Bạn đang đọc Trước vòng chung kết – Chương 2
Chương 2
Thằng Tân vừa đi vừa nhảy, miệng huýt sáo theo điệu nhạc “Es-pa-nha 82”. Trận thắng đội “Sư tử” vừa rồi có tác dụng như một liều thuốc bổ đối với nó. Sau hơn một tiếng đồng hồ đuổi theo trái bóng toát mồ hôi, nó không cảm thấy mệt, ngược lại, càng thấy khỏe khoắn, yêu đời hơn. Có như vậy, tụi mày mới hết “gáy”! Ở đó mà sư tử với sư tiếc! Nó lẩm bẩm, tưởng tượng như có Hùng bụi đứng trước mặt. Một đứa nhỏ khoảng bốn tuổi đang đứng khóc trước hiên nhà. Tân dừng lại, cúi xuống hỏi:
– Sao khóc vậy cưng? Ai ăn hiếp em hả?
Đứa nhỏ ngước lên nhìn kẻ lạ mặt, vừa nói vừa tiếp tục khóc:
– Viên bi.
Tân ú ớ như bị đứa nhỏ nhét viên bi vô miệng. Nó hỏi lại:
– Viên bi nào? Ai lấy viên bi của em hả?
– Em làm rớt viên bi! – Đứa nhỏ vẫn khóc.
Tới đây, Tân bắt đầu hiểu ra:
– À, em làm mất viên bi chứ gì? Rớt chỗ nào đâu, chỉ anh kiếm cho!
Đứa nhỏ nín khóc, nhưng vẫn sụt sịt. Nó đưa tay lên quẹt mũi rồi chỉ ra ngoài đường. Tân đi lom khom, tìm theo hướng tay chỉ. Một lúc sau, nó tìm thấy viên bi nằm sát mé đường, nấp sau một cái vỏ chôm chôm.
Đứa nhỏ vừa cầm viên bi vừa nhìn ân nhân bằng cặp mắt biết ơn và ngạc nhiên không hiểu tại sao cái anh này tốt dữ vậy. Nó không biết rằng sở dĩ “cái anh này” bữa nay hào hiệp tìm giùm viên bi cho nó là vì trước đó khoảng mười phút, ảnh vừa ghi được một bàn thắng quý quá gấp nghìn lần viên bi.
Trong khi đó thì Tân vẫn tiếp tục đi về nhà với những bước chân sáo tung tăng, lòng tiếp tục vui sướng và thấy đời càng đáng yêu sau nghĩa cử vừa rồi ở dọc đường.
Chỉ khi căn nhà thân yêu của nó hiện ra trước mắt thì Tân mới sực nhớ ra là cuộc đời không chỉ toàn màu hồng như nó tưởng, mà thực ra còn có nhiều màu khác nữa. Nhứt là bây giờ, nghĩ tới mấy bài toán ba nó ra mà nó chưa làm vì mải chơi bóng, sự phấn khởi hồi nãy của nó tự nhiên xẹp lép, y như một trái bóng xì hơi.
Thằng Tân là đứa ham chơi nhứt hạng. Và càng ham chơi bao nhiêu, nó càng ghét học bấy nhiêu. Nếu trong các trò chơi, nó mê đá bóng số một, thì trong các môn học, nó ghét môn toán hàng đầu. Nó nghĩ học và chơi cũng nghịch nhau như nước với lửa. Và một khi đã nghịch nhau thì đừng bên nào nên ép uổng bên nào. Nó mơ ước khi lớn lên sẽ trở thành cầu thủ đá cho đội Cảng Sài Gòn là đội mà nó yêu mến và hâm mộ. Trong những giấc ngủ, nó thường mơ thấy những cơn mơ đẹp đẽ, trong đó nó đang đá bên cạnh Thăng, Thà, Phát trên sân vận động Thống Nhất và cùng với đồng đội, nó đã làm nên những chiến công rạng rỡ. Những giấc mộng vàng như thế càng củng cố quyết tâm trở thành cầu thủ của nó. Và một khi con người đã quyết theo đuổi nghiệp bóng đá như vậy thì cần gì… học. Chỉ cần biết khi mình sút, người thủ môn đối phương sẽ bay về hướng nào là cũng đủ trở thành “vua phá lưới” rồi. Tân nghĩ vậy, và dường như để chứng minh sự suy nghĩ của mình là đúng, nó học đúp thêm một năm lớp Bốn sau một quãng thời gian dài nhảy nhót ở các sân bãi thay vì ngồi trước bàn học.
