Bạn đang đọc Tình yêu dịu dàng – Chương 18
Hôm sau, Quỳnh dậy sớm. Cô ở trong bếp khá lâu để làm điểm tâm cho Dương. Chưa bao giờ cô chăm chút bữa ăn như thế. Cô không biết Dương thích ăn gì, nhưng cứ làm món mà cô nghĩ anh sẽ thích.
Dù là ăn sáng, nhưng trên bàn có mì xào lẫn bánh mì, hột gà chiên sốt cà, patê chiên và trái táo. Cuối cùng là tách café đen giống y cách pha ở quán.
Một lát sau, Dương thức dậy. Nhìn bàn ăn tươm tất anh ngạc nhiên ngó Quỳnh:
– Em làm đó hả?
– Dạ, em muốn anh ăn ở nhà cho đỡ tốn, ra ngoài ăn mắc lắm, lúc này mình tiết kiệm lại mới được.
Anh chợt cười cười:
– Em tính toán y như bà nội trợ vậy. Anh không biết là em giỏi thu vén như thế. Chờ anh một chút nhé.
– Dạ.
Dương đi vào phòng tắm, xả nước thật mạnh. Anh có cảm giác sảng khoái của dòng nước chảy xuống người và sự phấn chấn tinh thần do Quỳnh tạo ra. Cô đã làm anh cảm động không ít bởi thái độ động viên biết ơn. Và anh tự ám thị để mình không tự ái nếu cô từ chối những cử chỉ yêu đương của mình.
Ăn sáng xong, Dương đi ra ngoài phố. Nội trong hôm nay, anh phải tìm cho được chỗ mới. Thật ra không ai thúc hối cấp bách, nhưng anh muốn giữ tiếng cho Quỳnh.
Khi anh đi rồi, Quỳnh ở nhà dọn dẹp bàn ăn. Vừa rửa chén, cô vừa nghĩ không ngừng về tình trạng của anh và cô hiện tại. Nhưng Quỳnh không quan tâm đến mặt trái của cuộc sống, chỉ nghĩ về cái tình. Và cô sung suớng bồi hồi trước cách hy sinh của anh.
Khi cô vừa dọn dẹp xong thì Hưởng đến. Quỳnh không biết mặt chị của Dương, nhưng đã nghe anh kể nhiều lần. Nên khi Hưởng giới thiệu tên, cô lập tức có thiện cảm ngay. Cô mời Hưởng vào nhà, nhẹ nhàng đặt ly nước trước mặt khách:
– Em mời chị.
– Cám ơn em.
Quỳnh hỏi chủ động:
– Có phải chị đến tìm anh Dương không ạ?
– Hôm qua nó có đến đây không em?
– Dạ, ảnh ở đây suốt đêm qua.
– Vậy à?
– Dạ.
Tự nhiên hai người trở nên im lặng. Hưởng vốn đã nghe ông Hưng nhận xét về Quỳnh, nên cô không thấy ghét. Bây giờ gặp mặt, cảm giác đó cũng không khác đi. Nhưng giữa cô và Quỳnh bây giờ, không thể có cùng mục đích, nên cô đâm ra lúng túng.
Quỳnh cũng vậy. Cảm giác gia đình Dương không ưa mình làm cô thấy ngại. Gần như khổ sở và cô cúi mặt nhìn xuống tay mình.
Cuối cùng, Hưởng hỏi chủ động:
– Dương nó đi đâu rồi em?
Quỳnh e dè:
– Dạ, ảnh bảo đi tìm nhà.
– Chứ không phải ở đây à?
Quỳnh càng thấy ngại, cô “dạ” nhỏ một tiếng rồi lặng thinh.
Còn Hưởng thì thấy bất mãn. Việc Dương không về nhà đã làm cô đau lòng rồi, đằng này lại lang thang mướn nhà, trong khi… Cho nên dù không ghét Quỳnh, cô vẫn thấy không chấp nhận được điều đó. Cô cau mặt lặng thinh.
