Bạn đang đọc Nỗi Bất Hạnh Tình Yêu: Chương 24
Trang thẫn thờ nhìn theo cái dáng đi quen thuộc của người đồng chí thân thiết của chồng cũ mình. Anh ấy tốt quá – bà nghĩ – một đồng chí đáng tin cậy. Nhưng sao có điều anh vẫn còn giấu mình, đúng hơn anh chưa dám thổ lộ với mình. Chẳng nhẽ anh ấy chưa tin ta. Cái ý nghĩ ấy tự nhiên làm bà xốn xang. Ta đã làm gì mất lòng tin nơi anh. Bà đi tìm kiếm nơi bà những gì đã làm ông nghi ngờ cái sự chân thật mà bà luôn bảo vệ, gìn giữ. Đối với bà, điều xấu xa nhất của con người là sự dối trá. Bà đau đớn mỗi khi nghe thằng Linh ấp úng nói dối bà một điều gì đấy. Lúc ấy bà bắt thằng Linh vòng tay lại, vẻ mặt nghiêm trang, bà hỏi:
– Linh, tính xấu nhất của con người là gì?
– Dạ thưa mẹ, tính xấu nhất của con nguời là sự dối trá.
– Con vừa nói dối mẹ.
– Con xin lỗi mẹ. Con xin mẹ tha cho con lần này nữa…
Nhiều năm sau này, bà vẫn nhớ cái giây phút đầu tiên ông đến với bà bằng chính đôi mắt chân thật của ông. Từ đôi mắt ấy, bà suy ra con người ông không màu mè, không dối trá. Bà ghi trong nhật ký của mình: “ Em chỉ chấp nhận sự chân thật, đấy là cái chính yếu của con người trong tất cả mọi tình cảm, ý nghĩ, hành động, nếu nó bớt đi một chút chân thật đã là cả một sự mất tin và đau khổ chứ đừng nói đến giả tạo – điều khủng khiếp nếu ai gắp nó trong cuộc sống mà không biết. Nhưng để hiểu được con người chân thật, không phải ai cũng dũng cảm nhận được dễ dàng.
Đấy là điều đầu tiên em nói chuyện, tâm tình được với anh. Và sau nữa là tình yêu, một tình yêu chân thật như đếm, không màu mè, nhưng lại hấp dẫn em trong những đêm chúng mình dạo quanh hồ Tuyền Quang ăm ắp mùi hoa sữa.
Anh nói với em:
– Đây là mùi hương đặc biệt của Hà Nội.
– Sao anh nói thế?
– Anh đã đi nhiều nơi. Quả thật chưa bao giờ anh bắt gặp cái mùi hương nồng gắt và lại gợi cảm đến như thế.
– Em hiểu, có phải đâu cái mùi hương hoa sữa làm anh xao xuyến. Chỗ này thì anh dối với em, nhưng lại là sự nói dối dễ thương… dễ “ghét” vô cùng.
Chính cái đêm Hà Nội se lạnh ấy anh đã nói với em, anh quyết định bỏ học để đi Cách mạng. Năm ấy anh đang học đệ tứ.
– Học sau vài ba năm cũng không muộn em à. Anh cầm tay em và nói.
– Hãy thi xong cái “diplome” rồi hẵng hay.
– Bạn bè ra đi gần hết, mình ở lại cũng ngượng, em à…
Đám cưới được tổ chức vội vàng không ai hiểu vì sao, anh ra đi cũng vội vàng, không ai hiểu anh đi đâu…Cho đến ngày anh trở về, cũng như xưa, rất chân thật anh nói:
– Nhớ em chịu không được…Anh đã trốn về…
Và vì sự chân thật ấy, em đã ôm ghì lấy anh, hôn nah như mưa trong đêm ngắn ngủi của cuộc đời hai người…
Anh Phương nói đúng – bà vẫn trong dòng suy tư về người chồng cũ của mình. Con người như anh ấy không bao giờ là con người phản bội – Phản bội tình yêu, phản bội Tổ quốc! Nhưng chẳng nhẽ những người đồng chí của anh lại đặt điều vu khống cho anh ư? Để làm gì? Bà chưa thể nào hiểu nổi. Và bà đã cắn răng lại chờ đơn vị quan tòa thời gian.
