Đọc truyện Nhạc Phi Diễn Nghĩa – Chương 61: Hồi thứ sáu mươi mốt
Cửa am Long Ngâm thành Long An có ông thầy xem chữ đoán mệnh cho người
rất nổi tiếng. Nơi ông ngồi coi bói, phía trên che sơ một tấm vải, phía
dưới .đề một chiếc bàn nhỏ có dán mảnh giấy đề hàng chữ Thành đô Tạ
Nhuận Phu, xúc cơ trắc tự.
Hôm ấy Vua Cao Tông và Tần Cối cải
trang đi vi hành, dạo khắp Lâm An để giải buồn. Đến trước am Long Ngâm,
thấy nơi đây, thiên hạ xúm xít đông đảo, vua và Thừa tướng không biết
việc chi cũng vội chen vào xem cho biết.
Cao Tông đứng xem Tạ Thạch coi bói, rồi nói:
– Tiên sinh hãy chiết giùm cho tôi một chữ xem nào.
Tạ Thạch nói:
– Được, ông hãy viết ra một chữ gì cũng được, để tôi bàn cho.
Cao Tông liền cầm bút viết ra một chữ “xuân rồi trao cho Tạ Thạch. Tạ Thạch cầm xem rồi cất tiếng khen:
– Chữ “xuân” tốt lắm vì người ta thường nói mùa xuân đứng đầu của một
năm, cứ theo chữ “xuân này mà bàn chắc chắn các hạ không phải là bậc
tầm thường, huống chi trong bốn mùa tám tiết, muôn vật đều nhờ.
Rồi Tạ Thạch lại hỏi Cao Tông:
– Chẳng hay các hạ muốn hỏi việc chi?
Cao Tông đáp:
– Tôi muốn tiên sinh bàn về việc chung thân.
Tạ Thạch cười ha hả đáp:
– Tốt lắm, tốt lắm. Về phương diện phú quí kể sao cho xiết, ngặt một nỗi
bị chữ Tần đè nặng lắm, nó làm cho mặt trời không sáng được, vì vậy nếu
có người nào họ Tần thì chẳng nên gần gũi họ, có ngày bị hại đấy.
Cao Tông thò tay vào túi lấy ra một đĩnh bạc thưởng cho ông thầy rồi đứng dậy nói với Tần Cối:
– Hiền khanh hãy bảo y bàn thử một chữ xem sao.
Tần Cối cực chẳng đã phải viết chữ “U” trao cho Tạ Thạch. Tạ Thạch tiếp lấy và hỏi.
– Chẳng hay quan khách muốn bàn về việc gì?
Tần Cối đáp:
– Tôi muốn hỏi về việc chung thân.
Tạ Thạch đáp:
Chữ “U” này trông bề ngoài thấy yên lành như núi Thái Sơn, song chính giữa
lại bị chữ tư là tơ nó ràng buộc, ấy gọi là: Song long tỏa cốt, thây thủ vô tồn (nghĩa là hai rồng trói xương, thân đầu sẽ mất) Bây giờ đây tuy
được quyền cao chức trọng tốt lắm, nhưng về sau này hễ gặp cứng thì suy
vong, cần phải lui cho sớm mới được.
Tần Cối nói:
– Tôi xin vâng lời tiên sinh.
Nói rồi cũng lấy bạc ra thưởng, rồi từ giã theo vua Cao Tông ra đi.
Trong đám ấy có người biết mặt liền gọi Tạ Thạch nói:
– Thầy đoán tuy hay, song tôi e không khỏi mang họa đấy, chính hai người
mới vừa chiết tự đó là đương kim Thiên tử và Tần Thừa tướng, thầy nói
mấy lời ấy lẽ nào thừa tướng bỏ qua sao?
Một người khác trong đám lại nói:
– Bây giờ chúng ta phải tránh xa chốn này để khỏi bị họa lây.
Ai nấy nghe nói khen phải rồi giải tán đi mất hết, Tạ Thạch cũng sợ hãi bỏ cả đồ đạc chạy trấn mất.
Khi Tần Cối đưa Cao Tông về đến triều rồi vội từ giã về trướng phủ, sai gia đinh đi bắt cho được Tạ Thạch. Gia đinh vâng lệnh chạy ngay ra đó,
nhưng ông thầy kia đã trốn đâu mất dạng rồi chúng tỏa ra tìm kiếm ba bốn ngày ròng vẫn không tìm thấy, buộc lòng phải về báo lại.
