Tình yêu dịu dàng

Chương 21


Bạn đang đọc Tình yêu dịu dàng – Chương 21

Mãi đến mấy ngày sau, Quỳnh vẫn như hoàn toàn không thoát khỏi cái cảm giác lơ mơ ấy. Cô ý thức ra được rằng mình còn có một người cha. Nhưng cô không vui sướng điên cuồng như đã từng ao ước.
Cô nhớ lại lúc còn nhỏ, cô hình dung ra ba cô là một người hiền lành, cha con yêu thương nhau một cách tự nhiên. Cô không vẽ ra được một khuôn mặt cụ thể, hay nghĩ ra ba mình làm nghề gì, tính tình ra sao. Bởi vì cái đó quá mơ hồ, tình thương mới là điều quan trọng đối với cô.
Còn đối với ông Nghị, từ lúc còn nhỏ, cô đã khắc sâu vào tâm khảm mình đó là một ông chủ quyền uy, xa vời vợi không hề với tới. Không thương, không ghét, cô chỉ có sợ. Bây giờ phải biến nỗi sợ hãi thành cách gần gũi cha con, cô sợ mình không thể làm nỗi đâu.
Có lẽ là Quỳnh không ý thức được cách cư xử của mình làm cho ông Nghị khổ tâm đến mức nào. Nếu Thuý không nói ra điều đó, chính là Thuý chứ không ai khác.
***
Thuý đã đến trường đón Quỳnh. Khi cả hai ngồi với nhau trên băng đá trong sân trường, Quỳnh đã bắt đầu ngỡ ngàng trong quan hệ mới. Đây là chị dâu của cô.
Chính Thúy cũng còn thấy bỡ ngỡ. Nhưng vốn là người rất chủ động trong mọi việc, cô chóng vánh quen ngay vào tình thế mới. Nếu mà trước đây Quỳnh là kẻ đáng ngại nhất trong hạnh phúc của cô, thì bây giờ điều đó đã mất và cô hăm hở bắt tay ngay vào mối quan hệ mới với cô em chồng. Và cô đã chủ động mở đầu câu chuyện bằng một câu trách móc:
– Quỳnh không nên làm vậy với ba. Bây giờ mọi chuyện đã rõ ràng rồi, lẽ ra Quỳnh phải đến thăm ba mỗi ngày, sao lại xử sự kỳ cục như vậy.
Quỳnh “vâng” một tiếng vô nghĩa. Cô không làm sao quen được với mối quan hệ mới này và cô đã lặng thinh.
Thúy tiếp tục trách móc:
– Bây giờ mình đã là người chung gia đình, phải qua lại với nhau, Quỳnh làm như vậy ba buồn lắm đó. Sao em không đến chơi với ba đi?
– Em…. em không biết.
– Chị biết là Quỳnh không dễ gì thích nghi ngay được. Nhưng phải tập dần cho quen chứ, Quỳnh cứ né tránh như vậy, anh Quốc cũng ngại không dám tới, ba phải bảo chị tới đó.
– Dạ.
– Sao nãy giờ em không nói gì hết vậy? Em thế nào?
– Em cũng không biết đâu, bây giờ em chưa quen được chuyện đó.
– Thì phải cố gắng chứ. Thứ bảy này chị làm bữa tiệc nhỏ, Quỳnh đến đi, như là đi về nhà mình vậy, ba muốn như vậy đó.
– Em không biết, nhưng mà em sẽ cố gắng.
Thúy lặng lẽ suy nghĩ, rồi lên tiếng:
– Em rủ theo anh Dương cho vui.
– Anh ấy đi công tác rồi, em không biết có về kịp không?
– Em còn ở nhà anh Dương phải không?
– Dạ.
– Ba nói không nên ở như vậy, con gái có gia đình hẳn hoi, thì phải về nhà mà ở, ba muốn em về lắm đó.
Quỳnh hơi hoảng trong bụng, nhưng vẫn không nói ra. Thái độ không rõ ràng của cô làm cho Thuý phải hỏi tới.
