Tên Của Đóa Hồng

Chương 37


Đọc truyện Tên Của Đóa Hồng – Chương 37

KINH CHIỀU (tt và hết)

Tác giả: Umberto Eco

Tôi thốt lên: – Thật là kỳ diệu! Tại sao kim luôn luôn chỉ về phương Bắc. Con thấy cục đá hút sắt và con tưởng rằng một lượng sắt lớn hút cục đá. Như thế… ở hướng sao Bắc đẩu, là hướng tận cùng của mặt đất (4), hẳn phải có một mỏ sắt vĩ đại!

– Thực ra đã có người nêu lên lời giải thích như thế.

Tôi phấn khởi nói: – Vậy bây giờ ta lấy viên đá của Severinus, một cái chậu, một ít nước và một nút chai đi.

– Khoan đã. Thầy không hiểu sao, chứ thầy chưa bao giờ thấy một cái máy vận hành kỹ thuật một cách hoàn hảo, mặc dầu các triết gia đã miêu tả nó như vậy. Trong khi đó một cái lưỡi hái của người nông dân, tuy chưa hề được một triết gia nào mô tả, vẫn luôn luôn hoạt động tốt. Thầy e rằng đi lòng vòng trong Thư viện, một tay cầm đèn, một tay bưng chậu nước, thì… Khoan! Thầy có một ý. Cái máy sẽ chỉ hướng bắc dù ta ở ngoài Mê Cung, phải không?

– Vâng, nhưng ở ngoài thì ta đâu có cần nó, vì đã có mặt trời và sao rồi.

– Thầy biết, thầy biết. Nhưng nếu máy móc có thể hoạt động cả trong nhà lẫn ngoài trời, thì sao đầu óc ta không hoạt động được như thế?

– Đầu óc chúng ta à? Dĩ nhiên, chúng có thể hoạt động ngoài trời, và thực ra từ bên ngoài chúng ta biết rất rõ vị trí của Đại dinh! Nhưng khi vào trong thì chúng ta bị lạc hướng.

– Chính vậy. Nhưng bây giờ hãy tạm quên cái máy ấy! Suy nghĩ về cái máy đã dẫn thầy nghĩ đến luật thiên nhiên và luật tư tưởng. Vấn đề là thế này: từ bên ngoài, chúng ta phải tìm cách miêu tả được bên trong của Đại dinh…

– Nhưng làm thế nào?

– Chúng ta sẽ sử dụng toán học. Như Averroes (5) đã nói, chỉ có trong toán học, những điều ta biết mới đồng dạng với những điều tuyệt đối đúng.

– À, như thế thầy cũng phải công nhận có vũ trụ quan.

– Khái niệm toán học là những luận điểm được các học giả đặt ra theo một cách khiến chúng luôn luôn trở thành chân lý, vì những khái niệm này đã sẵn có, hay vì toán học đã được nghĩ ra trước các khoa học khác. Thư viện được xây dựng bởi đầu óc con người nghĩ theo kiểu toán học, vì nếu không có toán học, người ta sẽ không thể xây Mê Cung được. Thế nên chúng ta phải so sánh luận điểm toán học của chúng ta với luận điểm của nhà xây dựng đó và từ sự so sánh đó có thể sản sinh ra khoa học, vì đó là khoa học của điều kiện dựa trên điều kiện. Dầu sao, thôi đừng có kéo thầy vào những cuộc thảo luận về Siêu hình học nữa. Hôm nay, con bị quỷ gì ám vậy? Thôi được, mắt con còn tinh, hãy đi lấy cho thầy một bản da, một bảng nhỏ, một vật có thể đánh dấu vào và một cây bút… Tốt, con có hả? Con giỏi lắm, o ạ. Bây giờ còn chút ánh sáng trời, chúng ta hãy đi bách bộ quanh Đại dinh.

Thế là chúng tôi đi vòng quanh hết Đại dinh. Từ đằng xa, chúng tôi quan sát các tháp đông, nam, tây và những bức tường nối liền với nhau. Tháp còn lại mọc trên vực đá, nhưng theo luật cân xứng, nó không thể cao hơn các tháp khác nhiều.


