Thiên Hạ Kỳ Duyên

Chương 139: Thần y họ Từ (2)


Đọc truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên – Chương 139: Thần y họ Từ (2)

Nghiện – ma – túy?
Trường Giang nói, căn bệnh mà người dân xã Thiên Bình mắc phải chính là nghiện ma túy!
Thật hoang đường! Quá mức hoang đường! Đây là thế kỷ mười lăm, lấy đâu ra cái khái niệm điên rồ ấy?
“Em đừng quên chuyên ngành của anh là luật hình sự. Mấy chuyện kiểu này, anh thuộc nằm lòng rồi. »
Trường Giang đọc được sự nghi ngờ trong mắt Hoàng Lan. Cách đây chỉ mấy phút thôi, cậu cũng không nghĩ rằng mình sẽ chấp nhận nổi sự thực này.
Hồi trước, gia đình người hàng xóm kế bên nhà Trường Giang có người con trai nghiện ma túy. Ông bố vì xót con, không muốn đưa cậu ta đi trại cai nghiện nên chỉ nhốt lại trong căn phòng trên gác thượng. Đêm đêm, những tiếng la hét, tiếng rên rỉ quằn quại vì đói thuốc, rồi cả ánh mắt đỏ ngầu kia… đã khiến Trường Giang thức giấc không biết bao nhiêu lần. Một thời gian sau, cậu con trai kia cũng chết đi, nhưng ấn tượng về căn gác mái nhà hàng xóm thì vẫn đeo bám Trường Giang đến tận bây giờ.
Hoàng Lan trộm nhìn về phía xa, nơi những mái tranh héo úa đang nghiêng mình trầm mặc, có vẻ nàng đã tin lời Trường Giang là đúng.
“Vậy anh định làm gì? Luật sư đâu biết chữa bệnh?”
Trường Giang nhún vai:
“Chúng ta chỉ cần chờ thôi. Vị thần y kia đã làm rất tốt rồi.”
Là người bị bỏ lại phía sau, Phạm Anh Vũ đành đứng ở xa và âm thầm đọc khẩu hình của Hoàng Lan và Trường Giang. Gì mà hình sự, luật sư? Càng dịch, y càng phát hiện ra mình chẳng hiểu bọn họ đang nói cái quái gì!

Không khí phảng phất mùi giao hương thơm nồng. Trong một căn phòng xa lạ, trên chiếc giường gỗ gụ phủ nệm gấm, có hai bóng người đang quấn chặt lấy nhau. Xiêm ý bị vứt vương vãi, lộn xộn dưới đất. Những âm thanh mờ ám cứ triền miên không dứt.

Đột nhiên cửa sổ mở tung. Một cơn gió lạnh ào vào trong phòng. Lão quan huyện phì nộn hừ lạnh một tiếng, vừa nhổm dậy định để đóng cửa thì chợt cảm thấy có cái gì đó lành lạnh chạm vào cổ. Người con gái sau lưng lão ta vội vàng kéo lấy chăn, lúng túng che đi phần thân trên đầy khêu gợi, mắt hạnh mở to, khiếp đảm nhìn kẻ lạ mặt đang đứng bên giường.
Y mặc trang phục dạ hành màu đen, mặt bịt kín, chỉ để lộ ra đôi mắt sắc đến mức có thể giết người. Thanh bảo kiếm trên tay y đang tỏa ra thứ sát khí cổ quái.
Một lúc lâu sau, lão quan huyện mới tìm lại được cảm giác của cơ lưỡi. Lão run rẩy nhìn thanh kiếm kề bên cổ, lắp bắp không thành hồn:
“Ngươi… nhà ngươi là ai?”
Người lạ mặt cười lạnh, chậm rãi nói ra bốn chữ.
Y nói, y là Phong Vân kỳ sĩ.
Bốn chữ “Phong Vân kỳ sĩ” ấy nói ra thật nhẹ nhàng, còn nhẹ hơn cả sương khói mùa thu, nhưng đối với Bùi Khiêm lại chẳng khác gì búa tạ giáng xuống. Người con gái sau lưng lão chợt hét lên đầy kinh hãi. Chẳng cần chờ Bùi Khiêm lên tiếng dạy bảo cô tình nhân bé nhỏ, Phạm Anh Vũ đã gẩy nhẹ tay, hòn đá chạm đến huyệt đạo, cô nàng kỹ nữ ngáp ngáp vài cái rồi ngoan ngoãn đổ gục sang một bên, không ồn ào nữa.
Phong Vân kỳ sĩ… đến đi như gió, vô định như mây, một kiếm rửa hận, hành đạo thay trời…
“Phản tặc, ngươi muốn gì ở ta?” Lão quan huyện tuy cố cứng giọng nhưng trong lòng lại run rẩy không ngừng.
Phạm Anh Vũ cười nhạt:
“Không biết Bùi đại nhân còn nhớ xã Thiên Bình không?”
Bùi Khiêm giật thót mình, ậm ừ cho qua chuyện:
“Cái xã bị nguyền rủa đó, đương nhiên ta vẫn nhớ. Mà ngươi nhắc đến nó làm gì?”

