Tình yêu trở lại

Chương 41


Bạn đang đọc Tình yêu trở lại – Chương 41

Chương 41Tác giả: Madge SwindellsN ước Anh, hay là “nhà” như mẹ vẫn gọi đã trở thành một xứ sở thần tiên đối với Margaret, nơi thời tiết không bao giờ quá nóng hoặc quá lạnh, nơi có tuyết rơi trong tháng Mười hai làm cho Lễ Giáng sinh trở nên huyền ảo hơn, nơi có một bà nữ hoàng kiêu sa sống trong một tòa lâu đài lộng lẫy và là nơi mà tất cả mọi người đều được hưởng cuộc sống an bình. Nhưng nơi đó chắc chắn không thể đẹp hơn Stellenbosch được, Margaret nghĩ. Không ở đâu có thế đẹp hơn ở đây. Cô bé nói rất ít kể từ khi họ chuyển tới đây sống, nhưng ẩn sau đôi mắt xám nghiêm nghị là một tâm hồn khao khát cái đẹp. Cô bé chiêm ngưỡng những cảnh đẹp một cách say sưa như một con ngựa khát uống từng ngụm nước lớn. Margaret là một cô bé vô cùng nhạy cảm, cô yêu tất cả mọi người và cũng mong muốn được mọi người yêu lại. Nhưng cuộc đời lại không được như mong muốn. 
Buổi sáng hôm nay cô bé đang rất hồi hộp và lo lắng vì đây là ngày đầu tiên cô cắp sách tới trường. Hai đầu gối run bắn, cô bé líu ríu bước sau chân mẹ, người không ngớt miệng dặn dò cô đủ điều: “Nhanh lên Margaret, con yêu quý, chúng ta không thể tới muộn được. Con gái tội nghiệp! Nếu như cha con không chết chìm ngoài biển thì con đâu đến nỗi phải học ở một ngôi trường nhà quê vùng Nam Phi thế này. Nhưng mẹ hứa với con là sẽ không lâu đâu, Margaret ạ. Con hãy luôn ngẩng cao đầu và đừng bao giờ quên mình là người Anh con nhé! Đừng để ai bắt nạt và cũng đừng nói tiếng Nam Phi!…”. Cứ như vậy cho tới khi tâm trí Margaret rối tung cả lên. 
Thầy giáo của lớp học cố gắng tỏ ra quan tâm tới Margaret hơn những học trò khác, nhưng Margaret lại không hiểu được những giờ học bằng tiếng Nam Phi. Vì vậy, cô bé đưa mắt nhìn qua cửa sổ ra ngoài, những ngọn núi xa và bầu trời trong vắt. Ngay cả lớp học cũng là một khung cảnh rất tuyệt: trần nhà cao, hoa nở rộ trên những bệ cửa sổ, tường treo đầy tranh do học sinh vẽ. Học sinh ở đây đều là người thôn quê nên họ vẽ toàn lừa, ngựa, mèo, cừu và cả những người cha đang ngồi trên máy kéo của họ. Margaret yêu mến tất cả mọi người. 
Đến giờ ra chơi, lũ trẻ chạy ùa ra khoảng sân rộng phía sau trường học, bỏ lại giày và tất ở dưới gầm bàn. Margaret, không muốn bị khác biệt cũng cởi giày, tất của mình ra và cố quên đi những viên đá sắc cạnh cùng những bụi gai lởm chởm. Rồi tới khi hai chân trở nên đau nhức tới độ không thể tiếp tục chơi trò đuổi bắt được nữa thì cô bé ngồi xuống rìa sân, vừa nhìn các bạn chạy nhảy vừa nhai tóp tép mẩu bánh mì kẹp thịt mà cô bé mang theo tới trường. Lát sau, một con chó gầy gò cóc cáy với bốn cái chân ngắn tủn lén bò qua những ngọn cỏ cao tới bên cô. Con chó này trông thật tức cười, mũi dài, tai nhọn và đuôi thì xơ xác. Xương sườn của nó nhô hết cả ra ngoài. Cô bé chìa ra một mẩu pho-mát. Con chó vội vàng lao tới đớp lấy, rồi nó lùi lại cách đó vài thước và ngấu nghiến nuốt chửng. 
Khi chuông báo hiệu vào học vang lên, con chó mà cô bé đặt tên cho là Sandy cũng bám theo gót cô vào lớp. Nhưng bọn trẻ xua nó ra ngoài. Con chó lủi thủi trở ra và nằm bẹp xuống đất, cặp mắt van lơn. Margaret trông thấy thương quá, lại ra với nó. 
Thầy giáo gọi: 
– Nào vào thôi, Margaret, em bị muộn rồi đấy. 
