Tên Của Đóa Hồng

Chương 38


Đọc truyện Tên Của Đóa Hồng – Chương 38

SAU KINH TỐI

Tác giả: Umberto Eco

Ubertino kể o nghe câu chuyện

về Fra Dolcino,

sau đó cậu gặp một trinh nữ xinh đẹp

và đáng sợ như một đoàn hùng binh.

Tôi gặp Ubertino trước tượng Đức Mẹ đồng trinh. Lẳng lặng, tôi đến bên Cha và quỳ xuống vờ cầu nguyện. Rồi tôi đánh bạo cất tiếng:


– Thưa đức cha, xin cha soi sáng và chỉ dạy cho con.

Cha Ubertino nhìn tôi, kéo tôi đứng dậy và dẫn đến ngồi trên một chiếc ghế dài. Cha ôm ghì lấy tôi, khiến tôi cảm thấy hơi thở của người trên mặt. Cha nói:

– Con thân yêu, con người tội lỗi này sẽ hân hoan làm bất cứ điều gì cho linh hồn con. Việc gì đang khiến con ưu phiền? Khao khát ư? – Cha hỏi, như chính Cha đang khao khát vậy, – Khao khát của xác thịt ư?

Tôi đỏ mặt đáp: – Không. Có chăng chỉ là khao khát về trí tuệ, con muốn biết quá nhiều…

– Thế là không tốt. Chúa biết tất cả, chúng ta chỉ được phép chiêm ngưỡng kiến thức của Ngài.

– Nhưng chúng ta cũng phải biết phân biệt thiện ác và thông cảm với những nỗi đam mê của con người. Con nay là tu sinh, nhưng rồi sẽ lên tu sĩ, thành linh mục, nên con phải biết cái ác ở đâu, như thế nào, để có thể một ngày nào đó nhận ra nó và dạy những người khác cách nhận ra nó.

– Đúng đấy, con ạ. Vậy con muốn biết điều chi?


– Thưa Cha, mầm độc của bọn phản giáo, – tôi khẳng định và nói một mạch, – con đã nghe kể về một kẻ ác đã khiến bao người lầm lạc: Fra Dolcino.

Ubertino lặng người, rồi đáp – Đúng đấy, con đã nghe Sư huynh William và Cha nói về hắn tối hôm nọ. Nhưng đó là một câu chuyện ghê tởm, khiến ta đau lòng phải nhắc lại, vì từ đó có thể rút ra một bài học rằng, lòng khao khát muốn sám hối và thanh lọc thế giới có thể gây ra cuộc tương tàn đẫm máu – Cha nhón mình, nới lỏng vòng ôm, nhưng vẫn còn đặt một tay lên cổ tôi, như muốn truyền đạt sự hiểu biết và nhiệt tình của Cha với tôi. Cha kể:

– Câu chuyện bắt đầu từ trước thời Fra Dolcino, hơn sáu mươi năm về trước, ở Parma, khi Cha còn bé. Một người tên Gherardo Segarelli đi giảng đạo, kêu gào tất cả mọi người sống đời ăn năn. Gã thường đi đây đó rao giảng: “Penitenziagite! Hãy sám hối!” Gã buộc các đệ tử phải bắt chước thánh Tông đồ, tự nhận giáo phái của mình là dòng của các Tông đồ và các tín hữu phải đi khắp thế gian như những hành khất nghèo nàn, sống nhờ của bố thí. Gã và các tín đồ đã bị buộc tội là những bọn du thủ du thực, đã phủ nhận quyền hành của các linh mục, không hành lễ Mi-sa và không làm phép xưng tội.

– Nhưng các tu sĩ Francisco dòng Thánh thần cũng bị buộc tội như vậy. Và chẳng phải các tu sĩ Khất thực ngày nay đã nói rằng, không nên công nhận quyền lực của Giáo hoàng sao?

– Đúng, nhưng phải công nhận quyền lực của các linh mục. Các Cha cũng chính là những linh mục dòng Khất thực. Con ạ, thật khó mà phân biệt những vấn đề này. Lằn ranh giữa thiện và ác rất mỏng manh… Trên một mặt nào đó, Gherardo đã sai lầm và phạm tội phản giáo. Gã xin nhập dòng Khất thực, nhưng các Sư huynh của Cha không chấp nhận. Gã sống một thời gian trong nhà thờ của dòng Cha, thấy trong các bức họa các Tông đồ mang xăng-đan, và quấn áo ngang vai. Thế là gã để râu tóc, mang xăng-đan, mặc áo dòng Khất thực, vì bất kỳ ai muốn thành lập một giáo phái mới đều bắt chước một cái gì đó của dòng Francisco thiêng liêng.