Thầy William quan sát và bảo tôi ghi chú chính xác lên tấm bảng. Chúng tôi thấy mỗi bức tường có hai cửa sổ, mỗi tháp có năm. Thầy tôi bảo:

– Này, suy nghĩ kỹ nhá. Mỗi phòng chúng ta đã thấy đều có một cửa sổ….

– Trừ những phòng có bảy bức tường.

– Dĩ nhiên, đó là những phòng ở giữa ngọn tháp.

– Và, trừ những phòng khác mà chúng ta thấy không có cửa sổ, nhưng không phải hình bảy cạnh như những phòng ở giữa tháp.

– Quên những phòng đó đi. Đầu tiên chúng ta hãy tìm ra một qui luật, rồi sẽ cố giải thích các qui luật sau. Như thế: bên ngoài, mỗi tháp có năm phòng, mỗi bức tường thẳng có hai phòng, mỗi phòng một cửa sổ. Từ một phòng có cửa sổ, chúng ta tiến thẳng vào bên trong của Đại dinh, ta sẽ gặp một phòng có cửa sổ khác. Đó là dấu hiệu có cửa sổ ở phía trong. Bây giờ, nếu nhìn từ nhà bếp và phòng thư tịch thì lồng cầu thang phía trong có hình dáng gì?

– Hình bát giác.

– Hay lắm. Trong phòng thư tịch, mỗi cạnh của hình bát giác có hai cửa sổ. Điều này có nghĩa là có hai phòng bên trong, trên mỗi cạnh của hình bát giác. Đúng không?

– Đúng, nhưng còn những phòng không có cửa sổ thì sao?

– Cả thảy có tám phòng như thế. Phòng bảy cạnh phía trong ngọn tháp có năm bức tường có cửa mở ra năm phòng trong ngọn tháp. Còn đằng sau hai bức tường kia là cái gì? Không phải là những phòng dọc theo bức tường ngoài vì chúng phải có cửa sổ. Cũng không phải là phòng quanh lồng cầu thang hình bát giác, vì không có cửa sổ. Và như thế, chúng sẽ quá dài. Hãy cố vẽ sơ đồ của Thư viện từ trên nhìn xuống. Con sẽ thấy rằng, trong mỗi ngọn tháp phải có hai phòng tiếp giáp với phòng bảy cạnh và có cửa mở ra hai phòng tiếp giáp với lồng cầu thang bát giác ở phía trong.

Tôi thử vẽ một sơ đồ như thầy gợi ý, và đắc thằng reo lên:

– Giờ chúng ta biết hết rồi! để con đếm… Thư viện có năm mươi sáu phòng gồm bốn phòng hình bảy cạnh, và năm mươi hai phòng vuông, chữ nhật, hay hình thang. Trong số này, có tám phòng không có cửa sổ, hai mươi tám phòng có cửa sổ nhìn ra ngoài, và mười sáu cái có cửa sổ nhìn vào trong.

– Mỗi ngọn tháp có năm phòng tứ giác và một phòng bảy cạnh… Thư viện được cấu trúc theo sự hài hòa của thiên đàng, từ đó có thể rút ra nhiều ý nghĩa nhiệm màu khác nhau.

– Quả là một phát hiện tuyệt vời. Nhưng sao khó định vị trí của chúng ta thế?

– Vì sự xếp đặt cửa ra vào không tương ứng với định luật toán học. Vài phòng cho phép chúng ta đi sang các phòng khác, vài cái chỉ vào được một phòng và chúng ta tự hỏi: không biết có những phòng chẳng có lối thoát nào ra phòng khác chăng? Điều bí hiểm này, cộng thêm sự thiếu ánh sáng, thiếu định hướng của mặt trời, các ảo giác và gương ma, khiến Mê Cung gây hoang mang cho bất kỳ ai đi len lỏi trong nó, nhất là người mang mặc cảm phạm tội. Hãy nhớ xem, đêm qua chúng ta tuyệt vọng biết bao khi không tìm được lối ra. Cấu trúc càng phức tạp thì sự hoang mang càng lớn, quả là một sự tính toán tối ưu. Những người xây cất Thư viện này đúng là những bậc thầy vĩ đại.


– Thế chúng ta làm sao định hướng được?

