Kính vạn hoa - Tập 33 - Họa Mi Một Mình

Chương 2Tập 33 - Họa Mi Một Mình -


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 33 – Họa Mi Một Mình – Chương 2: Tập 33 – Họa Mi Một Mình –

Chương 3
Thằng Dưỡng là đứa mau quên. Hôm qua lúc ngồi ngoài căng-tin, mặt mày nó ủ ê là thế, “nỗi buồn nghệ thuật” trong lòng nó sâu thăm thẳm là thế, vậy mà sáng nay vừa đặt chân vô lớp, chưa kịp nhét cặp vào ngăn bàn, nó đã ngoác miệng ổng ổng y như không có gì xảy ra. Y như giọng ca của nó là giọng ca vàng chính hiệu ba con tôm. Y như bạn bè đã hẹn nhau tụ tập đâu từ sáng sớm để nôn nao chờ nó biểu diễn.
  Thực ra Dưỡng không quên. Chỉ có điều hôm qua Dưỡng đã hiểu ra rồi. Suốt một đêm trằn trọc, Dưỡng chợt phát hiện ra mình đâu có mộng trở thành ca sĩ. Vậy thì việc gì phải rầi rĩ hay phiền muộn. Dưỡng “làm nghệ thuật” đâu phải để mai mốt bước ra dưới ánh đèn màu. Với Dưỡng, hát hò là niềm vui, là nhu cầu tự nhiên. Mỗi khi cất tiếng hát, Dưỡng thấy yêu đời bao nhiêu thì những khán giả bất đắc dĩ của Dưỡng càng sầu đời bấy nhiêu.
  Và sáng nay Dưỡng chứng tỏ cái sự yêu đời khủng khiếp của mình bằng cách vừa ló mặt vô lớp đã gân cổ trình bày ngay bản ruột: Trống cơm.
  Dĩ nhiên, Dưỡng thay đổi đâu có nghĩa cả thế giới đều thay đổi theo. Những đứa khác vừa thấy Dưỡng xuất hiện và hắng giọng chuẩn bị lấy hơi đã vội vàng tếch thẳng. Những đứa chậm chân hơn đành bấm bụng nghe hết câu “Tình bằng có cái trống cơm” trước khi kịp ôm đầu biến ra khỏi lớp.
Bản dân ca Dưỡng hát là bản nhạc trữ tình. Nhưng Dưỡng chưa kịp mượn lời ca tiếng hát bộc lộ hết nỗi lòng của mình với bạn bè thì bạn bè đã chuồn không còn một mống.
  À quên, vẫn còn một đứa. Đó là Hiền Hòa.
Thoạt đầu Dưỡng chưa phát giác ngay ra điều khác lạ đó. Khi hát, Dưỡng có thói quen nhắm tịt mắt.
  Chỉ đến khi bản nhạc gần hết, mở mắt ra, nhìn thấy Hiền Hòa vẫn còn bên cạnh mình, đôi mắt Dưỡng mới chớp lia chớp lịa.
  Suốt đêm qua, Dưỡng đã thao thức nghiền ngẫm về… cuộc đời, đã bình tĩnh hiểu rằng việc bạn bè không thèm nghe mình hát là chuyện bình thường, việc thằng Tần cự nự mình là chuyện đương nhiên, việc nhỏ Hiền Hòa bịt tai bỏ chạy là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.
Dưỡng đã lường trước mọi tình huống. Dưỡng đã cẩn thận dặn mình không nên buồn rầu hay quạu quọ
  Nhưng Dưỡng đã không lường được tình huống ngược lại. Dưỡng không tài nào tin được con nhỏ Hiền Hòa chuyên dẫn đầu đoàn người chạy trốn kia hôm nay lại cả gan ngồi lì tại chỗ, vì vậy mắt Dưỡng cứ trố lên kinh ngạc.
Dưỡng kinh ngạc đến mức không còn tâm trí đâu để hát hỏng nữa, đến mức những âm thanh cuồng nộ trên môi Dưỡng đã im bặt rồi, đám bạn “chạy giặc” lúc nãy cũng đã rón rén vào lại chỗ ngồi từ lâu rồi, vậy mà Dưỡng vẫn đứng trơ, loay hoay chưa biết phải làm gì.
Hiền Hòa bên cạnh vẫn ngồi tỉnh, như không nhìn thấy sự lúng túng của Dưỡng. Nó ngồi lặng lẽ nhìn ra cửa sổ, bất động, suy tư, không biểu lộ một cảm giác gì rõ rệt.