Quá phân vân không biết làm gì, Margaret òa lên khóc nức nở và ôm chặt con chó vào lòng làm cho nó suýt nữa thì chết ngạt. 
Một bóng đen cao lớn hiện ra che kín cả mặt trời. Cô bé ngẩng lên và trông thấy một cặp mắt to xanh biếc, một khuôn mặt lấm tấm tàn nhang đang nhe hàm răng trắng phau ra cười với nó. Đó hẳn là một cậu con trai cao lớn nhất thế giới, cô nghĩ, và mái tóc hung đỏ của cậu ta là một mái tóc rực rỡ nhất mà cô từng thấy. 
– Tại sao em lại khóc thế? Chuyện gì xảy ra với em vậy? 
– Em không muốn bỏ con chó của em lại ngoài này. Nó chạy đi mất. 
– Không, nó sẽ không chạy đi đâu, lúc nào mà nó chả ở đây. Vả lại, nó có phải là chó của em đâu nào. – Cậu bé nói. – Tên em là gì? 
– Margaret. 
– A, em có phải là con gái của bà Tenwick không? 
Margaret gật đầu. 
– Trước đây anh đã gặp em rồi, – cậu bé tiếp tục, – nhưng lúc đó em còn bé tí và chắc là em không nhớ đâu. Tên anh là Acker Smit. Cha anh và cha em đã từng làm việc cùng nhau. 
– Cha anh thì em nhớ. – Cô bé thốt lên. 
– Thế em định làm gì với con vật bẩn thỉu này hả? Nhìn quần áo của em kìa. 
Khắp người cô bé phủ đầy bụi bẩn vì con chó bám vào. Mắt của nó gỉ ngoèn và từ trong bộ lông bẩn thỉu của nó trồi ra những cục bướu to tướng. 
– Nó sắp chết đói rồi – Cô bé nói. – Em vừa tìm thấy nó và em định sẽ nuôi nó.
– Tất nhiên là nó sắp chết đói rồi – Cậu đáp. – Bởi vì nó là con chó kaffir mà. 
– Chó kaffir là gì? 
– Đó là chó của người da đen. Họ đã đuổi nó đi, và bây giờ chẳng ai cần nó cả. Nó sẽ chết. 
– Không đâu, nó sẽ về ở với em. Em sẽ chăm sóc nó. – Cô bé giận dữ nói. 
– Thế em có biết cái gì đây không? – Acker hỏi tiếp, tay tóm lấy một cục bướu to tròn bóng nhẫy và kéo mạnh ra. Con chó co rúm người lại và đột nhiên cô bé thấy Acker đang cầm trong tay một con sâu có sáu cái chân đang ngo ngoe nhưng lại không có đầu. – Nhìn đây, em thấy không? Đầu của nó vẫn ở dưới lớp da của con chó này và bây giờ nó sẽ ung lên à xem. 

– Không đâu, em sẽ moi nó ra. – Cô bé đáp. Ba cô bé xuất hiện trước cửa lớp. 
– Margaret! – Chúng đồng thanh gọi bằng tiếng Anh. – Thầy giáo bảo bạn phải vào lớp ngay lập tức. 
– Anh đã bảo em rồi. – Acker tiếp tục. – Nó sẽ không chạy đi đâu nó đã quanh quẩn ở đây nhiều ngày nay rồi. Sau giờ học anh sẽ đem nó về nhà tắm rửa nó cho em. Rồi anh sẽ mang tới chỗ mẹ em, được không? Em có chắc là em muốn nó không? 
– Em muốn nó. – Cô bé đáp với một thái độ dứt khoát. 
– Bạn quen anh ấy à? – Các cô bé hỏi, mắt mở tròn trong lúc khoác tay cô. Margaret nhanh chóng nhận ra rằng Acker là người hùng của họ. Cậu là học sinh giỏi nhất trường, một vận động viên bơi lội xuất sắc và cũng là đội trưởng đội bóng bầu dục. Tất cả các cô bé trong trường đều muốn kết bạn với cậu và khi thấy cậu thân thiết với Margarel thì họ cũng tìm tới kết bạn với cô bé. 
Nhiều tuần rồi nhiều tháng trôi qua, Margaret bắt đầu thấy yêu trường học và vùng thôn quê xung quanh với một tình cảm tha thiết đặc biệt hiếm đối với một đứa trẻ ở tuổi cô bé. Cô bé yêu cái nóng, yêu cả mùi đất ẩm mỗi sớm tinh sương khi mặt trời thức dậy làm cho hơi nước bốc lên ngùn ngụt. Cô bé yêu những bông hoa dại, những khu vườn nho, yêu cả con người nơi đây, nhất là những nông dân làm việc trên cánh đồng bởi cô nhận thấy ở họ một bản chất thật và một trái tim nhân hậu. 
