Ngủ Quên Trong Hồi Ức Thanh Y Dao

Chương 122: Hỉ Mạch


Bạn đang đọc Ngủ Quên Trong Hồi Ức Thanh Y Dao – Chương 122: Hỉ Mạch


Năm 1922
Hơn nửa số người trong buồng giam khi ấy không sẵn sàng để cứu giúp nàng.

Số khác thì phân vân do dự, chưa biết phải làm sao.

Duy chỉ có mình bà cụ là đứng ra đỡ nàng ngồi xuống, thấm bớt mồ hôi trên trán cho nàng.

Nhiều người không vừa ý liền bảo:
– Bá mẫu à, sao lại giúp đỡ nàng ta kia chứ?
– Phải đấy.

Không biết chừng chính nàng ta đã đẩy Tuệ Vương vào đại lao….
– Các người nói từ nãy đến giờ đã đủ chưa? – Bà cáu gắt – Sao lớn rồi mà chẳng tinh tế gì vậy? Có để ý thấy nương nương đang bận y phục gì không?
Một vài người nhận ra.
– Là lụa cánh sen của thị trấn ta.

– Bà nói trong nước mắt – Nếu thật sự vô tình như lời của đám lính canh thì nương nương đã không vận áo lụa Lam Thành, ra sức khuyên răn chúng ta rồi.

Bà mếu máo, tựa đầu vào vai nàng khóc lóc.

Nàng cơ hồ mất đi mọi xúc cảm, nét mặt không chút thay đổi.

Nhiều người hồ nghi, cho rằng nàng không thật lòng.

Nhưng thật ra, nỗi uất nghẹn không cho phép nàng rơi lệ.

Đợi cho mọi người bình tĩnh hẳn, nàng mới dám lên tiếng:
– Không phủ nhận, cưới người khác là do ta tự nguyện, nhưng trước giờ ta chưa từng phản bội Nhị Hoàng tử, kể cả trong suy nghĩ.

Mọi người, xin hãy hiểu cho tình cảnh của ta.

Chúng ta đều ở đây chỉ vì muốn cứu chàng, chứ không phải để công kích lẫn nhau.
– Bây giờ đã sa bẫy kẻ thù, chúng ta phải đoàn kết lại mới đúng.

– Bà cụ tiếp lời – Phải không, nương nương?
Bà vừa ngẩng lên đã thấy mặt nàng tái mét, hệt như sắp lịm đi.

Bà gọi một tay lang băm trong đám đến bắt mạch cho nàng.


Hắn tuy chẳng biết nhiều nhưng vẫn nhận ra hỉ mạch trong người liền kêu toáng lên:
– Nương nương có mang rồi, là song thai.
Đám đông bắt đầu bàn tán xôn xao.

Cả buồng giam chia ra làm hai, một bên phấn khởi, vui mừng cho nàng; bên còn lại thì hoài nghi, không tin vào sự việc trước mắt.

Nhưng không ai là không muốn nghe xem danh tính thật sự của cha đứa bé.

– Có phải của Điện hạ không? – Bà cụ mừng rơn.
– Hay là của cái tên phu quân mới trời đánh kia? – Nhiều người chua ngoa bồi thêm.
Nàng tựa đầu vào song sắt, yếu ớt chối từ.
– Vậy nghĩa là sao, nương nương? – Bà cụ mơ hồ chưa hiểu.
– Thì không phải con Tuệ Vương chứ sao.

– Im nào.

– Bà quắc mắt.
– Chuyện này…!chỉ ta biết là được rồi.

– Nàng đặt tay lên bụng, xoa nhẹ vài cái.
Lũ phản quân ngang nhiên lập căn cứ ngay dưới chân thiên tử.

Tin tức ấn kiếm lộ ra ngoài, chúng huy động hàng loạt các vũ khí tối tân để đàn áp dân lành, lập ra khu tự trị.

Vậy mà bao lâu nay, Sơn Lâm vẫn cứ điềm nhiên như không.

Nàng cho rằng hắn không phải không biết, mà chỉ là thiếu thực tế.

Về điểm này, hắn có lẽ thua xa chàng.
Với kinh nghiệm nhiều năm của mình, nàng nghĩ ngay đến chuyện bỏ trốn, nhưng nhanh chóng gạt đi vì thế cục nay đã khác.

Ở đây có đến hơn sáu mươi người, già trẻ, gái trai đều đủ cả.

Hơn nữa đám phản quân nọ còn có súng trường.

Chỉ cần đi sai một bước thì sẽ không còn ai sống sót trở về.


Nàng chợt nhớ đến Lý Quang.

Trong thư có viết, sáng ngày kia, hắn và Đức Khải sẽ có mặt ở kinh thành.

Nếu có thể liên lạc với hắn lúc này thì tốt quá.

Nhưng làm cách nào bây giờ?
Điểm hẹn của nàng và Lý Quang cách khu tự trị một khoảng khá xa.

Nàng có thể dùng đến ám hiệu riêng, nhưng một mình thì không khả thi.

Ngẫm nghĩ một hồi, nàng chợt nảy ra một ý, liền quay sang nói với bà cụ:
– Bá mẫu.

Ta có cách để đưa tất cả chúng ta ra khỏi đây.
Mắt bà sáng lên, lập tức hỏi lại:
– Cách gì vậy, nương nương?
Nàng hắng giọng, từ tốn nói với bà và mọi người trong buồng giam:
– Hai ngày nữa, anh trai ta sẽ hồi kinh.

Ta muốn dùng ám hiệu riêng của sơn trại để thu hút sự chú ý của đại ca.

Vì vậy, rất mong mọi người có thể cùng ta học ám hiệu.

Đúng giờ Thân ngày kia, chúng ta sẽ phát ám hiệu.

