Tình yêu dịu dàng

Chương 20


Bạn đang đọc Tình yêu dịu dàng – Chương 20

Bây giờ Quỳnh mới nhớ nãy giờ mình đang ngồi trước bàn ăn. Cô múc đồ xào vào chén, nhỏ nhẹ gắp từng miếng. Nhưng Dương thì không đụng đến thứ gì, chỉ lặng lẽ uống bia. Thái độ trở nên trầm lặng chứ không sùng sục như là lửa lúc nãy. Quỳnh ngước lên nhìn:
– Sao anh không ăn?
– Em ăn đi.
– Anh nghĩ gì vậy?
Dương cười khẽ:
– Chẳng nghĩ gì cả.
– Anh buồn em phải không?
– Có buồn cũng không làm được gì – Anh chợt cười khan rồi hỏi – Em có biết tại sao tối nay anh đưa đến đây không? Nãy giờ sao em không hỏi?
Quỳnh ngỡ ngàng bỏ đũa xuống. Bây giờ cô mới nhớ mình đã không hỏi một điều hiển nhiên như vậy. Nhưng dù không hỏi, cô cũng đã đoán được lý do.
Không đợi cô lên tiếng, Dương nói tiếp:
– Anh muốn đó là cách trả lời dứt khoát đối với gia đình. Về phía em, đã biết quan điểm thẳng thắn của anh rồi, hy vọng em không hoài nghi – Anh chợt nheo mắt nhìn Quỳnh, nhấn giọng – Nhất là đừng bao giờ nhìn anh qua hình ảnh của thằng Quốc, đừng chạm vào điều cấm kỵ của anh.
– Vâng, em biết. Em sẽ không nói nữa. Nhưng dù sao anh cũng không nên làm vậy.
– Làm vậy là thế nào?
– Như chuyện lúc nãy đã làm. Như vậy ác với ba anh, nhất là cô gái đó. Nếu biết trước, chắc chắn em sẽ không đi đâu.
Dương nói rành rọt:
– Cô ta không biết gì đâu. Còn ba anh thì phải dùng cách đó, anh biết tính ông mà.
“Nhưng em không yêu anh và không muốn bị áp đặt”. Quỳnh muốn nói ra điều đó, nhưng lại chỉ giữ ý nghĩ đó trong đầu. Thật ra, cô rất cần Dương, nhưng như là em gái cần một người anh, chứ không phải tình yêu. Quỳnh thấy tự giận mình vì đã cần Dương. Nhưng ngay sau đó, cô lại giận Dương, vì anh cứ áp đặt lên cô tình yêu. Cô không muốn mất anh, cũng không thể yêu chính vì vậy mà cô khổ sở.
Cô không để ý nãy giờ Dương nhìn mình như thôi miên. Mãi một lúc sau cô mới cảm nhận được cái nhìn đó và quay lại nhìn anh. Thấy cô đã quay lại, anh chợt cười một mình:
– Anh đã gọi em đến lần thứ bảy mươi hai. Nếu em không cảm nhận được, chắc anh phải bắt đầu có ý định bỏ cuộc.
– Là sao? Em không hiểu.
– Có nghĩa là em có nghĩ đến anh, thế là đủ. Và anh sẽ kiên nhẫn chinh phục – Anh đột ngột rút khăn lau miệng – Về chưa? Tối nay anh còn phải thức vẽ, có lẽ là thức suốt đêm mới kịp.
Quỳnh có vẻ quan tâm:
– Vậy mua thêm thứ gì khuya ăn, anh có cần em nấu gì cho anh không?
Dương khoát tay:
– Khỏi. Cà phê là đủ rồi.
– Cứ thức như vậy, mất sức lắm. Em nói thật đấy.
Dương nheo mắt:
– Em nói chuyện giống chị anh quá. Lúc nào chị ấy cũng nghĩ anh là một cậu bé. Con trai chịu đựng giỏi lắm đấy em.
Quỳnh cười:
– Anh không giống chút nào với cái mà em tưởng.
– Em tưởng gì?
– Anh rất công tử.
Dương nhún vai:
– Anh ghét sự yếu đuối. Về chứ em?
– Dạ.