Năm vừa rồi, trường nó tổ chức giải vô địch bóng đá toàn trường. Lớp Bốn Một của Tân sau khi loại hàng loạt đối thủ, đã lọt vào trận chung kết vớp lớp Năm Ba.
Trận chung kết thật là quyết liệt. Trình độ hai bên ngang ngửa nhau nên cuộc chiến đấu rất gay go. Chỉ mới đá hiệp đầu thôi mà đứa nào đứa nấy cảm thấy cặp chân mỏi nhừ, tưởng đi hết muốn nổi. Hàng hậu vệ hai bên đều chơi quyết liệt, tích cực cản phá nên không bên nào tiến sâu vô được vùng cấm địa của đối phương. Bóng cứ đến trước khu mười sáu mét năm mươi là dội trở lại như sóng đập vô đá. Mãi đến gần cuối hiệp một, bằng sự đột phá dũng cảm và khéo léo, Tân mới ghi được một bàn.
Nhưng trong vài phút nghỉ giải lao, Tân bị gọi đến ban tổ chức vì bị đội Năm khiếu nại là cầu thủ bất hợp lệ. Lý do đội bạn đưa ra là thằng Tân không phải học sinh lớp bốn mà là học sinh lớp năm. – Không! Tui học lớp bốn thiệt mà!
– Xạo! Năm ngoái bạn đá cho lớp Bốn Một, sao năm nay bạn cũng lại đá cho lớp Bốn Một, ăn gian chứ gì nữa?
Tân đáp mà mặt đỏ rần tới mang tai:
– Tại tui ở lại lớp.
Cả ban tổ chức lẫn tụi bạn đều xác nhận lời nói của Tân là sự thực. Và đội Năm Ba đành phải bố trí người kèm chặt mũi nhọn sắc bén kia. Nhưng trên thực tế, vô hiệp hai, thằng Tân không còn là mũi nhọn đáng sợ như hiệp một nữa. Sau vụ kiện cáo của đội bạn, mặc dù là kẻ thắng kiện, nhưng là một cái thắng chẳng vinh quang gì, Tân cảm thấy cơ thể rả rời, cặp chân chạy hết muốn nổi. Sự xấu hổ vì chuyện học đúp bị khui ra trước đám đông, ngay trong trận chung kết mà nó là cái đinh của mọi chú ý, như một tảng đá vô hình đè nặng trên vai khiến nó đâm ra xoay trở khó khăn và thường xuyên bị đối thủ cướp mất bóng một cách dễ dàng. Những cú sút trứ danh của nó cũng trở nên chệch choạc, không còn trúng đích và hiểm hóc nữa. Suốt hiệp hai của trận chung kết ngày hôm đó, thằng Tân chỉ là cái bóng mờ của chính nó trong hiệp một. Nhưng cũng may là cho đến hết trận đấu, đội Năm Ba không gỡ được trái nào và đội Bốn Một giành chức vô địch.
Tất nhiên là nhà vô địch của chúng ta không được vui lắm. Bởi vì thằng Tân luôn nghĩ rằng từ nay về sau, trong khi nó đang phô diễn tài nghệ trên sân cỏ thì sẽ có nhiều khán giả xầm xì “Đó, tay đó đá bóng coi khá vậy mà học đúp đó mày!” hoặc “Ối! Đá bóng thì chạy như ngựa mà học hành chậm như rùa!” Mặc dù đã xác định học tập là thứ yếu nhưng khi tưởng tượng những người khác đang dè bỉu, khinh khi mình, thằng Tân cũng cảm thấy mắc cỡ ghê gớm. Thế là tự nhiên nó chú tâm đến bài vở hơn trước.
