Đọc truyện Nhạc Phi Diễn Nghĩa – Chương 62: Hồi thứ sáu mươi hai
Nhạc phụ nhân thấy sư bà tỉnh dậy liền thuật lại các việc cho Vương sư bà nghe, Vương sư bà nói:
– Tôi thấy một vị thần kim khôi kim giáp tay cầm roi đồng đến xô tôi một
cái, bỗng dưng tôi mê man bất tỉnh không còn biết gì nữa cả.
– Xin phu nhân và tiểu thư hãy an tâm, phàm người lành luôn luôn có trời phù
hộ. Gần nhà tôi có cái miếu Linh Cảm Đại dương thiêng lắm, ngày mai phu
nhân hãy đến đó mà vái van, khẩn cầu sẽ được bình an vô sự.
Phu nhân lấy một nén bạc thưởng cho Vương sư bà, bà tạ ơn rồi từ biệt ra về.
Nhạc phu nhân cùng dâu con bàn luận với nhau, nửa tin nửa ngờ. Bỗng thấy
Nhạc Lôi, Nhạc Đình, Nhạc Lâm, Nhạc Chấn, cùng với con của Nhạc Vân là
Nhạc Thân, Nhạc Phủ, chú cháu từ ngoài dắt nhau vào.
Nhạc Chấn nói:
– Hôm nay là tiết nguyên tiêu, sao mẹ không bảo gia đinh nó treo đèn, để thắng thưởng tiết lành?
Nhạc phu nhân nói:
– Con chỉ biết một việc vui chơi chứ không nghĩ gì cả, từ ngày cha con và anh con và Trương tướng quân xuống kinh đô đến nay biệt vô âm tín,
không biết lành dữ thế nào thì vui gì mà hưởng tiết?
Nhạc Chấn nghe nói làm thinh đứng sang một bên, Nhạc Lôi bước tới thưa:
– Xin mẹ hãy yên tâm, để ngày mai con sẽ xuống Lâm An hỏi cho rõ tin thân phụ và các anh con xem sao.
Nhạc phu nhân thở dài nói:
Đến như Trương Tổng binh ra đi còn không thấy trở về, huống chi con còn thơ dại làm chi cho được.
Mẹ con đang bàn luận, bỗng thấy Nhạc An chạy vào bẩm:
– Có một vị hòa thượng đến nhà ta muốn ra mắt phu nhân để nói việc cơ mật, hiện người đang đứng ngoài kia.
Phu nhân nghe nói trong lòng nghi hoặc, vội sai Nhạc Lôi ra xem. Nhạc Lôi
ra cửa thấy vị hòa thượng còn đang đứng đợi, chàng lên tiếng hỏi:
– Chẳng hay sư phụ ở đâu đến đây?
Vị hòa thượng không nói năng gì, cứ việc rảo bước đi vào thính đường. Nhạc Lôi phải đi theo sau. Đến nơi, ông quay lại làm lễ rồi hỏi:
– Túc hạ là ai?
Nhạc Lôi đáp:
– Tôi tên là Nhạc Lôi.
Thế Nhạc Nguyên soái là gì của túc hạ?
– Thưa, người chính là phụ thân tôi.
Vị hòa thượng gật đầu nói:
– Nếu quả túc hạ là công tử, tôi mới dám nói, tôi đây chính là Đại Lý Tự
Chánh Khanh Châu Tam Húy, thừa lệnh Tần Cối tra khảo lệnh tôn, hắn lại
ép tôi giết hại lệnh tôn nữa, tôi không nỡ, nên treo ấn từ quan trấn đi, hắn lại sai Vạn Sĩ Hóa dùng cực hình tra tấn nhưng lệnh tôn không chịu
khai, sao đó tôi lại nghe có một vị Tổng binh tên Trương Bảo liều mình
tự vẫn tại ngục trung.
Mọi người phía sau bình phong nghe Châu Tam Húy nói đến đây vùng khóc rống. Rồi Châu Tam Húy tiếp tục kể đến việc
cha con Nhạc Nguyên soái thác oan tại Phong Ba đình vào ngày hai mươi
chín tháng chạp.
Lúc ấy cả nhà già trẻ bé lớn đều kinh hồn hoảng vía khóc lóc thảm thiết.
Châu Tam Húy khuyên giải:
– Xin phu nhân đừng khóc lóc nữa, hãy để lo việc lớn, tôi không phải với
mục đích báo tin mà thôi mà còn muốn cho Nguyên soái khỏi bị tuyệt tụ về sau, vì chẳng mấy chốc nữa khâm sai sẽ đến đây bắt cả dòng họ Nhạc giết cho tận tuyệt.
