội của mình, rồi lại cúi xuống ra cái điều oan ức.
Nhưng cô giáo không bị lừa, cô hỏi:
– Em nào trong bàn này móc giấy vô cổ áo bạn Lộc?
Không có tiếng trả lời, chỉ có những ngón chân dí xuống nền đất.
– Sao? Em nào? Cô giáo cao giọng.
Lại im lặng.
Cả lớp theo dõi màn điều tra một cách hồi hộp.
– Dương, em cho cô biết ai đã móc giấy vô cổ áo bạn Lộc?
Bị cô chỉ đích danh, Dương giật mình, nó trả lời lí nhí:
– Thưa cô, em không biết ạ! Lúc đó em đang nhìn lên bảng.
– Tân, em thấy ai móc giấy?
Tân lưỡng lự một chút rồi chối biến:

– Thưa cô lúc đó em đang nhìn vô tập.
Cô lần lượt gọi tới Thịnh, Hoàng, Quân nhưng đứa thì bận ôn bài, đứa thì bận vẽ nhãn vở nên rốt cuộc không đứa nào biết thủ phạm là ai.
– Nếu không chịu nói thì các em đứng đó cho đến giờ ra chơi, không được ngồi xuống!
Nói xong, cô giáo quay lên. Năm chú nhóc rục rịch đổi chân vì bắt đầu mỏi. Thằng Tân liếc nhìn mấy đứa bạn như muốn cảm ơn tấm lòng cao thượng và sự tương trợ quên mình trong lúc gian nguy của chúng.
Cô giáo ngồi vô bàn, cầm viết lên và nhìn thằng Lộc định kêu nó lại đứng trước bảng giải toán. Nhưng không hiểu nghĩ sao, cô buông viết xuống, nhìn những đứa học trò đang bị phạt, nói:
– Cô biết chắc là trong các em, có một em đã nghịch trò vừa rồi. Nhưng em đó không có lòng dũng cảm nên không chịu nhận và vì vậy khiến cho các bạn bị phạt lây vì mình. Nếu em đó vẫn không chịu nhận lỗi để các bạn phải đứng vì mình như vậy là hèn nhát.
Những lời nói của cô giáo như những tảng đá rớt trên ngực thằng Tân làm nó muốn nghẹt thở. Chẳng lẽ nó là đứa hèn nhát sao? Gì thì gì chớ nó nhất định không phải là đứa như vậy. Trong cơn bứt rứt, nó lại liếc nhìn mấy đứa bạn coi tụi nó có trách móc gì mình không nhưng tụi bạn vẫn tỉnh bơ, thậm chí thằng Quân còn cười với nó nữa. Điều đó không làm Tân nhẹ nhõm. Những đứa bạn đã tốt với mình như vậy, mình không để tụi nó bị phạt lây được. Tân nghĩ vậy và quyết định giơ tay lên:
– Thưa cô…
Cô giáo gật đầu:
– Em nói đi!
– Thưa cô, chính em đã móc giấy vô cổ áo bạn Lộc.
Nói xong, Tân cảm thấy nóng ran mặt mày khi cả lơp quay lại nhìn nó.
– Vậy đó! Cô giáo nói. Bây giờ mới chịu nhận lỗi! Hừ, bày trò nghịch ngợm trong giờ học! Em đem tập vở lên bàn đầu ngồi! Còn các em kia ngồi xuống!
Bốn chú nhóc thở phào, lật đật ngồi xuống. Còn thằng Tân thì mặt mày nhăn nhó, cúi xuống ngăn bàn lục lọi tập vở và cố ý trù trừ chưa chịu lên ngay bàn trên ngồi chung vơi đám con gái.
– Tân, nhanh lên coi! – Cô giáo giục. – Dạ, thưa cô, em đang kiếm cây thước ạ.
