Rừng Chưa Thay Lá

Chương 9


Bạn đang đọc Rừng Chưa Thay Lá: Chương 9

Xoa cằm, Trác đáp:
– Định đến xem cô giáo dạy ra sao, nhưng trễ giờ rồi. Tiếc thật!
Thiên Di le lưỡi:
– Dự giờ mà không báo trước là sai quy chế đó.
Trác dài giọng:
– Em trở nên nguyên tắc từ hồi nào vậy?
Di thản nhiên:
– Từ hồi vào trại Thùy Dương. Nguyên tắc dễ sống hơn.
– Nhưng khô khan lắm, không phù hợp với phụ nữ.
Trác bỗng hỏi tiếp:
– Em định về hả?
Thiên Di gật đầu. Trác đề nghị:
– Đi một vòng trại với tôi nhé?
Di ngạc nhiên:
– Ngay bây giờ à?
– Đúng vậy. Em không từ chối chớ?
– Tôi đâu dám. Nhưng về muộn, dì Thuỷ sẽ nhằn.
Trác khởi động máy xe:
– Đi với tôi, em không phải lo gì cả.
Lên ngồi phía sau Trác, Di thắc mắc:
– Sao hôm nay anh đi trễ vậy?
Trác ậm ừ:
– Tại có Phi Phụng về thăm.
Thiên Di thảng thốt:
– Anh bỏ chị ấy ở nhà một mình à? Đã vậy, còn chở tôi nữa. Thật không nên chút nào.
Trác cau có:
– Em nghĩ đi đâu thế? Chở em thì đã sao? Vi phạm nguyên tắc hay quy chế nào hả?
Di ấp úng:
– Nhưng sao anh không chở chị ấy?
Tăng ga đột ngột làm chiếc xe vọt mạnh, Trác nói như gào:
– Vì cô ấy không muốn đi. Hừ ! Còn gì thắc mắc nữa không?
Thiên Di mím môi không trả lời, nhưng trong lòng tức anh ách. Thì ra anh ta đang sùng cô vợ hoa khôi tương lai, nhưng không biết trút giận vào ai ngoài cô. Đúng là…. ách giữa đàng lại mang vào cổ.
Trác vẫn không giảm tốc độ trên con đường đất đỏ lồi lõm ổ gà, lô nhô gò đống. Anh cảm thấy mất mặt vì câu hỏi của Di quá sức. Tại sao Phi Phụng lại lên trại Thùy Dương thăm anh khi cô không thích, thậm chí còn rất sợ nơi này? Nơi mà cô sẽ là bà chủ? Hừ ! Chắc chắn vì muốn anh đưa cô đi Sài Gòn sắm sửa, chớ không phải vì yêu, vì nhớ như cô đã nói khi bước vào cửa và khi nằm trong vòng tay anh. Phụng không đạt được mục đích nên đâu thèm đội nắng đi thăm trại với anh. Lẽ ra Trác đã lờ chuyện này, nhưng Thiên Di lại hỏi như nhắc nhở anh điều không muốn nhớ.
Nhưng tại sao anh lại trả lời như thế khi Phi Phụng từ chối với lý do mệt? Lẽ ra Trác không trả lời Di bằng sự phán đoán của mình. Rõ ràng từ vô thức, cái nhìn của anh về Phi Phụng đã méo mó mất rồi. Tự nhiên người Trác nóng bừng. Anh tiếp tục tăng ga, chiếc xe như nhảy chồm lên làm Di sợ muốn chết. Cô định la, nhưng…. máu lì đã ngăn cô lại.
Thay vì phải ôm Trác cho chắc, Di ngược hai tay vịn chặt đai yên bằng sắt phía sau, nhưng trong bụng thì đánh lô tô. Hai tay cô bắt đầu tê cứng, người nhừ tử vì bị nhồi lắc mà Trác vẫn không giảm tốc độ.
Bị choáng, Di bậm môi nhắm mắt lại. Vừa lúc ấy, chiếc xe lách một con chó lọt xuống ổ gà to, Trác lạc tay lái, hất tung Di xuống đường.
