Tiếng Guitar Trong Ký Túc Xá

Chương 23: Khi Tôi Khóc


Bạn đang đọc Tiếng Guitar Trong Ký Túc Xá – Chương 23: Khi Tôi Khóc


Quả thực, sẽ chẳng ai ngờ một thằng có gương mặt “ bất cần đời” như tôi lại đăng kí tham gia câu lạc bộ tình nguyện, ai mà tin được nhỉ, ngay cả bản thân tôi cũng chẳng thể tin nỗi là.
– Cái gì, mày á, đùa hoài mày? – Thằng Tùng vứt cả cuốn tài liệu lên trời, nghe như vừa bị sét đánh trúng vậy.
– Mặt tao giống đùa lắm à? – Tôi cau có vì phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
– Mày, tao nghĩ…! – Thằng Hùng khoanh tay trước ngực, tỏ vẻ nghiêm nghị.
– Mày ủng hộ à?
– Thôi, mày ở lại đá bóng được rồi, cái tướng mày không hợp với tình nguyện! – Nó vỗ vai tôi, làm như một lời khuyên chân thành lắm ấy.
Hai thằng bạn quỷ sứ phá lên cười, để mặc tôi cau có suy tư, xem xét mọi thứ, dù ọi chuyện cũng đâu thể thay đổi được chứ.
– Mày đừng vì gái làm khổ bản thân!
– Điên mày, gái gú gì, tao thích vì tao là một thằng có tinh thần trách nhiệm với xã hội!
– Thôi, thôi, tao xin mày ngay và luôn!
Đến khi giảng viên vào lớp, cái màn khấn lạy nó mới chấm dứt, tôi ủ rũ đi về chỗ nhóm ngồi.
– Chủ nhật tuần này nhé anh, đừng có đổi ý đấy.
– Yên tâm, chắc như đinh đóng cột! – Tôi đấm tay vào ngực, ra vẻ với Bông Xù.
– Chừng nào cột mục mới sút đinh! – Thương chêm vào một câu khiến mấy đứa còn lại bò lăn ra cười.
Đấy, ngay cả rằng tôi khẳng định ra mặt, thì hầu hết, kể cả những người đã ép tôi vào đường cùng cũng có phần nghi kị là thế. Tôi đành bám víu vào những người quen khác.
– Thôi, thôi, ở nhà át đi mày! – Thằng Việt nghe thế, bỏ ngang cuốn sách tiếp chuyện.
– Để tao tặng mày một bài nâng cao sĩ khí! – Thằng Trung được dịp với ngay cây đàn gảy bản Áo Xanh Tình Nguyện, cơ mà nhìn cái mặt của nó thì tôi đủ biết, nó cố ý chọc cười thì đúng hơn.
– Mày nói cho thằng Tín một lời công đạo coi Tuấn?
– Trời nóng, nó mê sảng đó mà! – Thằng Tuấn cũng tham gia một cách gượng ép.
Tôi cực kì cay cú trước một việc bản thân quyết tâm mà thiên hạ nghi kị, thế nên tôi mong chờ đến chủ nhật lắm, mong chờ sự chứng minh bản thân.
– Hôm nay tôi xin phổ biến chương trình!
Chúng tôi tập trung tại sân trường, lắng nghe anh hội trưởng phổ biến địa điểm, sơ qua về địa điểm và những việc cần làm. Phân công từng tổ trước xách đồ theo rồi di chuyển.
– Này, sao trông căng thẳng thế? – Thương vỗ vai tôi!
– Không, có gì đâu, thoải mái mà! – Tôi căng cứng khuôn mặt.
– Không có gì đâu là biết có gì rồi đó? – Thương tủm tỉm cười.
Không căng thẳng sao được khi hôm nay chúng tôi đi tình nguyện ở mái ấm dành cho trẻ nhỏ cơ nhỡ. Những công việc như : Chơi đùa cùng các em, dạy học..là đủ khiến tôi rởn tóc gáy. Nói gì chứ, ngay cả mấy đứa cháu họ ở nhà, mỗi lần đang chơi mà nghe chúng nó đòi đi vệ sinh hay không ý phức mà “ra quần” thì y như rằng tôi như bốc hơi, biến đi ngay tức thì. Bởi thế Mẹ tôi vẫn thường nói tôi rằng:
– Sau này không biết mày chăm con ra sao?
Thực sự, tôi không thích trẻ con lắm. Tôi hi vọng xuống dưới đó sẽ có nhiều công việc nặng nhọc một chút, để hợp với đứa sức dài vai rộng như tôi.

