Tình sử Angélique

Chương 79


Đọc truyện Tình sử Angélique – Chương 79

– Tôi đã hứa với quan tổng trấn Ôbray và ông ta cũng cam đoan với Đức vua rằng ba cái tên cuối cùng trong danh sách sẽ không được công bố. Sáng nay, tuy tác giả của bài vè đã bị treo cổ, thế mà tên của bá tước đờ Ghisơ vẫn bị bêu ra cho dân chúng Pari phỉ nhổ. Hoàng thượng hiển nhiên đã trông thấy rằng việc xử giảo tên tội phạm đầu sỏ không thể ngăn chặn được bàn tay trừng phạt của công lý để cứu Đức ông, tức Bào đệ của ngài. Về phần mình, tôi đã cho Hoàng thượng hiểu rằng tôi biết kẻ đồng lõa, đúng hơn là những kẻ đồng lõa vẫn quyết tâm theo đuổi công việc mặc dù kẻ viết những bài vè đã chết. Và, xin nhắc lại, tôi đã hứa rằng ba tên cuối cùng sẽ không bị nêu ra.
– Chúng sẽ được công bố.
– Không!
Một lần nữa Angiêlic và Đêgrê lại đối mặt, vẫn ở nơi Angiêlic đã tựa đầu vào vai viên cảnh sát tối hôm qua. Ánh mắt của hai địch thủ chạm nhau như hai lưỡi kiếm.
Ngôi nhà vắng hoe, chỉ còn mỗi David bị thương đang lên cơn sốt nằm trên gác xép. Gần như không có tiếng động nào ngoài đường vọng vào. Tiếng hò hét của đám đông không lọt đến khu quý tộc này.
– Tôi biết chỗ giấu đống truyền đơn mà bà đang định rải. – Đêgrê nói – Tôi có thể nhờ quân đội phối hợp tấn công ngoại ô Xanh-Đơni và băm nát như tương bọn lưu manh đang mưu toan đánh trả cảnh sát vây ráp ngôi nhà Hành-khất-Đại-đế. Còn một cách đơn giản hơn, để giải quyết việc này. Hãy nghe tôi, cô ngốc ạ, đừng có hầm hè với tôi như chó với mèo thế. Đằng nào thì Clod-Pơti cũng chết rồi. Việc nó phải thế mà. Sự láo xược của hắn đã đi quá đà nên không đời nào Đức vua để hắn được người ta xét xử đâu.
– Đức Vua! Đức Vua! Sao ông cứ Đức Vua luôn mồm thế? Ngày xưa ông khẳng khái hồn
– Khẳng khái là sự sai lầm của tuổi trẻ, thưa bà. Trước khi tỏ ra khẳng khái ta phải tự biết là khẳng khái với ai. Tôi đã làm trái ý Vua và nó đã làm tôi điêu đứng. Vì vậy mà tôi đứng về phía Đức Vua. Theo ý tôi, thưa bà, bà còn hai cháu nhỏ phải trông nom, khôn ngoan hơn cả là nên noi gương tôi đây.
– Câm mồm, tôi ghê tởm ông.
– Chẳng hay tôi nghe lầm chăng, hình như bà đang lo lấy giấy phép sản xuất thứ đồ uống lạ hoặc một thứ gì đó đại loại như vậy? Hay bà không muốn có một món tiền, khoảng 50,000 livrơ chẳng hạn để khai trương một doanh nghiệp gì đó? Hay một thứ ưu tiên gì đó giả dụ như vay vốn, đại khái là thế? Một người như bà thì thiếu gì mưu kế. Nhà vua sẵn sàng chấp thuận bất cứ điều gì bà thỉnh cầu để đánh đổi sự im lặng vĩnh viễn và tức khắc của bà. Hiện tại đó là cách tốt nhất để kết thúc tấn bi kịch này vì lợi ích của mọi người. Quan tổng trấn sẽ được khen ngợi, tôi sẽ được thăng cấp, Hoàng thượng sẽ yên lòng, còn bà, thưa công nương yêu quý, bà sẽ lại dong buồm ra khơi, thẳng tiến đến những hoài bão lớn lao nhất của mình. Hãy mạnh dạn lên, chớ run rẩy như con ngựa cái tơ dưới ngọn roi của gã dạy ngựa. Bà hãy suy nghĩ kỹ đi, hai giờ nữa tôi sẽ đến nghe bà dạy bảo.

