Bạn đang đọc Rừng Chưa Thay Lá: Chương 10
Thiên Di nói:
– Không có. Tụi em là bạn mà.
Lang chưng hửng:
– Vậy sao? Tôi lại tưởng nó giống thằng Mười Ba, đeo theo em để trêu chọc chớ. À ! Tôi thấy bà Vui, má nó chạy chiếc Dream đoạn đường dưới kia mà. Dễ gì bà ấy chịu cho Cần làm bạn với em. Mà Dì em cũng không bằng lòng đâu.
Thiên Di thở dài:
– Em biết chớ. Bởi vậy từ giờ trở đi, em không bạn bè với ai nữa.
Lang ra chiều thông cảm:
– Không bạn bè cũng buồn. Nhưng tôi hỏi thật. Em có thích Cần không?
Đập vào lưng Lang, Di gắt:
– Chị hỏi gì kỳ vậy? Em lên đây để dạy học chớ đâu phải để yêu đương.
Lang cười hì hì:
– Không yêu thì lỗ đấy.
Thiên Di chép miệng:
– May là chưa yêu. Nếu không chắc dì Thuỷ đã đuổi em về Sài Gòn rồi.
Lang hỏi tới:
– Em có tiếc anh chàng Cần ấy không?
Di mơ màng:
– Em đâu có thích mẫu đàn ông có vẻ yếu đuối, không tự lập như Cần.
– Đã bảo Cần là công tử mà. Ai làm vợ công tử thì cầm bằng khổ nhiều hơn sướng. Đã vậy còn gặp bà mẹ chồng hắc ám.
Di cười khúc khích:
– Nói như chị em mình, chắc anh ta ế quá.
Lang tấm tắc:
– Chị chịu mẫu người của cậu chủ Trác. Đàn ông biết gánh vác như thế đúng là điểm tựa vững chắc cho đàn bà chúng mình.
Rồi chị hạ giọng tiếc rẻ:
– Tiếc rằng người đàn bà của cậu Trác tệ quá. Đúng là thế gian được vợ mất chồng.
Thiên Di nhấn mạnh:
– Cô ta là hoa khôi Đà Lạt đấy chị.
Lang trề môi:
– Hoa khôi thì đã sao? Em có thấy hoa nào nở mãi không tàn chưa? Cậu Trác thật sai lầm khi chọn con nhỏ đỏng đảnh ấy. Cậu Trác sẽ khổ vì gia đình nhà nó.
Di tò mò:
– Sao chị lại nói vậy?
Lang ra vẻ bí mật:
– Chị nghe Thi tài xế nói gia đình Phi Phụng đang lụn bại, họ chỉ còn cái vỏ trưởng giả mà thôi. Bởi vậy, Phi Phụng mới bám vào cậu Trác. Nói thật, nếu cậu ấy sàn sàn bậc trung, dễ gì cưới được cô ta. Rồi đây cậu Trác phải bao bọc cả gia đình vợ. Mà Phi Phụng thì rất đua đòi hoang phí. Nó biết lấy cái sắc ra để làm mờ mắt cậu Trác. Bởi vậy mới quen vài ba tháng, cậu ấy đã quyết định cưới. Đàn ông mà luỵ đàn bà quá thì tán gia bại sản.
Lang chép miệng thở dài:
– Con nhỏ ấy mà làm bà chủ rồi thì bọn làm công như mình cũng khó thở. Coi chừng em là nạn nhân đầu tiên đó.
Di thảng thốt:
– Sao lại là em?
– Nghe Thi nói hôm đó Phi Phụng về trại Thùy Dương với mục đích bắt cậu Trác đưa đi Sài Gòn sắm sửa. Cậu ấy viện lý do đang thu hoạch càphê để từ chối. Không ngờ em xảy ra chuyện, cậu Trác phải bỏ mọi công việc để đưa em lên bệnh viện Đà Lạt mất hai ngày, Phi Phụng căm lắm. Nó tuyên bố sẽ đuổi em khi là bà chủ trại Thùy Dương.
Thiên Di thừ người ra vì những lời vừa nghe. Nếu Phi Phụng tuyên bố như thế thì đúng là Di sẽ khó sống yên ổn ở đây.
Tới cổng nhà, Thiên Di xuống xe với lời dặn dò:
– Chị đừng nói gì với dì em nhé.
