Tên Của Đóa Hồng

Chương 39


Đọc truyện Tên Của Đóa Hồng – Chương 39

SAU KINH TỐI (tt và hết)

Tác giả: Umberto Eco

Đến cuối năm 1305, tên thủ lãnh dị giáo buộc phải rời đồi Núi Trọc, bỏ lại những người bệnh tật chết chóc để dời xuống lãnh thổ Trivero, sống cheo leo trên ngọn núi Zubello, sau được gọi là núi Rebello, vì đó là thành trì của bọn phản loạn chống lại Giáo hội. Dầu sao chăng nữa, Cha không thể kể cho con hết tất cả mọi chuyện. Đã xảy ra nhiều cuộc thảm sát kinh hoàng, nhưng cuối cùng bọn phản loạn buộc phải đầu hàng. Dolcino và đồng bọn bị bắt và đền tội trên giàn hỏa.

– Kể cả người đẹp Margaret?

Cha Ubertino nhìn tôi: – Thế con cũng nhớ rằng nàng đẹp à? Người ta bảo rằng nàng thật đẹp, và nhiều lãnh chúa địa phương đã cố xin cưới nàng để cứu nàng khỏi bị hỏa thiêu. Nhưng nàng từ chối và ngoan cố chịu chết bên người yêu. Con hãy lấy đó làm bài học: hãy coi chừng con điếm thành Babylon, ngay cả khi nó mang nhan sắc kiều diễm nhất.

– Thưa cha, con có nghe nói rằng quản hầm của tu viện và có lẽ cả Salvatore nữa đã gặp và theo Dolcino thế nào đó…

– Câm ngay! Chớ ăn nói hàm hồ. Cha đã gặp quản hầm trong tu viện dòng Khất thực. Cha không biết trước đó Huynh ấy ở đâu, nhưng Cha biết Remigio luôn là một tu sĩ tốt, ít ra là, theo quan điểm của chính thống giáo. Còn cái gì xảy ra sau đó, than ôi… thân xác thì yếu mềm…

– Cha có ý nói gì?

– Đây là những điều con không nên biết – Cha lại ôm sát tôi vào lòng và chỉ tượng Đức Mẹ đồng trinh – Con phải được hướng dẫn đến một tình yêu vô nhiễm. Đức Mẹ có nữ tính thiêng liêng, vì thế, con có thể gọi Mẹ là đẹp – Gương mặt Cha đờ đẫn, ngây ngất, như gương mặt Tu viện trưởng khi nói về vàng, ngọc trong những bình thánh – Ngay cả vẻ yêu kiều trên thân thể Mẹ cũng là nét đẹp của thiên đàng, vì thế, nhà điêu khắc đã tạc tượng Mẹ với tất cả nét thanh nhã của một phụ nữ – Cha chỉ lên bộ ngực thon của Mẹ Đồng trinh – Con thấy chưa? Như các nhà thông thái đã nói: Bộ ngực của Mẹ cũng đẹp, nó hơi nhô cao, hơi căng tròn, nhưng không lồ lộ khêu gợi, ngực nén nhưng không xẹp… Thế, con cảm thấy gì trong hình ảnh ngọt dịu nhất này?


Mặt tôi đỏ như gấc, lòng bừng lên như có lửa đốt. Cha Ubertino hẳn đã nhận ra điều đó, hay có lẽ đã liếc nhìn đôi má ửng hồng của tôi, bèn nói thêm ngay… – Nhưng con phải biết phân biệt ngọn lửa của tình yêu siêu nhiên với những rạo rực của xác thịt. Ngay cả đối với bậc thánh cũng vẫn khó nữa.

Tôi run rẩy hỏi: – Làm thế nào để nhận ra được tình yêu chân chính?

