Đọc truyện Tình sử Angélique – Chương 60
Sau này, khi nhớ lại đoạn đời này của mình, thời gian mà nàng tụt xuống đáy xã hội và sống hòa mình với lớp người cặn bã tồi tệ nhất, nàng thường mơ màng lắc đầu lẩm nhẩm một mình: “Hồi ấy mình điên”.
Có lẽ, đúng điều đó đã giúp nàng sống được giữa thế giới những kẻ đáng sợ và đáng thương, sự điên rồ, hay đúng hơn, sự tê liệt mọi cảm giác, giấc ngủ dài của một con thú tự bảo vệ mình để qua một mùa đông ác liệt.
Mọi cử chỉ và hành động của nàng đều tương ứng những phản xạ đơn giản nhất. Nàng cần có thức ăn, cần được sưởi ấm. Run rẩy vì rét và cần được che chở, điều đó khiến nàng quay lại nép vào bộ ngực khỏe mạnh của Nicôla, và trở thành dễ bảo trước những cử chỉ ôm ấp thô bạo, áp đặt của hắn ta.
Vốn yêu thích những áo sơ mi bằng những thứ hàng đắt nhất được thêu đẹp đẽ, nàng phải ngủ trên cái giường bằng các áo choàng ăn cắp được xếp thành đống, sặc mùi các loại đàn ông ở Pari. Nàng thành cái mồi của một gã vũ phu, một lực điền biến thành kẻ cướp, ghen tuông và rất hãnh diện làm chủ nàng. Và nàng không những không sợ hắn, mà lại còn thích thú vì sự quan tâm quá bao trùm của hắn dành cho mình.
Những đồ vật nàng dùng, những thức ăn nàng tiêu thụ đều hoàn toàn là kết quả hành động trộm cắp hay giết người. Bạn bè của nàng toàn là những người khốn khổ hay những tên phạm trọng tội. Chỗ ở của nàng là những bức tường thành, các ngóc ngách ở bờ sông, quán rượu tồi tàn. Và toàn bộ thế giới của nàng là khu vực đáng sợ và hắn như bất khả xâm phạm trong Vương triều quái dị, ở đó những sĩ quan và những viên đội cảnh sát không dám lai vãng, trừ ban ngày. Quá ít ỏi so với đạo quân đáng sợ của dân du đãng hồi đó chiếm tới một phần năm dân số Pari, các lực lượng của pháp luật và trật tự đành nhường ban đêm cho tầng lớp cặn bã làm chủ.
Tuy vậy, sau khi lẩm nhẩm: “Mình điên rồi”, Angiêlic đôi khi trở nên mơ mộng, nhớ tới những ngày đã qua, mà ở bên gã Calăngbrơđen khét tiếng, nàng từng làm chủ các tường thành cổ và các cây cầu của Pari.
***
Calăngbrơđen đã biến tòa tháp Nexlơ thành đại bản doanh của mình. Và những thủ lĩnh giang hồ khác biết rằng anh chàng mới đến nhập bọn với “những người anh em” này bao vây cả khu vực trường đại học, chiếm giữ vùng lân cận các cửa ô cũ Xanh-Giécmanh, Xanh-Misen và Xanh-Victo, cho tới bờ sông Xen, phía dưới tòa lâu đài Tuốcnen.
Đó là một chiến công bậc thầy trong vương quốc giang hồ. Rôlanh-Ngồi xổm tức Hành-khất-Đại-đế, anh chàng lùn tham lam thống trị vương quốc này, cũng không can thiệp: Calăngbrơđen nộp triều cống hậu hĩ. Hắn ưa đánh nhau công khai, có những quyết định táo bạo được hỗ trợ đặc biệt bằng tài tổ chức của Trôn-gỗ, vì vậy bọn hắn mỗi ngày một hùng mạnh. Từ tháp Nexlơ, hắn chiếm lĩnh luôn Cầu Mới, lộ độc đạo của Pari, với những dòng người bộ hành đi lại tấp nập, trơ mắt ếch cho kẻ gian móc túi dễ dàng, đến mức nghệ sĩ Giắctăngxơ không buồn ra tay với họ. Cuộc Cầu Mới đã diễn ra ác liệt, kéo dài nhiều tháng. Cuối cùng, Calăngbrơđen thắng, vì quân hắn chiếm giữ được các vùng lân cận. Tại các xà lan bỏ hoang thả neo cạnh chân cầu hay dưới gầm cầu, hắn cho mai phục lũ ăn mày của mình, giả vờ ngủ say nhưng thật ra là những kẻ canh gác tinh nhanh.