– Bây giờ thì không còn khó nữa. Sơ đồ con vừa vẽ gần như tương ứng với đồ án của Thư viện. Khi chúng ta lọt vào phòng bảy cạnh đầu tiên, chúng ta sẽ đi ngay đến một căn phòng không có cửa sổ. Luôn luôn rẽ về tay mặt, sau khi qua hai hay ba phòng, chúng ta sẽ lọt vào tháp phía Bắc, cho đến khi chúng ta đi đến một phòng nữa không có cửa sổ, phía trái, tiếp giáp với phòng bảy cạnh. Về phía phải, phòng đó cho phép chúng ta khám phá lại lộ trình tương tự với lộ trình thầy vừa mô tả, cho đến khi chúng ta đến tháp phía tây.

– Thưa phải, nếu tất cả các phòng đều có cửa mở sang phòng khác.

– Quả vậy. Thế nên chúng ta sẽ cần sơ đồ của con để đánh dấu lên đó các bức tường không cửa sổ, do vậy chúng ta sẽ biết mình nên rẽ khúc nào. Điều đó sẽ không khó đâu.

Tôi sững sờ hỏi, vì tất cả dường như quá đơn giản:

– Có chắc rằng sơ đồ này áp dụng được không?

– Sẽ được. Nhưng tiếc thay chúng ta chưa biết hết. Chúng ta mới biết được cách khỏi bị lạc. Bây giờ chúng ta phải tìm hiểu xem có nguyên lý gì chi phối việc sắp xếp sách trong các phòng đó không? Các câu thơ trong Mặc Khải nói lên quá ít, hơn thế nữa, nhiều câu lại được lặp lại giống hệt nhau trong nhiều phòng…

– Thế nhưng trong quyển sách của tông đồ, ta có thể tìm được nhiều hơn năm mươi sáu câu thơ!

– Đúng thế. Nhưng chỉ có một số câu hay. Lạ thật. Hình như có ít hơn năm mươi: ba mươi hay hai mươi câu gì đó… Ồ, đồ con quỉ Merlin!

– Ai vậy?

– Đừng để ý. Đó là một gã phù thủy ở xứ thầy… Người ta dùng số câu thơ tương đương với số mẫu tự! À ra thế! Nội dung câu thơ không đáng kể, chỉ có những mẫu tự đầu là quan trọng. Mỗi phòng được đánh dấu bởi một mẫu tự, và tất cả hợp lại thành một nội dung mà chúng ta phải khám phá.

– Giống như một bài thơ bằng hình ảnh, dưới dạng chữ thập hay con cá!

– Gần như thế, và có lẽ trong thời gian người ta xây Thư viện, loại thơ như thế rất thịnh hành.


– Nhưng bản văn bắt đầu ở đâu?

– Bắt đầu từ bảng hình cuộn lớn hơn các bảng khác, trong phòng bảy cạnh ở lối vào tháp… nếu không… À, đương nhiên từ những câu màu đỏ!

– Nhưng có rất nhiều câu như thế!

– Như thế phải có nhiều bản văn hay nhiều từ. Bây giờ sao lại sơ đồ của con cho lớn và rõ ràng hơn. Khi chúng ta vào Thư viện, con sẽ lấy bút đánh dấu những phòng đã đi qua, vị trí cửa và tường cùng với cửa sổ, cũng như các mẫu tự đầu của các câu thơ ở đó. Như một nhà minh họa giỏi, con sẽ ghi các mẫu tự màu đỏ lớn hơn.

Tôi thán phục nói: – Tại sao nhìn từ bên ngoài thầy lại giải được bí ẩn của Thư viện, còn khi ở bên trong thì lại không?

– Cũng giống như Thượng đế thông thạo thế giới vì trong đầu Ngài đã nghĩ ra nó, như thể Ngài đứng từ bên ngoài nhìn vào trước khi tạo ra nó. Còn chúng ta không biết nguyên lý của thế giới vì chúng ta sống ở bên trong và thấy nó đã được làm sẵn.

– Như thế, người ta chỉ có thể hiểu được sự việc bằng cách đứng từ ngoài nhìn vào ư?

– Chỉ hiểu được sự sáng tạo của nghệ thuật, nhờ chúng ta vạch lại trong óc việc làm của nghệ nhân. Không thể hiểu được sáng tạo của thiên nhiên, vì những sự sáng tạo ấy không phải là tác phẩm của đầu óc chúng ta.