– Tình yêu là gì? Trên cõi đời này, Cha ngờ vực tình yêu hơn cả người hay Quỷ, hay bất kỳ thứ gì, vì nó thấm vào tâm hồn hơn mọi thứ. Không một thứ gì hiện hữu lại có sức mạnh chiếm hữu và ràng buộc con tim bằng tình yêu. Do đó, nếu con không có vũ khí chế ngự được nó thì linh hồn say đắm yêu đương của con sẽ lao xuống một vực thẳm bao la. Cha tin rằng nếu không vì Margaret quyến rũ thì Dolcino đã không bị đọa đầy, và sẽ có ít kẻ bị cuộc dấy loạn cám dỗ hơn, nếu không có cảnh sống phóng túng và lang chạ trên đồi Núi Trọc. Nhớ đấy, Cha nói những điều này với con không chỉ về loại tình yêu xấu xa mà ai cũng phải xa lánh như Ác quỷ. Cha cũng rất dè dặt nói về tình yêu thánh thiện giữa Chúa và người, giữa người và người. Đời vẫn thường gặp một số người, nam hay nữ, thành tâm yêu nhau, hai bên ấp ủ một tình cảm trìu mến đặc biệt, mong ước mãi mãi sống bên nhau, và cùng có chung những khát vọng. Cha thú thật cũng có những tình cảm tương tự như thế đối với những phụ nữ tiết hạnh nhất như Angela và Clare. Dầu sao, điều đó cũng đáng trách, mặc dầu nó thiêng liêng và hướng về Chúa… Ngay cả một tình yêu phát xuất từ tâm hồn, nếu không được trang bị trước và quá nồng nhiệt, thì sẽ sụp đổ hay rối loạn. Ôi, tình yêu có nhiều tính chất: thoạt tiên, lòng bồi hồi xao xuyến, rồi đau khổ… nồng ấm lửa yêu thánh thiện, rồi thổn thức, rên rỉ, như đá ném vào lò để hóa vôi, nó rạn nứt, nóng bỏng.

– Và đó là tình yêu chân chính?

Ubertino vuốt đầu tôi, tôi thấy mắt Cha đẫm lệ.

– Phải, cuối cùng đó mới là tình yêu chân chính.

Cha không quàng vai tôi nữa, tiếp:

– Phân loại tình yêu mới khó khăn, khó khăn biết bao! Và đôi khi Quỷ sứ cám dỗ tâm hồn con, khiến con cảm thấy mình như bị treo cổ, tay trói ngoặt sau lưng, mắt bịt kín, đong đưa trong không trung, nhưng vẫn sống mà không ai giúp đỡ, hỗ trợ, không ai cứu chữa…


Mặt Cha đầm đìa nước mắt và mồ hôi. Cha nói nhanh – Con đi đi. Cha đã kể điều con muốn biết. Bên này là thiên thần ca hát, bên kia là hố sâu của Địa Ngục. Đi đi. Tạ ơn Chúa.

Cha lại nằm soải người trước tượng Mẹ Đồng trinh, rấm rức khóc. Cha đang cầu nguyện.

o0o

Tôi không rời khỏi nhà thờ. Cuộc nói chuyện với Cha Ubertino đã nhen lên trong hồn xác tôi một ngọn lửa lạ thường và cả một sự bồn chồn khôn tả. Có lẽ vì lý do này nên tôi bỗng nổi hứng muốn phá luật và quyết định một mình quay lại Thư viện. Bản thân tôi cũng chẳng biết mình tìm gì. Tôi muốn tự mình khám phá một nơi chưa ai biết đến. Tôi khoái trá nghĩ mình có thể tự định hướng mà không cần sự giúp đỡ của thầy. Tôi leo cầu thang như Dolcino đã leo lên núi Rebello.

Tay cầm đèn, mắt hầu như nhắm nghiền, tôi lọt vào lò thiêu xương và chẳng bao lâu đã lên đến phòng thư tịch.