Cái động lực thứ hai giúp cho nó đủ điểm lên lớp năm trong năm học vừa rồi là ba nó. Buồn phiền vì đứa con của mình đã học đúp một năm mà năm nay lại vẫn tiếp tục ì ạch ở cái thứ hạng 45 trên 50 học sinh, ba nó quyết tâm kiểm tra chặt chẽ việc học tập của nó. Ngay ngày đầu tiên bắt tay vô việc kèm cặp thằng Tân, ba nó cực kỳ kinh ngạc trước sự mất căn bản của nó.
– Trời ơi, trước giờ mày học hành vầy đây hả, con ơi!
Ba nó than một câu thống thiết và hiểu ra cái thiếu sót lớn nhứt của mình từ trước đến nay là không hề quan tâm đến việc học hành của thằng con, đồng thời ông cũng phát hiện ra là thằng con cũng chẳng hề quan tâm gì đến việc học của nó, hệt như mình.
Thật vậy, học tới lớp bốn rồi mà thằng Tân chỉ thuộc mỗi cửu chương hai. Khi ba nó hỏi:
– Ba lần bốn là mấy?
Tân trả lời tỉnh bơ:
– Mười lăm.
– Vậy thì ba lần năm là mấy?
– Mười tám.
Tân lại trả lời ngay, không ngập ngừng. Cái đặc biệt “hơn người” của nó là ở chỗ đó. Mặc dù mù tịt về những điều ba nó hỏi, nó không hề ấp úng chần chừ để suy nghĩ mà lập tức trả lời một cách nhanh nhẹn quả quyết, y như nó đã nói là không bao giờ sai. Và nếu có sai thì lỗi không phải là tại nó. Nhưng cái “đức tính” quý báu đó không giúp ích được gì cho nó bởi ba nó vẫn giữ nguyên những nhận xét không tốt đẹp gì về trình độ học vấn của con mình.
Sau nửa tháng bị cưỡng bức học cửu chương, nó đã thuộc tới cửu chương năm. Kể luôn cửu chương năm cho oai vậy thôi chứ thực ra đối với tất cả học sinh, cửu chương năm còn dễ thuộc hơn cửu chương hai nhiều.
Bây giờ thì thằng Tân có thể trả lời chính xác bốn lần tám là bao nhiêu. Nhưng để nói được cái điều đơn giản đó, nó phải nhẩm trong miệng từ bốn lần một cho tới bốn lần tám rồi mới trả lời được. Thôi kệ, dù sao như vậy cũng còn hơn là không biết gì hết. Ba nó nghĩ vậy và lại hỏi:
– Còn tám lần bốn là mấy?
Tân ngạc nhiên rất thành thật:
– Con chưa học tới cửu chương tám mà!
Sau khi hiểu sâu sắc thằng con, ba nó lập hẳn một chương trình giảng dạy ở nhà với quy mô lớn chưa từng có nhằm “siết con ốc” cái kiến thức lung lay của thằng Tân.
Dĩ nhiên, dưới lực đẩy không khoan nhượng của ba nó, Tân bắt buộc phải nhích tới một vài bước. Và với một vài bước quý giá đó, năm nay nó đã hiên ngang bước vào lớp năm.
