Bạn đang đọc Nỗi Bất Hạnh Tình Yêu: Chương 23 – 2
Đây là thời kì năm 1953, thời kì đấu tranh giai cấp, thời kì giảm tô, chuẩn bị cho giai đọan cải cách ruộng đất, mà sai lầm của nó như nhát dao chém vào cơ thể mình – vết chém sâu quá! Công bị qui, bị chụp là con địa chủ, tư tưởng tiểu tư sản bấp bênh, dao động, lãng mạn…Và tội lỗi ấy, đến năm 1995 đã dẫn ông trở thành kẻ thù của nhân dân, của Tổ quốc và của Đảng.
– Thật đau xót – ông nói – Đảng đã mắc những sai lầm, dù có tàhnh khẩn sửa chữa thế nào đi nữa, cũng không bao giờ hàn gắn được những vết thương trên cái thân thể vốn cường tráng của mình sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thật đáng tiếc! Đảng đã tự mình chặt đi những cánh tay khéo léo và tài hoa của mình như Công, chỉ để lại…
– Sao anh? Trang sốt ruột hỏi.
Nhưng Phương đã biết mình nhỡ lời. Ông chỉ thốt lên câu ta thán:
– Thật đáng tiếc!
– Anh vừa nói chỉ để lại cái gì?
– Chẳng có gì dấu diếm, che đậy được với thời gian đâu chị à. Công lao và tội lỗi của biết bao triều đại từ cổ chí kim, trước thời gian, đều lần lượt được phơi bày ra trước nhân dân. Thời gian là quan tòa công minh nhất của nhân dân và khắc nghiệt nhất đối với nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền nào khiêm tốn, biết sợ quan tòa thời gian, nhà cầm quyền ấy tránh bớt được tội lỗi, ngược lại, nhà cầm quyền nào kiêu căng, ngạo mạn bất chấp tất cả, coi mình là anh minh sáng suốt, coi mình là vị cứu tinh thiêng liêng, là chân lý tuyệt đối, nhà cầm quyền ấy chắc sẽ rơi vào tội lỗi…Phải chờ thời gian. Thời gian cho ta thấy gương mặt thật từng triều đại và từng con người cụ thể chị ạ.
Chị thông cảm, hôm nay tôi nói hơi nhiều. Có thể là do cái chai bia xuất khẩu của chị, có thể là do không khí cởi mở nhà chị là nhân chứng, hoặc cũng có thể là nạn nhân đang chờ tòa thời gian phán xét… Thật lòng, tôi thương anh Công quá, đau xót trước số phận không may của anh ấy, của một người đồng chí tin cậy của chúng tôi, mà tôi thì lại bất lực. Thật nhục nhã cho cái thằng tôi chị ạ. Chị có thể chửi tôi thậm tệ. Tôi không trách gì chị đâu. Chửi là phải. Đã gọi là đồng chí với nhau, nghĩa là sống chết có nhau, thế mà khi bạn gặp nạn, mình khôngcách gì ra tay cứu đỡ. Làm thằng người có tim, có óc, sao không biết đau, không biết xót hả chị. Nhiều đêm, đối mặt với lương tâm mình, tôi thấy kinh tởm cho cái thằng đảng viên cảu tôi. Tởm quá chứ, phải không chị…Nhưng nghĩ lại, còn số phận vợ mình, con mình và cao cả hơn, thiêng liêng là số phận dân tộc mình đang đứng trước họa xâm lăng của kẻ thù. Tôi nói như thế, mong chị hiểu tôi phần nào. Tôi không phải là thằng tham sống – tất nhiên tôi không bao giờ giẫm lên bạn bè, đồng chí để thõa mãn những ham muốn đê tiện của mình, để dấn thân trên con đường chính trị.
– Anh không nói anh, thế anh ám chỉ ai, anh Phương?
– Tôi biết ai … mà ám chỉ. Tôi chỉ lấy cái thằng tôi phanh phui cho chị rõ, mong chị hiểu và thông cảm. Tôi cũng biết chị giận tôi, khinh tôi. Cũng phải thôi. Một thằng đồng chí đang tâm bỏ bạn, bỏ đồng chí mình giữa dòng thác oan ức, mà không giận, không khinh nó sao được… Tuy nhiên, cũng như chị, tôi đang chờ vị quan tòa thời gian. Tôi có giơ tay ra lúc này cũng không kéo anh ấy lên được…Tuy nhiên, ngược lại, người ta sẽ kéo tôi, dìm ngay giữa dòng thác oan nghiệt như họ đã dìm anh ấy.