  Dưỡng liếc bạn, đã mấy lần mấp máy môi tính hỏi nhưng rồi cuối cùng nó đành ngậm chặt miệng. Biết hỏi gì bây giờ ? Chẳng lẽ hỏi tại sao bữa nay Hiền Hòa không bỏ chạy ? Hỏi tại sao bữa nay Hiền Hòa không bịt tai ? Hỏi tại sao bữa nay Hiền Hòa “gan lì tướng quân” như thế ?
  Dưỡng không hỏi Hiền Hòa. Nhưng nó đem câu đó thầm hỏi mình. Và nó đoán ra ngay: Đó là do Hiền Hòa sợ mình buồn! Hôm qua ở trong căng-tin thấy mình tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, chắc Hiền Hòa động lòng trắc ẩn. Chắc Hiền Hòa không muốn con mèo bị cắt một tai rồi nay bị cắt thêm một tai nữa. Vì vậy mà Hiền Hòa không bỏ chạy như mọi hôm. Vì vậy mà Hiền Hòa bấm bụng ngồi nghe mình “tra tấn”. Tên nó là Hiền Hòa hèn gi nó hiền hòa ghê!
  Dưỡng cảm động nghĩ và quay sang bạn, tử tế khuyên:
 – Hiền Hòa ra sân chơi đi!
  Hiền Hòa quay lại. Nó nhìn Dưỡng mỉm miệng cười nhưng không nói gì.
  Dưỡng lặp lại:
 – Hiền Hòa ra sân chơi đi!
 Hiền Hòa lắc đầu:
  – Hiền Hòa thích ngồi đây.
  – Tôi sẽ hát nữa đó! – Dưỡng khụt khịt mũi, nó nói với cái giọng như thế nó sắp sửa làm điều gì động trời.
  Nhưng Hiền Hòa dường như chẳng để lời báo động của Dưỡng vào tai. Nó lại đưa mắt nhình ra cửa sổ, giọng thờ ơ:
  – Dưỡng cứ hát đi!
Thốt nhiên Dưỡng bối rối quá chừng. Nó không biết phải phản ứng ra sao trước thái độ của Hiền Hòa. Mãi nó mới nói được một câu. Và là một câu rất đỗi ngay ngô:
– Hiền Hòa cứ bịt tai lại như mọi hôm đi, tôi không buồn đâu!
Hiền Hòa vẫn ngồi trầm tư. Nó không bịt tai, cũng không đáp lời Dưỡng. Chả rõ nó có nghe thấy Dưỡng vừa nói gì không.
  Con nhỏ này nó làm sao vậy nhỉ ? Dưỡng nhìn Hiền Hòa từ phía sau, lòng không rõ nên vui hay nên giận. Nó khẽ nhún vai và uể oải lật cuốn tập trước mặt, chả buồn “làm nghệ thuật” nữa.
Nghĩ cũng lạ, khi Dưỡng ngoác miệng ổng ổng, người ta bỏ chạy thì Dưỡng ấm ức, nhưng khi người ta ngồi lì tại chỗ Dưỡng lại thấy lòng nguội ngắt, chẳng ham hát hò tẹo nào.
  Nhỏ Hiền Hòa ngồi lì trong lớp suốt cả tuần lễ sau đó. Nhưng ngày đầu, hễ đặt chân vô lớp là Dưỡng gân cổ hát và trong khi cố tình rống thật lớn, nó kín đáo liếc mắt về phía Hiền Hòa, âm thầm dò xét.
Thấy Hiền Hòa vẫn tỉnh bơ, mặt lúc nào cũng nghoảnh ra khoảng trời xanh bên ngoài cửa sổ, chả xem lời ca tiếng hát của nó ra ký lô nào, dần dần Dưỡng đâm chán.
  Bây giờ Dưỡng mới vỡ lẽ: Thì ra chính khi người nghe “khiếp sợ” giọng hát của mình, Dưỡng mới cảm thấy giọng hát đó có giá trị. Còn khi Dưỡng cất tiếng hát mà không ai bịt taii, không ai bỏ chạy thì nó lại cảm thấy thất vọng và hụt hẫng. Nó cảm thấy giọng hát của nó sao mà xoàng quá.
 Đã xoàng thì con hát hỏng làm gi cho phí sức, từ ngày thứ tư trở đi Dưỡng ngâm tăm.