Để bồi đắp thêm cái nền tảng toán học còn sơ sài của nó trong năm học mới, hằng ngày ba nó vẫn tiếp tục duy trì chương trình giáo dục cưỡng bách của mình. Với sự chăm sóc của người cha tận tụy, Tân buộc phải để ý đến trái bóng thân yêu chỉ bằng một con mắt, còn mắt kia thì dành cho những con số mà dù đã khá quen thuộc nó cũng không thể nào thương nổi. Như chiều nay chẳng hạn, ba nó ra hai bài toán đố bắt nó ở nhà làm, nó vẫn quyết định quay lưng lại với những con số một cách tàn nhẫn để lén lút chạy theo tiếng gọi thân thương của trái bóng định mệnh. Để bây giờ, nó trở về nhà trong một tâm trạng thắc thỏm và chui vô bằng cửa sau như một tên trộm. Nó vừa đút đầu vô cửa liền bị chị Nguyên bắt gặp:
– Chà, đi chơi giờ này mới về, ngon quá há!
Tân đưa tay lên miệng:
– Suỵt! Ba về chưa?
Chị Nguyên vẫn nói lớn:
– Suỵt gì mà suỵt, ba tìm mày nãy giờ đó!
Tân thót bụng lại. Nó nhè nhẹ bước ra lu nước rửa chân. Nó đang múc nước dội khe khẽ thì nghe tiếng ba nó đột ngột vang lên từ sau lưng: – Sao, đi chơi vui không con?
Thằng Tân nghe như có sấm nổi bên tai, ca nước trên tay suýt nữa rớt xuống đất. Nó hoang mang không hiểu câu hỏi mát mẻ của ba nó là giận hay vui. Nhưng nó vẫn đáp một cách dè dặt:
– Dạ… vui, ba!
Ba nó lại hỏi:
– Con đi đá bóng về hả?
“Chà, giờ mới thiệt là chết đây!” – Tân sợ hãi nhủ thầm. – Dạ.
Giọng ba nó dường như trở nên vui vẻ:
– Con có đá vô trái nào không?
– Con đá vô một trái! – Lần này, Tân trả lời dạn dĩ hơn.
Ba nó xuýt xoa:
– Chà, giỏi quá há! Đá vô một trái! Nhưng còn toán thì con đã làm được mấy bài rồi? Chắc xong hết rồi chớ gì?
Bây giờ “ông già” mới bắt đầu đây! Tân nghĩ bụng và cảm thấy khó thở. Nó lúng túng: – Dạ… chưa xong.
Ba nó gật gù:
– Thì chưa xong cả hai bài, nhưng chắc là đã làm được một bài, phải không con?
Tân ấp úng:
– Con… chưa làm… bài nào hết.
– Chưa làm một bài nào mà con vẫn đi chơi như thường. Chà, con vậy mới là con chứ? Đồ lười biếng! – Ba nó đột ngột quát lên – Lát nữa ăn cơm xong mày biết tay tao! Banh với bóng!
Ba nó giận dữ bỏ lên nhà trên. Thằng Tân liệng cái ca vô lu rồi loay hoay không biết làm gì, nó lại múc nước tiếp tục rửa cặp chân đã sạch bóng, trong lòng hình dung những điều xấu nhất có thể xảy ra.
Trong lúc đó, chị Nguyên đang xào thức ăn trong bếp, thò đầu ra, nheo mắt nói:
– Đáng đời chưa! Tao đã nói rồi mà không chịu nghe, cứ chạy nhong nhong ngoài đường.
– Thôi đi!
Tân gạt phắt và bực bội xỏ chân vô dép. Nghe đau đau, nó cúi xuống quan sát và phát hiện ra bàn chân trái của nó bị tróc một mảng da gần ngón chân cái. “Chắc hồi chiều mình đá vô lề đường hay một cục gạch nào đó mà không hay!” Nó đoán vậy và cà nhắc đi tìm chai thuốc đỏ, lòng không quên những lời hứa hẹn đầy giông bão của ba nó.
Thằng Tân đoán trật lất. Chẳng có giông mà cũng không có bão nào xảy đến với nó mặc dù khi ăn cơm xong thì trời bên ngoài bắt đầu chuyển mưa.
Ba nó chỉ bắt nó ngồi vô bàn, chừng nào làm xong bài toán đố mới được đi ngủ. Tưởng sao, làm thì làm!