Lang nheo mắt:
– Yên trí. Đã xem Di như em gái, chị không muốn em bị dì Thuỷ mắng đâu.
Thiên Di vừa bước lên tam cấp đã nghe giọng Trác sang sảng vọng ra. Tự nhiên cô quay ngoắt lại, tim đập thình thịch. Dầu rằng đang khao khát nhìn thấy anh nhưng nhớ tới việc Trác xui Cần đi thăm cô, rồi những lời Phi Phụng đã tuyên bố, Thiên Di đành làm trái với sự mong muốn của con tim mình.
Vòng ra sau vườn, cô ngồi xuống ghế đá kế bên khóm hồng tỉ muội đang trổ đầy bông. Những chùm bông đỏ thắm rung rinh trước gió trông đẹp làm sao. Di nhẹ vuốt những cánh hoa mềm và buồn bã nhìn chúng rụng xuống đất.
Đang chìm trong cõi riêng của mình, cô bỗng nghe có tiếng chân người. Ngước lên, Di thấy Trác thong thả đi tới. Vẫn điếu thuốc hờ hững trên môi, vẫn đôi mắt sáng với chút gì tinh quái, anh làm Di ngẩn ngơ hết mấy giây.
Cô như bừng tỉnh khi anh hỏi:
– Đã về rồi à? Hình như hôm nay cô về trễ hơn mọi ngày.
Thiên Di chớp mắt:
– Tôi phải chấm cho hết bài mới về được.
Trác tủm tỉm:
– Học trò trại Thùy Dương thật tốt số mới có được cô giáo tận tụy như em.
– Anh định chế giễu tôi chắc?
– Tôi nói thật, nên bằng mọi giá tôi phải giữ cho được em ở mãi nơi này.
Thiên Di nhếch môi:
– Sao anh lại hạ quyết tâm như thế, khi tôi không hề đòi rời khỏi đây?
Trác ném điếu thuốc vào góc vườn:
– Đó chỉ là cách biểu lộ sự quý mến của tôi đối với em. Sao em lại nhạy cảm quá vậy?
Di lặng thinh vuốt những đoá hồng tỷ muội rồi lặng lẽ nhìn những cánh hoa lã tã rơi. Suốt thời gian vừa qua, cô luôn mơ tới lúc được ngồi bên Trác như vầy. Bây giờ đã có anh, kế bên, nhưng sao cô thấy như xa nghìn trùng. Có lẽ vì khoảng cách giữa hai người quá rộng. Dù sao Trác vẫn là chủ của cô, một ông chủ đã có vợ. Sự thật này Di không được lãng quên.
Trác nói:
– Hôm qua gặp Cần ở Đà Lạt, tôi có cho cậu ấy biết em bị tai nạn. Cần bồn chồn không yên, cậu ta bảo sẽ về thăm em ngay.
Làm như chưa hề gặp Cần, Di trách:
– Anh nói thế làm gì? Cần tới thăm, tôi sẽ bị mắng đó.
– Tôi sẽ không để dì Thuỷ mắng em đâu.
Thiên Di lắc đầu:
– Vô ích thôi. Tôi ghét mọi sự sắp xếp đặt.
Rồi cô đứng dậy:
– Xin lỗi. Tôi về phòng đây.
Trác nhìn theo dáng vội vã của Di và nuốt tiếng thở dài. Anh đâu phải là kẻ vô công rỗi nghề, thích chen vào chuyện của người khác. Nhưng vừa rồi, anh lại đứng ra gánh chuyện bao đồng khi gần như gợi ý cho Cần đến thăm Thiên Di.
Tại sao anh làm thế để Di trách móc? Có phải tại anh muốn lừa dối mình rằng, cô đã có người yêu, cũng như anh sắp cưới vợ để thôi đừng nghĩ đến nhau nữa không?
Hay tại Trác cảm kích trước tình cảm của Cần đối với Thiên Di, nên mới tìm cách giúp cậu ta?
Trác ngã người ra ghế đá và chợt nhận được hơi ấm chỗ Di vừa ngồi. Lòng anh bỗng xôn xao kỳ lạ. Cảm giác nhẹ nhàng như có như không này anh chưa lúc nào thấy khi ở gần Phi Phụng. Trái lại, nó luôn hiện hữu lúc anh ở bên Thiên Di.