Thảy đại chiếc Citi nằm chỏng chơ, Trác hốt hoảng chạy tới đỡ cô lên. Di nằm yên không cựa quậy. Trên trán cô, máu tươi rịn ra đỏ cả tay anh.
Trác tái mặt gọi, nhưng Di vẫn im lìm. Anh vội xốc cô lên rồi bế vào gốc cây bên lề. Di khẽ rên và mở mắt ra. Thấy mình nằm gọn trong tay Trác, cô vội đẩy anh ra. Nhưng hơi sức Di dường như không còn chút xíu nào.
Trác nói:
– Trán em đang chảy máu, đừng cử động nữa.
Nghe nói tới máu, Di vội sờ đầu và bật khóc khi thấy máu dính đầy tay. Trác lo lắng:
– Em thấy trong người ra sao? Đau ở đâu?
Di mếu máo:
– Tôi không muốn có sẹo trên mặt. Trông ghê lắm.
Trác vỗ về:
– Nhất định sẽ không có sẹo. Em dừng lo. Để tôi băng tạm vết thương lại.
Lấy trong túi áo ra chiếc khăn hộp Phi Phụng mới mua ình, Trác vò nát mấy điếu thuốc lá áp lên vết thương rồi thận trọng buộc chặt.
Giọng anh ân hận:
– Xin lỗi. Tôi đã phóng xe quá nhanh.
Thiên Di hờn mát:
– Nếu phóng xe như vậy khiến anh thấy thoải mái, cần gì phải xin lỗi.
Trác thở dài, thú nhận:
– Đúng là tôi đang bực bội đến mức không làm chủ được cảm xúc của mình. Nhưng sao lúc nãy em không ngăn tôi nhỉ?
Thiên Di vừa xuýt xoa, vừa nói:
– Tôi biết anh đang bực mình, nhưng không biết phải an ủi ra sao. Tôi nghĩ nếu chịu đựng một chút mà anh hết buồn phiền thì cũng nên ráng.
Trác ngỡ ngàng nhìn Thiên Di rồi buột miệng:
– Cảm ơn em đã nghĩ đến tôi.
Giọng Thiên Di đều đều:
– Tôi chỉ lo việc mình té làm anh bực bội thêm thôi.

Sửa lại cái khăn buộc vết thương cho ngay ngắn, Trác nói khẽ:
– Em làm tôi nhói tim chớ không làm tôi bực bội như cô ta.
Trác vừa dứt lời, mặt Di đã cau lại đau đớn. Vết thương càng lúc càng buốt rát, ê ẩm. Thiên Di kêu lên:
– Ôi ! Đau quá.
Rồi cô lại mếu khi phát hiện ra những vết trầy xướt khác trên tay chân mình.
Trác cũng cuống lên:
– Đừng khóc. Tôi chở em về trạm y tế ngay.
Di gật đầu. Trác đỡ cô đứng dậy. Nhưng mới bước vài ba bước, Di đã tối tăm mặt mũi. Cô nghe Trác gọi, nhưng không cách nào lên tiếng được.
Trác thở phào nhẹ nhõm khi người y tá đưa ra tấm phim chụp vùng đầu của Thiên Di và nói cộc lốc:
– Không sao cả.
Anh vội hỏi:
– Vậy sao cô ấy xỉu?
Người y tá nhún vai:
– Cô ta bị choáng và cũng có thể vì…. làm nư với ông.
Liếc vội Phi Phụng đang lầm lì đứng kế bên, Trác giả lả:
– Chắc cô ấy bị choáng vì mất máu. Chừng nào ra viện được?
– Nếu kỹ, cứ để chúng tôi theo dõi hết bữa nay, còn không có điều kiện thì về liền.
Trác gật đầu:
– Được. Để cô ấy ở lại.
Người y tá vừa đi khỏi, Phi Phụng đã cằn nhằn:
– Nó có bị quái gì đâu? Hừ ! Chỉ tốn tiền viện phí vô ích.
Trác nói:
– Thà như vậy mà an tâm. Lỡ Thiên Di có chuyện gì thì sao? Té trúng đầu rất nguy hiểm.
Phi Phụng chì chiết:
– Cũng tại anh. Khi không chở nó làm chi ang họa. Làm em mệt phờ người vì mới từ Đà Lạt vào trại Thùy Dương lại phải theo anh từ trại trở ra ĐàLạt.