Một buổi chiều khi trở về nhà, cô thấy mẹ đang đào một cái cây có tên poinsettia ở phía trước ngôi nhà của họ với sự giúp sức của người làm vườn trong trường học. 
– Mẹ, sao mẹ lại làm vậy? – Cô bé kêu lên và bật khóc nức nở. – Đó là một cái cây…. một cái cây rất đẹp mà. 
Edwina, người phụ nữ yêu thương con hết mực, cảm thấy vô cùng bối rối nên vội vã đặt cái cây trở lại hố đất. 
– Con hãy chạy ngay đi xách một xô nước tới đây, con gái. – Edwina nói nhanh. – Mẹ chắc rằng nó chưa chết đâu. 
Khi cái cây đã được trồng lại một cách cẩn thận, Margaret mới hỏi tiếp: 
– Mẹ, tại sao thế? Tại sao mẹ lại phá hủy một thứ dễ thương đến nhường này? 
– Mẹ muốn biến ngôi nhà này thành một ngôi nhà hoàn toàn theo kiểu Anh mà, – Edwina dè dặt giải thích. – Mẹ đã mua mấy cây hồng leo. Con xem, cây hoa oải hương và cả bụi cúc tây kia nữa cũng dễ thương lắm chứ. 
– Nhưng đây không phải là nước Anh mẹ ạ – Margaret chậm rãi nói. Trong cuộc đời mình, cô bé chưa bao giờ phải giải thích một điều gì khó khăn tới vậy; cô bé cố gắng tìm từ nhưng không ra nên cuối cùng đành chỉ nói. – Nó thuộc về nơi này. Cái cây ấy thuộc về nơi này. – Rồi cô bé vội vã bỏ đi, dắt theo cả con Sandy ra ngoài dạo mát. 
Hai tháng sau khi niên học bắt đầu, Edwina nhận được một bức thư từ hội đồng nhà trường chúc mừng cô đã tới đây dạy học và yêu cầu được gặp mặt. Edwina đi tới phòng hội đồng, nơi cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra và phát hiện ra rằng bà Anna van Achtenhurgh-Smit là người đại diện duy nhất của hội đồng. 
Anna khiến Edwina sợ hãi ngay từ cái nhìn đầu tiên: cặp mắt to xanh biết ánh lên những tia lạnh lẽo y hệt những viên kim cương mà cô ta đang đeo, bộ váy áo bằng lụa đắt tiền, những móng tay dài và đỏ như máu. Cô ta đứng dậy từ chiếc sofa và trịnh trọng nói lời chào mừng. 
– Chị ngồi xuống đi, – Anna nói. – Tôi hy vọng là chị yêu thích ngôi nhà đó. 
Edwina lí nhí cảm ơn. 
– Tôi cho rằng chị đang phân vân không hiểu làm sao tôi lại mời chị tới đây. – Anna tiếp tục trong khi Edwina lúng túng ngồi ghé xuống mép ghế, cặp mắt đầy vẻ thận trọng giống như một con nai đánh hơi thấy một con cáo. 
– Tôi muốn thông báo với chị về quan điểm chính trị của nhà trường – Anna nói tiếp. – Chị cũng thấy đấy, đội ngũ giáo viên ở đây không muốn có một cô giáo người Anh tới trường, và cô Joubert đã phải đấu tranh rất nhiều; do vậy tôi nhắc chị nên thận trọng. Có thể các chị sẽ phải cùng nhau soạn một số giáo trình nên tôi khuyên chị hãy kết bạn với cô ấy. Cũng không phải dễ dàng gì, nhưng chị có thể tin tưởng vào sự trợ giúp của tôi. Tôi có chân trong hội đồng nhà trường mà. 
Edwina há bốc miệng ra vì kinh ngạc: 
– Nhưng tôi chẳng hiểu gì hết cả. Tôi nghĩ rằng, chà ý tôi nói là ngôi trường này nằm trong cùng một thị trấn nơi chị sinh sống, chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên mà thôi. 
Anna ép mạnh những đầu ngón tay vào nhau. 
– Ôi thôi nào, chắc chắn là chị cũng đã nhận thấy rằng hiện giờ việc làm rất khan hiếm, đặc biệt là đối với nghề dạy học. Chị đã phải tới làm ở một quầy bán đồ kim chỉ phải không? Hồi còn ở London chị đã từng là một giáo viên Anh văn, mặc dù không đủ trình độ, và đây là nơi duy nhất mà tôi có chút ít ảnh hưởng. Tôi có thể làm được gì nữa nào? – Anna nhoẻn miệng cười nhưng cặp mắt của cô vẫn lạnh như băng. 