Rõ ràng giữa anh và cô có mối dây đồng cảm nào đó, nhưng cả hai luôn cố tình loại bỏ, kể cả loại bỏ những giấc mơ mà thỉnh thoảng Trác vẫn gặp. Trong mơ, người phụ nữ sóng đôi với anh không phải là Phi Phụng mà là Thiên Di. Anh đã cố không nghĩ tới cô, nhưng những giấc mơ vẫn đều đặn xuất hiện. Để mỗi khi tỉnh dậy, Trác lại bàng hoàng hối tiếc vì đó là những giấc mơ đẹp.
Bà Thuỷ bước đến gần anh:
– Cậu Trác có điện thoại.
Trác hờ hững:
– Của ai vậy?
– Dạ, của cô Phụng.
Anh xụ mặt:
– Bảo tôi vẫn chưa về tới.
Bà Thuỷ bối rối:
– Nhưng tôi lỡ nói….
Trác khoát tay:
– Chậc ! Vậy thì nói tôi ra ngoài rồi.
Ngần ngừ một chút, bà Thuỷ trở vào trong. Trác đốt thuốc rồi bực dọc nhả khói. Lẽ ra anh còn ở Đà Lạt, nhưng vì giận Phi Phụng, Trác đã hầm hầm phóng xe về.
Từ khi quen Phụng đến giờ, anh luôn chiều chuộng, đáp ứng mọi nhu cầu của cô, thế nhưng Phụng lại không biết kềm chế bản thân. Cô đòi hỏi quá nhiều ở anh, mặc dù hai người vẫn chưa phải là vợ chồng. Tất cả những chuyện đó, Trác chịu đựng được vì anh yêu cô. Nhưng khi cô thủ thỉ bảo anh bán trang trại Thùy Dương để về Đà Lạt lập một công ty, hay nhà hàng, khách sạn gì đó thì anh chịu hết nổi.
Trác hụt hẫng vì người sẽ đầu ấp tay gối không cùng chí hứơng với mình, dù biết bao nhiêu lần anh đã say sưa nói với Phụng về đất đai, về càphê, về trang trại, về những giọt mồ hôi mà ông bà, cha mẹ và cả anh đã đổ xuống trên mảnh đất này.
Với anh, đất đai là cuộc sống, là tất cả. Vậy mà Phi Phụng bảo anh phải bán chỉ vì lý do cô không thích ở nơi xa thành phố.
Hừ ! Về vấn đề lối sống, cách nghĩ, chắc vĩnh viễn giữa Phi Phụng và anh không bao giờ đồng điệu. Nhưng cô sẽ là vợ anh. Liệu hai người có chịu đựng được nhau suốt đời không?
Trác không thể giải đáp được câu hỏi ấy.
Vừa đưa hết học sinh qua đường, Thiên Di đã thấy Trác. Anh trờ xe tới:
– Tôi đưa em về.
Thấy Di ngần ngừ, Trác nói:
– Lần này bảo đảm an toàn. Em đừng sợ.
Thiên Di từ chối:
– Tôi vẫn thích đi bộ hơn.
Trác bỗng đổi giọng:
– Tôi đang buồn. Em không thể đi cùng để tôi có người bầu bạn sao?
Di tránh nhìn vào đôi mắt Trác. Hôm qua, anh say bét nhè phải có người dìu về tận giường. Di chẳng biết tại sao Trác uống rượu, nhưng nghe dì Thuỷ và bà Hai xì xào là anh và Phi Phụng đang giận. Thì ra cô ta có thể biến một người sắt đá như Trác thành một gã say, để hôm nay gã gặp cô và than buồn.
Lời than buồn của đàn ông nghe mới khổ làm sao. Di ngần ngừ lên ngồi sau lưng Trác.
Anh nhỏ nhẹ:
– Chúng ta đi uống cà phê nhé?
Di thảng thốt:
– Ra tận chợ à?
– Chớ ở đây đâu có quán nào.
– Nhưng anh đã tỉnh để chạy ra tới chợ được chưa?
Trác bình thản:
– Sáng nay tôi đã làm việc lại và đã phóng xe mấy chục cây số, chớ đâu phải vừa mới trên giường bước xuống. Tôi có thể chở em tới Đà Lạt, nếu em thích.
Di buột miệng:
– Tôi không thích nơi đó.
Trác cao giọng:
– Lý do?
Di liếm môi:
– Vì có một người ở đó không thích tôi.
Trác mỉm cười. Anh cho xe chạy chậm và sát lề với thái độ hết sức cẩn thận. Hai người im lặng với những suy nghĩ riêng tư.
