Tình yêu dịu dàng

Chương 17


Bạn đang đọc Tình yêu dịu dàng – Chương 17

Buổi chiều, Dương đến công ty, vẻ mặt thật ngầu. Không thèm nhìn đến các nhân viên đang chào mình, anh đi thẳng lên phòng ông Nguyễn. Trợ lý Hưng định cản Dương, nhưng anh đã trừng mắt nhìn ông ta.
– Tôi muốn gặp ba tôi.
– Dạ, nhưng giám đốc bảo không tiếp ai giờ này. Chuyện gì cậu về nhà nói được không?
– Ông không phải bảo tôi làm gì. Tôi còn chưa nói chuyện với ông đấy. Liệu hồn! – Và anh ngang nhiên đi qua bàn ông ta, ngang nhiên đẩy cửa bước vào.
Ông Nguyễn đang ngồi sau bàn viết, thấy Dương, ông ngồi ngã lưng ra ghế, nghiêm khắc:
– Sao con không gõ cửa, con phải làm gương cho nhân viên chứ.
Dương không thèm đáp, anh ngồi xuống chiếc ghế trước bàn hỏi thẳng:
– Ba định cưới vợ cho con phải không?
– Con biết rồi à? Ba chỉ mới gặp bác Tám thôi, chưa định đoạt gì cả. Nhưng ba đã chọn con bé ấy, con nhỏ rất nết na, con cưới vợ như vậy ba yên tâm hơn.
Dương cười khan, ngang bướng trong từng cử chỉ:
– Nếu ba thích con gái nết na thì cứ cưới thêm, ba cưới vợ bé rồi, thêm bà nữa cũng không sao đâu. Đừng lôi con vào cuộc.
Cách ăn nói bạt mạng của anh, ông Nguyễn vốn đã quen. Nhưng bây giờ nghe ông vẫn thấy tức giận:
– Con đừng có ăn nói ******* như vậy.
Dương thản nhiên:
– Xin miễn bình luận về tư cách của con. Con nói để ba hiểu là ba đừng bao giờ để tâm tới chuyện tình cảm của con. Con có khả năng tự lo cho con. Ba thì có quá nhiều việc để lo rồi – Anh chợt cười châm chọc – Cách hay nhất là ba hãy lo cho sức khỏe của dì Hằng. Coi chừng bà ấy giống mẹ con đấy.
Ông Nguyễn quát:
– Đủ rồi! Nếu con không muốn bị tống cổ ra khỏi đây thì hãy ăn nói cho đàng hoàng một chút.
Dương điềm nhiên lấy thuốc ra hút:
– Con đến đây để nói cho ba biết ý định của con. Nói xong thì tự khắc con đi, ba không phải đuổi.
– Con từ chối một đám tốt như vậy, rồi con sẽ hối hận.
– Đó là chuyện của con.
– Ba đã cho điều tra về cô bạn của con đang bao, cô ta bị thằng Quốc bỏ rơi nên xoay qua lợi dụng con, con chịu được chuyện đó sao?
Cách nói đó làm Dương muốn điên khùng lên. Nhưng lần đầu tiên, anh tỏ ra điềm nhiên đến phi thường:
– Con đã nói rồi, đó là chuyện của con.
– Con là một thằng ngốc.
– Trong lúc này, con chán làm người khôn ngoan lắm.
– Vậy con nghĩ sao nếu nó chỉ cần tiền của con và vẫn lén lút quan hệ với thằng Quốc?
– Con biết là không có chuyện đó.
– Đừng chủ quan, con trai.
Dương khẽ cau mặt:
– Ba đừng quan tâm tới con quá. Trở lại vấn đề lúc nãy, con nói trước là sẽ không cưới bất cứ ai do ba chọn. Nếu ba cứ đặt vấn đề với người ta, thì tự ba chịu trách nhiệm đấy.

– Vậy con muốn lông nhông đến chừng nào? Ba nói thẳng, ba không yên tâm về tư cách của con.
Dương ngang bướng:
– Con có nói là mình có tư cách đâu.
