Lam Y Nữ Hiệp

Chương 12: Múa lê thương, Trương Tam Nương thử thách anh hùng Phát thần tiễn, Hoàng Hoa Chiếm phục gái thuyền quyên


Đọc truyện Lam Y Nữ Hiệp – Chương 12: Múa lê thương, Trương Tam Nương thử thách anh hùng Phát thần tiễn, Hoàng Hoa Chiếm phục gái thuyền quyên

Trương Lãng Tử đáp lễ, chăm chú nhìn thanh niên diện mạo khôi ngô nọ, chưa kịp hỏi thì chàng đã nói :

– Bá phụ quên cháu rồi sao? Chẳng hay người còn nhớ họ Hoàng ở Trường Sa không?

Trương Lãng Tử giẫm chân, vỗ vai thiếu niên nói :

– Vậy mà ta cứ nghi hoặc mãi. Lúc qua Trường Sa, cháu mới mười
bốn tuổi, nay đã nghiễm nhiên là một trang hảo hán oai phong nhường này. Hổ phụ sanh hổ tử, cháu quả xứng danh với tước hiệu Trại Lữ Bố! Qua đây lúc nào vậy mà ta không trông thấy? Lệnh thân có mạnh không?

Tráng sĩ họ Hoàng rơm rớm nước mắt :

– Thân phụ cháu mất vừa mãn tang.

Trương Lãng Tử ngắt tiếp :

– Ủa! Tiểu Bá Đương mất rồi sao? Vì lẽ gì?

– Dạ, thân phụ cháu chỉ bị nóng lạnh xoàng mà mất thôi.

– Tiếc quá! Tiếc quá! Mười năm nay ta không đi đâu xa nên không
qua thăm phụ thân cháu được, ai ngờ nay đã kể mất người còn. Bây giờ
cháu đi đâu?

– Cháu vẫn tiếp tục ngôi bảo phiêu cục của cố phụ. Bữa nay đi
cùng mấy người bán sang Hà Khánh phủ, không ngờ được gặp bá phụ ở đây.
Lúc nãy cháu không dám gọi vì e cản trở cuộc trổ tài…

– Thôi, ra đây ta giới thiệu với Trương gia, âu cũng là một dịp
tốt quen biết thêm mấy trang anh hùng hào kiệt. Nán lại đây ít ngày sẽ
lên đường có được không?

Tráng sĩ họ Hoàng suy nghĩ.

Trương Lãng Tử vỗ vai họ Hoàng :

– Ra đây ra giới thiệu đã.

Nói đoạn kéo tay tráng sĩ đó cùng đi.

Họ Hoàng với tay nhổ cây phương thiên hoa kích, đi theo Trương Lãng Tử tới chỗ cha con Trương viên ngoại đứng chờ.

Trương Lãng Tử chỉ Trương viên ngoại bảo họ Hoàng :

– Đây là bạn ta, Trương viên ngoại. Còn hai thanh niên đây là con của viên ngoại, Trương Tam Vân và Trương Tam Nương.

Tráng sĩ vái chào ba người.

Trương Lãng Tử nói tiếp :

– Còn tráng sĩ đây họ Hoàng, con trai của Tiểu Bá Đương Hoàng
Thiếu Kỳ bên Trường Sa, tước hiệu Trại Lữ Bố Hoàng Hoa Chiếm, sử dụng
cây phương thiên họa kích như thần và tài xạ tiễn bách phát bách trúng
không kém chi Lữ Ôn Hầu thuở trước.

Trương viên ngoại và anh em Tam Vân đáp lễ.

Viên ngoại nói :

– Xin mời tráng sĩ vào chơi bản trang.

Trương Tam Vân cũng nói :

– Hoàng nhân huynh nán lại tệ trang chơi vài ngày cho tiểu đệ được lãnh giáo ít điều hay dở rồi sẽ lên đường cũng không muộn.

– Hiện tiểu đệ đang đi cùng mấy người bạn, nán lại đây có lẽ không tiện. Xin để khi khác sẽ đích thân lại hầu.

Trương Tam Vân níu tay Hoàng Hoa Chiếm đi ra chỗ đoàn người, ngựa :

– Nhân huynh cho phép tiểu đệ mời tất cả vào thôn trang, hôm nay cũng trễ rồi.

Hoàng Hoa Chiếm giới thiệu hai người họ Tôn và họ Điền với Trương Tam Vân rồi bảo họ :

– Hôm nay đi Hà Khánh phủ cũng trễ rồi, âu là nghỉ lại đây sáng mai sẽ lên đường.

Tôn, Điền hai người thấy Trương Tam Vân nhã nhặn hiếu khách bèn nói :

– Trương huynh quá yêu thì chúng ta cứ ở lại, mai sẽ lên đường
cũng được. Chỉ e cỗ xe ngựa cùng hai gia nhân đây thêm rộn quý trang
chăng?

Trương Tam Vân xua tay :

– Không, không, tứ hải gia huynh đệ, nhị vị nhân huynh bất tất phải câu nệ. Nào chúng ta vào trang.

Hoàng Hoa Chiếm nói với Trương Tam Vân :

– Lúc nãy tiểu đệ đi qua đây thấy đông người mới ngừng bước lại
tò mò xem có chuyện gì, không ngờ được coi nhân huynh trổ tài thần võ,
tiểu đệ rất cảm phục.

– Việc nhỏ mọn đó không ngờ lại làm vướng mắt Hoàng huynh.
Trương tiên sinh qua chơi bên Trường Sa với gia phụ, ngu đệ đã được nghe nói và được trông thấy tài biểu diễn tài nghệ. Quả rất đáng phục. Tiểu
đệ không ngờ người lại qua ở hẳn nơi đây.

– Dạ, Trương sư phụ ở lại đây truyền dạy võ nghệ cho ba anh em
tiểu đã trên mười năm nay rồi. Chẳng hay lệnh tiên phụ có liên lạc thế
nào với người?

– Trương tiên sinh và gia phụ là hai anh em bạn thân thiết từ
thuở còn thiếu thời. Hiền huynh còn một người anh hay em nữa, sao không
thấy ra đây?

– Đó là gia huynh Tam Sơn lên Tiêu Anh phủ có việc nhà, một vài
bữa nữa sẽ trở về. Ngu đệ là thứ hai, Tam nương thứ ba. Hoàng huynh nán
lại chơi vài ngày, thế nào gia huynh cũng về. Vui tính lắm nhưng cũng
rất hay rượu. Uống bao nhiêu cũng vừa.

– Ủa, thế thì giống Trương tiên sinh rồi. Khi trước qua Trường Sa, Trương bá phụ cùng gia phụ mỗi bữa nhậu tới vài cân rượu.

Vào tới trong trang, Tam Vân thân hành đưa Hoàng, Tôn, Điền ba người về phòng riêng.

Trước bữa cơm chiều, sau khi Hoàng Hoa Chiếm đã tắm rửa thay y phục sạch sẽ, Trương Lãng Tử tới phòng riêng.

Hoàng Hoa Chiếm vội vàng đón vào.

– Công việc của cháu ở bảo tiêu cục có phát tài không?

– Dạ cũng được ạ. Hiện nay ở Trường Sa có thêm mấy bảo tiêu cục
nữa, nhưng bên cháu nhờ ở tên tuổi của gia phụ nên khách hàng có phần
đông hơn. Trừ ra mấy tiêu sư cũ, bây giờ cháu có thêm mấy người bạn nữa
hợp tác… Chuyến này sang Hà Khánh phủ gần đây cũng có mục đích mở thêm chi nhánh tiêu cục ở bên đó.