Tần Cối không biết làm sao đành bỏ qua.
Mấy hôm sau Tần Cối thấy Vạn Sĩ Hoa và La Võ Tập cứ dùng mọi cực hình tra
khảo cha con Nhạc Phi, ép buộc mãi tính đã hai tháng mà không được lời
khai, Tần Cối buồn bực vô cùng.
Hôm ấy đã hai mươi chín tháng
chạp, vợ chồng Tần Cối ngồi bên lò sưởi uống rượu với nhau, bỗng thấy có một người mang vào một phong thư. Tần Cối tiếp lấy xem; té ra chẳng
phải là thư mà là một lá đơn của một người dân tên Lưu Doãn Thăng viết
ra.
Chỉ vì Lưu Doãn Thăng thấy Nhạc Nguyên soái bị hàm oan, nên rủ một số đông dân chúng đứng chung vào lập tờ văn biểu dâng lên triều
đình để kêu oan. Tần Cối xem xong biến sắc mặt, Vương thị thấy thế hỏi:
– Thư gì mà Tướng công xem xong lại buồn bã như vậy?
Tần Cối bèn trao lá đơn cho Vương thị xem và nói:
– Tôi đã làm thánh chỉ giả, bắt cha con Nhạc Phi nhốt trong ngục thất hai tháng nay, nhờ hai tên tâm phúc là Vạn Sĩ Hoa và La Võ Tập dùng cực
hình tra khảo ép nó khai ra tội phản nghịch, nhưng đã gần hai tháng rồi
hắn không chịu khai, nay trong dân chúng có nhiều người hay biết được
việc này nên đồng lòng lập đơn kêu oan lên thánh thượng, nếu việc này đổ vỡ ra không phải là chuyện chơi, bằng nếu thả hắn ra thì e trái lệnh
Điện hạ Kim Quốc Ngột Truật nên tôi không biết phải làm sao cho phải.
Vương thị cầm lá đơn xem qua rồi mỉm cười lấy đũa viết trong đống tro một câu.
– “Phàm trói hùm dễ, chứ thả hùm rất khó”.
Tần Cối xem xong rồi gật đầu khen:
– Phu nhân nói rất chí lý.
Nói rồi lấy tay xóa ngay. Đang bàn luận bỗng có quân hầu bước tới bẩm:
– Có Vạn Sĩ Hoa lão gia sai người đem trái cam vàng đến dâng cho Thái sư giải rượu.
Tần Cối vừa thu nhận, Vương thị vội hỏi:
– Tướng công có biết trái cam vàng này dùng trong việc gì không?
Tần Cối thật thà đáp
Hoàng cam là thứ quả “tàng trở hỏa độc”, hãy sai a hoàn bổ ra để giải rượu.
Vương thị nói:
– Chớ nên bổ sợ hỏng việc, trái hoàng cam này chính là tay khoái tử có thể giết được Nhạc Phi đây.
Tần Cối ngạc nhiên:
– Nó là quả cam sao gọi là tay khoái tử?
Vương thị bày vẽ:
– Tướng công hãy móc trái cam này cho sạch ruột rồi viết ít hàng chữ bỏ
vào trong, sai người đem trả lại cho Vạn Sĩ Hoa, khiến y phải lập tức
trong đêm nay dẫn cha con Nhạc Phi đến Phong Ba đình giết phắt đi là
xong chuyện.
Tần Cối tiếp nhận ý hay, vô cùng mừng rỡ sai a hoàn
móc ruột quả cam cho sạch rồi viết một phong thư nhét vào, đoạn sai Từ
Ninh mang cam sang giao trả cho Vạn Sĩ Hoa.
Lúc bấy giờ Vạn Sĩ Hoa đã giam ba cha con Nhạc Phi mỗi người một biệt phòng không cho thấy
nhau. Đêm ấy Nghê Hoàn sắm ba tiệc rượu: hai mâm kia, sai ngục tốt bưng
đến cho Trương Hiến và Nhạc Vân, còn một mâm Nghê Hoàn bản thân bưng vào nói với Nhạc Phi:
– Đêm nay là đêm tất niên, nên tôi làm tiệc này đến mừng tuổi Nguyên soái.