***
Pari một lần nữa lại có hơi hướng bạo động. Đô thành còn nhớ rằng Thi sĩ du đãng là người đầu tiên phóng mũi tên vào phe Madaranh năm 1650. Khi hắn còn sống, khi người ta còn tin rằng miệng lưỡi cay độc của hắn còn mang những oán hờn mới mẻ bay xa thì họ còn kìm lại những oán hờn lưu giữ từ lâu. Nay hắn chết, dân chúng đâm nhốn nháo cả lên. Họ có cảm tưởng như bị bịt mồm bịt miệng. Mọi chuyện cũ lại bị khơi dậy: nạn đói trong những năm 1656, 1658, 1662, những thứ thuế mới. Gã người Ý chết mất rồi, thế mới tiếc chứ! Phải đốt dinh hắn mới được…
Những đoàn người rồng rắn nhảy nhót dọc hè, hét toáng lên:
– Kẻ nào đã giết thằng bé
Trong khi đó những kẻ khác lại hô theo nhịp:
– Ngày mai sẽ biết! Ngày mai sẽ biết!
Nhưng hôm sau thành phố lại không đón trận mưa truyền đơn như thường lệ nữa. Những hôm sau nữa cũng vậy. Tất cả lại lắng xuống. Cơn ác mộng đã qua. Vậy là dân chúng không bao giờ biết ai đã giết thằng bé bán bánh. Bấy giờ Pari mới ý thức được rằng Thi sĩ du đãng đã chết thật rồi.
Thực ra chính hắn đã nói với Angiêlic rằng: “Bây giờ cô em đã mạnh rồi, cô cứ việc bỏ rơi chúng tôi dọc đường”.
Trong những đêm dài không có lúc nào yên, nàng cứ thấy hắn hiện lên trước mặt, nhìn nàng bằng cặp mắt đục lờ nhấp nhóa như mặt nước sông Xen dưới nắng.

Nàng không làm sao lê chân đến được quảng trường Grevơ. Nguyên việc cô Bacbơ đưa bọn trẻ con ra đấy xem – coi như một bài giáo huấn – là đủ lắm rồi, chưa cần cô ta phải kể đến những chi tiết nhỏ nhặt của cảnh tượng rùng rợn: mái tóc đẹp của Thi sĩ du đãng rủ xuống bộ mặt phù lên, đôi tất đen tụt quá mắt cá chân để lộ hai cổ chân khẳng khiu, lọ mực và ngòi bút đeo lủng lẳng ở thắt lưng gã đao phủ mê tín.
Ngày thứ ba, sau một đêm không hề chợp mắt, nàng trở dậy và tự nhủ:
– Ta không thể sống như thế này mãi được.
Tối hôm ấy nàng tìm đến nhà Đêgrê trên phố Cầu Đức Bà. Từ nơi đó ông ta đưa nàng đến gặp mấy nhân vật quan trọng có nhiệm vụ bí mật thỏa thuận chấm dứt sự kiện lạ lùng này.
Các yêu sách của Angiêlic đã được chấp nhận. Đổi lại, nàng phải trao cho những người có thẩm quyền ba hòm truyền đơn đã in sẵn nhưng chưa kịp phân phát để các thầy cảnh sát đốt phi tang.
V cuộc sống trở lại từ đầu. Một lần nữa Angiêlic lại có nhiều tiền. Ngoài ra nàng còn được hưởng đặc quyền sản xuất và tiêu thụ một thứ đồ uống gọi là sôcôla trong toàn cõi.
– Ta không thể đeo đẳng cuộc sống thế này mãi được, – nàng thì thầm nhắc lại.
Nàng khêu nến lên cho sáng. Tấm gương trên bàn trang điểm phản chiếu khuôn mặt tái xạm xuống nước.

– Cặp mắt xanh, – nàng tự nhủ,- màu xanh gieo rắc tai ương. Đúng thế, ta đã gieo tai họa cho những người ta yêu… hoặc yêu ta.
Nhà thơ Clod bị treo cổ. Nicôla biệt tích. Perắc bị thiêu sống.
Nàng chậm chạp đưa hai bàn tay vuốt đôi lông mày. Từ đáy lòng nàng run ghê gớm, run đến nghẹn lời. Và hai bàn tay nàng lạnh như băng.
– Ta biết làm gì đây? Chống chọi với tất cả bọn đàn ông hùng mạnh và đầy quyền uy kia chăng? Đó không phải là việc của ta. Chỗ đứng đàn bà là ở nhà, bên cạnh người chồng mình yêu dấu, gần hơi ấm của bếp lửa, trong cảnh yên ấm của gia đình, với bọn trẻ con ngủ say trong nôi. Mi còn nhớ Perắc, còn nhớ cái lâu đài nhỏ nơi Phlôrimông chào đời không?.. Gió núi xiết vào cánh cửa kính và em ngồi trong lòng anh, má kề sát má. Và em nhìn khuôn mặt ngộ nghĩnh của anh phản chiếu ánh lửa bập bùng với một chút sợ hãi lẫn niềm tin cậy khó tả.. Nụ cười của anh mới tươi tắn làm sao, phô ra hàng răng trắng xóa! Hay là em nằm trên chiếc giường rộng thênh thang của chúng mình mà nghe anh hát, giọng hát vừa sâu lắng vừa mượt như nhung như thể dội từ vách núi về. Rồi em thiu thiu ngủ và anh nằm ghé cạnh em trên tấm khăn giường thêu mát rượi, thoang thoảng hương rẻ quạt. Em trao cho anh nhiều. Và anh đã cho em tất cả… Và trong mỗi giấc mơ em vẫn thầm nhủ rằng hai đứa mình sẽ mãi mãi hạnh phúc.
Nàng chệnh choạng đi qua phòng quỳ xuống bên giường và vùi mặt trong những tấm khăn giường nhàu nát:
– Perắc ơi, tình yêu của em!
Tiếng khóc dồn nén lâu ngày bật ra khỏi lồng ngự
– Perắc, tình yêu của em, về với em đi, anh đừng để em trơ trọi một mình… Về đi anh.
Nhưng không bao giờ chàng còn trở về được nữa, nàng biết. Chàng đi xa lắm. Nàng biết tìm chàng nơi đâu? Thậm chí nàng không có được nấm mồ để mà than khóc nữa. Nắm tro tàn của Perắc cũng bị gió sông Xen cuốn đi rồi.
Angiêlic đứng lên, mặt đầm đìa nước mắt.
Nàng ngồi xuống cạnh bàn, lấy ra một tờ giấy trắng và gọt lại ngòi bút.

