Kính vạn hoa - Tập 11 - Theo dấu Chim Ưng

Chương 3Tập 11 - Theo Dấu Chim Ưng -


Đọc truyện Kính vạn hoa – Tập 11 – Theo dấu Chim Ưng – Chương 3: Tập 11 – Theo Dấu Chim Ưng –

Chương 5
Lẩn quẩn trước cổng trường Họa Mi gần cả tiếng đồng hồ, Mạnh đã bắt đầu sốt ruột. Cứ chốc chốc nó lại rảo ngang qua quán chè trước cổng, bồn chồn liếc mắt vào chiếc đồng hồ treo sát vách tường phía trong.
  Kim đồng hồ nhích từng bước chậm chạp khiến Mạnh phát chán. Thậm chí có lúc Mạnh tưởng những cây kim đã ngủ gục trên mặt số. Mạnh thấy chúng cứ đứng yên hoài hoài.
Ðã vậy, mỗi khi Mạnh lượn qua trước cửa và thập thò đưa mắt nhìn vào, bà chủ quán lại đon đả:
  – Ăn chè hả cháu? Nào, chè đậu đen, đậu đỏ bánh lọt, chè chuối chè đậu xanh, cháu ăn thứ nào?
  Những lúc như vậy Mạnh phải lắc đầu quầy quậy và đỏ mặt vội vã bước đi.
  Trưa nay, Mạnh một mình mò tới đây đâu phải để ăn chè. Mạnh chỉ muốn theo dõi tụi thằng Tùng. Mạnh muốn khám phá bí mật của những tấm hình chim ưng trên cặp sách của bọn nhóc. Những tấm hình kia thực ra cũng chẳng có gì là kỳ quái nhưng thái độ của tụi thằng Tùng làm Mạnh xiết bao ngờ vực. Khi dò hỏi về tấm hình chim ưng, Mạnh như đọc thấy nỗi lo lắng thấp thoáng trong mắt Tùng và Ðạt. Tụi nó lại có vẻ không muốn mình dán tấm hình chim ưng lên cặp sách. Tại sao thế nhỉ? Chẳng lẽ tụi nó có điều gì khó nói?
  Hôm qua, Mạnh đã thố lộ những nghi ngờ của mình với Quý ròm. Nhưng ông anh của nó không chia sẻ thì chớ, lại còn chế giễu nó tối tăm mày mặt làm nó tức điên. Chính vì vậy mà hôm nay nó phải “đơn thương độc mã” quyết đi điều tra cho bằng được. Nó phải chứng minh cho Quý ròm thấy cái đầu của nó cũng “bình thường” như mọi người thôi.
  Tiếng trống tan trường đổ một hồi dài làm Mạnh giật thót. Nó lập tức đứng lùi vào sau dãy hàng quán bên đường, thấp thỏm dán mắt về phía cổng trường.
  Mạnh ngóc cổ đợi một lúc thì cánh cổng sắt có chấn song xịch mở. Và từ bên trong bọn học trò lũ lượt chen chúc tuôn ra. Bọn học trò quỉ quái này khi chưa ra khỏi sân trường còn vờ giữ ngay hàng thẳng lối dưới cặp mắt giám sát của thầy cô, nhưng lúc tiến gần đến cổng liền túa ra chạy băng lên và hò hét xô đẩy nhau loạn xạ. Dù chẳng biết làm gì, đứa nào cũng cố tìm cách thoát ra bên ngoài nhanh hơn đứa bên cạnh, tiếng hò hét cãi cọ vang cả một góc đường. Thậm chí nhiều đứa còn vung cặp nện nhau túi bụi khiến đám con gái nhút nhát cứ rúm người lại và thét lên the thé.
 Mạnh nhanh chóng nhận ra nhỏ Diệp trong đám con gái đang luống cuống dạt ca vào một bên cổng kia. Nó vội ngồi thụp xuống và vờ gãi đầu để giấu mặt sau cánh tay.
Nhưng sự cẩn thận của Mạnh hoàn toàn thừa thãi. Nhỏ Diệp ra về chung với một đám bạn, vừa đi vừa mải mê tán gẫu, chẳng để ý gì đến chung quanh.