Vừa trả lời vừa lui cui sờ soạng loạn xạ trong ngăn bàn, thậm chí còn ngồi thụp xuống đất mò mẫm, thằng Tân muốn cho cô giáo biết là nó cũng rất muốn nhanh chóng lên bàn trên nhưng vì cây thước của nó không chịu tuân lệnh, trốn đi đâu mất tiêu rồi. Còn nó là đứa học trò mà không có thước thì nó học không vô, do đó nó phải tìm bằng được cây thước quan trọng kia. Thực ra thì Tân kẹp cây thước trong cuốn tập nó đang cầm, do đó khi cô giáo đứng lên hỏi “Em tìm được chưa?” thì nó hoảng hồn đáp “Dạ rồi” và vọt lẹ lên bàn đầu, không dám nấn ná thêm một giây.
Đây không phải là lần đầu tiên Tân bị cô giáo phạt ngồi bàn đầu vì cái tội phá phách. Nói chung, hễ đứa nào ngồi phía sau mà nghịch thì cô giáo đều bắt lên ngồi chung với đám con gái. Do bị tách rời khỏi những đồng bọn hiếu động, lại bị thảy vô giữa những đứa chân yếu tay mềm ưa méc cô kia, các vị anh hùng trở nên ngoan ngoãn như những chú cừu non. Phần khác, vì ngồi bàn đầu, nhứt cử nhứt động không thể nào lọt qua được cặp mắt của cô giáo, các chú cũng biết thân biết phận mà không dám giở trò quấy phá. Chính vì những lẽ đó mà trong bọn thằng Tân, đứa nào cũng ngán hình phạt này.
Nhỏ Thúy nhích người vô trong, nhường chỗ cho thằng Tân ngồi xuống.
– Xê vô chút nữa! – Tân đang sùng, gắt.
Nhỏ Thúy liền xích sát vô nhỏ Ái ngồi cạnh. Cả đứa này cũng xích tuốt vô trong.
– Nữa! – Tân vẫn gầm gừ, chưa chịu ngồi xuống.
– Nữa đâu nữa hoài vậy? Rộng cả thước rồi mà còn bắt người ta xích vô, chỗ đâu mà xích!
Thấy nhỏ Thúy cự lại, Tân tức lắm. Nó tính làm dữ nhưng vì sợ cô giáo nên nó nén lòng ngồi xuống, mặt nhăn như khỉ ăn ớt. Tới tiết tập đọc, thừa lúc cô giáo mắc chép bài trên bảng, quay lưng xuống dưới, Tân giả bộ bất cẩn huých mạnh cùi chỏ vô cánh tay nhỏ Thúy. Nhỏ Thúy đang chăm chú chép bài, bị tống một cú như trời giáng, cánh tay tê điếng. Cuốn tập lệch qua một bên, ngòi viết kéo một đường dài trên giấy.
– Làm gì vậy? Muốn gây sự hả? – Nhỏ Thúy ôm tay, kêu lên.
– Ừa đó, ai biểu khi nãy méc cô giáo!
– Cô hỏi phải trả lời chớ! Tui không nói thì bạn khác cũng nói vậy, sao bạn đánh tui?
Tân đáp ngang phè:
– Thích đánh thì đánh, bạn làm gì tui?
– Tui méc cô cho coi.
– Ngon thì méc đi! – Tân hất mặt, thách.

– À, thách hả?
Nhỏ Thúy đứng phắt dậy. Tân sợ quá, nó không dè con nhỏ làm thiệt liền hạ giọng năn nỉ:
– Thôi mà, tui xin lỗi bạn, đừng méc cô!
Nhưng nhỏ Thúy không chịu nhượng bộ. Nó thưa cô. Tân sợ quá, liền giả bộ đang cặm cụi chép bài.
– Tân, đã bắt lên đây ngồi mà còn đánh bạn nữa hả? Cô giáo hỏi bằng giọng giận dữ.
– Thưa cô, em đâu có đánh! – Tân đáp, vẻ hiền lành.
– Không đánh sao bạn Thúy thưa?
– Thưa cô, em chỉ… đụng nhẹ bạn ấy thôi mà…
– Em đánh bạn mà không biết mắc cỡ à? Em thiệt quá lắm rồi!