Nếu anh trai ta đến được đây thì coi như đã thành công được một nửa rồi.
– Sao cô nghĩ là anh trai cô sẽ đến?
– Ta không nghĩ, ta biết anh sẽ đến tìm ta.
Nàng khẽ cười, mang hết niềm tin đặt vào Lý Quang.

Nàng biết, hắn chưa bao giờ làm nàng thất vọng.
*”Hiên nhi à, dậy đi”.
Tiếng mẫu phi nhẹ nhàng thánh thót vô tình đánh thức chàng khỏi giấc mộng.

Màn đêm buông xuống, gió lạnh thổi hắt qua khe cửa, phả từng đợt vào buồng giam.


Chàng nghe hai tên cai ngục kháo nhau về chuyện của nàng.

Hình như phản quân làm loạn, đem một toán người về khu tự trị, trong đó có nàng.

– Phản quân làm loạn, cấm quân không ra trấn áp còn đóng cổng thành, làm hơn sáu mươi người bị bắt oan.

– Chúng bảo nhau.
– Thành Quận Vương quả là khác người.

Chuyện lớn không lo, lại đi tìm ấn kiếm.

Mà nghe nói, hắn định làm giả ấn kiếm để sớm đoạt được ngôi vị.
– Đúng là một tên điên.

Chẳng bằng một góc của kẻ tử tù.
Bọn chúng rõ ràng là đang nói về chàng.

Nhưng cái chàng quan tâm chỉ là sự an nguy của bách tính và của Thanh Ca.

Khải Trạch, hắn nói sẽ bảo vệ nàng.

Vậy mà đến lúc nàng lâm nguy thì lại đi đâu chẳng rõ.

Chàng không trách hắn, vì đến chàng cũng không che chở được cho nàng, gần hai tháng rồi chỉ biết ngồi im chờ chết.
Chàng đã thấu hết chuyện giữa Hoàng đế và Sơn Lâm.

Hắn đã uy hiếp phụ hoàng, có lẽ là bằng những chiến công hiển hách của hắn, để thảm án làng Thiệu vĩnh viễn chìm trong quên lãng.

Đúng là hắn có công.

Năm xưa nước láng giềng lăm le xâm lược, hắn xông pha chiến trường, không cẩn thận bị địch đuổi sát, liền gieo mình xuống sông.

Đợt đấy hắn thập tử nhất sinh, cứ tưởng là đã tử vong.

Nào ngờ ba ngày sau, hắn lết về doanh trại, bình thản như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Với bao gian khổ mà Sơn Lâm đã phải trải qua, hắn cấm phụ hoàng không được điều tra vụ thảm án.

Nếu không, đừng trách hắn bất hiếu.
Chàng có thể tưởng tượng ra cảnh, hắn đứng giữa đại điện lớn giọng kể công, và sau đó chốt hạ bằng một câu vô tình nhất mà hắn có thể nghĩ ra.

Hoàng đế, dù ở bề trên, vẫn bị Sơn Lâm nạt cho tái mặt.

Rốt cuộc, cũng phải đồng ý với hắn vô điều kiện.

Thực tế, chàng cũng có thể chèn ép phụ hoàng được như vậy.

Nhưng chàng không làm, vì chàng không phải Sơn Lâm.

Hắn nhẫn tâm gọi chàng là tử tù, chàng chưa một lần bất kính với hắn.

Hắn tước đoạt binh quyền trong tay chàng, chàng nhường hắn nắm giữ cả biên cương.

Trước giờ, Hạc Hiên chưa từng có ý định đối đầu với Sơn Lâm.

Nhưng chuyện đã đến nước này, chàng sẽ không nhún nhường nữa.
Không có binh quyền, chàng sẽ tự tay tạo dựng, bắt đầu từ những tên cai ngục vô công rỗi nghề ở ngoài kia.
Tên tổng quản và cấp dưới đạp tung cửa, thảy khay thức ăn xuống nền đất.

Hắn tính mỉa mai chàng mấy câu trước khi đi, không ngờ chàng lại là người mở lời:
– Dạo này lương bổng thế nào?
– Ngươi hỏi ta á? – Hắn trố mắt, ngơ ngác nhìn quanh.
– Ừ.
– Thì thấp chứ sao.

Liên quan gì mà hỏi? – Hắn bỗng thấy chàng nói nhiều hơn mọi ngày.
– Không có gì.

Còn ngươi? – Chàng hỏi tên cấp dưới.
– Thấp hơn nữa! – Tên cấp dưới ló đầu đáp – Này, bản thân còn chưa lo xong, còn phải nuôi mẹ già.
– Ta thì hơn gì? – Tên tổng quản nhếch môi – Vợ con ta đang chết đói ở nhà kia.
Chàng bật cười thành tiếng, lắc đầu:
– Thành Quận Vương nắm giữ ngân khố triều đình, vậy mà không tăng lương cho các ngươi sao? Quả là đáng tiếc.
– Ý ngươi là sao? – Cả hai đồng thanh.
– Mức lương trung bình đã tăng từ năm ngoái.

Bổng lộc mỗi tháng, hình như các ngươi cũng có.

Chỉ e rằng chưa tới tay đã bị quan trên vơ hết.
– Cái gì? – Bọn chúng một lần nữa kêu toáng lên.
– Khi xưa ta còn là Tuệ Vương thường giám sát rất chặt chẽ khoản bổng lộc này.

Bây giờ chỉ là một tội nhân, có lẽ thời thế đã phần nào đổi thay.
Chàng nhún vai, dừng không nói nữa.

Bọn chúng có chút xao động, lầm lũi rời khỏi buồng giam.

Hôm sau, chúng lại đến, lần này tiếp tục đào sâu hơn về chuyện triều chính.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.