Edwina rùng mình: 
– Tôi… tôi không biết phải nói gì bây giờ. 
– Ôi chị bạn ơi, chị mới ngây thơ làm sao, chắc là chị tin sái cổ vào những câu chuyện ngu ngốc của Simon chứ gì? 
Edwina vụt đứng dậy, xoắn chặt hai tay vào nhau. 
– Tôi không nghĩ chúng ta có thể trò chuyện được… – Cô bắt đầu. 
– Chị cứ ngồi xuống đã. – Giọng Anna sắc lạnh như dao. – Tôi đã nói xong đâu. Nếu như chúng ta làm việc cùng nhau một thời gian thì rồi chúng ta sẽ hiểu nhau hơn. 
– Nhưng chúng ta đâu có làm việc cùng nhau. – Edwina lạnh lùng vặn lại. 
– Ồ có đấy theo một cách nào đó. Tôi tham gia vào các hoạt động của trường rất đều đặn. Không hiểu chị đã biết rằng gia đình tôi là người sáng lập ra ngôi trường này chưa nhỉ. Thực tế thì trường này là của chúng tôi mặc dầu cũng có một vài gia đình khác tham gia vào hội đồng nhà trường. – Anna đứng lên và bắt đầu đi đi lại lại trên thảm. Nỗi căm giận ngày càng dâng cao như một trận lụt trong huyết quản của cô khi phải đối mặt với Edwina. Cô không thể không hình dung ra cảnh Edwina đang ở trên giường cùng với chồng mình. 
– Chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng – Cô tiếp tục. – Simon đã biến cả hai chúng ta thành trò cười, duy nhất chỉ có một điều khác biệt là tôi đã cưới anh ấy. – Cô nhún vai. – Có lẽ chị cho rằng tôi bị điên, nhưng thực sự tôi vẫn còn rất yêu anh ấy mặc dầu anh ấy luôn có những mối tình trăng hoa. Tôi sẽ không bao giờ đồng ý ly dị cả. Không bao giờ mặc dù anh ấy đã có một lần đề nghị. – Cô vội vã nói thêm và liếc nhìn về phía Edwina, lúc này đang ngồi ngay đơ trên ghế, khuôn mặt như hóa đá. 
– Anh ấy luôn làm trái tim phụ nữ tan vỡ. Anh ấy kể với tôi rằng Otto đã phát hiện ra chuyện của hai người, nhưng cả Otto lẫn Simon đều không quyết định được ai sẽ là người phải có trách nhiệm với chị. Vì vậy họ đã tung đồng xu và Simon đã thắng. Anh ấy kể với tôi mọi chuyện, như vậy quả cũng không galăng cho lắm, phải không nào? 
Edwina vùi mặt xuống lòng bàn tay, bắt đầu khóc nức nở. 
– Đúng vậy, anh ấy không phải là người galăng. – Anna nói tiếp và trong vài giây cô dừng lại trước mặt Edwina, nhìn chằm chằm xuống người đàn bà tội nghiệp. 
Edwina ngước lên và khẽ rùng mình. 
– Tôi yêu chồng tôi. – Cô nói khẽ. – Đó chỉ là vì… – Chị không phải nói với tôi, Simon cũng đã kể hết cả rồi. Chị cần một ai đó chăm sóc ình chứ gì? 
– Tại sao chị lại nói với tôi tất cả những chuyện ấy? – Edwina tuyệt vọng nhìn lên. 
– Tôi chỉ muốn giải tỏa bớt căng thẳng trong mối quan hệ của tôi và chị thôi. Tôi muốn chị biết rằng ở đây chị rất được an toàn, tất nhiên trừ khi… – Lời đe dọa không được nói ra treo lơ lửng nặng nề giữa hai người – Tôi chỉ muốn cảnh báo chị hãy tránh xa Simon. 
Anna đột ngột rời đi trong tiếng sột soạt của tà áo lụa, để lại sau lưng mùi nước hoa thơm lừng. 
Sau cuộc hẹn gặp hôm đó, Edwina dành tới vài tháng cố kiếm tìm một nơi dạy khác, nhưng cô không tìm được. 
Kể từ lúc đó trở đi, Edwina sống trong niềm khắc khoải mong tới ngày cô có thể đưa hai đứa con trở về quê nhà. Nhưng mỗi năm trôi qua, mục tiêu ấy lại càng trở nên xa vời hơn bởi vì giá nhà đất ở Anh mỗi ngày một tăng cao và số tiền cô dành dụm được mỗi ngày một ít ỏi. Với lại, cô còn cần nhiều hơn là một ngôi nhà để bắt đầu lại từ đầu với hai cô con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Ít ra thì ở Stellenbosch này ba mẹ con cô cũng được an toàn mặc dù chẳng có nhiều tiền để mà tiêu pha xa xỉ. 