Nói xong, cô giáo cúi đầu ngẫm nghĩ. Rồi cô ngẩng phất lên:
– Chiều nay, khối các lớp lẻ đá bóng với khối các lớp chẵn phải không các em?
Số là để tạo không khí sôi nổi cho phong trào ở đầu năm học, liên đội tổ chức một cuộc thi đấu bóng đá giao hữu giữa hai khối lớp. Đội tuyển các lớp mang số lẻ như Bốn Một, Bốn Ba, Năm Một, Năm Ba sẽ đấu với đội tuyển các lớp mang sô chẵn là Bốn Hai, Bốn Bốn, Năm Hai, Năm Bốn theo sáng kiến của anh Tổng phụ trach.
Trận đấu giữa hai đội tuyển tổng hợp này sẽ diễn ra vào chiều nay, lúc ba giờ. Tân là một trong những cầu thủ chủ chốt của đội tuyển các lớp lẻ. Nó không hiểu tại sao trong lúc này cô giáo lại quan tâm đến chuyện đá bóng, thiệt là!
Mấy đứa con trai nhao nhao:
– Dạ phải, thưa cô! Chiều nay cô nhớ đi coi nghe cô!
Cô giáo cười:
– Ừ, cô sẽ đi coi!
Rồi cô quay sang Tân:
– Chiều nay em có đá phải không?
Tân chưa kịp trả lời thì tụi bạn đã đồng thanh:
– Trung phong số một đó cô! Vua phá lưới đó cô!
Thằng Tân như mở cờ trong bụng. Nó nở nang từng khúc ruột khi nghe tụi bạn quảng cáo tài nghệ của mình với cô giáo. Khoái nhứt là chiều nay cô giáo sẽ đi coi trận đấu và sẽ thấy nó làm trò ảo thuật như thế nào, lúc ấy cô giáo sẽ hiểu rằng dù nó học hành có kém thiệt, có móc giấy vô cổ áo thằng Lộc thiệt, nhưng trên sân bóng, nó đã làm cho bao nhiêu trái tim rung động, sự cống hiến đó đâu phải là nhỏ.
Trong khi Tân đinh ninh rằng vì nghệ thuật, cô giáo sẽ ra lệnh ân xá cho nó thì cô giáo lại nói:
– Vậy thì cô phạt em bằng cách đề nghị với Ban chỉ huy liên đội không cho em tham gia trận đấu chiều nay. Em đá bóng giỏi, cô biết, nhưng một cầu thủ chân chính thì phải dũng cảm và nhứt là không ăn hiếp bạn gái như em vừa rồi, em đồng ý không?
Tân sững sờ trước quyết định của cô giáo. Hình phạt này đối với nó quả thật là nặng nề. Cả lớp cũng ngơ ngác.
Thằng Dương đứng lên:
– Không có bạn Tân, tụi em sẽ thua mất cô ơi!
– Chơi thể thao, thắng thua là chuyện thường mà em!
– Nhưng thua thì buồn lắm cô.
– Buồn cũng chịu thôi. Thà thua còn hơn là có trong đội một cầu thủ như em Tân. Em Tân chơi thể thao mà không có tinh thần thể thao. Khi nào em Tân hối lỗi thì sẽ được chơi lại.
Tân vọt miệng:
– Em hối lỗi ngay bây giờ được không cô?
– Không được, phải từ ngày mai trở đi kia! Thôi, em ngồi xuống đi! Tân buồn bã ngồi xuống. Dương mặt mày cũng ủ rũ không kém, dợm ngồi xuống theo nhưng cô giáo ngăn lại:
– Khoan đã, cô chưa cho em ngồi xuống mà! Cô hỏi em, tại sao khi nãy em che giấu việc làm của bạn Tân?
Dương giả bộ ngạc nhiên:
– Che giấu việc gì ạ?
– Chuyện cái đuôi chớ chuyện gì!

Dương đứng im re, nó vừa bối rối không biết trả lời như thế nào vừa hối hận là đã đứng lên bép xép khiến cô nhớ lại chuyện khi nãy.