 Mạnh thở phào một hơi và lại đánh mắt vê phía cổng trường. Lần này, vừa quay đầu nhìn, môi nó lập tức mím lại. Một nhóm năm đứa gồm Tùng, Nghị, Ðạt và hai đứa Mạnh không biết mặt đang từ bên trong ôm cặp lững thững tiến ra. Lớp thằng Tùng về trễ nên tụi nó đi đứng có vẻ ung dung, không chen lấn tranh giành như đám học trò vừa rồi.
  Và cũng như tụi nhỏ Diệp khi nãy, thằng Tùng và đám bạn thản nhiên đi lướt qua chỗ Mạnh nấp, chẳng buồn trông ngang liếc dọc.
Sau khi ngồi nán thêm một lúc, Mạnh lò dò bước ra khỏi hàng hiên. Nhưng chưa kịp co giò đuổi theo tụi thằng Tùng, Mạnh đã hoảng hốt thụt ngay vào, ba của Quý ròm vừa chạy ngang qua trước mặt nó. Hú vía, cậu Hai dạy ở trường này mà mình quên khuấy đi mất! – Mạnh áp tay lên ngực – May mà cậu không trông thấy! Nếu cậu nhìn thấy mình bảo mình leo lên xe cho cậu chở về, kế hoạch của mình bữa nay xem như hỏng bét bè be!
Mạnh đành phải chờ thêm một lúc, và lần này trước khi thò đầu ra, nó thận trọng chu dáo dác nhìn quanh, bụng nơm nớp sợ một người quen nào đó bất chợt nhận ra nó.
 Tụi thằng Tùng mải chuyện nên đi không nhanh. Mạnh khua chân vài lượt đã đuổi tới nơi. Dĩ nhiên Mạnh không dám đến gần. Nó đi xa xa, mắt dán chặt vào những chiếc cặp trên tay bọn nhóc.
  Láo liên dòm đó một hồi, Mạnh thở dài thất vọng. Trái với sự dự đoán của nó, chỉ có những chiếc cặp của Tùng, Nghị, Ðạt dán hình chim ưng, giống như nó đã từng nhìn thấy ở nhà nhỏ Hạnh. Chiếc cặp trên tay hai đứa còn lại đều trống trơn, không có một tấm hình nào. Chẳng lẽ mình đoán sai? – Mạnh nhíu mày lẩm bẩm – Chẳng lẽ việc dán những tấm hình chim ưng lên cặp sách chỉ là một trò chơi tùy hứng của ba đứa Tùng, Ðạt, Nghị? Chẳng lẽ đó không phải là dấu hiệu của một băng đảng nhóm nào?
Ðang loay hoay nghĩ ngợi, Mạnh chợt khựng lại.
Trước mặt nó, hai thằng nhãi to con cỡ Tiểu Long, mặt mày bặm trợn, thình lình hiện ra ở góc đường và lững thửng đứng chắn ngang lối đi của tụi thằng Tùng.
  Một đứa đầu đinh, một đứa mặt rổ hoa, cả hai tướng mạo đều dữ dằn phát khiếp. Hai đứa vừa xuất hiện, chưa nói một tiếng nào, năm ông nhóc trường Họa Mi đã hồn vía lên mây, vội vã đứng túm cả vào một chỗ.
Thằng đầu đinh bước tới một bước, cười hềnh hệch:
  – Nào! Ðứa nào muốn yên ổn về nhà với mẹ nào?
  Bọn nhóc im thít, không đứa nào hé môi.
Thằng đầu đinh lướt mắt trên những khuôn mặt lấm lét của tụi thằng Tùng, hừ mũi:
 – Tụi mày câm hết cả rồi hay sao thế?
Bộ tịch hung hãn của đối phương khiến mặt mày bọn nhóc càng thêm nháo nhác. Nhưng vẫn không đứa nào lên tiếng, chỉ có những cẳng chân bồn chồn ngọ nguạy.
Thằng mặt rỗ bây giờ mới hắng giọng:
  – Nếu sợ ríu hết cả lưỡi rồi thì thôi! Bây giờ từng đứa một tiến lên, nộp tiền “mãi lộ” rồi xéo!