– Cháu nhiều khách hàng bên đó lắm sao?

– Thưa bá phụ, vâng.

– Thường thường cháu hay đi đường nào mà ít khi qua đây?

– Cháu thường qua lối Lôi Gia Trấn, Tần Bình huyện. Nhưng cũng
qua Võ Đang sơn luôn, không ngờ bá phụ lại cư ngụ ở hẳn đây. Những năm
về sau này, gia phụ thường nhắc tới bá phụ luôn, có ý tiếc không được
gặp mặt.

Trương Lãng Tử chép miệng lắc đầu :

– Lang thang bước giang hồ cũng đã nhiều, nên ta lưu lại đây
truyền dạy cho ba anh em Trương gia võ thuật, bình sanh mong rằng sẽ lưu lại được chút gì gọi là ích lợi cho hậu thế. Bởi vậy ta không rảnh đi
xa như trước được. Không ngờ Hoàng hữu lại quy tiên sớm vậy. Rất đáng
tiếc và ân hận biết chừng nào.Hoàng Hoa Chiếm cúi nhìn mũi hài im lặng.
Giây lát, Trương Lãng Tử hỏi :

– Hiện nay cháu bao nhiêu tuổi rồi? Đã ở riêng chưa?

– Năm nay hai mươi bảy tuổi. Trước kia thì còn tập luyện. Mấy
năm sau này, đại tang vừa mãn lại có công việc bảo tiêu thành thử cũng
chưa hề nghĩ tới việc đôi bạn… Mối lái nhiều, nhưng người tâm đầu ý
hợp hiếm lắm. Cháu e bị gò bó nên cũng không quan tâm tới vấn đề đó.

Trương Lãng Tử đăm đăm nhìn Hoàng Hoa Chiếm hồi lâu :

– Hiện giờ, chương trình hành động của cháu thế nào, cho biết được không?

– Dạ, bá phụ cũng như cha, được gặp thế này, cháu vui mừng khôn
xiết tưởng như phụ thân cháu hoàn sanh vậy, lẽ nào cháu không thưa hết
chuyện. Chuyến này sang Hà Khánh phủ xem xét địa thế nơi đặt tiêu cục,
để bọn Tôn Chấn, Điền Khánh Thọ ở lại đó. Xong xuôi, cháu về Trường Sa
và phái thêm hai người bạn nữa sang đó điều khiển.

– Hiện ở Tiêu Anh phủ không có một Tiêu cục nào cả, nếu sau này
công việc ở Hà Khánh phủ hoàn thành, cháu nên tính đến việc mở một chi
nhánh nữa ở Tiêu Anh phủ. Công việc làm ăn sẽ vững như đinh ba chân,
thâu cả một vùng lớn vào trong tay…

– Cháu đồng ý với bá phụ về điểm này, nhưng còn vấn đề nhân viên cũng hơi khó, cần phải có bạn tâm giao mới được, đó là chưa kể võ nghệ.

Trương Lãng Tử mỉm cười, nheo mắt nhìn Hoàng Hoa Chiếm :

– Lấy một người vợ tài đức song toàn há không hơn một người bạn tâm giao ử?

Hoàng Hoa Chiếm cả cười :

– Thưa bá phụ, thế còn nan giải hơn nữa, tìm đâu ra một nhân vật như thế bây giờ.


Trương Lãng Tử vỗ vai họ Hoàng :

– Cháu lớn tuổi rồi mà ngô nghê như vậy. Thế ra chỉ biết có
đường cung múa kích thôi hay sao? Thiếu nữ đảm đang ấy hiện thời đang ở
trong khu vực này và cháu cũng đã biết mặt cũng như đã thấy tài lực của
nàng…

Hoàng Hoa Chiếm chợt hiểu, nhớ ra Trương Tam Nương, một vị cân
quắc anh hùng mà chàng vừa may mắn được mục kích tài nghệ hồi nãy. Chàng nghĩ thầm: “Số phụ nữ tập luyện võ nghệ ở Trường Sa không phải ít,
chẳng qua chỉ để biểu diễn cho đẹp mắt thôi. Chớ Trương Tam Nương đây là đồ đệ của bá phụ thì sự chuyên luyện chân truyền tất không còn chối cãi được nữa rồi. Vả lại, sắc kiều diễm của bậc giai nhân cân quắc ấy…”

Trương Lãng Tử thấy Hoàng Hoa Chiếm đờ người ra nghĩ thì mỉm cười hỏi :

– Thế nào, chịu không? Nếu ưng ý ta sẽ làm mai tác hợp cho. Nghĩ chi thừ mặt ra vậy?

Hoàng Hoa Chiếm đỏ mặt đáp :

– Với người tài ấy, cháu lại e rằng họ không ưng cùng cháu phối hợp thôi. Bá phụ dạy thế nào, cháu cũng phải nghe chớ.

Suy nghĩ giây lát, Trương Lãng Tử hỏi :

– Cháu khỏi phải lo. Vả lại, từ ngày ta chia tay cùng Hoàng hữu, cháu vẫn luyện tập điều hòa thâu nhận được võ nghệ bình sanh của thân
phụ cháu đấy chớ? Cháu đừng ngại.

– Vâng… Mọi sự nhờ bá phụ tác thành cho. Sớm mai thế nào cháu
cũng phải lên đường cho kịp kỳ hẹn với bên Hà Khánh phủ, hai mươi ngày
nữa nhất định cháu sẽ trở lại đây. Như vậy bá phụ có thừa thì giờ nói
chuyện với Trương viên ngoại.

– Được lắm!

Nói đoạn, Trương Lãng Tử đứng dậy cầm cây phương thiên họa kích dựa bên tường coi.

– Dạ, với cây cung và ngọn kích thiên phương này, chưa bao giờ cháu để nhục họ Hoàng Hoa.

– A, được rồi. Để ta nói chuyện trước với Trương viên ngoại và
tổ chức cuộc gặp gỡ cho hai người. Tam Nương là con ngựa hay nhưng bất
kham, cháu cũng phải là tay hảo kỵ mã mới được.

Vừa lúc ấy, Trương Tam Vân đi tới, bước vào phòng…

Trương Lãng Tử hỏi Hoàng Hoa Chiếm :

– Ngọn kích này của Hoàng hữu để lại phải không?

– Dạ chính vậy.

Trương Lãng Tử đưa họa kích cho Tam Vân xem.

Trương Tam Vân đón lấy cầm đốc kích đưa tay ra phía trước khen nhẹ nhàng mà đầm tay, mũi kích sáng loáng.

Trương Lãng Tử nói :

– Ta biết món khí giới này được đúc công phu lắm. Toàn thép tốt
lọc đi lọc lại tới năm lần, lúc khởi công lại trộn với bốn cân bạc. Toàn thể chỉ nặng có hai mươi bốn cân. Với ngọn kích này, bạn ta đã ngang
dọc một thời.

Với lấy cây Điện Tử treo trên tường, Trương Lãng Tử nói tiếp :

– Còn cây cung sắt này nữa, sức mạnh có tới vài ba tạ, mũi tên họ Hoàng chưa bao giờ bắn trật.

Trương Tam Vân dựng họa kích vào góc nhà, đón lấy cung, rút mũi
tên sơn vàng có đề chữ “Hoàng” máu đỏ, đặt lên dây căng thử, thấy dẻo
dai mạnh mẽ thì tấm tắc khen ngợi :

– Thế nào tiểu đệ cũng xin Hoàng huynh trổ tài võ dũng và lối xạ tiễn bách phát bách trúng mới được.