Trác nhỏ nhẹ:
– Anh bảo đừng theo, em không nghe, sao bây giờ lại trách anh?
Phụng rùng mình:
– Không có anh, em đâu dám ở một mình. Chuyện xảy ra lần đó vẫn còn làm em sợ.
Trác nhếch môi:
– Anh đuổi thằng ấy đi rồi. Em sợ gì khi sau này sẽ sống ở đấy? Thật ra, em cũng đang muốn về, vì đâu có việc gì nữa để phải ở lại.
Phi Phụng nghiêm nghị:
– Chúng ta vẫn chưa cưới, em ở lâu đâu có tiện.
Trác nhìn đồng hồ rồi lảng sang vấn đề khác:
– Anh bảo Thi đưa em về nhà nghỉ.
– Còn anh thì sao?
– Anh phải lo cho Thiên Di.
Phi Phụng cười khẩy:
– Tận tâm thế cơ à? Hiếm thấy có chủ nào như anh. Cho anh biết, em ghen không kém Hoạn Thư đâu. Hừ ! Sau chuyện này, anh cho con bé nghỉ việc đi là vừa. Em sẽ kiếm giáo viên khác thế chỗ nó.
Trác khoát tay, giọng cứng rắn:
– Chuyện đó để sau này hãy tính. Giờ em về đi kẻo mệt.
Phi Phụng ngần ngừ nhượng bộ:
– Cần gì, cứ điện thoại cho em.
Trác gật đầu rồi đẩy cửa bước vào phòng Di đang nằm. Thấy anh, cô bật dậy:
– Chừng nào tôi được về?
Trác làm mặt lạnh lùng:
– Còn phải ở lại để bác sĩ theo dõi.
– Nhưng tôi vẫn bình thường mà.
Trác lừ mắt:
– Bình thường sao xỉu lên xỉu xuống?
Thiên Di cãi:
– Bây giờ tôi hết xỉu rồi.
– Còn xỉu nữa hay không, bác sĩ chưa chắc biết. Làm ơn nằm xuống giùm tôi đi.
Thiên Di ấp úng:
– Tôi…. tôi phải ở đây đêm nay hả?
Trác gật đầu:
– Phải.
Di thì thào:
– Ở một mình hả?

– Phải.
Thiên Di lật đật phản đối:
– Không được đâu. Tôi…. tôi ghét bệnh viện lắm. Anh cho tôi về đi.
Trác quyền hành:
– Chẳng ai ưa chỗ này hết. Nhưng bệnh thì phải vào viện. Thế thôi.
Thiên Di cau có:
– Tất cả cũng tại anh.
Rồi biết mình đã lỡ lời, cô bậm môi làm thinh và giở…. tuyệt chiêu khóc ra:
– Nằm ở đây một mình, tôi sợ lắm.
– Tôi sẽ ở lại với em.
– Thật hả?
Trác gật đầu:
– Nhưng trước hết, tôi phải gọi điện về trại cho chị Thuỷ đã. Ở đây chờ tôi chớ không được đi lung tung đấy.
Thiên Di liếm môi:
– Tốt nhất, anh hãy cho tôi xuất viện. Như vậy không phải phiền tới anh.
Trác nói:
– Tôi đâu có ngại.
Di thẳng thắn:
– Nhưng tôi ngại. Chị Phi Phụng sẽ rất xót khi thấy anh nhọc lòng vì một người giúp việc như tôi.
Trác nhíu mày:
– Chưa bao giờ tôi xem Di là một người giúp việc.
Giọng Thiên Di trầm hẳn xuống:
– Nhưng chị Phụng lại luôn xem tôi như thế. Bởi vậy, anh càng tốt với tôi chừng nào, càng khó cho tôi sau này chừng ấy.
Trác khoát tay:
– Nói chung là em muốn ra khỏi nơi đây, nên viện đủ lý do.
– Đó là những lý do chính đáng. Nếu anh không đồng ý, tôi cũng sẽ trốn viện.
Trác xụ mặt:
– Hừm ! Ý kiến hay đấy. Tôi đố cô dám.