  Dưỡng thôi “làm nghệ thuật”, tụi bạn mừng hết lớn.
  Duy nhỏ Hiền Hòa chẳng tỏ thái độ gì. Nó vẫn ngồi tư lự bên cạnh Dưỡng, vẫn đưa mắt nhìn ra cửa sổ với dáng vẻ thẫn thờ. Mình đâu có “tra tấn” nó nữa, sao nó vẫn buồn thiu thế nhỉ ? Dường cắn môi tự hỏi và bâng khuâng quay sang bạn:
  – Hiền Hòa làm sao vậy ?
  – Hiền Hòa có làm sao đâu ?
 Dưỡng chớp mắt:
  – Tôi thấy Hiền Hòa buồn buồn.
  Thấy Hiền Hòa làm thinh không đáp, Dưỡng tìm cách pha trò:
Hay tại tôi không hát nữa, Hiền Hòa thấy… trống vắng ?
Hiền Hòa quay lại mỉm cười:
  – Chắc vậy.
  Nhưng nó chỉ nhếch môi một chút thôi. Rồi thu ngay nụ cườii và lại ngoảnh mặt nhìn ra ngoài trời.
 – Có gì ngoài đó vậy ? – Dưỡng không kèm được thắc mắc.

– Ngoài đó là ngoài nào ?
– Ngoài cửa sổ ấy. Tôi thấy Hiền Hòa cứ nhìn ra cửa sổ hoài. Gần cả tuần nay rồi.
– Ngoài đó chẳng có gì. Chỉ có mây thôi!
Dưỡng nhún vai:
– Mây có gì hay đâu ?
 – Ừ, mây chả có gì hay! – Giọng Hiền Hòa buồn buồn – Chỉ có hợp lại rồi tan ra. Mãi mãi thế.
Đích thị là nó đang buồn chuyện gì! Dưỡng thầm đoán. Cứ theo giọng điệu “triết ly” của nó thì chắc là nó đang buồn về “cảnh đời tan hợp”. A, phải rồi, chắc nó đang nhớ đến hai con nhỏ An Dung và Việt Hà. “Tam ca Áo Trắng” ngày nào ríu ra rít như ba con họa mi, nay chỉ còn trơ trọi một mình nó, bảo nó không ủ dột sao được! Hèn gì dạo này chả nghe nó hát hò. Khi lẻ bạn, họa mi đã không buồn hót nữa.
  Dưỡng gật gù:
  – Thì ra Hiền Hòa đang nhớ An Dung và Việt Hà!
  Dưỡng vừa nói vừa nhìn bạn, thấy Hiền Hòa vẫn ngồi im, không thừa nhận cũng không không ra phủ nhận.
  Dưỡng tiếp tục cảm khái:
  – Chung tổ với nhau bao nhiều năm, lại cùng trong một ban tam ca, nay vắng mất hai người bảo người còn lại không ủ ê sao được!
  Không biết thằng Dưỡng có nói đúng tâm trạng của Hiền Hòa hay không mà mặt mày Hiền Hòa mỗi lúc một dàu dàu.
  Thấy mình “chia buồn” cả buổi mà Hiền Hòa không hưởng ứng, cứ ngồi đờ đẫn như khúc gỗ, Dưỡng chán quá chẳng buồn “thông cảm” nữa. Nó bần thần bỏ ra sân.
  Lúc Dưỡng đi ngang dãy bàn kế cửa ra vào, nhỏ Tú Anh nhìn nó cười cười:
– Cảm ơn Dưỡng nhé!
 – Cảm ơn chuyện gì ? – Dưỡng ngơ ngác.
  Nhỏ Tú Anh chúm chím:
  – Cảm ơn về chứng viêm họng của Dưỡng chứ cảm ơn chuyện gì!
  Dưỡng càng chẳng hiểu mô tê gì:
– Tôi bị viêm họng hồi nào ?
  – Sáng nay.
  – Ai bảo Tú Anh thế ?
– Cần gì ai bảo! – Nhỏ Tú Anh chớp mắt – Hễ hôm nào lớp ta trời yên gió lặng, mọi người không ùn ùn bỏ chạy thì dứt khoát hôm đó Dưỡng bị viêm họng chứ còn gì nữa!
Tú Anh vừa nói xong, ba bốn đứa ngồi quanh đó không nhịn được liền che miệng cuời rúc rích.
