Đọc truyện Lam Y Nữ Hiệp – Chương 13: Vô tình kẻ cũ gặp thù xưa Hội ý Dị nhân trừ đạo tặc
Thiết Xích Tử Trương Tam Sơn kể truyện tới đây, Phàn Thế Hùng rót một ly rượu lớn đưa mời :
– Tiên sinh giải lao đã rồi sẽ kể nốt.
Thiết Xích Tử đón lấy ly rượu, tặc lưỡi nói :
– Chà! Khát thiệt đó, nhưng hết chuyện rồi còn kể chi nữa?
Chu Đức Kiệt hỏi :
– Hiện nay, Bạch Long Trương Tam Vân vẫn ở Võ Đang sơn?
Thiết Xích Tử uống một hơi hết ly rượu, gật đầu đáp :
– Y vẫn ở Võ Đang sơn. Các cháu Tam Võ và Nhi Nương cũng đã đi lâu rồi.
– Còn nhị vị mẫu thân?
Thiết Xích Tử lơ đãng nhìn ra cửa sổ. Hiện còn Trần mẫu lên ở Trương gia.
Lam Y nữ hiệp hỏi?
– Gia đình Trại Lữ Bố Hoàng Hoa Chiếm ra sao?
– Về sau này vị tiêu sư có tuổi quản lý tiêu cục bên Trường Sa
mất, không lựa chọn được người điều khiển có khả năng, vợ chồng họ Hoàng buộc lòng phải về ở Trường Sa. Cháu thứ hai Hoàng Hoa Hổ ở với cha mẹ
nó, còn cháu lớn Hoàng Hoa Long thì ở Tiêu Anh phủ tập sự điều khiển
công việc bên đó. Năm nay, chúng ngoài hai mươi tuổi cả rồi phải làm
việc chứ ngồi nhà mãi sao? Cả hai cùng có bản lãnh khá lắm không kém chi cha mẹ chúng. Chừng nào có dịp qua Võ Đang sơn, Tiêu Anh phủ hay Trường Sa, mời quý vị đến chơi. Cứ hỏi họ Trương hoặc bảo tiêu cục họ Hoàng
thì ai cũng biết.
Mọi người đang nói chuyện thì Phàn Mộng Liên bước vào phòng :
– Cơm xong rồi, cho phép bầy bàn chứ?
Lam Y nữ hiệp mỉm cười :
– Đã đành, bà nội trợ cho ăn ngay đi, đói meo cả bụng rồi.
Đỏ mặt, Phàn Mộng Liên lẳng lặng xuống bếp.
Lát sau, cả nhà xúm vào nhấm rượu rất vui vẻ.
Chu Đức Kiệt nóng ruột, hỏi Thiết Xích Tử :
– Tiên sinh gặp Phi Không trong trường hợp nào?
Thiết Xích Tử tớp ngụm rượu rồi nói :
– Hồi đó tôi ngoài ba chục tuổi.
° ° °
… Trên con đường đất gồ ghề từ Lý Bình trấn đi Quế Dương thủ phủ Quý Châu, một chiếc xe ngựa chậm rãi đo…
Hai người một trẻ, một già ngồi cầm cương. Ông già Đặng Tam tay
vung vẫy chiếc roi tre. Chàng thiếu niên là con ông, tên Đặng Quyền cầm
cương ngựa. Trong xe có hai người ngồi và vài bọc hành trang. Đó là vợ
chồng nho sinh họ Thạch tên Kỳ, tự Quang Chiếu mới đỗ tú tài về quê cưới vợ là Hàn Mỹ Vân, xin phép mẹ sang Quế Dương thăm bà bá mẫu họ Viên.
Trưa hôm đó, xe đang đi trên đường vắng vẻ, hai bên núi đá lởm chởm. Thạch Kỳ hỏi Đặng Tam :
– Chiều nay bọn ta nghỉ ở đâu?
Ông già ngoái cổ lại nhìn nho sanh :
– Chúng ta sẽ nghỉ ở thôn Tiểu Bằng. Tiên sinh chớ nóng ruột,
tôi biết rõ con đường con đường này lắm. Tuy khó đi nhưng không sợ trễ
đâu. Thế nào cũng tới :
– Hỏi vậy là vì tôi thấy mây đen u ám e trời sẽ mưa lớn, xe bị lầy không đi được phải nằm giữa khu hoang vắng này thì khốn…
Đặng Tam cười khì khì :
– Khu vực này lạ lắm. Mây dồn lại vậy mà không mưa đâu, trừ phi có gió lốc mạnh. Lát nữa sẽ tan ngay…
Xe đi tới một chỗ rẽ, hai đang người mãi nói chuyện thì chợt
thấy một người râu quai nón, trạc ngoài bốn mươi tuổi, áo đầy bụi, ngồi
trên phiến đá dưới gốc cây bóng mát, cây giáo sắt dựa một bên. Da mặt
người ấy dám nắng màu đồng. Thấy chiếc xe lọc cọc đi qua, người ấy
giương mắt nhìn trừng trừng. Chờ xe đi khỏi trước mặt, người ấy nhìn
thốc vào phía sau mui vải thấy Hàn thị thì đờ ra nhìn theo không chớp
mắt. Hàn Mỹ Vân thấy vậy bèn kéo buông chiếc rèm vải sau xe xuống.
Thạch tú tài vội hỏi vợ :
– Sao hiền thê lại kéo rèm? Để hở cho mát có được không?
Hàn thi chỉ tay về phái sau :
– Người ngồi ở phiến đá kia nhìn thốc vào xe, coi như dữ tợn
quá, em thấy ghê rợn nên buông rèm xuống cho họ đỡ ngó. Lát nữa sẽ vén
lên cũng được.
Thạch tú tài không nói gì. Nhưng Đặng Tam quay người lại mỉm cười :
– Tôi chở xe thuê trên con đường này từ khi thằng con tôi đây
mới lên mười tới nay nó ngoài hai mươi mà chưa bị cướp lần nào. Đường
trường thỉnh thoảng gặp người lạ là thường, lo sợ làm chi? Vả lại bọn
đạo tặc đón những khách thương mới có tiền hay hàng hóa, chớ bọn ta thì
có gì đáng để chúng phải mất công!
Đặng Quyền thúc ngựa đi lẹ hơn :
– Thái thái khỏi lo, để đi qua chặng đường xấu này, tôi sẽ cho ngựa chạy, như vậy mau lẹ hơn.
Thạch tú tài bảo vợ :
– Hiền thê an tâm. Đặng tiên sinh thuộc đường này rồi. Ta phải tin mới được chớ!
Hàn thị im lặng, khi vén rèm vải nhìn lại phía sau thì tái mặt, buông vội rèm xuống :
– Kìa kìa, cứ nói không việc gì. Người mặt dữ tợn đó đang vác giáo đi theo cách không bao xa…
Thạch tú tài kín đáo nhìn qua khe rèm quả nhiên thấy người ấy theo thật, cách xe độ non trăm thước.
Tuy vậy, chàng cũng nói cho vợ an lòng :
– Mình đi đường người ta cũng đi đường, làm thế nào biết họ theo dõi xe này được.
Đặng Tam bảo con :
– Thúc ngựa cho xe chạy lẹ hơn nữa con, kẻo thái thái lo sợ…
Nói đoạn Đặng Tam cầm roi vút gió mấy cái. Đặng Quyền giật cương. Ngựa bước lẹ hơn trước nhiều, nhưng vì đường xóc mạnh.
Lát sau, Hàn thị lại bước ra phía sau, bảo chồng :
– Phu quân nhìn xem, lạ lắm. Xe ta đi lẹ hơn trước nhiều, nhưng
người ấy cũng đi lẹ hơn. Hắn vẫn theo kia kìa! Không theo xe này còn
theo ai nữa?
Đặng Tam ngả người sang phía hữu nhìn ra sau. Thach tú tài cũng nhìn qua khe rèm.
Quả nhiên, người ấy vẫn đi cách xe độ non một trăm thước như ban nãy tuy xe đi lẹ hơn.
Thạch tú tài nói :
– Ờ, kỳ thiệt! Tôi cũng có cảm tưởng thế nào ấy!
Đặng Tam nói :
– Nhị vị không quen đường trường nên hơi có sự lạ là lo sợ rồi.
Nếu người này là đạo tặc, họ cướp xe từ nãy, chờ chi tới bây giờ. Chẳng
qua họ thấy có người thì cố gắng đi theo cho đỡ buồn, đỡ nóng ruột trên
đường xa đó thôi.
