Bạn đang đọc Trước vòng chung kết – Chương 1
Chương 1
Cũng như mọi bữa, hôm nay đúng năm giờ chiều, khi các nhân viên ở cửa hàng bách hóa đóng cửa ra về là các cầu thủ ở khu phố 1 lò dò ôm bóng ra “chiếm ngự” cái hiên xi măng trước cửa hàng. Các cầu thủ tí hon này không hề coi đó là nơi dành cho khách bộ hành đi lại, mà cứ đinh ninh rằng vỉa hè đích thị là một sân bóng của mình và trên sân bóng lộ thiên đó đã diễn ra không biết bao nhiêu trận tranh tài hào hứng, thậm chí có những trận tranh “Cúp vô địch” của các cầu thủ đi chân đất giữa các khu phố. Khi không huy động được lực lượng rộng rãi – thường là vào lúc các trường sắp thi học kỳ – thì quy mô của các giải “vỉa hè” này thu gọn lại trong các cuộc thi đấu giành chức vô địch giữa các ngõ hẻm. Ví dụ như mới đây, đội bóng hẻm 124 đã giành chức vô địch của giải này sau khi thắng đội bóng ở hẻm 136 trong trận chung kết với tỉ số khít khao 4-3.
Ngoại trừ những cầu thủ đi theo nhưng không được đá vì dư người phải ngồi ngoài giữ quần áo cho đồng đội và trở thành những khán giả nhiệt tình không tiếc hơi sức cổ vũ cho trận tranh tài, còn tất cả những người qua lại trên hè phố đều rất bực mình. Họ rất ngại ngần khi đi ngang qua “sân bóng” và luôn lo sợ quả bóng lấm lem bụi đất sẽ đột ngột bắn vào người mình.
Những người cẩn thận hơn thì tặc lưỡi bước xuống lòng đường, đi vòng qua đám hội hè kia cho chắc ăn. Nhưng khổ sở nhất và là nạn nhân trực tiếp của các đội bóng này là chủ nhân của những căn nhà ở cạnh cửa hàng bách hóa: trong khi chủ nhân đang rót nước mời khách và hai người đang trò chuyện tâm đắc trong bầu không khí nghiêm trang, yên tĩnh thì “bình” một tiếng, trái bóng của lũ nhóc đã quật vào cánh cửa một cú như trời giáng, y như một “dấu chấm hết” bất nhã đột ngột hạ xuống câu chuyện đang đậm đà của họ; hoặc trong một căn nhà “đau khổ” khác, một cô bé vừa hì hục lau chùi, kỳ cọ sàn nhà xong, chưa kịp thở phào thì từ bên ngoài trái bóng thình lình bay vù vào như một viên đạn đại bác, rớt đánh “bộp” xuống cái sàn nhà vừa được chùi rửa công phu kia và nảy tưng tưng một cách vui vẻ, vừa nảy vừa in lên mặt sàn những vết nhơ khủng khiếp, có vẻ như muốn nói với cô bé: “Đừng lau làm gì cho phí công!”. Dĩ nhiên sau khi gieo “tai họa” cho đám cư dân quanh đó, các cầu thủ bao giờ cũng bỏ chạy tán loạn. Nhưng chỉ vài hôm sau, khi sóng êm gió lặng, chúng lại hiên ngang xuất hiện như chẳng có gì xảy ra.
Chiều nay cũng vậy, sau khi trốn biệt tăm vì thằng Dũng, một tiền vệ tài năng của đội bóng “Mũi tên vàng” (tức đội bóng khu phố 1 thuộc phường 2) chuyền một đường bóng điêu luyện lọt vô cửa căn nhà số 130 cạnh cửa hàng bách hóa cách đây ba ngày, các cầu thủ lại ra sân.