Xuất hiện giữa đám dân Pari bóng tối này, có gã Nhanh-chân, Backarôn hoặc Trôn-gỗ cùng đi, dần dần Angiêlic phát hiện ra mạng lưới rách rưới và cướp bóc mà anh bạn nô đùa thời xưa của nàng đã bố trí rất công phu.
Bọn họ đang ngồi bên bếp lửa trong phòng rộng lớn bên dưới tháp Nexlơ. Quân của Calăngbrơđen tập hợp ở đây cùng với một đám đông hành khất rách rưới đến cầu thủ lĩnh.
Trôn-gỗ chân vắt vẻo trên bàn, đầy vẻ kiêu căng của người quản lý được tin cậy. Backarôn người cánh hẩu của hắn, đi lăng quăng từ nhóm này sang nhóm khác làm đám chơi bài sốt ruột.
Trong đám thân cận của Calănbrơđen còn có Nhanh-chân, anh chiến sĩ liên lạc luôn hớt hải; anh gù Tabơlô, anh chàng cắt túi Giắctăngxơ; gã Xinh-trai, một tay ma cô có tài hóa trang, đội tóc giả làm ông hoàng, có lẽ Đức Vua cũng phải lầm. Còn có những gái điếm, nhởn nhơ như những con thú hoặc la hét ầm ĩ như bọn nặc nô, một vài tên làm ảo thuật, bán thuốc ế, vài tên đầy tớ xoáy đồ của chủ rồi đến gạ bán. Ngoài ra còn có cả một số sinh viên thành tích bất hảo, vì nghèo khổ mà sa ngã, cuối cùng trở thành dân du đãng: họ đến đây chơi xúc xắc với bọn lưu manh và được bọn này giúp đỡ việc lặt vặt. Những chàng thạo tiếng Latinh này được gọi là “quân sư”; họ giúp soạn thảo những bản luật lệ của Hành-khất-Đại-đế. Thí dụ, như anh chàng Bị béo, kẻ đã đóng giả thầy tu và nhử được linh mục Cônăng Bêse vào bẫy.
Những kẻ sống nhờ lòng từ thiện của dân chúng, những người dị dạng, đám mù lòa, những kẻ chỉ ban ngày mới hấp háy, cũng đều có thể đến náu ban đêm ở tháp Nexlơ. Những bức tường thành cổ mà xưa kia từng chứng kiến những chuyện dâm ô của Hoàng hậu Mácgơrít đờ Buốcgônhơ và nghe thấy những tiếng rên lúc sắp tắt thở của đám thanh niên bị đâm chết sau một đêm hành lạc – nay đang kết thúc lịch sử rùng rợn của chúng bằng cách trở thành nơi ẩn náu của đám cặn bã tồi tệ nhất trong xã hội. Trong đám này, cũng có những người tàn tật thực sự, bọn thọt chân, bọn dở người, bọn tâm thần, và những quái vật kiểu gã Mào gà trống với đám thịt thừa ở trán
Đây là một thế giới đáng nguyền rủa: những đứa trẻ không còn giống trẻ con nữa, những phụ nữ hiến thân mình cho đàn ông trên đống rơm vứt xuống sàn đá, những ông già và bà già có con mắt ngơ ngác như chó hoang. Tuy vậy, lại có vẻ gì vui thích nhởn nhơ trong đám người pha tạp ấy. Đói rách và nhơ nhớp chỉ trở thành không sao chịu đựng nổi, khi đó là một chặng đường tạm thời, và đối với những ai có điều kiện để so sánh. Nhưng đám dân chúng trong Triều đình du đãng này, thì không còn cả quá khứ lẫn tương lai.