“Ta muốn đại nhân đến đó một chuyến.”
Phạm Anh Vũ là vậy. Kể cả khi phán định chuyện sống chết của kẻ khác, mặt y vẫn tỉnh queo. Bùi Khiêm thì trợn trừng mắt lên, lúng búng phản đối:
“Vớ vẩn! Làm gì có chuyện…”
Phạm Anh Vũ vừa ngắt lời lão vừa mờ ám xoay xoay thanh bảo kiếm:
“Tin ta đi, đại nhân sẽ không muốn từ chối đâu.”
Bùi Khiêm sợ đến ướt cả quần!
“Đi, đi, ta đi.” Lão gật như gà mổ thóc: “Phong Vân đại hiệp, đại hiệp bảo ta đi đâu thì ta đi đó.”
Phạm Anh Vũ hài lòng thu kiếm về.
“Ta biết Bùi đại nhân là người dễ nói chuyện mà. Ngày mai, phiền đại nhân dẫn lính huyện đến đó, giúp vị thầy thuốc họ Từ ở đó chữa bệnh với mọi người, khi nào hết dịch bệnh mới được trở về nhà, được chứ?”
Quá lắm rồi! Đợi cái xã đó hết bệnh để ông mày đây cũng mồ yên mả đẹp à?
Cảm thấy đề nghị của Phạm Anh Vũ quá mức phi lý, Bùi Khiêm đang định kì kèo trả giá thì chợt chạm phải ánh mắt còn sắc hơn kiếm của y, dũng khí cũng theo đó mà tan sạch. Mãi đến khi bóng dáng Phạm Anh Vũ mất hút trong màn đêm tối đen như mực, lão mới tự tát vào mặt mình cho tỉnh lại.
Một canh giờ trước, đương kim hoàng thượng hạ thánh chỉ lệnh cho Bùi Khiêm xử lý dịch bệnh hoành hành ở xã Thiên Bình. Nửa đêm, Phong Vân kỳ sĩ cũng nhiệt tình vác kiếm đến tìm lão, thậm chí còn bắt lão ở lại cái xã điên đó đến khi nào hết dịch bệnh mới được về. Mà cả hai người này, Bùi Khiêm đều không dám đắc tội.
Ngồi trên giường, lão quan huyện cứ nghệt mặt ra, và rồi, lão khóc rống lên như một đứa trẻ.


Thiên Bình là một xã nghèo. Ngày ngày đàn ông lên rừng kiếm củi, sau đó mang lên huyện bán lấy tiền, phụ nữ ở nhà trồng rau dệt vải. Cuộc sống tuy thiếu thốn nhưng đã từng rất yên bình.
Đã từng rất yên bình…
Bây giờ đang là chính ngọ. Mặt trời như một quả cầu lửa khổng lồ treo lơ lửng trên đỉnh núi. Trên những con đường ngoằn ngoèo, gió cuốn cát bụi bay mờ mịt.
Hoàng Lan đang đứng trước ngôi nhà khang trang nhất xã Thiên Bình. Nói là khang trang, kì thực, nó cũng chỉ là ngôi nhà ba gian được xây vụng về bằng đất, phía trước nhà có một mảnh vườn trồng các loại hoa cúc, hoa đồng tiền… Ngôi nhà này là của Hoàng Văn Bảo. Vì cha mẹ đã qua đời trong một vụ lở đá, một mình Hoàng Văn Bảo không ở hết ngôi nhà rộng thênh thang nên ông ta liền ấy người Hoàng Lan mượn để ở tạm, bản thân thì sang nhà hàng xóm ở nhờ. Vị xã trưởng họ Hoàng này lúc nào cũng tốt bụng và nhiệt tình như thế.

