Rừng Chưa Thay Lá

Chương 8


Bạn đang đọc Rừng Chưa Thay Lá: Chương 8

Thiên Di cảm thấy tim đập mạnh, cô hấp tấp hỏi:
– Phải vợ chú Thoại tên Cẩm Tú Cầu không?
Cần miễn cưỡng đáp:
– Ờ. Cô ấy là Cẩm Tú Cầu.
Cần lắc đầu, nói thêm.
– Đúng là không có gì qua được mắt phụ nữ.
Thiên Di nhún vai:
– Anh nói tôi tò mò cũng chẳng sao. Thú thật, tôi rất muốn biết chuyện ngày xưa của chú anh đó.
Cần hỏi:
– Thế còn chuyện bây giờ của chúng ta thì sao?
Thiên Di mồm mép:
– Ôn cố tri tân. Ngẫm chuyện xưa mà nghĩ chuyện nay cũng tốt mà. Từ nhà tới đây tôi vẫn lo không biết sẽ nói gì với anh. Giờ thì hết lo rồi. Anh sẽ nói, tôi chỉ nghe thôi.
Cần ngập ngừng:
– Tôi biết chút ít thôi hà.
– Thì kể chút ít.
Nhìn vẻ chờ đợi của Thiên Di, Cần uống một hớp cà phê rồi trầm giọng:
– Hồi đó, chú Thoại ra Đà Lạt học, và đã để ý một cô gái đẹp có cái tên ngồ ngộ là Cẩm Tú Cầu. Đó là tên một loài hoa có nhiều ở Đà Lạt. Ba của Cẩm Tú Cầu cũng làm ăn với ông nội tôi, nên khi biết hai người quen nhau, nội đã đi hỏi Cẩm Tú Cầu cho chú Thoại. Mọi việc diễn biến tốt đẹp. Cẩm Tú Cầu không hề tỏ thái độ gì phản đối cuộc hôn nhân. Trái lại, cô ấy còn có vẻ hạnh phúc bên chú Thoại. Đám hỏi rồi đám cưới diễn ra suông sẻ trong sự hân hoan của gia đình hai bên. Nhưng tối đêm tân hôn, chú Thoại đã tuyệt vọng đến mức suy sụp hoàn toàn khi không thấy cô dâu đâu, ngoài lá thư để lại trên giường.
Thiên Di tò mò:
– Trong thư đã viết gỉ?
Cần chép miệng:
– Tôi không rõ nội dung, nhưng chắc là những lời xin lỗi, hoặc biện minh cho việc bỏ đi của mình.
– Thế Cẩm Tú Cầu đi đâu?
Cần lắc đầu:
– Nếu biết, chắc lúc đó chú Thoại đã không lên cơn điên.
Chống tay dưới cầm, Di thắc mắc:
– Đúng là kỳ lạ. Rồi sau đó, Cẩm Tú Cầu có quay về không?
Cần nói:
– Không. Cẩm Tú Cầu đã một đi không trở lại. Trong ký ức của tôi, hình ảnh của cô ấy cứ mù mờ hư hư thật thật, dù Cẩm Tú Cầu có nhiều điểm độc đáo khiến người khác khó lòng quên khi đã quen cô ấy.
Thiên Di hỏi tới:
– Đó là điểm gì vậy?
Cần nói:
– Tôi không biết.
Tủm tỉm cười, Thiên Di bưng ly sữa lên. Thái độ của cô làm Cần thắc mắc:
– Sao Di cười?
Di cao giọng:
– Dường như Cẩm Tú Cầu có ảnh hưởng rất lớn tới anh?
Mặt đỏ lên, Cần ấp úng:
– Di nói gì kỳ vậy? Với Cẩm Tú Cầu khi ấy, tôi chỉ là một thằng nhóc.
Thiên Di ranh mãnh:
– Là nhóc con thì không biết yêu, biết ghét hay sao?
Cần trả đũa:
– Coi bộ Thiên Di rành về chuyện tình cảm ghê.
Thiên Di thản nhiên:
– Ờ. Rành. Tôi thất tình nên mới bỏ phố lên rừng đó chớ.
Mặt Cần nghệt ra trông thật buồn cười. Anh ấp úng:
– Trông Di đâu giống người thất tình.
Thiên Di hấp háy mắt:
– Thế nào mới giống thất tình? Phải mát như chú anh hả?
Cần im lặng. Anh thật sự không biết Di nói thật hay đùa. Theo anh, một cô gái lúc nào cũng đầy tự tin như Di không thể thất tình được. Còn nếu có, hẳn gã đàn ông kia chắc phải là một người hết sức dữ dội nên mới đủ sức đốn ngã Thiên Di.