Ấy vậy mà Bông Xù phá hỏng tất cả, bằng cái vẻ ngoài nhí nhảnh và cũng có chút đáng yêu, cô em gái tôi mở miệng muốn cho nhóm tôi chăm sóc trẻ. Ông Hội Trưởng thì cứ như bị bỏ bùa, miệng há hốc gật đầu liên tục, tôi dám cá rằng lão anh khoá trên này chưa chắc nghe được Bông Xù nói gì nữa.
Bông Xù coi như có quyền với nhóm chúng tôi, nên cô nàng chỉ định Thương và tôi chăm sóc mấy trẻ nhỏ, còn cô nàng với Phong sẽ chịu trách nhiệm gõ đầu trẻ một lớp.
Khu mái ấm này nằm ở khu vực Bình Dương, cũng khá gần với khu làng đại học chúng tôi ở. Mái ấm khá nhỏ, nhưng sạch sẽ, thỉnh thoảng tôi thấy vài người dân chung quanh cũng qua phụ giúp, chơi đùa với mấy đứa nhỏ.
Thương với tôi cùng bốn người nữa vào phụ trách phòng vui chơi. Chưa đi đến cửa phòng mà tiếng cãi nhau pha thêm tiếng khóc, tiếng cười chí choé. Những đứa nhóc mới tầm ba đến năm tuổi, đứa ngồi, đứa đứng, đứa nằm giữa sàn nhà giãy chân đành đạch.
Trái ngược với tôi là Thương hào hứng lại gần chơi chung ngay lập tức. Mãi đến khi cô nàng nháy mắt thì tôi mới bước vào, ngồi xuống giữa đám nhóc manh động nhất. Thấy tôi, mấy đứa chẳng hề sợ sệt gì cả, nhảy vào, đứa thì ngồi vào đùi, đứa ôm vai bá cổ, đứa vuốt tóc, đứa sờ cằm như quen thuộc lâu lắm vậy. Tôi cảm thấy trách nhiệm đầy cả mình.
– Chú tên gì ạ? – Thằng bé lớn nhất lại gần, có vẻ là trùm ở khu này.
– Chú à, chú tên Tín!
– Dạ, chú Tín! – Nó ngoan ngoãn chào.
– Ngoan, con nhiêu tuổi rồi? Tôi cố lấy chút “dịu dàng” ra nói chuyện.
– Dạ năm ạ!
– Ủa, sao con không đi học?
– Con không thích! – Nó đáp xong, cắm cúi bẻ chân con rô bôt lên cao, chắc là đang tưởng tưởng ra cú đá siêu nhân đây mà.
– Ờ, không sao, vậy chơi với chú phải ngoan nghe chưa?
– Dạ! – Mấy đứa nhóc đồng thanh đáp lại.
Tôi quay sang, thấy Thương nhìn tôi cười, tôi nheo mắt, khoe chiến tích dụ dỗ con nít của mình.
Ấy vậy mà tôi lầm to, chỉ mười lăm phút sau, khu tôi quản lý trở thành khu bạo động, trong khi mấy khu khác thì yên tĩnh, hoà thuận với nhau. Đầu tiên là việc thằng nhóc trùm sò chán chơi rô bôt, nó chẳng nói câu nào, chạy qua giật luôn con xe tăng của một thằng nhóc thò lò mũi xanh khác. Thằng bé thò lò mũi xanh ấy cũng chẳng vừa, nhảy qua giật con búp bê của một bé gái, bẻ cho chân tay con búp bê xoay loạn xạ. Bé gái chạy qua ôm tay tôi lắc lắc:
– Chú Tín ơi, bạn cướp búp bê của con!
– Để chú!
Tôi đi sang khu thằng nhóc thò lò mũi xanh, giả bộ hiền lành xoè tay ra:
– Con ngoan, con trai không được cướp đồ chơi của con gái!
– Nhưng mà anh kia lấy xe tăng của con! – Nó ôm con búp bê vào lòng, chỉ qua cái xe tăng của nó.
Tôi lại rũ rượi lết sang bên thằng nhóc trùm sò, giọng cầu cạnh:
– Con trả xe tăng cho bạn đi nào, là anh phải nhường em chứ!
– Bùm, bùm! – Thằng nhóc chẳng thèm đếm xía đến tôi, vẫn đẩy cái xe tăng đi nhiệt tình, thỉnh thoảng còn nhấc bánh trước, chắc là cu cậu đang tưởng tượng xe vượt địa hình.