Đói và rét là số phận của những kẻ yếu, số phận của những kẻ đã quen chịu đựng đói rét. Sự bấp bênh của ngày mai không làm họ quan tâm. Quan trọng gì đâu? Giá trị đó không gì đo lường được của sự bấp bênh này là tự do, là quyền được bắt rận cho mình ngoài nắng ở bất kỳ nơi nào mình thích. Cứ mặc xác hắn, tên cảnh sát săn đuổi dân khố rách áo ôm. Cứ mặc cho họ xây nhà thương và viện tế bần, các quý phu nhân và các cha cố của họ! Đám bị gậy này sẽ chẳng tự nguyện đặt chân vào những nơi đó, cho dù họ có phát chẩn cháo ăn hàng ngày.
Cứ làm như người ta không thể có cái ăn tốt hơn như trong nhà bếp của Calăngbrơđen, nơi luôn được tiếp tế kịp thời nhờ tay đám lâu la được hắn nuông chiều, chúng lùng sục ở các xà lan, lảng vảng quanh các cửa hàng thịt, lò sát sinh và trấn lột đám nông dân trên đường ra chợ!
Trước ngọn lửa cháy lép nhép của đống củi ăn trộm được, Angiêlic ngồi tựa vào bộ đùi gân guốc của Calăngbrơđen.
Hắn vừa thử vuốt ve nàng một cái vừa liếc mắt thăm dò. Hắn không bao giờ biết chắc những cử chỉ tán tỉnh của mình sẽ được tiếp nhận ra sao. Chỉ một cái hôn cũng có thể làm nàng chồm lên, quắc mắt nhìn hắn dữ dội tựa một con mèo rừng và dọa gieo mình từ trên tháp cao xuống đất, và chửi rủa hắn tối tăm mặt mũi với lời lẽ của đám hàng tôm hàng cá mà nàng học thuộc chẳng khó khăn gì.
Có lúc nàng hờn dỗi luôn mấy ngày, lạnh lùng tới mức khiến Backarôn phát hoảng và Xinh-trai nói lắp. Calăngbrơđen cùng mấy gã thân tín kinh ngạc hỏi nhau duyên cớ gì khiến nàng khó tính.
Có những lúc nàng tỏ ra dịu dàng, vui đùa, có phần âu yếm nữa. Hắn t lại tìm thấy nàng. Đúng nàng… giấc mơ suốt đời hắn ta! Cô bé Angiêlic, chân đất, áo quần tả tơi, rơm rạ vương đầy tóc, chạy thoăn thoắt trên các đường mòn.
Những lúc khác, nàng lại trở nên thờ ơ, nhưng không hồn, phục tùng mọi điều hắn đòi ở nàng, nhưng lãnh đạm đến mức hắn ta phải bỏ đi, lo lắng và hơi hoảng sợ.
Thật là một cô gái kỳ dị, bà Chúa Thiên thần!
Thật ra, nàng không hề tính toán. Bản năng đàn bà giúp cho nàng tạo được phòng tuyến bảo vệ mình. Như xưa kia, nàng từng điều khiển cậu bé nông dân Méclô, bây giờ nàng cũng giật dây được tên cướp… Nàng tránh được nguy cơ trở thành nô lệ hay nạn nhân của hắn ta, nếu tỏ ra hoặc quá dễ bảo, hoặc quá kiêu căng. Nàng nắm được hắn ta trong tay, nhiều phần bằng ưng thuận vuốt ve hơn là từ chối thẳng thừng. Và sự say mê của Nicôla mỗi ngày một thêm dữ dội.
Con người nguy hiểm kia, mà bàn tay đã từng nhuốm máu trong bao nhiêu trọng tội, đã đi đến chỗ run sợ khi làm phật ý nàng.