Thấy Cần làm thinh, Di nghĩ là anh giận liền nói:
– Xin lỗi. Tôi đã quá lời.
Cần buột miệng:
– Anh ta như thế nào mà khiến Di phải thất tình nhỉ?
Thiên Di chớp mắt vì câu hỏi bất ngờ của Cần. Cô chỉ đùa, nhưng anh lại tưởng thật mới buồn cười.
Giả vờ đau khổ, Di gạt ngang:
– Đừng bao giờ hỏi về hắn với tôi.
Cần vội vàng:
– Ờ. Không. Tôi sẽ không hỏi nữa.
Thiên Di lại bưng ly sữa lên uống từng hớp nhỏ. Trò chuyện với Cần, cô không thích lắm. Nhưng có người để tán gẫu vẫn vui hơn phải ngồi một mình với chồng vở học trò đầy lỗi chính tả, và những phép toán sai phải sửa. Ở nơi này, có được người bạn như Cần cũng tốt. Chỉ cần khéo léo một tí, cô sẽ bắt Cần giải đáp hết những tò mò, thắc mắc còn đầy trong lòng.
Thiên Di hạ giọng thật ngọt:
– Anh Cần nè!
– Hả?
Thiên Di cong môi:
– Hôm trước, cậu Trác gặp anh làm gì vậy?
Cần trầm giọng:
– Ông ấy hỏi thăm về chú Thoại.
Làm ra vẻ hiểu chuyện, Di nói:
– Chắc cậu Trác nghi chú anh hù doạ và giết chết con chó cưng của Phi Phụng. Chả lẽ chú anh đã làm chuyện ấy sao?
Cần vội vã nói:
– Chú tôi không làm chuyện đó. Ông Trác đã nói với Phi Nga là một công nhân trang trại vì thèm thịt chó đã làm mà.
Thiên Di ngỡ ngàng:
– Phi Nga nói với anh như thế à?

Cần gật đầu:
– Nga còn khoe ông Trác mua đền Phi Phụng một cặp chó Bắc Kinh hơn mười triệu đồng nữa.
Di kêu lên:
– Hai con chó hơn mười triệu đồng. Anh có nghe lộn không vậy?
– Sao lại lộn được? Chó Bắc Kinh đâu có rẻ.
Thiên Di rên rỉ:
– Mười triệu đồng cứu được bao nhiêu người đói. Tôi không nghĩ cậu Trác lại…. lại…. mê muội đến thế.
Xoay ly cà phê trong tay, Cần bảo:
– Khi đã yêu, trái tim người ta còn dám móc ra nữa là mười triệu đồng thì nhằm gì.
Thiên Di nheo nheo mắt:
– Anh cũng rành chuyện yêu đương ghê. Thế anh đã móc tim cho ai chưa?
Nhìn Di, Cần từ tốn đáp:
– Nếu có người nhận, tôi sẵn sàng cho. Yêu như chú Thoại mới là yêu.
Thiên Di bùi ngùi:
– Chú ấy cho Cẩm Tú Cầu cả cuộc đời.
Cần mím môi:
– Nhưng cô ta đã phá hỏng nó. Cẩm Tú Cầu thật không xứng đáng với tình yêu của chú Thoại chút nào.
Di gật gù:
– Anh nói đúng.
Rồi cô chợt hỏi:
– Chú Thoại dạo này ra sao? Có đỡ hơn trước không?
Cần xụ mặt:
– Chú ấy bị anh Thế nhốt tối ngày, trông tội lắm. Tôi thấy bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu.
Thiên Di hỏi:
– Vậy sao không mang chú ấy trở lại bệnh viện?
Cần ngập ngừng:
– Bác tôi muốn giữ chú Út ở nhà để chăm sóc. Chú ở bệnh viện thì không có tình cảm của người thân.
Di tán đồng:
– Bác anh nghĩ thế cũng đúng. Tình cảm gia đình rất quan trọng.
Cần bỗng thở dài:
– Nhưng sự thật đâu phải vậy. Tối ngày chú Út bị anh Thế xích trong chòi ở sau vườn trông rất thương tâm. Lúc nãy, tôi vừa có ý kiến đã bị anh ấy mắng. Muốn đem chú Út về nhà, mẹ tôi lại phản đối. Tôi đâm ra chán những người thân của mình và không muốn ở trong nhà nữa.
Thiên Di dịu dàng:
– Vì vậy nên anh ra đây thật sớm để tránh mặt những người thân?
Cần buồn bã gật đầu:
– Gia đình tôi toàn những người vụ lợi, ích kỷ. Bên họ, tôi luôn thấy cô đơn, lạc lõng.
