Kính vạn hoa - Tập 33 - Họa Mi Một Mình

Chương 1Tập 33 - Họa Mi Một Mình -


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 33 – Họa Mi Một Mình – Chương 1: Tập 33 – Họa Mi Một Mình –

Chương 1
Băng “tứ quậy” có bốn đứa: Lâm, Quới Lương, Quốc Ân và Hải quắn. Đã liệt vào hàng “quậy” tất nhiên bốn đứa này phải nghịch tinh khủng khiếp. Nhưng dù sao lớp 9A4 cũng có một điều an ủi: băng “tứ quậy” không phải bữa nào cũng quậy.
  Trong khi đó, có một đứa không bị xem là dân quậy nhưng ngày nào cũng gây ra cho bạn bè không biết bao nhiêu là đau khổ. Đó là thằng Dưỡng.
Dưỡng không quậy, không nghịch phá. Cũng không trêu chọc bạn bè. Dưỡng chỉ thích làm nghệ thuật, nghĩa là thích ca hát.
Xưa nay những nguời thích ca hát thường đêm lại niềm vui cho mọi người. Nhưng đó là xét theo lẽ thường. Dưỡng không nằm theo cái lẽ thường đó. Nó nằm một mình một cõi. Lời ca tiếng hát của nó luôn gây khiếp hãi cho những người chung quanh.
  Nếu Dưỡng chỉ hát dở thì không nói làm gì. Trong cái thế giới sáu tỉ người này, ít ra có khoảng năm tỉ người hát dở. Và người hát dở chỉ khiến người nghe lắc đầu chứ không khiến thính giả đứng tim.
  Dưỡng khiến bạn bè đứng tim, hẳn nó phải có một điểm khác người nào đó. Điểm khác người đó là Dưỡng không hát. Dưỡng rống.
Trong liên hoan văn nghệ cuối năm ngoái, khi giới thiệu “ca sĩ” Dưỡng lên sân khấu, nếu nhỏ Hạnh dẫn chương trình không dặn dò trước “Xin các thầy cô và các bạn bình tĩnh thưởng thức” thì thầy Hiếu và thầy Thừa đã đánh vỡ chiếc ly trên tay, còn cô Kim Anh và cô Hạ Huệ phải vô bệnh việc cấp cứu vì mắc nghẹn rồi.
Nhưng dù sao các thầy cô cả năm mới bị thằng Dưỡng “tra tấn” một lần. Còn tụi 9A4 thì bốn mùa mười hai tháng (à quên, trừ mùa hè ra thì chỉ còn ba mùa chín tháng) không ngày nào là không bị thằng Dưỡng hành hạ đôi tai.
  Năm ngoái, lúc tập văn nghệ trước khi biểu diễn chính thức, lớp phó văn thể mỹ Vành Khuyên góp ý với Dưỡng:
 – Bạn nhẹ giọng cho dịu dàng một chút. Dân ca phải hát mượt mà tình cảm, có đâu ầm ầm như voi rống vậy.
Thằng Dưỡng nghe Vành Khuyên ví von như vậy thì giận lắm. Nhưng Dưỡng không dám cãi lại, sợ Vành Khuyên nổi quạu gạt tên mình ra khỏi chương trình. Nó gật gù ra vẻ ta đây thích nghe người khác góp y ghê lắm làm Vành Khuyên tưởng bở. Nhưng đến khi lên biểu diễn thì Dưỡng vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí nó còn gân cổ rống to hơn ngày thường cho bõ ghét. Lần đó lớp phó Vành Khuyên tức muốn nổ đom đóm mắt mà chẳng làm gì được.
Nói cho đúng ra, thằng Dường muốn hát nhỏ cũng không được. Trời sinh giọng nó thế. Lúc nói chuyện bình thường giọng nó đã oang oang. Khi đã “làm nghệ thuật”, tức là phải gồng mình lấy hơi lấy sức, dễ gì nó chịu “điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe” theo yêu cầu của thiên hạ.
  Nhưng nếu đã vậy, chẳng thà nó nín quách đi cho. Khu vườn nghệ thuật rộng thênh thang, sao nó không chọn hội họa như thằng Cung cho thế giới bớt ồn ào, chộn rộn; nó chọn chi nghiệp xướng ca cho bạn bè méo mặt!