Quỳnh khẽ lên tiếng:
– Em biết chị thương anh Dương và bất mãn em, em cũng không biết thanh minh thế nào, nhưng xin chị đừng nghĩ em lợi dụng. Anh Dương không phải mẫu người để người ta có ý nghĩ đó.
Giọng Hưởng không vui:
– Nhưng dù sao chị cũng không muốn thấy em chị tự đày ải nó, nó quen sống tiện nghi rồi, tìm chỗ khác chắc gì nhà cửa được như ở đây.
Quỳnh nghe nhói trong lòng, cô chị mềm mỏng của Dương đã tỏ ý khó chịu như thế, cô đâu có đủ trơ lì để làm ngơ. Thế là cô quyết định ngay:
– Em hiểu ý chị rồi. Trong tháng này, em sẽ tìm nơi khác, sẽ không gặp anh Dương nữa.
Cách cư xử biết điều của cô làm Hưởng thoáng áy náy. Nhưng tình thương đối với Dương mạnh hơn và Hưởng gật đầu:
– Chị không có ác ý với em, nhưng em hiểu đó, chị phải lo cho em chị.
– Vâng, em biết. Nếu là em, em cũng sẽ làm vậy thôi.
Hưởng cắn môi suy nghĩ một lát rồi trách nhẹ nhàng:
– Em đã dứt khoát tình cảm với Quốc thì cũng cần phải có một thời gian để quên, đừng lấp chỗ trống bằng một tình cảm vội vã khác, tội nghiệp cho em chị – Cô ngừng lại quan sát Quỳnh rồi nói tiếp – Chị biết thất tình là một bi kịch đối với con gái tụi mình, nhưng giải quyết bi kịch ấy vội vã như vậy, coi chừng sẽ tạo ra bi kịch cho người khác, mà không chừng cho chính em nữa.
Quỳnh làm thinh ngồi nghe, bởi cô còn thanh minh gì được nữa, khi hành động của cô bắt buộc người ta phải nghĩ như vậy. Mặt trái của nó chỉ có Dương hiểu, nhưng anh không giải thích thì cô cũng chỉ có thể im lặng.
Thấy mãi mà Quỳnh không nói gì, Hưởng đứng lên ra về. Trong lòng cô còn vương vất cảm giác áy náy.
Nếu Hưởng thấy ngại thì đối với Quỳnh lại là cảm giác thất vọng, buồn khổ. Mấy hôm nay cô với Dương rất vui vẻ. Bây giờ cô rơi vụt trở lại nỗi cô đơn lo sợ, như mất đi một điểm dựa tinh thần.
Quỳnh ngồi buồn rầu một mình, mãi đến lúc gần trưa, cô mới nhớ chiều nay có giờ học. Cô vội nấu vài món ăn cho Dương rồi chuẩn bị đi sớm để tránh mặt anh.
Nhưng Quỳnh vừa thay đồ xong thì Dương về. Trái với tâm trạng ủ rũ của cô, anh có vẻ hưng phấn vui vẻ. Anh đến mở tủ lấy lon nước khui nắp, uống một hơi, rồi ngồi phịch xuống ghế, đưa mắt nhìn Quỳnh:
– Anh tìm được chỗ rồi, ở chung với mấy thằng bạn tụi nó thuê hẳn một căn, mười thằng ở chung, có thêm anh nữa là mười một.
Quỳnh đã biết cách sống của những sinh viên ở tỉnh lên. Cô hiểu ngay một công tử như Dương sẽ khó mà chịu đựng nổi. Và cô tìm cách phản đối.
– Bộ không còn chỗ nào khác sao anh?
– Có vài chỗ, nhưng ở xa quá, đi lại bất tiện.
– Xa trường anh hả?
– Không, xa nhà này. Mỗi ngày muốn qua với em phải mất một tiếng, anh không yên tâm.
Quỳnh ngồi xuống chiếc ghế vuông góc với Dương. Khoảng cách thật gần anh, cô suy nghĩ mãi vẫn không tìm được cách nói thích hợp nên chỉ nói chung chung.
– Anh có hiểu được cuộc sống tập thể không? Phiền phức đủ thứ, mà thiếu tiện nghi nữa, ăn uống cũng thất thường, mất sức chết.