Rồi mặc kệ Thiên Di ngồi trên giường, anh bỏ ra ngoài. Di cuống cuồng chạy theo, nước mắt giọt dài giọt vắn trông thật thảm.
Trác vờ như không thấy. Anh tới quầy điện thoại công cộng và gọi về trại Thùy Dương. Khi anh quay trở ra, Thiên Di không còn đứng đó nữa. Đinh ninh rằng cô đã về phòng. Trác ra cổng bệnh viện mua thuốc lá.
Từ lúc đưa Di nhập viện tới giờ, anh chưa hút điếu nào, nên miệng lạt nhách. Vừa phà khói, anh vừa suy nghĩ bâng quơ và thấy Thiên Di có lý.
Phi Phụng đã tỏ thái độ suốt đoạn đường từ trại Thiên Di về Đà Lạt. Và lúc nãy, cô đã thẳng thừng bảo anh cho Thiên Di nghỉ việc. Đàn bà nào lại không ghen. Nhưng suy cho cùng, anh vì trách nhiệm chớ đâu có tình ý gì với Thiên Di. Phi Phụng ích kỷ, nhỏ nhen chớ không phải ghen. Phụng chỉ muốn anh quan tâm tới mỗi mình cô, và vì cô chớ không vì bất kỳ ai khác. Có một cô vợ như thế nghĩ cũng mệt.
Trác chợt buông tiếng thở dài. Suốt ngày hôm nay, anh gặp toàn bực bội. Suy cho cùng, bực bội ấy phần lớn do Phi Phụng gián tiếp gây ra. Thiên Di chỉ là nạn nhân của cơn giận mà anh muốn làm vơi đi. Anh tận tâm, chu đáo với cô là phải đạo.
Là đàn ông, Trác không thể vì nể vợ mà đối đãi chẳng ra gì với người giúp việc ình. Ngay từ bây giờ, Trác cần thể hiện quyền làm chồng của mình cho Phi Phụng hiểu, có những việc cô không được xen vào, và không được quyết định.
Vứt mẩu thuốc hút dở xuống đường, Trác trở vào bệnh viện. Đẩy cửa phòng Thiên Di, anh ngạc nhiên khi chả thấy cô đâu.
Không lẽ Di dám trốn viện như lời cô nói lúc nãy? Mở cái tủ nhỏ ra, Trác thấy bên trong trống trơn. Di đã mang túi xách quần áo đi rồi. Hừ ! Con bé này đúng là liều mạng. Nhưng Di có quen ai ở Đà Lạt đâu. Hay là cô tìm đến Cần?
Bỗng dưng Trác tức ngang. Anh giận đến mức muốn đập tung một thứ gì đó cho hả. Trác phải ăn nói sao với bà Thủy về chuyện Di trốn viện đây?
Ngoắc chiếc xe ôm đậu ngay cổng. Trác nói địa chỉ ngôi biệt thự mình mới mua rồi dáo dác nhìn hai bên đường với hy vọng thấy Di, nhưng anh hoàn toàn thất vọng.
Khi xe đến nhà, Trác vừa mừng vừa giận khi nhận ra Di đang đứng co ro bên cổng.
Nhảy xuống khỏi xe, anh nói như quát:
– Hừ ! Giỏi lắm. Em dám trốn viện. Có xảy ra chuyện gì, tôi không chịu trách nhiệm đâu.
Trả tiền xe xong, Trác hầm hầm mở cửa. Di lẽo đẽo theo sau, người rũ ra vì mệt.
Trác tiếp tục cằn nhằn:
– Bướng bỉnh chỉ làm người khác ghét. Cô mà là em tôi thì đã…. ăn bạt tay rồi. Suốt ngày nay tôi phát mệt vì cô, vậy mà không biết điều. Người như thế làm sao dạy học trò lý lẽ chớ.
Thiên Di ngồi phịch xuống ghế, không thèm nói lại lời nào. Nãy giờ lần mò đi bộ từ bịnh viện tới đây, cô đã mệt lắm rồi. Cũng may hôm đám hỏi Trác, cô để ý biết bệnh viện chẳng xa ngôi nhà này bao nhiêu. Nếu không, cô đâu dám trốn viện. Nhắm mắt lại, Di thấm từng lời Trác nói, nhưng cô đã hết hơi để đốp chát lại.