– Quên. Còn điều này nữa.

– Gì anh?
Dương chợt nghiêm mặt:
– Em phải trở lại nhà anh, đừng ở trong chiếc hộp thiếc đó nữa. Nóng bức không cũng đủ làm em chết đó.
Quỳnh tìm cớ thoái thác:
– Để qua tháng này đã anh ạ.
Dương nhìn cô một cái chứ không nói gì. Quỳnh biết nếu từ chối thẳng, sẽ chọc cho anh nổi nóng. Cô hiểu tính anh quá rồi, nên luôn thận trọng.
Dương đưa cô về đến đầu đường chứ không vô nhà. Anh có vẻ vội vã. Sự vội vã làm Quỳnh thấy thương thương. Hình như anh kiếm tiền cực nhọc vì cô, cô nghe cảm giác sung sướng lẫn xót xa.
***
Hôm sau ở trường về, Quỳnh kinh ngạc khi thấy góc của mình trống trơn. Cô bạn cùng phòng bảo có một thanh niên đến lấy đồ và bảo với chủ nhà là Quỳnh sẽ không ở đây nữa.
Quỳnh đứng thừ người. Biết ngay đó là Dương. Không phải suy nghĩ lâu, cô chạy xuống sân, lấy xe đến nhà anh ngay.
Đúng như Quỳnh nghĩ, Dương đang ở nhà. Cửa đóng hé chứ không khóa. Quỳnh bước vào phòng, cô thấy sách vở và các thứ lỉnh kỉnh khác để bừa bộn trên salon. Dương nằm dưới gạch, ngủ say như chết. Có lẽ anh dọn đồ vào lúc sáng và mệt quá, nên ngủ luôn.
Hành động này là mệnh lệnh, đặt để, chứ không phải là thuyết phục nữa. Quỳnh hiểu cô phải chọn một trong hai cách, hoặc là chấp nhận ở lại, hoặc là không bao giờ có anh.
Dương là thế đó, dứt khoát tới cùng, chứ không lấp lửng như Quốc.
Quỳnh chợt thấy đói. Cô xuống đường mua ình ổ bánh mì gặm cho đỡ đói. Rồi cô chạy thật nhanh vào chợ, để mua thức ăn về cho Dương.
Về nhà, Quỳnh thay đồ rồi bắt tay vào nấu nướng. Cô chăm chút từng món, như thể muốn bù lại sự mệt mỏi đêm qua của Dương. Khi cô nấu nướng xong, Dương vẫn chưa thức. Mệt quá, cô vào phòng ngủ nằm, rồi cũng ngủ ngon lành.
***
Quỳnh thức dậy khi trời đã gần chiều. Những giọt nắng vàng rọi qua cửa sổ, lung linh trên tường. Cô ngồi dậy kéo rèm nhìn ra ngoài.
Qua khung cửa, Quỳnh nhìn thấy những chậu hoa dưới sân thượng của nhà kế bên. Xa hơn nữa là những ngôi nhà trang trí sang trọng. Cô lại nghĩ đến khung cửa sổ ở căn gác mình đã sống. Nhớ lại những mái tôn chen chúc, nóng bức. Và trên hết là cảm giác cô đơn lo sợ. Còn bây giờ, ở đây, sống giữa căn nhà sang trọng này, cô lại có Dương. Chiều nay cô thấy mình thật là hạnh phúc.
Nhớ đến Dương, Quỳnh vội chạy ra ngoài phòng ăn. Dương đang ngồi trên bàn ăn, ăn một cách ngon lành. Thấy cô, anh mỉm cười.
– Em nấu chi mà nhiều món quá vậy?
– Em thích lo cho anh, em nấu anh ăn có được không?
– Hơn cả nhà hàng. Em giỏi nội trợ thật.
Quỳnh rửa mặt rồi trở ra ngồi cạnh Dương. Nhìn anh ăn một cách vui thích, Dương nheo mắt khi nhìn thấy cách nhìn của cô.
– Tại sao mà nhìn anh dữ vậy?
– Anh ăn có ngon không?
– Nếu như ngày nào cũng được em nấu ăn thì tuyệt lắm.