Dỗ ngọt không nghe, tôi chuyển qua chiêu thức doạ:
– Nếu không nghe, chú dẫn con đi học giờ!
Thằng bé lập tức buông cái xe tăng, chuyển qua con rô bôt chơi ngay lập tức. Tôi vuốt trán, thở phào vì trật tự được lặp lại.
“Làm gì nhóc lì bằng chú ngày xưa được!” – Tôi tự tin nhìn nó ngoan ngoãn.

Nhưng sự việc lại tiếp diễn khi thằng nhóc trùm sò đá con rô bốt vào gian hàng nấu ăn của mấy đứa nhóc khác, một dàn đồng thanh của những tiếng khóc bắt đầu ré lên.
– Đổ canh rồi!
– Đổ cơm luôn rồi!
Tôi đang chơi búp bê với bé gái lại lật đật chạy qua, thằng trùm sò vẫn đưa chân con rô bôt đá loạn xạ.
– Sao lại phá đồ chơi của bạn?
– Rô bốt siêu nhân mà! – Nó đưa đôi mắt ngây thơ lên nhìn tôi.
– Siêu nhân chẳng ai đá đồ chơi của bạn? – tôi nhún vai.
Thế mà thằng bé ấy lại khóc ré lên, ném con rô bôt ra xa, nằm lăn qua lăn lại giữa sàn, chân giãy đành đạch:
– Á, à cái chiêu này quen lắm này!
Tôi ngẫm trong bụng, rồi ngồi lại gần, vỗ nhẹ vào mông nó theo cách mà Mẹ tôi thường dỗ cháu họ mỗi khi tôi làm cho chúng khóc:
– Thôi, được rồi, rô bôt siêu nhân!
Nhầm to, thằng bé ấy lại càng được thể, khóc càng to hơn. Tôi chuyển qua chiêu khác:
– Dậy đi với chú qua lớp học này, nín khóc không qua lớp học nhé!
Thằng bé giãy chân với tần số cao hơn, khóc càng to hơn nữa. Cả phòng quay lại nhìn, cũng may Thương kịp chạy qua dỗ dành nó.
– Chú không cho con chơi! – Nó mếu máo.
– À, chú hư, để cô đánh chú nhé!
– Cô đuổi chú ra ngoài đi! – Thằng bé đưa tay lên bo – xì tôi.
– Sao lại đuổi chú đó ra?
Thằng bé chẳng thèm đáp, khóc ré lên, ưỡn người cứ như cá mắc cạn, tuột khỏi tay Thương, giãy đành đạch ra sàn. Thương nháy mắt cho tôi ra ngoài, tất nhiên, tôi phải cay đắng chịu thua thằng trùm sò ra ngoài trong mấy ánh mắt của những người chung hội tình nguyện. Tôi tót thẳng sang dãy lớp học, kiếm ra cái lớp Bông Xù và Phong đang dạy. Ngoắt hai đứa ra đổi công việc, vậy mà hai đứa lại để lại lớp ột mình tôi. Dù sao, ở đây cũng chưa thấy thằng nhóc hay con bé nào là thủ lãnh cả. Mấy đứa nhóc cũng có vẻ ngoan hơn, chí ít cũng không thò lò mũi xanh.
– Nãy hai cô chú kia dạy đến đâu rồi nhỉ?
– Không phải cô chú, là Thầy với Cô! – Mấy đứa nhóc đồng thanh bắt bẻ.
– À, rồi..Chú, à quên Thầy nhầm, đến đâu rồi?
– Dạ, phần đọc ạ! – Lại là bé gái trả lời, đúng là bé gái thì hay ngoan hơn bé trai.
Tôi cầm phấn đứng trên bảng, cố nghĩ ra một câu nào đó, nhưng chẳng biết chữ nghĩa bay đâu hết, ở dưới mấy đứa học trò thì nhoi nhoi lên đòi. Bí bách, tôi ghi luôn cái tiêu đề một cuốn tiểu thuyết – thực ra cũng chỉ biết được mỗi cái tên lên bảng, cố nắn nót từng chữ:
TIẾNG CHIM HÓT TRONG BỤI MẬN GAI!
Tôi ưỡn ngực đánh vần từng chữ một, tụi nhóc ở dưới ê, a đánh vần theo.

– Con thưa Thầy, Mận Gai là gì ạ?
– À, ờ..?
– Là quả mận có gai phải không ạ?
