Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 14 – Thủ môn bị từ chối – Chương 4
Chương 4
Sự xuất hiện của thầy Hiếu khiến lớp học đang ồn ào bỗng chốc im phắt.
Lớp trưởng Xuyến Chi lật đật hắng giọng:
– Học sinh nghiêm!
Trước những bộ mặt hiền lành vờ vịt của đám học trò đang đứng thẳng người như những cây cột nhà kia, thầy Hiếu chậm rãi bước lại chiếc bàn kế cửa sổ.
Khi thầy rảo ngang qua trước bảng đen, cả mấy chục trái tim không hẹn mà cùng giật thon thót.
Nhưng thầy Hiếu không nhìn thấy hình vẽ và những câu thơ trên bảng. Mắt nhìn tới trước, chân bước những bước thật thẳng, thầy ung dung tiến lại chỗ ngồi quen thuộc của mình.
Đặt chiếc cặp da trên bàn, thầy đưa mắt nhìn xuống lớp, khoan thai vẫy tay:
– Các em ngồi xuống!
Nhỏ Xuyến Chi nhanh nhảu ứng tiếng hô:
– Học sinh nghỉ!
Cả lớp lục đục ngồi xuống, bụng nơm nớp. Cái hình vẽ bôi bác kia vẫn còn sờ sờ trên bảng thì chưa thể gọi là tai qua nạn khỏi được!
Trong khi đứa nào đứa nấy bụng lo ngay ngáy thì thầy Hiếu đột ngột gọi:
– Tần, đứng dậy!
Tần rụt rè đứng lên, mặt còn lấm la lấm lét chưa kịp mở miệng thưa gửi, thầy Hiếu đã cau mày:
– Sao em lại đội mũ trong lớp?
– Dạ… dạ thưa thầy…
Tần ấp a ấp úng một hồi vẫn không đủ can đảm giải thích nguyên nhân việc đội mũ của mình. Trong giờ toán hôm qua, thấy thầy Hiếu không rầy la hay hỏi han gì về chuyện nó đội mũ trong lớp, Tần tưởng thầy đã biết “nỗi khổ thầm kín” của nó. Hoá ra hôm qua do mải giảng bài nên thầy không để ý đó thôi.
Cũng như thầy Đang giám thị, thầy Hiếu không nhẫn nại nổi trước thái độ lừng khừng khó hiểu của Tần. Thầy hừ mũi:
– Em còn chưa chịu bỏ chiếc mũ xuống hả?
Tần chớp chớp mắt, miệng mếu xệch. Nó ngần ngừ một thoáng rồi đưa tay lên giật phắt chiếc mũ ra khỏi đầu.
– Ơ! – Cái đầu trọc lóc, xanh xanh đỏ đỏ của đứa học trò vừa lộ ra, thầy Hiếu không nén được tiếng kêu sửng sốt – Đầu em làm sao thế?
Quốc Ân láu táu vọt miệng:
– Thưa thầy, đầu bạn Tần bị ghẻ đấy ạ!
Lâm nhăn nhở hùa theo:
– Mấy bữa nay vi trùng ghẻ bò lúc nhúc khắp lớp mình, thầy ơi!
Thầy Hiếu nghiêm mặt trừng mắt nhìn Lâm rồi đứng lên khỏi chỗ, thầy thong thả bước xuống dãy bàn cuối lớp, nhỏ nhẹ hỏi:
– Em bị thế này lâu chưa?
– Thưa thầy, đã nửa tháng nay ạ! – Tần lí nhí – Bác sĩ bảo đây là một thứ nấm nằm dưới lớp biểu bì…
– Bác sĩ bảo em hớt tóc như thế này ư?
– Dạ! – Tần ngượng ngùng đáp, mặt ửng đỏ – Bác sĩ bảo trời nóng, mồ hôi ra nhiều, cần phải cạo đầu để xức thuốc và da được khô ráo. Có như vậy bệnh mới chóng lành ạ!