Tôi cho đó là một đêm định mệnh, vì khi đang lang thang giữa những dãy bàn, tôi chợt thấy một bản thảo mở ngỏ do một tu sĩ đang chép dở: “Lịch sử của thủ lãnh dị giáo Fra Dolcino ” (1). Tôi nghĩ, đó là bản của Peter xứ Sant Albano, người đang viết một thiên sử về bọn dị giáo. Do đó, bản thảo đó có nằm trên bàn của Huynh ấy cũng là việc bình thường; thế nhưng tôi lại thấy nó như một dấu hiệu siêu nhiên, dù do trời hay do quỷ tôi cũng chẳng biết, nên liền hăm hở cúi xuống đọc. Bản viết không dài và ở đó ta đọc được những điều Ubertino không kể, những điều rõ ràng được một người chứng kiến toàn bộ thuật lại. Tôi đọc thấy rằng, vào ngày thứ bảy lễ thánh tháng 3 năm 1307, Dolcino, Margaret và Longinus cuối cùng đã bị bắt và đem về thành phố Biella, nộp cho giám mục để chờ quyết định của Giáo hoàng. Giáo hoàng thẳng tay ra lệnh cho giám mục đem xử tử các phạm nhân. Thế rồi, ngày đầu tháng 7 năm đó, bọn dị giáo được giao cho quân đội thế tục. Khi hồi chuông trong thành phố reo vang thì bọn dị giáo được đặt lên một cỗ xe, chung quanh là những người hành quyết, có dân quân theo sau. Chúng bị chở đi khắp thành phố và cứ đến mỗi góc đường lại bị người ta dùng kẹp rực lửa rứt từng mảnh thịt. Margaret bị thiêu trước tiên. Mặt Dolcino không hề biến sắc, hắn cũng không hề run rẩy khi bị rứt thịt. Cỗ xe tiếp tục lăn bánh. Còn bọn hành quyết thì nung những thanh sắt trong các lò rực than hồng. Dolcino trải qua nhiều nhục hình, nhưng vẫn lặng câm. Khi người ta cắt mũi, hắn hơi nhún vai và khi họ chặt đứt dương v*t, hắn buông ra một tiếng thở dài như rên rỉ. Những lời cuối cùng hắn nói, nghe rất xấc xược vì hắn cảnh cáo rằng hắn sẽ sống dậy ba ngày sau. Rồi hắn bị thiêu và người ta đem thả tro bay theo gió.

Tôi run rẩy xếp bản viết lại. Dolcino đã phạm nhiều tội ác nhưng hắn đã bị thiêu quá khủng khiếp. Và tại giàn hỏa, hắn đã xử sự… như thế nào? Với kẻ hiên ngang như một người tử vì đạo, hay vẻ cao ngạo của kẻ bị đọa đày?…


Tôi nhớ lại lời Cha Ubertino nói về tình yêu. Hình ảnh của Dolcino lẫn lộn với người đẹp Margaret. Tôi lại cảm thấy nỗi bồn chồn ban nãy đã xâm chiếm tôi trong nhà thờ.

o0o

Tôi cố không nghĩ nữa và trực chỉ Mê cung.

Đây là lần đầu tiên tôi vào một mình. Những cái bóng do ánh đèn hắt dài xuống nền nhà khiến tôi kinh hãi chẳng kém gì những hư ảnh đêm nọ. Lúc nào tôi cũng ngay ngáy sợ sẽ đụng đầu một tấm gương khác; những tấm gương có một phép kỳ lạ đến nỗi dù biết chúng chỉ là gương thôi, mình cũng đâm hoảng.

Mặt khác, tôi không cố định hướng hay xa lánh cái phòng xông khói gây ảo giác gì cả. Tôi như người lên cơn mê sảng, chẳng biết mình muốn đi đâu nữa. Thực ra, tôi cũng chẳng đi xa khởi điểm mấy, vì chỉ một chốc sau, tôi lại thấy mình lọt trở lại phòng bảy cạnh đã vào ban nãy. Ở đây, trên chiếc bàn có đặt vài quyển sách, hình như hôm nọ tôi không trông thấy. Tôi đoán có lẽ đó là sách Malachi đem từ phòng thư tịch lên, nhưng chưa kịp xếp vào ngăn tương ứng. Tôi không biết mình cách căn phòng xông khói bao xa, vì tôi cảm thấy ngầy ngật. Đó có thể là do ám khí bay đến chỗ tôi đứng, hay vì óc tôi bị ám ảnh vì những suy nghĩ ban nãy. Tôi mở ra một quyển sách đầy những minh họa đẹp, và căn cứ theo kiểu cách của nó, thì có lẽ nó từ các chủng viện xứ Ultima Thule.