Nói đoạn, thúc ngựa đi lẹ hơn nữa. Kỳ thay, xe đi lẹ bao nhiêu,
người kia cũng đi mau chừng ấy thành thử xe và người vẫn cách nhau có
bấy nhiêu thôi, Vợ chồng Thạch tú tài lo lắng ra mặt. Nhưng lúc xế
chiều, tới quãng đường tắt, đặng Tam cho ngựa chạy lẹ, Thạch Kỳ nhìn ra
phía sau, không thấy người râu quai nón đi theo nữa mới khoan khoái bảo
Hàn thị biết.
Hàn Mỹ Vân nhìn theo, thở phào nhẹ nhõm :
– May quá! Người đó làm thiếp sợ vô cùng.
Đặng Tam nói;.
– Nhị vị coi tôi nói có sai đâu!
Chiều hôm ấy xe đi tới một làng lớn, nhà cửa san sát ở cả hai
bên đường, mái ngói tường hoa, rất nề nếp khang trang. Ngay đầu làng,
dưới bóng cây xanh mát, có một tửu quán sạch sẽ, chiêu bài bay phấp phới đề Kim gia quán.
Đặng Tam nói với họ Thạch :
– Đây là làng Miêu Hoa, giàu có lắm. Kim gia quán lớn nhất. Ta phải quá đêm ở đây thôi.
Thạch tú tài đáp :
– Nếu vậy, đỗ lại đây mai sẽ đi.
Đặng Quyền rẽ ngựa vào sân tửu quán.
Thấy có khách tới, tử bảo vai vắt khăn chạy ra đón rước. Chủ quán mập ụ đứng trên thềm chờ…
Thấy Đặng Tam, tửu bảo tươi cười :
– A, Đặng lão, chuyến này lâu lắm mới qua đây, mạnh khỏe không?
Đặng Tam vừa xuống xe vừa nói :
– Cảm ơn, lão vẫn như thường. Quý khách đây ghé nghỉ đêm nay, mai lên đường.
Tửu bảo và Đặng Tam xách mấy bọc hành lý vào quán. Họ Thạch tự
tay đỡ vợ xuống xe vào theo. Đặng Quyền lái xe ẩn dưới gốc cây rồi bắt
đầu tháo cương cho ngựa nghỉ ngơi, dắt ra tầu ở phía sau quán.
Chủ quán chắp tay chào vợ chồng Thạch tú tài và Đặng Tam :
– Trên lầu có phòng rộng rãi mát mẻ, xin mời quý khách lên cho…
Nói đoạn, chủ quán kêu tửu bảo đem hành lý đỡ Đặng Tam lên lầu theo vợ chồng họ Thạch.
Thạch tú tài dặn với chủ quán :
– Cho chúng tôi ăn cơm ở trên lầu nhé. Đi đường mệt lắm… Đặng lão và lệnh lang lát nữa lên lầu dùng bữa luôn thể.
Đặng Tam nói :
– Xin để tự nhiên. Tôi phải ở dưới này uống rượu và hàn huyên cùng chủ quán.
Lát sau, cha con Đặng Tam đang ngồi nhắm rượu thịt nai với chủ
quán thì Đặng Quyển bỗng đá nhẹ vào chân cha rồi hất hàm ra hiệu bảo
Đặng Tam nhìn ra đường. Đặng Tam thấy người râu quai nón gặp trên đường
ban nãy đi cùng một hòa thượng trẻ tuổi vóc người vạm vỡ, bắp thịt vai
và gáy nổi ụ lên như thừng chão.
Hòa thượng đó vác thiền trượng bằng đồng lớn như miệng chén. Hai người chuyện trò ra vẻ đắc ý lắm. Khi đi ngay cửa quán, người râu quai
nón thấy chiếc xe ngựa ở gốc cây lớn trong sân quán, ngừng bước lại nhìn rồi đi thẳng.
Đặng Quyển hỏi cha :
– Người theo xe ta lúc nãy đó phải không? Chẳng hiểu phụ thân nghĩ thế nào, riêng phần con thấy đáng ngờ lắm.
– Ờ, ta cũng nghĩ vậy, nhưng không tiện nói ra, e vợ chồng Thạch tú tài lo sợ.
Chủ quán nghe chuyện, hỏi :
– Bằng hữu định nói về người vác cây giáo sắt vừa đi qua đây phải không?
Đặng Tam gật đầu :
– Chính thế. Bằng hữu biết y sao?
– Biết nhưng không quen. Y thường đi qua khu vực này và đã vào
bản quán uống rượu vài lần. Nhiều tiền lắm. Trả tiền rất hào phóng. Còn
vị hòa thượng đi với y thì lần này tôi mới trông thấy lần đầu.
Nghĩ ngợi giây lát, chủ quán nói tiếp :
– Chắc thế nào họ cũng trở về đây uống rượu vì quán này có nhiều món nhậu vừa ý tất cả mọi người. Sao bằng hữu có vẻ mất vui thế?
Đặng Tam đem chuyện gặp người nọ ở đường kể cho nghe.
– Nói ra thì cũng đáng ngại thiệt nhưng đi đường trường biết nói sao cho cùng. Tại sao bằng hữu không nhập bọn khách thương đi cho đông
người và có cả tiêu sư có hơn không?
– Chờ tới mấy ngày không có bọn nào đi đường này cả mà vợ chồng
Thạch tú tài lại muốn đi gấp nên tôi phải lên đường không thể trì hoãn
được Vả lại hành trang cũng chẳng có gì đáng chú ý.
Chủ quán cười khẩy :
– Bằng hữu chở xe mướn già đời rồi mà còn hớ! Món hàng quý không phải mấy bọc hành lý vô dụng ấy, mà chính là cái nhan sắc vợ tú tài.
Tuy chẳng khuynh quốc nghiêng thành nhưng cũng đủ khiến cho bọn tặc đạo
dâm bôn chú ý tìm cách bẻ nhụy hái hoa chứ sao! Thời buổi này đi đường
trường không có bản lãnh không nhập bọn, có nhan sắc mà không biết hóa
trang nguy hiểm biết chừng nào. Lỗi ấy tại đặng hữu chớ vợ chồng họ non
dại nhà nho biết gì.
Đặng Tam bị chủ quán dồn cho một hồi đờ người ra lo lắng :
– Bằng hữu giảng giải bây giờ tôi mới nghĩ ra. Việc đã trót rồi bây giờ làm thế nào…
– Chỉ còn có cách nằm lì ở đây chờ xem có bọn nào đông người đi qua nhập bọn thì có phần nào may mắn.
Ba người đang bàn bạc nói chuyện thì từ khu rừng phía trước mắt, một người đi tới. Giây lát, người đó tới đầu thôn Tiêu Bằng đứng ngó
trước xuôi thấy làng Miêu Hoa khang trang gật đầu mấy cái, tần ngần đi
mấy bước nữa, nhưng trở ngay lại đi thẳng vào Kim gia quán.
Chủ quán và cha con Đặng Tam chú ý nhìn thấy người lạ nọ trang
phục ra dáng hành khất, da mặt rám nắng đỏ lừ, râu ra tua tủa, lưng quấn chiếc xích sắt, mỗi đốt lớn như ngón chân cái. Bên sườn lủng lẳng đeo
chiếc bầu rượu lớn có thể đựng được tới bốn, năm cân rượu.
Chủ quán lẩm nhẩm một mình :
– Gớm khiếp, sao hôm nay chiều rồi mà nhiều khách lạ quỷ quái qua khu này thế.
Đặng Tam lo lắng hơn :
– Y dữ quá hay là đồng bọn với tên râu quai nón ban nãy tới dò dẫm chi đây.
Chủ quán chép miệng.
Người lạ qua sân trước vào quán. Tửu bảo chạy ra đón chưa kịp hỏi gì thì người ấy liệng mười tiền xuống mặt thối :
– Lấy ba cân thịt nai tái, bốn cân rượu thượng hạng, còn bao nhiêu cho nhà ngươi.
Tửu bảo vội thưa :
– Tất cả mười hai tiền cơ ạ.
Người đó cau mặt lại hỏi :
– Nơi này mà cũng mắc mỏ thế à? Chưa bao giờ ta dùng bấy nhiêu
thứ quá giá mười tiền! Gớm thật. Nhưng cũng lấy lên đây. Rượu thiệt
ngon, thịt thiệt tươi, nghe!
Nói đoạn, liệng thêm ba tiền nữa cho Tửu bảo. Tửu bảo mừng quýnh chạy thăng vào bếp gọi thức ăn. Y không ngờ ông khách lam lũ này mà lại ăn uống sộp đến thế. Người đó nhìn qua bọn Đặng – Tam rồi kéo ghế ngồi
dựa lưng vào vách nhìn ra sân.
Lát sau, tửu bảo bê một khai đựng đĩa thịt lớn và một bồ rượu mấy cân, bày ra mặt thồi rót rượu.
Người nọ bỏ chiếc ly nhỏ sang bên :
– Lấy chiếc ly lớn.
Tửu bảo vội thay ly khác rót đầy.