Mạnh nấp sau cột đèn dòm ra, trống ngực đập thình thịch. Nó không ngờ ở một thành phố lớn như vậy, bọn trấn lột học trò vẫn ngang nhiên hoành hành giữa thanh thiên bạch nhật. Và càng quan sát, Mạnh càng đâm lo. Kiểu này thì thằng Tùng và lũ bạn nó chết tới nơi mất. Ðã mấy lần Mạnh chờn vờn tính nhào ra nhưng trông thấy tướng tá của hai tên trấn lột, nó bỗng đâm rợn. Hai thằng to đùng như hai ông hộ pháp, trong khi nó chẳng nhìn hơn tụi thằng Tùng bao nhiêu, nếu xông ra cũng chẳng làm được trò trống gì, chỉ tổ đưa lưng cho đối thủ nện.
Mạnh cũng nghĩ đến chuyện chạy về nhà phi báo cho Quý ròm để Quý ròm kêu Tiểu Long đi cứu viện. Nhưng ý nghĩ đó thoắt hiện ra đã biến ngay. Bây giờ chạy về nhà triệu được Tiểu Long ra tới nơi thì đối thủ đã bỏ đi từ đời tám hoánh.
Nghĩ tới nghĩ lui chẳng được kế nào, Mạnh nhấp nhổm như ngồi phải tổ kiến, bụng không ngớt kêu khổ thầm.
 – Ê, thằng oắt kia! Lại đây!
Thằng đầu đinh thình lình chỉ tay vào một trong hai đứa bạn của Tùng, Nghị, Ðạt, khô giọng ra lệnh.
 Thằng nhóc bị “chiếu tướng” mặt mày xám ngoét. Nó ôm cứng chiếc cặp trước bụng và cố dán vào tụi bạn như để tìm sự che chở.
 Thấy “con mồi” không chịu vâng lời, cặp lông mày thằng đầu đinh nhăn tít. Nó gầm lên:
  – Mày có lại không thì bảo!
  – Tiếng gầm của đối phương làm thằng nhóc mất vía.
– Dạ, dạ, để em lại…
  Vừa lắp bắp nó vừa lê chân bước tới, cặp mắt sợ sệt đảo lia lịa.
  – Lẹ lên! – Thằng đầu đinh tiếp tục gầm gừ – Tụi ông mà nổi dóa lên là khốn cho mày đấy!
  So với đồng bọn, thằng mặt rỗ có vẻ “thực tế” hơn. Nó chả buồn hù dọa. Mà hăm hở chìa tay ra:
 – Ðưa đây?
 Thằng nhóc ngơ ngác:
  – Ðưa gì ạ?
– Còn hỏi nữa! – Thằng mặt rỗ nheo mắt – Có bao nhiêu tiền moi hết ra đây!
  Thằng nhóc nuốt nướt bọt:
 – Em làm gì có tiền!
  – Ðừng dóc! Sáng nào mà tụi mày chả được ba mẹ giúi cho vài tờ vào túi!
  – Nhưng em đã mua sạch hết rồi! – Rồi sợ đối phương không tin, thằng nhóc sốt sắng tường thuật – Hồi sáng mẹ em cho em hai ngàn, em mua một ngàn bánh mì, còn lại một ngàn, rồi lúc ra chơi em mua một bịch xi-rô hết năm trăm, còn năm trăm em vô căng-tin…

– Mày vô căng-tin hay vô đâu tao không cần biết! – Thấy nạn nhân kể dông dài, thằng đầu đinh sốt ruột cắt ngang – Tóm lại, không có tiền nộp thì nộp thứ khác! Nào lại đây cho tao xem mày có gì nào!
 Thằng nhóc chưa kịp phản ứng, thằng đầu đinh đã chồm tới nắm vai nó kéo mạnh. Cú kéo thô bạo làm thằng nhóc chúi nhủi tới trước, suýt chút nữa đổ lăn kềnh ra đất.
  Trong nháy mắt, chiếc cặp từ tay nạn nhân đã sang tay của bọn trấn lột. Tay chân của bọn này nhanh như máy, thoáng một cái hai sợi dây khóa đã bị kéo bung. Cả hai châu đầu dòm.
Thằng mặt rỗ thò tay lôi ra một chồng tập. Nó cầm từng cuốn tập giũ mạnh, miệng nhăn nhó hỏi:
 – Có “ém” tờ bạc nào trong này không mày?
  Nạn nhân lắc đầu, mắt đau khổ nhìn đối phương đang “hành hạ” từng cuốn tập của mình.