Thiên Di chớp mắt, nhìn Cần. Cô không biết nói sao với anh nữa. Thông thường đàn ông ít khi thổ lộ những chuyện riêng tư, nhưng Cần thì trái lại, anh không giấu ước muốn được thông cảm, an ủi.
Cần giống một cậu bé chưa trưởng thành hơn một người đàn ông từng trải. Có lẽ vì anh được ba mẹ ấp ủ kỷ quá. Khác với Thế lọc lõi, rành đời, quyết đoán. Cần đa cảm và có vẻ yếu đuối như con gái.
Di ái ngại:
– Trong gia đình, không ai hiểu anh sao?
Cần trầm tư:
– Nếu có, chắc chỉ mình chú Thoại, nhưng giờ thì chú không hiểu cả bản thân….
Cần lại thở dài:
– Bởi vậy, tôi buồn lắm.
Thiên Di an ủi:
– Anh vẫn còn bạn bè mà.
Cần bỗng hỏi:
– Di là bạn tốt của tôi chứ?
Di gật đầu:
– Đương nhiên. Ở đây, tôi đâu quen ai ngoài anh.
Cần mỉm cười. Nụ cười của anh có vẻ gì ngơ ngác như trẻ thơ khiến Thiên Di thấy lòng ấm lại. Cô ân cần:
– Có chuyện gì buồn cứ nói ra, buồn sẽ vơi ngay.
Cần ranh mãnh:
– Giờ tôi hết buồn rồi. Cảm ơn Di đã chịu là bạn của tôi. Bây giờ, Di hãy kể về mình đi.
Thiên Di gượng gạo:
– Chuyện của tôi chán lắm.
– Chán, tôi vẫn muốn nghe.
Di chớp mi. Ký ức về ngôi nhà chật chội, nóng bức với ông bố nát rượu lại hiện về làm nhức nhối tâm trí cô. Thiên Di ngập ngừng rồi chậm rãi nói về gia đình, về những ngày tháng mình đã sống ở thành phố lớn đó và đọc thấy trong mắt Cần sự thông cảm thật sự.
Giữa hai người bỗng gần gũi hơn. Thiên Di nhìn những giò lan treo trong quán và nhận ra thật hạnh phúc, nếu có một người bạn chân chính.
Bà Thuỷ gằn từng tiếng:
– Dì nói lần cuối, không được qua lại với thằng đó. Hừ! Giòng họ nó chẳng tốt lành gì đâu.
Thiên Di cao giọng:
– Ở chỗ này buồn gần chết. Con chỉ có một người bạn, dì cũng không cho. Thật ra, Cần xấu ở điểm nào chớ?
Bà Thuỷ nói:
– Bên này với bên đó xích mích từ lâu. Con làm cho cậu Trác thì đâu thể quen với thằng Cần được. Dì phản đối tới cùng.
Quắc mắt nhìn Bà Thuỷ, Thiên Di cãi:
– Ai đưa ra quy định vô lý này? Con và ông Trác chỉ là quan hệ chủ tớ. Ổng không có quyền can thiệp vào chuyện riêng của con vì những ân oán riêng tư của ổng.
Bà Thuỷ vội nói:
– Dì cấm con quen nó vì mối hận của dì chớ không phải vì cậu Trác.
Trố mắt nhìn dì mình, Thiên Di ngạc nhiên:
– Dì…. dì và bên đó có thù oán à?
Gật đầu, bà Thuỷ kể bằng giọng căm hận:
– Hồi ở Sài Gòn lên đây, dì làm công cho bà Vui. Cùng giúp việc trong nhà với dì còn có một cô bé khoảng mười sáu, mười bảy tuổi trông khá dễ thương. Thằng Thế rất thích con nhỏ, nên nó cứ lân la sang nhà bà Vui. Nhân một hôm không ai ở nhà, nó đã…. làm bậy con nhỏ.

Nhìn vẻ mặt bàng hoàng của Di, bà Thuỷ nói tiếp:
– Cũng may dì đi chợ về kịp, nên con nhỏ thoát khỏi tay thằng quỷ nhỏ. Dì hăm sẽ tố cáo Thế. Chính vì vậy, nó đã vu oan để hại dì.
Mắt long lên, bà Thuỷ nghiến răng:
– Nó bỏ vàng vào túi xách của dì rồi vu lên là dì ăn cắp. Dù dì đã nói ra việc làm tồi bại của nó, nhưng chả ai tin, trái lại, họ tin Thế. Vậy là dì phải mang tiếng oan là ăn trộm và vu khống.
Thiên Di kêu lên:
– Còn cô gái ấy đâu, sao không làm chứng cho dì?
Bà Thuỷ nhếch môi chua chát:
– Vì tiết hạnh của mình, cô ta đã chối phăng, đồng thời đứng về phía Thế để đổ lỗi cho dì. Đời là vậy đó.