Hoang Hoa Chiếm tươi cười :

– Xin tuân lệnh, nhưng phải để chuyến sau. Sáng sớm mai, ngu ngu đệ tạm biệt sang Hà Khánh phủ đã, khi trở về thế nào cũng qua đây lãnh
giáo.

Trương Lãng Tử nói xen vào :

– Ta đã bảo Hoàng lang rồi, Chắc y sẽ trở về đây.

Trương Tam Vân vui vẻ :

– Có thế chứ! Bây giờ mời sư phụ và Hoàng huynh lên sảnh đường dùng bữa.

Ba người ra khỏi phong mời Tôn Chấn và Điền Khánh Thọ cùng đi.

° ° °

Hôm sau, khi bọn Hoàng Hoa Chiêm đi khỏi rồi, Trương Lãng Tử ngỏ ý với Trương viên ngoại về việc hôn nhân của Tam Nương.

Trương viên ngoại nói :

– Tiên sinh coi cháu cũng như con, hơn nữa đối với Tam Nương còn có tình sư đệ thì lẽ cố nhiên, tiên sinh cũng để tâm kén chọn khách
đông sàng cho cháu cũng như tôi. Vợ chồng tôi thế nào cũng xong, chỉ e
con Tam Nương tánh nết càng cường, để tôi bảo mẹ nó hỏi ý nó xem sao.

Trương Lãng Tử gật đầu!

– Lẽ cố nhiên là phải vậy rồi. Bọn già chúng ta đau nỡ ép duyên. Viên ngoại thử hỏi ý kiến Tam Nương xem thế nào, ít ngày nữa Hoàng Hoa
Chiếm về đây thì vừa.

– Xin vâng, tôi sẽ bàn với tiện nội tức khắc.

Tối hôm ấy, Trương viên ngoại đem việc Trương Lãng Tử muốn làm mai Tam Nương cho họ Hoàng nói với Đậu thị và Trần thị.

– Phu quân thấy họ Hoàng thế nào?

– Y quả là một trang hảo hán đáng mặt con nhà văn võ đầy đủ. Cứ
một điều nó là con một của ban tâm giao với Trương tiên sinh cũng đủ bảo đảm rồi.

– Sao phu quân không giữ y nán lại đây thử tài xem sao, có chắc chắn không?

– Y có việc gấp sang Hà Khánh phủ mở thêm chi nhánh bảo tiêu cục. Sẽ trở về đây.

Trần thị hỏi :

– Tam Nương đã biết mặt họ Hoàng chưa?

– Hai đứa trông thấy nhau rồi, hôm qua lúc tên cướp tới và gây sự đó.

– Thế thì được rồi. Phu quân lánh đi, mặc chị em tôi nói chuyện với Tam Nương, nó đó e lệ.

Trương viên ngoại đứng dậy :

– Các bà nên lựa lời cho xong việc. Họ Hoàng đáng mặt giai tế
lắm. Vả lại con Tam Nương cũng lớn tuổi lắm rồi, nếu cứ chiều để nó chọn lựa kẻ ngang tài thì biết bao nhiêu năm nữa!

Đậu thị nguýt chồng :

– Đó là lỗi phu quân. Hai đứa con trai đã vậy, nhưng chính phu
quân cho phép con Tam Nương theo học võ nghệ nên nó mới đâm ra bướng
bỉnh như đó! Đời thuở nhà ai mà con gái lại múa gươm đao loang loáng, bẻ sắt đập đá thì còn chồng nào mà dám lấy nữa! Tới bây giờ chưa có người
nào hỏi lấy nó đấy. Lỡ nó đòi đấu với họ Hoàng thì sao?

– Thì cho nó đấu chứ sao! Bà tưởng như chỉ có con bà là đệ nhất
thôi, phải không. Thời buổi này cho con theo đòi võ nghệ để nó tự phòng
thân. Nếu nó căn cứ vào bản lãnh để lấy chồng thì phải lập “Tuyển phu
đài”. Hai người liệu lời dạy cho nó hiểu, nghe chưa?

Nói đoạn, Trương viên ngoại đi ra.

Trần thị cho nữ bộc gọi Tam Nương vào. Tam Nương đang lâu cây
Nhuyễn đao ở phong riêng thấy mẹ gọi liền cất đao, tất tưởi chạy đến
thấy cả Đậu thị, Trần thị ở đó.

– Thưa mẫu thân kêu con có việc chi?

Hai người nhìn kỹ Tam Nương từ đầu đến chân. Quả nhiên, nàng đã nghiễm nhiên là một thiếu nữ xinh đẹp, hồng hào khỏe mạnh.

Thấy hai mẹ chăm chú nhìn mình, Tam Nương lấy làm lạ, nhưng không dám hỏi thêm, đành đứng im bên chiếc kỷ.

Trần thị nói :

– Cho con ngồi xuống ghế. Năm nay con bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?

– Ủa, mẫu thân quên tuổi con rồi sao? Con tuổi Đinh Mùi, năm nay đúng hai mươi tuổi chẵn.

Đậu thị nói :

– Chao ơi! Con giá hai mươi tuổi lớn lắm rồi như gia đình khác thời đã lấy chồng có con rồi đó.

Nghe nói tới việc chồng con, Tam Nương thẹn, mặt đỏ ửng trông càng xinh đẹp bội phần.

Đậu thị nói tiếp :

– Trước kia ta kết bạn với phụ thân con từ năm mười lăm tuổi,
phận dâu con phải đầy đủ rồi, nay con đã đôi mươi mà hàng ngày chỉ lo
việc gươm giáo côn quyền hiểu việc tề gia nội trợ, cũng sướng thật! À,
đoàn người ngựa nào đó đã đi chưa?

– Bẩm mẫu thân, họ đi sáng sớm nay rồi ạ.

– Bọn ấy là những ai, con có biết không?


– Tất cả năm người, ba người chủ và hai mã phu. Hình như đều có
võ nghệ, vì họ mang võ khí. Thấy nhị huynh nói có người họ Hoàng kêu sư
phụ con bằng bá phụ, quen biết lâu rồi thì phải…

– Họ Hoàng người thế nào?

– Con không rõ lắm, hôm qua con về nhà trước, chớ không theo dõi câu chuyện cho tới cùng.

Đậu thị nhìn Trần thị cùng mỉm cười :

– Mẹ nói thiệt cho con hay, phụ thân họ Hoàng là bằng hữu của
Trương tiên sinh, bởi vậy người muốn làm mai hỏi con cho y. Con nghĩ
sao?

Tam Nương đỏ mặt nín thinh.

– Kìa, mẹ hỏi ý con thế nào?

– Xin mẫu thân chớ rầy con, nhưng con cần phải biết tánh tình và tài nghệ người ấy thời mới trả lời được.

– Miễn người ta hiền lành, con nhà gia giáo là đủ rồi, chớ bộ con định thử đấu võ với họ sao?

– Thưa mẫu thân, chính vậy đó? Nếu họ thua thì cứ việc đào tẩu, đừng nói tới việc hỏi han cho phiền!

– Ngang ngược thiệt! Con nhất định thế chứ?

– Dạ, nhất định rồi.

Đậu thị cả cười đứng dậy vuốt tóc Tam Nương :

– Con tôi bướng bỉnh thế này khéo không bị ế chồng mất.

– Thưa mẫu thân, ế cũng đành vậy, nhưng con quyết không thể làm khác được.

– Liệu nhé! Mẹ nghe thầy nói họ Hoàng võ nghệ cao cường lắm. Khéo không thì thua đó.