– Thì ra thế! – Thầy Hiếu gật gù – Nhưng nếu vậy thì lẽ ra em không nên đội mũ thùm thụp mới phải! Cần để đầu trần cho nó thông thoáng!
– Em cũng biết thế, thưa thầy! – Tần nuốt nước bọt và nói một cách khó khăn – Ở nhà em luôn để đầu trần, em chỉ đội mũ khi đi học thôi!
Câu giải thích của Tần gần như không giải thích gì cả. Ý nghĩa của câu nói mơ hồ đến mức thầy Hiếu định hỏi lại tại sao có sự khác biệt khi ở nhà và khi đến lớp. Nhưng câu hỏi chưa kịp thốt ra khỏi miệng, thầy bỗng sực hiểu. Chắc chắn đứa học trò tội nghiệp của thầy không dám phơi chiếc đầu trọc lóc và đầy ghẻ ra trước mặt bạn bè chỉ vì mắc cỡ! Hồi bé, thầy cũng thế thôi! Chẳng cần phải ghẻ, chẳng cần phải cạo đầu, chỉ với chiếc mụn cóc nơi tay thôi, lúc nào thầy cũng phải che che giấu giấu một cách khổ sở vì sợ lũ bạn nghịch tinh trêu chọc!
Hiểu ra cái lý do khó nói đó rồi, thầy Hiếu dịu dàng đặt tay lên vai Tần, khẽ bảo:
– Thôi được, em cứ việc đội mũ! Thầy sẽ giải thích với ban giám hiệu về trường hợp của em!
– Thưa thầy! – Nhỏ Xuyến Chi buột miệng – Hôm qua, thầy giám thị đã cho phép bạn Tần đội mũ trong giờ học rồi ạ! Thầy giám thị còn bảo bạn Tần chuyển xuống ngồi ở bàn cuối để… tiện việc đội mũ nữa đấy ạ!
Lời thông báo ngộ nghĩnh của nhỏ Xuyến Chi làm thầy Hiếu bật cười:
– Lại thế nữa cơ đấy! Thôi được, nếu thầy giám thị đã đồng ý, thầy chẳng cần phải báo với ban giám hiệu nữa!
Rồi thầy hắng giọng dặn Xuyến Chi:
– Còn em, em nên thông báo về trường hợp của bạn Tần cho các thầy cô khác biết sớm để tránh xảy ra tình trạng hiểu lầm như thầy vừa rồi!
Nói xong, thầy quay người bước trở lên bục giảng.
Ngay trong lúc đó, thầy Hiếu không bao giờ ngờ cái cử động nhẹ nhàng của mình lại khiến cả lớp đồng loạt nín thở như thể không phải thầy đang quay người lên bảng mà đang quay… nòng súng đại bác vào chính lớp học vậy!
Thủ phạm bí mật của trò tai ác này run bắn cả người đã đành, ngay cả những đứa vô can cũng có cảm giác máu trong người mình chợt đông cứng lại.
Và đúng như nỗi lo ngại thấp thỏm của lũ học trò, đang vui vẻ, cặp lông mày của thầy Hiếu bỗng nhăn tít khi ánh mắt bất ngờ chạm phải hình vẽ và những câu thơ trên bảng.
– Em nào? – Giọng thầy thoắt đanh lại – Em nào là tác giả của trò lếu láo này?
Hệt như bầu trời trước cơn giông, không khí trong lớp thoáng mắt đã căng như một sợi dây đàn. Không một tiếng đáp, kẻ thính tai như thể nghe rõ tiếng ruồi bay. Thính tai hơn chút nữa có thể nghe được cả tiếng mấy chục cái trống ngực đang đập rộn.
– Em nào?
Thầy Hiếu lại gằn giọng, ánh mắt thầy quét dọc các dãy bàn đầy giận dữ.