– Như thể cũng đủ hiểu Thư viện phải không?

– Đủ, nhưng chỉ áp dụng cho Thư viện mà thôi. Chúng ta hãy đi nghỉ đi. Mãi đến sáng mai, khi có kính mới có thể làm cái gì được. Thà ngủ cho ngon rồi mai dậy sớm. Thầy sẽ cố động não.

– Còn ăn tối?

– À, dĩ nhiên là ăn tối. Đã qua giờ ăn rồi. Các tu sĩ đang dự Kinh Tối. Nhưng có lẽ nhà bếp vẫn mở cửa. Hãy đi tìm cái gì ăn chứ..

– Và lấy trộm nó ư?

– Xin. Xin Salvatore, nay là bạn của con.

– Nhưng Huynh ấy sẽ ăn cắp!

– Thế con là người canh chừng cho Huynh ấy à? – Thầy William mỉa mai hỏi. Nhưng tôi biết thầy đùa và muốn nói rằng Thượng đế vĩ đại và khoan dung. Thế nên, tôi đi tìm Salvatore và thấy Huynh ấy trong chuồng ngựa.

– Một con ngựa đẹp, – tôi nói, gật đầu về phía Brunellus, để bắt đầu câu chuyện – Tôi muốn cỡi nó.


– Không thể được. Nhìn con ngựa kia. Bạn không cần cỡi con ngựa “chiến” như thế – Huynh chỉ một con ngựa mạnh khỏe nhưng bị ghét bỏ – Con ngựa kia cũng đủ rồi… Con ngựa thứ ba ấy: Tertius equi.

Huynh ấy muốn chỉ cho tôi con ngựa thứ ba. Tôi bật cười vì cách nói La tinh khôi hài của Huynh, và Huynh bảo sẽ dùng phép biến nó thành một con ngựa khỏe và nhanh như con Brunellus. Tôi ngưng ngang câu chuyện và bảo tối nay, thầy tôi muốn đọc một số sách trong phòng nên cần dùng bữa tối tại đó.

Salvatore nói: – Tôi sẽ làm. Tôi sẽ làm phô-mai nhồi.

– Phô-mai làm thế nào?

– Dễ thôi. Dùng một phô mai đừng quá cũ, đừng cho quá nhiều muối, cắt thành cục hoặc lát tùy thích. Bỏ một ít bơ hoặc mỡ vào chảo, rồi đun nóng trên than hồng. Bỏ vào đó hai miếng phô-mai, khi nó chảy ra, thêm quế và đường. Rồi dọn ra bàn ngay, ăn nó nóng, nóng.

– Vậy thì phô-mai nhồi nhá.

Huynh ấy biến vào nhà bếp và bảo tôi đợi. Nửa giờ sau, Huynh trở ra, mang theo một cái đĩa có đậy vải. Mùi thơm tỏa ra ngào ngạt.

– Đây, – Huynh bảo, và đưa thêm một cây đèn lớn đầy dầu.

– Để làm gì vậy?

Hắn ranh mãnh nói: – Ta mà không biết ư? Có lẽ đêm nay, thầy bạn muốn đi đến một chỗ tối tăm.

Rõ ràng Salvatore biết nhiều việc hơn tôi tưởng. Tôi không chất vấn gì hơn mà đem thức ăn về cho thầy. Sau khi ăn xong, tôi rút về phòng riêng. Tôi có nói bóng gió như thế. Thật sự tôi muốn đi tìm Ubertino lần nữa, nên len lén trở lại nhà thờ

Chú thích:

(1) “Pratica officii inquisitionis heretice pravitatis ”.

(2) Waldenses: dòng Thanh giáo chống Giáo hội La mã, do Peter Walde thành lập tại miền Nam nước Pháp năm 1170, bị tước phép thông công và đàn áp năm 1184, nhưng vẫn còn tồn tại trong dãy núi Alpes (biên giới Pháp – Ý), người Pháp còn gọi là dòng Vaudois.

(3) Beghard: một Hiệp hội huynh đệ, thành lập từ thế kỷ 13 ở Bỉ và Hòa Lan.

(4) Thời đó vẫn chưa biết rằng quả đất tròn.

(5) Triết gia kiêm nhà vật lý đạo Hồi (1126-1198)


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.