Kính vạn hoa - Tập 14 - Thủ môn bị từ chối

Chương 5


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 14 – Thủ môn bị từ chối – Chương 5


Chương 5
Rốt cuộc người mở miệng không phải là Tần.
– Thưa thầy, chính em…
Quý ròm ấp úng lên tiếng, nó cố tìm cách phá tan bầu không khí nặng nề đang bao phủ lớp học.
Nhưng Quý ròm chưa kịp nói hết câu, thầy Hiếu đã hừ mũi cắt ngang:
– Thầy không hỏi em! Em cứ đứng yên đó!
Cảnh cáo Quý ròm một câu, thầy tiếp tục xoáy mắt vào gương mặt hoang mang của Tần:
– Sao, em tìm ra câu trả lời chưa?
– Dạ… dạ…
Tần hết xoay xoay vành mũ lại ngượng ngịu hạ tay xuống rờ rẫm trên mặt bàn, miệng lắp ba lắp bắp.
Trong khi thầy Hiếu đang định ra hiệu cho Tần ngồi xuống thì nhỏ Hạnh vụt đứng lên:
– Thưa thầy, bạn Tần không rõ nhưng em rõ ạ!
Thầy Hiếu nhướn mắt:
– Em rõ thủ phạm là ai sao?
– Thưa thầy, không ạ! – Nhỏ Hạnh chớp mắt – Nhưng em rõ tại sao bạn Quý lại làm thế!

Rồi không đợi thầy hỏi tiếp, nhỏ Hạnh nhanh nhẩu nói ngay:
– Sở dĩ bạn Quý đứng ra nhận tội là vì không muốn cả lớp phải bị phạt ạ!
Lời nhỏ Hạnh vừa thốt ra, cả lớp bỗng dậy lên tiếng xì xào. Nhiều cặp mắt nhìn nhau bán tín bán nghi. Thầy Hiếu bỗng đâm ra lúng túng. Thầy phân vân hỏi:
– Em căn cứ vào đâu mà nói thế!
– Thưa thầy, em chẳng căn cứ vào đâu ạ! – Nhỏ Hạnh bối rối hắng giọng – Nhưng chơi thân với bạn Quý nên em biết! Bạn ấy chẳng bao giờ làm những trò như thế!
Nhỏ Hạnh nói vừa dứt câu, lớp trưởng Xuyến Chi liền đứng dậy:
– Thưa thầy, em cũng nghĩ như thế ạ! Những câu thơ và hình vẽ trên bảng không thể là của bạn Quý!
– Em cũng nghĩ như bạn Hạnh và bạn Xuyến Chi, thưa thầy! – Minh Vương vội vã bổ sung.
Thầy Hiếu chưa kịp phản ứng trước diễn biến bất ngờ này thì Tiểu Long cũng đã đứng lên khỏi chỗi ngồi:
– Em cũng vậy, thưa thầy!
– Các em ngồi xuống đi! – Thầy Hiếu lật đật xua tay, rồi quay sang Quý ròm vẫn đang đứng im lìm nãy giờ theo mệnh lệnh của thầy, thầy nghiêm nghị nói – Thầy hỏi em một lần nữa! Những câu thơ và hình vẽ trên bảng có phải là hành vi của em không?
Khác hẳn với vẻ dứt khoát ban đầu, lần này Quý ròm bỗng ngập ngừng. Sự bênh vực của thằng Tần nạn nhân, của Tiểu Long và những đứa trong ban cán sự lớp khiến nó vô cùng cảm kích. Bây giờ nếu cứ khăng khăng nhận tội vào mình, có khác nào nó làm cho những đứa này phải bẽ mặt! Nhưng đã lỡ nói ra như thế trước mặt thầy Hiếu, bây giờ muốn phủ nhận tuốt tuồn tuột quả không dễ mở miệng, trừ phi chính thủ phạm thật sự của vụ này tự giác chường mặt ra. Nhưng khổ nỗi, cái tên hèn nhát đó chẳng có vẻ gì muốn trở nên một người dũng cảm. Nó cứ im ru bà rù.
Quý ròm đảo mắt một vòng, dừng lại khá lâu ở thằng Lâm đáng nghi đang ngồi sát rạt bên cạnh nó rồi thở dài chép miệng:
– Thưa thầy, chính là… của em ạ!
Câu trả lời của Quý ròm gây ra những phản ứng trái ngược nhau. Những đứa vô can ngẩn ngơ, những đứa giấu mặt thở phào, còn những đứa vừa rồi lên tiếng thanh minh cho nó thì mặt mày méo xẹo.
Ngay cả thầy Hiếu cũng không biết là mình nên vui hay nên buồn trước lời khẳng định ngoài mong đợi của Quý ròm. Thầy nhún vai nói với cả lớp:

– Các em đều nghe thấy cả rồi đấy! Em Quý vẫn thừa nhận hành vi sai trái đó là của mình, trong khi các em khác chẳng có chứng cứ nào cho thấy là em Quý vô tội! Như vậy…
Thầy Hiếu mới nói đến đó thì một bóng người thình lình đứng phắt dậy:
– Thưa thầy…
Thầy ngạc nhiên nhìn đứa học trò vừa lên tiếng:
– Gì thế Dưỡng?
Dưỡng khụt khịt mũi một hồi vẫn chưa nói tiếp được. Sau khi đứng lên, nó chợt lộ vẻ ngần ngừ và nhớn nhác dòm quanh.
Vẻ luống cuống của nó khiến thầy Hiếu không khỏi cau mày:
– Sao? Có chuyện gì thế?
– Thưa thầy…
Dưỡng lúng túng, mặt mày căng thẳng.
Quới Lương chợt cười hê hê:
– Thưa thầy, bạn Dưỡng định thú nhận tội trạng của mình đấy ạ!
Thầy Hiếu chưa kịp hỏi thì Dưỡng đã cuống quýt:
– Thưa thầy, bạn Quới Lương nói bậy đấy ạ! Em chỉ muốn nói là em có thể… có thể… chứng minh bạn Quý không phải là tác giả… tác giả…
– Thầy hiểu rồi! – Thầy Hiếu sốt ruột cắt ngang – Thế em chứng minh bằng cách nào? Em có chứng cớ gì không?
– Chứng cớ hả? – Mặt Dưỡng nghệt ra – Thưa thầy, em không có chứng cớ gì cả ạ!

Sự xuất hiện đột ngột của thằng Dưỡng trong thời điểm nóng bỏng của “vụ án” làm cả lớp nín thở. Đứa nào đứa nấy tròn xoe mắt theo dõi. Nhưng lối ăn nói lòng vòng và ngờ nghệch của nó khiến khan giả muốn khóc thét.
Thầy Hiếu thở hắt ra một hơi:
– Thế em chứng minh bằng cách nào?
Dưỡng gãi tai:
– Thưa thầy, em chẳng chứng minh bằng cách nào cả…
Thầy Hiếu nghe đầu mình kêu ong ong. Lối diễn đạt mù mờ của Dưỡng làm thầy chợt nghĩ hay là đứa học trò này cố ý giỡn mặt mình. Nhưng Dưỡng không để thầy nghĩ ngợi lâu. Nó ngập ngừng nói tiếp:
– Nhưng chính mắt em nhìn thấy những bạn nào vẽ hình và viết những câu thơ…
Thầy Hiếu sửng sốt:
– Sao lại những bạn?
– Thưa thầy, có tất cả là hai bạn ạ! – Dưỡng gãi cổ – Bạn Quốc Ân vẽ hình, còn bạn Lâm đề thơ!
Tố cáo của Dưỡng chẳng khác nào một quả bom ném ra giữa lớp. Tất cả các cặp mắt không hẹn mà cùng nhất loạt hướng về hai nhân vật vừa bị nêu tên kia.
– Lâm! Quốc Ân! Hai em đứng dậy! – Thầy Hiếu gằn giọng.
Lâm và Quốc Ân nơm nớp đứng dậy.
– Thưa thầy! – Vừa thẳng người, Lâm đã hấp tấp mở miệng – Thầy đừng tin những lời bịa đặt của bạn Dưỡng ạ! Hôm trước bạn ấy mượn quả bóng, em không cho…
Nhưng Lâm chưa kịp chống chế hết câu đã lập tức xuôi xị. Giọng nói rành rọt của nhỏ Hiền Hoà đã chặn ngang họng nó:
– Thưa thầy, bạn Dưỡng không bịa đâu ạ! Chính mắt em cũng nhìn thấy bạn Lâm và bạn Quốc Ân làm chuyện đó ạ!
Chả là hồi sáng, lúc lớp học còn vắng vẻ, Lâm và Quốc Ân đã nháy nhau bày trò nghịch tinh. Chúng lượm những mẩu phấn thừa dưới chân bảng đen rồi hí hoáy đứa vẽ đứa viết, ra sức giễu cợt cái đầu nhẵn của Tần.
Trong số những đứa lèo tèo ngồi bên dưới lúc đó ngoài Hải quắn và Quới Lương còn có cả Dưỡng và Hiền Hoà.