Dường như nhận ra sự im lặng khác thường của Thiên Di, nên Trác dò dẫm:
– Này ! Sao im lặng vậy? Định ăn vạ à?
Thiên Di vẫn nhắm mắt làm thinh. Trác vội vã bước đến gần:
– Em sao vậy?
Di mệt mỏi:
– Tôi muốn được nghĩ ngơi.
Trác ngẩn ra khi Thiên Di lên án:
– Anh muốn tôi chết vì nghe mắng phải không?
Trác xụ mặt:
– Tôi đâu có ác dữ vậy.
Thiên Di liếm môi:

– Tôi đâu hề mắc nợ anh. Sao chuyện gì của anh cũng dính líu tới tôi hết vậy?
Trác chép miệng:
– Em lại quá lời rồi.
Di hạ giọng:
– Anh cứ nghĩ coi tôi nói đúng hay sai.
Trác nhún vai:
– Đó chỉ là sự ngẫu nhiên thôi.
Thiên Di không thèm cãi, nhưng cô hậm hực nhớ lại. Bắt đầu là chuyện ông chú khùng khùng của Cần, cho tới chuyện anh té xe, chuyện nhờ cô hẹn Cần, rồi cả chuyện giận dỗi của…. vợ chồng Trác…. Di là nạn nhân mà còn bị mắng. Đúng là oan uổng. Càng nghĩ, cô càng tức. Tức nhất là nhớ tới thái độ của Phi Phụng. Cô ta làm như ngồi chung xe với Di là cả một cực hình không bằng. Với kiểu cách khinh người đó, dì Thuỷ và cô chắc khó sống khi Phi Phụng về làm bà chủ trại Thùy Dương.
Trác trở giọng băn khoăn:
– Em nhất định trốn viện à?
Không trả lời, Di nói:
– Thật ác khi bắt một người khoẻ vào nằm viện.
– Em bị thương ở đầu mà, khoẻ gì.
– Đó là quà tặng của anh. Với một kẻ không biết điều như tôi, món quà ấy quả là hào phóng.
Trác ngậm tăm. Hừ ! Con bé này chua còn hơn chanh giấy. Lâu lắm, anh không được nghe những lời như thế. Hôm nay Di lại khuấy động ký ức của Trác lên rồi.
Mở cửa phòng tân hôn của anh và Phi Phụng, Trác nói:
– Tối nay, em ngủ ở đây.
Di kêu lên:
– Không được đâu.
– Không thích thì vào bệnh viện nhé.
– Đó là phòng cưới của hai người. Tôi làm sao….
Trác xách túi quần áo của Di vào:
Những phòng khác chưa trang bị gì cả. Tôi không ngại, chả lẽ em ngại?
Thiên Di chẳng hiểu người ta có kiêng cữ không. Cô chỉ lờ mờ nhớ dường như phòng tân hôn chỉ có cô dâu chú rể mới được vào. Nhưng…. họ vẫn chưa cưới kia mà.
Cô ngập ngừng:
– Anh sẽ ngủ ở đâu?
– Ngoài salon. Tôi và cậu Thi bụi đường quen rồi.
Thiên Di rầu rĩ:
– Chị Phi Phụng mà biết tôi ở trong phòng đó thì phiền lắm.
Trác trấn an:
– Cô ấy không nhỏ mọn như vậy đâu.
Di đành bước vào theo anh. Căn phòng đúng là lý tưởng với những vật dụng sang trọng bày biện bên trong. Cô bỡ ngỡ nhìn bàn trang điểm có cái gương bầu dục sáng choang, tới cái chụp đèn ngủ màu hồng hạnh phúc, rồi tới cái tủ kính to cao kê sát tường.
Ngồi mém trên một góc giường trải drap hồng. Di đưa tay vuốt lớp sa- tanh mát rượi và nhận ra Trác đã chuẩn bị cho cuộc sống gia đình khá tươm tất. Làm sao cô dám đặt mình xuống cái giường dành riêng cho vợ chồng anh được.
Giọng Trác vang lên trước khi khép cửa:
– Em cứ tự nhiên. Tôi ra xem Thi về chưa.