Nói đến đây, Châu Tam Húy vội từ biệt ra đi, phu nhân bước nhanh ra gọi giật lại nói:
– Xin ân công hãy chậm bước để chúng tôi tạ ơn đã.
Vừa nói vừa dắt cả gia đình ra quỳ xuống một lượt tạ ơn, Châu Tam Húy cũng quỳ xuống đáp lễ rồi đứng dậy nói:
– Phu nhân hãy lo cho công tử trốn đi xứ khác cho mau để sau này có người hương khói dòng họ Nhạc. Bần đạo xin kiếu từ ngay bây giờ.
Bọn
công tử đều theo đưa Tam Húy ra cửa rồi trở lại ôm nhau than khóc. Nhạc
phu nhân gọi dâu con vào trong bảo lấy các giấy nợ cùng các tờ giấy mướn của bọn gia đinh đốt hết, đoạn kêu hết bọn gia đinh vào bảo:
–
Nay đại lão gia chết rồi, các ngươi chỉ là người ngoài không nên chịu
liên lụy, vậy các ngươi phải lập tức dắt nhau đi tìm xứ khác làm ăn cho
an phận.
Nói đến đây phu nhân khóc ròng, cả nhà lớn nhỏ đều than
khóc. Lúc ấy có Nhạc An, Nhạc Thanh, Nhạc Đình và Nhạc Bảo là bốn người
đầy tớ già lên tiếng nói:
– Nay bốn anh em tôi tình nguyện theo
phu nhân và công tử xuống kinh cho tròn nghĩa tớ. Trong mấy anh em nếu
có ai muốn đi thì nói còn ai không muốn đi thì phải tìm chỗ khác làm ăn
cho sớm, chớ nên chậm trễ không toàn tính mạng đấy.
Bọn gia nhơn đều đồng thanh nói:
– Chúng tôi xin tình nguyện theo hết xuống kinh, mặc cho gian tặc có chém giết chúng tôi cũng vui lòng làm rạng danh cho lão gia.
Nhạc An nói:- Nếu được như vậy thật là hiếm có. Nói rồi quay lại thưa với phu nhân.
– Xin phu nhân chớ lo cho chúng tôi, vì chúng tôi đã tình nguyện làm rạng rỡ danh tiếng cho lão gia, duy có một việc lớn chưa tính xong, nghĩa là phu nhân phải cho một vị công tử nào đó đi lánh nạn cho sớm, ấy là việc cần thiết hơn hết.
Phu nhân nói:
– Các ngươi tính vậy cũng phải, song con ta biết đi xứ nào cho được an thân bây giờ?
Nhạc An nói:
– Chẳng lẽ lão gia lại không có người bạn nào chí thiết sao? phu nhân hãy viết một phong thư bảo công tử cầm đến đó thế nào người cũng bảo vệ.
Phu nhân nghe nói khóc ròng và kêu Nhạc Lôi vào bảo:
– Con hãy đi lánh nạn cho mau?
Nhạc Lôi thưa:
– Xin mẹ hãy bảo mấy em con đó, xem đứa nào muốn đi thì hãy cho nó đi,
chớ riêng phần con đã quyết một lòng bảo hộ mẫu thân xuống kinh mà thôi.
Nhạc An xen vào nói:
– Công tử chớ nên dùng dằng, hãy sắm
sửa lên đường cho sớm, sách có câu: “Phàm con người ở đời không con nối
dòng là bất hiếu nhất”, không lẽ lão gia có một trăm con cũng phải xuống đó cho gian thần nó giết hết hay sao? Cần phải lánh đi một vài người đề phòng ngày sau tìm hài cốt lão gia về chôn cất cho tử tế, và sau này
còn báo cái thù nhà thì mới không uổng thân phận làm người đứng trong
trời đất. Thôi, phu nhân hãy viết thư cho nhanh lên, để tôi vào sắm sửa
hành lý sẵn sàng cho công tử.
Nói rồi chạy vào trong lấy tiền bạc
quần áo gói tử tế, đoạn lấy áo cũ đem ra thay cho công tử. Còn phu nhân
thì lau nước mắt viết một phong thư trao cho Nhạc Lôi và bảo:
–
Con hãy mang bức thư này sang Ninh Hạ trao cho quan lưu thú là Tông
Phương, nếu người biết nghĩ tình cũ nghĩa xưa chắc chắn sẽ hậu đãi con,
con phải lo cho tương lai của dòng họ Nhạc, đi dọc đường phải cho hết
lòng cẩn thận!