Nó đọc để toán thứ nhất:
“Hai tổ sản xuất nghề phụ của hợp tác xã khâu nón, tổ một có 12 người, tổ hai có 9 người. Cuối ngày tổ một đã sản xuất được nhiều hơn tổ hai 12 cái nón. Hỏi cả ngày hai tổ đã khâu được bao nhiêu nón?”
Ối trời, dễ như húp cháo! Không cần suy nghĩ lâu, Tân bắt tay giải ngay bài toán. Nó lấy ba con số đã cho trong đề toán cộng lại với nhau thành ra 33. Rồi nó bắt đầu phân tích: giả sử tổ một 12 người, mỗi người làm được một cái nón, tổ hai 9 người, mỗi người cũng làm được một cái nón, như vậy tổng cộng là 21 cái nón, rồi thêm vào mười hai cái tổ một làm nhiều hơn tổ hai nữa là 33 cái nón cả thảy.
Thấy chắc ăn trăm phần trăm rồi, nó hý hoáy viết bài làm vô tập, vừa viết vừa lẩm bẩm:
– Xong rồi!
Gọi là lẩm bẩm chớ thiệt ra nó cố tình nói hơi lớn để báo động cho người khác biết thành quả của nó. Đúng như ý đồ của nó, mới vừa nghe nó “lẩm bẩm” là ba nó đứng bật dậy, buông tờ báo xuống bàn và bước lại gần nó:
– Sao, xong rồi hả con?
Tân đáp mà không ngẩng mặt lên, tay vẫn tiếp tục viết, ra vẻ “giải cái bài toán xoàng này có gì phải khoe khoang”:
– Dạ, quệt hai, ba cái cũng xong thôi!
Nó nhấn mạnh chữ “quệt” để cho ba nó biết là nó giải bài toán này không cần cố gắng lắm. Rồi để gây ấn tượng thêm nữa, nó tiếp tục càu nhàu:
– Toán kho khó làm mới thích. Còn mấy bài toán này làm phát chán, lại mất thì giờ! Ba nó đặt tay lên vai nó, khen:
– Lúc này ba thấy con học toán tiến bộ rồi đó! Chỉ tại con ham chơi thôi, chớ nếu con chịu ngồi vô bàn thì con học đâu có thua ai.
Ba nó vừa nói vừa dòm vô bài làm của con. Càng dòm, cặp lông mày của ông càng nhíu lại gần như nối liền với nhau thành một đường thẳng. Và lập tức ông lên tiếng phủ nhận lời khen tặng hào hiệp của mình vừa rồi:
– Cái gì mà 33? Toán với tiếc! Thiệt tao chưa thấy đứa nào ngốc như mày!
Tân đớ người, sững sờ như đang giữ bóng trong chân bị ai đoạt mất. Nó lắp bắp:
– Thì… 33 cái nón.
– Tại sao lại 33? – Ba nó gắt – Tại sao lại có bài toán cộng này?
Tân rụt cổ và nhìn vô cuốn tập. Nó đọc lại đề toán, ngó trân trân những con số như muốn nhìn thủng cả tờ giấy nhưng cũng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Không biết “ông già” lấy cái đề này ở đâu ra mà khó dữ! Nó cảm thấy như hơi thở của ba nó đang bốc lửa ở sau gáy nó, vì vậy đã bối rối nó càng bối rối hơn. Những con số nhảy loạn xạ trong đầu như đang chơi trò “mèo vờn chuột”.
Biết là thằng con không thể nào tự mình lần ra cách giải, cuối cùng ba nó đành phải gợi ý:
– Nghe ba hỏi nè, tổ một làm hơn tổ hai mấy cái nón?
– Mười hai.
– Mà tổ một hơn tổ hai mấy người?
– Hơn 3 người.
– À, tổ một hơn tổ hai ba người, do đó làm nhiều hơn tổ hai 12 cái nón, phải không?