Người ấy uống luôn một hơi hai ly, khà một tiếng :
– Chà! Rượu này ngon lắm. Lâu chưa?
– Thưa quý khách, thứ này cất được năm năm rồi, nên rất dịu.
Tháo chiếc bầu rượu sắt đưa cho Tửu bảo, người ấy nói :
– Rót đầy bầu này cho ta. Đúng năm cân đó. Bao nhiêu?
– Dạ bảy tiền ạ.
Trả tiền xong, người ấy bắt đầu ăn uống như hùm đói. Giữa lúc ấy, một tửu bảo khác chạy tới hỏi chủ quán :
– Chừng nào đem cơm lên lầu cho vợ chồng khách trọ?
Chủ quán đáp :
– Chừng nào rồi thì đem lên. Hỏi xem quý khách ấy cần dùng thứ chi khác nữa không nhé!
Tửu bảo vâng dạ quay đi.
Mấy người trong thôn kéo nhau ra gọi rượu uống. Đồng thời, người râu quai nón và hòa thượng cũng vào quán. Hai người dựng khí giới vào
góc tường, kéo ghế ngồi kêu tửu bảo lấy rượu thịt. Trong khi chờ đợi, họ nhìn mọi người trong quán một lượt và nói chuyện với nhau bằng thứ
tiếng mà không ai nghe hiểu cả.
Chủ quán thấy đông khách xin lỗi Đặng Tam, đứng lên ra quầy hàng ngồi.
Người râu quai nón bảo hòa thượng :
– Sư đệ coi tên hành khất ngồi thồi bên kia chắc là bọn cướp cải trang. Nếu không, nó lấy đâu ra nhiều tiền ăn nhậu thế kia!
Hòa thượng cười :
– Ăn cướp hay không, chẳng cần biết. Đồ vô dụng ấy thì Phi Không này chỉ nuốt chửng, Lưu sư huynh nghe chưa?
Người râu quai nón họ Lưu nghiêm nét mặt :
– Sư đệ chẳng nên khinh thường. Cách đây trên hai chục năm, ngu
huynh đã từng gặp một hành khất nhỏ bé hơn tên này võ nghệ cao siêu vô
cùng, Y cũng dùng cái xích sắt y hệt cái xích sắt tên này quấn ở lưng.
Lối sử dụng thật kỳ dị. Tên này là đồ đệ hay là con cháu nó cũng chưa
biết chừng.
Phi Không cười khẩy :
– Lưu sư huynh chẳng nên quá tự hạ. Trừ sư phụ và Thiên Không sư huynh, tôi chưa biết nể ai hết.
– Ngu huynh nói như vậy không phải vô căn cứ. Chính hai người họ với ngu huynh đã bị tên hành khất đó đánh thua dễ dàng như bóp hột gà
vậy. Bởi thế, ngu huynh mới theo sư phụ trên La Phù sơn học nghệ báo
thù. Nóng ruột, ngu huynh hạ sơn ngay, tìm tới Trương gia thôn ở Võ Đang sơn, không ngờ lại bị đồ đệ của tên hành khất ấy làm nhục. Nghĩ bây giờ còn căm hờn… Nếu tên ngồi kia là bọn chúng thì chắc bản lãnh không
tầm thưởng như sư đệ tưởng đâu.
Tửu bảo đem thức ăn lên.
Họ Lưu và Phi Không rót rượu ăn uống.
Phi Không nói :
– Sư huynh còn muốn báo thù nữa hay thôi?
– Ngu huynh không đủ sức nên từ hồi ấy chịu, không dám bén tới
Trương gia thôn nữa. Với tài nghệ của sư đệ may ra còn có hy vọng khiến
chúng phải kiêng nể. Nhưng chúng đông người hơn thì vị tất đã làm nổi
chuyện gì. Ngu huynh nói thiệt chớ không tâng bốc người đâu.
– Được rồi, đã thế, tôi sẽ đi cùng sư huynh đến Võ Đương tìm chúng phân tài cao thấp một phen.
– Việc đó sẽ bàn tới sau, còn nhiều thì giờ. Bây giờ, ngu huynh
muốn nói tới bọn đi xe ngựa gặp lúc ban trưa… Hai người một già, một
trẻ trong cùng kia là chú chủ xe. Còn vợ chồng tên thuê xe không thấy ở
đây.
– Thế thì chắc chúng ở trên lầu rồi sáng mai sẽ lên đường. Thiếu phụ đó nhan sắc không?
Họ Lưu tặc lưỡi ra vẻ thèm thuồng lắm :
– Chao ôi! Khá đẹp. Coi dễ thương lắm.
– Sư huynh định thế nào? Làm đêm nay đi, chờ tới mai nóng ruột lắm.
– Ờ, ăn uống xong, ta đi chỗ khác, canh ba sẽ hành động.
Nghe Phi Không và họ Lưu nói chuyện, người hành khất im lặng ăn uống, nghĩ thầm :
– À ra tên này là tên bị Tam Vân uốn cong cây giáo sắt, hôm ta
lên Tiêu Anh phủ vắng mặt. Còn ác tăng kia chắc là anh em môn đệ của y.
Oan gia phùng oan gia. Được lắm!
Về phần Đặng Tam rất lo lắng từ lúc trông thấy người khách lạ và hai người râu quai nón và hòa thượng vào tửu quán.
– Con lên lầu báo cho vợ chồng Thạch tú tài đừng có xuống đây,
hay đứng ngoài lan can, e bọn này trông thấy thời chỉ có hại thôi.
Đặng Quyền đứng dậy vào bên trong.
Trời đã hoàng hôn. Sương chiều bắt đầu xuống rắc lên mọi vật lớp phấn nhẹ lam mờ.
Trương Tam Sơn ăn uống no nê, xách bầu đầy rượu, đứng lên đi thẳng.
Lát sau, họ Lưu và Phi Không cũng trả tiền hàng rồi đi nốt.
Như ta đã biết, họ Lưu đây chính là Lưu Nghị. Từ ngày y thất bại ở Võ Đang sơn thì lưu lạc giang hồ, sống quen nghề cũ, cướp bóc lặt vặt tại các nẻo đường xa hoang vắng. Y thay đổi khu vực làm ăn luôn nên
không ai quen mặt. Một hôm, Lưu Nghị vào một chiếc am nhỏ bỏ hoang trên
đường Lý Bình Trấn ngủ đêm.
Độ quá canh tư, Lưu Nghị chợt thấy tiếng động ngoài cửa am,
tưởng rằng có con thú nào đi ăn đêm qua đây. Không ngờ, tiếng cửa am cọt kẹt từ từ mở ra… Lưu Nghị nằm trên bục cao ở trong cùng núp sau lưng
mấy pho tượng đổ lỏng chỏng, khẽ nhỏm đầu nhìn xuống, thấy lồng giữa
khung cửa am, ánh trăng rầm vằng vặc bên ngoài, một bóng người đẫy đà,
trên lưng đeo một bọc lớn. Người đó vào trong am, hạ bọc lớn xuống đất,
rút đá lửa đánh bùi nhùi, nhìn qua loa thấy am đó bỏ hoang đã lâu đời,
bèn dập tắt lửa, mở toang cả hai cánh cửa xiêu vẹo cho ánh trăng lùa
chếch soi sáng vào trong am. Lưu Nghị bấy giờ đã nhận rõ người ấy là một đầu đà trẻ tuổi. Y xách bọc lớn để lên bục đá thấp ngay trước bàn thờ,
mở ra…
Lưu Nghị giật mình. Vật trong bọc đó là một thiếu nữ đang thiêm thiếp ngủ mê mệt.
Đầu đà lấy ở túi áo ra một viên thuốc bỏ vào miệng thiếu nữ, Chỉ trong giây lát, thiếu nữ cựa quậy, thở dài, vươn vai tỉnh dậy.
Thiếu nữ quờ tay sang hai bên, chạm phải đầu đà ngồi ở bên bệ đá, giật mình thốt hỏi :
– Ủa! Đây là đâu? Ai thế này?…
Nàng định nói hay kêu lớn nữa, nhưng đầu đà đã bịt miệng nàng lại, khẽ bảo :
– Biết điều thì im miệng, giữa nơi rừng núi hoang vu này nàng có kêu cũng vô ích.
Nghe ta thì sống, có tiền nhiều, trái lại chỉ một lát đao là đi
đời. Đấy, kêu la đi ta coi! Nói đoạn, đầu đà bỏ tay bịt miệng thiếu nữ
ra.
Thiếu nữ sợ hãi ngồi nhỏm dậy quơ lấy cái bọc vải dầy ôm vào người run rẩy, lập cập.
Đầu đà nhãn nhở cười :
– Ái nương ơi, làm trò chi vậy cho mất công? Ta thấy ái nương
nhan sắc nên mới đem nàng về đây cùng nhau ân ái mà. Chịu khó nghe ta
thì muốn gì cũng có. Sớm mai, hai ta sẽ đi nơi khác. Ngoan nào.