Chạm phải ánh mắt của thầy, tác giả của hình vẽ bôi bác kia vội cúi đầu xuống, bụng tự nguyền rủa tơi bời: Mình ngu ơi là ngu! Khi nãy nhân lúc thầy nói chuyện với thằng Tần, nếu mình vờ chạy lên lau bảng thì có phải mọi chuyện đã êm xuôi rồi không! Nhưng khổ nỗi, khi thủ phạm nghĩ ra được điều đó thì đã quá muộn.
Thầy Hiếu lúc này đã giận lắm. Thầy quay sang lớp trưởng Xuyến Chi:
– Xuyến Chi! Em có biết bạn nào là thủ phạm của chuyện này không?
Nhỏ Xuyến Chi liếm cặp môi khô rang:
– Thưa thầy, không ạ! Khi nãy Hạnh, Minh Vương và em đều có hỏi nhưng không bạn nào chịu nhận!
Thầy Hiếu đảo mắt nhìn quanh một lần nữa rồi lắc đầu trở về chiếc bàn kế cửa sổ, lặng lẽ ngồi xuống.
Thấy vậy, nhiều cái miệng nhè nhẹ thở ra, nghĩ rằng thầy quá chán nản nên chẳng buồn tra cứu “vụ án” này nữa.
Nhưng tất cả đã quá vội mừng. Thầy thừ người ra một lúc ngồi nhỏm người lên, quắc mắt:
– Cả lớp đứng hết dậy!
Cả lớp lập tức răm rắp đứng lên. Những cặp chân rục rịch, những đôi mắt nhìn nhau lo lắng.
Thầy Hiếu nhìn xoáy vào từng gương mặt, giọng chậm rãi nhưng rõ ràng, kiên quyết:
– Nếu không em nào chịu nhận, cả lớp sẽ đứng đến hết giờ toán hôm nay!
Thầy vừa nói xong, cả chục cái miệng thở dài thườn thượt. Nhưng vẫn không cái miệng nào lên tiếng nhận lỗi.
Xuyến Chi, nhỏ Hạnh, Minh Vương và lớp phó lao động và văn thể mỹ Vành Khuyên, những đứa trong ban cán sự lớp mặt mày tiu nghỉu như mèo bị cắt tai.
Nhỏ Hạnh quay sang Tiểu Long, giọng ấm ức:
– Thật tức chết đi được!
Tiểu Long nhún vai:
– Thủ phạm chắc chắn là một trong mấy đứa Hạnh hỏi vừa rồi chứ không ai!
Nhỏ Hạnh lẩm bẩm:
– Dám làm mà không dám chịu, để cả lớp bị phạt oan, thật là tồi tệ!
Thầy Hiếu có vẻ không buồn để ý đến những tiếng xì xào vẳng lên từ các dãy bàn. Sau khi “tuyên án”, thầy cầm lên viên phấn bước lại trước bảng, chuẩn bị cho học trò chép bài học mới.
Nhưng dường như chưa hết buồn bực, vừa đưa tay lên thầy lại hạ ngay xuống và quay mình lại, nói bằng giọng phiền muộn:
– Để các bạn bị phạt vì mình, em nào đã vẽ và viết những câu thơ kia hãy nghĩ lại xem hành động của mình có đẹp hay không!
Thầy Hiếu nói y hệt những lời nhỏ Hạnh vừa làu bàu với Tiểu Long. Tiểu Long liền huých vào tay bạn:
– Tư tưởng lớn gặp nhau, thích nhé!
Tiểu Long bảo “thích nhé” nhưng nhỏ Hạnh chả “thích” tí ti nào cả. Lòng nó lúc này đang nặng như chì. Nghe bạn trêu, nó không “thích” cũng không cười, chỉ hậm hực:
– Hạnh mà biết được đứa nào…
Nhỏ Hạnh chưa nói dứt câu thì Quý ròm đột ngột giơ tay. Không biết có phải vì chơi thân với nhỏ Hạnh hay không mà cô bạn gái vừa đòi biết thì Quý ròm đã cho nó biết liền. Trước ánh mắt tò mò của mọi người, Quý ròm rụt rè mở miệng:
– Thưa thầy…
– Gì đó em?