  Tới đây thì Dưỡng đã bắt đầu hiểu ra nhỏ Tú Anh đang giỡn mặt mình.
Dưỡng thu nắm đấm. Nhưng nhớ ra không thể dùng nắm đấm để đối phó với phụ nữ, nó tính văng bậy một câu gì đó. Nhưng cuối cùng Dưỡng kềm lại được. Nó sực nhớ nó có một thứ vũ khí vô cùng lợi hại , có khả năng gây “sát thương” mạnh gắp trăm lần nắm đấm gấp ngàn lần những lời nói nặng nói nhẹ.
  Mắt sáng trưng, nó gật gù nhìn Tú Anh:
 – Để chứng minh sáng nay tôi không viêm họng, tôi xin trình bày bản Lý kéo chài…
Không để Tú Anh và các khán giả ngồi cạnh kịp bịt tai, Dưỡng nhắm mặt, gân cổ gào:
  – Gió lên rồi căng buồm cho khoái…
  Quả như dự liệu của Dưỡng, nó vừa cất giọng tụi Tú Anh, Vành Khuyên, Hiền Hòa lật đật đứng lên khỏi ghế ngay tút xuỵt.
Hiền Hòa vừa tuôn ra cửa vừa trách Tú Anh:
– Bạn chọc Dưỡng chi vậy để bây giờ tụi mình không ôn bài được.
  Còn Vành Khuyên thì cười cười:
– Miệng Tú Anh ăn mắm ăn muối, mới hào hứng khen lớp ta hôm nay “trời yên gió lặng” thì lập tức “gió lên rồi”…
 Vũ khí của Dưỡng quả là hiệu nghiệm. Nó hát chừng ba câu, hé mắt ra đã thấy tụi Tú Anh biến mất.
  Dưỡng khoái chí lắm. Nhưng đáng lẽ đang khoái chí như vậy thì nó không nên ngoảnh đầu lại mới phải. Ngoảnh lại ,thấy nhỏ Hiền Hòa vẫn dán mình trên ghế với cái bộ tịch ảm đảm không hề thay đổi suốt mấy ngày nay, Dưỡng bất giác thấy lòng chùng xuống.
Chương 4
Quả thật, cả tuần nay nhỏ Hiền Hòa như biến thành một con người khác. Hễ vô lớp là nó ngồi một đống, giờ ra chơi cũng chẳng buồn nhúc nhích.
  Trước đây thỉnh thoảng nó vẫn hát hò cho bạn bè nghe, giúp bạn bè trấn tĩnh lại sau những đòn “tra tấn dã man” của ca sĩ Dưỡng. Nhưng bây giờ thi lời ca tiếng hát đã tắt trên môi nó. Không những không ngân nga hát hỏng, nó cũng thôi cười đùa, thậm chí không buồn mở miệng trò chuyện với ai, ngay cả với hai đứa bạn thân ngồi hai bên nó là thằng Tần và thằng Dưỡng.
Sự thay đổi của Hiền Hòa khiến Dưỡng hoang mang ghê lắm. Nó cứ lo lo, chả biết có phải vì nó mà Hiền Hòa ra nông nổi này không.
Lúc ngồi trong căng-tin, nó băn khoăn nói với thằng Tần:
  – Nhỏ Hiền Hòa lúc này nó sao sao mày ạ.
– Ừ, tao cũng thấy nó là lạ.
  Dưỡng chép miệng:

  – Nó cứ ngơ ngác như người mất hồn.
  – Ừ, nó chả còn vui vẻ như trước! – Tần gật đầu phụ họa – Thậm chí nó chả thèm ra căng-tin với tụi mình.
 Dưỡng cắn môi:
 – Chắc là nó giận tao.
  – Giậ chuyện gì ?
Dưỡng thở dài:
  – Chuyện hôm trước tao hất văng cây thước ấy.
  – Chắc không phải đâu! – Tần phun viên đá trong miệng ra – Chuyện đó quá lâu rồi, ai mà nhớ.
  Dưỡng trầm ngâm một thoáng rồi tiếp:
  – Cũng có lúc tao nghĩ nó nhớ hai con nhỏ An Dung và Việt Hà…
  – Cũng không phải luôn! – Tần lắc đầu – Tuần trước tao bắt gặp nó, An Dung và Việt Hòa dung dăng dung dẻ ngoài phố. Tụi nó gặp nhau hoài à.