Dứt lời, đầu đà vuốt má thiếu nữ định kéo nàng lại gần.
Thiếu nữ vội gạt tay mắng lại :
– Tu hành như nhà ngươi không sợ bị tội Diêm Vương địa ngục sao! Biết điều thì đem ngay ta về nhà…
Đầu đà ngắt lời :
– Chà! Ái nương trung trinh nết na quá! Nhưng chớ có dọa nạt ta
thêm uổng công nghe! Thằng này chưa bao giờ biết sợ ai cả. Ái nương
không thuận, ta sẽ áp bức thẳng tay. Lúc đó không còn nhẹ nhàng nữa đâu!
Thiếu nữ sợ hãi vùng dậy định chạy ra ngoài cửa am, nhưng đầu đà cười khẩy kéo tay lại bế thiếu nữ đặt vào lòng :
– Ái nương định đi đâu đêm hôm khuya khoắt giữa nơi rừng rú này, không sợ cọp, beo ăn mất xác sao?…
Thiếu nữ đập tay vào mặt, vào ngực đầu đà, giãy giụa định thoát thân, nhưng chẳng khác chi con chuồn chuồn hút cột đá…
Hai cánh tay cứng như hai gọng kềm thép ghì chặt thiếu nữ vào lòng :
– Ái nương nên biết điều chiều chuộng ta… có hơn không? Nào,
đêm xuân một phút ngàn vàng, chớ có phí phạm. Ta… mến ái nương quá!…
Nói đoạn, y cuối xuống hun vào má thiếu nữ… tay bắt đầu cởi
áo… Thiếu nữ tuy kháng cự nhưng ăn thua gì. Nàng sợ quá ngất lịm trong tay đầu đà…
Tên này bèn đặt nàng xuống bục đá, trải tấm vải bạc ra và tiếp tục cởi xiêm y…
Từ nãy, Lưu Nghị vẫn nằm yên xem đầu đà hành động như thế nào.
Bây giờ, đã hiểu rõ, thấy thiếu nữ nhan sắc kiều diễm thì tà dâm cũng
nổi dậy.
Lưu Nghị thì thầm :
– Tên hổ mang này cũng có mắt thẩm mỹ lắm. Vưu vật đẹp nhường
kia để lọt vào tay nó cũng uổng, chi bằng đánh cho nó một trận rồi phỗng tay trên có hơn không. Nghĩ đoạn, Lưu Nghị cầm cây giáo sắt đặt bên
cạnh, nhảy vụt qua bệ dưới đứng chắn ngang giữa cửa am ha hả cười :
– Đây là đâu mà thằng trọc này dám bắt người giở trò dâm ô. Biết điều bước ngay, ta sẽ tha toàn mạng, trái lại chớ trách ta không dạy
trước…
Đầu đà đang tình xuân phơi phới định ra tay bẻ nhụy hái hoa thỏa mãn tình cẩu trệ, không ngờ Lưu Nghị nhảy xuống đất qua mặt bệ, tiếng
gió động, đầu đà biết ngay có biến vội bỏ thiếu nữ, đứng phắt dậy thủ
thế thay không vì khí giới của y dựng trong góc am phía ngoài gần nơi
Lưu Nghị đứng.
Giữa nơi hoang vắng đêm tối này mà còn bị kẻ ngăn cản, đầu đà nổi giận đùng đùng, đứng vững trong bóng tối chờ cơ hội tấn công.
Lưu Nghị thét lên :
– Ta quyết lấy mạng mi.
Đầu đà cười gằn nghe phát ghê rợn :
– Cẩu tặc! Thử coi.
Thiếu nữ chợt hồi tỉnh thấy có người cứu liền bò lánh sang một bên.
Lưu Nghị đứng giữa cửa am nhằm ngực đầu đà đâm mạnh một mũi dao.
Đầu đà sẽ né sang bên nhường cho ngọn giáo đi qua, vung tay tả
cặp chặt cán giáo vào nách, xô người lên điểm hai ngon tay Song Long Thủ Châu vào mắt đối phương.
Lưu Nghị vôi bỏ rời cây giáo sắt, nhảy giật lùi ra ngoài cửa am :
– Ủa! Học trò La Phù sơn phải không?
Đầu đà vẫn cặp cây giáo nhảy theo ra :
– Mi vừa nói chi vậy?
– Người là môn đồ của Đắc Đạo thiền sư ở Thiên Linh Tự cõi Lĩnh Nam phải không?
– Sao mi biết được như vậy? Hay là sắp chết đến nơi nên ba chuyện tìm cách trốn tránh.
– Ai dạy ngươi lối bắt giáo này? Phải chăng Đắc Đạo sư phụ?
Lưu Nghị cười ha hả :
– Đánh nhau vỡ đầu mới biết nhận nhau. Chúng ta là anh em một
nhà cả. Tôi hạ sơn trước khi sư đệ nhập môn theo học. Chẳng hay quý tánh cao danh là chi, hạ sơn từ bao giờ? Tôi họ Lưu tên Nghị, biệt sư phụ
ngót hai chục năm nay rồi.
Đầu đà nghe vậy, liệng cây giáo trả Lưu Nghị cười lớn :
– Té ra chúng ta là bạn đồng môn! Tôi là Phi Không mới hạ sơn
được ngót ba năm nay. Trước đây, sư phụ thỉnh thoảng có nhắc tới sư
huynh, không ngờ lại gặp nhau ở chốn này. Chẳng hay sư huynh “đồng” hay
“phản” với tôi?
– “Đồng” chứ. Thấy cô ả khá quá, ta định phỗng tay trên hiền đệ.
Phi Không cả cười :
– Sao không nói trước để tốn bao nhiêu thì giờ quý báu. Tôi xin
nhường “vưu vật” ấy cho huynh đó, của này thiếu chi, bắt lúc nào cũng
được.
Lưu Nghị xua tay :
– Đâu lại có thể thế được. Sư đệ mất công, cứ tùy tiện, ta nằm chờ trên cây lớn kia.
Liệu mau lẹ cho rồi việc, đem cô ả trả về chốn cũ, đừng sát hại
vô ích. Ngu huynh “làm ăn” trên con đường này, cần phải tránh kẻ dòm ngó mới được…
Lưu Nghị rút cây giáo lên, nói tiếp :
– Hừ! Nếu không nhận ra lối bắt giáo sở trường của sư phụ truyền lại thì có lẽ không bao giờ bọn ta biết nhau nữa… Vô đi! Ngu huynh
chờ!
Phi Không phì cười, quay vào am. Thiếu nữ thoạt đầu thấy cứu
tinh thì đã mừng, tưởng thế nào cũng thoát khỏi miệng lang sói, không
ngờ thấy hai người nói chuyện, nhận nhau là sư huynh sư đệ, nàng hiểu
ngay cả hai cùng loài mèo mả gà đồng, bèn tìm lối thoát. Nàng thấy am có cửa sau liền chui ra nhằm rừng cây chạy thục mạng, nhất định dù làm mồi cho thú dữ cũng còn hơn bị ô nhục. Giả phỏng mấy tên đạo tặc đó có đuổi theo bắt được, nàng quyết húc đầu vào đá hay vào cây tự vẫn cho rồi.
Nàng len lỏi qua các bụi rậm bất cần gai góc chạy miết. Thiếu nữ chạy
liều, xuyên hết bụi nọ qua bụi kia. Không dám chạy thẳng, nàng đi vòng
vèo lâu lắm… lâu lắm. cho tới lúc nghe thấy tiếng ai đó chặt cây chan
chát trong rừng. Thiếu nữ mừng qua, nhìn ra trước mặt trông thấy hai
tiều phu đang đốn củi. Nàng định giơ tay vẫy, hé miệng kêu cứu, nhưng
mọi vật bỗng nhiên quay cuồng đảo luôn rồi mờ hẳn trong mắt nàng như bị
đám sương mờ che phủ.
Nàng té lăn ra mặt đất đầy lá khô, ngửng đầu nhìn. Người có tuổi nói :
– Con, ta chạy tới xem người con gái nào lại từ trong rừng chạy ra thế kia. Bị thú dữ rượt chăng! Tiếp cứu mau!
Người tiều phu thanh niên khỏe mạnh nói:
Phụ thân cứ ở đây để con tới đó xem sao.
– Không! Ta cùng đi.
Thế là hai cha con vác rìu chạy phóng tới chỗ thiếu nữ vừa té.
Trong khi ông già xem xét thiếu nữ, người con trai lăm lăm cầm rìu nhìn khắp xung quanh phòng bị thú dữ rượt tới.