Thằng Tân, “đội trưởng” đội bóng “Mũi tên vàng” lừng danh của phường 2, vừa vuốt tóc vừa tuyên bố:
– Bữa nay phải cho tụi “Sư tử” đem vài sọt trứng về mới được. Hôm trước bị tụi nó gác 1-0 chưa kịp gỡ thì bị rượt chạy tóe khói, xui quá!
Thằng Thịnh nheo mắt ngó thằng Dũng:
– Đầu đuôi cũng tại mày. Đã biểu đá sệt lại sút bổng cho xoáy vô nhà người ta!
Thằng Tình cười hích hích:
– Nó tính bắt chước Di-cô đó mày. Ở Es-pa-nha, Di-cô cũng sút một trái giống hệt như vậy, nhưng Di-cô sút vô khung thành còn thằng Dũng thì lại sút vô khung cửa.
Thằng Quân đía thêm: – Sút vậy mới tài chớ. Khung cửa nhỏ hơn khung thành nhiều mà!
Thấy tụi bạn tấn công mình tới tấp, Dũng trả đũa: – Tụi mày nói vậy mà không biết mắc cỡ. Chớ bữa trước đứa nào đá rớt rổ mận của bà già? Còn đứa nào đá té đứa nhỏ đi xe đạp?
Nghe vậy, Thịnh đứng im re, bởi nó là đứa đá rớt rổ mận. Chỉ có thằng Quân là lên tiếng chống chế:
– Cái đó là rủi ro chớ ai muốn đá vô xe đạp người ta.
Dũng cười hì hì:
– Thì tao cũng vậy, tao đâu có muốn đá vô nhà người ta làm gì!
– Thôi, cãi hoài! – Thằng Tân xen vô với giọng lưỡi của một thủ lĩnh – Lo dợt kỹ thuật để lát nữa đón tụi “Sư tử” đi!
Nghe nhắc đến trận đấu “phục thù” sắp tới, các cầu thủ thôi cãi cọ và lập tức đứng quây thành vòng tròn. Hóa ra “dợt kỹ thuật” của đám thằng Tân tức là chơi trò “mèo vờn chuột”. Tụi nhỏ đứng vòng tròn chuyền bóng cho nhau, hai đứa bên trong phải tìm mọi cách đoạt cho được bóng, hễ đứa bên trong đoạt được bóng của đứa bên ngoài thì hai đứa phải thay đổi vị trí cho nhau.
Thằng Tình và thằng Hoàng được phân công làm “chuột” đầu tiên. Hai đứa chạy tới chạy lui toát mồ hôi cũng không rớ vô bóng được một cái. Tình bắt đầu nản, nó đi chậm chậm, không thèm rượt theo bóng một cách hào hứng như khi mới bắt đầu. Thình lình thằng Quân chuyền bóng cho thằng Tân một cú mạnh không thua gì cú sút, làm thằng này mới giơ chân chận bóng là mất trớn, nhảy xuống lòng đường liền. Bừng tỉnh và đột nhiên nhanh nhẹn như chú gấu sau giấc ngủ đông, thằng Tình phóng tới “vồ” trái bóng trong lúc thằng Tân chưa kịp nhảy lên vỉa hè.
Tân vừa bước vô giữa vòng tròn vừa cự nự kẻ gây nên tai họa:
– Mày hại bồ quá. Chận được trái bóng mày chuyền thiếu điều té ngửa luôn!
– Thì lâu lâu mới trật cẳng một lần mà! – Quân cười toe.
Nhưng chỉ trong nháy mắt, Tân đã đoạt được bóng trong chân thằng Dũng và lập tức thoát khỏi vị trí khốn khổ đó để giao nó lại cho thằng Dũng.
Cứ vậy, hết đứa này đến đứa khác thay phiên nhau “dợt kỹ thuật” cho đến khi chẳng đứa nào còn thấy hứng thú gì trong trò chơi này nữa.