“Thưa các ngài, khi các ngài đọc những dòng này, tôi không còn ở trên đời này nữa. Tôi hiểu rằng tự kết liễu cuộc đời là một trọng tội, nhưng Đức Chúa trời hằng soi thấu tận đáy lòng tôi, với tội lỗi ấy. Tôi nguyện phó thác thân tôi cho lòng nhân từ của Người. Xin trao số phận các con tôi cho lòng công bằng và sự độ lượng của Đức vua. Đổi lại sự im lặng mà Hoàng tộc đòi hỏi và tôi đã ưng thuận, xin Hoàng thượng thay cha chúng chăm sóc hai sinh mạng nhỏ nhoi ra đời với các đại hùng tinh chiếu mệnh. Nếu Đức vua không trả lại cho chúng tên tuổi và quyền thừa kế cha mình là Bá tước Perắc, ít ra ngài cũng nên dành cho chúng phương tiện sinh sống lúc còn bé và sau này cho chúng ăn học và vốn liếng cần thiết để lập thân.”…
Nàng cắm cúi viết, nêu thêm những chi tiết cụ thể liên quan đến cuộc sống của các con, đồng thời còn xin che chở cho cậu cháu David Salu mồ côi. Sau đó nàng viết thư để lại cho Bacbơ, xin cô ta đừng bỏ rơi Phlôrimông và Canto, để lại cho cô vài thứ đồ dùng, quần áo, tư trang. Nàng bỏ bức thư thứ hai vào phong bì và dán lại.
Bây giờ nàng mới thấy thanh thản hơn. Nàng tắm rửa mặc quần áo rồi ngồi suốt buổi sáng trong buồng trẻ. Nàng ngắm con mà lòng thấy vui, không gợn một chút lo âu rằng nàng sắp sửa phải xa chúng mãi mãi. Chúng không còn cần đến nàng nữa. Chúng có Bacbơ, người chúng biết rõ, và là người sẽ đưa chúng về Môngtơlu. Chúng sẽ lớn khôn dưới ánh mặt trời và bầu không khí trong lành nơi thôn dã, tránh xa cái bẩn thỉu ô uế của Pari.
Ngay cả Phlôrimông cũng không còn bám lấy mẹ nữa. Đêm đêm nàng sẽ trở lại ngôi nhà ừ đây đã trở thành giang sơn nho nhỏ của họ, với hai người hầu gái, con chó Patu, những đồ chơi và những con chim nhỏ. Ngày nào chính Angiêlic đã đem các thứ đồ chơi đó về nhà, chúng đã lại chạy ra đón khi thấy bóng nàng, càu nhàu đủ điều, hò hét om sòm mỗi khi có gì mới. Hôm ấy Phlôrimông đã mặc cái áo dài đỏ nhỏ xíu vào và bảo:
– Bao giờ con mới có tất cả hở mẹ? Con bây giờ là người lớn đàng hoàng rồi đấy nhá!
– Con đã có cái mũ nỉ to cắm lông chim đẹp thế kia còn gì. Nhiều đứa ở tuổi con vẫn còn phải đội mũ chóp giống như mũ của Canto cơ đấy.
– Ứ, ứ, con thích tất cả cơ! – Phlôrimông gào lên giận dỗi quẳng luôn kèn xuống đất.
Angiêlic phải bỏ ra ngoài, sợ rằng mình sẽ nổi cáu lên mà phạt oan con.
***
Sau bữa ăn trưa, thừa lúc bọn trẻ đang ngủ, nàng mặc áo choàng và lẻn đi. Nàng cầm theo cả phong thư dán kín. Nàng sẽ đưa nó cho Đêgrê và nhờ anh ta đem đến chỗ hẹn bí mật giúp. Rồi nàng sẽ ra bờ sông Xen. Nàng còn lại vài giờ nữa. Nàng định đi dạo khá xa. Nàng muốn ra vùng quê ven đô để mang theo mình cảnh tượng cuối cùng của đồng cỏ mùa thu úa tàn và rừng cây lá vàng ruộm, hít thở lần cuối cùng mùi vị sương mù gợi cho nàng nhớ lại Môngtơlu và thời thơ ấu của mình…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.