– Người ta là ai thế, anh Phương?…Chẳng lẽ anh không tin tôi sao?
– Chị đừng hỏi tôi thêm gì nữa. Chị thông cảm cho tôi…Tôi đã nói với chị, hãy kiên nhẫn chờ đợi. Thế nào chân lý và lẽ phải cũng trở về với người lương thiện. Tôi tin chắc chắn như thế. Nếu đời chị, đời tôi mọi việc vẫn còn trong bóng tối thì đời thằng Linh con chị, đời thằng Châm con tôi, chúng nó sẽ đủ bản lĩnh và trình độ đưa ra ánh sáng tất cả những tội lỗi mà thế hệ trước nó đã làm…
– Mời anh uống thêm tí nữa…
– Cám ơn chị, tôi đủ rồi.
– Anh sợ say thì phải nói thật với tôi những điều anh định giấu chứ gì.
– Chẳng phải thế đâu chị ạ. Tôi luôn biết đối tượng trong cuộc nói chuyện cảu tôi là ai, tôi nên nói tới đâu là vừa…Cuộc đời còn nhiều…cạm bẫy lắm chứ. Tôi ngây thơ, tôi chết từ lâu rồi.
– Các anh trước là ba người bạn?
– Thì trọ học ở nhà chị mà lị. Chị học dưới chúng tôi một lớp thôi… Chúng tôi ở cùng làng. Công và Thuật ở giữa làng, tôi ở cuối làng, cùng ra Hà Nội học với nhau một lớp, nhưng rồi Thuật bỏ cuộc vì … học không vào. Và ba chúng tôi cùng đi vào cách mạng một ngày. Phải nói Côgn đã giúp Thuật rất nhiều. Phải nói chúng tôi mỗi người mỗi tính chị à. Thuật thâm trầm, sâu và thâm nữa. Yêu ghét rất ít khi anh ấy bộc lộ cho ai biết. Nhiều người cứ tưởng anh ấy quý mình, nhiệt tình với mình…đến khi nhận ra mình nhầm thì đã muộn. Công ngược lại, xởi lởi, dễ thương, dễ tin người lắm. Anh ấy đã chết vì cái sự cả tin ấy đấy.
Tôi may mắn hơn, ở một đơn vị khác. Về mặt thông minh, phải nói anh Công thông minh nhất. Tự nhiên, xã hội, đều khá. Thời kì đầu anh ấy đã kèm tôi cũng như kèm anh Thuật. Duy chỉ có điều tôi tiếp thu được, còn Thuật thì chịu…Có thể Thuật trách anh ấy. Tôi nói có hể, vì tính Thuật kín lắm, không bao giờ mình bộc bạch một cách chân thật. Nhưng phải nói rằng con người như Công dẫu cô muốn làm điều xấu cũng không làm được.
– Anh thì khéo hơn anh Công nhiều.
– Quả có thế, co với Công, chị ạ. Nhưng tôi không hề có dã tâm. Cho đến bây giờ, kiểm điểm lại mình, tôi chưa bao giờ phải ân hận rằng tôi đã đối xử tệ với bạn bè, hay đồng chí mình. Tôi không có tính ích kỷ, tính ghen tị bẩn thỉu – một tính xấu của con người chị ạ. Thóat khỏi cái tính ấy, mình thấy con người cao lớn hơn nhiều.
– Anh ăn thêm một tí cơm?
– Cám ơn chị, tôi đủ rồi…Đáng nhẽ tôi ở chơi với chị và các cháu thêm một buổi nữa, nhưng ngày mai tôi phải lên đường trở vào chiến trường rồi.
– Anh Phương … Tôi hỏi câu này, anh đừng giấu tôi nhé.
– Chị cứ hỏi.
– Anh có biết tin tức gì nhà tôi không ?
– …Tôi nghĩ, một người tốt như anh ấy, chắc gặp lành thôi. Chắc chắn là anh ấy còn sống…Thôi, tạm biệt chị. Khi nào trở ra tôi lại ghé thăm. Linh đâu, bác đi nhé…