Như có một tia chớp đột ngột lóe lên trong bóng tối, thằng Tân bất chợt hiểu ra và reo lên:
– A, con biết rồi! Vậy là mỗi người thợ làm được 4 cái nón mỗi ngày.
Ba nó thở phào như trút được một gánh nặng:
– Đúng rồi! Như vậy tự con giải được rồi chứ gì?
Thằng Tân nghe tới đâu thấy đầu óc sáng ra tới đó. Nó nhanh nhẩu:
– À, con hiểu rồi, con tưởng khó chớ đâu dè nó dễ vậy!
– Thôi, đừng có khoác lác, ngồi làm đi, rồi làm luôn bài thứ hai nữa.
Nhoáng một cái, Tân đã làm xong bài thứ nhứt. Tổ một làm được 48 cái nón, tổ hai làm được 36 cái. Cả hai tổ làm được tất cả 84 cái nón. Thực là đơn giản. Phải chi bài toán nào cũng có người giải giùm mình nửa phần đầu, còn mình chỉ làm nốt nửa phần sau thì đỡ biết mấy. Tân vừa nhủ bụng vừa lẩm bẩm đọc cái đề toán thứ hai:
“Một em đếm cửa phòng bưu điện đến cửa trường thấy ở một bên đường có 24 cây. Biết rằng các cây đều cách nhau 15 mét. Hỏi từ gốc cây ở phòng bưu điện đến gốc cây ở cửa trường dài bao nhiêu?”
Ối, cỡ như bài này, mình chỉ quệt một cái là xong, khỏi cần ai làm giùm phần đầu phần đuôi gì ráo! Bụng nghĩ vậy nhưng nhớ tới vụ “quê xệ” khi nãy, thằng Tân không hấp tấp làm ngay. Nó ngồi nhìn cái đề toán bằng cặp mặt dò xét, nửa tin nửa ngờ, không biết cái đề này dễ thiệt hay giả bộ dễ để đánh lừa nó. Điệu bộ của nó lúc này giống hệt như một con mèo đang đứng trước một vật vuông vuông, đỏ đỏ nhưng không biết chắc đó là miếng thịt bò hay chỉ là một viên gạch.
Thằng Tân lưỡng lự một hồi lâu và sau khi xoay ngang xoay dọc cái đề toán mà không phát hiện ra một điều gì khả nghi chứa trong đó, nó quyết định giải thẳng vô tập, không thèm làm nháp. Bài toán dễ ợt này mà làm nháp chi ất công.
Quãng đường trồng 24 cây mà cây này cách cây kia 15 mét thì đương nhiên chiều dài quãng đường bằng 24 nhân 15 rồi chớ còn trật vô đâu được nữa. Sau khi đóng khung đáp số 360 mét, Tân gấp vở lại và ngáp một cái.
Nghe nó ngáp, ba nó quay lại:
– Buồn ngủ rồi hả con?
– Dạ.
Tân vừa đáp vừa đưa cuốn tập cho ba nó kiểm tra.
– Làm đúng không con? – Ba nó lật cuốn tập ra hỏi.
Dù đinh ninh là đúng, Tân cũng không dám trả lời quả quyết lắm:
– Dạ, chắc đúng!
– Sao lại chắc đúng! Phải đúng mới được đi ngủ chớ!
Ba nó lật đến trang có bài toán, nheo mắt đọc:
– Hừ, mày làm toán cứ y như cái máy không chịu suy nghĩ gì hết!
Tân trố mắt nhìn ba nó, ngạc nhiên:
– Bộ sai hả ba?
– Chớ còn gì nữa!
Thằng Tân băn khoăn không hiểu tại sao nó làm “đúng” như vậy mà vẫn cứ sai, y như người ta ra toán là bắt buộc nó phải làm sai, có như vậy mới là toán chăng?
– Sai chỗ nào, ba? – Nó hỏi.
– Trước khi nhân, con phải lấy số cây trừ đi 1! – Ba nó đáp.