Không sao cả. Nàng chạy mệt quá nên ngất đi đó thôi. Chắc không phải bị thú đuổi. Nếu có thú thì nó đã chồm tới rồi.
Nói đoạn, ông già vác thiếu nữ lên vai đem tới chỗ đốn củi, đặt
nàng nằm trên đống lá. Thanh niên tháo bầu nước tra treo ở cành cây gần
đó tới. Ông già nâng gáy thiếu nữ, kề miệng bầu vào miệng nàng đổ cho
mấy hớp nước. Trao bầu trả lại cho thanh niên, ông già vén mấy mớ tóc
xõa trên mặt thiếu nữ.
– Ủa, ai như là Vương Muội Muội bên làng Thái Phước, con của lão Vương Lục phải không?
Thiếu niên cúi nhìn :
– Dạ phải rồi! Vương Muội sao lại lạc trong rừng như thế này?
Thiếu nữ lần lần tỉnh mở mắt nhìn cha con người tiều phu. Ông già gọi :
– A, tỉnh rồi, Vương Muội Muội lai tỉnh mau.
Vương Muội lờ đờ mệt nhọc chớp mắt mấy cái, hỏi :
– Đây là đâu? Trần gian hay địa ngục? Ác tăng thiệt quá lắm!…
Nói đoạn, nàng lại nhắm mắt thiêm thiếp.
Ông già chà xát hai thái dương thiếu nữ vừa gọi :
– Vương Muội Muội, lai tỉnh, lai tỉnh! Khương lão đây mà!
Vương Muội Muội lại lờ đờ mắt nhì hồi lâu tỉnh hẳn.
– Vương Muội Muội có nhận ra ta không? Khương lão tiều đây! Sao con lại lạc vào rừng?
Thiếu nữ nhận ra người quen, ngồi nhổm dậy, láo liên sợ hãi :
– Khương lão ơi, chạy mau, vệ nhà mau, ác tăng đuổi tới nơi chết cả lũ bây giờ.
– Kìa! Điên sao? Ác tăng nào ở đây?
Thiếu nữ đứng hẳn lên :
– Cháu không điên đâu! Chạy về nhà đã, sẽ nói chuyện sau. Nó đuổi tới thì chỉ nguy đó.
Thiếu niên nói với cha :
– Chắc có nhiều điều bí ẩn. Thà rằng đưa nàng về ngay, chẳng lẽ để nàng ở đây sao?
Khương lão gật đầu :
– Thế thì con sửa soạn ra về, để ta đỡ Vương Muội Muội.
Thiếu nữ đã tỉnh hẳn tuy sắc mặt còn tái nhợt điểm vẻ kinh hoàng :
– Khương lão à, cháu đi được. Lẹ lên. Đường còn xa không?
– Không xa. Gần đây là đường cái. Qua đường về tới làng Thái
Phước rồi. Cứ an tâm. Đứa nào tới đây thì đã có rìu này sợ chi. Nào đi.
Khương lão nghĩ sao nói vậy, thực thà, có biết đâu nếu ác tăng
đuổi tới thì cả ba cùng tang mạng ngay, Lão tiều đi trước, Vương Muội
Muội đi giữa, thiếu niên đoạn hậu.
Ba người theo đường mòn lẹ bước trên lá khô sột soạt. Thiếu nữ
nóng ruột, lo sợ, thỉnh thoảng ngó lại phía sau, e có người đuổi.
Hồi lâu, ra tới cửa rừng, lão tiều nói :
– Hãy ngừng bước để ta coi xem có chi lạ trên đường không đã.
Nói đoạn, Khương lão ngồi thụp xuống bò ra khỏi cửa rừng nhìn hai đầu
đường…
Từ phía làng Thái Phước có hai người đi tới. Lão tiều nhìn kỹ, nhận ra hòa thượng và một người râu quai nón…
Lão toát mồ hôi, bò thụt lại vào, rằng :
– Nguy rồi có hai người, hòa thượng và râu quai nón đi tới. Rút lui mau chui vào lùm cây rậm rạp ở phía tả kia kìa… Mau!
Cả ba người vội vàng chạy tới bụi cây chui trốn vào giữa lùm lá
cây, nín thở. Thiếu nữ mặt cắt không còn chút máu, nghe rõ tiếng chân đi ngoài đường.
Bỗng tiếng chân ngừng lại, tiếng hai người nói chuyện ồm ồm :
– Lưu sư huynh, tôi thấy có vật gì như người bò ở đúng chỗ này, không sai… Kìa có đường mòn vào rừng!… Ta vô coi đi?
Người khác trả lời :
– Chắc sư đệ lầm rồi. Nhiều thú nhỏ trong rừng bò ra bên đường
thiếu chi! Hễ thấy người đi qua, thú lại chạy trở vô. Con đường mòn này
là của bọn tiều phu đốn củi, vô làm chi cho phí công! Con bé đó chắc lạc vào rừng sâu toi mạng rồi. Từ am đó đi vòng trong rừng biết sao được
phương hướng mà về tới đây? Ngay như anh em ta cũng còn có thể bị lạc
nữa là!
Hòa thượng không nói gì, vác đồng trượng bước vào cửa rừng mấy bước, ngó qua một bên giây lát mới trở ra.
– Lưu sư huynh nói phải. Thôi đi. Ta đem các thức ăn và rượu này về am đêm rồi nhậu chơi. Có thì giờ ta sẽ lùng kiếm con khác.
Hai người lại tiếp tục đi thẳng. Bọn lão tiều nghe rõ chuyện Đầu đà và tặc đạo vừa rồi nói mồn một. Cả ba lo sợ, mồ hôi toát ra như tắm.
Chờ một hồi khá lâu ước chừng chúng đi đã xa, thiếu niên nói :
– Phụ thân và Vương Muội Muội ngồi yên đây, tôi ra xem tình hình thế nào đã.
Thanh niên nhẹ nhàng bò ra tới cửa rừng ló đầu nhìn, nghe ngóng. Bốn bề yên lặng. Tiếng gió xào xạc lá cây và tiếng chim rừng véo von
từng hồi.
Chúng đi rồi. Về làng mau.
Khương lão tiều và thiếu nữ chui ra khỏi bụi cây. Ba người đi
nép bên đường mải miết về làng Thái Phước. Không mấy chốc đã tới nơi. Họ đi lối sau thẳng tới nhà họ Vân, nên trừ mấy nhà lối xóm, không một ai
trong làng hay biết gì cả.
Vợ chồng Vương Lục và người nhà đang khóc lóc vì Vương Muội bị
mất tích, bỗng nhiên thấy con gái về thì ai nấy đều mừng rỡ, mừng mừng,
tủi tủi hỏi han câu chuyện.
Vương Lục mời cha con lão tiều vào nhà. Vương Muội kể việc xảy ra đêm rồi cho mọi người nghe.
Lão tiều bảo Vương Lục :
– Tuy Muội Muội đã thoát nạn nhưng chưa chắc tên hổ mang đó đã
chịu thôi, vậy chẳng nên cho Muội Muội ra khỏi nhà, kín tiếng và đừng
cho ngủ trên lầu nữa. Chừng nào tình hình êm dịu hẳn sẽ hay.
Vợ chồng lão Vương khen phải, giữ cha con lão tiều lại làm rượu tạ ơn.
Vương Muội Muội vào nhà trong thay y phục và buộc các vết thương.
Khương lão bảo con trai :
– Con nên về qua nhà nói cho mẹ biết là cha ở đây, kẻo thấy lâu không về ở nhà nóng ruột.
Vợ Vương Lục là Lâm thị ngăn lại :
– Hà tất cháu phải mất công, để ta cho thằng Vương Định tới nhà mời Khương bà qua đây cũng được.
Vương Định khoác áo đi ngay.
Làng Thái Phước cũng ở trong Tiểu Bàng thôn, giàu có khang trang như bên Miêu Hoa vậy. Nhà nào cũng vách gạch mái ngói, dân số đông đảo
hoặc làm nông nghiệp, hoặc thương nghiệp trù phú vô cùng.
Nói về Phi Không lúc trở vào trong am yên trí sẽ thỏa mãn lòng
dục, không ngờ chẳng thấy thiếu nữ đâu cả. Y bèn lục lọi khắp trong am,
thấy ngay sau bệ đá lớn có cửa nhỏ, thì đoán ngay rằng “mồi ngon” trốn
chạy bằng lối đó. Phi Không trở vào lấy thiền trượng đi ra lối sau, tìm
khắp các bụi rậm phía sau am hồi lâu, không thấy tăm hơi thiếu nữ đâu
cả. Cố tìm ra lối đi nhưng toàn là dây rợ chằng chịt, chính y đi cũng
còn khó nữa là thiếu nữ ấy chân yếu tay mềm.