Thiên Di ngần ngừ một chút rồi cũng phải nằm lên giường vì quá mệt mỏi. Cảm giác êm ái, thơm tho làm cô thấy dễ chịu. Rồi ngay sau đó, cô lại nhột nhạt, khi nghĩ tới những giây phút âu yếm riêng tư của họ trong căn phòng này, thậm chí trên chiếc giường này.
Hình ảnh Trác đắm đuối hôn Phi Phụng lại hiện rõ mồn một khiến Di nóng người. Hôm đó, cô hoàn toàn vô tình mà. Nhưng nụ hôn có…. mùi vị thế nào nhỉ?????
Đưa tay kéo cái mền mềm như nhung vào lòng. Thiên Di bắt đầu tưởng tượng lung tung, rồi giấc ngũ chập chờn đến với cô.
Trong giấc ngủ, Di đã nằm mơ. Trong mơ, cô thấy mình mặc áo cô dâu và hạnh phúc nép vào vai chú rể không rõ mặt. Hai người cùng nhau đi trên con đường nhỏ ngập đầy hoa cúc trắng. Con đường ấy dẫn về ngôi nhà này. Tới ngưỡng cửa, chú rể bế cô lên và nhẹ nhàng đặt Di xuống chiếc giường tân hôn toàn một màu hồng.
Nằm xuống trên chiếc giường bồng bềnh, Di ngước mặt lên và bàng hoàng nhận ra chú rể chính là Trác. Anh thì thầm lời yêu và cúi xuống, cúi thật gần. Di khép mi chờ đợi, nhưng vẫn không nhận được nụ hôn nào của anh.
Khi mở mắt ra, cô không thấy Trác nữa. Thay vào đó là gương mặt đờ đẫn của chú Thoại. Ông ta đang ôm cô chớ không phải Trác. Thiên Di giãy giụa, la hét, nhưng giọng của cô như bị mất, ngực nghẹn cứng đau buốt khó thở.
Di tiếp tục lăn lộn, chống trả và la thật lớn. Khi cô có cảm giác mình la được rồi thì cũng là lúc cô bị lay mạnh.
Choàng tỉnh dậy, Di thấy Trác đang nắm lấy tay mình, giọng lo lắng:
– Em đau ở đâu mà la dữ thế?
Nhìn sững vào mặt anh. Di bỗng oà khóc:
– Chú Thoại…. Chú ấy…. Hu…. hu….
Ôm Di trong tay, Trác dỗ dành:
– Bình tĩnh nào cô bé. Em đã mơ thấy gì?
– Em sợ lắm. Chú ấy tới tận giường này mà.
– Chỉ là mơ thôi. Đây là Đà Lạt chớ không phải trại Thùy Dương. Thoại không thể xuất hiện chỗ này được.
Dịu dàng đặt Di nằm xuống, Trác nói:
– Em gặp mộng dữ vì vết thương ở đầu đó.
Nhắm mắt lại, Di sờ chỗ bị thương:
– Chắc tôi đành thức tới sáng quá.
– Còn lâu mới sáng, em làm sao thức nổi.
Rùng mình nhìn quanh, Di càu nhàu:
– Ở bệnh viện một mình thì sợ. Về đây lại mơ thấy người điên. Số gì mà khổ thế này.
Kéo mền đắp cho Di, Trác tò mò:
– Em mơ thấy mỗi mình Thoại thôi à?
Lẩn tránh ánh mắt ấm áp của Trác, Di lắc đầu. Lấy hai tay che lên hai má. Di muốn độn thổ khi nhớ tới cảm giác lạ lùng của giấc mơ ấy. Nếu lão điên không xuất hiện thì chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?
Thiên Di ngượng ngùng quay mặt vào vách:
– Anh cứ ngủ đi. Tôi không sao đâu.
Trác ngần ngừ một chút rồi bước ra ngoài, khép cửa lại. Nằm một mình, Di trăn trở với nỗi buồn bất chợt. Cô không sao thôi nghĩ tới Trác, tới cảm giác trong mơ và cảm xúc có thật khi anh ôm cô bằng đôi tay đàn ông vững vàng, chắc chắn.