Nhạc Lôi bất đắc dĩ phải lãnh thư rồi lạy mẹ với chị dâu từ biệt tất cả mọi người trong nhà rồi sắm sửa ra đi.
Cả nhà đều khóc lóc và dắt nhau theo đưa công tử ra khỏi cửa, đoạn vào nhà ngồi yên chờ thánh chỉ.
Nhắc qua vợ con Ngưu Cao, ở tại Ngẫu Đường quan, sinh được một đứa con trai
lên mười lăm tuổi, đặt tên là Ngưu Thông, da đen như nhọ chảo, da mặt
vàng, tóc cũng vàng hoe, vì vậy mọi người đều gọi là Kim Thái Tuế, y
cũng là một vì tinh tú hạ phàm nên thân tài hùng vĩ hai tay mạnh mẽ cử
ngàn cân một cách dễ dàng.
Nhân ngày mùng mười tháng giêng là ngày sinh của Kim Tổng binh, Ngưu phu nhân bèn dắt Ngưu Thông ra sau hậu
đường lạy mừng, Kim Tổng binh mời hai mẹ con Ngưu phu nhân ngồi vào tiệc rượu mừng xuân thọ.
Rượu được vài tuần, Kim Tổng binh nói:
– Tôi xem nay cháu đã khôn lớn rồi, võ nghệ cũng tinh thông lúc trước tôi có nghe Nhạc Nguyên soái khâm triệu về kinh, giao soái ấn lại cho Ngưu
tướng quân chấp chưởng, ý tôi muốn cho cháu nó ra đó tìm chỗ xuất thân,
té ra hôm qua nghe quân tế tác về báo rằng Nhạc Nguyên soái đã bị gian
thần Tần Cối hãm hại chết tại ngục trung. Việc ấy chưa biết thật giả ra
sao nên tôi có sai người đi thám thính chờ người ấy về, mới tin chắc.
Phu nhân nghe nói kinh hãi:
– Gian thần đã vu khống cho Nguyên soái tội phản nghịch tất nhiên phải bị tru di tam tộc, thế thì cả nhà họ Nhạc còn gì? Vậy thì Ngưu Thông phải
đi qua đó rước cỏn của Nhạc Nguyên soái về đây lánh nạn để cho dòng họ
Nhạc khỏi bị tuyệt tự, chẳng biết ngài nghĩ sao?
Kim Tổng binh đáp:
– ý kiến hay lắm, song phải đợi cho quân thám thính về đây xem thử có quả như vậy không rồi hãy cho cháu nó đi.
Ngưu phu nhân nói:
– Tướng quân nói vậy sao được? Vả chăng Trương Châu cách đây hơn tám chín trăm dặm, nếu quả vậy triều đình sẽ sai ra đó bắt ngay, nếu chờ cho
quân thám tử về đây sẽ chậm trễ mất.
Ngưu Thông xen vào nói:
– Nếu vậy thì không nên chậm trễ, nội ngày nay con phải lên đường tuốt
qua Thang âm cho kịp, nếu vô sự thì đến thăm bác gái bằng có biến cố thì sẽ đón một vị công tử về đây để lánh nạn.
Kim Tiết nói:
– Thế thì sắm sửa hành lý và chọn một con ngựa tốt ngày mai lên đường, ta cho một tên gia đinh đi theo cháu cho có bạn.
Ngưu Thông cau mày nói:
– Thúc phụ làm quan đã bao lâu sao không biết gì cả vậy? Việc vô cùng bí
mật mà làm chi cho rộn ràng, chứ hai cái cẳng của cháu không biết đi sao lại còn ngựa voi nữa?
Ngưu phu nhân lườm Ngưu Thông quát:
– Loại súc sinh dám ăn nói lỗ mãng với Thúc phụ mi như vậy sao? Thôi để mai sáng sẽ đi.
Tiệc xong, ai về nhà nấy, Ngưu Thông về đến thư phòng ngồi nghĩ thầm: “Sự
việc gấp rút như lửa cháy bên lưng mà ai nấy đều tính việc trồng xoài.
Nếu như anh em họ Nhạc đều bị giết hết có phải dòng họ Nhạc sẽ không có
ai thừa kế không? Thôi để ta tiện lên đường cho sớm thì hay hơn”.