– Em có chịu hay không, nói để chị biết đường giải quyết.
– Dạ, để em bàn lại với anh Dương.
– Đã thân đến mức đó rồi à? Vậy có tính chuyện cưới chưa?
– Bây giờ ảnh đã có chỗ làm ổn định, chỉ còn đợi em ra trường thôi.
Thúy chép miệng, nói vu vơ như tự nói với chính mình:
– Hạnh phúc quá nhỉ? Chả bù với chị, anh Quốc không nghĩ gì đến chuyện đi làm. Ra trường rồi mà cứ lông bông như lúc còn đi học, chán chết được.
– Sao chị không khuyên anh ấy?
– Chị nghĩ là Quỳnh khuyên sẽ được hơn. Giờ là anh em rồi, ảnh sẽ không còn chán nản nữa, chắc là sẽ nghe lời khuyên của em – Rồi cô vội lãng qua chuyện khác – Nghe nói gia đình anh Dương không chịu Quỳnh phải không?
– Dạ.
Thúy cười hiểu biết:
– Giờ Quỳnh là con của một người có địa vị, gia thế phải khác đi chứ, họ coi thường hoài đâu có được.
– Em cũng chẳng thiết điều đó, để tùy cho anh Dương quyết định.
– Yêu một người mà có thể tin cậy để dựa, sướng thật đó Quỳnh.
– Vâng.
– Ba buồn lắm đó Quỳnh. Sao cô lại không nhận ba?
– Em đâu dám không nhận, nhưng mà để từ từ đã chị à.
– Nói gì thì nói, thứ bảy này em phải về nhà đấy.

– Dạ.
Thấy ngồi mãi và gợi ra đủ thứ chuyện mà Quỳnh cũng chẳng buồn nói, Thúy chép miệng
– Cô ít nói quá, thôi tôi về vậy. Nhớ là phải tới đấy nhé.
– Dạ.
– Cô đi học bằng gì vậy? Hay để tôi đưa về?
– Dạ thôi. Em có xe rồi.
– Xe đạp à?
Quỳnh ngập ngừng:
– Dạ không. Xe Dream.
Thúy cười ra vẻ hiểu biết:
– Anh Dương cho phải không?
– Dạ.
– Quỳnh sướng thật, nhìn cô chị lại thích làm cô em gái nhà nghèo hơn. Người ta có thương mình thì cũng tin tưởng, không sợ bị lợi dụng.
Quỳnh cãi yếu ớt:
– Nhưng anh Quốc đâu có lợi dụng chị.
Thúy nheo mắt, giọng nói thoáng vẻ hận đời:
– Không lợi dụng, nhưng không có chó thì thế mèo vào. Nếu nhà chị không tương xứng, anh ta chẳng chịu cưới đâu.
– Dù sao bây giờ cũng là vợ chồng rồi, chị đừng ghét anh ấy nữa.
– Ghét thôi à? Nếu được, chị sẽ nhốt anh ta vào một cái hộp, quăng xuống biển, đỡ gây hoạ cho thiên hạ.
Không hiểu Quốc sống cách gì mà bị vợ ghét đến thế. Nếu mà trước đây thì Quỳnh sẽ nghĩ Quốc phải trả giá nhưng bây giờ thì cô thấy lo lắng. Cô thật sự không muốn Quốc sống buông thả như thế.
Hai người đi ra cổng. Thúy lên xe, Quỳnh đứng nhìn bà chị dâu sang trọng của mình lái xe ra ngoài đường. Cô bỗng thấy Thúy giống như con chim bị nhốt vào chiếc lồng đẹp, nhưng vô tri. Nghĩ vậy, rồi cô thấy hiện tại của mình thật sung sướng. Dương thoát ly khỏi gia đình thế mà hay. Cô và anh được hoàn toàn tự do yêu nhau. Nếu ngộ nhỡ trước đây, cô và Quốc cưới nhau, chắc cô cũng giống Thúy bây giờ thôi.