Mấy thằng nhóc quay sang cười cô bé ân nhân lúc nãy của tôi, làm cô bé mặt đỏ lựng lên. Tôi đành phải ra tay trả ân nghĩa:
– Là một loại cây chỉ có ở nước khác, thấp, nhỏ cỡ chừng này – Tôi đưa tay xuống ngang hông, tự hào vì cái tài bốc phét của mình, chứ thực ra thì tôi cũng chẳng biết nó là giống cây gì nữa.
– Nước nào ạ?
– À, ở Châu Âu – Tôi lỡ miệng.
– Châu Âu là nước nào ạ?
– À, tức là không phải Việt Nam ra! – Tôi đành bấm bụng trả lời theo kiểu con nít, mong sao ấy đứa nhóc khỏi phải hỏi những câu mà tôi không biết giải thích ra sao cho chúng hiểu.
– Tiếp tục nhé!
– Con thích con số cơ! – Một thằng nhóc khác lễ phép đứng dậy.
– Số?
– Dạ, số một nè, số hai nè?
– Thế các con có biết làm phép tính không.
Nhìn cái kiểu gật đầu nửa có nửa không, tôi đành bấm bụng ghi lên bảng cái phép tính:
1+1=?
Mấy đứa học sinh ở dưới đồng thanh:
– Dễ ẹc, bằng hai ạ!
– Thế hai cộng hai…!
– Bốn ạ! – Có sự chán nản xuất hiện.
Tôi căm lắm, ghi luôn phép tính : 2+3 – 1. Mấy đứa học sinh ngồi dưới ngơ ngác phản ứng:
– Con không biết!
Tôi gãi đầu, rõ ràng ước lượng về trình độ mấy đứa nhóc tầm này tuổi với tôi là một cơn ác mộng. Tôi đành lấy giẻ lau bảng xoá phép tính thì mấy đứa học trò nhất mực phản đối, bắt buộc phải giải. Cũng may, chị phụ trách mái ấm lên thông báo giờ cơm trưa, mấy đứa nhóc mới ào ào túa ra khỏi lớp, tôi thoát nạn.
Buổi trưa, tôi trệu trạo nhai cơm, kiếm chỗ đặt lưng ngủ lấy sức. Tin tôi đi, không gì mệt bằng chơi với chục đứa nhóc đâu, cực kì mệt.
Buổi chiều, đúng hai giờ, tôi lại vác bộ mặt thất thểu lên lớp, khẽ chào mấy đứa học trò:
– Tiếp tục làm toán nhé!
– Kể chuyện đi Thầy ơi?
– Kể chuyện? – Tôi gãi đầu chết trân.
– Vâng! – Gần hai chục đứa nhóc hào hứng.
Tôi cố nặn óc nhớ ra một câu chuyện cổ tích nào đó, nhưng ở tầm tuổi tôi, thì chuyện nhớ khúc đầu, chuyện nhớ khúc cuối, chuyện nọ xọ chuyện kia. Cuối cùng tôi đành phải bịa một câu chuyện đầy đủ những tình tiết: Công chúa, hoàng tử, quái vật, phù thuỷ..nói chung tất cả những gì tôi nhớ về cái gọi là cổ tích.
– Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa rất là đẹp, mái tóc đen dài, mắt trong veo, nụ cười rất dễ thương! – Tôi lấy một phần của Ngữ Yên ra mà lồng ghép.
Mấy đứa nhóc chăm chú lắng nghe, tạo cho tôi hứng thú tiếp tục mà bốc phét.
– Với sắc đẹp đó, nàng công chúa bị con rồng ở một nơi rất xa bắt cóc. Vua cha đau đớn ra lệnh cho thiên hạ, ai cứu được nàng sẽ cho làm phò mã.

– Rồng có phun lửa không Thầy?
– Có chứ, một lỗ mũi phun lửa, một lỗ mũi phun nước! – Tôi giả bộ làm bộ dạng con rồng, mấy đứa nhóc lại chăm chú lắng nghe.
Và rồi chàng hoàng tử nước láng giềng nghe tin, cưỡi bạch mã băng đèo lội suối, vượt qua thác cao ơi là cao, tôi nhún chân đưa tay lên cao, đường gập ghềnh, tôi khẽ đưa tay uốn éo minh hoạ. Trên đường chàng gặp một bà phù thuỷ tốt bụng.
– Phù thuỷ xấu chứ Thầy? – Mấy đứa nhóc đạp chân xuống nền phản ứng.
– À, xấu, chàng Hoàng tử vung gươm thu phục phù thuỷ, thu được một bảo bối! – Tôi ngậm ngùi đẩy phù thuỷ về phe phản diện.