– Thế thì ông ấy thuộc phe chính…


– Nhưng gã có sai trái ít nhiều… khoác một chiếc áo trắng bên ngoài lớp áo dòng trắng, tóc xõa dài, gã nổi danh trong bàn dân thiên hạ như một vị thánh. Gã bán căn nhà nhỏ của mình, gom được ít tiền. Sau đó, gã đứng trên một tảng đá, nơi xa xưa giới chức sắc vẫn thường đến để diễn thuyết. Tay cầm một bọc tiền vàng, gã không gieo hay phân phát cho người nghèo, lại gọi bọn vô lại đang đánh súc-sắc gần đó đến, ném tiền vào chúng và nói: “Ai nhặt được thì lấy”. Bọn này nhặt tiền và đem nướng sạch hết, lại còn báng bổ Chúa, gã nghe nhưng chẳng xấu hổ gì.

– Nhưng Thánh Francisco cũng từ bỏ tất cả mọi thứ, và hôm nay, con có nghe thầy William nói rằng Người đã giảng đạo cho quạ, diều hâu và cả những người cùi, nghĩa là những thành phần cặn bã đã bị những kẻ tự nhận là đạo đức ruồng bỏ..

– Đúng, nhưng Gherardo có phần nào sai. Thánh Francisco không bao giờ mâu thuẫn với Giáo hội, và Thánh kinh dạy phải cho người nghèo, chớ không cho bọn vô lại. Gherardo cho và chẳng nhận được gì đáp lại vì đã cho những bọn xấu. Gã đã khởi sự sai, tiến hành sai và kết cục sai vì Giáo hoàng Gregory X phản đối giáo phái của gã.

Cuối cùng, thiên hạ kể rằng, để thử sức mạnh của ý chí và sự tiết dục của mình, gã ngủ với đàn bà mà không giao cấu. Nhưng khi bọn đệ tử của gã bắt chước thì hậu quả hoàn toàn ngược lại. Ôi, đây là những điều mà một cậu bé không nên biết: đàn bà là cội nguồn của Quỷ sứ. Rồi chúng xâu xé nhau giành quyền lãnh đạo giáo phái, nhiều điều ác xảy ra. Thế nhưng có nhiều người tìm đến Gherardo, không chỉ là nông dân mà cả các thị dân, thành viên trong phường hội. Gherardo bắt họ lột hết quần áo ra để theo Chúa Ki-tô trần trụi rồi phái họ ra đời giảng đạo. Còn gã thì mặc một áo dài trắng sát nách bằng vải thô, trông như một thằng hề chứ không giống người tu hành! Chúng sống ngoài trời, đôi khi leo lên bục giảng nhà thờ, quấy phá những con chiên ngoan đạo đang dự lễ và xua đuổi các thầy giảng. Có lần chúng còn đặt một đứa bé lên ghế của giám mục ở nhà thờ thánh Orso tại Ravenna. Chúng tự xưng là người kế tục học thuyết của Joachim xứ Floris…

Tóm lại, để con khỏi đau đầu vì những câu chuyện đau buồn rối ren mà con không thể hiểu rõ, Giám mục Obizzo xứ Parma, cuối cùng đã phải tống giam Gherardo. Đến đây, lại có một chuyện lạ xảy ra, nói lên sự yếu mềm của bản chất loài người và mầm mống của bọn phản giáo xảo quyệt như thế nào. Vì rốt cuộc, giám mục lại phóng thích Gherardo, cùng hắn ăn uống, cười đùa, giỡn hớt!

– Nhưng tại sao vậy?

– Cha chẳng hiểu. Nhưng sau đó, Giáo hoàng can thiệp và giám mục trở lại nghiêm trang, đúng mực, còn Gherardo thì chết trên giàn hỏa như một tên phản giáo hỗn xược. Chuyện xảy ra vào đầu thế kỷ mười bốn này.


– Nhưng chuyện này có liên quan gì đến Fra Dolcino?