Ngược lại, lũ trẻ rất hạnh phúc. Margaret bắt đầu nâu rám và trở nên cứng cáp hơn. Con bé thường xuyên để chân trần nhảy trên vùng thảo nguyên rộng lớn. Cho tới năm mười một tuổi, nó đã nói tiếng Nam Phi hết sức trôi chảy và thực sự gắn bó với cuộc sống hoang dã, với những con ngựa, với công việc đồng áng và những thứ mà Edwina chẳng mấy quan tâm. Hiếm khi cô thấy nó ở nhà trừ những lúc đi ngủ hoặc đem về nhà những thứ đồ linh tinh mà nó kiếm được. Hai chị em nó giờ đã có tới ba con rùa, hai con chó, một bụi cây xinh xinh và một bộ sưu tập nào chim, nào bọ cạp, nào dế và thậm chí cả những con mèo rừng. Margaret ước ao một con ngựa còn Rosemary lại muốn có một cây đàn piano, nhưng cả hai mong muốn đó lại là những điều hết sức hão huyền. Edwina đau lòng khi phải nói “không” với chúng. Cô cũng biết rằng thật khó đối với lũ trẻ khi phải chấp nhận rằng họ là gia đình duy nhất trong vùng không có xe ô tô, không có vườn rộng và những con ngựa, là những người duy nhất không bao giờ được đi nghỉ. Chúng hiểu rằng đối với chúng bây giờ đủ để tồn tại đã là điều đáng quý lắm rồi. Tuy vậy, Edwina cũng cố chắt bóp dành dụm để trả tiền cho những giờ học nhạc của Rosemary, và Margaret thì phải tới làm việc ột trại ngựa trong vùng nơi người ta sẽ dạy miễn phí cho nó những kiến thức về ngựa. 
Điều phiền toái lớn nhất đối với Edwina là “người đàn bà đó” dường như đã trùm chiếc bóng oai phong của cô ta xuống cuộc đời của mẹ con cô. Sau gần hai năm dạy học, Edwina đề nghị được tăng lương nhưng hội đồng nhà trường đã bác bỏ đề nghị của cô với lý do cô không đủ trình độ chuyên môn và không biết nói tiếng Nam Phi . Cô bắt đầu học vào ban đêm. Khi nhà trường tổ chức những hoạt động xã hội thì cô luôn là một người thừa. Và khi cô vay được một khoản tiền nhỏ từ hội xây dựng địa phương và ngỏ ý muốn mua đứt ngôi nhà đang ở thì hội đồng nhà trường đã từ chối không bán. Hội động nhà trường, hay là Anna, đã trở thành một vật trở ngại lớn đối với mọi nguyện vọng của cô. 
Tồi tệ hơn cả là tình bạn của Acker với Margaret. Ít nhất ba lần trong một năm Margaret và Rosemary được mời đến dự những buổi tiệc tổ chức ngoài vườn hoặc những buổi tiệc sinh nhật mà Edwina buộc phải chịu đựng sự hổ thẹn bẽ bàng khi phải cuốc bộ cùng hai đứa trẻ đi một quãng đường dài tới hai dặm đến Fontainebleu, trong khi những gia đình khác chạy xe phóng vụt qua. Thường xuyên từ chối ở lại, cô để lũ trẻ ở cổng, sau đó quay trở lại đón chúng, để rồi ba mẹ con lại phải mệt nhọc lê bước trên cùng quãng đường ấy trở về nhà. Cô muốn ngăn cản Margaret kết bạn với Acker nhưng lại không nỡ làm vậy. Nhưng cuối cùng tình bạn của hai đứa trẻ ấy cũng chấm dứt mà không cần cô can thiệp. 
Một hôm trên đường đi dạo lên núi, Margaret chợt nghe có một tiếng nổ, rồi cô bé trông thấy một con chim ưng nhao xuống. Tim đập thình thịch vì hoảng sợ, cô bé chạy lại nơi đó, nghĩ rằng mình sẽ tìm thấy con vật tội nghiệp đã chết. Nhưng không, nó lại đang co rúm người lại giữa những bụi cây rậm rạp trong khi Acker và ba cậu bạn nữa đang cố sức kéo nó ra. 

– Các anh không được giết nó – Cô bé rít lên the thé. – Acker, tại sao anh lại làm vậy? Các anh… tất cả các anh… Em sẽ không nói chuyện với anh nữa. – Cô bé ngồi phệt xuống đất và òa lên khóc nức nở. Acker đẩy các bạn ra, tóm lấy con chim ưng và liệng nó vào vạt váy của Margaret. Cô bé vội đỡ lấy con vật, cánh của nó gãy nát trên đầu gối của cô. 
