Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 20 – Anh và em – Chương 3
Chương 3
Việc Quý ròm chép bài giùm em gái không chỉ mỗi Tiểu Long cảm thấy bất ngờ. Ở nhà, bà, ba mẹ và anh Vũ đều như không tin vào mắt mình.
Chiều hôm qua, thấy Quý ròm ngồi hí hoáy hằng buổi đằng bàn, bà hỏi:
– Hôm nay bài tập nhiều lắm hở cháu?
– Dạ.
Quý ròm đáp. Trong thâm tâm nó rất muốn khoe với bà là nó đang chép bài giùm nhỏ Diệp nhưng không hiểu sao nó cảm thấy ngường ngượng. Làm điều xấu, ngượng đã đành, nhưng làm điều tốt hóa ra cũng ngượng ghê, nhất là thỉnh thoảng mới tốt đột xuất một lần như mình! Quý ròm ngạc nhiên nghĩ và lại cặm cụi dán mắt vào cuốn tập nhỏ Oanh cho mượn.
Hồi trưa, vừa ở trường về, nhỏ Oanh đã chạy thẳng tới nhà Quý ròm.
– Diệp ơi, Diệp!
Đi chưa tới cửa, nó đã lo lắng gọi. Hôm qua nhỏ Diệp bảo với nó là đã hết bệnh, sáng nay sẽ đi học lại bình thường. Nhưng rồì suốt buổi sáng ngồi trong lớp nhấp nha nhấp nhổm ngóng mắt ra cổng vẫn chẳng thấy nhỏ Diệp đâu, bụng nó như có ai đang cời than quạt lửa. Nó chỉ mong chóng đến giờ tan học là chạy ngay đến nhà bạn.
Và quả như sự phấp phỏng của nó, bạn nó vẫn chưa khỏi bệnh hẳn.
Lúc nó đến, nhỏ Diệp đang nằm trên giường và cười với nó bằng cặp môi khô rang:
– Oanh chưa về nhà hở?
– Chưa! Sáng nay không thấy bạn đi học, Oanh đoán là bạn vẫn còn ốm?
– Ừ! – Nhỏ Diệp gật đầu với vẻ mệt mỏi – Mình tưởng đã hết sốt nhưng tối hôm qua người mình tự dưng nóng trở lại!
Nhỏ Oanh sờ tay lên trán bạn, tưởng như đang sờ vào một ổ bánh mì vừa ra khỏi lò:
– Ôi, bạn nóng ghê là!
Nhỏ Diệp mặt mày ủ ê:
– Mẹ mình bảo nếu hôm nay mình vẫn không hết sốt, sang mai mẹ sẽ đưa mình tới bác sĩ!
– Như vậy có thể bạn sẽ nghỉ học lâu đấy! – Nhỏ Oanh tặc lưỡi nói. rồi nó chớp mắt, lặp lại đề nghị hôm qua – Thế thì bạn không thể tự mình chép lại bài được đâu! Bạn cứ để Oanh chép dùm cho!
Lần này thì nhỏ Diệp không từ chối lòng tốt của bạn nữa. Nó đinh ninh sáng nay nó sẽ hết ốm, sẽ đi học lại bình thường nên chiều hôm qua nó đã lắc đầu trước đề nghị giúp đỡ của bạn. Nhưng lúc này thì nhỏ Diệp biết rằng nó không thể tự mình chép bài trong khi chỉ gượng đứng dậy thôi, chân nó đã run run như không còn một tí hơi sức nào.
Nhưng đúng vào lúc nhỏ Oanh bước lại chỗ bàn học, định ôm chồng tập của nhỏ Diệp về nhà thì Quý ròm xuất hiện:
– Này, em định làm gì thế?
– A, anh Quý! – Nhỏ Oanh ngước lên – Em định đem tập vở của bạn Diệp về nhà để chép dùm bài học!
– Thôi, khỏi phiền em! – Quý ròm phẩy tay, giọng hùng hồn – Để đó anh chép cho!
Câu nói của Quý ròm khiến nhỏ Oanh tròn xoe mắt, tưởng mình nghe nhầm. Và cả Quý ròm nữa, nó cũng tưởng mình…nói nhầm. Vừa buột miệng xong, nó ngẩn phắt ra trước lời tuyên bố hăm hở của mình.
– Anh nói thật đấy chứ? – Nhỏ Oanh nghi hoặc hỏi lại.
– Dĩ nhiên là thật! – Quý ròm bối rối gật đầu và đưa mắt ngó lơ chỗ khác, vừa sung sướng lại vừa ngượng ngùng.