– Có liên quan chứ, điều này chứng tỏ mầm phản giáo vẫn tồn tại cho dù bọn phản giáo đã bị tiêu diệt. Tên Dolcino là con hoang của một linh mục, sống ở giáo phận Novara, thuộc miền này của nước Ý, nhưng xa hơn về phía Bắc. Hắn là một thanh niên đầu óc sắc sảo, học văn chương. Hắn trộm của linh mục nuôi dưỡng hắn và trốn về thành phố Trent ở phía đông. Tại đó, hắn phục hồi lối giảng đạo của Gherardo, nhưng còn sặc mùi phản giáo hơn, tuyên bố mình là tông đồ chân chính duy nhất của Chúa, và trong tình yêu không có gì là riêng rẽ, người ta được phép ăn nằm chung chạ với mọi phụ nữ mà không bị buộc tội đa thê, cho dù ngủ cả với vợ và con gái…

– Ông ấy quả thực có giảng những điều như thế không, hay chỉ bị buộc tội đó thôi? Con có nghe các tu sĩ dòng Thánh thần, cũng như các tu sĩ xứ Montefalco, đều bị buộc tội tương tự…

– Đủ rồi, – Ubertino gắt gỏng, ngắt lời – Chúng không còn là tu sĩ nữa. Chúng là bọn phản giáo bị Fra Dolcino làm thối nát. Ngoài ra, hãy nghe đây: chỉ cần biết những việc hắn làm sau này cũng đủ để gọi hắn là kẻ ác độc. Chắc chắn rằng hắn bắt đầu giảng đạo tại Trent. Tại đó, hắn quyến rũ một trinh nữ tuyệt sắc, con nhà quý tộc, tên Margaret, cũng có thể là nàng đã quyến rũ hắn, như cô học trò Héloise dụ dỗ thầy giáo Abelardo thế kỷ XII, vì, đừng quên nhé, chính nhờ qua đàn bà mà Quỷ sứ thâm nhập vào trái tim đàn ông. Lúc đó, Giám mục Trent đuổi hắn ra khỏi giáo phận, nhưng khi ấy hắn đã tập hợp được hơn một nghìn tín hữu để bắt đầu một cuộc trường chinh trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của hắn. Dọc đường, một số dân chúng nghe giảng đạo bùi tai nên lạc lòng đi theo. Có lẽ cũng có nhiều tên phản giáo dòng Waldenses ở đất Bắc này. Khi đến vùng Novara, Dolcino tìm thấy một thời cơ thuận tiện để dấy loạn, vì các vương hầu cai trị thành phố Gattinara nhân danh Giám mục ở Vercelli đã bị dân chúng đuổi đi để đón tiếp Dolcino và bọn phạm pháp như những đồng minh đáng trọng.

– Câu chuyện thật rắc rối. Dolcino về phe nào?

– Cha không biết. Hắn tự mâu thuẫn với chính mình. Hắn tham gia mọi cuộc xung đột, xem chúng như những cơ hội để thuyết giảng việc chống lại quyền tư hữu nhân danh cái nghèo. Dolcino và hơn ba ngàn tín hữu, đứng trên một ngọn đồi gần Novara, tên là đồi Núi Trọc, dựng chòi và xây công sự chiến đấu… Dolcino cai quản cả đám đàn ông đàn bà đông đúc ấy, lúc ấy sống trong cảnh hoang dâm đê hèn nhất. Từ nơi ấy, hắn gửi thơ cho các tín hữu, tán dương học thuyết dị giáo. Hắn miệng nói, tay viết rằng lý tưởng của chúng là cái nghèo, chúng không bị ràng buộc bởi một lời tuyên thề trung thành bên ngoài nào, và chính hắn, Dolcino, đã được Chúa phái xuống để tiết lộ những lời tiên tri và thông hiểu thánh thư Cựu và Tân Ước. Hắn còn gọi giới tăng lữ thế tục (các thầy giảng và tu sĩ dòng Khất thực) là những nhà thuyết giảng của Quỷ sứ, bảo không ai có bổn phận phải nghe lời họ. Hắn tuyên bố Giáo hội La Mã là một con điếm, rêu rao rằng sống không thề nguyện sẽ tốt đẹp hơn, rằng nhà thờ được Giáo hội công nhận thì không khác hơn một chuồng ngựa và chẳng đáng để tới cầu nguyện, rằng người ta có thể thờ phượng Chúa trong rừng hay trong nhà thờ đều được.

– Mọi người đều chống hắn chứ?

– Cha không biết. Có lẽ hắn nhận được sự ủng hộ của một số người. Trong khi đó mùa đông đến, mùa đông năm 1305, một nạn đói lan tràn khắp nơi. Trên đồi Núi Trọc, đời sống trở nên quá kham khổ. Chúng đói đến nỗi phải ăn thịt ngựa và các súc vật khác, kể cả rơm luộc. Rất nhiều người chết.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.