Kính vạn hoa - Tập 20 - Anh và em

Chương 4


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 20 – Anh và em – Chương 4


Chương 4
Nhỏ Diệp mãi vẫn không hết sốt. Cứ buổi sáng mát, buổi chiều hâm hấp còn tối thì nóng như hơ lửa. Mẹ cặp nhiệt cho nhỏ Diệp, có hôm nhiệt kế chỉ bốn mươi độ khiến ai nấy xanh mặt. Mặc dù bác sĩ bảo đừng lo nhưng cả nhà vẫn phấp phỏng không yên.
Quý ròm có lẽ là người lo nhất. Trước nay nó từng bắt nạt, quát tháo em gái nó nên bây giờ thấy nạn nhân đáng thương của mình lâm vào cảnh “thập tử nhất sinh”, lòng nó bứt rức tợn.
Bây giờ Quý ròm mới biết lòng thương em là thế nào và cuộc đời nó sẽ buồn tẻ, trống vắng ra sao nếu một ngày nào đó trái đất bao la này thiếu đi nhỏ Diệp.
Tất nhiên so với nhỏ Oanh em Tiểu Long, nhỏ Diệp của nó tinh quái, nhõng nhẽo và bướng bỉnh hơn nhiều. Nó đã không ít lần lâm vào cảnh khốn đốn vì cái tật mít ướt và thói hay méc của nhỏ Diệp. Nó đã từng giận em mình đến bầm gan tím ruột. Nó đã từng thề “thù này phải trả”. Nhưng đó là nói lúc bình thường kia. Còn bây giờ những nỗi hờn giận tưởng không thể nào nguôi ngoai kia đã bay biến đâu mất. Trước mặt nó lúc này là một đứa em tội nghiệp, nhấc tay nhấc chân không nổi, bộ dạng xụi lơ nom giống hệt một con gà rù, bảo lòng nó không nhũn ra sao được!
Vì vậy chẳng có gì là lạ nếu trưa nào cũng như trưa nào, vừa đi học về đến nhà là Quý ròm lật đật chạy vào phòng thăm em. Cũng thế, nghĩa là cũng chẳng có gì lạ, nếu như chiều nào cũng như chiều nào, mỗi khi chép xong bài giùm nhỏ Diệp, nó đều cầm cuốn tập lại gần giường nhỏ em, sốt sắng đòi giảng giải.
Chiều nay cũng vậy, Quý ròm cầm cuốn tập huơ qua huơ lại trước mặt nhỏ Diệp:
– Mày hết mệt chưa? Để tao giảng bài này cho mày nghe nhé!
Nhỏ Diệp đầu váng mắt hoa, gặp lúc bình thường sẽ không đời nào chịu è cổ ra học trong tình cảnh khốn khổ như vậy. Nhưng vì nghỉ học lâu, sợ không theo kịp bạn bè, phần khác thấy ông anh nhiệt tình quá mức, nó không nỡ từ chối, đành gật đầu:
– Ừ, anh giảng cho em nghe đi!
Chỉ chờ có vậy, Quý ròm hí hửng lật tập và bắt đầu lên giọng:
– Hôm nay lớp mày học về hình hộp chữ nhật và hình lập phương. Thế mày đã biết hình hộp chữ nhật là hình gì chưa?
Nhỏ Diệp thật thà:
– Chưa.
– Hình hộp chữ nhật mà cũng không biết! Rõ là…
Quý ròm đột nhiên nổi cáu, nhưng chưa kịp thốt ba tiếng “đồ ngốc tử” quen thuộc, nó sực nhớ ra tình cảnh trước mắt liền nhanh trí nói trớ:
– Rõ là…mày bị ốm nặng lắm rồi đấy!
Rồi trước vẻ mặt đang ngẩn ra của nhỏ em, Quý ròm thao thao lấp liếm:
– Hình hộp chữ nhật có sáu mặt là các hình chữ nhật, hai mặt đáy và bốn mặt bên. Hai mặt đáy luôn luôn. Bốn mặt bên cũng thế, các cặp đối diện đều bằng nhau cả. Như vậy hình hộp chữ nhật có ba chiều: chiều dài, chiều rộng và chiều cao. Bây giờ mày đã hiểu hình hộp chữ nhật là hình gì chưa?
Nhỏ Diệp vui vẻ:
– Hiểu rồi.