Buổi tối, ông Nguyễn ngồi một mình trong phòng. Giờ này bà Nguyễn đã đi dự tiệc. Dạo này ông rất lười khi tham gia những buổi tiệc tùng mời mọc. Ông có cảm giác mình bị gánh nặng của tuổi già đè lên vai. Khi già, người ta muốn sống yên ổn và được con cái vây quanh. Với ông bây giờ cũng vậy, càng ngày ông càng lo nghĩ về Dương và buồn rầu vì tính ngang ngạnh của anh.
Ông đứng lên, định đi gọi Hưởng thì cô đã mở hé cửa thò đầu vào:
– Con vô được không ba?
– Vô đi. Ba định gọi con đó.
– Có gì không ba?
– Mấy tháng nay, con có đến chỗ thằng Dương không?
– Nó đi công tác rồi ba ạ.
– Chừng nào về?
– Dạ, chắc khoảng nửa tháng.
– Còn con bé ấy thế nào? Con có biết không?
– Con thấy nó ngoài đường mấy lần, nhưng không gọi. Mà ba này!
– Gì vậy? Con nói đi.
Hưởng ngập ngừng:
– Mấy hôm nay con cứ suy nghĩ mãi. Tự nhiên con thấy… không biết mình có khắt khe quá không? Nhỏ đó cũng hiền lắm ba.
– Ba biết. Rồi sao? Con muốn cái gì?
– Con nghĩ, có lẽ mình đừng nên có thành kiến với nó. Không chừng thằng Dương cưới nó lại hay hơn.
– Hay cái gì?
– Chứ không phải ba thích con dâu nhu mì sao? Mấy đứa hiền mới chịu nổi tính khí thằng Dương, ba ạ.
Ông Nguyễn trầm ngâm:
– Ba chỉ sợ cô ta lợi dụng thằng Dương, nhưng bây giờ ba cần đánh giá lại. Có lẽ định kiến quá cũng không hay.
– Ba nghĩ thử xem, tại ba cấm cản nên nó tức, nếu bây giờ ba thừa nhận người yêu của nó, con nghĩ nó sẽ chịu trở về nhà.

– Con nghĩ, ba độc tài lắm à?
Hưởng cười dè dặt:
– Lần đó ba sắp xếp buổi coi mắt, con thấy mình áp đặt nó quá. Và kết quả là nó phản ứng như vậy.
Nhắc lại chuyện đó, ông Nguyễn cau mày:
– Cũng may là người ta thông cảm, nếu không, ba không biết ba sẽ khó xử đến đâu.
– Nhưng một phần là lỗi tại mình đó ba.
Ông Nguyễn chợt mỉm cười:
– Bây giờ con muốn lên án ba phải không?
– Dạ đâu có. Nhưng con nghĩ mình đã bức bằng thằng Dương đó.
– Nó luôn có ác cảm với ba, luôn hận ba, lẽ ra ba không nên can thiệp vào chuyện của nó – Ông thở dài – Tất cả cũng chỉ vì ba lo cho nó thôi – Ông quay qua Hưởng – Con nên tìm cách thân thiện với con bé ấy, bảo nó khuyên thằng Dương về nhà đi.
– Nói vậy là mình thừa nhận nó hả ba?
– Con có muốn vậy không?
– Dạ muốn. Thật tình con cũng mến con bé đó, nó hiền khô, hơi nhút nhát một chút, nhưng không nhu nhược đâu.
– Ba cũng mong như vậy. Thật ra, nhu nhược quá cũng không nắm nổi thằng Dương, nó phải có người kiềm bớt tính ngang ngược chứ.
Hưởng thở nhẹ, cô cứ nghĩ mình sẽ khó khăn lắm khi thuyết phục ông bố. Nhưng không ngờ ông cũng đã thay đổi ý nghĩ. Từ đó giờ, ông và Dương luôn ở hai thái cực đối lập nhau. Bởi Dương giống tính ông ở chỗ cứng rắn và độc đoán. Cái gì ông đã muốn thì bắt Dương phải chấp nhận. Nếu Dương nhu nhược như cô thì còn đỡ. Đằng này, tính tình lại nóng nảy, chẳng chịu khuất phục. Sống trong nhà, cô cứ khổ sở vì sự đối nghịch của hai cha con. Ơn trời là bây giờ ba bắt đầu nhượng bộ.