Dĩ nhiên những nạn nhân của Dưỡng không phải đứa nào cũng lãnh hậu quả như nhau. Mỗi khi Dưỡng cao Hứng “oanh kích”, những đứa ngồi xa thường ít bị “văng miểng” hơn những đứa ngồi gần. Mà đứa ngồi gần nhất trong những đứa ngồi gần lại chính là đứa hay cặp kè với nó nhất. Đó là con nhỏ Hiền Hòa tội nghiệp.
  Hiền Hòa ngồi sát rạt bên Dưỡng, mỗi khi nghe thằng này cất tiếng là lấy tay bịt chặt hai tai, bất chấp tình bạn thân thiết mà hai đứa đã tốn công xây dựng mấy năm nay.
Hiền Hòa đã không kể đến tình bạn thì tất nhiên Dưỡng cũng đâu có kể gì. Thấy Hiền Hòa bịt tai, Dưỡng ứa gan, càng ngoác miệng cố rống to hơn.
Giọng thằng Dưỡng rổn rảng đến mức đã nút hai tại lại rồi mà Hiền Hòa vẫn thấy đầu ong ong u u. Nó đành phải rồi khỏi chỗ ngồi, chạy tuốt ra sân, điệu bộ hấp tấp như đang chạy giặc.
 Hiền Hòa không “chạy giặc” một mình. Cùng tuôn ra cửa với nó bao giờ cũng có một lô một lốc những đứa yếu bóng vía khác.
 Sáng nay cũng vậy, vừa vào lớp, nhét cặp vào ngăn bàn là Dưỡng bắt đầu “mở đài”.
Làn điệu trữ tình tha thiết của bản dân ca Ru con qua cái giọng bão tố của Dưỡng bỗng hóa thành những tiếng sát phạt ghê hồn.
Trong thoáng mắt, tụi 9A4 có cảm giác sấm chớp đì đoàng đang kéo về làm rung rinh lớp học.
Thế là Hiền Hòa chạy trước, đám Tú Anh, Bội Linh chạy sau, cả bọn lếch thếch dắt díu nhau chuồn khỏi “hiện truờng”.
Thằng Tần ngồi cùng bàn với Dưỡng là đứa có thần kinh thép. Mặc cho Dưỡng ông ổng, nó vẫn cắm mặt vào tập, lẩm nhẩm ôn bài.
Nhưng Tần chỉ đứng vững trước sóng gió được dăm phút đầu. Đến khi Dưỡng bắt qua đoạn điệp khúc “Hãy nín nín đi con, hãy ngủ ngủ đi con” và đẩy âm thanh lên tới tận… mây xanh thì Tần hết chịu đựng nổi.

Nó quay phắt qua, gầm gừ:
  – Đủ rồi mày! Ru như mày, con nít chỉ có ị ra quần chứ ngủ nghê gì.
  Tần làm Dưỡng cụt hứng:
  – Mày nói gì?
Tần thảng nhiên:
  – Tao nói là mày hát “Hãy khóc khóc đi con, hãy ngủm ngủm đi con” coi bộ đúng với chất giọng khủng khiếp của mày hơn!
Lời chế giễu của Tần làm Dưỡng tím mặt. Nó gân cổ định quát lại nhưng sực nhớ thằng Tần là tổ trưởng của nó, Dưỡng đành nín nhịn.
Nhưng càng nín nhịn càng bực bội, Dưỡng đâm ra cáu con nhỏ Hiền Hòa. Nhỏ Hiền Hòa là bạn thân của nó, lại không phải lo lắng ôn bài như thằng Tần, chẳng có lý gì phải ôm đầu bỏ chạy khiến mấy đứa khác bắt chước chạy theo. Và nếu Hiền Hòa không xử sự như thế, nó đâu có nổi dóa ngoác mồm rống hết cỡ cho thằng Tần cự nự, nhạo báng.
  Hiền Hòa không biết thằng Dưỡng đang bực nó. Khi vô lớp, nó vui vẻ quay sang Dưỡng:
  – Dưỡng có đem cây thước theo đó không, cho Hiền Hòa mượn đi!
  – Không! – Dưỡng lạnh lùng – Ra tiệm mà mua!
Thái độ của Dưỡng làm Hiền Hòa tròn xoe mắt:
– Dưỡng làm sao thê?
  – Chả làm sao cả! – Dưỡng lạnh lùng.
  – Dưỡng đừng chối! – Hiền Hòa vẫn nhìn Dưỡng đăm đăm – Nhất định là Dưỡng có làm sao rồi!
Dưỡng không buồn đáp. Nó quay mặt đi, vế giận dỗi.