– Sao, em trả lời đi chứ! – Cô giáo nhắc lại.
Cuối cùng bí quá Dương đành thú thiệt:
– Thưa cô, em nghĩ đó là… tinh thần đồng đội ạ.
Cô giáo lại nhịp nhịp cây thước xuống bàn:
– Em nghĩ vậy là không đúng. Tinh thần đồng đội là giúp đỡ bạn bè một cách chính đáng kìa. Đằng này em lại che giấu những hành vi xấu của bạn. Như vậy là hại bạn, là không giúp bạn tiến bộ, em hiểu không?
– Dạ hiểu.
Cô giáo cho Dương ngồi xuống. Cả lớp lại tiếp tục chép bài. Thằng Tân ngồi ngoan ngoãn bên nhỏ Thúy, hiền như một ông bụt. Nhưng ông bụt ấy đang ấm ức, đang đau khổ trong lòng. Không dám gây chiến tranh, nó bèn xé tập và vẽ hình một đứa con gái gớm ghiếc, có cả răng nanh, ở phía dưới chú thích chữ Thúy nhưng thay vì y thì viết là i, rồi nó giả bộ lơ đãng đẩy bức biếm họa sát cùi tay nhỏ Thúy.
Nhưng nhỏ Thúy không thèm dòm lấy một cái khiến Tân thất vọng và rầu rĩ vô cùng. Nhưng đó là Tân tưởng vậy, chớ thực ra, nếu tinh ý như tác giả thì nó sẽ phát hiện ra là nhỏ Thúy có tò mò hé mắt liếc một cái và nhăn mặt một cách kín đáo. Nếu biết như vậy nó sẽ sung sướng biết chừng nào.
Chiều hôm đó, lần đầu tiên trong đời, Tân đóng vai khán giả trong một trận bóng có lớp Năm Một tham gia. Lúc đầu vì tự ái và buồn phiền, nó tính chuồn đi chơi không thèm coi. Nhưng trái bóng như một cục nam châm tròn tròn đầy thu hút khiến trái tim sắt của thằng Tân không thể nào lạnh lùng lâu hơn được. Thế là với những bước chân rạo rực, nó đâm bổ tới sân bóng sau khi đã để mất thì giờ một cah vô ích vào những phút giây lưỡng lự. Nó cố tình trà trộn trong đám khán giả nhiệt tình, cốt cho tụi bạn không nhìn thấy mình, kẻ thất sủng cay đắng.
Nhưng mãi xem và bị cuốn hút vô trận đấu, đôi chân của nó đã quên khuấy mất ý định ban đầu mà cứ dần dần nhích về phía trước. Khán giả chia làm hai phe rõ rệt say sưa cổ vũ đội nhà. Thằng Tân, lúc này đã băng mình lên sat vạch vôi giới hạn ngăn cách sân bóng và khán giả, đang khản giọng hò hét.
Trên sân, lúc này đội các lớp lẻ đang gây sức ép mãnh liệt về phần sân của đối phương. Thằng Tình, thằng Thịnh và các cầu thủ của lớp Bốn Một bắn phá khung thành đội các lớp chẵn liên tục nhưng chưa mở tỉ số được.
– Mạnh nữa đi! Sút vô góc trái! Trời ơi, sút đi! Sút!
Tân mở hết khẩu độ, la toáng lên như cháy nhà mà những cú dứt điểm của đội nhà vẫn không thành công. Nó thở dài, cằn nhằn:
– Thiệt dở! Trái đó mà gặp mình thì ngon ăn rồi!