  Dưỡng vò đầu:
  – Thế thì…
Tần đặt ly chè xuống bàn, giọng ra vẻ từng trải:
  – Thôi mày ơi, hơi sức đâu mà tìm hiểu! Tụi con gái chúng phức tạp lắm, thích vui thì vui thích buồn thì buồn, tốt nhất mình đừng để mắt đến tụi nó!
 Khi lên giọng đàn anh “khuyên” thằng Dưỡng như vậy, Tần không ngờ nó là đứa “để mắt” đến Hiền Hòa trước tiên.
  Hiền Hòa thuộc tổ 1 của Tần, xưa nay vốn học rất khá. Nhưng kể từ hôm “thích buồn thì buồn” tới nay, mới có một tuần mà nó đã “xơi” ngay hai con 2.
  Điểm 2 môn toán dù sao cũng có thể chấp nhận được. Năm nay cả khối đứa nhức đầu về toán quỹ tích và dựng hình chứ không phải chỉ riêng Hiền Hòa. Nhưng đến môn dễ như môn sinh của thầy Chiến mà nó cũng lãnh điểm 2 thì tổ trưởng Tần phải méo xệch miệng.
Không cần phải thông minh lắm mới học giỏi môn sinh. Chỉ cần siêng năng, chăm chỉ. Mà gì chứ khoản siêng năng, chăm chỉ thì không ai trong tổ 1 bằng được Hiền Hòa. Xưa nay nó luôn trả bài làu làu và được điểm cao ở các môn sinh, địa và sử.
Vậy mà sáng nay, thầy Chiến gọi nó lên trả bài, lại hỏi một câu dễ ơi là dễ:
 – Khi ta đưa tay sờ vào ngọn lửa thì tay ta giật lại, dùng đèn pin chiếu vào mắt thì mắt nhắm, nghe tiếng còi xe ở đằng sau thì quay đầu lại, những phản ứng trên gọi là gì hở em ?
Nó lại đứng trơ ra như cột nhà.
  Thầy Chiến có vẻ ngạc nhiên lắm. Từ đầu năm đến nay, thầy mới kêu nhỏ Hiền Hòa lên trả bài chừng một, hai lần nhưng thầy biết nó rất chăm môn sinh của thầy.
 Nhưng hôm nay nó làm thầy bất ngờ quá đỗi. Câu hỏi của thầy dễ đến mức mấy đứa lười học ngồi dưới phải buột miệng xuýt xoa, thế mà nó lại không trả lời được.
Thầy nhìn Hiền Hòa, khẽ nhắc:
  – Thế phản ứng của cơ thể trước sự kích thích của môi trường gọi là gì ?
  Theo bài học thì phản xạ là một phản ứng của cơ thể trả lời kích thích của môi trường thông qua hệ thần kinh. Bất cứ đứa học trò nào chỉ cần nghe tới cụm từ “phải ứng của cơ thể” là đã có thể nhớ ngay ra hai chữ “phản xạ”. Thầy Chiến nhắc như vậy rõ là có ý nâng đỡ đứa học trò cưng. Sự nâng đỡ của thầy lộ liễu đến mức các dãy bàn bên dưới lập tức vang lên những tiếng xì xào tỏ ý bất bình.
Nhưng lạ làm sao, dù được thầy Chiến gợi ý quá xá cụ thể như vậy, Hiền Hòa dường như vẫn không nhớ thêm được điều gì.
Mãi một lúc nó mới ấp a ấp úng đáp cầu may:
– Dạ thưa thầy, những phản ứng trên gọi là phản ứng tự vệ để… giữ gìn tính mạng ạ…
 Hiền Hòa chưa nói hết câu, cả lớp đã cười ầm.
  Còn thầy Chiến thì trán nhăn tít. Thầy nhìn Hiền Hòa bằng ánh mắt ngỡ ngàng:
 – Hôm qua em không học bài hả ?
  – Dạ.
  Hiền Hòa lí nhí đáp, tụi bạn nhìn thấy mặt nó đỏ lên.
  – Lần sau, em nhớ ôn tập kỹ lưỡng nghe chưa ? – Khi trả tập lại cho nó, thầy Chiến hắng giọng dặn – Thầy sẽ còn kêu em nữa đấy!
Thằng Tần nhìn Hiền Hòa lủi thủi đi về chỗ ngồi, bụng hoang mang vô kể.