– Em hãy giữ lấy đồ chết tiệt này nếu em muốn – Cậu bé nói, mặt trông có vẻ ngượng ngùng. Rồi cậu quay đi, oai vệ bước giữa những người bạn. Tháng kế tiếp, cô bé không được mời tới bữa tiệc sinh nhật của anh em nhà Acker. 
Con chim đã được chữa lành với sự chăm sóc chu đáo của viên bác sĩ thú y trong vùng cùng với một khoản lệ phí đáng kể. Vài tuần sau đó nó đã đậu được trên một chiếc sào đằng sau chiếc đài trong phòng khách, ăn ngấu ăn nghiến những mẩu thịt vụn, cho tới một ngày viên bác sĩ thú y thông báo rằng vết thương của nó đã lành. Margaret đem nó lên đỉnh núi và thả cho nó bay đi. 
Nhưng vết thương lòng của Margaret, tuy vậy, lại không dễ lành được như thế, cô bé bắt đầu trở nên ít nói hơn, sống khép mình và quan tâm nhiều tới những con vật yêu quý của cô hơn là kết bạn. 

* * 
Chẳng bao lâu sau căn bệnh cũ của ông André van Achlenburgh lại tái phát. Vì Anna và Katie đang ở Knysma nên Acker bảo Jacob lái xe đưa ông đi cấp cứu. Trông ông thật xanh xao, yếu ớt và hoang mang khi ông được đưa đến khoa tiết niệu trên một cái cáng. 
Acker đã mười lăm tuổi, nhưng trông cậu già dặn hơn thế nhiều vì cậu đã cao tới hơn sáu foot với đôi vai rộng và cặp mắt xanh sâu thẳm. 
Những cô y tá trẻ cứ cười khúc khích, nhìn cậu tỏ ý tán tỉnh. Acker nán lại bên giường bệnh suốt cả ngày, trò chuyện với ông về những kế hoạch mà họ đã phác ra cho trang trại. Khi ông André đã ngủ thiếp đi thì cậu gọi Jacob tới và bảo bác ta lái xe đưa cậu về nhà để cậu gọi điện ẹ. 
– Ông sắp chết, mẹ ạ, con vừa được biết. Mẹ phải về nhà ngay đi. 
Họ hẹn gặp nhau tại bệnh viện vào lúc mười giờ nhưng khi tới nơi thì ông André đã được đưa đi chụp X-quang và họ phải ngồi đợi trong căn phòng trống trải suốt một giờ đồng hồ, lòng trĩu nặng vì phiền muộn. Cuối cùng, ông cũng trở về phòng trên một chiếc xe đẩy. Lòng Anna đau nhói khi trông thấy sức khỏe của cha mình suy sụp hẳn đi trong vài ngày qua. 
Vị bác sĩ kéo Acker ra một chỗ, ông ta cho rằng cậu là một người đã trưởng thành. 
– Tôi sợ rằng phải báo một tin xấu cho gia đình. 
Acker gật đầu. Cậu biết rằng ông André sẽ chết. 
– Khối u đã bịt kín ống dẫn từ thận ra, do vậy André không đi tiểu được và ông ấy sẽ chết khi thận bị ứ nước và vỡ ra. 
Acker nhìn ông bác sĩ chằm chằm. 
– Liệu có thể cắt bỏ khối u đi hay cho chạy thận nhân tạo được không ạ? 
– Kéo dài cuộc sống của những bệnh nhân ung thư sẽ chỉ đem đến cho họ những cơn đau khủng khiếp khi tế bào ung thư lan ra tới những bộ phận khác. Chúng tôi cố tránh điều đó. 
– Được bao lâu nữa? – Acker hỏi. 
– Khoảng năm ngày, có thể là bảy… – Bác sĩ nhún vai vẻ xin lỗi. 
– Không thể như vậy được. – Acker lẩm bẩm. – Ngày hôm qua ông tôi vẫn còn đi dạo được mà. 
– Nhưng hôm nay thì không thể đâu – ông bác sĩ e ngại lắc đầu. Rồi ông nói thêm. – ông ấy sẽ rơi vào trạng thái hôn mê kéo dài khoảng mười ngày. 
– Liệu chúng tôi có thể đưa ông về được không ạ? – Acker ngần ngại hỏi. – Chúng tôi không muốn ông chết ở một nơi xa lạ. 
– Thế nào cũng được thôi. Còn bây giờ… xin cậu thứ lỗi cho… – Vị bác sĩ rời đi, thời giờ hạn hẹp của ông còn phải chia cho nhiều bệnh nhân khác nữa. 