Dẫu biết rằng còn lâu trời mới sáng, nhưng rồi trời sẽ sáng, giấc mơ đã tàn và không bao giờ đến với người ta hai lần. Bởi vậy, hãy tỉnh hồn đi con bé lãng mạn, ngu ngốc!
Trác sắp có vợ, anh chẳng đời nào để mắt tới một người như mi đâu. Hãy thực tế và hãy quên giấc mơ vừa đẹp vừa hãi hùng ấy đi, nếu muốn cuộc sống mai này lúc nào cũng tốt đẹp.
Cần dựng chiếc xe đạp ngoài góc sân rồi bước tới lớp của Thiên Di. Anh không vào mà đứng bên cửa sổ tò mò xem cô giáo đang làm gì. Nhưng Cần đứng chưa được bao lâu đã bị bọn học trò phát giác.
Một thằng bé nước da đen xì, đầu trọc lóc bật dậy hét:
– Học sinh!

Cả lớp đồng loạt đứng theo nó và cùng la:
– Nghiêm !
Đang ngồi chấm bài trên bàn giáo viên, Di vội quay ra cửa và hết sức ngạc nhiên khi thấy Cần. Cô thảng thốt:
– Anh tìm tôi à?
Cần chậm rãi bước vào lớp:
– Lâu quá không được gặp Di nên tôi phải đến đây thăm.
Thiên Di vuốt tóc:
– Anh ra ngoài ghế đá đợi tôi nhé. Sắp hết giờ dạy rồi.
Cần ngoan ngoãn gật đầu:
– Vâng. Tôi sẽ chờ.
Cần không ngồi một chỗ mà đi quanh quẩn trong sân. Ngôi trường không lớn, nhưng khang trang, sân trồng nhiều hoa và có cả xích đu, bập bênh, cầu tuột. So với trang trại của cả họ nhà anh, trại của Trác làm được nhiều điều tốt cho công nhân hơn. Bọn trẻ của trang trại anh phải lội bộ sáu bảy cây số mới tới lớp. Và nghe đâu giáo viên của lớp ấy sắp bỏ dạy nữa.
Nếu bác Hai, Thế, và ba mẹ Cần biết nghĩ tới công nhân như Trác thì công sức họ bỏ ra cho trang trại chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều. Tiếc rằng mọi người chỉ thấy cái lợi trước mắt mà quên sự phát triển dài lâu sau này.
Rút điếu thuốc gắn lên môi. Cần chụm tay che gió để mồi lửa rồi liếc vào lớp xem Di làm gì.
Cô không hề chú ý tới anh mà cắm cúi bên chồng vở. Cần kiên nhẫn hút điếu thuốc thứ hai mới thấy Di cho học sinh xếp hàng ra về. Anh phụ cô dẫn bọn trẻ qua đường rồi trở lại ngồi trên ghế đá.
Thiên Di tự nhiên ngồi xuống kế bên anh:
– Bữa nay mới thứ sáu, anh đã nghỉ học rồi à?
Cần thật tình:
– Tôi cúp để về thăm Di. Nghe nói hôm trước Di phải vào viện ở ĐàLạt.
– Ai nói vậy?
– Chú Trác. Hôm qua, tôi gặp chú ở quán càphê gần trường. Chú ấy bảo tôi nên ghé thăm Di.
Di chớp mắt:
– Vết thương đã lành. Tôi đâu có sao. Ông Trác thật là….
Mím môi, Di bỏ lửng câu đang nói mà ngực nhói đau. Trác nghĩ gì mà bảo Cần ghé thăm cô nhỉ? Chẳng lẽ anh đoán được những điều Di giấu kín trong lòng nên muốn tạo một khoảng cách an toàn ình?
Dạo này anh thường vắng nhà. Dì Thuỷ bảo Trác phải tới những đồn điền cà phê xa để trông coi việc thu hoạch cà phê. Những lúc rỗi, anh phóng xe ra Đà Lạt. Hầu như Di không được nhìn thấy anh lần nào từ khi ở Đà Lạt về đây. Suốt thời gian ấy, Thiên Di ủ rũ như cây non thiếu nước. Cô không dám nghĩ rằng mình nhớ Trác, nhưng cô không thể dối lòng là không mong ngóng anh. Ở ngôi nhà rộng lớn này, ngoài những người đàn bà có tuổi như dì Thuỷ, dì Hai ra, Di còn ai đâu ngoài Trác?