Dương bật cười:
– Em nghĩ anh là cọng bún ấy chắc? Không có đâu. Anh không quan trọng tiện nghi trong cuộc sống, chủ yếu là ý thích – Anh chợt dừng lại, nheo mắt – Nếu sợ anh đói thì nấu cho anh đi, anh thích được em lo những cái đó.
Quỳnh cười gượng:
– Em muốn lắm, nhưng không tiện đâu.
– Em sợ người ta phê bình phải không?
Quỳnh lắc mạnh đầu:
– Em không phong kiến như vậy, có điều… – Cô nín lặng một lát rồi buông một câu rời rạc – Không được anh ạ.
– Tại sao?
– Là như vậy đó.
– Anh không chịu được cách nói lấp lửng Quỳnh à.
Quỳnh thẫn thờ:
– Mà cũng không nên tìm hiểu, như vậy hay hơn.
Dương nghiêm mặt:
– Em có vẻ lạ lắm, chuyện gì xảy ra nữa vậy?
– Ðâu có.
– Không qua được mắt anh đâu, em buồn vui gì, anh nhìn là biết ngay. Nói với anh đi, có chuyện gì vậy?
Quỳnh tìm cách lảng tránh:
– Em nấu sẵn bữa trưa cho anh rồi, anh ăn đi nghe. Em đi học đây.
Cô đứng lên, nhưng Dương lầm lì kéo tay cô lại:
– Ngồi xuống đó nói cho xong chuyện rồi đi.
– Nhưng có chuyện gì đâu mà nói.
– Có chứ. Anh muốn em giải thích về thái độ của em.
– Em có gì khác lạ đâu.
Dương nhìn xoáy vào cô, cặp mắt đen của anh đầy áp đảo:
– Cười thì gượng gạo, nói chuyện thì bóng gió xa xôi, anh rất ghét bị giấu giếm sau lưng. Em nói đi.
Thấy Quỳnh vẫn đứng, anh kéo tay cô mạnh hơn:
– Ngồi xuống đi.
Quỳnh gỡ tay ra:
– Bây giờ em phải đi sớm, em cũng cần có thời giờ suy nghĩ nữa, đừng ép em mà.
– Suy nghĩ cái gì?
Quỳnh thẫn thờ ngồi xuống:
– Có lẽ anh nên trở về nhà thì hay hơn. Anh không nên lang thang như vậy.
Dương thở hắt ra:
– Lại nói chuyện đó nữa. Chẳng phải anh đã dứt khoát rồi sao? Tính anh không thích nói tới nói lui.
– Nếu không về nhà thì anh ở lại đây, dù sao cũng tiện nghi hơn.
Dương nháy mắt khôi hài:
– Vậy em đồng ý cho anh ở chung há?
– Ðừng đùa, anh Dương.
Nói thế, nhưng tự nhiên Quỳnh cũng phì cười. Ðang lúc buồn muốn chết, mà nghe cách đùa cợt có cái gì đó náo nức trẻ con, tự nhiên cô thấy hoàn cảnh bớt bi đát hơn.
Giọng Dương vừa thản nhiên vừa dứt khoát:
– Nếu không chịu cho anh ở đây, thì anh sẽ tìm chỗ khác, em đừng tính tới tính lui nữa, không mệt sao?
Quỳnh nói yếu ớt:
– Nhưng em đã nghĩ lại, em không muốn anh thiệt thòi vì em.
– Anh là con trai và anh biết mình muốn gì. Ðừng làm anh tự ái bằng cách lo lắng bao bọc đó – Nói xong, Dương chợt nghiêng đầu qua hôn phớt lên mặt Quỳnh – Em mà bảo bọc anh nổi sao? Tốt hơn hết là cứ để anh săn sóc em, bất kể thiên hạ muốn nói gì thì nói.
“Thiên hạ không nói, nhưng gia đình anh xót ruột. Còn em thì phải biết ngại”. Quỳnh nghĩ thầm. Cô biết khó mà tranh luận với Dương, nên không nói nữa.