André vẫn đang ngồi chờ. Trông ông buồn rầu hết sức, nhưng rồi khuôn mặt của ông sáng bừng lên khi ông hay rằng mình có thể về nhà. 
Đêm muộn hôm đó Anna bật khóc nức nở khi Acker thông báo cho cô về lời chẩn đoán của ông bác sĩ. 
– Lẽ ra con nên nói với mẹ sớm hơn mới phải. – Cô vừa nói vừa khóc như mưa như gió. 
– Nhưng con biết là mẹ sẽ khóc, – cậu đáp, – và như vậy thì ông biết mất. 

Tất nhiên là cậu nói đúng. Acker đã trưởng thành thật rồi, Anna nghĩ. Cậu là người đáng tin cậy nhất, cậu luôn quan tâm giúp đỡ mọi người. Cô buồn bã đi về giường và nằm khóc suốt đêm. Cuộc sống này sẽ không còn được như xưa nữa nếu như không có cha. Sáng hôm sau cô phải dành ra tới nửa giờ đồng hồ để lau mắt bằng thuốc trước khi dám đối diện với cha. Từ lúc đó trở đi, Acker ở lại luôn bên cạnh ông ngoại, đau khổ nhìn ông đang mỗi lúc một yếu dần. 
André, kinh ngạc vì thấy sức khỏe của mình cứ giảm đi trông thấy, bắt đầu tưởng tượng ra đủ điều. Có lúc ông cho là mình đang bị đầu độc nhưng có lúc ông lại nghĩ rằng người ta đang bỏ mặc cho ông chết đói hoặc không cho ông uống loại thuốc thích hợp. Cuối cùng, ông nắm lấy tay Acker và nói: 
– Ông sắp nằm xuống rồi cháu ạ. Ông sợ phải đi ngủ lắm vì như thế thì ông sẽ không bao giờ được trở dậy nữa. 
Sau bảy đêm bệnh nặng trầm trọng thì ông André yếu lắm rồi. 
– Acker ơi, ông sắp chết, có phải không cháu? 
Acker quay mặt đi. 
– Mặc dầu ông không hiểu lại sao – ông nói liếp khi không thấy Acker trả lời. – ông không thấy đau đớn ở đâu cả, chỉ có cảm giác không được thoải mái lắm thôi. Nhưng ông mệt lắm. 
Ông mỉm cười, nhưng trông mặt buồn rười rượi. 
Nhìn ông, Acker cố gắng kiềm chế bản thân mình khỏi xúc động. 
– Ông đừng bỏ cuộc đời này ông ngoại ạ. – Cậu nói. 
– Ngày nay người ta thường thế, – ông André bắt đầu ca cẩm. – Cư xử như thể những người già là con trẻ vậy; lúc nào cũng nói dối họ. Cháu đã biết một điều gì đó Acker ạ, nhưng cháu lại không nói cho ông nghe. Ông có thể nhìn thấy điều ấy trong mắt của cháu, và cả mắt của mẹ cháu nữa. – ông thở dài. 
– Thật là lạ, nhưng ông chẳng thấy mình già hơn tuổi ba mươi là bao, – ông tiếp tục. – Có lẽ là do gần đây ông cứ hay nhớ lại thời trai trẻ của mình. – ông mím chặt môi lại. – Nếu mà bây giờ có được trở lại thời ấy thì ông thực sự không có gì phải ta thán cả. Ông đã có một cuộc đời tươi đẹp, nhưng vẫn có một điều sai lầm. 
Ông nhắm nghiền mắt lại khiến trong giây lát Acker cứ tưởng là ông đã ngủ, nhưng rồi ông André lại mở mắt ra. Một lúc sau ông chìa tay ra và nắm chặt lấy tay cậu. 
– Thời gian là vậy đấy cháu ạ, cháu chỉ có thể nhìn lại xem mình đã làm được và không làm được những gì. Không thể làm hơn thế được. Ông đã phạm phải một sai lầm rất lớn, cậu bé ạ, điều đó đã khiến ông phiền lòng trong suốt nhiều năm qua. 
Acker cố nuốt một cục nghèn nghẹn trong cổ họng. Cậu yêu ông biết bao, yêu hơn cả cha mình, thậm chí còn hơn cả mẹ nữa. Ý nghĩ là ông sẽ ra đi mãi mãi khiến cậu không thể nào chịu nổi. 
– Acker này, – ông khẽ khàng nói tiếp. – Ngày xưa ông đã tính cho cháu đi làm con nuôi đấy, vậy mà bây giờ cháu đã trở thành điều tốt đẹp nhất, hạnh phúc nhất mà ông có được trong cuộc đời của mình. 