Quỳnh mỉm cười, không hứa hẹn cũng không từ chối. Ra tủ lạnh lấy lon bia đến đặt trước mặt của anh. Cử chỉ của cô làm cho anh bật cười.
– Em chu đáo quá.
Cả hai đứng dậy, đi ra phòng khách. Cùng ngồi song song trên cùng một chiếc ghế, cặp mắt của Quỳnh dịu dàng long lanh, một vẻ thanh thản lộ rõ trên gương mặt của cô.
Dương xoay xoay lon bia trên tay. Anh nhìn đồ đạc còn bừa bộn trên bàn, rồi quay lại:
– Sao em không dọn mấy thứ này đi. Em không còn lý do gì để dọn đi nữa đâu. Nếu đi có nghĩa là em đã chọn lựa rồi đó.
Quỳnh nói khẽ:
– Em sẽ không đi nữa đâu, trừ phi anh đuổi em.
– Thật chứ?
– Em nói thật.

Dương không nói gì, nhưng lại choàng tay qua vai Quỳnh, kéo cô ngã vào người của mình. Quỳnh không chống đối, cô để yên mặt mình áp trên vai anh, cả hai cứ như thế im lặng ngồi bên nhau.
Một lát sau, Quỳnh hỏi nhỏ:
– Đêm qua, anh vẽ xong chưa?
– Rồi, anh giao cho người ta rồi – Dương bật cười – Ba anh cứ nghĩ, nếu cấm vận đối với anh, anh sẽ đầu hàng. Không bao giờ. Anh ghét nhất là bị ai khống chế, dù là bất cứ điều gì.
– Nếu không vì em, anh có bỏ nhà đi không?
Dương cúi xuống nhìn cô:
– Em biết rồi.
– Vậy anh có thật lòng muốn cưới em không hả?
– Tại sao em còn hỏi anh điều đó? Có điều là em chưa phải lấy anh bây giờ? Anh còn nhiều thứ phải lo, em hiểu không?
– Em biết.
Cả hai lại im lặng. Im lặng thật lâu, cảm thấy như là không có chuyện gì để nói nữa.
Buối chiều qua mau, rồi bóng tối len lỏi vào phòng chậm chạp. Không ai nghĩ tới chuyện bật đèn. Dương nhìn bóng tối trước mặt, anh siết nhẹ Quỳnh vào lòng và nhìn xuống khuôn mặt dịu hiền của cô đang áp sát trên vai mình. Tự nhiên anh thấy tim của mình đập mạnh.
– Quỳnh!
Anh gọi cô và kéo mặt của cô lên, cúi xuống. Quỳnh nhắm mắt lại không phản đối. Cô vẫn cứ nhắm mắt khi nghe hơi thở của anh trên mặt mình…… rất lâu. Và khi cảm thấy cúc áo đầu tiên của mình bị mở, cô chỉ khẽ kêu lên một tiếng lo sợ. Nhưng tất cả không chỉ dừng lại ở đó và Quỳnh tha thứ cho anh cả sự đau đớn đầu tiên.
Hết giờ, cả lớp lục đục đứng dậy, túa đầy ra hành lang. Quỳnh cũng hoà vào dòng người đi xuống sân. Cô đi xuống những nấc thang với những bước chân như nhảy. Lúc này cô có tâm trạng rất vui, rất là nhẹ nhàng. Nó toát lên trong ánh mắt lấp lánh, trên mỗi đường nét của khuôn mặt và cử chỉ. Quỳnh không nhận ra mình thay đổi. Nhưng Thuỳ và Sương thì cứ hay nhận xét điều đó.
Có lúc ngẫm nghĩ, Quỳnh tự hỏi tại sao mình lại như vậy. Bây giờ cô gần như hoà đồng cuộc sống của mình vào Dương. Tin tưởng anh một cách tuyệt đối. Và nghĩ tới viễn ảnh cuộc sống chung sau này. Còn tình yêu? Cô đã không còn do dự hay tìm kiếm nữa.
Quỳnh đi ra cổng. Và không để ý thấy một chiếc xe màu đen đậu ngay sát cạnh lối đi. Và ông Nghị đang ngồi trong xe nhìn theo bóng cô khi cô còn đang đi trong sân trường. Khi cô đi ngang qua, ông bèn gọi lại:
– Quỳnh!