Nghĩ rồi, chờ cho trời tối, Ngưu Thông lén gói quần áo mang trên vai, tay cầm đoản côn bước ra nói với quân giữ cửa:
– Ngươi vào bẩm lại với lão gia rằng, ta đi thăm bà con ít hôm rồi trở về ngay, ở nhà chớ nên trông đợi.
Nói rồi lướt ra khỏi cửa chạy như dông. Quân giữ cửa không dám cản trở, để Ngưu Thông đi rồi mới chạy vào bẩm lại.
Kim Tổng binh tin cho Ngưu phu nhân hay rồi vội vã lấy quần áo và tiền bạc
gói lại tử tế rồi sai người đuổi theo suốt đêm hơn năm sáu dặm đường vẫn không theo kịp Ngưu Thông, người ấy đành phải về chờ lệnh. Kim Tổng
binh không biết tính sao đành phải bỏ qua.
Khi Ngưu Thông ra khỏi
cửa tung mình chạy như bay, ngày đi đêm nghỉ đói ăn khát uống, chẳng mấy đến huyện Thang âm tìm đến Nhạc soái phủ, vái tên giữ cửa một cái rồi
không cần nhờ thông báo, cứ việc đi thẳng vào trong, bước tới nhà đại
thính nhằm lúc Nhạc phu nhân đang có mặt ở đó.
Ngưu Thông cúi đầu làm lễ rồi tự xưng tên họ của mình. Nhạc phu nhân vùng khóc rống lên nói:
– Nay cháu đến thăm bác mà rủi ro Nhạc nguyên soái và anh cháu đã bị gian thần hãm hại bỏ mạng trong ngục thất rồi?
Ngưu Thông đáp:
– Cũng vì mẹ cháu hay được tin dữ ấy nên sai cháu đến đây rước anh cháu
về đó ty nạn. Nay bác và đại huynh thác rồi, vậy bác hãy cho nhị đệ theo cháu về bên ấy gấp nếu để thánh chỉ đến thì thoát thân sao kịp?
Phu nhân nói:
– Nhị đệ của cháu đã qua Ninh Hạ tìm Tông công tử rồi.
Ngưu Thông bực mình nói:
– Sao bác lại cho nhị đệ qua bên ấy làm chi? Từ đây qua đó đường xá xa
xôi làm sao an tâm được? Chẳng hay nhị đệ đã đi bao lâu rồi?
Phu nhân đáp:
– Hắn mới đi hồi sớm mai này.
Ngưu Thông vui vẻ đáp:
– Thế thì không hề chi, cháu chạy mau lắm, để cháu tiếp theo kiếm nhị đệ, nếu gặp được thì anh em dắt nhau đi Ngẫu Đường quan luôn cho tiện.
Nói rồi từ biệt phu nhân bước ra ngoài, kêu bọn gia nhân hỏi:
– Nhị công tử đi về hướng nào vậy?
Gia nhân đáp:
– Thưa công tử đi về hướng Đông.
Ngưu Thông nghe nói vội cắm đầu chạy thẳng về hướng Đông như tên bay.
Nói về Khâm sai là Phùng Trung và Phùng Hiếu dắt bọn Hiệu úy dời khỏi Lâm
An nhắm Tương Châu thẳng tiến, chẳng mấy hôm chúng đã đến Thang âm tìm
đến soái phủ bổ vây bốn phía.
Nhạc An chạy vào phi báo, phu nhân vừa muốn ra tiếp chỉ nhưng con Trương Bảo là Trương Anh liền cản lại thưa:
– Xin phu nhân hãy chậm bước để cháu ra trước hỏi cho rõ ràng đã.
Trương An tuy mới mười ba mười bốn tuổi mà thân hình vạm vỡ sức mạnh phi
thường, chàng xông ra cửa thấy quân Hiệu úy la hét om sòm muốn phá cửa
vào.
Trương Anh nổi giận hét vang trời dậy đất:
– Chúng bay muốn hành hung hả?
Tiếng hét Trương Anh làm cho bọn Hiệu úy thất kinh không dám rục rịch.
Phùng Trung hỏi Trương Anh:
– Ngươi là ai?