  Nó nhích người cho Hiền Hòa bước vô, tặc lưỡi hỏi:
  – Hôm qua bạn làm gì mà không học bài ?
  Trả bài không được, Hiền Hòa đang xấu hổ không biết để đâu cho hết, nghe thằng Tần hỏi giọng trách cứ, nó đâm quạu:
 – Hiền Hòa làm gì kệ Hiền Hòa, Tần hỏi làm chi ?
  Hiền Hòa quạu làm thằng Tần quạu theo.
 – Sao lại hỏi làm gì! – Tần gầm gừ – Bạn học hành như thế, điểm học tập tháng nay của tổ mình sẽ tụt xuống hạng bét cho mà xem!
 Thấy tổ trưởng đem quyền lợi của tập thể ra đe, Hiền Hòa “tắt đài” ngay tút xuỵt. Nó không biết đáp làm sao, chỉ ngồi cắm mặt xuống bàn, nước mắt ứa ra tức tưởi.

  Bị Hiền Hòa “phang” một câu như búa bổ, Tần vẫn chưa nguôi giận. Nó quay sang Hiền Hòa, tính nói nặng một câu nữa, chợt thấy mắt Hiền Hòa ngân ngấn nước, nó liền giật mình im thít.
  Khi trống ra chơi vang lên, Tần định làm hòa bằng cách rủ Hiền Hòa ra căng-tin ăn chè nhưng liếc mắt trông sang thấy Hiền Hòa mặt lạnh như tiền, nó bất giác cảm thấy ơn ớn.
Nó nháy mắt với Dưỡng và hai đứa rón rén bước ra khỏi bàn, vội vàng chuồn thẳng.
Đặt chân vào căng-tin, Tần ngồi phịch xuống ghế, thở một hôi dài:
  – Chán quá!
– Chuyện Hiền Hòa ấy hở ?
  – Thì nó chứ ai! – Tần hừ giọng – Nó trả bài không được, làm ảnh hưởng đến cả tổ, thế mà tao hỏi nó, nó lại sửng cồ lên với tao!
  Dưỡng vò đầu:
  – Ừ, dạo này con nhỏ đó lạ ghê!
Tần bực bội vung tay:
 – Tụi con gái là vậy! Tính tình nó mưa nắng thất thường lắm!
Dưỡng cắn môi:
– Tao nghi nó đang gặp phải chuyện gì.
  – Chắc ở nhà làm quấy bị ba mẹ cho ăn đòn quắn đít chứ gì!
Dưỡng cười hì hì:
 – Nó chứ đâu phải mày.
 Tần cầm lên ly chè người phục vụ vừa mang ra:
– Tao nói thật đó. Nếu nó cứ như thế này tao chả buồn nói đến nó nữa.
 Dưỡng huơ chiếc muỗng:
  – Thì mày từng khuyên tao đừng để mắt đến tụi con gái kia mà.
  – Ừ, tao có nói như vậy thật! – Tần thở dài – Nhưng đây là chuyện học tập, tao không thể không để mắt.
  – Nhưng từ giờ trở đi mày nhất quyết không “để mắt” nữa ?
– Ừ. Tao chả thèm biết đến nữa. Đứa nào muốn làm gì thì làm. Tao chán giữ cái chức tổ trưởng này lắm rồi.
  Thái độ quyết liệc của Tần làm Dưỡng chột dạ:
  – Làm gì mày thối chí như vậy. Có gì thì “ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh” rồi từ từ…
– Mày đừng có bắt chước thằng Tiểu Long! – Tần nhún vai cắt ngang – Tao không có “uống nước ăn bánh” gì hết. Nếu nhỏ Hiền Hòa tiếp tụ chả coi tao ra ký lô nào thì tao cứ bỏ mặc.
  Dưỡng nghe tổ trưởng Tần ham he thì lo lắm. Nhưng nó cũng chẳng biết khuyên can như thế nào. Nó nghĩ nếu nó ở bào địa vị của Tần, ắt nó cũng điên tiết lên như thế thôi.
 Dưỡng vẩn vơ nghĩ, tay lơ đãng múc chè cho vào miệng, thấy miệng sao mà nhạt thếch.
 Từ bữa đó, vô lớp Dưỡng đã thôi hát hò. Dưỡng thôi “tra tấn”, tụi Tú Anh, Vành Khuyên cũng tho6i bỏ chạy như vịt. Nhờ Hiền Hòa, lớp 94A “trời yên gió lặng” được một thời gian dài.