Di ấp ứng:
– Những chuyện này đâu liên quan tới Cần.
– Nhưng liên quan đến bà Vui. Mẹ nó biết dì vô tội mà vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Dì ghét cả họ nhà nó.
Thiên Di cãi lại:
– Nhưng Cần không phải là người xấu.
Bà Thuỷ tức tối mắng át:
– Ở đây phải nghe lời tao, không được bè bạn gì với thằng Cần. Tao còn nghe mách mày vào quán với nó nữa thì biết. Thị trấn này nhỏ như cái khăn tay, đừng để dì mày mang tiếng, nhất là mang tiếng vì giòng họ đó.
Nhìn bà dì mình ngoe ngoẩy bỏ đi, Thiên Di thở dài rầu rĩ.
Không bạn bè, không giao tiếp, không giải trí, không vui chơi. Trời ơi! Di biết phải làm gì khi đọc mãi tủ sách cũng vơi. Vứt cái gối ôm xuống giường, Di ra vườn cho thoải mái một chút, nhưng những lời dì Thuỷ kể lại vang vang trong đầu cô.
Dì Thuỷ đã từng bị mang tiếng oan. Vậy mà trước đây, dì không hề để lộ ẹ Di biết. Nhớ lần đầu tiên đến vùng đất này, Di phải quá giang xe của Thế. Và anh đã thẳng thừng cho cô biết dì Tư Thuỷ chả thích gì mình. Lúc ấy, Di nghĩ Thế nói chơi. Giờ thì rõ rồi. Thế thật đáng gờm. Thảo nào Cần luôn tỏ vẻ bất mãn những người thân của mình. Cần sống rất khác họ, bảo sao anh không chán gia đình cho được.
Làm sao để dì Thủy hiểu Cần đây? Thiên Di không muốn mất một người bạn như anh đâu.
Đang ngồi với mối tơ vò, Di chợt thấy Trác. Ông ta bước tới và tự nhiên ngồi xuống trên những bậc thềm bằng đá kế bên cô.
Thở ra một hơi thuốc lá, Trác hỏi:
– Đang suy nghĩ chuyện gì à cô giáo?
Với thái độ cảnh giác, Di lắc đầu:
– Dạ, đâu có.
Mắt hơi nheo lại đầy tinh quái, Trác gặng:
– Thật không?
Thiên Di làm thinh. Cô không hiểu sao ông chủ lại hỏi thế. Trác nói tiếp:
– Tôi biết chị Tư Thuỷ vừa nói gì với Di. Chị Tư có khe khắt khi không cho phép em làm bạn với Cần. Nhưng tôi sẽ ủng hộ hai người. Đừng quá lo như vậy.
Thiên Di ngập ngừng;
– Thật ra, tôi không có gì lo hết. Cần là người tốt, lại dễ mến, tôi chỉ ray rứt khi dì Thuỷ có ác cảm với ảnh.
Trác an ủi:
– Rồi dần dà chị Thuỷ sẽ nhận ra điều đó. Di cũng nên thông cảm với những khổ sở, oan ức chị Thuỷ đã trải qua.
Di bùi ngùi:
– Vâng. Bởi vậy, tôi đâu dám cãi lời dì Thuỷ.
– Di hy sinh tình cảm của mình à?
Thiên Di nói:
– Dùng từ hy sinh vào trường hợp này, dường như to tát quá. Không có bạn đúng là buồn, nhưng chọc giận dì mình, quả thật tôi không đành.
Trác chất vấn:
– Vậy em sẽ đối xử với Cần ra sao?
Ngậm nghĩ vài ba giây, Thiên Di bình thản trả lời:
– Tôi sẽ từ chối, nếu Cần mời đi uống cà phê. Vài ba lần, Cần sẽ hiểu. Là công tử con nhà giàu, đang học đại học, ảnh đâu có thiếu bạn.
Trác tủm tỉm:
– Nghĩ như em chưa hẳn đúng. Ai chả có bạn bè, nhưng để có một tri kỷ không phải dễ. Cần rất quý em. Cậu ấy đã nói thế với tôi. Và tôi hiểu từ “quý” cậu ấy nhấn mạnh có ý nghĩa thế nào.
Mặt Thiên Di ửng đỏ lên. Cô lẩm bẩm:
– Tôi…. nghỉ chơi anh ta ra là vừa rồi.
Trác bật cười vì cách nói như trẻ con của Thiên Di:
– Ấy đừng. Bạn hiền khó kiếm lắm. Đừng nên….nghỉ chơi. Rồi em sẽ ân hận đó.