Mẫu thân vững tâm, con tin ở nơi con lắm. Còn một điều nữa là con không muốn xa nhà.

– Được rồi ta sẽ nói chuyện lại với phụ thân con. Bây giờ cho con về phòng an nghỉ đi.

Trương Tam Nương đĩnh đạc lạy hai mẹ lui ra.

Trần thị cười, bảo Đậu thị :

– Con bé này cứng cỏi như con trai vậy.

Mấy hôm sau, Tam Sơn ở Tiêu Anh phủ về. Trương viên ngoại đem
việc Trương Lãng Tử muốn làm mai hỏi Tam Nương cho Hoàng Hoa Chiếm nói
lại cho Tam Sơn, Tam Vân nghe, Tam Sơn chưa biết họ Hoàng nên đưa mắt
nhìn Tam Vân hỏi ý kiến.

Tam Vân nói :

– Nếu việc ấy thành tựu là một sự hay. Theo như ý con, Hoàng Hoa Chiếm là người tài ba lỗi lạc rất xứng đáng với Tam Nương. Nếu em con
đòi đấu võ, cũng nên ưng thuận, may ra vì thế họ hiểu và phục nhau hơn.
Theo ý mẫu thân, khi nào họ Hoàng về đây, thân phụ nhờ Trương tiên sinh
hỏi rõ ngày sanh tháng đẻ của y để xem có hạp không rồi mới nhận lời
sau.

Trương viên ngoại gật đầu :

– Điều đó ta nghĩ tới rồi, hà tất phải thắc mắc.

– Còn một việc nữa. Mẹ con có một Tam Nương là gái không muốn nó xa nhà, nghe nói họ Hoàng hiện nay cha mẹ mất cả rồi, liệu y có thể ở
rể được không?

Y còn trông nom bảo tiêu cục ở Trường Sa. Chuyến này sang Hà
Khánh phủ cũng không có việc chi khác là sửa soạn mở thêm chi nhánh bảo
tiêu tại đó. Công việc hoạt động như vậy, ở rể sao được? Trương tiên
sinh cũng đã dự tính việc ở rể. Để ta liệu sau. Nói cho mẫu thân biết
khỏi lo phiền.

Quả nhiên, hai mươi hôm sau, Hoàng Hoa Chiếm một người một ngựa
trở lại. Trương Tam Vân mừng đón. Giới thiệu với Tam Sơn và cho gia nhân lên Võ Đang sơn báo Trương viên ngoại và Trương sư phụ biết. Hoàng Hoa
Chiếm thấy gia đình họ Trương niềm nở quý mến mình thì rất đỗi cảm kích. Trước kia, Trương Tam Nương rất tự nhiên, chuyến này nàng gìn giữ không chạy ra vào nữa. Tuy vậy, nàng cũng kín đáo nhìn xem họ Hoàng kiểu cách thế nào. Chàng quả không hổ danh con nhà võ, cử chỉ đàng hoàng, giọng
nói dõng dạc, vóc người tầm thước, sắc diện khôi ngô tuấn tú, đeo cung,
cầm thiên phương họa kích coi y hệt Lã Phụng Tiên đời Hán.

Trương Tam Nương nghĩ thầm :

– Bề ngoài oai dũng lắm, nhưng không hiểu tài nghệ ra sao. Đời này thiếu chi kẻ tốt mã mà thiệt ra hèn kém tệ hại.

Nghĩ tới đây, Tam Nương tự cải chính :

– Không lẽ Trương sư phụ lầm người! Dù sao phải thử tài lực người mới được.

Được tin Hoàng Hoa Chiếm trở lại, Trương Lãng Tử và viên ngoại về thôn trang, tay bắt mặt mừng.

Họ Hoàng giữ lễ độ lạy chào.

Trương Lãng Tử hỏi riêng ngày sanh tháng đẻ của Hoàng Hoa Chiếm
rồi báo cho Trương viên ngoại biết. Thầy số cho biết hai tuổi rất hạp
nhau, có thể thành vợ thành chồng được. Tối hôm ấy, Trương viên ngoại
làm bữa tiệc gia đình ở sảnh đường, cửa mở lớn.

Đậu thị và Trần thị đứng ở trong rèm nhìn ra thấy họ Hoàng mặt mày sáng loáng, cử chỉ đĩnh đạc thì có lòng mừng.

Trương viên ngoại nói :

– Tráng sĩ thiệt xứng đáng là bực đại trượng phu biết giữ chữ tín, lão hủ sửa soạn bữa rượu này để tỏ lòng ái mộ anh hùng.

Hoàng Hoa Chiếm chắp tay nói :

– Cháu là bực con cháu trong nhà được viên ngoại quá thương trọng đãi, thiệt là cảm kích muôn vàn.

Mọi người nhận tiệc ăn uống rất đỗi vui vẻ. Hoàng Hoa Chiếm kể
chuyện lập xong bảo tiêu cục bên Hà Khánh phủ cho mọi người nghe. Rượu
được vài tuần, Trương Lãng Tử khởi đầu :

– Công việc của Hoàng điệt bận rộn như vậy, lập gia đình cho có người giúp đỡ có hơn không?

Hoàng Hoa Chiếm đỏ mặt :

– Cháu đi đây đó luôn luôn nên cũng chưa nghĩ tới việc kén chọn bạn trăm năm.

Trương viên ngoại đưa mắt nhìn Trương Lãng Tử, rồi nói với họ Hoàng :

– Tiện nữ Tam Nương nghe đại danh tráng sĩ, nay nhân dịp tráng
sĩ qua đây, ý muốn lãnh giáo vài đường họa kích của khách anh hùng, ước
ao không nỡ chối từ.

Biết rằng Tam Nương muốn thử tài, Hoàng Hoa Chiếm nhã nhặn chối từ :

– Cháu tài hèn sức mọn, đâu dám đương đầu cùng tiểu thư và nhị
nhân huynh đây là người đã từng hấp thụ công phu chân truyền của Trương
bá phụ. Xưa kia, chính ngay phụ thân cháu cũng còn phải nhường bước
huống chi cháu ngày nay?

Trương Lãng Tử gạt đi :

– Hơn với kém nói làm chi! Người nhà tập dượt với nhau cho vui
mà… Tài đánh kích phương thiên và xạ tiễn bách phát bách trúng của họ
Hoàng khét tiếng Hồ Nam, hảo hán giang hồ ai còn không biết, thử đấu vài hiệp chơi cho bàn tiệc vui thêm nào!

Trương Tam Vân bèn sai gia nhân đốt đuốc thắp đèn ở sân cho
thiệt sáng. Người trong trang biết sắp có cuộc đấu võ giữa Tam Nương và
họ Hoàng, kéo cả ra đứng quanh sân xem, Trương viên ngoại sai giai nhân
mời Tam Nương ra. Một mặt Trương Lãng Tử cũng cho người xuống phòng
riêng lấy họa kích và cung tên lên thảo đường.

Hồi lâu cửa rèm vén mở, một thị nữ xách đèn lồng đi trước.
Trương tiểu thư gọn gàng trong bộ võ phục gấm thiên thanh băng trắng,
ngoài choàng chiếc áo khoác xanh dương, tha thướt theo sau. Đi sau cùng
là một thị nữ nữa, vác ngon Lê Hoa thương đầu nhỏ nhọn hoắt sáng loáng,
gù đỏ. Tam Nương dịu dàng tiến tới bàn tiệc bái kiến Trương sư phụ, phụ
thân và hai anh. Đoạn, nàng nghiêng mình chào họ Hoàng.