Phi Không nghĩ thầm :
– Hay là Lưu Nghị manh tâm có đồng lõa, dụ ta ra phía trước nói trí trá, rồi một tên ở trong am núp đâu đó đem thiếu nữ đi?
Nghĩ đoạn, Phi Không vác thiền trượng đi vòng ra phía trước am gọi lớn :
– Lưu sư huynh.
Không có tiếng trả lời, Phi Không nổi giận đùng đùng hoa trượng vụt mạnh vào thân cây ở ngay tầm tay.
– Rắc! Cây đó gãy đôi cành lá đổ xuống rào rào.
Bỗng Lưu Nghị từ trên cây lớn cách đó vài trượng nhảy xuống ngơ ngác hỏi :
– Ủa! Sư đệ làm chi vậy khiến qua đang thiêm thiếp ngủ phải giật mình. “Vưu vật” đâu rồi. Mau lẹ vậy?
Phi Không hằn hộc :
– Quay vào am thì con bé biến đi đâu mất rồi! Có lẽ trong lúc bọn ta phân trần, nó thừa dịp trốn ra lối sau.
– Có trốn cũng chẳng đi được xa, rừng cây rậm rạp thế này. Chờ sáng rõ sẽ tìm.
Hai người cùng trở vào trong am đốt lửa lên.
Lưu Nghị nói :
– Tại ta cản trở mới dở dang thế này, nếu không mọi việc đã xong rồi!
Phi Không đáp :
– Nói tới việc đó làm chi? Điều cần nhất là con bé thoát khỏi nơi này sẽ nói lộ hình tích của ta.
– Chẳng kiếm ăn nơi này, đi nơi khác lo chi! Thiên hạ rộng rãi
mênh mông. Qua thay đổi nơi làm ăn luôn luôn. Cón bé ấy không thoát được miệng thú dữ, nếu nó luồn lối sau am vào rừng sâu.
Nói đoạn Lưu Nghị trèo lên bệ đá cao lấy bầu rượu và hai chiếc ly sứt mẻ đầy rượu đưa cho Phi Không một ly :
– Sư đệ uống chút ít rượu cho ấm người chờ sáng sẽ tìm kiếm lần nữa xem sao À, sư đệ bắt nó ở đâu?
– Ở nơi thôn lớn cách đây mười lăm dậm.
Đầu thôn hay cuối thôn? Lối nào đi lại?
– Lối Quế Dương đi lại, tôi ngừng lại đó dùng bữa trong tửu
quán, chợt thấy con bé này đi qua, liền theo biết nhà, đêm mò tới dùng
muội hương bắt. Cõng nó qua đây định vào rừng vầy cuộc mây mưa, xong
việc sẽ hạ sát cho mất xác tiêu tan, không ngờ thấy am này vừa vào thì
gặp sư huynh.
– Lối Quế Dương tức là làng Thái Phước. Chờ sáng bọn ta tìm kiếm nếu không thấy, sẽ qua đó thăm dò nếu không thấy động tĩnh gì thì tức
là con bé chui vô miệng thú dữ rồi.
Hai người khề khà uống rượu suông tới sáng rõ bèn vác khí giới
ra phía sau em tìm hồi lâu, không thấy dấu vết chi cả đành bỏ dở.
Phi Không nói :
– Thôi, về am, mất công vô ích, chắc nó chết trong rừng rồi.
Chúng ta về thẳng làng Thái Phước xem thế nào.
Hai người nhân lúc trên đường vắng người bèn trổ thuật phi hành
đi cho mau lẹ. Thấy Phi Không chạy lướt như gió, thuật phi hành đã đạt
tới mực tối cao, Lưu Nghị tấm tắc khen thầm. Về phần Phi Không hiểu bản
lãnh họ Lưu còn sút kém nên thoạt đầu trổ tài cho Lưu Nghị phải kiêng
nể. Sau thấy y theo không nổi, bèn chậm bước lại.
– Sư đệ theo sư phụ bao nhiêu năm?
– Trên mười bốn năm.
– Thảo nào công phu y hệt sư phụ. Ngoài ra còn ai nữa không?
– Còn sư huynh Thiên Không nữa nhập môn đúng mười hai năm, được thầy coi như môn đồ trưởng…
– Ủa! Sao lạ vậy? Công phu của y còn kém sư đệ ngót ba năm sao được coi là trưởng tràng?
Biết mình đã nói lỡ, Phi Không vội chữa :
– Vì Phi Không hơn tuổi tôi và ở lại trụ trì hầu thầy ở Thiên Linh Tự.
Hai người im lặng phi hành, không mấy chốc tới nơi. Bèn đi lảng
vảng quanh mấy phố buôn bán nghe ngóng cũng không thấy sự gì lạ. Phi
Không kéo Lưu Nghị vào tửu điếm điểm tâm.
Lưu Nghị lắc đầu :
– Thôi, chẳng nên ở lâu nơi đây. Chúng ta qua bên Miêu Hoa có tửu quán tốt lắm sẽ vào ăn uống thanh thản hơn.
Hai người ra khỏi khu vực Thái Phước thẳng tới Kim gia quán. Ăn
xong, Lưu Nghị mua thêm rượu và mấy thứ thức ăn gói lại thành bọc quẩy
về am. Bởi vậy khi qua cửa rừng, bọn Khương lão tiều mới trong thấy và
trốn thoát, về tới am Lưu Nghị hỏi Phi Không :
– Sư đệ có cần đi đâu gấp không?
– Bước giang hồ bất định, còn việc chi gấp nữa!
– Nếu vậy, sư đệ nán lại khu này ít ngày, ta đón làm một mối tốt rồi sẽ đi. Qua sẽ đi cùng. Trên đường này có khách thương trường qua
lại.
Phi Không cười :
– Thế cũng hay. Ta sẽ đi Võ Đang sơn xem họ Trương có ba đầu sáu tay hay không mà khiến sư huynh ca tụng dữ dội vậy?
Hai người ở với nhau với hôm thứ tư. Ngày ngày, cả hai cùng ra
đón núp bên sườn núi, thì gặp xe Đặng Tam và Thạch tú tài đi qua.
Sở dĩ, bọn người trong xe chỉ trông thấy có Lưu Nghị là vì Phi
Không lánh mặt ngồi cách xa chỗ phiến đá. Tới khi Lưu Nghị trông thấy
Hàn Mỹ Vân xinh đẹp, bèn báo cho Phi Không biết. Phi Không nhẹ nhàng
chuyền qua các cành cây núp nhìn thấy Hàn thị nhan sắc bội phần thì nhểu nước miếng, trố mắt cá ngáo ra nhìn không biết chớp.
Chờ xe ngựa đi khỏi, Phi Không bảo Lưu Nghị :
– Tôi không muốn ra mặt, sư huynh theo xem chúng đi đâu, đêm nay hành động.
Sao không thấy người đẹp, tôi đã ngứa ngáy cả người rồi, nhưng
không thể hấp tấp được. Trước hết coi bộ xe này, ngoại trừ cô ả nọ, chắc không có nhiều tiền bạc. Như vậy có hạ sát thêm ba người trên xe cũng
không được việc chi hay hơn. Chi bằng đến đêm sẽ bắt cô ả về am hành lạc rồi phi tang. Rồi chờ bọn khách thương khác làm một “chầu tiền ăn
đường” chớ.
Lưu Nghị thấy Phi Không tính toán đâu ra đấy cũng khen phải :
– Sư đệ thật túc kế đa mưu, chắc thế nào cũng đạt được địa vị cao cả.
Vì thế Phi Không và Lưu Nghị mới gặp Thiết Xích Tử, Trương Tam Sơn trong Kim gia quán như đã nói ở đoạn trên.
Đêm hôm ấy, cũng như mọi đêm, Tiểu Bằng thôn vắng vẻ, mọi nhà
đều đóng cửa sớm đi ngủ. Toàn thôn chìm trong bóng tối. Ngoài tiếng chó
thỉnh thoảng sủa từng hồi như xua đuổi những hình bóng ma quỷ, toàn thôn yên lặng. Từ phía rừng trước mặt vọng ra những tiếng thú săn đêm hoặc
tiếng cú rúc rợn người.
Như hai bóng ma chập chờn, Phi Không và Lưu Nghị xuất hiện từ
cửa rừng, phi hành vùn vụt tới Kim gia quán. Hai bóng ấy nhảy lên tường
rồi chuyền xuống sân núp trong bóng tối nghe ngóng. Bỗng tiếng chó sủa
vang phía sau quán… Phi Không bấm Lưu Nghị chạy ra sân, nhảy vút lên
nóc nhà nhẹ nhàng không tiếng động nhỏ. Hai người nằm ép xuống mái nhà
như hai con thằn lằn, nghe ngóng.
Canh ba rồi! Từ xa vọng lên mấy tiếng mõ cầm canh. Trong tửu quán, ai nấy đều ngủ say, yên lặng như tờ và không một bóng lửa.