***
Chẳng cần phải đợi lâu, ngay chiều hôm sau Hưởng đã đến thăm Quỳnh. Lúc đó Quỳnh đang lau sàn, cô mở cửa và có vẻ bối rối hốt hoảng khi thấy Hưởng.
– Chị vô nhà ngồi. Xin lỗi, chị chờ em một chút.
– Em cứ làm cho xong đi, chị ngồi chơi một chút cũng được.
– Dạ.
Quỳnh hối hả dẹp xô nước ra nhà sau, rồi trở lên. Cô mở tủ rót ly nước đặt trước mặt Hưởng.
– Chị uống nước.
– Ừ, cứ để đó chị.
– Dạ.
– Chiều nay, em không đi chơi sao? Ở nhà một mình không buồn à?
– Dạ, em quen rồi. Em cũng ít đi chơi với bạn lắm.
Quỳnh trả lời mà ánh mắt vẫn dè dặt nhìn Hưởng. Cô tự hỏi, nếu bây giờ gia đình Dương lại đuổi cô một lần nữa, cô sẽ phải làm gì? Thật lòng, cô chưa biết mình ứng xử thế nào, nhưng chắc chắn không trốn tránh Dương như lần trước nữa.
Hưởng phá tan không khí ngượng ngập bằng vẻ thật tình của mình:
– Thấy chị đến, em ngại lắm phải không?
– Dạ.
– Lần gặp ở nhà hàng hôm đó, phải nói là ba chị rất giận, chị cũng vậy. Nhưng bây giờ bỏ qua chuyện cũ đi Quỳnh à. Lỗi đâu phải tại em.
Quỳnh mở lớn mắt, cô cảm giác mình nghe lầm. Nhưng cô vẫn im lặng ngồi nghe.
Hưởng vừa nói vừa nhìn sự thay đổi trên mặt cô.
– Thật lòng, lúc đó gia đình chị lo lắm, chị thương em trai chị nên lúc nào cũng sợ nó gặp chuyện buồn, còn Quỳnh thì…
Quỳnh nói khẽ:
– Em biết, chuyện của em với anh Quốc làm chị không yên tâm, chị sợ em lợi dụng là đúng mà.
– Vậy còn bây giờ, em đã thay đổi rồi chứ?
Quỳnh hơi lúng túng, rồi gật đầu:
– Dạ.
Hưởng rất muốn nghe Quỳnh nói về ý nghĩ của cô với Dương, nhưng cô cứ cúi mặt, môi bặm lại với vẻ dè dặt: “Quả thật cô bé này ít lời quá” Hưởng nghĩ thầm. Và cô chủ động lên tiếng:

– Em kéo dài mối quan hệ với thằng Dương cũng đủ để chị hiểu rồi. Nhưng tình cảm mà chưa được gia đình thừa nhận thì chưa trọn vẹn đâu. Có khi nào em nghĩ như vậy không?
– Dạ có.
– Cho nên, em nên khuyên thằng Dương về nhà đi. Ba chị cuối cùng cũng không cản hai đứa nữa. Không có lý gì tụi em cứ né tránh gia đình như thế.
– Dạ, thật ra… em cũng không muốn vậy.
Hưởng cười hài lòng:
– Vậy là tốt đẹp cho cả hai bên rồi. Chị thấy hai đứa nên về nhà xin lỗi ba chị một tiếng. Còn em thì tới nhà chị thường hơn cho ba chị vui. Ba chị không khó lắm đâu.
“Bỗng nhiên cùng một lúc mình lại có đến hai gia đình, cái nào cũng làm mình ngại cả.” Quỳnh nghĩ thầm trong đầu. Cô biết mình sẽ phải đến nhà Dương thường hơn. Vì họ đã thừa nhận cô. Nhưng thay vào cảm giác sung sướng là sự khổ sở dè dặt. Phải làm thân với một người đã từng không ưa mình, không phải là dễ dàng.