Quỳnh quay lại nhìn. Khuôn mặt của cô thoắt thay đổi khi nhận ra ông chủ cũ. Cô miễn cưỡng đi về phía ông, cúi đầu chào:
– Thưa ông.
– Con về một mình à?
– Dạ.
– Chiều nay con có đi học không?
– Dạ không.
– Tốt lắm. Vậy thì con đi ăn trưa với bác nha, rồi bác đưa con trở lại lấy xe.
– Dạ, ông chủ có chuyện gì cần ở con ạ?
– Lên xe đi con, bác có chuyện quan trọng liên quan đến con đó. Đừng ngại gì cả – Rồi ông mở cửa xe cho cô.
Quỳnh bước vòng qua ngồi vào xe. Cô ôm chiếc giỏ xách trước ngực, im lặng trong cử chỉ xa cách lẫn dè dặt.
***
Ông Nghị đưa cô vào một nhà hàng, chọn một phòng riêng như cần một không gian yên tĩnh thích hợp. Ông kéo ghế cho cô ngồi và ngọt ngào:
– Ngồi đi con.
– Dạ.
– Con muốn ăn gì.

– Dạ, gì cũng được ạ.
– Vậy, ăn cơm phần nha.
– Dạ.
Ông Nghị quay qua nói với cô tiếp viên. Quỳnh đưa mắt nhìn theo cho đến lúc cô ta khuất đi ở cửa. Cô nhìn như thế không phải vì tò mò mà vì lúng túng khi ngồi một mình với ông chủ vốn chưa bao giờ gần gũi mình.
Suốt lúc ăn, ông Nghị chỉ hỏi thăm đến chuyện học của cô. Quỳnh trả lời một cách lễ phép. Nhưng trong lòng cô cứ tự hỏi lại một câu: “Tại sao mình lại có thể ngồi ăn chung bàn với ông ta, con người là nguyên nhân tai họa của mẹ mình? Mình không biết thù ghét hay nên thông cảm với ông ta nữa”. Và cô chọn thái độ hay nhất để ứng xử là sự dè dặt tuyệt đối trong từng câu nói.
Ông Nghi ghim một miếng trái cây đưa tận tay cô:
– Ăn đi con.
– Dạ, con cám ơn ông. Nhưng con không ăn.
Cô giữ khoảng cách, nhưng lại không khỏi xúc động vì cử chỉ chăm sóc thân mật đó. Ông Nghị không hiểu được cô đang nghĩ cái gì, nhưng vẫn cư xử thân ái rất thật lòng.
Chợt ông đẩy dĩa tới trước, cử chỉ vô tình như chuẩn bị ột câu chuyện nghiêm túc. Ông mở đầu bằng một câu thông báo mà Quỳnh không muốn nghe.
– Họ đã kêu án bà ấy tám năm tù. Thời gian đó không là gì so với chiều dài của một đời người, nhưng với bà ấy thì….
Ông chợt ngừng lại không nói nữa. Nhưng Quỳnh rất hiểu. Đối với bà chủ đài các ấy thì cuộc sống ở trong tù quả là quá khủng hoảng.
Ông Nghị lại nhìn cô khá lâu và vô tình thở dài:
– Hãy tha thứ cho bà ấy con ạ. Bà ta cũng có nỗi bất hạnh riêng.
– Vâng.
– Có nghĩa là con đã tha thứ?
Quỳnh đờ đẫn nhìn ra ngoaì, vẻ mặt có cái gì đó đau đớn ngầm.
– Ban đầu con căm thù bà ta lắm, nhưng thời gian qua đi, con dần dần phân tích hoàn cảnh của mọi người và con đã hiểu bà chủ cũng đã chịu nhiều mất mát, đau khổ. Mẹ con cũng có lỗi với bà chủ mà.
– Mẹ con có những thứ mà bà ta không hề có được đó là tình yêu của bác. Lúc mẹ con chết đi, bác chỉ nói có một phần những gì mà con cần biết, nó không chỉ dừng lại ở đó đâu, con gái ạ.