Điều duy nhất, cho đến hôm nay bà vẫn còn dám ngẩng mặt nhìn thẳng vào bác Phương mà không xấu hổ là bà đã hy sinh tình yêu của mìnhđể cứu Công khỏi bản án tử hình, mặc dù trước đấy bà đã làm một công việc ghê tởm là chỉ tay vào mặt ông, vạch tội đào tẩu của ông trước hàng ngàn con người của chính quê hương ông. Bà cho đấy là một vết nhơ dù bà có muốn quên đi thế nào chăng nữa thì cũng không thể được. Cái vết nhơ ấy hằn trong tâm khảm bà như một vết thương lòng, mỗi lần có dịp lại nhức nhối, gây cho bà những dằn vặt, khổ đau. Cho đến hôm nay chắc nhiều ngày sau này nữa, bà vẫn không thể nào quên được cái buổi sáng mùa đông năm ấy, cùng với bàn tay bà giơ ra, chỉ vào mặt ông – cái gương mặt mà bà đã từng ôm ghì vào ngực mình, đã từng đặt nụ hôn đầu tiên trong đời người con gái trinh trắng với tình yêu cuồng nhiệt, tình yêu son sắt thủy chung – là rừng cánh tay chĩa về phía ông và hàng ngàn tiếng hô: Đả đảo! Đả đảo!
Ông cúi đầu, gương mặt đau đớn, xanh xao gục xuống… Lúc ấy bà mong ông ngẩng đầu lên, nhìn vào đôi mắt bà để bà có thể nói với ông câu gì đấy, hay một lời van xin ông thông cảm bằng chính ngôn ngữ cảu đôi mắt bà. Nhưng ông đã không dám làm điều ấy.
Thuật đã cứu ông khỏi chết. Dù sao, bà vẫn cho đấy là hàng động dũng cảm. Và bà đã đền đáp công ơn ấy, không phải không suy nghĩ. Tất nhiên bà đã chấp nhận cuộc sống vợ chồng, cuộc sống xác thịt thật không dễ dàng. Điều đơn giản, tính bà không ưa giả dối.
Đêm đầu tiên Thuật ôm hôn bà, bà đã đẩy ông ra. Bà ghê tởm đôi môi con người này. Nhưng rồi sao đó, chính bà phải im lặng để cho con người ấy cởi từng chiếc cúc áo cảu bà ra…đặt tay lên khuôn ngực trần của bà, lên rốn bà, lên đùi bà… Bà im lặng và không dám khóc. Bà chịu đựng cho đến khi cơn thèm khát của ông qua đi và bà sẽ lén ngồi dậy, vào buồng tắm. đóng chặt cửa lại, òa khóc…Đêm này qua đêm khác, bà sống với ông trong tâm trạng đầy nghịch cảnh như thế.
Đứa con đầu tiên ra đời. Bà nghĩ, sẽ chấm dứt cái cảnh xác thịt không tình yêu ấy. Nhưng rồi bà đã không làm được điều bà muốn. Bà chợt nhận ra, bà không còn là người tự do thuở nào nữa. Một tháng sau bà lại phải để cho ông mở từng chiếc cúc áo của bà ra… Cuộc đời của bà là một chuỗi ngày dài cảu những chịu đựng.
Bà coi sự chịu đựng cuả mình như một nghĩa vụ, một trách nhiệm. Và mọi việc đối với bà cũng trở thành quen thuộc. Nhưng, chỉ có điều đối với đứa con riêng của bà, thằng Linh, dường như không hợp tính ông. Hồi nó còn bé, ông rất quí nó. Nhưng càng ngày bà không hiểu vì sao, ông càng muốn xa cách nó. Nó ít nói, ông cho nó kiêu ngạo. Nó chịu khó học, ông cho là nó bắt mánh, tránh việc. Nó học giỏi hơn hai đứa con ông, ông không vui. Khi nó bị bắt, dường như ông không biết xót xa và khi bà kèo nài ông bảo lãnh đưa con về, ông dè dặt với lý do hết sức mơ hồ: mình phải làm gương cho người khác. Nhưng nghe đâu, con đồng chí bí thư bị bắt, chính ông là người xách cặp, đánh xe đi xin cho bằng được…
Một lần bà hỏi, ông lẩn tránh. Và khi thấy bà tỏ vẻ buồn giận, ông an ủi:
– Người ta bắt nhầm nó thật, em à. Còn thằng Linh thì khác. Tòan bộ hồ sơ về việc nó ăn cắp được lưu đầy đủ, không sao chối cãi được. Em thông cảm, anh cũng đau xót lắm. Anh chỉ hy vọng, ở đấy, con nó sẽ trưởng thành…Không đến nỗi nào đâu em ạ. Anh thấy chúng nó học hành, lao động tiến bộ lắm. Nhiều đứa ở đấy ra, về địa phương, giữ những cương vị khá cao.
Anh hứa với em, cứ ba tháng một lần anh sẽ tranh thủ đi thăm và tiếp tế cho con một lần.
Ông đã làm làm đúng như lời ông hứa. Linh gửi thư về cho bà biết ông đã làm việc ấy đều đặn, tậhm chí lần nào cũng cho linh thêm tiền.
Nhưng không hiểu sao, mấy tháng rồi, không thấy con gửi thư về cho bà. Và đến ngày con được ra, bà nóng ruột và chờ đợi…
Thuật đã trở về, mệt mỏi nói với bà:
– Anh đã tìm nó khắp nơi, nhưng …
– Nó không có ở trại ư?