Suốt một tuần, “ca sĩ” Dưỡng không hát, chỉ lẩn quẩn quanh Hiền Hòa, dò hỏi:
  – Hiền Hòa có chuyện buồn phải không ?
– Hiền Hòa đang ốm hở ?
  – Hiền Hòa bị ba mẹ ra6`y hở ?
 Dưỡng hỏi chục câu, Hiền Hòa trả lời bằng chục cái lắc đầu. Nó lắc đầu và nó tiếp tục lãnh điểm 2 ở môn vật lý và môn lịch sử.
  Thầy Hữu dạy vật lý thở dài, không nói gì, chỉ cặm cụi ghi con 2 vào sổ. Riêng cô Nga dạy sử thì nhăn mặt trách:
– Sao em không học bài hở Hiền Hòa ?
 Cùng với thày Đoàn dạy thể dục, cô Nga là giáo viên năm ngoái còn lại. Vì vậy cô biết rõ Hiền Hòa. Trước nay, mỗi lần cô kêu lên bảng, Hiền Hòa đều trả bài không vấp lấy một chữ. Nhưng bữa nay nó làm cô thất vọng quá.
  Nghe cô Nga hỏi, nhỏ Hiền Hòa cúi gằm đầu. Nó không trả lời thẳng, mà lắp bắp:
– Em xin lỗi cô ạ.
Cô Nga gấp cuốn sổ điểm lại và ngước nhìn cả lớp, nghiêm giọng:
– Cô nhắc lại lần nữa, năm nay là năm cuối cấp, các em phải cố gắng ngay từ đầu, nhớ chưa ?
  Cả lớp đồng thanh:
  – Dạ nhớ.
Cô trả cuốn tập lại cho Hiền Hòa:
  – Em về chỗ đi! Lần sau phải học bài đàng hoàng nghe không ?
 Nhỏ Hiền Hòa “dạ” một tiếng nhỏ xíu trong cổ họng và lầm lũi đi xuống.
  Lần này không chỉ thằng Tần tổ trưởng mà cả mấy đứa trong ban cán sự lớp đều đưa mắt nhìn theo Hiền Hòa.
  Lớp trưởng Xuyến Chi thấy cả lớp bị cô Nga quở trách tính gạn hỏi thằng Dưỡng ngồi ở đầu bàn bên kia nhưng thấy Hiền Hòa đã xuống tới, bèn chột dạ làm thinh.
  Lớp phó học tập Hạnh khều Quý ròm:
– Quý này!
– Gì ?
– Quý thấy Hiền Hòa dạo này thế nào ?
  – Đẹp lộng lẫy!
Quý ròm pha trò khiến nhỏ Hạnh nhăn hí:

– Hạnh hỏi thật mà Quý cứ đùa!
  – Hỏi thật hả ? – Quý ròm hấp háy mắt, rồi nó lấy vẻ nghiêm nghị – Nói nghiêm túc thì gần đây tôi thấy con nhỏ này nó cứ ngơ ngơ ngác ngác như người bị cháy nhà.
– Quý đừng có nói xui! – Nhỏ Hạnh nhăn mặt lần thứ hai.
  – Đó là sự ví von cho dễ hiểu chứ không phải nói xui! – Quý ròm cãi – Bộ Hạnh không thấy như thế sao ?
Nhỏ Hạnh thở dài:
  – Tất nhiên là Hạnh cũng thấy…
  Nó ngập ngừng một chút rồi nói tiếp giọng đăm chiêu:
  – Năm nay thi tốt nghiệp mà Hiền Hòa học hành như thế này thì nguy quá!
  Quý ròm khịt mũi:
– Đúng là lớp phó học tập có khác.
Rồi nó nhún vai:
  – Nhưng Hạnh thì có thể làm được gì ? Tự Hiền Hòa phải ý thức được điều đó chứ ?
  Giọng nhỏ Hạnh trầm ngâm:
– Đây không phải là chuyện ý thức hay không ý thức. Xưa nay, Hiền Hòa là một đứa chăm học. Nay nó bỏ bê bài vở thế này hẳn là có nguyên nhân gì đó.
  – Bạn hỏi thằng Tần ghẻ xem! – Quý ròm góp ý – Nó là tổ trưởng tổ 1 chắc nó phải biết.