Hoa Chiếm kín đáo nhìn Tam Nương, thấy nhan sắc kiều diễm nhưng oai dũng anh thư, đáng mặt trang nữ kiệt tài đao kiếm.

Trương Lãng Tử đứng lên nói :

– Đôi bên muốn so tài cao thấp, phải làm thế nào cho phân rõ
được thua, chớ không được chém giết nhau chí mạng, cần phải lựa tay
không được gây thương tổn.

Trương Tam Vân biết ý, sai gia nhân vào nhà trong lấy một giải lụa xanh dài và một cái ngù bông màu hường ra.

Tam Vân đưa giải lụa xanh cho Hoàng Hoa Chiếm buộc lên mớ tóc
búi ngược, và đưa ngù bông cho Tam Nương gài bên mái tóc mây huyền.

Trương Lãng Tử nói :


– Đôi bên khá giữ gìn giải lụa và ngù bông cho cẩn thận. Ai để mất sẽ bị coi như là thua… Nào xin mời ra sân.

Trương Tam Nương bỏ áo ngoài ném cho thị nữ để lộ ra cây Nhuyễn
đao mắc vòng quanh thắt lưng như một chiếc đai. Nàng cầm cây Lê Hoa
thương lững thững bước ra sân dịu dàng uyển chuyển.

Hoàng Hoa Chiếm rất đỗi cảm phục, lĩnh ý đứng dậy cầm phương
thiên kích theo gót Tam Nương đi ra kiêu hùng như Lữ Bố. Ai nấy đều khen thầm đôi trai tài gái sắc.

Ngoài đèn đuốc, đêm ấy trăng sao vằng vặc. Chị Hằng lơ lửng giữa bầu trời lấp lánh như kẻ tò mò muốn được xem rõ đôi hào kiệt anh thư nỗ sức đấu trận thư hùng.

Trương Tam Nương cầm ngang cây thương Lê hoa đứng bên tả. Hai a
hoàn đứng hầu ngay phía sau. Hoàng Hoa Chiếm xách họa kích đứng bên hữu, giải lụa xanh gài trên tóc phất phơ trước làn gió nhẹ. Chàng nhận thấy
người đẹp có bản lãnh tuyệt vời đã thọ giáo được của Trương sư phụ. Tam
Nương liếc nhìn lên hành lang thấy hai mẹ cũng ra coi trận đấu, thì khẽ
mỉm cười.

Trương Lãng Tử vỗ tay ra hiệu :

– Nào, hai bên nhập cuộc đấu so tài…

Hoàng Hoa Chiếm tiến lên một bước khẽ nghiêng mình :

– Xin mời tiểu thư đi trước.

Trương Tam Nương cúi đầu đáp lễ, miệng hoa tươi tỉnh :

– Tráng sĩ tha lỗi…

Đoạn, nàng hoa một đường thương nhẹ nhàng xông thẳng khai trận.
Không dám khinh suất, Hoàng Hoa Chiếm điều động họa kích nhập trận vùn
vụt như mây giục gió vần, đón đỡ những đường thương tuyệt diệu vô cùng
kỳ ảo của Tam Nương. Ngọn thương Lê Hoa lượn trên rẽ dưới biến ảo như
giao long quẩy khúc, rít lên từng chập nghe rợn gáy kinh hồn. Nhưng ngọn kích phương thiên của Hoàng Hoa Chiếm cũng không vừa, dữ dội hung hãn
tựa mãnh hổ lìa non, lấp lánh như muôn vạn ánh sao rơi quấn sát đường
thương của người đẹp, khiến Tam Nương đem hết tài năng chuyên luyện cũng không sao thủ thắng ngay được. Quả là kỳ phùng địch thủ tướng ngộ lương tài.

Hai bên vừa tranh đấu vừa khen thầm nhau hảo võ nghệ. Một bên
được Trương sư phụ hết lòng truyền dạy, một bên sẵn ngón võ gia truyền
diễn nên những hiệp đấu rùng rợn kỳ ảo, khiến người xem nhiều lúc kinh
sợ bàng hoàng đến nghẹt thở. Thấy đánh lâu, ngọn Lê Hoa thương đã biến
nhiều ngón tài tình chân truyền mà không áp đảo nổi đường kích của địch
thủ, Tam Nương nóng ruột quyết đem đường thương bí truyền ra đàn áp kỳ
được. Nàng đưa cán thương vụt mạnh ngang hông họ Hoàng rồi nhảy lùi lại
phía sau…

Tráng sĩ không gạt đốc thương nhưng cũng lùi lại tránh, biết ngay Tam Nương dùng thế trá Thâu Mã Hồi Trào.

Né nhìn không thấy họ Hoàng rượt theo Tam Nương mỉm cười, nhưng
quay ngoắt lại nhún bật người lao ra phía trước mũi thương đưa thẳng
ngực đối phương… Đó là thế tối độc Triệu Tử Phiên Thương trong bài
thương gia truyền nổi tiếng của họ La đời Đường.

Mọi người toát mồ hôi lo thay cho Hoàng Hoa Chiếm trước lối đánh vừa mềm mại vừa dữ dội của Tam Nương.

Trên hành lang, Trương Lãng Tử, Tam Sơn, Tam Vân tấm tắc khen
thầm đường thương của Tam Nương quả thật đã nhập diệu. Nhưng Hoàng Hoa
Chiếm lanh lẹ dị thường né mình sang một bên tránh mũi thương nguy hiểm
ấy, đồng thời tay tả cầm đốc kích rút vào sườn bên hữu, tay hữu đưa
thẳng ra phía trước lạng mũi kích hớt vào đầu Tam Nương theo thế Phụng
Tiên Bạt Kích. Đòn này cũng là một thế tối hiểm trong bài Mã Bộ Phương
Thiên Kích Ngũ Thập Bát Thế mà xưa kia Lữ Ôn Hầu thời Hậu Hán ưa dùng
nhất.

Trên hành lang, Trương Lãng Tử giậm chân lo lắng. Tam Sơn đập hai bàn tay vào nhau hét lớn: “Tối nguy!”

Đồng thời mọi người không ai bảo ai mà cùng thốt kêu: “Chao
ôi”… Nhưng, cùng lúc ấy, Tam Nương cúi đầu lánh kịp, chiếc ngủ bông
màu hường bị mũi kích nhập thần hớt bắn xuống sân như chiếc hoa rụng.
Tiếng vỗ tay rầm rầm hoan hô vang dội và dội lớn hơn lên khi họ Hoàng
chưa kịp thâu kích về thì hiểu ngay giải lụa xanh gài trên tóc chàng vừa bị mũi thương tài tình của Tam Nương quấn lấy giựt mất rồi giữa lúc
chàng hớt đứt ngủ bông.

Trương Lãng Tử vỗ tay cười ha hả :

– Quả là anh hùng tương ngộ! Hay quá! Hay quá! Thôi, ngừng đấu, Dữ lắm rồi. Huề.

Hoàng tráng sĩ đưa mắt nhìn người thục nữ anh thư. Hai nụ cười
kín đáo nở nhẹ trên đôi môi, hai con tim cùng thấy run lên một điệu yêu
đương ngây ngất, Hoàng Hoa Chiếm thâu kích lại, cúi xuống lượm ngù bông
đưa trả lại Tam Nương. Đồng thời nàng cũng dốc mũi thương xuống gỡ vải
lụa trao lại cho tráng sĩ họ Hoàng. Tràng pháo tay lại nổ vang dậy.