Thấy đứa học trò cưng của mình lên tiếng, thầy Hiếu ngạc nhiên dịu giọng hỏi.
Quý ròm ấp úng:
– Thưa thầy, chính em đã… vẽ và viết những câu thơ kia ạ!
Thầy Hiếu chưng hửng:
– Em nói sao?
Thú nhận của Quý ròm quả làm thầy sửng sốt đến đờ người. Thầy không thể tin được người học trò giỏi giang được mọi người xưng tụng là “thần đồng toán” của thầy lại là thủ phạm của trò lếu láo kia. Hơn nữa, thằng Quý ròm của thầy xưa nay vẫn là đứa tâm địa hiền lương, thỉnh thoảng cũng nghịch ngợm quậy phá nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nỡ cười cợt trên nỗi đau khổ của người khác. Vậy mà cái đứa tử tế đó hôm nay lại làm một chuyện động trời như vậy bảo thầy không bàng hoàng sao được!
Mà không chỉ riêng thầy ngỡ ngàng. Lũ bạn trong lớp nhiều đứa cũng há hốc miệng trước lời nhận tội của Quý ròm.
Tiểu Long thu nắm tay quẹt qua quẹt lại muốn rớt cả mũi, nhăn nhó nói:
– Cái thằng ròm này bữa nay nó làm sao vậy hả?
– Long đừng có phát hoảng lên như thế! – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính lên sống mũi, giọng điềm tĩnh – Chắc chắn thủ phạm vụ này không phải là Quý!
Tiểu Long ngơ ngác:
– Nếu không phải nó làm, việc quái gì nó phải nhận vơ vào mình như thế?
Nhỏ Hạnh nhún vai:
– Điều đó đợi đến giờ ra chơi mình sẽ hỏi Quý! Biết đâu Quý chẳng muốn chơi trò “Lê Lai cứu chúa”!
– Ý Hạnh nói là Quý làm như vậy là để cả lớp khỏi bị phạt hay sao?
Lần này thì nhỏ Hạnh không đáp, chỉ khẽ gật đầu.
Cái gật đầu của cô bạn chả làm Tiểu Long thoả mãn chút xíu nào. Nó hừ mũi cau có:
– Ngốc ơi là ngốc! Làm vậy có khác nào cứu cho tên thủ phạm hèn nhát kia “một bàn thua trông thấy”!
Thấy Tiểu Long sốt ruột cằn nhằn, nhỏ Hạnh định lên tiếng trấn an bạn nhưng vừa hé môi nó đã vội ngậm ngay lại.
Thầy Hiếu sau một phút kinh ngạc, lại trầm giọng giục, có vẻ như thầy vẫn chưa tin vào lời thú nhận của Quý ròm:
– Sao, em trả lời đi chứ! Có phải đúng là em đã làm những chuyện này không?
– Dạ, đúng ạ! – Quý ròm liếm môi, lí nhí đáp.
Lần này, lời khẳng định rõ ràng của đứa học trò cưng khiến thầy tin rằng mình không nghe nhầm. Từ ngỡ ngàng, thầy chuyển qua hoang mang, và cuối cùng là giận dữ.
– Sao em lại làm thế? – Giọng thầy rít lên – Em có biết đó là những chuyện người tử tế không bao giờ làm không?
– Dạ, biết ạ! – Quý ròm vừa đáp vừa cúi đầu tránh ánh mắt phẫn nộ của thầy.
– Biết sao em còn làm? – Giọng thầy Hiếu mỗi lúc một nghiêm khắc.
– Thưa thầy, lúc đầu em tưởng đó chỉ là… đùa chơi ạ…
Nói chưa dứt câu, nghe thầy hừ một tiếng cáu kỉnh, Quý ròm hoảng vía liền vội vã nói thêm:
– Thưa thầy, từ nay em không dám nữa ạ!