– Trước đây con phá tiền của ba vì ăn chơi ba còn chấp nhận. Nhưng bây giờ con dùng tiền để bao một cô gái chỉ biết lợi dụng con. Ba không làm ngơ đâu.
– Nếu ba không đồng ý nuôi con, con sẽ tự mình kiếm tiền và sẽ đi chỗ khác ở, chuyện đó không lớn.
– Được, vậy thì tốt. Ba muốn xem bản lĩnh của con đến đâu. Đi đi.
Dương đối đầu tới cùng:
– Con sẽ chứng minh cho ba thấy. Ngày mai con sẽ dọn ra khỏi nhà, ba không phải lo – Nói xong, anh đứng dậy – Mà không đợi đến mai đâu, con sẽ đi ngay bây giờ đấy.
Anh đi thẳng ra cửa, dáng điệu hiên ngang đầy chống đối.
Ông Nguyễn đứng dậy, đi tới đi lui trong phòng với vẻ bồn chồn. Rồi ông đến bàn gọi về nhà.
– Alô. À… Hưởng hả con? Con có định đi đâu không đấy?
– Dạ không ba ạ. Có chi không ba?
– Lát nữa, nếu thằng Dương dọn đồ đi. Con phải cản nó cho bằng được, không được để nó đi. Con nghe không?
– Nó đi đâu hả ba? Có chuyện gì vậy? Ba đang ở đâu?
– Ba đang ở công ty, đừng lo con gái, không có chuyện gì lớn đâu.
– Nhưng tại sao nó bỏ đi? Con lo quá.
– Nó đến cãi với ba chuyện cưới vợ, về ba sẽ nói sau. Bây giờ, trước mắt là con phải cản nó, nó nghe lời con lắm, ba tin cậy con thôi.
– Vâng.
Hơn mười phút sau, Hưởng nghe tiếng xe phóng ào ào vào sân. Đó là cách chạy xe khi Dương tức giận. Cô đã quá quen với tính nết cậu em, nên thấy lo kinh khủng. Khi chạm tự ái, Dương trở nên bướng bỉnh và bất chấp. Cô lo mình sẽ không cản được. Điều cô sợ nhất là thấy Dương cực khổ. Giống như tâm lý của một bà mẹ đối với đứa con vậy.
Dương không để ý bà chị đang ngồi ở salon. Anh đi thẳng lên phòng, mở toang các tủ quăng đồ đạc ra giường. Cử chỉ cẩu thả, bực bội. Anh không hề nghĩ đến việc ngày mai mình sẽ sống ra sao, chỉ làm theo sự thôi thúc nóng nảy là chứng minh cho ông bố thấy sẽ không có gì khống chế được mình.
Khi Hưởng bước vào phòng, cô thấy trên giường là chiếc valy đầy áo quần bị nhét lộn xộn. Dương chỉ chơi quay đầu lại nhìn cô, rồi tiếp tục giật mấy chiếc áo trên móc thảy vào valy. Hưởng rầu rĩ:
– Em định đi đâu vậy? Em quậy chuyện gì nữa vậy Dương?
– Em không quậy, tự đây về sau mọi người có thể yên ổn rồi đó. Em không về nhà này nữa đâu. Nhưng sẽ liên lạc với chị, có gì chị đến em chơi.
– Tại sao em đi?
– Em vừa cãi với ba. Ba cứ nghĩ không có đồng tiền của ba, em sẽ không sống được. Em sẽ chứng minh cho ông thấy quan niệm sai lầm của ông.
– Nhưng ba là cha mẹ, em không nên chống đối như vậy.
– Trước giờ, em không đồng ý cách ông ấy đối xử với mẹ. Bây giờ càng không chấp nhận cách áp đặt với em. Em sẽ bẻ gãy tính kiêu ngạo của ông.
Hưởng kêu lên:
– Nhưng ba áp đặt chuyện gì đâu.
– Chị đã biết rồi.

Dương quăng chiếc áo cuối cùng vào valy, khóa lại. Không hiểu sao động tác đó làm Hưởng nghĩ đến cuộc chia tay mãi mãi, tự nhiên cô khóc sụt sịt.