Ðến lúc nào đó không xa, cô sẽ đặt anh vào tình thế bắt buộc và anh có muốn khác cũng không được.
Dương xếp mấy loại thước và chì cho vào hộp. Anh cuộn tròn tờ giấy rộng khổ lại, định rời phòng họa thất thì Quốc đi đến bàn anh.
– Ra quán nói chuyện được không?
Dương quay lại, thấy người rủ là Quốc, anh thoáng mỉm cười:
– Quán xá không tiện đâu và cũng không chắc là mày ngồi lâu được, cứ nói ở đây đi – Nói hết câu, anh chợt cười thêm cái nữa.
Quốc nóng lắm, nhưng vẫn tảng lờ như không. Dù anh thừa biết Dương muốn ám chỉ cái gì. Mà quả thật Dương không cười vô cớ, vì anh thừa biết nếu ngồi quán thì chưa được nửa giờ, Quốc sẽ nhận ít nhất hai cú điện thoại của Thúy. Trong lớp, ai lại không biết cách quản lý chồng của cô nàng. Vậy mà Quốc chịu được mới hay. Dương ngồi ghé chân lên bàn, hất mặt:
– Chuyện gì vậy?
– Nghe thằng Hùng bảo mày vẽ đồ án cho thằng Tân hả?
– Ừ – Dương đáp tỉnh bơ.
– Một người như mày cũng làm chuyện đó sao?
Dương nhún vai, không trả lời. Quốc đâm ra mất hứng trước thái độ thừa nhận đó. Quả thật, bạn bè ai cũng biết chuyện Dương đụng độ với ông già và bỏ nhà đi. Biết cả chuyện anh vẽ thuê cho bạn để nuôi Quỳnh. Người cười, kẻ thông cảm, kẻ nể phục. Còn Quốc thì vừa hả dạ, vừa bực mình. Anh không lý giải được, nhưng có lẽ trong thâm tâm anh thích thấy Quỳnh khốn đốn hơn là nhìn thằng bạn thân chiếm đuợc trái tim cô. Chính điều đó làm hạ nhục Quốc.
Thấy Quốc cứ nhìn đăm đăm một góc mà suy nghĩ, Dương lên tiếng như nhắc:
– Mày định nói chuyện gì vậy?
Quốc ngẩng lên:
– À, không có gì. Nếu mày vẽ thuê thì tao nhờ mày vẽ cho tao. Thằng Tân trả bao nhiêu, tao trả bấy nhiêu.
Anh nói câu đó với một nụ cười thầm kín đáo. Dương thấy hết, biết hết, nhưng vẫn thản nhiên.
– OK. Tao không từ chối.
– Nhưng liệu mày vẽ kịp không đấy, tao không muốn rớt tốt nghiệp đâu.
– Tao nhận thì bảo đảm. Mày sẽ có bản vẽ trước hai ngày để chuẩn bị trả lời, mà là trả lời xịn tất cả câu hỏi, nếu mày chịu khó học.
– Tốt thôi, có cần tiền bây giờ không, tao ứng trước cho.
– Nếu đưa thì tốt, không thì thôi.
– Ờ, vậy vẽ xong rồi đưa, còn nếu hụt tiền xài thì nói tao đưa cho.
Dương muốn đấm vào cái mặt nghênh ngang ấy, để ít ra cũng khóa mỏ được hắn. Nhưng anh tỉnh bơ gật đầu:
– Bạn bè tốt như vậy, tao cảm động lắm. Quỳnh cũng cảm ơn nếu ai thông cảm với hoàn cảnh tụi tao.
Cơn ghen tức như bị châm cho bùng nổ, Quốc nói không kịp suy nghĩ:
– Thông cảm, đồ điên.
Dương nhíu mày:
– Ai điên?
Quốc không dám nói thẳng với Dương nên lảng đi:
– Tao không hiểu sao mày ảo tưởng vậy. Mày nghĩ Quỳnh yêu mày thật lòng sao?