Nhạc Phi nói:
– Ân công làm như vậy tôi lại càng mang ơn nặng. Nói rồi bước tới ngồi vào mâm bảo:
– Thôi ân công hãy ngồi với tôi.
Nghê Hoàn chấp tay đáp:
– Thưa Nguyên soái, tôi đâu dám.
Nhạc Phi khỏa tay:
– Không hề chi.
Nghê Hoàn cáo lỗi rồi ngồi một bên ăn uống với Nhạc Phi, rượu được vài tuần, Nhạc Phi nói:
– Xin ân công cứ tự tiện, vì hôm nay chắc ở nhà ân công cũng bầy tiệc
rượu mừng tuổi nhau, nếu ân công ở đây lâu sẽ làm cho gia đình trông
đợi.
Nghê Hoàn nói:
– Nguyên soái chớ lo điều ấy, tôi nghĩ
vì Nguyên soái đã làm quan đến chức này lại thêm công trạng không ai bì
kịp mà nay còn phải chịu khổ như vậy thay, huống hồ vợ chồng tôi có
nghĩa gì? Đêm nay tôi quyết ở đây bầu bạn với Nguyên soái cho tỏ chút
tình.
Nhạc Phi nghe xúc động bồi hồi. Hai người còn đang chuyện vãn, bỗng nghe bên ngoài có tiếng ồn ào Nhạc Phi hỏi:
– Tại sao hôm nay bên ngoài lại ồn ào như vậy?
Nghê Hoàn vội đứng dậy bước ra xem rồi trở vào nói:
– Trời mưa lớn lắm.
Nhạc Phi nghe nói thất kinh vội hỏi:
– Thật quả là trời mưa sao?
– Chẳng những mưa to mà thôi, lại có tuyết nữa, ấy là điềm tốt cho triều đình, sao Nguyên soái lại biến sắc như vậy.
Nhạc Phi nói:
– Vì ân công chưa rõ, nguyên ngày trước, khi tôi mới phụng chỉ về kinh,
đi ngang qua núi Kim San có ghé thăm ông Đạo Duyệt Thiền Sư người có bảo tôi khi về đến Lâm An sẽ gặp tai họa ngục hình. Người lại khuyên tôi
nên treo ấn từ quan để đi tu hành cho khỏi mang họa, bởi tôi quyết một
lòng tận trung vì nước nên không nghe lời, vì vậy khi tôi ra đi người
ngâm tặng tôi mấy câu kệ. Từ ấy đến nay tôi không hiểu được, nay trời
mưa đây thì đã ứng nghiệm rồi? Tôi e triều đình sắp giết tôi đây.
Nghê Hoàn ngạc nhiên hỏi:
– Chẳng hay mấy câu kệ ấy thế nào mà Nguyên soái lại quả quyết như vậy?
Nhạc Phi đọc:
“Tuế để bất túc
Đề phòng thiên khốc
Phụng hạ lưỡng điểm
Tương nhân hại độc”
Tôi nghĩ lại hôm nay là ngày hai mươi chín tháng chạp rồi, há không phải là “Tuế để bất túc” sao?
Nhạc Phi lại tiếp:
– Nay thình lình trời lại mưa tức là “thiên khốc” rồi, còn phụng hạ lưỡng điểm có nghĩa là dưới chữ “phụng” chấm thêm hai điểm không phải là chủ
“Tần là gì? Lại thêm bốn chữ chót là “Tương nhân hại độc” thì chắc
chắn Tần Cối lo mưu hại tôi. Vậy bốn câu trên đã ứng nghiệm rồi, còn bấn câu dưới như sau:
Nhạc Phi thong thả đọc tiếp:
Lão Cam Đằng nã
Thượng nhân nại hà.
Thiết ta bả đả
Lưu ý phong ba .
Bốn câu sau thiệt tình tôi giải chưa ra, song tôi cũng tin chắc hàm ý có
người hại tôi mà thôi. Vậy xin ân công làm ơn cho tôi .mượn bút mực để
tôi có chuyện dùng.