– Có phải chuyện coi mắt cho em không?
– Ba bắt em chọn lựa giữa người em thích và sự bảo bọc của ba. Em đâu phải là đứa nhu nhược. Em sẽ chứng minh cho ba biết không có gia đình này thì em vẫn sống được.
– Đó là ba muốn em hạnh phúc, ba sợ em bị con bé đó lợi dụng.
– Em không phải con nít mà bị xỏ mũi, chị yên tâm.
Anh đến ngồi xuống gần Hưởng:
– Với chị, em sẽ nói. Cô Quỳnh đó không yêu em. Cô ta sẽ bơ vơ nên muốn dựa vào em. Đó là bản năng con gái, em chấp nhận được.
– Em chấp nhận được chuyện cô ta không yêu em à?
– Rồi sẽ yêu, em tin như vậy.
Hưởng dè dặt:
– Nhưng chị không dám tin. Nếu đến lúc nào đó cô ta qua cơn sốc và bỏ em, chị không đủ can đảm nhìn thấy em trai mình thất tình, chị sợ chuyện đó lắm.
– Nếu có như vậy, em cũng chấp nhận.
Hưởng kêu lên:
– Thật không còn nhận ra em nữa. Trước đây, em coi con gái như trò đùa, sao bây giờ quay ra lụy tình cảm như vậy?
Dương nói ngắn gọn:
– Em yêu cổ, khi mình tìm được người mình thích thì hy sinh cho người đó là điều chấp nhận được.
– Ông Hưng bảo cô bé đó hiền, chị không có ác cảm với nó, nhưng hiền thì dẫn đến nhu nhược, liệu nó có bản lĩnh sống với em khi em nghèo không?
Dương tự tin:
– Quỳnh không phải là mẫu người vô tâm, em tin điều đó.
– Nhưng nếu em đi khỏi nhà, chị buồn lắm, chị không sống yên ổn được đâu.
– Lâu lâu em sẽ liên lạc với chị. Em cũng không bỏ chị đâu.
– Đừng đi mà Dương. Ba đâu có đuổi em.
Dương nhếc môi, cười khinh mạn:
– Cần gì phải đợi đuổi.
Hưởng khóc sướt mướt:
– Nhà chỉ có hai chị em, em đi như vậy chị coi như không có ai thân thích bên cạnh, em không thương chị sao?
Dương dịu dàng:
– Lúc nãy nóng nảy quá, nên em chỉ nghĩ đến em, bây giờ thấy chị như vậy, em thật sự không nỡ, nhưng nghĩ ra tại chị bị sốc đó thôi.
– Không phải sốc. Nhưng chị không muốn em ra khỏi nhà.

Dương mỉm cười, đứng dậy:
– Thật ra, chuyện không trầm trọng như chị tưởng đâu. Rồi chị sẽ quen thôi.
– Bây giờ em đi ngay à. Đi thật sao?
– Em còn phải lấy sách vở nữa, chị dọn phụ em đi. Cứ thảy vô thùng cho lẹ, khỏi phải sắp xếp lâu lắm.
Nhưng Hưởng vẫn cứ ngồi yên. Vẻ mặt ủ rũ, cử chỉ của cô trông như người sắp chết đến nơi. Dương nhìn cô cười âu yếm, rồi tự mình dọn đồ.
Dương chạy xe ra cổng, nhìn qua kính chiếu hậu, anh thấy bà chị còn đứng nhìn theo. Anh chợt muốn xuống xe, ôm lấy Hưởng an ủi nhưng vốn không quen biểu hiện tình cảm kiểu đó, nên anh chạy luôn.
Dương đến nhà riêng của mình. Thấy cửa đóng, anh lẳng lặng lấy khóa ra mở, rồi đến nằm dài trên ghế, suy nghĩ cách đối phó sắp tới.
Một lát Quỳnh về. Thấy chiếc valy giữa phòng, cô ngó về phía Dương, ngạc nhiên:
– Valy của anh hả?