Nét mặt lầm lì của Dưỡng khiến Hiền Hòa ngạc nhiên quá đỗi. Nó nhíu mày ngẫm nghĩ một hồi vẫn chẳng lần được manh mối nào. Nó biết Dưỡng đang bực nhưng bực chuyện gì thì nó chịu.
Dưỡng quay mặt đi nhưng lại chìa cây thước ra sau:
 – Nè.
 Hiền Hòa cầm lấy cây thước, tủm tỉm:
  – Dưỡng hết bực mình rồi hở?
  – Còn.
  Ngập ngừng một thoáng, Hiền Hòa lại hỏi:
  – Dưỡng bực Hiền Hòa hở?
 – Ừ.

  Hiền Hòa chớp mắt:
  – Hiền Hòa có làm gì đâu.
  – Có! – Dưỡng vẫn không quay đầu lại – Ai bảo lúc nãy Hiền Hòa bỏ chạy!
  – Dưỡng nói thật đấy hở?
  – Thật.
Hiền Hòa liếm môi:
  – Thế mọi hôm thì sao? Mọi hôm Hiền Hòa vẫn bỏ chạy sao Dưỡng không bực?
Dưỡng không ngờ Hiền Hòa lại hỏi một câu oái oăm như vậy, liền thuỗn mặt ra. Ừ nhỉ, việc Hiền Hòa chạy trốn giọng ca của mình đâu phải mới xảy ra ngày hôm nay. Nhưng mấy hôm trước mình đâu có hậm hực đến vậy? À phải rồi, tại hôm nay thằng Tần ghẻ tự dưng lại gây gổ với mình, thế là mình cáu lên! Suy nghĩ một thoáng, Dưỡng đã biết ngay lý do, nhưng nó vẫn làm thinh. Nói ra điều đó, Dưỡng sợ nhỏ Hiền Hòa sẽ bảo nó “giận cá chém thớt”.
À quên, Dưỡng không làm thinh hẳn. Dưỡng đáp, nhưng lại nói tránh đi:
– Mọi hôm tôi vẫn bực nhưng không nói ra đó thôi!
 Lần này, nói xong Dưỡng quay lại.
Hiền Hòa dán mắt vào mặt bạn:
  – Thế Dưỡng có muốn từ ngày mai trở đi sẽ không còn bực nữa không?
  – Muốn! – Dưỡng tưởng bở – Hiền Hòa không bỏ chạy ra sân nữa chớ gì?
– Không! – Hiền Hòa láu lỉnh – Dưỡng đừng hát nữa!
  Trong khi Hiền Hòa che miệng cười khúc khích thì Dưỡng gầm lên:
  – Trả cây thước đây!
Hiền Hòa giấu cây thước ra sau lưng:
  – Dưỡng đừng có xấu chơi như thế. Để Hiền Hòa kẻ xong đã!
  Dưỡng nói năng bình thường giọng đã vang vang, huống chi nó lại gầm lên.
  Cô Vĩnh An dạy tiếng Anh ngó xuống:
  – Dưỡng, Hiền Hòa, hai em làm gì thế?
  Hiền Hòa lí nhí:

– Dạ thưa cô, không có gì ạ.
Dưỡng tái mét mặt:
– Thưa cô, em chỉ… hỏi mượn cây thước của bạn Hiền Hòa thôi ạ.
– Bao giờ đi học cũng phải mang theo thước chứ em! – Cô Vĩnh An lừ mắt – Lần sau em còn hét lên như thế nữa sẽ bị phạt đứng đến giờ ra chơi đấy!
Dưỡng thu nắm tay dưới gầm bàn răng nghiến lại. Nó đang tức con nhỏ Hiền Hòa không để đâu cho hết.
  Tức đến mức khi Hiền Hòa đẩy cây thước qua, khẽ nói:
– Trả nè.
  Nó lấy tay gạt cây thước ra tuốt ngoài xa.
Chương 2
Ngoài những chuyện vừa xảy ra, nhỏ Hiền Hòa còn một điểm rất đáng để cho thằng Dưỡng bực mình. Đó là giọng ca của Hiền Hòa.
Hiền Hòa hát rất hay. Năm ngoái, khi An Dung và Việt Hà chưa nghỉ học, Hiền Hòa hợp với hai đứa này thành một ban tam ca rất được bạn bè trong lớp ái mộ. Đó là ba giọng “họa mi vàng” của lớp và là niềm tự hào của tổ 1.