Các cầu thủ toan ngồi xuống đất nghỉ mệt thì thằng Tân đã hô:
– Đấm đá gì mà mới dợt sơ sơ đã đuối rồi. Thôi đứng lên chơi trò tâng bóng đi tụi mày ơi!
Cầu thủ lại đứng thành vòng tròn, nhưng lần này là vòng tròn nhỏ. Trái bóng được chuyền từ đứa này sang đứa khác. Trò chơi này bắt buộc phải giữ bóng trên không chớ không được để rớt xuống đất. Theo thằng Tân, đây là một màn dợt kỹ thuật cá nhân “cao cấp”. Và có lẽ vì cao cấp cho nên các cầu thủ mới chuyền qua chuyền lại bốn, năm cái là trái bóng đã rớt bộp xuống đất liền. Lần đầu do thằng Tình đỡ bóng bằng ống quyển. Lần sau thì tại thằng Dũng đánh đầu quá “điêu luyện” nên trái bóng đáng lẽ văng tới trước lại nẩy ra sau lưng. Lần khác thì do thằng Quân hứng bóng bằng bụng thay vì bằng ngực, nên trái bóng không chịu tưng lên mà cứ đâm đầu xuống đất.
Trong bọn, chỉ có Dương, Thịnh và Tân là giữ bóng trên không khá nhất. Nhất là thằng Tân. Điều đó thì đứa nào cũng nể. Nó có thể tâng bóng bằng hai chân cả hai ba chục cái liền không rớt. Độc đáo nhất là đang tâng bóng, bỗng nhiên nó hất mạnh trái bóng lên cao rồi đợi đến khi trái bóng rơi xuống, nó đưa chân ra hứng và trái bóng dính chặt vô mu bàn chân nó y như tảng đất nằm yên trên lưỡi cuốc. Trước những cặp mắt thán phục của tụi bạn, nó thản nhiên hất trái bóng lên và tâng tiếp.
Lần này cũng vậy, sau một hồi chuyền bóng không kết quả, tụi nhỏ dần dần rút lui ra ngoài và ngồi bệt xuống đất, lưng dựa vô tường, thở dốc mặc cho thằng Tân tâng bóng say sưa một mình. Tụi bạn vừa ngồi coi vừa đếm:
– Một, hai, ba, mười lăm, hăm tám, ba hai. Ê, đội “Sư tử” tới kìa!
Thằng Tân để bóng rơi “bịch” xuống đất, quay đầu dòm. Đội bóng khu phố 2 – tức đội bóng “Sư tử” – đang kéo tới thật. Đi đầu là Hùng bụi, đội trưởng. Theo sau là khoảng chục đứa tụi thằng Tân đều quen mặt. So với đội “Mũi tên vàng” thì đội “Sư tử” ăn mặc lôi thôi lếch thếch hơn. Đứa thì cởi trần, quần trễ dưới rốn. Đứa thì mặc áo, nhưng áo nếu không rách vai thì cũng đứt nút. Có đứa còn lấy áo giả làm khăn quấn trên đầu, ra cái điều ta đây là cướp biển. Hầu hết cầu thủ trong đội “Sư tử” đều không đi học. Đứa thì bán thuốc lá dạo như Long quắn. Đứa thì giữ xe đạp ở các quán nhậu như Sơn cao. Lại có những đứa suốt ngày đi lượm bao ny-lông như thằng Sĩ và Hùng bụi.
Tất nhiên, không phải đứa nào cũng do gia đình khó khăn thực sự, phải ở nhà làm thêm để phụ giúp cha mẹ như Long quắn. Có đứa không đến trường chỉ đơn giản là do… không thích đi học. Còn như trường hợp Hùng bụi thì rất đặc biệt. Ba nó lấy vợ nhỏ nên không ở chung với má nó. Má nó tức mình bèn đi lấy chồng, rồi cũng theo chồng luôn. Rốt cuộc, nó sống với bà ngoại và dì. Do hoàn cảnh gia đình như vậy nên nó sinh ra chán đời, không thèm đi học nữa, ở nhà đi luợm bao ny-lông.