Trương Anh dõng dạc đáp:
– Ta là con của Mã Tiền Trương Bảo, Trương Anh là ta đây, đối với chúng
bay ta xem như loài giun dế, dầu cho đôi ba ngàn binh mã đi nữa ta cũng
không đếm xỉa gì ngặt một nhà của Nhạc lão gia đều tận trung, chí hiếu
nên ta chẳng muốn làm hư danh tiết thành thử phải ra hỏi chúng bay cho
rõ đó thôi.
Phùng Trung nghe nói cũng hơi ngán nên dịu giọng hỏi:
– Chẳng hay Trương quản gia muốn hỏi việc chi?
Trương Anh nói:
Bọn ngươi đến đây ta thừa hiểu là lũ gian thần nó sai đi bắt hết gia quyến
nhà ta, song chẳng hay chúng bay muốn bắt văn hay bắt võ?
Phùng Trung lại hỏi:
– Bắt văn là bắt thế nào bắt võ là bắt thế nào? Xin Trương quản gia giải thích cho, chứ thật tình tôi không rõ đó thôi.
Trương Anh nói:
– Như muốn bắt văn thì chỉ một người vào phủ mà thôi, đem thánh chỉ đọc
lên rồi sắm xe ngựa sẵn sàng để chở cả gia quyến họ Nhạc đi, còn bắt võ
nghĩa là bỏ vào xe tù giải đi, thì ta sẽ giết chết bọn bay trước rồi sẽ
xuống Lâm An trình diện. Ta bảo vậy nhưng tùy ý bọn bay muốn hành động
thế nào cũng được, nếu như đứa nào không sợ thì hãy xông đại vào đây.
Vừa nói vừa nhặt một khúc cây dài chừng hai thước to bằng bấp vế, kê vào
đầu gối bẻ làm hai đoạn trông rất nhẹ nhàng như bẻ chiếc đũa con vậy,
rồi mỗi tay nắm một khúc cây đứng ngay giữa cửa, đôi mắt tia ra ánh hào
quang nhìn gườm gườm làm cho bọn Hiệu úy kinh hồn táng đởm.
Phùng Trung thấy tình thế không xong, bèn hạ giọng mơn trớn nói:
– Xin Trương quản gia bớt giận, chúng tôi đây chẳng qua là những kẻ thừa
hành mệnh lệnh, miễn là triệu được gia quyến họ Nhạc về kinh thì được
thôi, chứ chúng tôi thì có thù oán chi với họ Nhạc đâu mà phải hành
hung? Vậy xin quản gia vào trong bẩm giùm với phu nhân ra tiếp chỉ rồi
tôi sẽ sai người đi nói với quan địa phương sắm sửa xe đến đón tất cả về kinh.
Trương Anh nghe nói ném hai khúc cây xuống đất rồi trở vào trong đem mấy lời Khâm sai bẩm lại cho phu nhân nghe.
Phu nhân nói:
– Nếu chúng thương tình như vậy thì hãy tặng chúng vài trăm lượng bạc,
còn chúng ta cũng phải mang theo ít lượng để làm lộ phí.
Dứt lời phu nhân ra tiếp chỉ đem vào thính đường.
Khâm sai trịnh trọng đọc mấy lời buộc tội, rồi trọn một nhà hơn ba trăm
người già trẻ bé lớn đều sắm sửa ra đi. Các quan địa phương cung tề tựu
đến thi hành chiếu chỉ, niêm phong hết nhà cửa trong ngoài.
Dân chúng trong huyện Thang Âm đều dắt tay nhau đến đưa đón, than khóc thảm thiết, gia quyến họ Nhạc thảy đều gạt lệ.
Đoàn xe từ từ lăn bánh chở gia quyến họ Nhạc về Lâm An.
Bây giờ xin nhắc qua việc nhị công tử Nhạc Lôi, từ lúc dời khỏi Thang âm
quảy gói ra đi nhắm hướng Ninh Hà thẳng tiến. Ngày kia chàng đi đến một
thành phố gọi là Thất Bửu trấn, nhà cửa đông đúc, người xe dập dìu, Nhạc Lôi ghé vào một quán cơm, tên tiểu nhị chạy ra hỏi:
– Quan khách muốn dùng bừa một mình hay còn đợi ai nữa?
Nhạc Lôi đáp:
– Ta đi đường chỉ có một mình thôi, có cơm canh gì hãy dọn ra cho ta dùng kẻo đói lắm rồi.
Tiểu nhị vội chạy ra sau bưng một bầu rượu và một mâm thịt cá rau. Nhạc Lôi
ngồi ăn uống một hơi no nê rồi gọi nhà hàng đến tính tiền.