Nói tới đây, Trác bỗng im lặng. Anh rít lấy rít để mấy hơi thuốc liên tục. Gương mặt chưa dứt nụ cười của anh chợt trở nên xa xôi, lặng lẽ.
Giọng Thiên Di lại vang lên:
– Tôi đã bị chú Thoại rượt một lần khi ra suối chơi.
Trác giật mình:
– Thật à?
– Đó cũng là lần tôi quen với Cần.
– Và cậu ta đã kể chuyện của tôi nên sau đó, em mới tưởng tượng ra chuyện nằm mơ thấy một gã điên rượt theo tôi và em?
Thiên Di nói:
– Giấc mơ ấy có thật. Tới bây giờ, tôi cũng không hiểu sao tôi lại mơ giấc mơ khủng khiếp đến thế. Lúc đó, Cần vẫn chưa hé môi với tôi về chuyện của chú Thoại. Sau này tự tôi tìm hiểu và hỏi mãi, anh ấy mới trả lời theo kiểu nhát gừng.
Trác nhún vai:
– Chuyện đó đâu có gì bí mật. Có điều nó đã quá cũ và nhàm chán nên tôi không muốn nghe nhắc lại.
Thiên Di liếm môi:
– Vậy, tôi xin lỗi ông.
Trác khoát tay:
– Đừng gọi tôi là ông nữa. Nghe chướng lắm.
Di lắc đầu:
– Tôi gọi khác sẽ bị dì Thuỷ la. Dì ấy muốn trong nhà phải có tôn ti trật tự. Nhất là trại Thùy Dương sắp có bà chủ.
Trác chép miệng:
– Phụ nữ đúng là rắc rối và cả nhạy cảm nữa. Có lẽ dì Thuỷ hiểu tánh ý của Phi Phụng. Nhưng tôi lại thích mọi sự giản dị, thân ái hơn cái kiểu cách dửng dưng của một số người tự xem mình cao sang, giàu có.
Nhìn Di, giọng anh chân tình:
– Hãy gọi tôi là anh như những người ở trại Thùy Dương.

Di tròn xoe mắt:
– Ôi! Tôi không dám đâu. Dì Thuỷ còn gọi ông là cậu, sao tôi gọi ông là anh được.
– Trời ơi! Cậu đây là cậu em đấy, cô nương à. Cứ gọi tôi là anh thoải mái.
Thiên Di liếm môi:
– Vâng. Nếu ông đã ra lệnh.
Trác lại cười. Anh thích cách nói hay đâm hơi của cô gái này.
Trác phà một hơi khói:
– Tôi vẫn chưa có dịp cảm ơn em đã sắp xếp lại những kệ sách giùm tôi.
Thiên Di hóm hỉnh:
– Tôi phải cảm ơn ông đã cho phép tôi đọc chúng mới đúng chớ.
Trác phật ý:
– Lại ông nữa rồi. Bộ tôi già lắm sao?
Thiên Di tủm tỉm. Cô chợt thấy ông chủ Trác không khô khan, khó gần gũi như cô từng nghĩ, trái lại, ông ấy có một chút trẻ con. Mà dường như người đàn ông nào cũng là một đứa bé con hay vòi vĩnh. Trác cũng thế thôi.
Trác hối hả:
– Sao em không trả lời?
Di nói như máy:
– Vâng, thưa anh.
Trác hài lòng:
– Vậy phải nghe được không.
Rồi anh quyền hành:
– Tới lễ hỏi của tôi, em sẽ đi với chị Thuỷ.
Thiên Di bối rối:
– Nhưng mà tôi…. tôi….
– Không có quần áo đẹp chớ gì? Tôi sẽ lo tất cả. Còn bây giờ, hãy báo cáo cho tôi biết tình hình học hành của tụi nhỏ. Em gặp khó khăn gì, cần gì? Cứ nói.
Thiên Di ngập ngừng suy nghĩ và mạnh dạn kể hết những thuận lợi, khó khăn trong việc dạy học.
Trác chăm chú lắng nghe rồi có vẻ hối tiếc:
– Tôi cứ nghĩ tìm được cô giáo cho bọn trẻ là đã xong trách nhiệm, nên lâu nay không quan tâm nữa, thật không phải chút nào. Di đề nghị rất đúng. Phải thành lập sân chơi, phòng đọc sách phù hợp với lứa tuổi. Tôi sẽ cho người làm một số xích đu, bập bênh cũng như san bằng khoảng đất sau trường để làm sân bóng đá mini. Em thấy những dự định của tôi thế nào?
Thiên Di cười thật rạng rỡ:
– Dạ, rất tuyệt ạ.
Trác chớp mắt vì gương mặt tươi rói của Thiên Di. Lúng túng, anh lại đốt ình điếu thuốc và vụng về nhả khói.