Nhưng dù làm gì thì làm, khi cả bọn tập hợp lại quanh một trái bóng thì đó là một đội khá mạnh, và là địch thủ chính của đội “Mũi tên vàng” trong phường 2. Đội “Sư tử” và đội “Mũi tên vàng” gặp nhau thường có ăn có thua, nhưng dù bên nào thắng thì cái thắng đó cũng rất chật vật sau một trận đấu nẩy lửa. Thường thì đội “Mũi tên vàng” thắng nhiều hơn, nhưng cái nhiều hơn không đáng kể đó chẳng thể gọi là ưu thế được, nhất là trong hai trận gần đây, đội “Sư tử” đều thắng với tỉ số 1-0. Thực ra xét về kỹ thuật cũng như sự nhanh nhẹn thì các cầu thủ đội “Mũi tên vàng” trội hơn, nhưng đội “Sư tử” lại chiến ưu thế về sức vóc. Hễ mỗi lần tranh bóng có va chạm thì y như rằng cầu thủ của “Mũi tên vàng” bao giờ cũng bị bật ra như va phải một bức tường. Thành ra sự tranh chấp ngôi vị số một giữa hai đội có tính cách lịch sử, vì từ xưa đến nay chẳng bên nào chịu bên nào, y như người ta nói “hai con hổ không thể sống chung một rừng” vậy.
Vừa mới tới, Hùng bụi đã nói một câu đầy thách thức:
– Sao, hôm nay tụi mày đã chuyẩn bị kỹ rồi chớ?
Thằng Tình quật lại liền:
– Hôm nay “Mũi tên vàng” sẽ xuyên gan “Sư tử”.
Sơn cao “hừ” một tiếng:
– Để coi! Hay là “Mũi tên vàng” bị gãy làm năm sáu khúc như hôm trước.
Tân nóng ruột khoát tay:
– Thôi làm gôn lẹ đi, không nói gì nữa! Tụi tao chờ tụi mày cả tiếng đồng hồ rồi. Hẹn kiểu này thì lần sau đừng hẹn.
Các cầu thủ bên đội “Sư tử” biết mình có lỗi nên không hó hé, im lặng gom áo, dép lại làm hai trụ gôn.
Vì bên đội “Sư tử” hôm nay có bảy người nên đội “Mũi tên vàng” phải bỏ bớt ra một đứa. Nhưng không đứa nào tự nguyện làm kẻ ngoài cuộc.
Tình đề nghị:
– Thôi, thằng Dũng nghỉ đi, mày phải chuộc lại cái tội đá bóng vô nhà người ta bữa trước.
– Giỡn hoài! – Dũng cãi – Chuyện bữa đó đâu có dính dáng gì đến chuyện bữa nay, mậy!
Thằng Dương nói:
– Thôi để thằng Quân nghỉ đi! Khi nãy tao thấy nó đỡ bóng bằng bụng. Nó mà vô đá cái kiểu đó thì ít bữa nó đau bao tử cho coi.
Quân nhăn mặt:
– Đừng có chọc quê! Mày làm như mày đá ngon lắm đó.
Tụi “Mũi tên vàng” còn đang cãi cọ om sòm, chưa ngã ngũ đâu vào đâu thì Long quắn kêu lên:
– Lẹ lẹ lên tụi mày ơi! Chậm như rùa vậy mà hồi nãy bày đặt trách ngươi khác! – Đợi chút xíu coi!
Tân quay lại nói với đội “Sư tử” rồi quay sang đội nhà:
– Thôi, không đứa nào chịu ra thì “bàn tay trắng, bàn tay đen” đi!
Tự nhiên thằng Hoàng lên tiếng:
– Thôi khỏi “bàn tay trắng, bàn tay đen”, để tao nghỉ cho!