Nghê Hoàn vội đi lấy bút mực mang vào, Nhạc Phi viết một phong thư trao cho Nghê Hoàn và dặn:
– Xin ân công hãy cất lấy bức thư này, khi nào tôi chết rồi ân công sẽ
mang đến Châu Tiên trấn trao cho bạn hữu của tôi là Ngưu Cao và Thi
Toàn, vì hai người ấy hiện đang tạm chưởng soái ấn cho tôi, phần thì
trong đại dinh vẫn còn một bọn anh em, ai nấy đều là anh hùng hảo hán,
nếu chúng hay biết cái chết oan ức của tôi tất nhiên sẽ sinh sự làm hư
danh tiết. Xin ân công hãy trao thư này cho tận tay chúng để cứu triều
đình phen này và cũng giúp tôi khỏi mang tiếng, được vậy ân đức của ân
công không nhỏ.
Nghê Hoàn tiếp lấy phong thư và nói:
– Tôi
đã thấu hiểu tấm lòng của Nguyên soái lắm rồi. Nếu Nguyên soái thoát
khỏi chốn này thì không nói làm chi, bằng Nguyên soái có bề gì thì tôi
cũng không ham chút bổng lộc của triều đình mà quyến luyến ở đây làm gì. Tôi sẽ dắt hết vợ con về làng ở cho thong thả. Vả lại nhà tôi cách Châu Tiên trấn cũng chẳng bao xa, thuận đường tôi sẽ ghé đó trao bức thư này tiện lắm.
Câu chuyện của hai người đến đây, bỗng thấy một tên ngục tốt chạy vào kề tai nói nhỏ với Nghê Hoàn.
Nghe xong Nghê Hoàn biến sắc mặt, Nhạc Phi thấy vậy hỏi:
– Tại sao ân công ra vẻ thất kinh vậy?
Nghê Hoàn không giấu được, vội quỳ xuống bẩm:
– Có thánh chỉ đến rồi.
Nhạc Phi lại hỏi:
– Có phải thánh chỉ truyền giết ta không?
Nghê Hoàn đáp:
– Thưa quả thật như vậy, nhưng chúng tôi đâu dám.
Nhạc Phi thản nhiên nói:
– Đã có thánh chỉ triều đình lẽ nào dám chống lại? Ngặt vì có Nhạc Vân và Trương Hiến, ta e chúng sinh biến, xin ân công hãy gọi hai đứa ấy ra
đây cho ta liệu trước.
Nghê Hoàn lén sai người tâm phúc đi thông tin cho Vương Năng và Lý Trực hay, một mặt thì mời Nhạc Vân và Trương Hiến ra.
Nhạc Phi vừa trông thấy Nhạc Vân và Trương Hiến vội nói:
– Có thánh chỉ đến, chưa biết lành dữ thế nào, chúng ta hãy bó tay lại đặng tiếp chỉ.
Nhạc Vân nói:
– Con e triều đình muốn giết cha con mình đây, sao cha lại bó tay làm gì?
Nhạc Phi nghiêm sắc mặt bảo:
– Đã là phạm quan ra tiếp chỉ tất nhiên phải bó tay mới phải lẽ chứ.
Vừa nói bản thân lướt tới trói tay Nhạc Vân và Trương Hiến, rồi đưa tay mình ra sai ngục tết trói lại và hỏi:
– Chẳng biết bây giờ phải tiếp chỉ tại đâu?
Nghê Hoàn nói:
Tại Phong Ba đình.
Nhạc Phi nghe nói ba chữ “Phong Ba đình” liên cất tiếng than:
– Hèn chi trong lời kệ của Đạo Duyệt Thiền sư có câu “hãy lưu ý phong
ba ta cứ tưởng cần phải đề phòng sóng gió khi vượt sông vượt biển, ngờ đâu nơi ngục thất này lại có chỗ Phong Ba đình, thật tình ta không ngờ
ba cha con ta hôm nay lại phải chết tại chốn này!
Nhạc Vân và Trương Hiến cùng nghiến răng nói:
– Chúng ta lâu nay lăn lộn nơi hòn tên, mũi đạn cứu vớt giang san, nay
lại muốn giết chúng ta là nghĩa lý gì? Sao không ra tay đánh phá cho rồi còn đợi gì nữa?
Nhạc Phi nạt lớn:
– Đừng nói bậy, từ xưa
đến nay, hễ tôi trung không sợ chết, chúng ta đã đem thân liều mình
ngoài trận mạc bấy lâu, nay lại chịu mang tiếng phản nghịch sao? Chúng
ta có chết rồi thì ở chốn u minh cũng dương mắt nhìn xem đứa gian thần
nó hoành hành đến mức nào cho biết.