Hưởng không biết được ý nghĩ của Quỳnh, cô cho rằng Quỳnh sẽ vui mừng vì thái độ cởi mở của gia đình cô, nên nói như dặn:
– Tối mai nhà chị làm một tiệc nhỏ trong gia đình, em tới chơi nhé.
Quỳnh có vẻ khó nghĩ:
– Mai hả chị?
– Ừ.
Nhớ đến cái hẹn với Thúy, cô vội từ chối:
– Dạ, mai em lỡ có hẹn. Để hôm khác nghe chị.
– Em hẹn với bạn à?
– Dạ… không với người lớn.
Thấy Quỳnh có vẻ không muốn nói, Hưởng tế nhị không hỏi nữa. Nhưng nói như phân tích:
– Ba chị muốn có mặt em, nếu là bạn không quan trọng, em nên từ chối. Thật ra, chị không muốn ba phật lòng. Chị nói vậy là vì nghĩ cho em đấy.
Quỳnh hơi rối, nhưng nghĩ tới ông Nguyễn, cô mạnh dạn từ chối:
– Dạ, em có chuyện riêng chưa nói với chị được, cho nên chị cho em dịp khác ạ. Em xin lỗi.
Hưởng cười gượng:
– Thôi cũng được. Nếu vậy chị nói để lần khác.
Hưởng ngồi lại một lát rồi về. Quỳnh tiễn cô xuống tận dưới đường. Cử chỉ quý trọng đó chứng tỏ cô rất có thiện ý. Hưởng hiểu vậy, nhưng chuyện Quỳnh từ chối lời mời làm cô không khỏi phật ý. Tại cô che chắn cho hai người quá. Sợ ông Nguyễn không hài lòng về Quỳnh, nên bất cứ khuyết điểm nhỏ nào của Quỳnh cũng làm cô không vui.
Hưởng vừa ngồi vào xe thì thấy Quốc vừa chạy trờ tới. Cô làm như không để ý và cho xe chạy. Nhưng cô lại sửa kính chiếu hậu để nhìn ra phía sau. Qua khung kính cô nhìn thấy Quỳnh đi về phía Quốc. Cử chỉ có vẻ dè dặt lẫn vui mừng, một cử chỉ có vẻ gì đó thiếu tự nhiên đến phi lý.
Đột nhiên một nỗi thất vọng mênh mang xâm chiếm cô. Hưởng không thấy tức tối mà đau cho Dương. Cô hình dung đến sự đau khổ của Dương mà thấy đau khổ, sợ hãi tận cùng.
Về nhà, cô lẳng lặng đi lên phòng. Suốt buổi tối, cô tránh mặt ông Nguyễn, để khỏi phải trả lời các câu hỏi của ông về Quỳnh.
Cả ngày hôm sau, Hưởng làm việc mà đầu có cứ đi lan man. Cô yêu quý Dương quá, nên bị hoảng loạn trước nỗi bất hạnh của anh. Thật khổ sở mà không biết phải làm sao. Làm sao cô đủ can đảm nói với Dương rằng hai chị em đều bị Quỳnh lừa dối. Quỳnh ngu ngốc quá. Cô chưa thấy ai mù quáng gian xảo như vậy.
Mãi đến chiều, Hưởng mới nghĩ ra một cách kiểm chứng. Hết giờ làm việc, cô một mình rẽ qua khu chung cư và ngồi trong quán nước đối diện nhìn qua.
Cô cứ kiên trì ngồi như thế. Cuối cùng đến khi gần tối, cô cũng thấy được hai người. Quỳnh hình như có hẹn trước nên xuống cổng đứng đợi. Khi Quốc tới, cô đến ngồi vào xe, cử chỉ có cái gì đó ngường ngượng, thiếu tự nhiên như hôm qua.
Hưởng buồn bã rời quán, đi về nhà. Cô thật sự sụp đổ, như đó chính là nỗi đau của mình.