Thằng Dưỡng là thành viên tổ 1, tất nhiên cũng hãnh diện về giọng ca thiên phú của các bạn mình. Mỗi khi ban “Tam ca Áo Trắng” Hiền Hòa, An Dung, Việt Hà biểu diễn trong các buổi liên hoan của lớp hoặc của trường, Dưỡng đều đứng dưới hò hét đến khan cổ và vỗ đến rát cả tay.
  Nhưng điều đó đâu có nghĩa là Hiền Hòa được quyền chê bai giọng hát của nó.
  Nhất là những lúc ngồi trong lớp, Hiền Hòa thỉnh thoảng cũng cao hứng ngân nga đôi ba câu chứ đâu phải mình nó. Những lúc đó, nó đâu có bịt tai, đâu có chuồn ra khỏi lớp. Vậy mà đến khi nó cất giọng, con nhỏ Hiền Hòa lại đùng đùng bỏ đi. Như vậy có khác nào coi thường nó. Có khác nào con nhỏ Hiền Hòa tự cho mình là số một, còn nó số… một ngàn lé chín.
Nhưng dù giận con nhỏ kênh kiệu kia không để đâu cho hết, giờ ra chơi Dưỡng vẫn tò tò theo Hiền Hòa và thằng Tần vào căn-tin.
  Tần là con nhà giàu, ngày nào nó cũng bao hai đứa này ăn chè mệt nghỉ. Tổ 1 có cả thảy sáu đứa, không hiểu sao Tần chỉ thích chơi với Dưỡng và Hiền Hòa.
Chỉ trừ thời gian Tần bị ghẻ, Dưỡng và Hiền Hòa lảng ra vị sợ vi trùng ghẻ bò qua người, còn suốt từ năm lớp bảy đến nay, không giờ ra chơi nào mà ba đứa không cặp kè nhau chui vào căn-tin.
Bữa nay cũng vậy, nhưng khác với mọi lần, mặt mày thằng Dưỡng lúc này trông buồn xo. Nó ngồi một đống và múc từng muỗng chè đưa lên miệng một cách uể oải.
  – Hôm nay mày có chuyện thế hả Dưỡng ? – Tần tò mò nhìn bạn.
  – Không có gì!
  – Mày giận ai hở ?
  – Không.
  Tần không tin:
  – Chắc là mày giận tao rồi.
– Không mà.
  Dưỡng hờ hững đáp. Lần này thì nó nói thật. Khi nãy, lúc ngồi trong lớp, nó quả có nổi quạu với thằng Tần và nhỏ Hiền Hòa thật. Nhưng nó chỉ điên tiết lúc đó thôi. Bây giờ, Dưỡng đã hết giận rồi. Bây giờ Dưỡng chỉ buồn.
Từ trước đến giờ, Dưỡng chưa bao giờ biết buồn. Nhưng bữa nay thì Dưỡng buồn. Nó cứ thấy lòng nó sao sao ấy.
  Xưa nay Dưỡng vốn thích hát hò. Nhưng xem ra thiên hạ không thích nghe nó hát hò. Ở trường cũng thế mà ở nhà cũng thế.
  Nó từng bị ăn đòn quắn đít vì tội giữa trưa nổi hứng bất tử hát vang nhà làm ba nó giật mình thức giấc, làm mẹ nó giật mình tuột tay làm vỡ chiếc đĩa quý đang rửa dở.

  Ngay cả hai đứa em nó, thằng Dinh và nhỏ Hòe, nó cũng không có cách gì “chinh phục” được. Không dám chạy vắt giò lên cổ như Hiền Hòa, sợ ông anh nổi dóa cốc cho sói trán, nhưng mỗi lần nghe nó cất giọng là thằng Dinh và nhỏ Hòe vờ cắm mắt vào tập hoặc vờ lui cui làm gì đó để mong cho nó nản mà “tắt đài” đi cho. Tất nhiên Dưỡng biết tỏng “ý đồ đen tối” của hai đứa em nhưng nó không có cớ gì để ra tay “trị tội”.
  Có lần, bị Dưỡng o ép quá, thằng Dinh và nhỏ Hòe đành phải bấm bụng ngồi làm khán giả cho ông anh ca sĩ trổ tài.
Thấy hai đứa em khoanh tay ngồi ngoan ngoãn trước mặt, Dưỡng khoái chí lắm. Hít một hơi đầy, nó nhắm tịt mắt, gân cổ hát: “Con cò bay lả bay la…”.