Nói dứt lời, vội rảo bước đến
Phong Ba đình, hai bên đao phủ quân cứ việc áp vào không nói chi hết,
chúng ra tay hạ sát cha con Nhạc Phi và Trương Hiến trong nháy mắt.
Năm ấy Nhạc Phi hưởng thọ được ba mươi chín tuổi còn công tử Nhạc Vân được hai mươi ba tuổi.
Khi linh hồn ba người tiêu diêu miền cực lạc rồi thì dông sấm ầm ầm, đèn đuốc tắt hết, mây kéo mịt trời, cát bay, đá lở.
Người đời sau đọc sử đến đây ai mà không đau lòng xót dạ! Càng thương cha con Nhạc Phi, càng chửi mắng Tần Cối là kẻ bất lương hại người trung nghĩa, nên có mấy bài thương tiếc Nhạc Phi như sau:
“Hai vai gánh nặng nợ giang sơn,
Xung trận bao phen dạ chẳng sờn.
Chí dốc phục hưng cho Tổ quốc.
Diệt loài Phiên tặc rửa căm hờn.
Căm hờn nung nấu tận tâm can,
Một dạ đem quân đánh Bắc Phiên.
Ai đã đang tâm, ngăn bước tiến?
Anh hùng vô cớ chịu hàm oan.
Oan kia nhắc đến lệ hờn tuôn,
Dám hỏi trời cao có đáng buồn?
Và giận quân gian, thù vạn thuở!
Ngàn đời dân chúng vẫn hờn căm.
Ai về Trung Quốc đến Kim Lăng,
Sẽ thấy trơ trơ tượng vợ chồng
Tần Cối đứng vòng tay chịu tội.
Mỗi người qua đó đánh ba côn”.
Khi Nghê Hoàn trông thấy cha con Nhạc Phi và Trương Hiến bị hạ sát rồi,
trong lòng đau đớn lăn ra khóc sướt mướt. Vương Năng và Lý Trực hay tin
vội lén mua ba chiếc quan tài để ngoài tường rồi vòng dây đem ba cái
thây ra ngoài tẩm liệm tử tế, đoạn đề tên trên mỗi nắp hòm để ngày sau
dễ tìm.
Suốt đêm hôm ấy, chúng khiêng ba chiếc quan tài đến Tây Hồ chôn giấu, còn Nghê Hoàn cũng không đợi đến trời sáng, lo sắp đặt đồ
đạc dắt vợ con trốn ra khỏi thành đi mất.
Vạn Sĩ Hoa và La Võ Tập thấy ba cha con Nhạc Phi đã chết rồi vội chạy đến dinh Tần Cối đợi lệnh.
Tần Cối vui mừng khôn xiết và hỏi:
– Lúc nó gần chết có nói gì không?
Hai tên gian nịnh đáp:
– Trước giờ nhắm mắt hắn bảo: vì không nghe lời Đạo Duyệt nên mới có cái
họa phong ba. Tôi tưởng thằng yêu tăng ấy không nên bỏ qua, và hôm nay
ta đã đi nhổ cỏ rồi không nên chừa gốc sợ qua xuân sau nó mọc lại. Sao
Thái sư không giả thêm một đạo thánh chỉ, sai người ra Thang Âm bắt hết
gia quyến của Nhạc Phi, giết chết tận tuyệt có phải hơn không?
Tần Cối gật đều khen phải và nói:
– Phiền nhị vị ra bảo Phùng Trung và Phùng Hiếu nội ngày mai phải đến
Thang âm bắt hết gia quyến của Nhạc Phi, chớ nên để thoát một người.
Hai tên gian thần lĩnh mệnh lui ra, Tần Cối lại gọi gia nhân vào căn dặn:
– Ngày mai ngươi hãy đến Kim San mời cho được Đạo Duyệt Thiền sư về đây, chớ nên để hắn trốn thoát.
Hà Lập lĩnh mệnh về nhà thưa với mẹ:
– Thái sư đã hại cha con Nhạc Nguyên soái rồi, nay người sai con đi bắt
Đạo Duyệt thiền sư. Vì vậy ngày mai con phải lên đường.
Hà mẫu nói:
– Con có đi thì phải cẩn thận.
Bây giờ nhằm năm Thiệu Hưng thứ mười ba, sáng hôm ấy là ngày mồng một tháng giêng. Hà Lập dời khỏi Lâm An thẳng ra Kinh Khẩu. Đi chừng một ngày đã
đến Trấn Giang tìm thuyền mướn qua Kim San.