“Con gái ạ” Quỳnh như vô tình lập lại câu nói đó trong đầu. Cô nghe cảm giác êm đềm xoa dịu, có một người đàn ông gọi cô một cách âu yếm đến như vậy sao? Tự nhiên cô lại nhớ đến cảnh đầm ấm của Quỳnh Hoa bên cha mẹ.
– Con nghĩ thế nào Quỳnh?
Tiếng của ông Nghị làm cho cô giật mình, cô vội ngẩng lên:
– Dạ, ông chủ hỏi gì ạ?
– Nãy giờ, con không nghe bác nói cái gì sao?
– Dạ.
Ông Nghị như nhắc lại:
– Chuyện giữa bác và mẹ con không làm con quan tâm sao?
Quỳnh khẽ cắn môi:
– Con là con nít, chuyện của người lớn con không dám có ý kiến. Mà nếu có thì cách hay nhất là cũng không dám nói ra, vì nó chẳng tốt đẹp gì.
– Khi nói được câu đó, là con đã đánh giá ra mối quan hệ đó như thế nào rồi, con thấy nó là bất chính có phải không?
Quỳnh như chợt giận lên, mặt đột ngột bừng đỏ, cô nói nhanh như mất bình tĩnh:
– Vì sự bất chính đó mà mẹ của con đã phải trả một giá quá đắt bằng mạng sống của chính mình. Con biết phải nói gì bây giờ, con biết trách cứ ai đây, tốt nhất là con nguyền rủa số phận đã cướp đi mất mẹ của con.
Ông Nghị nhìn cô chăm chú:
– Bình tĩnh lại đi con. Bác biết thời gian qua con bị sốc mạnh lắm có phải không?
Giọng nói trầm trầm chậm rãi của ông làm cho Quỳnh dịu lại, cô nín lặng. Ông Nghị lại nói tiếp:
– Bác xin lỗi con. Lẽ ra bác phải nói về thân thế của con lâu lắm rồi, nhưng lúc còn sống thì mẹ của con đã cản bác, sợ sẽ không giữ được bí mật. Còn sau khi án mạng xảy ra, thì bác phải lo cho bác gái.
Quỳnh cười buồn:
– Từ nhỏ đến lớn, con đã biết mình là con của một người giúp việc. Và con tự nhủ sẽ đưa mẹ con vươn lên một địa vị khác. Chính vì như vậy, mà con học như điên, bất chấp mọi hoàn cảnh.
– Nếu con có cha mẹ có địa vị trong xã hội thì ra sao? Liệu con có chấp nhận không? Cha con có tất cả những thứ có thể làm cho con hãnh diện đấy Quỳnh à.
– Vâng, mẹ của con cũng đã nói như vậy.
– Nhưng mẹ của con đã không nói chính xác hết mọi vấn đề là ba của con chưa có chết và chưa bao giờ chết.

Tim Quỳnh như đứng lại, cô thì thào:
– Sao ạ? Hy vọng bác không nói dối với con chứ? Có thật là ba của con vẫn còn sống không?
– Con muốn biết lắm sao?
– Bất cứ ai trên đời này cũng muốn biết mặt cha mẹ của mình mà. Với con bây giờ, thì điều ấy còn quan trọng hơn những thứ khác.
Thấy ông Nghị im lặng, Quỳnh nhìn ông chăm chăm:
– Mong bác đã không nói đùa, bác là người lớn, sẽ không đem những chuyện như thế ra để đùa phải không ạ?
– Bác không đùa những chuyện như vậy đâu.
– Vâng, vâng… Vậy thì bao giờ bác có thể đưa con đến gặp mặt ba của con vậy? Khoan đã bác à, mà ba con hiện giờ đang làm gì và ở đâu vậy? Ôi trời!
Quỳnh như vô tình đứng dậy, hai tay vịn chặt lấy mép bàn, rồi lại ngồi xuống, lặp đi lặp lại:
– Bác biết mặt ba của con thật sao? Ba con như thế nào? Có lớn tuổi lắm không? Ba con sống với ai? Thế bác có thấy là con có giống ba của con không? Lạy chúa, con không thể tưởng tượng được là con còn có một người cha.
Vẻ mặt của ông Nghị trở nên căng thẳng:
– Con cần ba của mình đến như thế sao?