Hai người nhảy vào hành lang trên lầu áp tai vào cửa sổ nghe
ngóng. Phi Không chỉ tay vào trong ra hiệu cho Lưu Nghị biết là trong
phòng đó có người ngủ. Phi Không rút ở ngực áo ra cây muội hương, dắt
tay Lưu Nghị nhảy xuống mặt tường chuyền ra ngoài đánh lửa thắp, rồi lại phi thân trở vào chỗ cũ. Lưu Nghị đang loay hoay tìm khe cửa gài muội
hương vào phía trong, thì bỗng nhiên bị một vật gì rắn chọi trúng lưng
đau điếng người. Vật đó rớt xuống sàn đánh bộp một cái.
Phi Không đứng bên Lưu Nghị thấy vậy toan cuối xuống nhặt vật đó lên xem là cái gì, nhưng chợt nghĩ đây là một sự bất thường nên kéo vội Lưu Nghị đứng sát vào vách coi động tĩnh. Hai người vừa quay mặt ra thì chính ngay Phi Không bị vật rắn từ phía trước liệng vào chọi trúng trán rồi rớt xuống gạch lăn lông lốc. Kéo vội Lưu Nghị dời chỗ dựa lưng sang vách bên kia. Phi Không đưa ray lên sờ trán thấy rướm máu, Lưu Nghị cúi xuống nhặt vật đó lên coi thì ra là viên đá lớn bằng nửa nắm tay. Tuy
Phi Không bản lãnh cao siêu và có nội công nhưng trong khi bất ngờ bị
viên đá củ đậu chọi trúng trán cũng phải đau chảy nước mắt. Phi Không
đứng im định thần nhìn ra sân xem động tĩnh. Hoàn toàn im lặng.
Dù cho kẻ nào đứng ở dưới sân cũng không thể liệng đá lên lầu
như vậy được. Kết luận, người ném đá phải núp trên cây ở giữa sân kia.
Làm thế nào nhìn thấu suốt đám cành lá um tùm kia được? Trong đêm tối,
kẻ liệng đá vừa mạnh vừa trúng như vậy tất phải là người có bản lãnh.
Ai? Ai đã đoán biết được hành tung của mình theo dõi trêu chọc thế này?
Phi Không suy luận cố nhớ ra xem đã gặp ai. Chỉ có chiều nay trong Kim
gia quán, mấy người không đáng kể trừ hành khất ăn uống như ma đói… À, chính tên này rồi! Phi Không chợt hình dung ra cái xích sắt mà tên hành khất quấn ở lưng. Chắc nó rồi?
Nghĩ đoạn, Phi Không vội kéo Lưu Nghị qua dãy hành lang trên lầu vào trong, phi thân lên nóc nhà nằm ép xuống bò ra phía trước nhìn
xuống sân. Nhưng y quay vội lại né sang bên thì vừa kịp tránh một viên
đá nữa do bóng đen từ phía sau liệng tới. Viên đá trúng mái ngói ngay
nơi Phi Không tì đầu vừa rồi. Chát! Mấy viên ngói bể tung ra, viên đá
theo chiều dốc lăn lộc cộc xuống mái dưới khiến người trong nhà giật
mình gọi nhau kéo cả ra sân nhìn lên. Phi Không nhận ra kẻ liệng đá trêu chọc không phải ai xa lạ mà chính là người hành khất ban chiều…
Nguyên Trương Tam Sơn lúc chiều ở Kim gia quán nghe rõ câu
chuyện bằng tiếng lóng giữa Phi Không và Lưu Nghị. Họ Trương nhớ ra cách đây trên mười năm trong khi chàng lên Tiêu Anh phủ vắng mặt, Lưu Nghị
về tận Trương gia thôn định báo thù, không ngờ gặp Trương Tam Vân và Tam Nương trổ mấy thuật nhỏ, nên sợ bỏ đi mất.
Trương Tam Sơn nghĩ thầm :
– Thì ra tên này vẫn đầu trộm đuôi cướp không biết hối cải làm ăn lương thiện. Mười mấy năm nay, chắc y đã hại nhiều người rồi.
Chàng kín đáo nhận xét Phi Không, biết ngay không phải tay xoàng :
– Nếu lúc này ta không ra tay ngăn cản hành động của bọn hắc đạo này đêm nay thì còn chờ chi nữa. Hừ! Được lắm, ta sẽ dành cho hai tên
này nhiều sự bất ngờ!
Nghĩ đoạn, Trương Tam Sơn đeo bầu rượu vờ ra đi. Thực ra, chàng
đi lang thang ra chỗ vắng người tìm cây to nhảy lên cành lớn, đánh một
giấc ngủ thiệt ngon lành đến tối mịt mới tỉnh dậy. Nhìn bóng đèn đây đó
le lói trong Tiểu Bằng thôn, chàng chắc hãy còn sớm. Trương Tam Sơn chờ
tới khi mọi người trong thôn tắt hết lửa đèn mới dậy vươn vai, mở nút
bầu rượu tu một hụm lớn rồi nhảy xuống đất. Vừa lúc tiếng mõ trong thôn
cầm canh hai.
Trương Tam Sơn đủng đỉnh đi vòng tới Kim gia quán. Bốn bề im
lặng như tờ. Tam Sơn tìm chỗ thiệt tối vượt qua tường vào trong sân núp
nơi gốc cây nghe ngóng. Chàng lượn mấy viên đá rồi nhảy lên cành cây cao ngồi chờ… Quả nhiên sang đầu canh ba, bọn Phi Không tới… Chàng bèn
liệng đá chọi chơi.
Tới lúc Phi Không kéo Lưu Nghị theo hành lang vào phía trong,
Trương Tam Sơn bèn nhảy xuống sân, phi thân lên lầu theo hút hai người.
Một bên Phi Không và Lưu Nghị chú ý đến phía sân. Một bên Trương Tam Sơn đoán được ý định của bọn Phi Không nên theo hút ngay phía sau
khiến hai người không ngờ. Nhưng tới lúc Trương Tam Sơn liệng viên đá
thứ ba thì Phi Không như con báo rình mồi biết ngay nên tránh kịp.
Lẳng lặng không nói gì, Phi Không chồm tới hoa thiền trượng đánh liền, Lưu Nghị cũng múa giáo nhảy tới. Trương Tam Sơn chống tay hai bên sườn ha hả cười :
– Ủa! Hai tên tặc đạo, ác tăng này còn dám đánh người nữa? Không chạy cho mau, mọi người bật hông đốt đuốc nhận được mặt thì hết làm ăn
bây giờ.
Vừa dứt lời, ngon trượng đã vụt tới ngay đầu.
Trương Tam Sơn đưa cánh tay đã quấn sẵn xích sắt gạt bật cây trượng sang một bên.
Phi Không kinh ngạc nghĩ thầm có lẽ tên hành khất này mình đồng xương sắt chăng.
Ngọn giáo của Lưu Nghị đâm tới cũng bị gạt bật sang bên, họ Lưu thấy buốt cả tay.
Trương Tam Sơn ha hả cười:
Phi Không đùng đùng nổi giận. Từ hai năm nay, y chưa hề bị ai
khinh miệt coi thường như bây giờ. Bên múa trượng vụt luôn mấy đòn dữ
dội khiến Trương Tam Sơn phải lùi lại mấy bước. Mọi người trong quán
thắp đuốc đứng dưới sân xem sáng rực như ban ngày. Người lối xóm cũng
kéo ra xem đông nghẹt. Tiếng chó, bị động sủa ầm ĩ. Chủ quán, cha con
Đặng Tam và Thạch tú tài nhận ra người râu quai nón và Đầu đà uống rượu
tại quan lúc ban chiều. Nhưng họ không hiểu tại sao người hành khất bợm
rượu lại cùng hai tên nọ chờ đêm tối đem nhau lên mái tửu quán đánh nhau ghê gớm vậy.
Trên nóc nhà, ba người quây vào tranh đấu rất dữ dội. Từ nãy
giờ, Trương Tam Sơn chỉ gạt đỡ hoặc né tránh, chưa hề trả đòn. Bỗng
trong chớp mắt, thừa dịp Lưu Nghị ham đòn tiến lên, Phi Không chỉ kịp
nhìn thấy Trương Tam Sơn vung tay, một vật gì đen kịt vùng ra như con
rắn quấn chặt lấy cổ chân Lưu Nghị.
Tam Sơn giật mạnh, Lưu Nghị thét lên một tiếng đau đớn, hai chân bị hất tung lên trời lao đầu xuống đất. Cây giáo rời khỏi tay Lưu Nghị
lăn theo chiều mái xuống sau, cắm phập mũi xuống sân, khiến mọi người rú lên chạy dãn sang cả hai bên sân.