Dương ngồi lên:
– Em cho anh ở đây đêm nay được không? Mai anh sẽ đi tìm chỗ khác. Anh bị đuổi rồi.
– Hả? – Quỳnh thốt lên một tiếng kinh ngạc.
Dương cười thản nhiên:
– Đúng hơn là anh tự đuổi anh, tự làm mất những đặc ân ba anh cho anh. Nhưng không sao, anh chưa đến nỗi túng thiếu, có điều bây giờ anh phải tự kiếm sống. Em có sợ điều đó không?
– Tại sao em lại sợ?
Dương nói nghiêm túc:
– Bây giờ coi như anh trắng tay đó Quỳnh. Nếu em không thích làm bạn với anh, em cứ cắt đứt, anh không trách gì cả.
Quỳnh nhìn anh chăm chăm:
– Nhưng chuyện gì xảy ra vậy? Em không hiểu gì cả.
– Em thấy đó, anh đang dọn ra khỏi nhà.
– Tại sao vậy?
– Anh cãi với ba anh. Chuyện này chính anh cũng không lường trước được. Nhưng nó đã xảy ra rồi, anh cũng không muốn cứu vãn.
Quỳnh hỏi nhỏ:
– Sao anh lại cãi ba anh? Cãi chuyện gì? Có liên qua đến em không?
– Ông ấy đặt anh ở giữa em và cô dâu mà ông ấy chọn. Thật ra, anh không chọn được cái nào, điều duy nhất anh làm bây giờ là không để cho ông ấy khống chế.
Quỳnh bàng hoàng:
– Không ngờ là nó xảy ra như vậy.
– Em nói cái gì không ngờ?
– Hôm ấy nghe nói, em nghĩ chuyện anh cưới vợ là lâu lắm, không ngờ tới nhanh quá. Anh chưa ra trường mà. Em biết rồi, tại ba anh muốn anh cắt đứt với em phải không?
– Anh muốn em không bị ám ảnh chuyện đó, cái đó để anh giải quyết.
– Ngược lại anh Dương ạ. Em không muốn em là nguyên nhân tai họa của anh.
Dương cười lớn:
– Em tưởng tượng cái gì vậy. Anh đâu có mong manh đến độ chỉ có chút gió là bay, chuyện bị cắt viện trợ tuy có khó chịu đấy, nhưng nó không lớn.
– Từ đó giờ, anh không quen làm việc, anh không biết kiếm tiền khó đến mức nào đâu, em muốn anh về xin lỗi ba anh, còn em sẽ tìm chỗ khác – Quỳnh thoáng nhăn mặt khổ sở – Vấn đề là em lo cho anh, chứ không phải sợ mất chỗ dựa, từ đây về sau, anh đừng nghĩ em lợi dụng nữa.
Dương không nói gì, nhưng cặp mắt vẫn không rời Quỳnh. Bất giác, anh bước qua, kéo cô đứng dậy đối diện với mình:

– Sao không mở lòng ra đi Quỳnh, sao không yêu anh, em muốn có một người thật lòng với em và em cũng không cần tiền của anh, sao em không đón nhận được anh?
Và anh ghì nhẹ cô vào người. Đôi môi áp đặt một cái hôn vừa dịu dàng vừa như thăm dò. Quỳnh đờ người đứng yên, nhưng không đủ cảm xúc để đáp lại. Thấy Dương như nhất quyết chinh phục, cô bèn giấu mặt trong vai anh, thở dài:
– Lúc này đừng nên nghĩ tới chuyện tình cảm anh Dương ạ. Cả anh và em đều phải nghĩ cách để sống, mình còn phải kiếm tiền nữa. Chuyện đó không nhẹ đâu anh.
Giọng cô nhẹ như gió thoảng, ngọt mềm như bột sữa. Nó gây cảm giác được mơn trớn trước thực tế không lãng mạn. Vì vậy Dương không cảm thấy bị tránh né làm tổn thương. Anh buông Quỳnh ra:
– Cả anh và em cùng nghĩ cách à? Có thật em nghĩ như vậy không?