Và chính vì sự ngượng ngùng đó mà bây giờ Quý ròm không tiện nói thật với bà, dù nó rất muốn khoe với bà rằng nó không phải là thằng Quý ròm chúa lười, việc nhà việc cửa chỉ toàn đùn cho em như trước nay bà vẫn nghĩ, rằng nó không chỉ biết quát thao, nạt nộ nhỏ Diệp đến khóc thé như trước nay ba mẹ vẫn la. Nó muốn chứng minh rằng bên cạnh cái thằng Quý ròm biếng nhác và nóng tính đó, còn một thằng Quý ròm khác trong con người nó, và thằng Quý ròm này siêng năng và ân cần hơn thằng Quý ròm kia gấp tỉ lần!
Nhưng rốt cuộc Quý ròm đã không nói gì, mặc dù nó rất lấy làm tiếc về sự nhút nhát của mình.
Hên cho Quý ròm, nó không phải tiếc lâu. Sau khi vào phòng ngủ thăm nhỏ Diệp trở ra, bà bước lại gần bàn, âm thầm đứng ngay sau lưng nó.
– Cháu đang chép gì thế? – Bà nhẹ nhàng hỏi, sau một hồi lặng lẽ quan sát.
Quý ròm giật mình, nhưng rồi nó kịp trấn tĩnh và khụt khịt mũi:
– Thì cháu đã nói với bà rồi! Cháu làm bài tập ở lớp!
– Bài tập của cháu ư?
Câu hỏi của bà làm Quý ròm chột dạ. Nó ngẩng đầu lên:
– Sao bà lại hỏi thế?
Bà nghiêm nghị:
– Tại bà nghĩ không phải cháu đang làm bài tập của cháu mà cháu đang chép bài giùm cho em cháu!
Môi Quý ròm lập tức vẽ thành hình chữ O, đôi mắt nó nhìn bà kinh ngạc.
– Làm gì mà cháu ngây người ra thế! – Bà mỉm cười – Mắt bà kém, bà chả phân biệt được tập nào là tập của cháu, tập nào là tập của em cháu đâu! Chính nhỏ Diệp vừa nói cho bà biết đấy!
Rồi trước vẻ mặt đỏ ửng của Quý ròm, bà xoa đầu nó, dịu dàng nói:
– Giúp em như thế là việc tốt cháu ạ! Mà việc tốt sao lại phải giấu bà? Nghe bà khen, Quý ròm càng lúng túng:
– Cháu…cháu…
Quý ròm lắp bắp có đến cả buổi, đến khi nó nghĩ ra câu trả lời, ngoảnh lại nhìn bà thì bà đã bỏ xuống bếp từ đời nào.
Nhưng đó không phải là lần lúng túng duy nhất trong ngày của Quý ròm. Đến tối thì cả nhà đều biết về hành động “hiệp nghĩa” của nó.
Ba bắt đầu bữa cơm bằng câu nói đùa:
– Chà, chép bài giùm cho em! Thật không thể tin được, cứ như có một cậu Quý nào khác đang ở trong nhà mình ấy!
Mẹ cũng cười:
– Nhờ thế mà hồi chiều trời mưa đấy!
Anh Vũ nheo mắt nhìn Quý ròm:
– Đây là chuyện thật chứ không phải trò ảo thuật đây chứ?
Mỗi người một câu khiến Quý ròm nghe đầu cổ nóng bừng. Nó phải đưa chén lên vờ và cơm để che gương mặt mà nó đoán là đang đỏ lắm.
Trong nhà chỉ có nhỏ Diệp là không trêu Quý ròm. Nhỏ Diệp không ngồi cùng bàn với mọi người. Nhỏ Diệp ngồi xếp bằng trên giường, xì xụp chén cháo bà nấu riêng cho nó.
Khi Quý ròm ăn xong, buông đũa chạy vào, nhỏ Diệp vẫn còn bưng chén cháo trên tay.
– Mày ăn nữa không, tao đi múc giùm cho! – Quý ròm nhìn em, ân cần nói.
Nhỏ Diệp lắc đầu:
– Em no rồi!
Quý ròm nhướn cổ nhìn vào chén cháo trên tay em, hừ giọng:
– No gì mà no! Mày mới ăn có nửa chén kia mà!
– Ừ, em ăn chừng đó đã thấy no!
– Xạo đi mày! – Quý ròm “xì” một tiếng – Mày là chúa giành ăn với tao mà làm bộ!
Câu nói của ông anh làm miệng nhỏ Diệp méo xệch. Nhác thấy bộ tịch của cô em, Quý ròm chợt giật thót. Nó đưa tay lên cốc đầu, giọng áy náy:
– Ờ, mày đang ốm mà tao quên khuấy đi mất!
Thấy Quý ròm định tự cốc đầu mình thêm một cái nữa, nhỏ Diệp lật đật thò tay giữ tay anh:
– Thôi, anh nói thế cũng chẳng sai! Thường ngày em vẫn hay giành ăn với anh đó thôi!