Sáng hôm đó, thấy bà Chúa Thiên thần không có vẻ mặt “âm thầm”, hắn ta vuốt ve nàng với dáng tự hào. Và nàng mơ màng dựa vào vai hắn như cây bìm leo. Nàng chẳng thèm kể đến những bộ mặt xấu xí nhăn nhở ngồi đầy chung quanh hai người. Nàng cho phép anh ta cởi áo ngực mình ra, để anh ta hôn chùn chụt lên miệng mình. Đôi mắt xanh ngọc bích của nàng nhìn qua hàng mi hé lim dim, khiêu khích và xa xăm. Trong thâm tâm thích thú thấy mình tụt xuống vực thẳm của sự sa đọa, nàng dường như công khai bộc lộ lòng kiêu hãnh trở thành đồ chơi của một người chủ được người ta sợ hãi.
Sự táo tợn đó của nàng làm mụ Ba Lan căm tức phát khóc.
Người tình chính thức trước đây của Calăngbrơđen không dễ dàng cam chịu sự thất sủng đột ngột của mình. Nhất là vì Calăngbrơđen, tàn ác như một tên bạo chúa, đã buộc mụ ta làm người hầu hạ Angiêlic. Chính mụ phải bưng nước nóng lên cho tình địch của mình tắm rửa mà thói quen tắm nước nóng ấy làm cả giới du đãng phải kinh ngạc. Nhưng gã lực điền ngày xưa có quyền lực đối với quân của hắn đến nỗi mụ không dám ho he. Mụ ta vốn trước là gái điếm sống bám theo các đội quân, đã từng có nhân tình trong nhiều binh chủngiến dịch mụ đã từng làm mưa làm gió trong một trung đoàn binh lính Ba Lan, từ đó mụ được tên hiệu là “bà chúa Ba Lan”.
Mụ giắt ở dây lưng một con dao mà mụ rút ra mỗi khi bị khiêu khích, và mụ có tiếng chơi dao thành thạo.
Giờ đây, mụ không lúc nào quên được chuyện giành lại Calăngbrơđen. Nhằm mục đích đó, mụ thi thố mọi thủ đoạn của một kẻ vô liêm sỉ có tính khí sục sôi như núi lửa. Mụ cho rằng, như mụ thường nói: Calăngbrơđen chả mấy chốc sẽ chán cô gái không bao giờ cười, mà đôi mắt thỉnh thoảng cứ như là không thèm nhìn ai cả! Đúng, hai người là “đồng hương”, cái đó cũng gắn bó thêm. Nhưng mụ biết rõ Calăngbrơđen chỉ có thế chưa đủ. Và, mẹ kiếp, cùng lắm mụ sẵn lòng chia sẻ hắn với cô ta. Dù sao, hai bà cho một ông, đã lấy gì làm nhiều. Hành-khất-Đại-đế có những sáu bà thì sao!
Tình hình gay cấn cuối cùng cũng lên tới đỉnh cao tất yếu: sự kết thúc diễn ra nhanh chóng nhưng dữ dội.
Một buổi sáng, Angiêlic đi thăm Trôn-gỗ ở cái xó xỉnh gã này chui rúc, cạnh cầu Xanh-Misen. Nàng đem tới cho hắn mấy khúc dồi lợn. Trôn-gỗ là người độc nhất trong bọn được nàng nể một chút. Nàng có một vài cử chỉ săn sóc nho nhỏ, mà hắn tiếp nhận một cách nghiễm nhiên, như một con chó giữ nhà dữ tợn được chủ vuốt ve.
Sáng hôm đó, sau khi hít hơi mấy khúc dồi thơm phức, hắn nhìn chằm chằm Angiêlic và nói:
– Ở đây về, cô đi đâu?
– Quay về tháp Nexlơ.
– Đừng. Dọc đường cô hãy ghé vào quán ăn Ramê, cạnh Cầu Mới. Calăngbrơđen đang ở đó với cả bọn và mụ Ba Lan.