– Nó được trả tự do cách đây hơn một tháng…
– Chứ nó đi đâu?
– Nó mê một cô gái con một gia đình ở nông trường gần đấy – cô Nứa.
– Anh không đến đấy mà lôi nó về. Con cái rõ mất dạy…
– Nhiều lần anh nói với em, đừng cưng chiều nó.
– Khổ quá! Nhưng thằng bé ngoan thế chứ hư đốn gì cho cam.
– Nhưng nó đã phạm pháp mấy lần, em còn bênh nó ư?
– Em hỏi anh, sao anh không đến nông trường ấy lôi nó về?
– Anh có đến. Đường sá nông trường trông phát sợ. Tội nghiệp cái xe…Vất vả quá, cực nhọc quá! Nhưng nào có được gì. Người ta nói nó đã cuỗm tiền cảu gia đình và trốn đi đâu, không ai biết.
– Lại có chuyện như thế nữa?
– Khổ quá. Anh chẳng muốn nói chuyện với em một chút nào. Em cứ sồn sồn, làm như anh là tội phạm không bằng. Con như thế, phải bình tĩnh mà xem xét, mà giải quyết, lần hồi mà tìm về giáo dục…
– Tôi không tin! Tôi sẽ đích thân đến cái nông trường ấy hỏi cặn kẽ thực hư. Nếu quả đúng như thế, tôi sẽ trả lại tiền cho người ta yên tâm, không tìm kiếm nữa…
Thuật có hơn bối rối một tí. Nhưng đối với ông, những việc đe dọa của phụ nữ như thế chẳng cần phải để tâm. Ông ôn tồn đáp:
– Nếu không tin , hôm nào em định đi, anh sẽ bố trí xe đưa em đi.
– Tôi không cần, tôi tự đi lấy…
Đây có nhẽ là lần đầu tiên Trang không kìm giữ được mình. Suốt ngày hôm ấy bà nằm vật vã trong buồng. Một lần nữa trong đời, bà cảm thấy tâm hồn mình trống trải, cô đơn.
Tâm trí lại dẫn bà trở về với Công, người chồng cũ. Bà ao ước đựợc sống trở lại mối tình đầu của mình. Đã bao nhiêu lần vì trách nhiệm, vì bổn phận, bà đã cố quên mối tình đấy thơ mộng và cũng hết sức chân thành kia, nhưng càng như thế, bà càng khổ đau và hình ảnh người chồng ấy càng hiện lên rõ nét. Có lúc bà cảm thấy rõ như đang ôm lấy ông, nhìn thẳng vào đôi mắt trung thực và thông minh của ông…Nỗi nhớ lại cồn lên da diết. Và chính những lúc như thế, bà cảm nhận được điều hết sức sâu sắc rằng: không ai có thể thay thế người mình yêu, không gì có thể khỏa lấp được sự mất mát của mối tình đầu.
Cho đến bay giờ bà vẫn nghĩ rằng bác Phương là người duy nhất biết Công còn sống và ở đâu. Nhưng ông đã cố tình lẩn trấnh câu hỏi của bà. Có thể ông chưa tin. Cũng phải thôi, bởi bà đang là vợ của một phó bí thư tỉnh ủy…lần ấy Thuật đã nói với bà: “Tôi sẽ làm theo ý chị, tìm cách giải thoát cho anh ấy, với điều kiện anh ấy phải lẩn trốn thât xa, không được liên lạc với mẹ con chị, không bao giờ được trở về đây nữa”. Cũng phải thôi. Công vẫn chưa thóat khỏi bản án “đào tẩu” kia mà. Làm cách nào Thuật bảo vệ được. Ở phần này bà thông cảm cho Thuật.
Nhưng sao hôm ghé lại chơi nhà, Phương không hề hỏi Thuật lấy một câu. Ông có giận gì chồng bà? Trước đây, ba người cùng đến trọ học nàh ba kia mà. Ông ấy là một trí thức, tế nhị, sao ông lại đối xử như thế. Bà cố bắt mình trả lời câu hỏi do bà đặt ra, bên trong mang đầy những uẩn khúc.
Cùng là đồng chí, ông Phương nói: “Nhân danh đồng chí của anh Công, tôi bảo đảm với chị rằng, đấy là một đồng chí tốt, một đồng chí trung kiên của Đảng!”. Còn Thuật lại nói: “Chị phải đứng dạng chân như thế này này và dõng dạc thét lên: Mày là một tên đào tẩu, một tên Việt gian bán nước, một kẻ phản Đảng!!! Tội của mày là tội tùng xẻo, đáng cho ngựa kéo giày xéo trước bà con nông dân chúng tao!!!”.
Ôi, cuộc đời sao lại rối rắm và phức tạp đến như thế? Bà vùi mặt vào giữa đống chăn gối và chỉ mong sao đừng bao giờ phải nhìn thấy cuộc đời nữa!