– Báu vật gì ạ? – Mấy đứa nhóc tò mò.
– Một bộ chiến giáp bằng vàng óng ánh!
– Oà, báu vật, vàng nhé! – Mấy đứa kháo nhau.
Rồi sau một trận ác chiến, chàng hoàng tử đâm xuyên tim rồng, cứu công chúa về và hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Tôi đưa tay giả bộ vung thước làm kiếm, kết thúc mô típ quen thuộc của chuyện cổ tích.
Mấy đứa nhóc vỗ tay khen ngợi, bỗng nhiên tôi cảm thấy có chút gì đó có ích, ít nhất cũng làm cho tụi nhỏ nợ nụ cười.
– Rồi, giờ Thầy sẽ nghe các con kể về ước mơ nhé!
– Con, con ạ! – Mấy đứa tranh nhau.
Tôi ưu tiên cô bé ân nhân, hiển nhiên:
– Con mơ làm hoạ sĩ ạ!
– Con mơ là bác sĩ ạ!
– Con mơ làm siêu nhân, diệt ác trừ gian ạ!
Đến cuối cùng, ở một góc lớp, một cậu bé có vẻ lầm lì đứng dậy:
– Con mơ có cha mẹ ạ!
Mấy đứa nhóc khác vẫn ngồi kháo nhau về giấc mơ, chắc chúng cũng sẽ chẳng bao giờ thấy nước mắt tôi khẽ rơi xuống. Ước mơ đó có vẻ với những người có Cha có Mẹ như chúng tôi đã quên lãng, thì với mấy đứa trẻ ở đây, nó quá cao sang. Nụ cười trẻ thơ ấy, quá xót xa thay lại thiếu bàn tay chăm sóc của Cha Mẹ. Và sau này, chúng ắt hẳn sẽ muốn như vậy, muốn có Cha có Mẹ, biết đến tình yêu của gia đình.
Nước mắt tôi cứ ở trên khoé mắt, vương buồn cho đến tận lúc ra về. Mấy đứa nhóc bám chân, đứa bám vai, đứa bắt bế không muốn cho chúng tôi về. Tôi đứng ở một góc xa, không muốn tham gia, bởi tôi sợ sẽ chẳng bao giờ kìm được những giọt nước mắt chực lăn.
Bỗng, có ai đó đang lay lay chân tôi:
– Con tặng Thầy nè! – Cô bé ân nhân đứng cạnh tôi từ bao giờ.
Tôi cúi xuống, đón bức tranh và bế cô bé vào lòng, trong bức tranh ngộ nghĩnh ấy, một đám nhóc đang ngồi nghe giảng, trên bục giảng là một thầy giáo tóc tai lỏm chỏm vài cọng, đang cầm thước múa múa. Bên cạnh là một hình tròn, có hai cái cánh chổng lên trời, là con rồng. Một giọt nước mắt rơi xuống, trúng ngay bộ tóc lởm chởm của thầy giáo.
– Sao Thầy khóc ạ?
– Không, bụi thôi con!
– Dạ, mà Thầy ơi cái phép tính lúc sáng bằng bao nhiêu ạ? – Cô bé ấy tròn xoe mắt .
– Bằng bốn con ạ!
– Sao lại bằng bốn ạ? – Cô bé ấy sờ vành tai tôi.
– Sau này lớn con sẽ biết! – Tôi xoa đầu, lấy cái nón của mình, thu nhỏ kích cỡ, đội lên đầu cô học trò nhỏ. Cái nón vẫn quá cỡ với cô bé, sụp xuống che đôi mắt thiên thần.
Cô học trò nhỏ thích lắm, cứ đội nó mãi, kể cả khi chia tay, cô bé ấy một tay đỡ cái nón ra khỏi đầu, vẫy tay tạm biệt tôi. Đôi mắt đầy vẻ tiếc nuối.
Sau này con sẽ lớn, sẽ biết nhiều điều, sẽ biết vì sao hai cộng ba trừ một bằng bốn, sẽ biết vì sao con không Cha không Mẹ, cũng có thể, sẽ có lúc con than trách và ghen tị với những bạn được Cha Mẹ dẫn đi chơi đâu đó đi ngang qua. Con sẽ buồn, buồn lắm, Thầy biết, nhưng con sẽ cứng cáp, sẽ trưởng thành nhanh thôi.
Đôi vai tôi run run suốt một quãng đường dài, lần đầu tiên tôi vừa chạy xe vừa khóc, mà chẳng sợ ai nghi kị


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.