Quỳnh không hiểu ẩn ý của anh, cô gật đầu:
– Anh không còn được tài trợ, thì phải tự kiếm sống. Em nghĩ vậy có đúng không?
– Tất nhiên, nhưng anh muốn biết em nghĩ thế nào về sự thay đổi của anh. Em có nhìn anh bằng cặp mắt khác không?
Quỳnh còn đang suy nghĩ thì anh đã đổi ý:
– Mà thôi, không thể bắt em nói ngay được, những chuyện như thế anh muốn nhìn chứ không cần nghe nói.
– Anh nói gì em không hiểu.
Dương không trả lời, anh ngồi trở lại ghế, nói rạch ròi:
– Cho dù anh có thay đổi, thì em vẫn cứ bình thường như không có chuyện gì đi.
– Em không bình thường được đâu. Em sẽ tìm chỗ khác, còn anh ở đây. Có lẽ em sẽ xin làm lại ở chỗ cũ.
– Không bao giờ. Anh không muốn.
Quỳnh cười, nhưng đó là nụ cười chế giễu thân mật, âu yếm đến độ không làm Dương bị tự ái. Lần đầu tiên Dương bắt gặp một vẻ láu lỉnh như thế trên mặt cô. Anh cảm nhận được ý nghĩ của cô. Nếu nói ra, cô sẽ bảo rằng: “Thôi đi cậu bé, anh đã bị đuổi khỏi nhà thế mà còn kiêu ngạo”. Bất giác anh cũng bị lây tâm trạng buồn cười ấy, anh nheo mắt:
– Đừng khi dễ nhé. Anh sẽ chứng minh cho em và ba anh thấy. Anh không phải loại người vô dụng.
– Nhưng em đã nói gì đâu.
Dương nghiêng người qua, nhéo mũi Quỳnh một cái:
– Anh biết em nghĩ gì rồi. Em sợ anh công tử và không biết cách xoay sở chứ gì? Thật ra, anh không cần xoay, nó ở ngay tầm tay anh đấy chứ.
Quỳnh tò mò:
– Là việc gì vậy?
– Chuyện của tụi anh đó mà. Lúc trước, anh thường lười vẽ đồ án, tụi anh thuê mấy sinh viên lớp dưới vẽ. Bây giờ anh sẽ vẽ thuê, chịu khó một chút là đuợc thôi.
Quỳnh ngẩn người:
– Có chuyện đó nữa sao? Nhưng ai sẽ thuê anh chứ?
– Thiếu gì. Anh vẽ ấy thằng bạn. Tụi nó có thằng nào chịu ngồi một chỗ lâu đâu, chỉ sợ anh làm không hết thôi.
– Làm vậy anh không tự ái à?
Dương nhún vai:
– Cái đó không có gì đáng tự ái. Anh làm việc chứ có xin tiền tụi nó đâu. Nếu anh về hạ mình với ba anh để có tiền, thì mới đáng tự ái.
Quỳnh không nhận xét gì, nhưng trong thâm tâm cô cảm thấy nể nghị lực của Dương. Quan niệm sống của anh thật thoáng, khẳng khái. Không thể nào ngờ cậu quý tử của một gia đình giàu có, lại có được quan niệm bản lĩnh như vậy.
Bất giác, Quỳnh lại nghĩ về Quốc. Anh ta luôn dựa và để mẹ anh ta điều khiển, giờ thì đến vợ. Nếu Quốc có bản lĩnh thì bây giờ có lẽ cô đã khác đi rồi.
***
Buổi tối, Dương rủ đi ăn, nhưng cô không chịu và ở nhà tự nấu bữa ăn tối chu đáo cho anh. Cô vui vẻ dễ thương như một bà chủ nhà hiếu khách. Tâm trạng đó lây qua Dương sự thoải mái dễ chịu. Và anh tự nhủ sẽ không có gì hối hận khi hy sinh vì con người dễ thương này.
Cả hai qua một buổi tối tự do và thân mật như cặp vợ chồng mới cưới. Ðây là lần đầu tiên Dương ở lại đêm mà được Quỳnh hồ hởi nồng nhiệt như vậy.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.