Nhạc
Lôi mở gói bạc lấy ra một đĩnh trả cho chủ tiệm. Lúc ấy ngoài cửa có một người đứng nhìn vào thấy tướng mạo của Nhạc Lôi, khôi ngô tuấn tứ, tuy
ăn vận tầm thường, nhưng tác phong quả là con nhà danh gia vọng tộc, lại thấy Nhạc Lôi bày bạc ra trước mặt mọi người rất nhiều bạc người ấy
thầm nghĩ:
– Tên thư sinh này quả là người chưa thạo việc đi đường, nếu như có đứa gian nào nhìn thấy thì còn chỉ là tính mạng.
Còn đang suy nghĩ bỗng thấy Nhạc Lôi quẩy gói bước ra, người ấy chạy theo gọi lớn:
– Xin quan khách hãy chậm bước và mời quá bộ đến nhà tôi dừng trà chơi, vì tôi có việc muốn phân tỏ cùng quan khách.
Nhạc Lôi quay đầu ngó lại thấy người ấy ăn mặc tề chỉnh, da mặt đỏ như huyết dụ, mắt nhỏ, mày dài râu mọc lưa thưa, Nhạc Lôi đáp:
– Xin cám ơn, vì tôi có việc cần phải đi gấp, hãy cho tôi kiếu vậy.
Tên chủ tiệm bước ra nói:
– Viên ngoại này là người giàu có nổi danh tại xứ này, tính lại ưa đãi
khách, quan khách cũng nên quá bước đến phủ người chuyện vãn chơi, để
khỏi phụ lòng người có ý mến mộ.
Nhạc Lôi đáp.
– Tôi tự thấy phận tôi không xứng đáng.
Viên ngoại nói:
– Bốn biển đều là anh em cả, có gì mà ngại? Xin hãy theo tôi về nhà hàn huyên vài câu chuyện tâm tình cho vui.
Nói rồi Viên ngoại đi trước dẫn đường. Nhạc Lơi nối gót theo sau, ra khỏi
Thất Bửu trấn đã đến một trang viên nguy nga, hai người bước vào phòng
khách. Nhạc Lôi để gói hành lý rồi bước tới làm lễ cùng Viên ngoại, đoạn phân ngôi chủ khách mời ngồi.
Viên ngoại hỏi:
– Chẳng hay nhân huynh tên họ là chi, quê quán ở xứ nào hiện muốn đi đâu?
Nhạc Lôi đáp:
– Tôi họ Trương tên Long ở tại huyện Thang Âm muốn qua Ninh Hạ thăm bà
con, chẳng hay viên ngoại tên họ là chi, có việc chi dạy bảo tôi không?
Viên ngoại nói:
– Tôi họ Hàn tên Khởi Long sinh quán tại
Thất Bửu trấn, vì khi nãy tôi thấy nhân huynh bày tiền ra nhiều, tôi e
cho nhân huynh đi đường xa có thể gặp đứa bất lương âm mưu ám hại. Lúc
nãy tôi nghe tôn huynh bảo quê ở Thang âm, chẳng hay có biết tin tức
Nhạc Nguyên soái thế. nào không?
Nhạc Lôi đáp:
– Tôi là kẻ nghèo hèn chẳng hề dám đến soái phủ nên có biết tin tức gì đâu.
Miệng tuy nói vậy nhưng hai hàng nước mắt rưng rưng.
Hàn Khởi Long thấy thế như hiểu được phần nào liền nói:
– Tôn huynh hà tất phải giấu tôi làm gì? Như có bà con gì với Nhạc Nguyên soái cứ việc nói thiệt đi có hề gì đâu mà ngại? Năm trước cha tôi làm
tùy tướng cho Tông Lưu Thú rủi bị sơ xuất phạm tội may nhờ có Nhạc
Nguyên soái cứu khỏi, cha tôi qua đời ba năm nay rồi, lúc sinh thời
người có dặn tôi, sau này cũng đừng quên ơn Nhạc Nguyên soái, tôn huynh
hãy nhìn lên bàn thờ kia xem, đó là trường sinh lộc vị của Nhạc Nguyên
soái.
Nhạc Lôi ngước mặt ngó lên thì quả nhiên trên bàn thờ có bài vị của Nhạc Phi, vội vàng đứng dậy nói:
– Thôi để tôi lạy bài vị của cha tôi rồi sẽ nói chuyện.
Hàn Khởi Long nói:
– Nếu vậy thì đúng là nhị công tử đây rồi!