Khi Hà Lập lên đến cửa chùa, nghe tiếng chuông đánh rền tai, thiện nam tín nữ lên xuống dâng hương dập dìu.
Hà Lập chen theo đám đông bước vào trông thấy Đạo Duyệt đang ngồi trên cao giảng kinh.
Hà Lập nghĩ thầm:
– Để lão giảng xong ta sẽ lừa lão đến Lâm An, dù lão có cánh cũng không thoát khỏi.
Còn đang suy nghĩ bỗng nghe Đạo Duyệt đem bốn chữ “Mộng Huyền Bào ảnh
giảng giải nghe rất bùi tai. Ai nấy đều xúm nhau niệm Phật.
Đạo Duyệt thiền sư giảng một hồi rồi ngâm tám câu kệ:
“Ngô niên tam thập cửu,
“Thị phi chung nhật hồ
“Bất vị tự kỷ thân,
“Chỉ vị đã khai khẩu,
“Hà Lập tự Đông lai,
“Ngã hướng Tây biên tẩu
“Bất thị Phật lực đại,
“Khởi bất lạc nhân thủ”.
Ngâm xong liền nhắm mắt chấp tay, tự hóa tại pháp tòa. Chúng tảng trông thấy đều reo lên một lượt:
– Sư phụ đã thành Phật rồi!
Hà Lập thất kinh nắm áo nhà tu trụ trì nói:
– Nay ta vâng mệnh Tần Thái sư đến mời Đao Duyệt Thiền sư chẳng ngờ người lại hóa mất, ta e trong ấy có gì âm mưu chăng? Nay ta về biết ăn nói
làm sao với Thái sư?
Nhà sư trụ trì nói:
– Thầy ta biết rõ
cả việc quá khứ, vị lai, có lẽ người biết Thái sư của ngươi đến mời
không có ý tốt nên mới lên tòa giảng kệ rồi thoát hồn qua khỏi Tây
Phương đấy. Việc đã hiển nhiên trước mắt, sao ngươi gọi là âm mưu?
Hà Lập nói:
– Bọn ngươi phải lập tức thiêu cái thây của Đạo Duyệt đi ta mới chịu về
phục mạng, nếu không bọn ngươi phải cùng đi với ta đến Lâm An ra mắt
Thừa tướng.
Tăng chúng đóng thanh nói:
– Việc ấy có khó chi?
Nói rồi lại sai Hỏa Công đạo nhân vác củi khô và bồi thêm chất đống tại chỗ rồi khiêng thây Đạo Duyệt để trên đống củi rồi nổi lửa đốt.
Trong giây phút lửa cháy rần, một luồng khói xông thẳng lên trời hóa ra tòa
sen năm sắc, có một vị Hòa thượng ngồi trên gọi Hà Lập bảo:
– Non
nước chẳng lâu, còn mất không biết chừng, ngươi phải tìm đường trốn đi
cho sớm, chớ nên lưu luyến chốn mê đồ. Thôi hãy về đi.
Nói xong
bay vụt lên mây. Tăng chúng chờ cho lửa tắt xúm lại lượm xương liệm vào
quan quách đem quàn phía sau núi rồi chọn ngày lành an táng.
Mọi
việc xong xuôi, tăng chúng mời Hà Lập vào phương trượng dọn cơm chay
thết thãi. Trong khi ăn uống, Hà Lập nói với chúng tăng:
– Tần
Thái sư hãm hại cha con Nhạc Phi, khi Nhạc Phi gần chết có hối hận rằng: Tại vì mình không chịu nghe lời Đạo Duyệt Thiền sư nên mới bị hại. Vì
vậy nên Tần Thái sư mới sai tôi đến đây lừa Thiền sư đến Lâm An để Thái
sư hãm hại. Chẳng dè Thiền sư lại là Phật sống xuống phàm nên biết trước đã hóa đi mất. Nay Phật đã dạy tôi phải tu hành cho sớm, ngặt vì nhà
tôi có mẹ già hơn tám mươi tuổi không lẽ tôi bỏ cho ai? Chờ cho mẹ tôi
trăm tuổi già rồi, nhất định rồi xin xuất gia đầu Phật.