Nhưng những cố gắng bao giờ cũng đem lại thành công, dù có chậm một chút. Cuối cùng, đội các lớp lẻ cũng ghi được một bàn. Tân như bay lên khỏi mặt đất, hai tay vỗ vào nhau muốn phồng rộp lên, miệng hoan hô ầm ĩ. Phải một lúc lâu khi đội các lớp chẵn phản công quyết liệt, tràn hết qua sân đội nhà, Tân mới trấn tĩnh lại được cơn phấn khích cực độ đó. Nó như không tin ở mắt mình nữa. Các hậu vệ đội nhà tự dưng đâm ra xoay trở chậm chạp như đang mang 50 ký sắt trên lưng và bị đối phương lừa qua dễ dàng. Thằng Hoàng thì bay lộn như con dơi giữa hai cột gôn, đón đỡ những đường bóng kết thúc liên tục từ chân đối phương, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Trước cảnh tượng đó, Tân cảm thấy bực bội, máu chảy rần rật, người nóng ran và nó giơ nắm đấm lên trời, hét:
– Đốn giò thằng số 10 đi! Thằng đó nó đá bạo lắm, đừng có nhịn, chơi lại đi, tụi mày!
Đột nhiên, ở bên cạnh, cũng trong đám khán giả ủng hộ đội các lớp lẻ có tiếng xìbất bình:
– Đá bóng gì mà đốn giò! Đừng có xúi bậy!
Đứa vừa lên tiếng là một học sinh lớp Năm Ba, nó ngước lên và chợt nhận ra thằng Tân. Nó trố mắt ngạc nhiên:
– Ủa Tân, sao mày không vô đá?
– À, à… tao bị cảm…
Tân trả lời qua quýt và không thèm để ý đến kẻ đối diện, nó quay mặt ra sân trong khi chú nhóc kia thắc mắc không hiểu tại sao thằng này nói bị cảm mà nãy giờ nó hò hét hung hăng y con gà chọi vậy.
Thằng Tân không nhìn ra sân thì thôi chớ đã nhìn thì không tránh khỏi chứng kiến sự thất bại của đội nhà. Bằng một pha dàn xếp khéo léo, đẹp mắt không chê vào đâu được, các cầu thủ đối phương đã xuyên thủng hàng phòng ngự đội các lớp lẻ và kết thúc bằng một cú vô-lê bất ngờ và rất mạnh. Trái bóng bay như kẻ chỉ vô góc trái khung thành. Thằng Hoàng tung người lên và… rớt xuống một cách tuyệt vọng.
Trước màn phối hợp nhuần nhuyễn đó, không những khán giả ủng hộ đội lớp chẵn mà ngay cả khán giả ủng hộ đội lớp lẻ cũng nhất loạt vỗ tay tán thưởng. Nhưng cũng có khoảng một phần ba khán giả đội bị thua tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt với bàn thắng của đối phương, có vài đứa còn biểu lộ sự tức tối. Tất nhiên, trong số đó có vị khán giả quen biết của chúng ta. Thằng Tân không vỗ tay. Nó nhổ một bãi nước miếng, và phát biểu bằng một giọng rẻ rúng:
– Do may rủi thôi chớ hay ho gì! Một bàn thắng dở ẹc!
– Bàn thắng vậy mà dở? – Đứa học sinh lớp Năm Ba lại lên tiếng phản đối.
Tân nổi sùng:
– Dở chứ gì nữa!
Rồi nó chuyển sự giận dỗi sang hướng khác:
– Đội nhà thua mà mày không biết xấu hả?
– Ơ… ơ… mắc gì xấu, cái anh này!
– Đồ ngốc! Tao không thèm nói với mày nữa!
Cuộc tranh luận do nhiệt tình quá đáng của thằng Tân đang có mòi chuyển từ thể thao qua lãnh vực quân sự thì tiếng cô giáo đột ngột vang lên từ sau lưng:
– Nè Tân, tinh thần thể thao của em đâu? Em đã hứa…
Nhưng cô giáo không có dịp nói hết lời giáo huấn của mình. Thừa lúc khán giả ồn ào lộn xộn, đứa chen qua, đứa lấn lại lung tung, Tân nhanh chân luồn ra phía sau và thoáng mắt đã biến mất trong cái đám lúc nhúc những đầu và cổ kia. Cô giáo chỉ còn biết kết thúc câu nói của mình bằng một tiếng thở dài ngán ngẩm và tự dặn mình ngày mai sẽ gặp riêng cậu học trò tinh quái kia để nói chuyện đến nơi đến chốn mới được.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.