Nhạc Lôi lạy xong tự xưng tên họ rồi đem hết sự việc nói rõ đầu đuôi và khóc nức nở. Hàn Khởi Long càng thảm thương cho Nhạc Nguyên soái càng căm
giận lũ gian thần.
Khởi Long nghiến răng nói:
– Trời đã sinh con người trung liệt Nhạc Hầu, lại sinh làm gì tên gian thần Tần Cối.
Nhưng công tử cũng nên bớt sự sầu não và cũng chẳng nên qua Ninh Hạ làm
gì hãy ở lại đây với tôi dò nghe tin tức kinh sư thế nào rồi sẽ lo liệu.
Nhạc Lôi nói:
– Mong ơn viên ngoại hậu tình lẽ đâu tôi
chẳng nghe theo, ý tôi muốn kết nghĩa anh em với viên ngoại, chẳng biết
viên ngoại nghĩ sao?
Hàn Khởi Long mừng rỡ đáp:
– Tôi cũng muốn vậy song chưa dám hở môi.
Rồi Khởi Long khiến trang dinh bắt gà làm thịt, đốt hương đốt đèn, hai
người kết nghĩa anh em, lại sai dọn thư phòng cho Nhạc công tử nghỉ
ngơi.
Nhắc lại việc Ngưu Thông chạy theo tìm kiếm Nhạc Lôi lòng
nóng như lửa đốt, chạy riết ba ngày không hề dừng bước. Khi đến Thất Bửu trấn trong bụng đói như cào vội vào quán kêu réo om sòm, tửu bảo chạy
ra vừa cười vừa hỏi:
– Chẳng hay quan khách muốn dùng thức ăn chi?
Ngưu Thông vùng trợn mắt nạt:
– Sao mi hỏi ngớ ngẩn thế? Trong tiệm mi bán những thứ gì mi không biết sao lại hỏi ta?
Tửu bảo ra vẻ ngạc nhiên nhìn sững Ngưu Thông, nhưng rồi hắn ôn tồn nói:
– Tôi hỏi để biết ý quan khách muốn dùng vật chi để tôi mang ra.
Ngưu Thông “hừ một tiếng rồi nói:
– Có món gì ngon cứ việc đem ra đây, cần gì phải hỏi?
Tửu bảo vào trong lựa cá ngon thịt béo, rượu đầy bầu bưng ra dọn đầy bàn,
Ngưu Thông đang đói bụng ăn một mách hết sạch rồi gọi tửu bảo đem thêm
mười chén nữa rồi mới đứng dậy quẩy gói lên vai, xách cây đoản côn bước
nhanh ra cửa không thèm nói gì đến tiền nong gì ca.
Tửu bảo thấy vậy chạy ra níu áo nói:
– Quan khách phải trả tiền cơm đã chứ?
Ngưu Thông trợn mắt:
– Vì ông phải đi tìm người anh em quá gấp nên lật đật quên mang tiền
theo, vậy mi hãy ghi vào sổ cho nhớ, lúc nào ông trở lại thì sẽ thanh
toán đủ số và sẽ cho thêm mi nữa là khác.
Tửu bảo lắc đầu:
– Ai biết ông là ai mà bán chịu bán đựng? Hãy trả tiền đây cho mau đừng nói lôi thôi.
Ngưu Thông tròn xoe con mắt nhìn thẳng vào mặt tên tửu bảo gằn giọng:
– Ông đã bảo để ông trở về ông sẽ trả cho, mi điếc không nghe sao? ông đố mi dám làm dữ, ông sẽ phá cái tiệm này tan hoang cho mà xem.
Tên chủ tiệm từ bên trong chạy ra hầm hầm sắc giận nói:
– Ngươi quả thật là tên lưu manh, ăn uống của người ta mà không trả tiền
lại còn muốn hành hung, ta bảo cho ngươi biết, nếu ngươi nhất định không trả tiền thì trong người mi có mấy cái gân ta cũng rút hết cho mi biết
mặt.
Ngưu Thông cười gằn đáp:
– Được rồi, ta sẽ dương mắt xem người rút gân có được không, cho biết.
Tên chủ tiệm giận quá giơ tay tát Ngưu Thông một cái nhưng không thấm thía gì cả, Ngưu Thông vùng cười xòa nói:
– Thằng quỉ sứ này khí lực như bún mà nói phách chắc mấy hôm nay mi không ăn uống gì sao mà gãi ta không đã ngứa vậy?