Lúc bấy giờ, Trương Tam Sơn mới vung xích sắt tấn công như gió
bão. Dây xích lợi hại lúc vươn ra như con hắc long quẫy khúc, lúc thâu
lại quấn tròn quanh cánh tay họ Trương xuất hiện hất thường…
Trương Tam Sơn vừa đánh vừa nói :
– Ác tăng đã biết võ thuật Trương gia tại Võ Đang sơn chưa. Khỏi phải tìm kiếm đâu xa, Lão gia chính là Thiết Xích Tử Trương Tam Sơn ở
Trương gia thôn!
Phi Không nổi giận :
– Ai sợ họ Trương chớ Phi Không này coi thường!
Nói đoạn, Phi Không vận dụng hết tài lực hoa trượng đánh như mưa sa bão táp, mỗi thế đánh ra là một đòn trí mạng, mỗi biến thế là một
tuyệt kỹ của nhà nghề, chỉ hở chân tơ, kẽ tóc, đối phương cũng đủ hoảng
mạng rồi. Trương Tam Sơn khen thầm Phi Không tài nghệ quả xứng danh
tuyệt kỹ, tiếc rằng y sai đường lạc lối, nếu không với công phu võ thuật ấy, làm chi y không nổi danh hiệp khách trong chốn giang hồ, tên tuổi
ghi chép sử xanh. Hai người quấn lấy nhau đấu một trận thư hùng. Trận
tuyến thay đổi hết ở mái nhà lên đỉnh nóc, từ mái trên xuống mái dưới,
say đòn y hệt cặp gà chọi. Một bên quyết chí phục thù, trổ tài vô địch
những mong hạ kỳ được đối thủ để thoát thân. Tành ra trận đấu đã kịch
liệt lại quyết liệt thêm.
Nói về Lưu Nghị té từ trên mái cao xuống đất, đầu xuống trước bị gãy cổ chết tươi. Thật ra nếu họ Lưu không bị dây xích sắt của Trương
Tam Sơn giật gãy lìa cỗ chân thi khi té y có thể uốn người cho chân
xuống trước theo phương pháp phi hành thuật được. Trái lại, lúc này Lưu
Nghị đau quá mất bình tĩnh nên táng mạng. Âu cũng là số trời, tới lúc y
phải đền tội ác đầy dẫy trong cuộc sống gian tà của y.
Người nọ bảo người kia thành thử dân hai khu Miêu Hoa và Thái
Phước ai nấy đều đốt đuốc kéo đầy cả ra đứng vòng trong vòng ngoài Kim
gia quán xem người lạ bắt giặc. Trong bọn có cả cha con Khương lão tiều
và cha con Vương Lực.
Lúc Lưu Nghị té xuống đất, họ xúm vào xem. Khương lão tiều nhận ngay ra Lưu Nghị bèn nói với chủ quán mọi người :
– Chính tên đạo tặc này đi với ác tăng tìm bắt Vương Muội Muội hôm đó. Nếu nó mò tới tửu quán này tất phi dâm tặc đạo.
Đặng Tam gật đầu nói :
– Phải rồi! nói tới đây chắc chắn với ý định bắt cóc khách hàng
thuê xe của tôi đó. Trưa nay, nó theo dõi xe tôi đến tận khu vực này,
khiến tôi đã lo cho cuộc lên đường ngày mai.
Mỗi người một câu, bàn tán ồn ào cả phía dưới. Phi Không và
Trương Tam Sơn đấu ngay tay vừa về võ thuật lẫn sức lực. Thiết xích và
đồng trượng hoa múa tạo nên những luồng gió rít lên như tiếng ma hú rùng rợn giữa đêm trường. Biết là gặp đối thủ cao siêu, Phi Không tính bề
khó thủ thắng. Lưu Nghị té xuống nằm thẳng không cựa quậy thế kia chắc
táng mạng rồi, thì không có lý do gì nán lại nơi đây để đón lấy nguy
hiểm nữa. Vừa đánh vừa nhận xét thấy người trong thôn ra đông nghẹt đuốc đốt sáng trưng, tình hình nguy ngập, chi bằng chạy là hơn, chờ dịp khác gặp họ Trương sẽ báo thù, đánh nhau một trận phân thua hơn kém. Nghĩ
sao làm nấy, Phi Không tiến vụt mấy đòn chí tử khiến Trương Tam Sơn buộc lòng lùi lại vài bước.
Thừa thế, Phi Không hét :
– Coi thần đạn của ta đây!
Trương Tam Sơn vội ngồi thụp xuống tránh luồng đạn do tay địch
thủ vung lên nhưng không thấy chi cả, định thần lại thì Phi Không đã
chuyền sang nóc nhà bên, vác trượng phi hành như én bay… Biết có đuổi
cũng vô ích, Trương Tam Sơn thâu xích sắt lại quấn lưng đứng nhìn cho
tới khi Phi Không khuất hẳn vào trong đêm tối mới nhảy xuống đất trước
nét mặt hân hoan của mọi người.
Họ Trương nhảy lên mặt tường nói lớn :
– Hai tên tặc đạo này dòm ngó bàn nhau từ hồi chiều định bắt cóc phụ nữ trọ trong tửu quán này. Nghe biết nên tôi là khách qua đường tới giải cứu. Đầu đuôi câu chuyện có vậy thôi. Hiện có một tên bị táng
mạng, nếu nhà chức trách sở tại cần hỏi, tôi xin hoàn toàn chịu trách
nhiệm.
Chủ quán đứng ra nói :
– Hiệp khách ra tay trừ bạo, cứu cho Tiểu Bằng thôn này khỏi nạn đạo tặc là may cho chúng tôi lắm rồi. Mọi việc cúng tôi lo liệu lấy,
xin người chớ quan tâm. Nay mời hiệp khách vào nhà đã cho chúng tôi được giãi bày tâm sự.
Trương Tam Sơn từ trên tường nhảy xuống theo chủ quán vào trong
tiệm. Mấy người nhà đã được chủ quán dặn bảo nên gọi thêm mấy người
trong làng Miêu Hoa khiêng xác Lưu Nghị đi nơi khác. Trương Tam Sơn vừa
vào tới trong quán lại ra sân nhảy lên cây lấy bầu rượu treo trên đó
xuống, và rút cây giáo cắm ở sân đem vào nhà, giơ bầu rượu cho mọi người trong quán xem :
– Quên thứ gì, chớ thứ này không bao giờ Trương mỗ quên được!
Ai nấy đều vui vẻ cười rộ lên. Thạch tú tài tiến đến trước mặt họ Trương vái lạy.
– Thạch mỗ xin một lạy tạ ân nhân. Hai tên tặc đạo vừa rồi tới
đây không ngoài mục đích bắt cóc tiện nội. Vợ chồng tôi lo lắng từ trưa
tới giờ, không ngờ được ân nhân tiếp cứu. Trái lại thì đã nguy rồi còn
chi nữa. Xin người cho biết quý tánh cao danh để chúng tôi được ghi nhớ
ơn sâu mãi mãi…
Trương Tam Sơn đỡ Thạch tú tài dậy :
– Chúng ta nam nhi chi chí, sá chi điều nhỏ mọn ấy mà nói tới ơn với huệ. Anh em bốn bể một nhà giúp nhau được phần nào hay phần đó. Tôi là khách giang hồ lãng tử màn trời chiếu đất, đâu cũng là nhà, thế nào
anh em ta chẳng còn có phen hậu hội? Cứ gọi tội là Thiết Xích Tử là được rồi. Còn quý khách là chi?
Thạch tú tài xưng danh vừa xong thì chủ quán đã sai tửu bảo bày một bữa thịnh soạn lên thôi lớn ở giữa nhà.
Chủ quán mời :
– Sau trận đánh này, chắc hiệp khách cần giải khát, mong người vui lòng nhập tiệc cho.
Nói đoạn, chủ quán mời cả Thạch tú tài và cha con Đặng Tam.
Trương Tam Sơn cười :
– Rượu thì mỗ không bao giờ chối từ.
Mọi người xúm vào ăn uống vui vẻ. Tiệc tan, trời đã mờ mờ sáng. Thạch tú tài lưu Trương Tam Sơn lại chơi :
– Nhân dịp này, tôi còn lưu lại đây, e tên ác tăng đón đường
cướp bóc chăng. Chi bằng mời hiệp khách cùng nán lại đây, đã ra tay tế
độ thì cứu giúp luôn thể. Vài ngày an tĩnh sẽ lên đường.
Trương Tam Sơn vui vẻ nhận lời ở lại Kim gia quán.
Ngày ngày cùng Thạch tú tài uống rượu đàm đạo, Tam Sơn thấy họ
Thạch tứ thư, ngũ kinh thuộc như nước chảy thì có ý khen thầm con người
này chắc thế nào chả đắc lộ thanh vân.