Hải quắn và Quới Lương thì không kể làm gì. Cùng với Lâm và Quới Lương, hai đứa này ngay từ đầu năm học đã được liệt vào hàng “tứ quậy” trong lớp. Mặc dù cặp Lâm – Quới Lương ngày thường không “qua lại” nhiều với cặp Hải quắn – Quốc Ân nhưng gặp những dịp quậy phá như thế này, tụi nó cũng sẵn sàng liên kết với nhau.
Đến lớp sớm từ lâu đã là thói quen của “tứ quậy”. Đó là thời điểm thuận lợi nhất để bày trò nghịch ngợm. Nhưng xui cho Lâm và Quốc Ân, sáng nay chúng cùng Hải quắn và Quới Lương vừa đặt chân qua ngưỡng cửa đã thấy Dưỡng và Hiền Hoà ngồi lù lù trong lớp và đang loay hoay giải toán.
Chẳng biết làm sao đuổi hai con “kỳ đà cản mũi” này ra ngoài, Lâm quay xuống đe:
– Tụi mày xem thì xem nhưng không được hó hé chuyện này cho bất cứ ai đấy nhé!
Chưa yên tâm, Quốc Ân thu nắm tay dứ dứ trước mặt:
– Liệu hồn đấy!
Nhỏ Hiền Hoà dài môi:
– Xì! Ai mà thèm để ý đến chuyện của mấy bạn!
Dưỡng không nói gì. Nó tròn xoa mắt chờ xem mấy đứa này giở trò quỷ quái gì mà răn đe ghê thế.
Đến khi thấy cái đầu nhẵn nhụi của thằng Tần hiện ra trên bảng, Dưỡng không nhịn được, bụm miệng cười híc híc. Và khi thằng Lâm chua thêm bên dưới bức hình hai câu thơ “Cái đầu trọc lóc bình vôi. Nó đem nó úp cái nồi lên trên” thì Dưỡng ôm bụng cười gập cả người, cười chảy nước mắt nước mũi. Cái thằng Lâm lẹt đẹt này, nó học hành thì dở tệ mà sao làm vè trêu chọc thiên hạ nó lại làm hay thế không biết! Dưỡng vừa chùi mắt vừa nghĩ, không để ý đến cái liếc xéo đầy vẻ phật ý của nhỏ Hiền Hoà bên cạnh.
Ở trên bảng, Lâm và Quốc Ân cũng khoái chí thở phào. Sự hưởng ứng nồng nhiệt của thằng Dưỡng trước bức biếm hoạ và những câu thơ trào phúng của tụi nó rõ là thái độ đồng tình. Nỗi lo bị tố cáo trong thoáng chốc bay vèo đâu mất.
Vậy mà không ngờ đến phút chót Dưỡng và Hiền Hoà lại đột nhiên giở quẻ! Lâm lầm bầm tức tối. Nó cũng không hiểu tại sao hai đứa này không lên tiếng ngay từ đầu mà đợi đến khi nó và thằng Quốc Ân sắp sửa thoát nạn lại nhảy ra phá đám.
Ngay từ đầu, Dưỡng không mảy may có ý định tố cáo bọn Quốc Ân. Lúc lũ bạn lần lượt kéo nhau vào lớp và cười phá lên khi nhìn thấy hình vẽ và những câu thơ trên bảng, chính Dưỡng đã hả hê ngoác miệng cười phụ hoạ. Đến khi thầy Hiếu phạt cả lớp đứng suốt hai tiết toán, nó cũng bình thản đứng lên, xem đó như là một phần không thể thiếu của trò vui.
Chỉ khi Quý ròm đứng dậy tự nhận vơ lấy tội vào mình để tránh cho cả lớp khỏi bị phạt oan thì Dưỡng mới giật mình và bắt đầu cảm thấy xốn xang. Nhưng cho đến lúc đó, Dưỡng vẫn chưa quyết định nên hành động như thế nào. Sự doạ dẫm của Lâm và Quốc Ân vẫn khiến nó ơn ớn.
Mãi đến lúc thằng Tần rồi Hạnh, Xuyến Chi, Minh Vương, Tiểu Long lần lượt lên tiếng bênh vực và bảo vệ cho Quý ròm một cách vô vọng thì Dưỡng đâm ra bứt rứt vô hạn. Quý ròm rõ là một đứa tốt bụng. Hôm qua nó đã chứng kiến Quý ròm thản nhiên bưng ly nước chanh của thằng Tần ghẻ, điều mà bản thân nó không bao giờ dám làm. Và hôm nay, cũng thằng Quý ròm đó sẵn sàng gánh thay hình phạt cho cả lớp mặc dù Quý ròm không phải là thủ phạm và chắc cũng không biết thủ phạm là ai.
Trong lớp thuỷ chung chỉ có bốn đứa biết được bí mật này. Nhưng nhỏ Hải quắn và Quới Lương dĩ nhiên không đời nào cáo giác đồng bọn. Nhỏ Hiền Hoà là con gái, gan bằng con tép, dù muốn chắc cũng chẳng dám mở miệng mách lẻo. Rốt cuộc chỉ có nó. Nếu nó không lên tiếng, “thi sĩ” Lâm và “hoạ sĩ” Quốc Ân sẽ an nhiên vô sự, còn thằng Quý ròm vô can kia sẽ lãnh trọn sấm sét lên đầu. Mà nó, chẳng lẽ nó không có được một phần mười sự dũng cảm của thằng ròm kia. Đó là chưa kể, nhỏ Hiền Hoà tuy tự nó không dám nói ra sự thật nhưng nếu thấy mình cũng nhát cáy như nó, biết đâu nó chẳng xem mình bằng nửa con mắt!
Nghĩ tới nghĩ lui đến mệt nhoài, cuối cũng Dưỡng quyết định giành lại công bằng cho… thế giới. Nó đứng lên. Thoạt đầu, nó có hơi lập cập nhưng rồi nó bình tĩnh dần. Và đến khi nhỏ Hiền Hoà đứng lên song song bên cạnh và lớn tiếng hỗ trợ nó thì Dưỡng chẳng còn sợ trời sợ đất gì nữa.
Tất cả những điều đó có tài thánh Lâm và Quốc Ân mới hòng hiểu ra!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.