Dừng một lát, hắn hỏi:
– Cô có biết cô phải làm gì không?
– Cô hãy vào trong quán rượu. – Trôn-gỗ nói như giảng đạo – và khi nhìn thấy Calăngbrơđen và mụ Ba Lan đang làm trò, thì cô hãy tóm lấy bất cứ cái gì trong tầm tay, cái cốc, cái chai cũng được, cứ thế choảng vào đầu hắn.
– Đầu ai?
– Calăngbrơđen, còn ai nữa! Cứ mặc kệ mụ đàn bà trong những trường hợp thế này.
– Tôi có sẵn một con dao – Angiêlic nói.
– Bỏ mặc dao đấy, cô có biết chơi dao đâu. Vả lại đối với một tên du đãng có chuyện nhập nhằng về bồ bịch, không gì bằng choảng mạnh vào đầu hắn, cứ tin lời tôi!
– Nhưng tôi có quan tâm cóc khô gì chuyện tên khốn kiếp ấy lừa dối tôi, – Angiêlic mỉm cười kiêu ngạo.
Mắt gã tàn tật bỗng lóe lên dười hàng lông mày rậm. Hắn nói dằn từng tiếng:
– Cô không có quyền làm thế… Tôi cần nhấn mạnh hơn: cô không có cách nào khác nữa. Hắn đã chiếm đoạt cô. Cô không còn có quyền để hắn khinh bỉ mình. Hắn là chồng cô.
Angiêlic cảm thấy mình run lên, sự giận dữ xen giữa niềm hưng phấn kín đáo. Cổ họng nàng se lại:
– Tôi không muốn thế. – Nàng lẩm bẩm với tiếng nói bị nén lại.
Gã tàn tật phá lên cười chua chát:
– Cô làm sao gỡ bỏ những cái đó đi được. Cô phải chấp nhận những cái đó, chỉ có thế thôi… Hãy học cách như tôi, phải đi trên một đĩa gỗ, thì sao?
Rồi hắn nói tiếp se sẽ, giọng thúc giục:
– Vậy là bản thân cô cũng phải tập đi đứng giữa đám du đãng thì tốt hơn. Hãy làm theo lời tôi dặn. Nếu không, cô sẽ chết.
Nàng hất ngược tóc ra sau lưng một cách bướng bỉnh:
– Tôi không sợ chết.
– Tôi không muốn nói đến cái chết kiểu ấy, – hắn làu nhàu – nhưng cái chết khác còn tồi tệ hơn kia, đó là cái chết của nhân cách riêng của mình…
Hắn bỗng đùng đùng nổi giận:
– Cô đã làm tôi nói nhiều điều vớ vẩn. Tôi cố làm cho cô hiểu, cho cô đuối lý! Cô không có quyền để cho mụ Ba Lan đè bẹp mình! Cô không có quyền… Cô có nghe tôi nói không?
Hắn ta cố nhen lên một tia dữ tợn trong con mắt nàng:
– Nào, cô đứng lên và lại chỗ kia, lấy chai rượu và cái cốc. Đem lại đây…
Và hắn nói sau khi rót rượu mạnh đầy cốc:
– Hãy uống một mạch hết cốc này, rồi đến đó đi… Hãy đánh thật mạnh, đừng sợ. Tôi biết Calăngbrơđen. Hắn có cái đầu rất cứng…
Khi bước vào quán rượu Ramê, Angiêlic dừng lại ở ngưỡng cửa.
Ở đầu đằng kia gian phòng, trước bếp lửa, Angiêlic thấy bốn tên hộ vệ thường xuyên của Calăngbrơđen cùng với Backarôn ngồi ở bàn, rồi mấy tên khác, và cuối cùng là Nicôla, ôm trên lòng mụ Ba Lan trần truồng, đầu tóc rũ rượi, gần như nằm bò ra, đang hò hét những bài hát tục tĩu.
Đây là bộ mặt Nicôla mà nàng căm ghét, bộ mặt ghê tởm hóa trang của Calăngbrơđen.