Trên trang giấy mở đầu phúc âm của Tông đồ Mark, đập vào mắt tôi hình ảnh một con sư tử, nó gợi lên cho tôi đồng thời hai hình ảnh: vừa của Kẻ thù vừa của Chúa, tôi cũng không biết nên hiểu nó theo biểu tượng nào. Toàn thân tôi run lẩy bẩy, vừa vì sợ, vừa vì gió lạnh luồn qua các khe trên tường.

Con sư tử đã làm tôi sợ quá, tôi bèn giở sang các trang khác và mắt tôi dừng lại ở trang mở đầu phúc âm của thánh Mathew, có vẽ một người đàn ông. Tôi không biết sao hình ảnh này còn làm tôi sợ hơn con sư tử. Gương mặt thì của người nhưng lại mặc một áo lễ cứng đờ phủ đến chân, trông như áo giáp, có đính đá quý màu đỏ và vàng. Cái đầu, nhô lên một cách kỳ quặc từ khối áo giáp đầy hồng ngọc và hoàng ngọc, trông giống như bộ mặt của tên sát nhân huyền bí với những dấu vết vô hình mà chúng tôi đang cố tìm kiếm. Rồi tôi hiểu được tại sao mình lại liên hệ hình ảnh con sư tử và người áo giáp này với Mê Cung chặt chẽ như vậy: cả hai minh họa, cũng như tất cả minh họa khác trong quyển sách, đều xuất phát từ cấu trúc của những Mê Cung chằng chịt; chúng thảy đều có liên hệ đến cái mê hồn trận những phòng, những hành lang nơi tôi đang đứng. Mắt tôi lạc thần trên những trang giấy theo những đường nét sáng ngời, cũng như chân tôi lạc hướng trong những dãy phòng rối mù của Thư viện. Lòng tôi đầy nỗi bồn chồn khi thấy các bản viết này mô tả con đường lang thang của chính tôi. Tôi tin mỗi cuốn sách, bằng những chuỗi cười bí hiểm, đang kể lại câu chuyện hiện nay của tôi. Tôi tự nhủ đó là “Câu chuyện ngụ ngôn kể về chính mình ” (2) và không biết những quyển sách đó có chứa sẵn các biến cố tương lai dành cho tôi chưa?

Tôi mở một quyển sách khác. Màu sắc táo bạo, những mảng đỏ trông tựa máu lửa. Trong quyển sách này, họa sĩ đã nhấn mạnh những đường cong trên thân thể phụ nữ. Tôi so sánh gương mặt, bộ ngực, cặp đùi thon của người phụ nữ với tượng Mẹ Đồng Trinh mà tôi đã ngắm với Ubetino. Đường nét có khác biệt, nhưng tôi thấy hình nhân này cũng rất đẹp. Tôi nghĩ, mình không nên chú tâm vào những khái niệm này nữa, nên lật thêm vài trang. Lại gặp hình đàn bà khác, lần này là con điếm thành Babylon. Thân hình ả không làm tôi ngạc nhiên, mà tôi ngạc nhiên vì thấy ả cũng giống như những người đàn bà khác, thế mà lại là hố sâu của mọi tội lỗi, còn người phụ nữ kia lại là nguồn cội của mọi phẩm hạnh. Cả hai đều mang thân hình đàn bà, và đôi khi tôi chẳng biết cách nào để phân biệt họ cả. Lòng tôi lại rạo rực. Hình ảnh Mẹ Đồng trinh trong nhà thờ nhập vào hình ảnh người đẹp Margaret. Tôi tự nhủ: “Ta bị đọa rồi! Ta điên rồi”. Và quyết định phải rời Thư viện ngay.

May thay, lúc ấy tôi ở gần cầu thang. Tôi phóng như bay xuống, bất chấp có bị té hay đổ đèn. Tôi lọt trở lại phòng thư tịch, nhưng không dám nấn ná ở đấy thêm, mà lao xuống cầu thang dẫn vào nhà ăn.