Thằng Dũng không đồng ý:
– Mày bắt gôn mà nghỉ sao được. Thôi để tao nghỉ.
Tới phiên thằng Quân đòi nghỉ nhường cho thằng Dũng đá. Rồi thằng Tình nói thằng Dũng phải đá, còn nó nghỉ mới đúng. Rốt cuộc đứa nào cũng tình nguyện đứng ngoài khiến thằng Tân không biết phải xử trí ra sao. Thiệt là rắc rối, lúc thì chẳng đứa nào chịu ra, rồi lúc có một đứa chịu nhường thì đứa nào cũng xúm vô nhường hết.
– Thôi, “bàn tay trắng, bàn tay đen” đi, tụi mày lộn xộn quá!
Kết quả là Quân bị ra.
Mười bốn cầu thủ bắt đầu dàn đội hình. Bên đội “Sư tử” được giao bóng trước. Nhưng khi Hùng bụi chuẩn bị chạm bóng thì nó chợt thấy thằng Quân ngồi bó gối sát bờ tường, nó liền đề nghị với Tân:
– Ê, kêu thằng Quân làm trọng tài giùm đi mày!
– Thôi, nó làm trọng tài rồi lát nữa tụi mày lại nói nó thiên vị bên tao.
– Không có chuyện đó đâu, tao hứa mà! – Hùng bụi quả quyết, vẻ mặt hết sức đàng hoàng.
– Nhớ nghe chưa! Lát không có khiếu nại à nghen!
Quân nhận làm trọng tài, nó đứng cạnh trái bóng, dặn:
– Tao nói trước, hễ nghe tao kêu “te, te, te” là phải dừng lại nghe chưa! Đội trưởng hai bên đều gật đầu.
– Te, te, te! – Quân gân cổ rống lên ba tiếng giả làm tiếng còi.
Hùng bụi đá qua cho Sơn cao. Sơn cao trả về tuyến sau cho thằng Sĩ. Sĩ nhường bóng cho Thuận ròm. Thuận ròm giữ bóng trong chân, quan sát trận địa. Bên đội “Mũi tên vàng” áp dụng chiến thuật một kèm một. Mũi nhọn Hùng bụi bị thằng Dương bám cứng như bóng với hình. Còn thằng Tình không rời Sơn cao nửa bước. Thuận ròm nhướng mắt ngó quanh quất một hồi, không biết nên chuyền bóng đi đâu, bèn đá mạnh lên trên và trái bóng bay tới chân… cột điện, đập mạnh vô đó và nảy ra ngoài đường. Phe “Mũi tên vàng” được ném biên. Dương ném cho Thịnh. Thằng Thịnh là đứa có kỹ thuật tương đối khá, nó lừa qua khỏi Sơn cao và dắt bóng xuống. Thuận ròm và Tâm sún vội vàng bao vây Thịnh, bỏ trống góc mặt. Chỉ đợi có vậy, Thịnh tạt bóng vô chỗ trống. Tân băng lên, nhận bóng và dẫn sát vô khung thành đối phương. Long quắn đứng giữa hai đống áo, dép, nhảy như con choi choi. Thằng sĩ trờ tới, nhưng chưa kịp thò chân vô phá bóng, Tân đã nã một quả trái phá vô khung thành. Long quắn lanh mắt, co tay đấm ra. Bóng văng tới chân Dũng. Thay vì sút sấm sét, nó sửa nhẹ vô góc, trái bóng đi sát rạt mấy đôi dép. Nhưng Long quắn không phải là tay xoàng, nó lập tức ngã người bắt gọn… cổ chân của một bà đang gánh đôi thúng vừa đi tới, làm bà này lảo đảo suýt té.
Khi phát hiện vật mình chộp được không phải là trái bóng, Long quắn vội vàng buông tay ra và nhỏm ngay dậy. Còn các cầu thủ thì sững cả lại. – Tao phang ày một cây đòn gánh bây giờ, đồ mắc dịch!