Tam Nương sắc diện hồng hào kiều diễm lạ thường. Nàng trao cây
Lê Hoa thương cho thị nữ vác vào hậu đường, nghiêng mình chào Hoàng Hoa
Chiếm, rồi nhón nhén đi thẳng lên hành lang vào nhà trong. Họ Hoàng cầm
ngang ngon kích đáp lễ mỉm cười đa tình, rồi cũng tiến lên thềm. Trương
viên ngoại sai gia nhân đón lấy cây phương thiên kích dựng vào sảnh
đường, rồi kéo họ Hoàng tới chỗ Đậu thị và Trần thị giới thiệu.

Hoàng Hoa Chiếm vái lạy, hai phu nhân đỡ dậy.

Trương viên ngoại nói :

– Tráng sĩ ra dùng rượu giải lao đã.

Hai người trở ra bàn tiệc.

Trương Lãng Tử rót một ly rượu đầy đưa cho Hoàng Hoa Chiếm.

– Ta xin mừng hiền biệt ly rượu anh hùng. Uống cạn!

Hoàng Hoa Chiếm cảm tạ tiếp lấy uống một hơi cạn!

Trương viên ngoại cũng mời một ly :

– Lão hủ cũng kính mừng tráng sĩ.

Hoàng Hoa Chiếm đỡ lấy uống cạn.

Tam Sơn, Tam Vân mỗi người cùng mời thọ Hoàng một ly.

Hoàng Hoa Chiếm nhân uống hết. Đoạn chàng cũng rót rượu kính mời Trương viên ngoại :

– Tiểu sinh xin mừng viên ngoại đã sanh lệnh nữ tài ba như bực tu mi.

Trương viên ngoại vui vẻ uống cạn.

Họ Hoàn lại rót ly khác dâng Trương Lãng Tử.

– Cháu mừng bá phụ có một nữ đồ đệ tài sắc song toàn.

Trương Lãng Tử ha hả cười, uống cạn rồi nói nhỏ vào tai Hoàng Hoa Chiếm :

– Bằng lòng không?

Hoàng Hoa Chiếm không trả lời, mỉm cười, rồi rót hai ly nữa mời anh em Tam Sơn :

– Mừng nhị vị hiền huynh có lệnh muội cân quắc anh thư.

Tam Sơn vỗ vai họ Hoàng nói :

– Chà! Mời tôi thì phải một tô rượu chớ dùng ly này nhỏ quá.

Tam Vân nhìn Tam Sơn cười :

– Đại huynh lúc nào cũng nói giỡn. Uống đi chớ.

Hai người uống cạn. Hoàng Hoa Chiếm định quay về chỗ ngồi thì Tam Sơn đã tóm chặt lấy tay :

– Nhân huynh đi đâu đấy? Còn ngón xạ tiễn nữa, định giấu nghề chăng? Nhân lúc này đông đủ, biểu diễn cho xem chớ!

Mọi người cùng tán thưởng. Trương Lãng Tử nói :

– Phải đó. Hiền điệt trổ tài Lữ Bố xạ kích Viên môn xem nào.

Xưa kia Hoàng Hữu bắn tên hay chẳng kém chi Dưỡng Do Cơ thuở trước.

Hoàng Hoa Chiếm nói :

– Xin tuân lệnh, nhưng nếu có bắn trượt cũng chớ cười nhé!

Nói đoạn, chàng lấy miếng giấy trắng dán vào khôn mũi kích rồi
bảo một gia nhân vác kích ra cuối sân, dựng cây kích xuống gạch giữ lấy
cho thẳng. Chàng lại lấy hai ngon bạch lạp lớn thấp lên đưa cho hai gia
nhân khác bảo đứng gần chỗ người giữ kích. Xong đâu đấy, Hoàng Hoa Chiếm đeo ống tên cầm cung Điện Tử bước ra sân.

Thấy nói họ Hoàng xạ tiễn, Đậu thị, Trần thị và Tam Nương cũng
kéo ra xem. Đứng kín đáo sau hai mẹ ở góc hành lang, Tam Nương nhận kỹ
thấy Hoàng Hoa Chiếm uy dũng rất xứng đáng với tước hiệu giang hồ Tiểu
Lữ Bố của chàng.

Hoàng Hoa Chiếm quay lại hỏi Tam Vân :

– Từ đây tới cây kích có được trăm bộ không hả hiền huynh?

– Được lắm chớ! Ít nhất cũng dư trăm bộ.

Hoàng Hoa Chiếm bảo tên gia nhân quay lưng lại thảo đường cho
khỏi sợ. Đoạn chàng khẽ dang hai chân, tay tả cẩm cung giương thẳng, tay hữu rút tên đặt vào dây cung sắt uốn tròn như vành trăng đẩu đầu
tháng…

Tách! Tiếng dây cung bật khô khan. Mũi tên vút đi như lằn chớp
đen xiên qua ổ kích rạch đôi miếng giấy dán ở đó. Tiếng vỗ tay hoan hô
nổi dậy… Bỗng, Hoàng Hoa Chiếm rút luôn hai mũi tên một lúc, cặp một
mũi vào ngón tay tả còn một mũi đặt lên dây… Mọi người đang mải miết
theo dõi thì hai tiếng dây cung bật khô khan liên tiếp nhau. Hai ngọn
bạch lạp đang cháy leo lét bị hai mũi tên cắt đứt bấc tắt ngụp. Hai tên
gia nhân không kịp kinh ngạc nữa thì phận sự của chúng đã rồi.

Đó là lối bắn liên châu của họ Hoàng. Tiếng hoan hô khen ngợi lại vang dậy.

Hoàng Hoa Chiếm hạ cung trở lên thềm nhà vào thảo đường. Trương
Lãng Tử rất đắc ý về công phu gia truyền luyện tập của họ Hoàng, bỏ công giới thiệu.

Còn viên ngoại và anh em Tam Sơn, Tam Vân khen ngợi tài xạ tiễn
bách phát bách trúng luôn miệng. Mọi người trở lại bàn tiệc, gia nhân
đem các thứ ăn nóng lên và ai nấy ăn uống rất vui vẻ. Trương viên ngoại
đưa mắt nhìn Trương Lãng Tử, khẽ gật đầu.

Biết ý, Trương Lãng Tử bảo Hoàng Hoa Chiếm :

– Viên ngoại đây có mình Tam Nương là gái nên vẫn có ý kén chọn
bực giai tế anh hùng. Cháu chưa có vợ, tôi đứng giữa quen thân cả đôi
bên, muốn tác thành mối duyên lành này, chẳng hay cháu nghĩ thế nào?

Lòng đã xiêu xiêu, Hoàng Hoa Chiếm cung kính đáp :


– Bá phụ có lòng thương tác thành cho thì còn chi bằng, chỉ e viên ngoại và Trương tiểu thư chê bất tài không xứng đáng thôi.

Trương viên ngoại nói :

– Sanh con lớn lên, cha mẹ nào cũng mong các con thành vợ nên
chồng. Tuy mới quen biết, nhưng vì Trương tiên sinh đây thân tình cả hai họ, thì cũng kể như hiểu biết nhau từ lâu rồi. Túc hạ có lòng mến không chê tiện nữ, tôi rất hoan hỉ về việc này…

Trương Lãng Tử cả cười :

– Hai bên cùng bằng lòng thuận ý, hay lắm rồi, cháu Hoàng hãy
tới lạy tạ ơn nhạc phụ. Và Trương viên ngoại cũng nên nhận lễ đó làm
tin…

Hoàng Hoa Chiếm liền đứng dậy tới trước mặt Trương viên ngoại quỳ lạy :

– Xin nhạc phụ hãy nhận lễ này cho tiểu tế từ nay được coi như người nhà.