Anh là ông chủ, là người đàn ông quan trọng của mọi nười trong trang trại này. Và có lẽ cũng là người quan trọng nhất đối với cô.
Thiên Di ngồi gục đầu khổ sở, trong lúc Cần vẫn vô tư:
– Tôi nghĩ chú Trác muốn tạo cơ hội cho chúng ta. Chúng ấy bảo tôi phải thường xuyên đến thăm Di.
Di cáu kỉnh:
– Và anh đã nghe lời ổng à?
Cần hạ giọng:
– Tôi chỉ nghe lời trái tim mình.
Thiên Di đứng dậy:
– Tôi không tin.
Cần vẫn tiếp tục nói:
– Nhưng tôi rất thật lòng.
Thiên Di im lặng quay đi. Cần vội vã nói tiếp:
– Xin lỗi. Nếu những lời của tôi làm Di không vui.
Di trầm tĩnh:
– Tôi chỉ thấy bất ngờ. Tôi đâu đáng để anh phải quan tâm. Ở Đà Lạt thiếu gì con gái đẹp có ăn học, lại giàu sang.
– Nhưng trong mắt tôi chỉ thấy có em thôi. Chẳng lẽ em không hề nghĩ tới tôi?
Thiên Di ngập ngừng:
– Có chứ. Tôi luôn nghĩ anh là một người bạn tốt và không muốn biến tình bạn ấy thành thứ tình cảm khác.
Cần kêu lên:
– Tại sao vậy? Tôi có gì không tốt?
Thiên Di liếm môi:
– Vì thất tình, tôi mới bỏ Sài Gòn lên đây. Trái tim tôi đóng băng rồi, nó không rung cảm được nữa đâu.
Cần hơi sững người, rồi anh quả quyết:
– Tôi nhất định sẽ phá vỡ lớp băng ấy.
Không nói lời nào, Di ôm cặp sách bước đi. Cần dắt xe lẽo đẽo theo sau. Đi được một đoạn, Di bỗng nghe có người gọi Cần. Cô nhìn sang bên kia đường và thấy một người đàn bà đang ngồi trên chiếc Dream, đưa tay vẫy Cần.
Giọng bà ta oang oang:
– Con đi đâu mà lơn tơn ngoài nắng vậy. Có về ngay không thì bảo?
Cần khó chịu:
– Mẹ cứ mặc con:
Tò mò, Di lén nhìn người mà Cần vừa gọi là mẹ, đúng lúc bà ta ném về phía cô ánh mắt soi mói hằn học rất lạ kỳ. Dù không muốn, Di vẫn khẽ gật đầu chào. Đáp lại cái chào của cô là cái trề môi dè bỉu và giọng nói khinh khỉnh của bà ta:
– Con gái đời nay thật hư đốn. Ban ngày ban mặt mà vẫn kè kè theo trai. Đúng là không biết nhục.
Nghe như thế, mặt Di tái đi vì giận, cô vội cắm đầu chạy về phía trước để tránh phải tỏ thái độ với bà ta.
Cần liền đạp xe theo:
– Chờ anh đưa về.
Thiên Di vừa thở, vừa gào lên:
– Làm ơn để tôi yên.
Cần năn nỉ:
– Anh xin lỗi vì những lời của mẹ anh.
Không thèm đáp lại, Thiên Di tiếp tục chạy. Vừa lúc ấy, Lang đạp xe đạp tới. Không đợi Di mở lời, chị ngừng xe cho cô leo lên ngồi phía sau, trước cái nhìn thất vọng của Cần.
Vừa cong lưng đạp xe, Lang vừa quay sang mắng Cần:
– Xéo đi công tử bột ! Dòng họ mày chả ai tốt đâu. Khôn hồn đừng đụng vào cháu bà Tư Thuỷ. Không thì chết với bả.
Đợi khoảng cách với Cần mỗi lúc một xa, Lang mới hỏi:
– Nó chọc ghẹo gì em à?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.