Anh không phủ nhận mình thích các cô gái đẹp. Anh đã chọn Phi Phụng vì cô đẹp. Đã là đàn ông, ai lại không rung động trước cái đẹp chớ.
Nếu đem so sánh, Thiên Di không thể bằng Phi Phụng về sắc, nhưng sự tự tin, tự nhiên ở cô lại làm chết đàn ông ở khía cạnh khác. Tên nhóc Cần lúng túng khi nghe anh nhắc tới Thiên Di cũng đúng thôi. Cậu ta giống Thoại ở cái tính đa cảm, thích được bảo bọc, nuông chiều. Di là mẫu người mà Cần đang tìm kiếm.
Mong sao cậu ta và Thiên Di sẽ là một đôi đẹp chớ không như Thoại và Cẩm Tú Cầu xưa kia. Nhất định anh sẽ đã thông tư tưởng bà Thuỷ, để bà không ngăn cản việc Thiên Di làm bạn với Cần nữa.
Mỉm cười nhìn Di, Trác hỏi:
– Em có bận gì không?
– Da, không ạ.
– Vậy chúng ta đi dạo được chớ?
Thiên Di ngạc nhiên:
– Ông muốn đi dạo à?
Trác gật đầu:
– Lâu lắm rồi, tôi không ra suối. Giờ còn độc thân, còn rảnh rỗi, sao lại không lang thang chút nhỉ?
Thiên Di chớp mắt:
– Chưa chi mà ông…. à quên, mà anh đã có vẻ tiếc thời được tự do của mình rồi. Nếu chị Phi Phụng nghe anh nói thế, chắc chị ấy sẽ giận.
Trác nhún vai:
– Khi muốn giận, người ta sẽ nghĩ ra trăm ngàn lý do.
– Và anh cũng có đủ trăm ngàn biện pháp để hoà giải?
– Em ranh lắm.
Thiên Di khúc khích cười. Tiếng cười trong veo của cô khiến Trác thấy mình trẻ lại. Anh nhớ đến thời còn đi học, nhớ những buổi ra suối chơi. Nhớ tiếng nước chảy róc rách và tiếng cười của Thuỷ Tiên, người yêu cũ của anh. Mới đó đã mười năm. Bây giờ Thuỷ Tiên ra sao? Cô có hạnh phúc với sự lựa chọn của mình không?
Lặng lẽ đi bên Thiên Di, Trác bồi hồi nhìn con suối nhỏ đang ẩn hiện trong những bụi dương xỉ và cỏ đuôi chồn.
Cảnh cũ vẫn còn, nhưng người xưa giờ đã xa xôi quá.
Giọng Thiên Di vang lên:
– Lần đó, tôi găp chú Thoại ở đây.
Trác gượng gạo:
– Thế em gặp Cần ở đâu?
Chỉ gốc cây thông già, Di nói:
– Ở đấy. Lúc tôi đang ngồi đó thì Cần xuất hiện thật bất ngờ.
– Làm tim em xao xuyến?
Di lắc đầu:
– Đâu có. Ảnh làm tôi rơi vào tư thế phòng thủ thì đúng hơn.
– Tôi thấy em đâu giống người đa nghi?
– Vậy là anh lầm rồi. Khi ra khỏi nhà, mẹ tôi dặn dò đủ thứ. Điều mà bà nhắc đi nhắc lại nhiều lần là “không được tin người “. Cho tới bây giờ, tôi vẫn tuân thủ triệt để lời khuyên ấy.
Trác nói:
– Chỉ cần nghe thế thôi, tôi cũng hình dung ra mẹ em như thế nào.
Thiên Di hỏi ngay:
– Mẹ tôi như thế nào vậy?
Trác trầm ngâm:
– Chắc bà là người chịu đựng giỏi, có kinh nghiệm sống dồi dào.
Thiên Di cười buồn:
– Anh đoán đúng được phân nửa. Mẹ tôi giỏi chịu đựng, nhưng kinh nghiệm sống của bà so với dì Thuỷ thì thua xa. Mẹ tôi rất khổ vì chồng.
Trác tỏ ra thông cảm:
– Tôi biết. Chị Thuỷ có nói về hoàn cảnh của gia đình em. Tôi nghĩ nếu có được một công việc ổn định, chắc ba em sẽ bỏ rượu.
Di thở dài:
– Cũng chưa chắc. Vì ba tôi đã nghiện rượu rồi.
Trác nhỏ nhẹ:
– Vậy sao em không đưa ba mẹ lên đây? Trang trại Thùy Dương vẫn còn rất nhiều đất chưa canh tác.
Thiên Di ngước mặt nhìn Trác và buột miệng:
– Anh đúng là người đang thừa hạnh phúc.