– Không phải đâu! – Quý ròm lắc đâu quầy quậy – Mày chưa bao giờ giành ăn với tao cả! Chỉ tao giành ăn với mày thì có!
– Nhưng mà tại em giành trước! – Nhỏ Diệp cãi.
Quý ròm quyết không chịu thua:
– Tao giành trước!
– Em trước!
– Mày trước cái mốc xì! Tao mới là đứa giành trước!
Nếu gặp lúc bình thường, cuộc tranh cãi giữa hai anh em có nguy cơ kéo dài đến vô tận. Nhưng vì nhỏ Diệp đang ốm, mọi chuyện kết thúc nhanh hơn thông lệ.
Nhỏ Diệp gân cổ một hồi đã thở dốc:
– Ừ thôi, anh giành trước!
– Thấy chưa! – Quý ròm tít mắt – Tao đã bảo tao giành trước mà mày cứ cãi!
Nhưng Quý ròm không khoái chí được lâu. Đang nhơn nhơn vì chiếm được phần thắng trong cuộc tranh cãi đầy “cam go”, Quý ròm bỗng tái mặt khi thấy nhỏ Diệp uể oải đặt chén cháo xuống giường và ngả người vào chiếc gối kê sau lưng, miệng thở nặng nhọc.
– Mày sao thế? – Quý ròm chồm người tới, lo âu hỏi.
– Không sao đâu! – Giọng nhỏ Diệp lào thào – Em chỉ hơi mệt chút thôi!
– Chắc tại mày vừa cãi nhau với tao đấy! – Quý ròm ân hận nói, rồi nó liếm môi “đính chính” – Thật ra thì xưa nay người giành ăn trước là mày chứ không phải là tao!
Nhỏ Diệp lúc này chẳng còn bụng dạ nào để tranh nhau cái chức “kẻ giành ăn” với ông anh. Thấy Quý ròm hốt hoảng nhường cái “chức” đó cho mình, nó tức cười quá nhưng không làm sao nhếch mép nổi. Sau một hồi ngoác miệng cãi nhau, người nó như mất hết sức lực. Lưng tựa vào gối, nó cố hít lấy hít để không khí vào phổi, lồng ngực không ngừng nhô lên hụp xuống.
Quý ròm thấy nhỏ Diệp không nói năng gì lại tưởng cô em giận dỗi, liền lật đật “bổ sung”:
– Tuy mày giành ăn trước nhưng sau đó tao giành lại, tao giành còn hung hăng hơn mày…
Quý ròm vừa nói vừa nhìn lom lom vào mặt nhỏ Diệp và nó mừng vô hạn khi thấy nhỏ Diệp mỉm cười:
– Ừ, anh nói đúng tất! Em giành trước và sau đó anh giành lại…
– Thấy chưa! – Quý ròm reo lên – Tao đã nói thì đâu có sai!
Rồi nó phẩy tay, hăm hở:
– Thôi, mày ăn tiếp đi! Tao còn phải đi chép bài đây!
Nhưng Quý ròm chưa kịp ra khỏi phòng, nhỏ Diệp đã gọi giật:
– Anh Quý, gượm đã!
Quý ròm ngoảnh lại, chân vẫn đứng chỗ ngưỡng cửa:
– Gì thế?
Nhỏ Diệp chớp mắt:
– Anh đi chép bài giùm em đấy hở?
Quý ròm ngó lơ chỗ khác:
– Mày biết rồi mà còn hỏi!
Nhỏ Diệp không giấu vẻ băn khoăn:
– Thế còn bài vở của anh?
– Bài vở của tao sao?
– Anh học vào lúc nào?
Quý ròm nhún vai:
– Tưởng gì! Tao chép bài cho mày xong, tao sẽ học bài của tao chứ lo gì!
– Anh Quý này! – Nhỏ Diệp khẽ giọng.
– Gì?
Nhỏ Diệp ngập ngừng:
– Hay là…anh cứ học bài của anh trước đi! Bài của em từ từ chép sau cũng được!
– Chép sau sao được mà chép sau! – Quý ròm hừ mũi – Lớp năm của mày ngày nào cũng có tới năm, sáu môn, nếu không mỗi ngày mỗi chép, chúng dồn cục lại, có mà chết!
– Không hề gì đâu! – Nhỏ Diệp chậm rãi nói – Những bài nào anh không chép kịp, lúc khỏe lại, em tự chép cũng được!
Không hiểu sao, nhỏ Diệp càng tỏ ra tử tế, Quý ròm lại càng cáu.
Nó gắt:
– Khi nào mày khỏe lại hẵng hay! Còn tao có tay, tao muốn chép lúc nào tao chép!