Hình ảnh đó, cộng với cốc rượu mà Trôn-gỗ đã đưa cho nàng uống, kích động tính chiến đấu trong con người nàng. Với bàn tay nhanh nhẹn, nàng tóm lấy cái cốc vại bằng thiếc trên bàn và tiến đến gần bọn kia. Chúng đã say mèm cả nên không thấy hoặc không nhận ra nàng. Nàng đã thấy mình đứng sau lưng Nicôla, và lấy hết sức, nàng nhắm mắt choảng thật mạnh.
Có tiếng rú của anh lùn Backarôn. Rồi Nicôla – Calăngbrơđen lảo đảo, ngã bổ đầu về phía bếp lửa, kéo theo cả mụ Ba Lan kêu oai oái.
Một cảnh lộn xộn diễn ra. Những khách ăn khác chạy xô đến. Họ kêu ầm lên: “Quân giết người!”, mấy tên rút gươm ra, gã Giắctăngxơ túm lấy Nicôla kéo ra. Tóc của mụ Ba Lan bắt lửa. Backarôn chạy qua bàn hắn đang ngồi, nắm lấy bình nước dội lên đầu mụ:
Bỗng có tiếng kêu:
– Chạy đi, anh em! Cảnh sát!
Có tiếng những người cưỡi ngựa phi đến. Một viên đội cảnh sát hiện ra ở ngưỡng cửa, súng lục trong tay, hét lên:
– Ở nguyên tại chỗ, quân kẻ cướp!
Nhưng vì đám khói thuốc dày đặc và trong quán tối quá, viên đội đã mất đi những giây phút quý giá. Nắm lấy cái thân thể cứng đờ của tên trùm, bọn cướp kéo hắn vào phòng trong của quán rượu và chuồn ra lối cửa hậu.
– Nhanh lên, bà Chúa Thiên thần! – gã Bị béo hét lên.
Angiêlic nhảy qua một cái ghế dài lật ngửa và cố đuổi kịp bọn chúng, nhưng bị một bàn tay cứng như sắt tóm được.
Bỗng nàng thấy mụ Ba Lan lù lù hiện ra trước mặt, con điếm này giơ con dao găm của mụ lên. sắp chết” – Angiêlic lóe lên ý nghĩ đó.
Lưỡi dao hạ xuống loáng một cái. Viên cảnh sát đang giữ Angiêlic cúi gập đôi người và rên lên một tiếng ngã lịm.
Mụ Ba Lan xô một cái bàn vào chân tên cảnh sát đang chạy đến, rồi đẩy Angiêlic ra phía cửa sổ, cả hai nhảy ra cái ngõ bên ngoài. Một phát đạn bắn đuổi sau gót chân họ.
Lát sau, hai người phụ nữ đuổi kịp Calăngbrơđen, ở gần Cầu Mới.
Mụ Ba Lan kể:
– Chúng đã tóm Bà Chúa Thiên thần, nhưng tôi cho con chó một nhát dao. Đúng giữa bụng, hắn đi đời!
Cả bọn tiếp tục đi về tháp Nexlơ.
Một tên cướp nói:
– Phải đi tìm lão Mathiơ-béo. Calăngbrơđen bị thương. – Rồi hắn chạy vụt đi.
Trong tháp Nexlơ, Calăngbrơđen được đặt trên bàn ở phòng lớn. Angiêlic cúi xuống bên hắn, xé toạc cái mặt nạ đáng ghét ra và xem xét vết thương. Nàng bối rối thấy hắn nằm bất động và đầy máu me. Nàng không có cảm giác đánh hắn mạnh thế, vì lẽ ra mớ tóc giả có thể đỡ đòn cho hắn. Nhưng cái chân cốc vại lại tuột xuống đập vào thái dương. Hơn nữa, khi ngã hắn bị bỏng trán.
Nàng ra lệnh:
– Đặt ít nước đun sôi.