Đến quán cà phê, Trác nhanh nhẹn chọn bàn và kéo ghế cho Di. Khung cảnh ở đây làm cô thấy tự nhiên.
Trác chợt hỏi:
– Thế nào? Thoải mái hơn ở nhà phải không?
Di máy móc trả lời:
– Tôi thấy cũng vậy thôi. Mà anh buồn chuyện gì nhỉ?
Trác xụ mặt:
– Có cần vội đến thế không, khi cà phê vẫn chưa mang ra tới?
Thiên Di chớp mắt:
– Tôi sợ về muộn, dì Thuỷ sẽ mắng.
Trác đứng dậy:
– Em không phải lo. Tôi sẽ gọi điện thoại về nhà.
Di ngăn lại:
– Thôi đừng.
Trác lại cười. Nụ cười tinh quái của anh khiến Di đỏ mặt. Cô có cảm giác anh đọc được suy nghĩ của mình, nên vội cúi xuống nhìn ly cà phê vừa được đặt trên bàn.
Trác chuyển đề tài:
– Di thấy cà phê ở đây và cà phê Sài Gòn có gì khác?
Thiên Di vẽ vu vơ trên mặt gỗ:
– Tôi không biết, vì ở Sài gòn tôi rất ít vào quán, nhất là quán cà phê. Mang tiếng dân thành phố, nhưng tôi rất nhà quê.
– Nhưng khi nói sách vở, văn chương, em không quê chút nào.
Di ngạc nhiên:
– Đã bao giờ tôi bàn về sách vở với anh đâu?
Khuấy đường trong ly cà phê, Trác thủng thỉnh đáp:
– Em trao đổi với Cần và cậu ta đã say sưa kể lại với tôi bằng tất cả lòng cảm mến ngưỡng mộ.
Thiên Di xụ mặt:
– Đó là điều anh muốn nói với tôi bữa nay sao?
– Không. Tôi ngẫu nhiên khi kể lại thôi. Nào! Mình uống cà phê.
Di đưa ly cà phê lên môi. Vị đắng của nó không còn làm cô nhăn mặt như lần đầu dì Thuỷ cho cô uống.
Trác nheo mắt:
– Ngon không?
Di gật đầu. Trác triết lý:
– Vậy mới biết đắng cay chưa chắc là khổ.
Di im lặng, không biết Trác dẫn dắt cô tới đâu đây. Anh chợt hỏi:
– Em không thắc mắc vì sao tôi say à?
Thiên Di lắc đầu:
– Ở nhà, ba tôi ngày nào cũng say mà không có lý do nào hết. Vì vậy, tôi chả bao giờ thắc mắc tại sao người ta uống rượu.
Trác gật gù:
– Trả lời thông minh và thực tế lắm.
Xoay ly cà phê trong tay, Di nói:
– Nhưng tôi không phải vô tình nên vẫn biết tại sao anh say. Tôi từng đọc một câu thơ đại ý bảo rằng “Được giận nhau, hạnh phúc biết bao nhiêu”. Anh vẫn sung sướng hơn nhiều người vì có được một tình yêu để giận, để có cớ uống rượu.
Trác kêu lên:
– Đấy là cách em an ủi tôi hả?
Di phân bua:
– Không dám. Tôi chỉ nghĩ sao nói vậy thôi.
Trác trầm ngâm:
– Đúng là “Được giận nhau, hạnh phúc biết bao nhiêu”, nhưng đó là giận hờn vu vơ của những người mới chớm yêu. Còn tôi và Phi Phụng là bất đồng. Đã gọi là bất đồng thì khó hoà hợp lắm.
Thiên Di khuấy ly cà phê, dù biết đường trong ly đã tan hết từ lâu. Cô thấy nặng nề khi phải nghe những lời tâm tình của Trác. Tim Di đã xôn xao rung động vì anh. Nhưng thật lòng, cô không muốn thấy Trác buồn. Di luôn muốn anh hạnh phúc.
Suy nghĩ để lựa lời mãi, Di mới ngập ngừng nói:
– Khi đã thật sự yêu, người ta vượt qua được tất cả.
Trác nhếch môi:
– Lý thuyết vừa cứng vừa rỗng. Em đã yêu chưa? Chắc là chưa đâu.