***
Suốt một tuần, cô chờ Dương về. Chiều cuối tuần, cô đến chờ anh thật sớm, vì sợ anh sẽ qua nhà tìm Quỳnh.
Lúc đó Dương cũng chỉ vừa mới về và đang dọn dẹp đồ đạc. Sau này, anh thuê hẳn căn nhà ở một mình, chỉ có Quỳnh và Hưởng là có chìa khoá riêng để đến khi anh vắng mặt. Thấy Hưởng đến, anh có vẻ vui:
– Chị ở công ty về hả?
– Ừ. Em về lúc nào vậy?
– Cũng mới về, em đang dọn dẹp.
– Đói chưa? Chị em mình đi ăn.
– Em chưa đói đâu. Còn phải tắm cái đã. Chị chờ em một chút nghe.
– Ừ.
Hưởng ngồi xuống, lấy tờ báo giở ra xem, nhưng rồi cô lại bỏ xuống. Ngồi bần thần suy nghĩ. Phía nhà sau, tiếng Dương vọng lên:
– Em có mua quà cho chị, để trên bàn ấy, chị mở ra xem đi.
“Hừ” lớn một tiếng, nhưng vẫn ngồi yên. Cô tự hỏi có nên nói ngay bây giờ hay để sáng mai? Hay là ngày khác. Và sẽ nói ở đâu? Cô biết tính Dương rất rõ, chắc chắn anh sẽ không đón nhận một cách trầm tĩnh. Sợ anh đập phá đồ đạc trong nhà mất. Còn nói ở quán thì chắc gì đã khống chế được Dương. Mải suy nghĩ, cô không hay Dương đã đi lên. Anh vừa lau tóc, vừa ngồi ghé chân lên bàn.
– Mấy hôm em đi chị có đến đây không?
– Ừ có.
– Em đi kỳ này xui quá trời, lúc lên xe hư ở Bảo Lộc, phải gởi lại ở đó chờ trở về mới giải quyết. May mà công ty cho người đến sửa, lúc về lại bị nổ bánh, em lạc tay lái đâm qua lề bên trái, may là đoạn đó vắng không có người.
Hưởng quay lại, lo lắng:
– Rồi em có bị gì không?
– May là em thắng kịp, bánh xe nằm sát cây me bên đường. Nếu đâm vào thì không biết chuyện gì đã xảy ra.
– Trời! Kinh khủng quá. Mai mốt em đi xa như vậy thì đi máy bay cho yên tâm.

Dương đùa đùa:
– Số em may mắn lắm, nếu phải chết thì không cần đi đâu cũng phải chết, chị đừng lo.
– Đừng đem mấy chuyện đó ra đùa, không nên đâu, chị sợ lắm, chị nói thật đấy.
– Chuyện có chút xíu, lúc đó em cũng hết hồn lắm, nhưng về đến đây là em quên rồi.
Anh bước xuống, vào phòng trải tóc, rồi lại trở ra:
– Chị ở đây chơi với em đến tối được không?
– Được chứ, nhưng em không đến tìm Quỳnh sao?
Dương mỉm cười:
– Tối đến cũng được, bây giờ ở nhà chơi với chị.
Hưởng nhìn Dương đăm đăm, cô gồng người lên, như phải nói một điều vô cùng khó khăn:
– Em đừng đến đó, được không Dương. Đừng bao giờ tìm nó nữa.
Dương nhíu mày:
– Sao vậy? Sao bây giờ chị lại xen vào chuyện của em. Chị em mình đã quy ước không nói gì về chuyện riêng của em mà.
– Chị biết vậy và cũng đã thực hiện lời hứa, nhưng bây giờ.
Dương cắt ngang một cách dịu dàng:
– Em biết chị lo cho em, nhưng chị đừng sợ em khổ, em không nhìn lầm người đâu.
– Làm sao em có thể chủ quan đến thế? – Hưởng kêu lên.