Đến chiều ngày hôm sau, vị thần y kia mới trở về. Trên vai y là một gùi lá thuốc. Vì ở xa nên Hoàng Lan không thể trông rõ diện mạo của y, chỉ thấy loáng thoáng một người có dáng dấp dong dỏng cao, mặc bộ quần áo nâu giản dị cùng chiếc nón đội đầu đặc trưng của tầng lớp nông phu thời bấy giờ. Y trao gùi thuốc cho Lực rồi tiến đến chỗ giếng khơi để rửa sạch bụi bẩn bám trên người.
“Thầy lang!”
Hoàng Lan vừa gọi vừa tiến về phía giếng khơi. Chưa quen chưa biết, nàng chỉ gọi y là thầy lang, không vội gọi y là thần y như người dân trong xã.
Nghe có người gọi mình, người kia ngừng động tác, chậm rãi ngẩng đầu lên.
Và bước chân vốn hối hả của Hoàng Lan cũng chợt khựng lại.
Khoảnh khắc ấy, nàng đã nhận ra y.
Trăm ngờ vạn ngờ, Hoàng Lan cũng không thể ngờ rằng hôm nay nàng sẽ gặp lại người ấy.
Người đầu tiên nàng gặp khi đặt chân đến thời đại này.
Người đã cưu mang nàng trong những ngày bỡ ngỡ nhất.

Từ Trọng Sinh!