Bàn tay yếu ớt run rẩy siết chặt tay cậu một lần nữa. 
– Chắc cháu cũng biết rằng ngày xưa ông đã kiên quyết chống lại Simon, kiên quyết ngăn cản đám cưới của cha mẹ cháu. Nhưng mẹ cháu lại kiên quyết hơn. Sau đó, Simon đi chiến đấu trở về, nó đã trưởng thành hơn rất nhiều, nó không muốn phải chịu ơn nhà ngoại. Nó không muốn sống ở đây. Giá mà ngày xưa ông cư xử khác đi thì giờ đây bố mẹ cháu đã có thể được hạnh phúc hơn rồi. Điều đáng lo là về mẹ cháu, mẹ cháu luôn là một cô gái dịu dàng dễ mến. Nó thực sự không cứng rắn tới vậy đâu, mặc dầu lúc nào nó cũng tỏ ra như vậy. Cháu phải trông nom mẹ cháu khi ông đã đi xa nhé. 
– Ông đừng nói vậy, ông ngoại. – Acker nói, mắt nhìn chằm chằm vào bức tường trước mặt. 
– Cháu biết không Acker, ông thường suy nghĩ về cuộc đời này và dường như ở đó có nhiều bài học đạo đức hơn chúng ta được dạy rất nhiều. Chỉ gắng sống sao cho tốt. sao cho trong sạch, lương thiện thôi chưa đủ. Cháu phải tốt với cả chính bản thân mình nữa. Cháu phải tìm hiểu Acker Smit là người thế nào trước khi quá muộn. Cháu hãy cứ sống theo cách mà cháu muốn. Mẹ cháu đã không làm được điều đó, mẹ cháu không biết mình là ai và ông đau lòng khi phải chứng kiến mẹ cháu không được hạnh phúc. 
– Ông ơi, tại sao ông không ngủ đi. – Acker nài nỉ. – ông đã không ngủ nhiều đêm rồi. Ông kiệt sức mất. 
– Không đâu – ông André bướng bỉnh đáp. – Cháu hãy dìu ông sang xe lăn đi Acker. Ông còn ít thời gian lắm, ông không muốn ngủ đâu. Lúc này đây ông không mong gì hơn là được thức. 
Ông cứ nằng nặc đòi được quấn vào một chiếc chăn đơn và được đẩy xe ra ngoài ban công. 
– Ông bị nhiễm lạnh mất thôi. – Acker lo ngại. 
– Với tình trạng của ông thế này thì chuyện đó đâu thành vấn đề – André nhẹ nhàng nói. – Nào bây giờ cháu hãy đi đi. Đi ngủ đi! Ông muốn ngồi đây một mình để ngắm nhìn những chùm nho dưới ánh trăng. Ông luôn yêu chúng mà; rồi lại còn được nghe tiếng cú kêu và ếch nhái ộp oạp dưới sông, được nghe tiếng lá cây xào xạc trong gió nữa. Đời là thế đấy, Acker. Đời là thế! 
Acker mệt mỏi rã rời, ngủ thiếp đi cho tới lúc bình minh. Cậu sực tỉnh trong nỗi sợ hãi và chạy ngay sang phòng ông ngoại. Ông André đã chết từ lúc nào. Người ông đã lạnh cứng, trông chẳng còn lại chút gì giống với ông André nữa. Một xác chết cứng đơ, lạnh ngắt trong một dáng ngồi đáng sợ. 
Cậu bế bổng ông lại giường và bắt đầu thổn thức khóc. Cậu cảm thấy như mọi nỗi thống khổ của nhân loại lúc này đang đổ dồn hết xuống đầu cậu. Một lát sau cậu gọi mẹ tới và đi ra ngoài, để mẹ lại một mình với ông ngoại. Cậu hít một hơi thật sâu. Chao ôi, không khí mới thơm tho ngọt ngào làm sao, trong lành và mát rượi; những chùm nho mới được thu hoạch một nửa. Vậy là ông André đã bỏ lỡ tất cả rồi. Cậu đi xuyên qua vườn nho, xuyên qua những khu rừng rồi leo lên sườn núi. 
– Ôi trời, – cậu thì thầm. – Giá mà mình hiểu được. Một ngày nào đó sẽ đến lượt mình không còn được chạm tay vào lá hoa và cây cỏ nữa. – Cậu vòng tay quanh một thân cây, áp người vào đó. Rồi cậu bước lùi trở lại, ngồi bệt xuống đất, vùi mặt vào lòng bàn tay. Cậu cầu xin, đe dọa, căm ghét và tự an ủi mình, trong khi mặt trời dần lên cao rồi lại lặn đi, và bóng đêm ập tới.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.