 Thật ra thằng Dinh và nhỏ Hòe chịu ngồi làm khán giả bất đắc dĩ chẳng phải sợ gì ông anh. Chẳng qua tụi nó thương anh tụi nó. Xưa nay, tụi nó thấy Dưỡng hát đến đâu người ta ùn ùn bỏ chạy đến đó, có khi Dưỡng còn bị ba mẹ cho ăn đòn vì cái tội hát hỏng lung tung nữa. Cho nên tụi nó muốn chiều Dưỡng một lần. Tụi nó nghĩ mình là em út mà không gồng mình ngồi nghe thì trên đời này chắc chẳng có ai chịu ngồi yên cho Dưỡng “tra tấn”. Như vậy thì tội cho ông anh ca sĩ của tụi nó quá!
 Nhưng khổ nỗ, dù nhiệt tình đến mấy, thằng Dinh và nhỏ Hòe cũng chỉ có thể giữ bình tĩnh được có một lúc thôi. Khi thằng Dưỡng gào lên: “Dân làng rằng dân làng ơi rằng có biết (biết) hay chăng” thì tụi nó mồ hôi đã bắt đầu lấm tấm trên trán. Thằng Dinh có cảm giác anh nó đang hỏi nó “rằng có điếc (điếc) hay chăng” và tự nhiên nó gật đầu như người mộng du, hai tai ù đặc.
 Và đến khi Dưỡng đưa bài hát lên cào trào: “Ai lên lên xứ Lạng (Lạng) cùng anh” thì thằng Dinh và nhỏ Hòe chịu hết xiết. Mặc cho ông anh khẩn khoản rủ lên xứ Lạng, hai đứa nó len lén lạng xuống dưới gầm bàn ngồi thu lu và đưa tay nút chặt tai lại.
 Dưỡng đang say sưa trổ tài, không biết khán giả đã chuồn đi từ đời tám hoánh. Mãi đến lúc chuyển qua “tình tính tang tang tính tình”, nó mới he hé mắt. Thấy trước mặt trống trơn, Dưỡng lập tức ngay đơ như cán cuốc, giọng ca tắt phụt hệt ra-di-ô bị cúp điện thình lình.
  – Dinh! Hòe! – Dưỡng đấm tay xuống bàn, gầm lên – Tụi mày trốn đâu rồi ? Ra đây tao bảo!
 Dười gầm bàn vọng lên tiếng lít chít như chuột kêu:
  – Dạ, có em.
 Dưỡng ngó trật xuống, thấy hai cái đầu đang rụt rè thò ra, nó vừa tức vừa buồn cuời.
  Cuối cùng không nhịn được, nó phì cười:
 – Tụi mày làm trò gì thế hở ?
 – Dạ, tụi em có làm gì đâu ạ! – Dinh xoa xoa mái tóc – Tụi em… tụi em…
 Dưỡng chỉ tay ra cửa:
  – Tụi mày xéo đi cho tao nhờ! Tao cần là cần những khán giả biết thưởng thức nghệ thuật chứ đâu có cần những cái tai trâu!
  Dưỡng nói nặng. Nhưng nghe lệnh “phóng thích” bất ngờ được ban ra, thằng Dinh và nhỏ Hòe mừng khấp khởi, lo co giò vọt lẹ, bụng dạ nào mà ở đó cãi cọ.
 Bây giờ nhớ lại cảnh đó, Dưỡng không cảm thấy buồn cười nữa. Nó chỉ thấy lòng hiu hắt, thấy cuộc đời sao vắng kẻ tri âm.
Thấy Dưỡng buông một câu gọn lỏn rồi ngồi trầm ngâm lâu lắc, Hiền Hòa cười nói:
– Không phải Dưỡng giận Tần đâu. Dưỡng giận Hiền Hòa đó.
Dưỡng nhún vai:
– Sai bét mà cũng nói.
Hiền Hòa nheo mắt:
– Thế sao khi nãy Dưỡng hất cây thước văng xuống đất ?
– Văng xuống đất đâu mà văng xuống đất!
Hiền Hòa “xí” một tiếng:
– Nếu Hiền Hòa không nhanh tay chộp thì cây thước đã rớt xuống đất rồi.
Dưỡng lại làm thinh. Nó không muốn thanh minh. Nó không muốn để lộ ra tâm sự của nó. Ly chè đã ăn hết rồi mà Dưỡng cứ ngồi buồn tay khua khoắng mãi. Tiếng muỗng chạm vào thành ly lanh canh bữa khác nghe vui tai mà bữa nay sao nghe buồn quá xá.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.