Trương viên ngoại đỡ họ Hoàng dậy.

– Hiền tế đứng lên, các con nên đôi giai ngẫu khiến ta rất vui lòng và hãnh diện ở nơi hiền tế là một trang hiền tài.

Hoàng Hoa Chiếm lại quay sang thi lễ cùng Tam Sơn và Tam Vân gọi hai người là trưởng huynh và nhị huynh.

Tam Sơn, Tam Vân kêu Hoàng Hoa Chiếm là tam đệ.

Họ Hoàng tới trước Trương Lãng Tử cung kính lạy tạ.

– Chà! Ta cũng như phụ thân cháu. Tác thành việc chồng vợ cho
cháu là bổn phận của chính ta. Cha mẹ cháu linh thiêng chắc cũng vui
lòng.

Trương Tam Sơn cười lớn :

– Cả nhà phải mời ông mai ly rượu để tạ công chứ!

Mọi người chuốc chén ăn uống rất vui vẻ. Họ Hoàng tháo viên ngọc đeo ở cổ của mẫu thân chàng làm sính lễ. Thị nữ đang đứng sau rèm cửa
biết chuyện, vội chạy vào thưa lại hai phu nhân. Tam Nương cũng đang
ngồi hầu chuyện mắc cỡ vội đứng lên về tư phòng.

Đậu thị nói theo :

– Có ý trung nhân rồi, không có được nhõng nhẽo nữa, nghe?

Trương viên ngoại chọn ngày lành tháng tốt sửa soạn tư trang cho Tam Nương, làm lễ thành hôn cho đôi trẻ. Tiệc cưới rất linh đình mời
tất cả bốn thôn như hội tới mấy ngày. Ai ai cũng khen đôi trai tài gái
sắc, lễ vật đem tới chật cả một phòng.

Từ đó, vợ chồng Hoàng Hoa Chiếm ở luôn tại Trương gia thôn hơn
một tháng. Mấy anh em ngày đàm luận, luyện tập võ nghệ rất tâm đầu ý
hạp. Một hôm, Hoàng Hoa Chiếm nói với vợ chồng Trương viên ngoại :

– Hiện thời cha mẹ tiểu tế đã mất cả, thì chúng con ở lại đây
hầu nhạc phụ, nhạc mẫu là một việc rất phải. Nay con muốn cùng Tam Nương qua Trường Sa trước hết để chào hỏi giới thiệu cùng bà con quyến thuộc
bên ấy, sau là thu xếp cắt đặt lại việc bảo tiêu cục. Như vậy, chúng con có thể an tâm lập căn cứ bên gia đình tại đây và đi lại kiểm soát công
việc tại hai nơi như thường lệ được.

Trương viên ngoại ưng thuận :

– Hiền tế bàn luận xác đáng. Chuyến này là lần đầu Tam Nương đi xa, các con nên chọn ngày lành cho cẩn thận.

Trương Tam Sơn cũng muốn sang bên Trường Sa chơi bèn xin phép cha mẹ đi cùng vợ chồng Tam Nương.

Đậu thị và Trần thị bảo riêng cùng con gái :

– Từ tấm bé tới giờ con chưa từng đi xa. Vậy nên tiểu tâm cho mẹ an tâm nhé.

Tam Nương cung kính vâng lời :

– Con đi một mình cũng còn chẳng sợ nữa là có trưởng huynh và
nhà con đồng hành. Xin mẹ cứ bình tâm chẳng nên lo nghĩ e hao tổn tinh
thần.

Mấy hôm sau, vợ chồng Hoàng Hoa Chiếm, Trương Tam Sơn lưng đeo
hành lý vào lạy chào cha mẹ, từ biệt cùng Trương Lãng Tử, và Tam Vân lên ngựa ra đi. Thiên phương họa kích và Lê Hoa thương được gài vào bao da
dọc theo sườn ngựa. Họ Hoàng đeo đoản kiếm, Tam Nương đeo Nhuyễn đao
vòng quanh đai lưng, Còn Trương Tam Sơn thì chỉ thắt quanh lưng chiếc
xích sắt của sư phụ nhường cho. Ba người qua Tiêu Anh phủ và từ đó mới
thẳng đường đi Trường sa.

Công việc bảo tiêu cục họ Hoàng ở Trường Sa rất thịnh vượng.
Hoàng Hoa Chiếm phải gọi thêm tiêu sư và chỉ định vị tiêu sư lão thành
hơn hết làm quản lý…

Ở Trường Sa hơn hai tháng, công việc điều hòa, vợ chồng Hoàng
Hoa Chiếm lại cùng Trương Tam Sơn qua Tần Bình huyện, Lôi gia trấn tới
Hà Khánh phủ. Nán lại Hà Khánh phủ non một tháng rồi ba anh em mới trở
về Võ Đang sơn. Vừa đi vừa về mất ngót bảy tháng trời là vì không cần đi gấp, nơi nào phong cảnh đẹp cùng nán lại ngao du. Về tới nhà, ba người
mới biết là có tin mừng. Trương viên ngoại hỏi con gái họ Liêu cho
Trương Tam Vân, sang Xuân sẽ cưới. Đậu thị và Trần thị thấy Tam Nương
trở về rất mừng rỡ. Tam Nương lấy mấy quý vật mua được ở Trường Sa về
biếu cha mẹ, và kể chuyện dọc đường cho hai mẹ nghe.

Mùa Xuân năm sau, Trương Tam Vân cưới Liêu thị, tiệc tùng rất
linh đình. Thỉnh thoảng vợ chồng Hoàng Hoa Chiếm lại đi Trường Sa và Hà
Khánh phủ xem công việc. Chuyến nào đi cũng mau lẹ chớ không la cà như
lần đầu. Trương Tam Sơn thích ngao du nên lần nào cũng đi cùng. Tới khi
Tam Nương có nghén, Hoàng Hoa Chiếm bận thường nhờ Tam Sơn đi thế.

Cuối năm ấy, Tam Nương hạ sanh đôi hai con trai rất bụ bẫm kháu
khỉnh đặt tên là Hoàng Hoa Long, Hoàng Hoa Hổ. Trương Tam Vân cũng sanh
con trai, Viên ngoại đặt tên cho là Trương Tam Võ. Dâu có, rể có, cháu
nội, ngoại đông đủ, họ Trương sống trong hạnh phước êm đềm đầy đủ.

Trương Tam Sơn không chịu lập gia đình, chỉ thích ngao du đây đó hoặc rượu chè tập hợp bè bạn. Có khi sang ở cả năm bên Trường Sa và áp
tải nhiều đoàn khách thương. Nhờ vậy, Trương Tam Sơn giao dịch rất rộng
trong giới giang hồ. Tước hiệu Thiết Xích Tử cũng có từ đó.

Về sau, Trương Lãng Tử quy tiên, phần mộ để trên Võ Đang sơn.

Trương Tam Võ và hai anh em Hoàng Hoa Long, Hoàng Hoa Hổ mỗi
ngày một lớn, khỏe mạnh ra dáng con nhà võ. Trương Tam Vân và vợ chồng
Hoàng Hoa Chiếm theo phương pháp riêng luyện tập cho bọn trẻ từ lúc mới
chạy nhảy, ngày ngày tắm bằng nước sắc ngâm thuốc nên năm chúng mới tám, chín tuổi mà đã có sức khỏe khác thường. Trương Tam Vân sanh thêm một
gái nữa đặt tên là Nhị Nương. Rồi từ đó, cũng như vợ chồng họ Hoàng
không sanh thêm lần nào nữa.