Người đàn bà vừa la lên vừa đặt đôi thúng xuống, rút đòn gánh ra. Các cầu thủ vội vã quơ dép, áo và ôm bóng chạy mất biến. Thoáng mắt, sân bóng trở lại là một cái vỉa hè chính cống, không còn tăm hơi một cầu thủ nào. Không còn biết chửi ai, người đàn bà lầm bầm vài ba tiếng trong miệng rồi nhấc đôi thúng lên vai, bỏ đi. Ngay lập tức, các cầu thủ lại lần lượt xuất hiện và trận đấu được tiếp tục, quyết liệt và sôi nổi như không có gì xảy ra.
Lần này, khung thành đội “Mũi tên vàng” bị áp đảo liên tục. Hùng bụi thì lợi dùng sự mập mạp của mình, còn Sơn cao thì lợi dụng cái… chiều cao, cả hai mũi dùi này thường xuyên càn lướt các hậu vệ nhỏ con của đối phương, mở đều đặn những trái sút hiểm hóc vô khung thành do thằng Hoàng trấn giữ. Nhưng là “thủ môn hay nhất phường 2” như các cầu thủ thường gọi, Hoàng đã chứng tỏ ngay tài năng của mình. Nó bay qua trái, ngã qua phải như người ta làm xiếc, hai tay đấm bật tất cả những quả kết thúc của đội “Sư tử”. Lúc này, cả hàng tiền đạo đội “Mũi tên vàng” hầu như lùi hết về nửa phần sân nhà để lo cản phá đối phương và việc đó quả là vất vả.
Thình lình, từ cánh mặt Thuận ròm rót một quả bóng bổng xuống trước khung thành đội “Mũi tên vàng” dày đặc cầu thủ hai bên. Bật cao hơn hết thảy, Sơn cao gặt mạnh đầụ Trái bóng bay vô góc trái. Thủ môn rướn người hết cỡ cũng không chạm được đầu ngón tay vô bóng.
Các cầu thủ đội “Sư tử” ôm nhau reo hò:
– Cho tụi mày biết sư tử là gì!
Nhưng sự mừng rỡ vội vàng đó lập tức biến thành sự phẫn nộ khi trọng tài Quân tuyên bố trái bóng đó không vô.
– Bóng vô rõ ràng mà kêu không vô! – Long quắn vừa hét vừa nhảy loi choi.
– Không vô! – Trọng tài Quân khẳng định lại lần nữa – Trái bóng đó bay ngang qua đống dép, coi như là bóng đã chạm phải cột dọc và… nẩy trở ra.
– Đồ ăn gian! – Sơn cao là đứa tức tối nhứt vì nó là tác giả của bàn thắng – Dẹp! Không ày làm trọng tài nữa. Mày toàn bênh đội của mày không hà!
Quân giận lắm, nó phủi tay:
– Dẹp thì dẹp! Ông cóc cần làm trọng tài! Tụi mày nhờ tao bắt giùm chứ đâu phải tao thèm bắt.
– Đó! – Tân khều vai Hùng bụi – Hồi nãy mày giao hẹn rồi mà giờ làm om sòm lên.
Hùng bụi lập tức vỗ tay “bốp bốp”, ra hiệu im lặng:
– Thôi, không có cãi trọng tài, tụi mày ơi! Đá tiếp đi!
Thấy đội trưởng đã quyết định, mặc dù còn ấm ức, các cầu thủ đội “Sư tử” đành chịu. Trọng tài Quân không bị dẹp, liền giơ tay lên khỏi đầu, ra lệnh:
– Te, te, te!