Tên chủ tiệm càng giận sôi gan, hắn dùng toàn lực tát Ngưu Thông thêm cái
nữa, nhưng đánh Ngưu Thông chẳng khác nào đánh vào một tảng đá, đã không ăn thua gì lại thêm đau điếng cả tay.
Hắn giật nảy người không
dám đánh nữa liền hô lên một tiếng, bạn bè trong tiệm đều ào ra kẻ thoi
người đánh vây chặt Ngưu Thông, nhưng Ngưu Thông vẫn đứng thản nhiên trơ trơ như tượng đá không thèm đánh lại cũng không tránh né.
Đánh hồi lâu, ai nấy đều sưng tay xuýt xoa đau đớn, trố mắt nhìn Ngưu Thông như nhìn con quái vật, Ngưu Thông cười ha hả nói:
– Ông đi đường mệt mỏi đau lưng lắm, đang muốn tìm kẻ đấm lưng, may gặp
bọn bay đây, sao không đấm cho nặng tay một chút cho nó đã lại làm như
chọc giận ông thì chớ trách ông đấy.
Lúc ấy trước cửa tiệm có vị viên ngoại đang ngồi trên ngựa thủng thẳng đi qua, theo sau có trên ba mươi tên gia đinh phò tá.
Tên chủ tiệm thoáng thấy liền chạy ra kêu nói:
– Có viên ngoại đến đây thật là may quá, xin viên ngoại hãy dừng ngựa xử dùm tôi việc này.
Viên ngoại gò cương lại hỏi:
– Tại sao các ngươi lại xúm nhau đánh người ấy dữ vậy?
Tên chủ tiệm đáp:
– Thưa viên ngoại, tên này vào ăn đã không trả tiền lại còn đòi đập phá
cửa tiệm tôi nữa, vả lại tôi buôn bán đây cũng nhờ vốn liếng của viên
ngoại giúp cho, nay gặp trở ngại xin viên ngoại bảo hộ.
Viên ngoại liền xuống ngựa bước vào nhìn thẳng vào mặt Ngưu Thông nạt lớn:
– Ngươi ở đâu đến đây ăn uống đã không trả tiền lại còn muốn hành hung là nghĩa lý gì?
Ngưu Thông ngạo nghễ đáp:
– Ta không ăn uống của ngươi, can chi ngươi hỏi?
Viên ngoại nổi giận hô gia đinh vây đánh. Ba mươi tên gia đinh lực lưỡng
tuân lệnh áp vào kẻ thoi người đá túi bụi, Ngưu Thông chậm rãi giơ tay
gạt ngang một cái ngã rạp một loạt bảy tám đứa rồi giơ tay trái gạt
ngang một cái, ngã thêm năm sáu đứa nữa, đứa trầy da, đứa u đầu thất
kinh hồn vía, viên ngoại cả giận chạy vào vận toàn lực đánh Ngưu Thông
liên tiếp bảy tám thoi một lượt nhưng viên ngoại càng đánh càng đau tay, chẳng ăn thua gì Ngưu Thông hết.
Ngưu Thông để cho viên ngoại đánh đá chán rồi đứng phắt dậy nắm ngay eo ếch xách viên ngoại ra ngoài đường quăng xuống nói:
– Sức lực như vậy trói gà không chặt lại đòi đánh người ta.
Viên ngoại giận tràn hông, lồm cồm ngồi dậy chỉ vào mặt Ngưu Thông nói:
– Tên lưu manh kia, mi đừng xấc láo!
Nói rồi nhảy lên ngựa dắt gia đinh nhắm phía tây đi mất, Ngưu Thông nhìn theo cười ngất rồi quảy gói ra đi.
Ngươi chủ tiệm giận lắm, nhưng thấy Ngưu Thông như vậy cũng đành chịu phép không dám đuổi theo đòi tiền.
Ngưu Thông ra khỏi dãy phố, bỗng từ hai bên nhảy ra độ ba mươi người trên tay cầm binh khí hét lớn:
– Tên tặc tử kia, bây giờ mi chạy đi đâu cho khỏi tay ta?
Người cầm đầu tốp này cũng là gã viên ngoại lúc nãy, thấy vậy Ngưu Thông lướt tới toan ra tay, thì bỗng nhiên dưới chân đất sụp xuống, Ngưu Thông bị
sa hầm dây quấn chặt cứng hai chân. Ngưu Thông đành chịu để bọn gia nhân áp tới đem về nhà.