Thằng Tân vẫn ngơ ngác:
– Sao vậy ba?
– Mày thì lúc nào cũng trăng với sao! Thiệt chán! Đây nè…
Phải đợi đến khi ba nó giảng tới lần thứ ba thì Tân mới gục gặc đầu:
– À, con hiểu rồi, phải chi lúc nãy ba nói trước chỗ lắt léo này thì con đã làm ra từ đời nào rồi.
– Tao nói trước vậy tao làm luôn cho rồi chớ để mày làm chi cho cực. Thôi, làm lẹ lên rồi đi ngủ, hai con mắt mày muốn ríu lại rồi kia kìa!
Quả thật, thằng Tân cảm thấy buồn ngủ ghê gớm. Bây giờ thân xác nó mới bắt đầu cảm thấy hết sự mỏi mệt của trận bóng hồi chiều. Còn trí óc thì mệt mỏi bở sự hành hạ quá mức của mấy con số. Cho nên chép bài làm xong là nó nhảy tót vô giường. Nhưng Tân không ngủ được ngay như nó tưởng. Đặt lưng xuống giường, duỗi chân duỗi tay thoải mái, trí óc nó bắt đầu bồng bềnh trôi tới… cái hiên xi măng trước cửa hàng bách hóa. Lòng rạo rực, nó say sưa nhớ lại những pha quyết liệt, hấp dẫn của cuộc tranh tài, không sót lấy một chi tiết nhỏ, say sưa đến nỗi ba nó đã vô nằm bên cạnh từ lâu mà nó cũng không hay. Khi nhớ đến đoạn thằng Quân bỏ qua trái phạt đền của phe nó, Tân đâm bực mình ngang xương. Nó đập chân xuống giường một cái rầm, cằn nhằn:
– Trọng tài dỏm! Dẹp!
Ba nó giật thót người, nhỏm dậy hỏi:
– Cái gì vậy con? Rệp hả?
Tân không dè ba nó nằm bên cạnh, nó hoảng hốt ấp úng:
– Dạ… không phải…
– Không phải rệp cắn thì nằm yên ngủ, làm gì mà dộng chân cẳng rầm rầm vậy?
Nói xong ba nó nằm xuống. Mình nói “dẹp” mà ổng tưởng là “rệp”, cũng may! Thằng Tân biết ba nó bực mình vì bị phá ngang giấc ngủ nên không dám đính chính. Nó nằm im, cố bắt trí nhớ quay lại cuốn phim bóng đá vừa bị đứt. Chẳng mấy chốc tiếng nảy thình thịch đầy quyến rũ của trái bóng bắt đầu vọng đến tai nó. Rồi sân vận động Thống Nhất với hơn ba mươi ngày khán giả bắt đầu hiện ra, ồn ào, náo nhiệt. Hằng ngày chiếc dù đủ màu lộng lẫy trên bốn mặt khán đài. Từ dưới hầm của khán đài A, hai đội bóng “Mũi tên vàng” và “Sư tử” đang bước lên từng người một và cùng các trọng tài ra sân chào. Tiếng vỗ tay của khán giả nổi lên như sấm. Thằng Tân thấy mình đẹp đẽ và “hách xì xằng” trong chiếc áo xanh sọc đỏ, quần trắng, tất trắng đang bắt tay Hùng bụi, đội trưởng đội bạn, trước ống kính của các ký giả thể thao. Sau mười lăm phút khởi động, trận đấu chuẩn bị bắt đầu. Bên “Mũi tên vàng” được quyền giao bóng trước. Đội trưởng Tân và trung phong Thịnh đang đứng trước bóng. Tiếng còi trọng tài ré lên. Thịnh đá bóng ngang qua cho Tân, Tân đánh gót về cho tiền vệ Tình. Tình chuyền bóng sâu sang phía cánh trái cho Dũng lao lên… Với giấc mơ sôi động đó, thằng Tân không biết là mình đã ngủ.