– Thế nó là hình gì?
– Nó là hình gì ư? – Nhỏ Diệp lúng túng – Thì nó là hình… hình hộp chữ nhật chứ hình gì!
– Nói thế mà cũng nói! – Quý ròm lại điên tiết – Thật tao chưa thấy ai cù lần như mày!
Khác với thường lệ, nhỏ Diệp không mếu máo cũng chẳng nhăn nhó. Nó đang mệt, vì vậy không đủ sức để phản ứng. Bị anh mắng, nó chỉ ngơ ngác hỏi lại:
– Thế nó là hình gì?
Quý ròm khoa tay:
– Tất nhiên nó là hình…hình…
Nói tới đây, Quý ròm bỗng ú ớ. Nó bàng hoàng nhận ra mình không thể tìm ra câu trả lời khác với câu trả lời vừa rồi của nhỏ Diệp. Hình hộp chữ nhật tất nhiên là hình hộp chữ nhật, không thể là một hình nào khác. Đó là một hình có sáu mặt là hình chữ nhật, hai mặt đáy và bốn mặt bên… Nhưng nếu đáp như vậy thì có khác nào em gái nó.
Dù sao Quý ròm cũng không phải bối rối lâu. Là một đứa thông minh, nó nhanh chóng nhận ra cách đặt câu hỏi của nó có phần không ổn, bèn giở giọng ngang phè:
– Thôi, nó là hình gì cũng chẳng quan trọng! Bây giờ mày nghe tao hỏi câu khác nè! Nếu mày trả lời được thì tao mới tin là mày hiểu bài.
Rồi sợ nhỏ Diệp thắc mắc tại sao chưa trả lời xong câu hỏi trước, nó đã vội vàng chuyển qua câu hỏi sau, Quý ròm hắng giọng ra vẻ trịnh trọng, nói ngay:
– Nếu mày bảo đã hiểu được hình hộp chữ nhật là hình gì thì mày thử kể tao nghe những vật có hình hộp chữ nhật xem nào!
Nghe câu hỏi quá dễ, nhỏ Diệp quên ngay mối nghi ngờ vừa chớm trong đầu, vọt miệng đáp:
– Hộp diêm.
Quý ròm gật đầu:
– Đúng rồi! Gì nữa?
Nhỏ Diệp lại mau mắn:
– Viên gạch.
Quý ròm lại gật gù:
– Giỏi lắm! Còn gì nữa?
Lần này thì nhỏ Diệp không nghĩ ra ngay được. Nó nhíu mày trầm ngâm lâu thật lâu khiến Quý ròm sốt ruột:

– Thế nào? Mày chưa tìm thêm được ví dụ nào à?
Nhỏ Diệp cắn môi:
– Thường ngày em thấy biết bao nhiêu là thứ có hình dạng như vậy nhưng lúc này không hiểu sao em chả nhớ ra được!
– Mày cố nhớ đi! – Quý ròm động viên – Mày chỉ cần kể ra chừng hai thứ nữa thôi!
– A! Em nhớ ra rồi!
Ông anh vừa nói xong, nhỏ Diệp chợt reo lên. Mắt Quý ròm sáng trưng:
– Gì thế?
Nhỏ Diệp nom chẳng còn vẻ gì là người ốm, mặt nó tươi như hoa:
– Thanh sô-cô-la mà năm ngoái anh đã…
“Đáp án” của nhỏ Diệp làm Quý ròm thót bụng lại. Mắt nó vừa nhướn lên đã vội cụp ngay xuống. Nó lật đật xua tay:
– Thôi, thôi, mày khỏi nói nữa! Đúng là thanh sô-cô-la đó có hình hộp chữ nhật! Mày giỏi lắm!
Vừa rồi Quý ròm bắt nhỏ Diệp phải kể ra hai thứ, nhưng bây giờ thì nó chẳng dám thúc ép nhỏ em kể thêm ví dụ thứ hai nữa, sợ con nhỏ bất lịch sự này nổi hứng lôi tuột những chuyện bất hảo của nó ra. Kể cũng lạ, những chuyện lôm côm đó chính miệng nó thú nhận thì không sao, nhưng nghe người khác nhắc đến, nó lại thấy ngượng ngập sao sao ấy!
Quý ròm khen vội khen vàng em gái mình một câu rồi hấp tấp chuyển hướng:
– Bây giờ tao sẽ giảng cho mày cách tính diện tích xung quanh và diện tích toàn phần hình hộp chữ nhật…
Và Quý ròm vung tay tuôn một tràng không để nhỏ Diệp kịp hỏi tới hỏi lui:
– Muốn tính diện tích xung quanh của hình hộp chữ nhật, ta lấy chu vi mặt đáy nhân với chiều cao…
Cứ thế Quý ròm cứ mặc sức huyên thuyên, nhỏ Diệp cứ mặc sức ù ù cạc cạc. Đến khi nói khô cả nước miếng, Quý ròm mới ngừng lại và nhìn chăm chăm vào mặt nhỏ em:
– Thế bây giờ mày đã có thể tính diện tích xung quanh của hình hộp chữ nhật chưa?
– Chưa!
Suýt một chút nữa Quý ròm đã té lăn quay ra giữa nhà.