Mấy gã thiếu niên vội chạy đi làm theo lệnh đó. Ai cũng biết bà Chúa Thiên thần mê tín nước nóng, mà đây cũng không phải là lúc tranh cãi với nàng. Nàng đã có gan choảng cả Calăngbrơđen, trong khi cả mụ Ba Lan cũng không dám thực hiện lời đe dọa đối với hắn. Nàng đã hạ thủ rất bình tĩnh, đúng lúc và đường hoàng… Thế là ngang tầm. Bọn cướp khâm phục nàng, và thương hại Calăngbrơđen, vì cả bọn hiểu rằng hắn ta có cái sọ rất cứng.
Bỗng nhiên, có tiếng kèn rộn rã ở bên ngoài. Cửa mở: gã Mathiơ-béo, thợ nhổ răng kiêm lang băm ở Cầu Mới bước vào.
Cũng như mọi gã làm trò ảo thuật và bán thuốc ế, Mathiơ-béo đứng một chân trong giới du đãng, và một chân ở phòng đợi các nhà ông hoàng bà chúa. Mọi người đều bình đẳng trước cái kìm của thợ nhổ răng. Và cái đau làm nhà quý tộc kiêu căng nhất cũng như tên cướp táo tợn nhất đều trở thành mềm yếu và dễ tin. Những thuốc chữa răng sâu thần diệu, những dầu xoa bóp thơm phức, và những lá cao bách bệnh đã làm Mathiơ-béo lừng danh khắp chốn.
Lão chăm sóc bọn lưu manh, trộm cắp vì bản tính thân thiện và cũng là để lấy lòng chúng; và lão chữa bệnh cho các nhà quyền quý để kiếm được nhiều tiền và vì có tham vọng. Sau khi từng đi đây đó ở châu u, lão quyết định sống những năm cuối đời mình tại Cầu Mới.
Lão ngắm nhìn Nicôla đang nằm không động đậy và không che giấu vẻ hài lòng:
– Vậy ra có chuyện đổ máu cho anh này đây. Chính cô làm anh ta đến nông nỗi này? – Lão hỏi Angiêlic.
Nàng chưa kịp trả lời thì đã bị lão tóm lấy hàm trong bàn tay cứng cáp để khám miệng.
– Có răng sâu đâu mà nhổ. – Hắn ta nói, vẻ khinh khỉnh. – Xem bên dưới nào, cô có mang à?
Và lão ta day bụng nàng mạnh đến nỗi nàng phải kêu lên:
– Không phải. Cái hộp rỗng không. Khám dưới nữa xem nào…
Angiêlic nhảy vọt ra một bên, không cho phép lão khám tỉ mỉ như vậy.
– Khỉ cái lão lang băm bụng phệ! – Nàng giận dữ thét lên. – Lão được mời đến đây không phải để sờ mó ta, mà để chữa chạy cho anh chàngia…
– Hô hố! Thưa phu nhân, – Mathiơ-béo cười phá lên. – Hô hố, hô hố!
Tiếng cười của lão mỗi lúc một to, như muốn làm sập mái nhà, vừa cười lão vừa lấy hai tay ôm bụng.
Khi không cười nữa, lão thấy Calăngbrơđen đã tỉnh lại. Anh ta vội ngồi dậy trên bàn với vẻ mặt dữ tợn, nhưng thật ra để che giấu sự bối rối của mình: anh ta không dám nhìn về phía Angiêlic.
– Có gì mà phải làm rầm rĩ cả lên thế, lũ nhãi ranh? – Anh ta gầm lên – Giắctăngxơ, thằng đần, mày lại làm thịt cháy. Ở đây toàn mùi thịt lợn quay cháy khét.
– Rõ điên! Chính anh mới là lợn quay đấy! – Mathiơ-béo lại cười phá, và lấy khăn mùi xoa lau nước mắt. – Và cả mụ Ba Lan nữa! Nhìn kìa! Lưng mụ bị chín một nửa! Hô hố…
Đêm đó, không khí thật quấy nhộn ở cái sào huyệt dân du đãng trong tháp Nexlơ, đối mặt cung điện Luvrơ.