Vốn định nói lời tiễn biệt Trường Giang rồi sẽ hồi cung, Hoàng Lan không ngờ cuộc hành trình này lại dài đến vậy, lại càng không nghĩ sẽ có ngày nàng gặp lại Từ Trọng Sinh.
Ai đó đã từng nói, tuy đất trời rộng lớn, nhưng chỉ cần hữu duyên, chắc chắn sẽ có ngày tương ngộ.
Hai người họ đang ngồi trên một gò đất cao. Từ đây, ngoảnh mặt sang trái sẽ nhìn thấy nóc nhà của Hoàng Văn Bảo, ngoảnh mặt sang phải sẽ nhìn thấy cánh đồng tam giác mạch bạt ngàn. Cả ngày hôm nay, mỗi khi rảnh rỗi, Hoàng Lan đều đến đây, tự tìm ình một chốn yên bình để ngả lưng sau những suy nghĩ bận rộn.
“Ngày ấy, tôi đến đình làng tìm thì mới hay cô phải theo đoàn nhạc công vào cung diễn tấu. Một năm không gặp, may mà cô vẫn bình an.”
Từ Trọng Sinh, y vẫn là y của ngày hôm qua, vẫn bộ quần áo nông phu màu nâu sờn chỉ, vẫn gương mặt hiền hòa nồng hậu, vẫn tác phong từ tốn chất phác ấy. Một năm không gặp, y vẫn nhớ Hoàng Lan, người con gái kì lạ mình từng cưu mang và để lạc mất.
Nghe Từ Trọng Sinh nói vậy, Hoàng Lan chỉ mỉm cười cho qua chuyện. Nàng không muốn kể hết cho y nghe những gì mình đã trải qua. Một năm, hai lần lưu lạc chân trời góc bể, dấn thân hang hùm miệng sói, kiếp sinh tử cũng đã đối đầu, nếu để Từ Trọng Sinh biết được những chuyện này, người như y chắc chắn sẽ lại lo lắng.
“Ngày ấy tôi đi đánh đàn thay Hà, bất đắc dĩ bị đưa vào cung, cũng nhờ hoàng đế và mọi người đối xử tốt nên mọi chuyện đều yên ổn.” Hoàng Lan vân vê lọn tóc trong tay: “Mà sao bỗng nhiên anh lại trở thành thần y? Anh biết chữa bệnh cứu người từ khi nào vậy?”
Ở với vợ chồng Từ Trọng Sinh một thời gian, vậy mà Hoàng Lan chưa từng nhìn ra y biết chữa bệnh cứu người. Nàng vẫn nhớ rất rõ ngày đầu tiên mình tỉnh dậy ở thời đại này, Từ Trọng Sinh đang ngồi sắc thuốc ngoài sân, động tác thuần thục tỉ mỉ, các vị thuốc cũng được phân loại ngay ngắn, gọn gàng. Chứng kiến cảnh ấy, Hoàng Lan chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng sắc thuốc là một kĩ năng phổ biến mà cư dân cổ đại đều biết, hơn nữa những ngày sau đó, Từ Trọng Sinh vẫn lên núi kiếm củi như thường nên nàng vẫn không mảy may nghi ngờ.
Người rơi xuống vực sâu như thế, nặng thì mất mạng, nhẹ thì gãy tay gãy chân, vậy mà Từ Trọng Sinh lại nói rằng Hoàng Lan chỉ bị trầy xước sơ sơ, uống chút thuốc là khỏi. Mà quả thực, nàng cũng thấy bản thân mình hồi phục rất nhanh. Ngày ấy nàng vẫn ngu ngơ tin lời Từ Trọng Sinh. Nhưng bây giờ, nàng đã học được cách nghi ngờ tất cả.
Trong ba ngày Hoàng Lan hôn mê, rốt cuộc Từ Trọng Sinh đã trổ những công phu gì để giúp nàng chữa lành những vết thương trí mạng?
“Việc đã đến nước này, tôi cũng không muốn giấu cô nữa.” Từ Trọng Sinh đã sớm nhận ra sự khác thường trong mắt Hoàng Lan, chẳng qua, nàng đủ kiên nhẫn để chờ y tự giải thích. Nghĩ đoạn, Từ Trọng Sinh thở dài: “Tôi đã nói dối cô về chuyện bà ngoại mình từng nấu cơm cho nghĩa quân Lam Sơn. Thực ra không phải vậy đâu. Nhà tôi bốn đời đều theo nghề thuốc, ông nội của tôi là quân y phục vụ trong nghĩa quân. Sau khi Thái tổ hoàng đế đánh đuổi quân Ngô ra khỏi bờ cõi và lên ngôi, ông cũng theo lệnh mà vào thái y viện. Ông nội tôi là một thầy thuốc giỏi, dù ở quân doanh hay trong cung cấm, ông đều trổ hết tài năng để phụng sự hoàng đế. Nhưng một ngày kia, một vị sủng phi của Thái Tổ hoàng đế bị bệnh nặng rồi đột ngột qua đời, ngài nổi giận lôi đình, bèn hạ lệnh trừng phạt thái y viện, trong đó có cả ông tôi. Con cháu họ Từ chúng tôi cũng bị cấm vĩnh viễn không được hành nghề y. Từ nhỏ tôi đã được ông nội truyền dạy y thuật, lên mười bốn tuổi có thể chẩn mạch bốc thuốc, nhưng lệnh vua đã ban, chúng tôi nào dám trái, kể từ đó không dám xưng mình là thầy lang nữa, chỉ có thể lặng lẽ đi chữa bệnh cứu người…”
Áng mây phiêu lãng phía cuối chân trời. Ánh nắng buổi chiều đuổi nhau đến chân gò đất thì tan thành một dải màu vàng nhạt. Nghe chuyện của Từ Trọng Sinh, bất giác Hoàng Lan nghĩ đến Phạm Anh Vũ. Cha Phạm Anh Vũ cũng từng bị triều đình kết tội oan, y liền quay ra căm hận triều đình. Nay lại xuất hiện một Từ Trọng Sinh y thuật inh, chỉ vì một lệnh cấm mà buộc phải mai danh ẩn tích…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.