– Này, bây giờ mày có vợ rồi, cách hay nhất là tập trung vào vợ, chuyện của người khác mặc họ, nên hạn chế sự quan tâm lại đi, nhất là với Quỳnh.
– Mày nhắm có cưu mang cô ta nổi không đấy?
– Chuyện đó tao tự lo – Anh nheo mắt hỏi lại – Mà nếu tao không giúp Quỳnh, liệu mày có lo được cho cổ không? – Anh trả lời luôn – Không phải không? Đừng tưởng tao không hiểu mày nghĩ gì. Mày sợ Quỳnh ngả vào phía tao, thà cổ khổ sở mày lại thích hơn. Tao chưa thấy ai ích kỷ hơn thế. Thật là bi đát nếu Quỳnh là vợ mày.
Quốc tím mặt:
– Mày..
Dương ung dung cắt ngang:
– Từ đây về sau, đừng quan tâm đến Quỳnh, lo cho vợ đi, đừng bắt cô ta phải để mắt mọi lúc mọi nơi như thế, mày sống mà chẳng để ai tin được cả. Tội người ta lắm.
Anh khoác túi lên vai, đi ra cửa, nhưng mới đi vài bước đã chạm mặt Thúy. Cô nàng đang lững thững trên hành lang, anh chào cô một cái rồi cười vang một mình khi thấy khuôn mặt hầm hừ của cô nàng. Thúy chặn Dương lại:
– Anh thấy anh Quốc về chưa?
– Còn trong kia. Nhưng Thúy này.
– Anh muốn nói gì?
– Có lẽ em nên để thời giờ săn sóc bản thân em hoặc quan tâm đến một cái gì khác, như vậy em sẽ vui hơn.
Thúy cau mày:
– Em không hiểu anh muốn nói gì?
Dương nói nhỏ:
– Thả lỏng ông chồng ra tí xíu, không ai chịu nổi ngục tù đâu em.
– Anh…
Nhưng Dương đã đi thẳng. Anh còn kịp thấy vẻ ngơ ngác của cô. Không nín được, anh lại cười to một mình. Dù biết tiếng cười của mình sẽ làm Thúy tức.
Anh đi ra một góc, lấy máy gọi cho Quỳnh. Nhưng chuông đổ mãi vẫn không thấy cô bắt máy. Đến lúc điện bị ngắt, anh mới thôi chờ. Cảm thấy sốt ruột anh lại gọi máy di động. Nhưng cũng không thấy cô nghe, một ý nghĩ thoáng qua đầu, khiến anh chạy vội ra chỗ để xe, phóng như bay đến nhà mình.
Dương mở khoá cửa tuôn vào phòng. Anh đứng nhìn quanh rồi mở cửa phòng ngủ và kéo mạnh các cửa tủ.
Tất cả đều trống không. Quỳnh đã bỏ đi không nói trước tiếng nào. Dương có cảm tưởng mình sắp bốc cháy đến nơi. Anh nhào trở ra phòng khách tìm xem cô có để lại gì không?
Trên bàn là mảnh giấy gấp làm tư. Chiếc máy di động anh tặng cô lúc trước được dằn lên trên lá thư. Dương cầm lên, thẳng tay quẳng vào tường, rồi ngồi phịch xuống xem thư. Quỳnh viết rất ít, cô chỉ nói về sự ái ngại của mình và khuyên anh quên cô. Dương tức điên người, anh vò tròn mảnh giấy, ném qua một bên rồi nằm ngửa ra ghế suy nghĩ.
Một lát sau, anh nhìn đồng hồ. Hãy còn sớm để đến tìm Quỳnh lẫn ông bố đáng kính của mình. Anh cố nén tức, đi vào toilet rửa mặt. Ngang qua bàn ăn, anh thấy Quỳnh đã dọn sẵn đầy bàn. Có vẻ tinh tươm và chu đáo. Nhưng thay vì cảm động anh chỉ thấy nổi nóng thêm. Nóng vì cô cư xử với mình như với một đứa bé. Và anh vung tay quét tất cả chén dĩa xuống gạch. Không mảy may nghĩ đến sự yêu mến của Quỳnh qua cách chăm sóc đó.