– Chưa? – Nó hỏi lại mà miệng mồm há hốc – Chứ nãy giờ lỗ tai mày để ở đâu?
Thấy ông anh bắt đầu quên mình là người ốm, giọng điệu bắt đầu bốc khói, mắt nhỏ Diệp ngân ngấn nước, vừa tủi thân vừa giận dỗi:
– Đầu em nhức như búa bổ, còn anh thì cứ nhắm mắt nhắm mũi thao thao…
Sự trách móc của nhỏ Diệp chẳng khác nào một thùng nước lạnh dội vào cái đầu đang phừng phừng của Quý ròm. Nó lỏn lẻn:
– Ờ há, mày đang ốm mà tao lại quên béng…
Rồi cảm thấy nhận lỗi như vậy vẫn chưa đủ, nó nhanh nhẩu nói thêm:
– Hồi tao ốm cũng vậy thôi! Đâu óc cứ ong ong, người khác nói mười, mình chỉ nghe được một!
Quý ròm nhún mình trước nhỏ Diệp quả là chuyện xưa nay hiếm. À lộn, chỉ xưa hiếm thôi, còn nay thì chả hiếm tí ti nào cả.
Hôm giảng bài khoa học thưởng thức cũng vậy. Thoạt đầu Quý ròm rất oai, bao giờ nó cũng bắt đầu một cách oai phong:
– Hôm nay lớp mày học về không khí! – Rồi nó gục gặc đầu, “e hèm” một tiếng – Tụi nhóc như mày không phải đứa nào cũng hiểu không khí là gì đâu!
Thấy ông anh “quảng cáo” về không khí ghê quá, nhỏ Diệp nghệt mặt ra nghe:
– Không khí ở khắp mọi nơi. Xung quanh ta chỗ nào cũng có không khí…
Đang định làm thinh nghe ông anh giảng giải, không hiểu sao tới đây nhỏ Diệp bỗng ngứa miệng:
– Thế trong bức tường đằng kia cũng có không khí hay sao? – Chứ gì nữa!
– Quý ròm chẳng mảy may bối rối – Nếu không tin, mày lấy một viên gạch xây tường bỏ vào thau nước mà xem. Mày sẽ thấy bọt lăn tăn nổi lên. Đó là không khí ở trong viên gạch, cũng có nghĩa là ở trong tường.
Chỉ bằng một giải thích đơn gian, Quý ròm đã xác nhận nó không phải là một “nhà khoa học” hữu danh vô thực. Nhỏ Diệp phục lăn, lại ngóc cổ nghe:
– Để chứng minh sự hiện diện của không khí, người ta bỏ trên bàn vài mảnh giấy vụn rồi lấy… quạt Ba Tiêu ra quạt…
– Xì! – Nhỏ Diệp nhăn mũi – Anh chỉ giỏi phịa! Ngoài đời làm gì có quạt Ba Tiêu! Qụat Ba Tiêu chỉ có trong truyện Tây Du thôi!
Nhỏ Diệp nhăn mũi thì Quý ròm nhăn mặt:
– Giảng bài cho mày chán bỏ xừ! Qụat Ba Tiêu là tao chỉ nói ví dụ thôi! Tao muốn nói đó là một cái quạt, và người ta đem ra quạt…
– Thế thì sao?
Quý ròm nhún vai:
– Thì những mảnh giấy vụn trên bàn sẽ bay xuống đất chứ là sao!
– Em chả hiểu gì cả! – Nhỏ Diệp nuốt nước bọt – Ai chả biết khi quạt, những mảnh giấy sẽ bay xuống đất. Nhưng chuyện đó thì nói lên được điều gì?
Thấy nhỏ em không chịu lặng yên nghe giảng, cứ hỏi ấm a ấm ớ luôn miệng, Quý ròm sầm mặt:

– Mày muốn biết chuyện đó nói lên được điều gì thì trước tiên màn phải tắt cái “đài” của mày đi đã! Mày đã ốm mà lại không chịu nằm im, cứ “phát thanh” liên tu bất tận như thế, làm sao tao giảng tiếp được!
Biết ông anh chuẩn bị phát cáu, nhỏ Diệp liền rụt cổ nín thinh.
Quý ròm tiếp tục hùng hồn, mặt mày khoái trá vì thấy lệnh lạc của mình được chấp hành răm rắp:
– Nghe kỹ đây nè! Qụat rõ ràng không chạm vào giấy nhưng giấy lại bay, hiện tượng đó cho thấy chính không khí đã tác động lên những mảnh giấy! Quạt làm chuyển động không khí và không khí đã đẩy những mảnh giấy bay xuống đất, hiểu không?
– Không!
Tiếng trả lời của nhỏ Diệp như sét đánh ngang tai khiến Quý ròm chết đứng. Nó dán mắt vào mặt nhỏ Diệp, kinh ngạc:
– Mày làm sao thế?
– Em có làm sao đâu!
– Thế sao mày lại không hiểu những điều cực kỳ đơn giản đó?
Nhỏ Diệp liếm môi, ngập ngừng:
– Bởi nếu nói như anh thì làm sao cắt nghĩa được gió từ đâu mà có! Chẳng lẽ có một người khổng lồ quạt một cái quạt không lồ để tao ra gió ư?
– Ối trời ơi! – Quý ròm đưa hai tay ôm đầu – Có mày quạt thì có chứ người khổng lồ nào mà quạt!
Không để ý đến lời trêu chọc của ông anh, nhỏ Diệp tiếp tục thắc mắc:
– Thế cái gì làm ra gió?
Quý ròm ưỡn ngực:
– Chính mặt trời làm ra gió!
– Mặt trời? – Nhỏ Diệp lộ vẻ sửng sốt – Anh không nói đùa đấy chứ?
– Chả đùa tí ti nào! – Quý ròm tặc lưỡi giảng giải – Mặt trời chiếu xuống làm trái đất nóng lên. Nhưng không phải chỗ nào cũng nóng giống chỗ nào. Có nơi nóng ít, có nơi nóng nhiều. Nơi nóng nhiều, không khí nở ra nên nhẹ đi và bốc lên cao. Thế là không khí lạnh ở nơi khác liền chuyển tới, lấp vào chỗ trống…
Nghe tới đây, nhỏ Diệp bật reo khẽ, không đợi ông anh nói hết:
– A, em hiểu rồi! Chính sự chuyển động của không khí nóng và không khí lạnh đã tạo ra gió!
– Đúng thế! – Thấy lần này nhỏ Diệp “tiếp thú y kiến” của mình nhanh lẹ, Quý ròm gật đầu khoái, rồi vì khoái trá quá mức, nó cao hứng buộc miệng theo thói quen – Mày là đứa ngốc nhưng dù sao cũng không đến nỗi ngốc lắm!
“Lời khen” của ông anh khiến nhỏ Diệp muốn xỉu ngay tại chỗ. May làm sao, vừa nhận thấy vẻ nhăn nhó khó coi của cô em gái, Quý ròm kịp nhớ ra “tình trạng sức khỏe” của “đứa ngốc” trước mắt, liền hấp tấp đổi giọng:
– Thật ra thì lúc ốm, ai mà chả ngốc! Hồi tao ốm tao còn ngốc hơn mày nhiều!
Quý ròm tự thú nhận mình ngốc là chuyện nhỏ Diệp nằm mơ cũng không thấy nổi. Trong một thoáng nhỏ Diệp quên cả mệt nhọc. Quý ròm nói xong cả buổi rồi mà mặt nó cứ ngẩn ra.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.