Dương cười trầm tĩnh:
– Yêu một người thì phải biết tin người đó chứ. Giờ thì em không thuyết phục chị. Nhưng đến một lúc nào đó, khi tụi em cưới nhau rồi, có dịp gần gũi cổ, chị sẽ biết.
– Ối trời! Đừng có tư tưởng dại dột đó, bỏ đi em, chị xin em.
Dương khẽ cau mặt, khẽ nói nữa. Dù rất quý mến bà chị mình nhưng anh không thể không bất mãn. Hưởng rất hiểu tâm lý đó, cô quyết định nói thẳng:
– Em nghĩ nó bắt đầu yêu em rồi chứ gì?
Dương trả lời bằng một cái gật đầu. Như thể chuyện đó không có gì phải bàn cãi nữa. Sự tin tưởng đó lại làm Hưởng thấy đau lòng. Cô buồn rầu:
– Em có chắc là nó quên hẳn thằng Quốc không?
– Thời gian chia tay cũng đủ dài để Quỳnh đứng ra xa nhìn nó. Cổ không thể nào yêu nổi nữa đâu, nếu không muốn nói là coi thường.
– Còn nếu như nó còn quyến luyến?
Dương cười thành tiếng:
– Cổ không đến nỗi ngốc nghếch vậy đâu?
Hưởng lẩm bẩm:
– Em làm chị đau lòng quá.
– Chị nói cái gì?
– Chị muốn em nhìn thẳng vào sự thật, cho dù điều đó làm em đau khổ – Cô ngừng lại như bị hụt hơi, cố trấn tĩnh cơn xúc động. Nhưng giọng cô vẫn cao vút – Em không biết, nhưng chị thì biết, hai đứa nó không thể bỏ nhau và vẫn kín đáo gặp nhau.
Dương quay phắt lại, nhíu mày:
– Không khi nào.
– Chị cũng rất muốn tin như vậy, vì chị thật lòng muốn em vui vẻ. Nhưng nếu chị giấu giếm thì em sẽ bị lừa gạt kéo dài.
– Chị Hưởng! Em biết chị không phải mẫu người xảo quyệt, chị sẽ không bịa đặt bôi nhọ người khác, phải không? Vậy thì chị nên trung thực lại, đừng để ác cảm đẩy chị đi quá xa.
Hưởng thở dài, buồn rầu:
– Thôi được, tiếc là hôm qua chị không nhanh trí để chụp hình. Nhưng khi chị đã nói thì chị muốn em tin hơn bất cứ bằng chứng nào.
Dương nhìn chăm chú vẻ mặt bừng bừng của bà chị. Bản năng làm anh tin tuyệt đối ở cô. Nhưng đồng thời anh cũng rất tin Quỳnh. Vì vậy mà anh lưỡng lự.
Còn Hưởng thì cố làm cho anh nhận thức đến cùng. Cô nói như đinh đóng cột:
– Trước đó một ngày, chị đã gặp thằng Quốc tới tìm nó. Hôm qua, chị ngồi suốt buổi chiều trước cổng và chị thấy hai đứa đi chơi. Chị không muốn mình hồ đồ, nên buộc lòng phải theo dõi như vậy. Và một khi chị đã nói thì chỉ đúng là sự thật.
Dương ngồi yên, đôi lông mày rậm cau lại. chăm chú nghe. Và khi bắt đầu tin, khuôn mặt anh thoáng thay đổi. Một vẻ tức giận đến tột cùng, thiêu đốt toàn bộ lý trí. Anh nghiến răng, đôi mắt quắc lên:
– Đồ ********!
Anh đứng phắt dậy, hất tung làm chiếc bàn đổ nhào. Và quát lên:
– Tại sao cô ta có thể mù quáng đến như vậy? Đồ ********. Em sẽ giết cô ta.
– Đừng làm vậy, Dương.
Hưởng kêu lên một tiếng hoảng sợ và quýnh quáng đến đóng cửa lại, gương mặt cô tái mét:
– Bình tĩnh lại đi mà Dương, em nóng giận như vậy thì có ích gì chứ.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.