– Vâng. Vâng. Đúng là như vậy.
– Con ngồi xuống đi, đừng đứng lên như vậy.
– Vâng.
Quỳnh nói và ngồi xuống, đôi mắt vẫn như dán chặt vào ông Nghị, khiến ông trở nên thật là lúng túng. Nhưng vốn là người từng trải, ông biết cách giữ cho thái độ của mình luôn đĩnh đạc.
– Hai mươi năm nay, nếu con chịu để ý một chút, con đã thấy thái độ và sự lo lắng của bác đối với con không phải chỉ là một ông chủ đối với người giúp việc.
Quỳnh không hiểu ra câu nói ẩn ý đó. Cô đang quá nóng ruột về người cha không biết mặt nên khi nghe ông nói về tình cảm của ông, cô bực không chịu nổi. Nhưng vì lễ phép, nên cô đã lặng thinh.
Ông Nghị nói tiếp:
– Tình cảm của bác đối với mẹ con cũng không phải là chủ tớ, đó là mối quan hệ….
Quỳnh sốt ruột quá, chịu hết nỗi, cô vội cắt ngang:
– Xin bác nói về ba giùm con. Giờ con không còn lòng nào nghe chuyện khác. Con xin lỗi. Bác nói về ba con đi bác.
– Ba với mẹ con yêu nhau từ lúc còn trẻ. Lúc đó cả hai người đều ở dưới quê. Sau đó ba được đưa lên thành phố học và được sắp đặt để cưới người vợ giàu có, tức là bà chủ của con bây giờ đấy.
Quỳnh như đã bắt đầu hiểu ra câu chuyện, cô cứ thì thào kêu trời và cứ ngồi nhìn ông Nghị trân trối.
– Con đã hiểu ra phần nào rồi phải không? – Ông hỏi một cách buồn.
– Vâng.
– Đúng, ba đã chọn danh vọng. Nhưng tình cảm thì rất là thủy chung. Và ba vẫn cứ về thăm mẹ con. Thế rồi mẹ con sinh ra con. Ba sợ mọi chuyện đổ bể, nên ba đưa mẹ con lên thành phố.
– Và đã ẹ con làm người giúp việc.
– Ba không muốn vậy, nhưng mà mẹ con muốn gần ba một cách an toàn, gần mà không sợ ai phát hiện. Và mẹ con tự nguyện sống cuộc sống như vậy. Chính mẹ con chủ động đến tìm bác gái để xin việc. Còn bà ấy thì chỉ thương người nên nhận mẹ con vô làm.
Quỳnh nói như trong mơ:
– Con không tưởng tượng nổi một mối quan hệ như vậy, lại có thể giữ một bí mật lâu đến như vậy. Mà ngay cả con cũng không hề biết. Bây giờ con đã hiểu tại sao mẹ con sống đầy đủ.
– Bây giờ biết mặt của ba rồi, con có đón nhận được không Quỳnh?
Quỳnh không để ý vẻ căng thẳng được giấu trong sự trầm tĩnh ấy. Cô ngỡ ngàng nhìn ông chủ của mình. Không thấy được một cảm giác yêu thương, chỉ thấy một sự ngỡ ngàng lạ lùng. Chợt cô đứng bật dậy:
– Con xin lỗi. Bây giờ con không đón nhận ngay được, con cần có thời gian – Cô gật đầu như chào – Ông chủ cho con về.
– Quỳnh!
Ông Nghị nhìn cô trân trối. Hoàn toàn bất ngờ trước phản ứng của cô. Ông nói như một sự kêu gọi đầy yêu thương.
– Đừng cư xử như vậy mà con.
Nhưng Quỳnh chỉ biết lắc đầu:
– Con xin lỗi.
Cô bỏ đi ra khỏi phòng ăn, xuống lầu và đi ra khỏi nhà hàng rồi gọi một chiếc taxi về nhà. Cô làm tất cả điều đó như một bản năng tự nhiên, hoàn toàn không ý đến những chuyện nhỏ nhặt đó. Bởi vì điều mới biết quá lớn lao, bao trùm lên tất cả khiến cho cô hoàn toàn chới với.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.