Chúng tăng nói: Làm người ở đời như hoa trong kính, như trăng dưới nước, thoạt
còn, thoạt mất không biết chừng. Chúng tôi ở lại núi Kim San này thường
trông thấy những thuyền bè qua lại, có chiếc nào không vì danh lợi đâu?
Nhưng chiếc thuyền nào cũng bềnh bồng trên sự hiểm nguy, thế mà không ai biết nổi, phú quí vinh hoa chẳng qua là giấc chiêm bao.
Hà Lập nghe nói thấm thía gật đều khen phải rồi xuống thuyền trở qua Kinh Khẩu, lên bờ đi thẳng lên Lâm An đợi lệnh.
Nói về Nhạc phu nhân ngày kia đang lúc rảnh việc nói chuyện với dâu, một bên có vợ Trương Bảo ngồi nghe. Nhạc phu nhân nói:
– Từ ngày hai trẻ đi xuống Lâm An đến nay đã hơn một tháng, sau đó Trương Bảo đi thám thính cũng đều biệt vô âm tín, khiến lòng ta không an, tâm
thần hoảng hốt. Hồi hôm ta nằm chiêm bao thấy Nhạc Nguyên soái về đây
trên tay cầm một viên ngọc oan ương, không biết điềm chiêm bao ấy lành
dữ thế nào?
Ngân Bình tiểu thư cũng xen vào nói:
– Hồi hôm
con cũng nằm chiêm bao thấy đại huynh con cùng Trương tướng quân mỗi
người ôm một khúc cây về không biết điềm chiêm bao ấy tốt xấu thế nào?
Phu nhân lại nói:
– Linh tính cho mẹ biết, cha và anh con
chắc có điều bất tường nên mới khiến mẹ con ta sinh lòng sợ sệt, vậy nay phải sai Nhạc An lập tức đi thỉnh ông thầy đoán mộng về đây, để ông ta
bàn thử chiêm bao ấy dữ lành cho biết.
Nói rồi sai a hoàn ra bảo Nhạc An đi rước thầy đoán mộng. Chẳng bao lâu Nhạc An mời một vị sư bà đến ra mắt Nhạc phu nhân.
Nhạc phu nhân nói:
– Lâu nay Nhạc Nguyên soái về kinh không nghe tin tức gì cả nay ta lại
nằm chiêm bao thấy một điềm rất lạ lùng nên mời người đến đây bàn thử
lành dữ thế nào.
Vương sư bà nói:
– Việc ấy dễ lắm, để tôi thỉnh thần đến đây cho phu nhân hỏi thì biết rõ ngay.
Nói rồi vội bày ra một cái bàn chính giữa nhà, đốt hương lên vái râm râm,
đoạn viết bùa niệm chú, còn Nhạc phu nhân cũng bước đến quì lạy vái van.
Hồi lâu, bỗng thấy Vương sư bà vùng trợn mắt lên, lấy roi múa nhảy và nói lớn:
– Ta là Dịch Du Thần đây, pháp sư thỉnh ta đến đây có gì không, hãy nói cho mau?
Nhạc phu nhân lẩm bẩm vái:
– Chỉ vì chồng tôi là Nhạc Phi khâm triệu về kinh, cả đến con tôi là Nhạc Vân và tướng quân Trương Hiến đến đó cũng biệt vô âm tín. Xin nhờ tôn
thần mách bảo cho tôi biết dữ lành.
Vương sư bà nói:
– Đúng là có huyết oan chi tai rồi.
Nhạc phu nhân lại hỏi:
– Khi hôm tôi lại nằm mộng thấy người về trên tay cầm một viên ngọc oan ương, chẳng biết lành dữ thế nào?
Vương sư bà nói:
– Viên ngọc ấy tượng trưng cho chiếc táng oan ương đấy.
Ngân Bình cũng quì xuống nói:
– Tôi cũng nằm chiêm bao thấy đại huynh tôi và Trương tướng quân mỗi người đều ôm một khúc cây về điềm ấy thế nào?
Vương sư bà đáp:
– Nếu vậy hai người ấy hưu hĩ rồi.
Nhạc phu nhân hoảng sợ hỏi:
– Xin người nói rõ hơn. Vương sư bà đáp:
– Người ôm cây tức chữ nhân đứng bằng chữ Mộc, quả thật là chữ Hưu rồi còn chi.
– Dứt lời. Vương sư bà nằm lịm đi một lát mới tỉnh dậy.