Vì tức bàn thắng hụt khi nãy nên các cầu thủ đội “Sư tử” mạnh đâu phang đó, các đường chuyền không còn chính xác nữa. Đội “Mũi tên vàng” lợi dụng cơ hội xông lên, bất chấp những cú đốn giò thô bạo của đối phương. Thằng Tân suýt ghi bàn mấy lần nhưng Long quắn đấm ra được. Thấy hàng trên tấn công hoài mà không đá vô được trái nào, Tình nóng máu băng lên. Khi Long quắn vừa đấm được một cú sút của Thịnh, trái bóng văng qua góc trái, Tân liền tạt vô giữa, Tình vội co chân bắt vô-lê. Trái bóng trúng ngay tay thằng Sĩ.
– Phạt đền rồi! – Tình reo lên.
Nhưng trọng tài Quân vẫn khoát tay cho đá tiếp.
– Trọng tài gì kỳ vậy? “Me” rõ ràng mà không bắt! – Dũng chạy tới, cự nự.
Sơn cao xua tay:
– Thôi, thôi, không được cãi trọng tài! Hồi nãy tụi tao không khiếu nại thì thôi chớ tụi bây bày đặt khiếu nại làm cái cóc gì!
– Hồi nãy khác bây giờ khác! Lần này “me” sờ sờ trước mắt, ai mà không thấy?
– Dẹp trọng tài đi! – Tân cũng nổi sùng la lên.
Hùng bụi kê lại: – Hồi nãy mày trách tao sao bây giờ mày lại đòi dẹp trọng tài.
Thằng Tân thở dài:
– Thôi, mày bắt tiếp đi, Quân!
Nhưng lần này thằng Quân nhất quyết không thèm làm trọng tài. Hồi nãy bị đội “Sư tử” to tiếng, nó không tức. Còn lần này, bị đội nhà nói nặng, nó giận muốn ứa nước mắt:
– Thôi tụi mày đá đi! Khỏi cần trọng tài!
– Tụi tao năn nỉ mày mà! – Dũng xuống giọng ngọt như mía lùi.
– Thôi làm trọng tài đi Quân! Kệ, làm trọng tài “dỏm” cũng được!
Tình vẫn sùng trọng tài, nên nó “xỏ” một câu, khiến thằng Quân kiên quyết từ bỏ cái nghề bạc bẽo này. Nó lui vào bờ tường, ngồi thu lu đóng vai một khán giả bất đắc dĩ.
Trận đấu lại tiếp tục, không có người cầm cân nẩy mực. Dù vậy, trận đấu đã không nhạt nhẽo đi mà ngược lại, nó trở nên náo nhiệt hơn, bởi vì bù vào ba tiếng “te, te, te” ngắn ngủi của trọng tài là cả một âm thanh huyên náo và hỗn loạn do những cầu thủ la hét, cầu cứu, nhiếc móc nhau gây nên. Nổi bật lên trên cái nền âm thanh đó là những tiếng chửi thề và văng tục của các cầu thủ đội “Sư tử”.
Khi thằng Tân ghi được một bàn thắng cho đội “Mũi tên vàng” thì cái mớ âm thanh hỗn tạp đó càng trở nên huyên náo, ồn ào như một cái chợ. Và cái chợ đó chỉ chịu tan khi Sơn ột lần nữa sử dụng cái đầu lợi hại của mình. Nhưng lần này thì cái hại nhiều hơn cái lợi, bởi vì trái bóng thay vì bay vô gôn đối phương thì lại đập trúng vai một anh bộ đội đi ngang.
Thế là không đợi anh bộ đội lên tiếng rầy la, các cầu thủ ôm đồ đạc chạy biến, bỏ mặc trái bóng lăn lóc giữa đường. Anh bộ đội cầm trái bóng nhìn theo các cầu thủ và sau một hồi đứng đợi một cách vô vọng, anh khẽ lắc đầu, đặt trái bóng xuống đất. Dĩ nhiên, ngay sau khi anh vừa đi khuất thì thằng Tân đã từ một góc nhà phía bên kia đường lao ra, ôm bóng và chuồn thẳng.