– Sao Di lại nói thế?
– Vì anh đang muốn ban phát hạnh phúc cho người khác theo kiểu của những kẻ giàu thích làm từ thiện.
Mặt Trác cau lại:
– Em nhiều tự ái quá. Vậy cứ coi như tôi chưa hề nói gì.
Dứt lời, Trác dằn gót làm những chiếc lá vàng khô vỡ vụn. Bối rối, Thiên Di lẽo đẽo theo sau. Giữa hai người là sự im lặng nặng nề.
Thiên Di chợt thấy mình ngốc. Cô ân hận hạ giọng:

– Xin lỗi anh.
Nhưng Trác không nói lời nào. Anh lặng lẽ bước đi trên những xác lá vô hồn.
Nằm ngã người trên salon với tư thế hết sức gợi cảm, Phi Phụng nũng nịu gọi Trác:
– Lại đây với em.
Đang đứng tựa cửa sổ hút thuốc lá, Trác búng ngay điếu thuốc hút dở ra ngoài rồi bước đến bên Phụng:
– Lại vòi vĩnh gì đây công chúa?
Phi Phụng cong cớn:
– Em là hoàng hậu chớ không phải công chúa.
Trác cười dễ dãi:
– Ờ thì hoàng hậu. Hoàng hậu cần gì ạ?
Vuốt nhẹ bắp thịt trên tay anh, Phi Phụng thì thầm:
– Chừng nào mình đi Sài Gòn?
– Anh đã nói rồi. Tuần sau.
Phụng nũng nịu:
– Mốt mình đi. Được không anh?
Trác lắc đầu:
– Đang vào mùa thu hoạch, anh không bỏ trại được.
Phi Phụng giận dỗi:
– Vậy là anh coi trọng công việc hơn em?
Trác nhíu mày:
– Công việc và em là hai thứ khác xa nhau, không thể đem ra so sánh được.
– Nhưng em muốn biết. Nếu phải lựa chọn, anh sẽ chọn ra sao?
– Anh sẽ chọn em. Bằng lòng chưa?
Mặt Phi Phụng tươi hẳn lên:
– Đã chọn em thì phải chiều ý em. Ngày mốt, chúng ta đi Sài Gòn. Em cần mua sắm một vài món để dự đám cưới nhỏ bạn.
Vòng tay vít cổ Trác xuống, cô hỏi:
– Chắc anh rất muốn phu nhân của trang trại Thùy Dương phải là người đẹp nhất, sang trọng nhất trong đám cưới đó chớ?
Trác nheo nheo mắt:
– Em muốn đẹp hơn cô dâu à?
Ngồi thẳng người lên đầy kiêu hãnh, Phi Phụng đáp:
– Em sẽ đẹp hơn cô dâu là lẽ đương nhiên. Cái em muốn là em phải sang trọng hơn, giàu có hơn cô ta kìa. Em muốn mọi người biết vợ của ông chủ trang trại Thùy Dương lúc nào cũng đứng nhất về mọi phương diện.
Giọng Trác thản nhiên:
– Bộ trang sức bằng bạch kim anh tặng em hôm đám hỏi cũng được lắm mà.
Phi Phụng xụ mặt:
– Em đã mang nó đi dự sinh nhật rồi, chẳng lẽ lần này lại mang nó nữa?
– Thì đã sao.
Giọng Phi Phụng sũng nước:
– Là người nổi tiếng làm chi cho khổ thế này. Đi tới đâu cũng bị thiên hạ chỉ trỏ ngắm nhìn. Thà em trốn ở nhà chớ nhất định không xuất hiện trước đám đông với hình tượng cũ. Quê lắm. Nhục lắm.
Trác cố nén bực dọc:
– Em mắc bệnh ngôi sao từ bao giờ vậy?
Phi Phụng sững lại vì câu hỏi của Trác, rồi cô oà lên:
– Em muốn tươm tất một chút, vì em là vợ sắp cưới của anh, nhưng anh lại không hiểu. Vậy thì thôi, em đâu dám yêu cầu gì cho bản thân nữa.
Vừa thút thít, Phi Phụng vừa ca cẩm:
– Đúng ra, em nên giữ thân phận mình, để biết giữa chúng ta vẫn còn một khoảng cách.
Trác ngắt ngang lời Phụng:
– Em đừng khóc nữa. Với em, anh không tiếc bất cứ thứ gì. Nhưng em phải thực tế một chút, chớ không thể sống với hư danh. Anh cần một người vợ hiểu anh, đồng cam cộng khổ với anh trong công việc, chớ đâu cần một hình tượng lộng lẫy giữa đám đông.