Ít năm sau, Trương viên ngoại mất, mộ phần cũng để trên núi Võ
Đương gần mộ Trương Lãng Tử. Tam Sơn chịu tang xong liền đi vân du khắp
nơi. Trong lúc giang hồ, Tam Sơn bắt chước Trương Lãng Tử giả hành khất
ngang tàng đi không thiếu sót nơi nào hành hiệp.

Anh em Hoàng Hoa Long, Hoàng Hoa Hổ cùng lớn càng khỏe mạnh.
Ngoài thì giờ học chữ ở trường học trong thôn, hai trẻ phải tập luyện võ nghệ cùng Trương Tam Võ và Nhị Nương. Sau mỗi phiên tập cả bốn trẻ đều
phải chịu môn Thiết luyện.

Trong võ sảnh, cả bốn trẻ cũng phải nằm dài cả lên bàn để cha mẹ chúng thoa bóp các thớ thịt đầu xương, chà xát bằng rượu ngâm sắt và
thuốc. Lần lần dùng roi dần khắp người, tùy theo trình độ từ đánh nhẹ
tay tới đánh mạnh. Sau đó, vợ chồng họ Hoàng thay thế roi cây bằng roi
sắt dẹp và mềm. Năm chúng lên mười tuổi thì không có thứ roi gậy nào
đánh chúng biết đau nữa.

Môn Thiết Luyện này do Đạt Ma thiền sư sư tổ các võ phái truyền
lại, muốn theo đúng cho có hiệu quả phải mất nhiều công phu và tốn ải
nên không được phổ thông, ngoại trừ mấy dòng võ chân truyền cả Bắc lẫn
Nam thời bấy giờ. Trẻ nào được thiết luyện lúc lớn lên tập môn Nội,
Ngoại công vừa mau lên vừa thâu nhân được nhiều hiệu quả hơn, và trong
khi tập hỗn đấu, chúng dạn đòn xông xáo dữ dội mạnh mẽ không khác chi
mãnh hổ vùng vẫy giữa quần hồ.

Mấy anh em họ Trương và Hoàng cũng vậy. Trước còn đi võ hài vải, lần lần dùng thứ bằng gai tết lại, sau cùng đến thứ võ hài bịt thép ở
mũi và gót. Aùo quần cũng dùng toàn võ phục. Thành thử mỗi khi phải mặc
lồng chiếc áo dài ở ngoài theo cha mẹ đi đâu chúng lấy làm bứt rứt khó
chịu.

Khu Võ Đang sơn ngày một đông đúc hơn, nhà cửa được dựng lên như bát úp hai bên đường, buôn bán tấp nập chẳng khác chi một tiểu thị
trấn. Trẻ lớn bé trong toàn khu đứa nào cũng sợ bọn anh em Trương, Hoàng vì thường bị đánh sứt đầu xẻ tai.

Mỗi khi xảy ra chuyện tương tự như vậy, Trương Tam Sơn và vợ
chồng họ Hoàng lại phải dàn xếp hoặc xin lỗi, hoặc đền tiền để khỏi mất
lòng mọi người. Được cái là ai ai cũng kính nể hai họ Trương, Hoàng nên
việc lớn đâu cũng thu xếp xong. Hơn nữa, danh tiếng võ dũng của gia đình ấy vang lừng khắp nơi, bọn lục lâm thảo khấu không dám bén mảng tới đó
làm ăn, nên tương đối toàn khu sống hoàn toàn trong an ninh.

Giang hồ hảo hán mỗi khi qua Võ Đang sơn, quen biết hay không,
cũng rẽ vào Trương gia thôn thăm hỏi hoặc yết kiến, hay tìm đường giao
dịch với Trương, Hoàng. Họ cung kính gọi Trương Tam Vân với tước hiệu
Bạch Long và kêu Trương Tam Nương là Nhiếp Ẩn. Cũng bởi vậy, các hảo hán thấy bốn anh em Trương, Hoàng còn ít tuổi mà đã quyền cước tinh thông,
thập ban võ nghệ đều thạo, nhất là mấy món gia truyền đơn đao, thương,
kích, cung mã và thuật phi hành thì lại càng có đặc điểm, lớn lên chắc
thế nào cũng nối chí được nghiệp nhà, nên họ gọi Trương Tam Võ là Tiểu
Bạch Long, Trương Nhị Nương là Trại Nhiếp Ẩn.

Còn hai anh em họ Hoàng thì được gọi là Hoàng Hoa thái tử. Hai
trẻ cùng tầm thước phương phi như nhau, nhiều khi người nhà cũng phải
lầm không phân biệt đứa nào là Long thái tử đứa nào là Hổ thái tử. Tam
Nương bèn xâu tai đeo cho Long thái tử chiếc vòng nhỏ bằng ngọc kim sa
màu đỏ, và Hổ thái tử thì đeo chiếc ngọc thấu lục xanh biếc, cho dễ
nhận.

Hoàng Hoa Chiếm làm ăn ngày một phát đạt, bèn mở thêm một bảo
tiêu cục nữa ở Tiêu Anh phủ để cho các tiêu sư quen thuộc trong nom ăn
huê hồng. Chàng chỉ có việc đi lại trông nom ba nơi. Trương Tam Nương
theo chồng đi. Mỗi khi vắng nhà, hai người lại nhờ Trương Tam Vân trông
coi tập luyện hai cháu.

Từ năm mười hai tuổi trở đi, Hoàng Hoa Long và Hoàng Hoa Hổ
chuyến nào cũng được theo cha mẹ, Vợ chồng Hoàng Hoa Chiếm dạy bảo hai
con cách thức đi đường, phương pháp điều khiển các mã phu tải hàng hóa,
thậm chí dạy cho cả cách lên và giữ thồ hàng. Hai trẻ rất thông minh
thâu nhận được hết kinh nghiệm cần phải có của một hảo hán giang hồ.
Hoàng Hoa Long sở trường đánh thiên phương họa kích giống cha. Hoàng Hoa Hổ ưa dùng Lê Hoa thương giống mẹ. Cả hai cùng giỏi nghề cung tên.
Ngoài ra, Trương Tam Nương còn truyền cho hai con các công phu sở trường về Nhuyễn thuật đặc biệt đã học được của Trương Lãng Tử khi xưa.

Từ khi Trương viên ngoại quy tiên, Trương Tam Sơn dong ruổi
giang hồ, thì Trương Tam Vân một mình cáng đáng cả mọi công việc trong
thôn trang.

Tam Vân cho người nhà lên ở trên am Võ Đang sơn dọn dẹp sạch sẽ, giữ nguyên nếp cũ với ý định là sau này có tuổi sẽ rút lui lên đó di
dưỡng tính tình. Tam Vân ít đi chơi xa, thường chỉ quanh quẩn trông nom
việc trang trại, vui thú điền viên, phụng dưỡng hai bà mẹ.

Đậu thi và Trần thị tuổi hạc an nhàn rất yêu thương bốn đứa cháu nội ngoại.

Trương Tam Võ và Nhị Nương chuyên dùng Lê Hoa thương và đơn đao
theo nghề nhà và lẽ cố nhiên môn Nhuyễn thuật, quyền cước được Tam Vân
đặc biệt chú ý chuyên luyện cho hai con. Nhị Nương còn sở trường riêng
môn phi đạn sắt bách phát bách trúng, khiến nhiều hảo hán qua chơi
Trương gia thôn được xem bầy trẻ biểu diễn võ thuật cũng phải ghê hồn…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.