Chống tay dưới cằm, mắt đăm chiêu, Trác thở dài:
– Hồi còn trẻ như em bây giờ, tôi cũng nghĩ như vậy. Và tôi đã yêu bằng trái tim cuồng nhiệt nhất.
Rồi anh chợt kết luận:
– Có lẽ em nói đúng. Tình yêu sẽ không còn khi người ta không vượt qua được chính mình.
Thiên Di rụt rè:
– Anh sợ tình trạng này sẽ xảy ra với Phi Phụng sao?
Trác ngập ngừng:
– Tôi không biết nữa. Với tôi, từ lâu rồi, tình yêu không hề tồn tại. Tôi cần có một người vợ để đỡ đần công việc.
Thiên Di trố mắt:
– Chỉ đơn giản vậy sao? Nếu thế thật tội nghiệp Phi Phụng.
Rồi cô đau nhói ở tim khi nghĩ và tội nghiệp ình, đã yêu một người vô cảm. Trong khi đó, Trác lại ân hận vì những lời vừa nói.
Thật ra, anh vẫn yêu đấy chớ, chỉ khác là tình yêu của anh bây giờ không cuồng nhiệt như xưa kia. Hay tại Phi Phụng chưa đủ sức hâm nóng trái tím đã nguội lạnh của anh, ngược lại, cô còn khiến anh bị tổn thương vì thói mè nheo đỏng đảnh?
Trác phân bua:
– Tôi đối xử với Phụng rất tốt, nên không có gì phải tội nghiệp cô ấy cả.
Thiên Di đều giọng:
– Nhưng trong hôn nhân, đối xử với nhau tốt vẫn chưa đủ.
– Rất tiếc, tôi chỉ có thể làm thế.
– Vậy anh sẽ nhận được những gì, so với cái anh cho đi?
Trác không trả lời. Anh không hiểu sao lại thố lộ những suy nghĩ riêng tư của mình với con bé chưa có chút kinh nghiệm sống nào, để bị…. nó lên lớp.
Trác nói:
– Người xưa chỉ có những cuộc hôn nhân không tình yêu, nhưng họ vẫn sống tới răng long đầu bạc, con cháu đầy đàn.
Di dài giọng:
– Lúc đó ai cũng vậy. Còn thời đại bây giờ, hiếm hoi mới có người như anh.
Cô vừa dứt lời thì thấy Cần bước vào quán với vẻ tìm kiếm. Di chưa kịp quay mặt đi, Trác đã đưa tay lên gọi Cần.
Thái độ của anh khiến Di nóng mặt. Cô liền đứng dậy:
– Tôi không muốn ngồi chung với Cần.
Thấy Di bước đi, Cần vội chạy tới:
– Tôi có chuyện muốn nói với Di.
Cô lạnh nhạt:
– Xin lỗi. Tôi phải vào bưu điện.
Rồi không đợi Cần nói thêm lời nào, cô băng qua đường, đi thật vội vào bưu điện. Ngồi xuống bàn để viết thư, Di thở dốc vì tức.
Tại sao Trác phải làm thế? Anh cố tình làm ông mai cho Cần nhằm mục đích gì?
Cô ngồi thừ ra trong bưu điện mãi tới lúc nghe giọng Trác vang lên sau lưng, cô mới đứng dậy, cáu kỉnh:
– Anh có ra lệnh, tôi cũng không qua đó đâu.
Trác nhỏ nhẹ:
– Tôi vào để gọi em về mà.
Di làm thinh. Lên ngồi sau lưng Trác, cô vẫn im lìm không hé môi.
Trác chặc lưỡi:
– Tôi không ngờ gặp Cần trong quán.
Di mỉa mai:
– Thật vậy sao? Dù gì đi nữa, anh cũng không nên gán ghép tôi cho anh ta lộ liễu như vậy.
Trác gắt:
– Em nói gì vậy?
Di gào vào tai anh:
– Anh nghe rõ lắm rồi. Đừng vờ nữa! Tôi làm công cho anh, nhưng vẫn có tự do riêng mà. Không ai có thể xâm phạm.
Trác nổi cáu lên:
– Hừ ! Đúng là hợm hĩnh. Dù thế nào tôi cũng là chủ, cô nên lưu ý lời nói của mình. Giữa chủ và tớ lúc nào cũng phải có một khoảng cách.
Ngực nhói lên đau buốt vì lời của Trác, Di mím môi:
– Vâng. Tôi xin lỗi, thưa ông chủ.