Phi Phụng im lặng đưa tay quệt nước mắt. Trác dịu dàng nâng mặt cô lên:
– Em rất đẹp. Không trang sức nào sánh bằng sắc đẹp của em. Em là thứ anh quý nhất trên đời. Anh đã hứa tuần sau đi Sài Gòn với em, thì nhất định tuần sau chúng ta sẽ có mặt ở Sài Gòn. Lúc ấy, mặc sức cho em mua sắm.
Phi Phụng đẩy tay anh ra:
– Tới lúc đó, em không cần nữa.
Trác kéo cô vào lòng:
– Lại giận rồi. Mặt em giận trông xấu quá.
Phi Phụng cố sức đẩy Trác:
– Kệ…. người ta. Ai bảo anh nhìn làm chi?
Trác lì lợm cúi xuống, Phi Phụng vờ ngúng nguẩy rồi cũng để Trác hôn. Chủ động kéo anh nằm xuống salon, cô mặc cho Trác vuốt ve. Phụng biết mình phải xoa dịu Trác. Anh là một người đàn ông thép, cô không thể dùng nước mắt để làm mềm trái tim anh. Trái lại, sắc đẹp, sự gọi mời của thân xác có thể khiến anh mê đắm. Khi đã mê rồi, cô sẽ điều khiển được anh thôi.
Nhưng khi chưa chính thức là vợ chồng, Phi Phụng phải biết treo cao giá ngọc. Cô thích làm anh điên lên vì ham muốn mà không được thỏa mãn. Đó là cách khiến Trác không thể bỏ cô được.
Giữ bàn tay háo hức của anh lại, Phi Phụng nhỏ nhẹ, nhưng dứt khoát:
– Đừng mà anh.
Trác nuối tiếc buông cô ra. Anh đốt thuốc rồi rủ:
– Đi một vòng trại với anh nha?
Phi Phụng uể oải:
– Ngoài việc phải đội nắng ra, có gì vui đâu?
Trác phấn chấn:
– Năm nay cà phê trúng đậm. Đi coi công nhân hái cà phê cũng có nghĩa là ước lượng mình sẽ thu vào bao nhiêu tiền đấy bà chủ ạ.
Phi Phụng thoái thác:
– Vừa ở Đà Lạt xuống, em còn mệt lắm. Để hôm khác, em sẽ đi với anh.
Trác hơi nhếch môi:
– Anh hiểu rồi. Vậy em cứ nằm nghỉ. Anh đi một mình.
– Không ở nhà với em được sao?
Giọng Trác vừa lạnh vừa khô:
– Không. Với anh, công việc rất quan trọng.
Dứt lời, anh bỏ đi một mạch. Đóng mạnh cửa phòng, Trác bỗng thấy bực dọc khi nhớ tới lời Phi Phụng nói lúc nãy. Có chút gì thất vọng làm cổ anh nghẹn cứng. Phi Phụng đua đòi hơn anh nghĩ nhiều quá. Anh dư sức đáp ứng mọi đòi hỏi của cô, nhưng nếu anh sa cơ thất thế, liệu Phi Phụng có cùng anh đi hết đoạn đời nghèo khó còn lại không?
Sao bỗng dưng câu hỏi khó chịu này lại khiến anh bận tâm nhỉ?
Đua đòi là tánh xấu của nhiều cô gái đẹp chớ đâu riêng Phi Phụng. Vả lại, cũng tại anh đã quá rộng rãi với cô. Mua cho cô toàn những thứ đắt tiền, nên Phi Phụng đã quen với nếp nghĩ: là hoa khôi, là vợ của một chủ trang trại lớn, cô không thể thua em kém chị.
Trác thở dài. Nếu Phi Phụng tiếp tục lối nghĩ này, có lẽ anh phải có cách giải thích.
Đẩy chiếc Citi ra, Trác phóng thật nhanh. Đã hơn mười hai giờ. Trời không còn lạnh nữa, nhưng gió vẫn làm anh phải kéo cao cổ áo.
Gần tới trường hoc, Trác giảm tốc độ khi thấy Thiên Di đang dắt học sinh qua đường. Tắt máy xe, dựng chống bên lề, Trác khoanh tay trước ngực, ngó đám trẻ ríu rít vây quanh cô giáo.
Nhìn Thiên Di đơn sơ trong cái áo len cũ màu xám và chiếc khăn choàng cổ màu đỏ, Trác thấy lòng mình chùng xuống khi nhớ tới cái áo da đắt tiền của Phi Phụng.
“Người đẹp vì lụa”. nhưng trông Thiên Di chả xấu chút nào trong bộ quần áo lỗi thời này.
Cô bước đến gần Trác, giọng tò mò:
– Anh đi đâu vậy?


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.