*


* *

Xuống đến đây, tôi ngừng lại, thở hổn hển. Ánh trăng rực rỡ chiếu qua cửa sổ, nên chẳng cần dùng đèn như khi qua các phòng và lối đi tối tăm trong Thư viện. Tuy vậy, tôi vẫn giữ đèn cháy cho yên tâm. Nhưng tôi vẫn thấy khó thở, nên định uống ít nước để lấy lại bình tĩnh. Vì bếp gần đấy nên tôi đi băng qua nhà ăn rồi nhẹ nhàng mở một cánh cửa dẫn vào gian thứ hai của tầng trệt trong Đại dinh.

Đến đây, thay vì bớt sợ, tôi lại thấy khiếp hãi hơn, vì tôi cảm nhận ngay có ai đó đang ở trong nhà bếp, gần lò bánh – hay ít ra cũng có một ánh đèn sáng trong góc đó. Hoảng sợ, tôi thổi tắt đèn của mình đi. Tôi sợ, nhưng đằng ấy cũng sợ, vì người kia cũng thổi đèn ngay. Nhưng vô ích, ánh trăng chiếu vào nhà bếp đủ sáng để soi lên nền nhà trước mặt tôi một vài hình bóng chập chờn.

Tôi sợ điếng người, tiến thoái lưỡng nan. Tôi nghe có tiếng lắp bắp và dường như có tiếng phụ nữ khe khẽ. Rồi từ trong cái đống hỗn độn gần miệng lò, lờ mờ hiện ra một bóng đen cục mịch. Hắn phóng ra, chạy ào về phía cánh cửa đang hé mở, rồi đóng sầm nó lại.

Tôi đứng lặng trên ngưỡng cửa giữa nhà ăn và nhà bếp, và còn một vật gì lờ mờ gần lò bánh cũng bất động. Một vật lờ mờ và nói thế nào nhỉ? – đang rên rỉ. Từ trong bóng tối vọng ra tiếng khóc than, nghe như nghẹn ngào, rấm rứt sợ hãi.

Cái sợ của người khác khiến kẻ đang sợ can đảm hơn bất kỳ thứ gì khác, nhưng không phải tôi tiến đến cái bóng ấy vì sợ hãi. Đúng hơn, đầu tôi tràn ngập một cảm giác ngây ngất như khi bị ảo giác trong Thư viện. Trong bếp tỏa ra một mùi gì giống giống cái mùi tôi đã hít phải trong Thư viện đêm hôm trước. Có lẽ không phải cùng một mùi, nhưng vì tôi quá căng thẳng nên nó cũng có tác dụng tương tự. Tôi ngửi thấy mùi hăng hắc của đủ loại gia vị làm nhiễm độc màng mũi lẫn cả đầu óc tôi nữa.

Trong khi lý trí tôi hét lên “quay lui”, bảo phải tháo chạy khỏi cái bóng rên rỉ kia, con yêu tinh mà Quỷ đã gọi đến cho tôi; thì trong tiềm thức tôi có một cái gì đó thúc tới, như thể muốn dự phần vào một điều nhiệm mầu.

Thế là tôi đến gần bóng đen và nhờ ánh trăng từ cửa sổ cao, tôi nhận ra đó là một phụ nữ đang run rẩy, một tay ghì chặt cái bọc vào ngực, vừa khóc vừa nhích dần về phía miệng lò.

Cầu Chúa, cầu Mẹ Đồng trinh, và tất cả các thánh thần trên trời phù hộ con thuật lại điều xảy ra khi ấy! Tôi chỉ muốn nói rằng một điều xấu đã xảy ra và đáng lẽ chẳng nên kể lại, để khỏi làm bàng hoàng cả tôi lẫn bạn đọc. Nhưng tôi đã quyết định phải kể lại toàn bộ sự thật của câu chuyện xa xưa kia. Vậy xin kể hầu các bạn một thanh niên đã rơi vào bẫy của Quỷ sứ như thế nào, để người đời sau nếu có gặp cảnh ấy có thể vượt qua được.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.