  Giờ ra về, nhỏ Hanh lại gần thằng Tần:
  – Bạn Hiền Hòa đang gặp chuyện gì thế hở Tần ?
  – Ai mà biết! – Tần lạnh lùng.
Nhỏ Hạnh ngạc nhiên:
  – Tần là tổ trưởng sao Tần không biết ?
  Câu hỏi hàm ý trách cứ của nhỏ Hạnh khiến thằng Tần đổ quạu:
  – Tổ trưởng với chả tổ trưởng! Tôi đang tính xin cô Vĩnh Bình cho thôi chức tổ trưởng đây nè.
– Sao lại thôi ? – Nhỏ Hạnh kêu lên – Vì chuyện của Hiền Hòa ấy hở ?
  – Chứ còn chuyện của ai! – Tần làu bàu – Có một đứa như nó ở trong tổ thật bực quá đi mất! Bài vở thì về nhà chả chịu học, thế mà hỏi gì nó cũng chỉ nín thinh, chả coi tổ trưởng ra cái củ khoai tây nào cả!
– Mà tao cũng thấy mà có giống củ khoai tây chút nào đâu!
 Tiếng Quý ròm thình lình vang lên bên cạnh khiến nhỏ Hạnh lẫn thằng Tần giật mình.
  Tần nhìn Quý ròm, hừ mũi:
– Thằng ròm này! Tao nói chuyện nghiêm túc mà mày lại đùa!
– Tao thề là tao nhận xét rất nghiêm túc! – Quý ròm giơ một tay lên trời, láu lỉnh – Tao thấy mày giống trái chôm chôm hơn là củ khoai tây.
Ý Quý ròm muốn trêu mái tóc bờm xờm cửa thằng Tần. Tần trước đây bị ghẻ, đầu cạo nhẵn nhụi, trơn láng, nhưn gkhi hết bệnh, tóc nó dài ra nhanh chóng. Tóc thằng Tần vừa dài vừa quăn tít, trông giống hệt trái chôm chôm. Tụi bạn trhường trêu Tần là trái chôm chôm biết đi.
  Thấy Quý ròm giỡn nhây, mặt thằng Tần lập tức sa sầm. Nó thu nắm tay:
– Bộ mày muốn chơi nhau hở Quý ròm ?
 Quý ròm gật gù:
 – Á, à, bộ mày tưởng những người gầy gò như tao không biết võ hả ? Lầm rồi em ơi!
  Quý ròm xăn tay áo:
  – Hôm nay tao sẽ ăn chôm chôm mệt nghỉ. Tao sẽ nuốt luôn cả hột.
  – Thôi đi, đừng có huênh hoang nữa! – Nhỏ Hạnh níu tay Quý ròm – Thế võ Oshin của Quý chả dọa được mà nào đâu!
Quý ròm chỉ muốn ba hoa cho sướng miệng, chứ thực tình nó đâu có muốn đánh nhau. Vì vậy, nhỏ Hạnh vừa kéo một cái, nó riu ríu đi theo liền.
Nhỏ Hạnh và Quý ròm vừa ra khỏi cổng đã thấy Tiểu Long ôm cặp đứng đởi ở bên ngoài.
– Thế nào ? – Tiểu Long tươi cười bước lại – Hạnh vàng thằng ròm đã điều tra được gì chưa ?
Nhỏ Hạnh ngơ ngác:
– Điều tra gì ?
– Thì điều tra chuyện Hiền Hòa chứ điều tra gì! – Tiểu Long cười hì hì – Khi nãy Quý và Hạnh ngồi nói chuyện với nhau, tôi nghe hết chứ bộ!
Nhỏ Hạnh thở dài:
– Chả có kết quả gì cả! Tần chỉ quạu quọ, không cung cấp được manh mối gì.
Tiểu Long nhíu mày”
– Hạnh hỏi thẳng Hiền Hòa thử xem!
Nhỏ Hạnh lắc đầu:
– Tần chơi thân với Hiền Hòa như thế, Hiền Hòa còn không tâm sự, Hạnh thì ăn thua gì!
Quý ròm tặc lưỡi:
– Bây giờ Hạnh tính sao ?
– Hạnh cũng chưa biết! Nhưng nếu cứ kéo dài tình trạng này, Hiền Hòa sẽ bị lưu ban mất!
Nhỏ Hạnh vừa nói vừa đẩy gọng kính trên sống mũi theo thói quen. Trong nó lúc này đăm chiêu tợn.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.