Định mắng thêm vài câu nặng nề, nhưng nghe đứa học trò nhận lỗi với giọng thành khẩn, ăn năn, thầy Hiếu không buồn quát tháo nữa.
– Thôi được! – Thầy thở dài, vẻ mệt mỏi – Em đứng đó cho đến giờ ra chơi, còn các em khác ngồi xuống!
Lệnh ân xá vừa được ban ra, cả lớp thở đánh phào. Đứa nào đứa nấy vội vã ngồi xuống, mặc dù trên gương mặt của đa số nỗi thảng thốt về những gì vừa xảy ra vẫn còn chưa tan biến.
Dĩ nhiên Quý ròm vẫn đứng nguyên tại chỗ, vẻ cam chịu. Nhưng như vậy vẫn chưa yên thân. Thầy Hiếu nhìn thẳng vào mặt nó, nghiêm giọng tiếp:
– Em xin lỗi bạn Tần đi!
Quý ròm quay đầu xuống chỗ Tần ngồi, cố tránh ánh mắt của Tiểu Long và nhỏ Hạnh, giọng líu ríu:
– Tần cho mình… xin lỗi…
Thầy Hiếu có vẻ hài lòng về sự mau mắn của Quý ròm. Thái độ phục thiện của đứa học trò dại dột khiến thầy cảm thấy được an ủi rất nhiều.
Thầy mỉm cười, hai tay xoa vào nhau, đang định quay lên bắt đầu bài học thì Tần thình lình đứng dậy:
– Thưa thầy, bạn Quý chẳng có lỗi gì trong chuyện này ạ!
Câu nói của Tần khiến cả lớp sửng sốt. Ở trên bảng, thầy Hiếu ngớ người ra:
– Em nói gì lạ thế?
Tần nuốt nước bọt, tay mân mê vành mũ:
– Thưa thầy, em nghĩ hình vẽ và những câu thơ trên bảng không phải do bạn Quý!
Thầy Hiếu càng ngẩn ngơ:
– Không phải bạn Quý? Thế thì ai?
– Thưa thầy, em… không rõ ạ!
Tần đáp bằng giọng bối rối. Tần không rõ thật. Nhưng tự trong thâm tâm nó không tin Quý ròm là thủ phạm. Quý ròm chơi thân với Tiểu Long và nhỏ Hạnh. Hôm qua, khi Tiểu Long và nhỏ Hạnh tình nguyện xuống ngồi chung với nó, chính Quý ròm nằng nặc đòi đi theo, bất chấp những đứa khác đang tìm cách xa lánh bệnh ghẻ của nó. Cũng hôm qua, trong giờ ra chơi, Quý ròm đã thản nhiên cầm lấy ly nước chanh nó đưa mà không hề uý kị. Quý ròm không sợ vi trùng ghẻ. Quý ròm chỉ sợ nó buồn. Một đứa như vậy không thể nào là tác giả của hình vẽ và những câu trêu ghẹo đầy ác ý kia!
Nhưng thầy Hiếu lại không đọc được những suy nghĩ trong đầu Tần. Thầy không bằng lòng với cách trả lời vu vơ của nó. Thầy nhíu mày:
– Nếu bạn Quý không phải là thủ phạm tại sao bạn ấy lại nhận tội?
Câu hỏi vặn của thầy làm Tần cứng họng. Nãy giờ nó cũng đang ngơ ngác không biết tại sao Quý ròm lại hành động như vậy. Nó tự hỏi, nó còn không giải thích được. Thầy Hiếu hỏi, đương nhiên nó phải ngậm tăm.
Tần im lặng khiến lớp học im lặng theo. Thắc mắc của thầy cũng là thắc mắc chung của cả lớp, do đó đứa nào đứa nấy cố vểnh tai chờ thằng Tần trả lời.
Nhưng Tần vẫn đứng trơ như phỗng.