  Nhưng thằng mặt rỗ không dừng lại ở đó. Rảy một hồi không thấy tờ bạc nào rơi ra, nó cáu tiết vứt “xoạch” chồng tập xuống mặt đường, làu bàu:
 – Toàn là đồ vô tích sự!
Thằng nhóc tính kêu lên nhưng nỗi sợ hãi đã làm quai hàm nó cứng đơ. Nó chỉ biết ứa nước mắt ngồi xuống lui cui nhặt nhạnh mớ tập vương vãi.
  Khi nó ôm chồng tập đứng lên, chiếc cặp từ tay thằng đầu đinh xoẹt thẳng vào ngực nó kèm theo tiếng quát:
– Xéo! Lần sau nếu không có đồng nào trong túi thì đừng để bọn tao thấy mặt nữa! Nhớ đấy!
Rồi thấy nạn nhân cứ đứng tại chỗ loay hoay phủi phủi, đập đập từng cuốn tập trước khi nhét vào cặp, thằng đầu đinh ngứa mắt bước tới đá vào mông thằng nhóc một phát:
  – Còn không chịu biến đi hả?
  Bất ngờ lãnh một cú đá đau điếng, thằng nhóc giật nảy người kêu “oái” một tiếng và một tay xách cặp một tay ôm tập nó ba chân bốn cẳng chạy tuốt ra xa.
 Bộ tịch cuống cuồng của thằng nhóc khiến thằng mặt rỗ đứng cạnh nhe răng cười khoái trá.
  Ðang cười bỗng nhiên nó im bật và bất thần quay phắt lại phía sau lừ mắt ngắm nghía những nạn nhân còn lại. Chạm phải tia nhìn đe dọa của đối phương, bốn ông nhóc bất giác thót bụng lại và không hẹn mà cùng thối lui một bước.
 Nấp đằng xa, Mạnh cũng đâm hồi hộp lây. Không khí khẩn trương trước mắt khiến nó muốn ngừng thở. Phen này chắc tới lượt thằng Tùng! Mạnh thắc thỏm nghĩ và bụng bỗng lo ngay ngáy.
 Nhưng dường như để tăng thêm sự hồi hộp cho Mạnh, thằng mặt rỗ vẫn chưa chịu rớ tới bọn Tùng, Nghị, Ðạt. Nó ngoắt thằng nhóc đứng cạnh”
 – Mày lại đây!
 Nhớ đến tấm gương của bạn mình khi nãy, thằng nhóc không dám chần chờ. Nó riu ríu bước lại.
Ðợi thằng nhóc đến gầ, thằng mặt rồ mỉm cười thân thiện:
  – Mày tên gì vậy?
Sự thay đổi thái độ của tên trấn lột làm thằng nhóc thoáng ngạc nhiên. Nhưng nó vẫn lễ phép đáp:
  – Em tên Khánh!
  – À, thì ra mày là thằng Khánh đấy! Tên mày hay ghê nhỉ!
  Thằng mặt rỗ gật gù và trong lúc thằng Khánh chưa hết sửng sốt, nó vỗ vỗ tay lên vai thằng nhóc:
– Khánh này!
 – Dạ.
  – Chắc là trong túi mày không có tiền phải không?
 Câu hỏi của đối phương làm Khánh chột dạ. Nó ấp úng:
  – Dạ không ạ! Hồi sáng thì em có tiền nhưng…
 – Mày khỏi kể! – Thằng mặt rỗ đưa tay chặn ngang – Tất nhiên tao biết tiền hồi sáng mày đã mua bánh mì và uống xi-rô hết sạch cả rồi! Vì vậy tao chả buồn xét cặp của mày làm gì nữa!
Khánh ngước nhìn đối phương, giọng nhen nhóm hy vọng:
  – Thế tụi anh cho em đi chứ ạ?
  – Hẳn nhiên rồi! – Thằng mặt rỗ dễ dãi – Tụi tao đâu phải là cô giáo giữ trẻ mà bám rịt lấy mày!
  Nghe vậy, Khánh mừng rơn. Khánh nó vừa xốc cặp dợm chân định bước thì thằng mặt rỗ đã thò tay níu vai nó lại:
  – Hừm, gượm đã! Tao đã nói hết đâu!
 – Còn gì nữa ạ?
Khánh lúng búng hỏi, mơ hồ cảm thấy tai họa chưa rời bỏ mình.
  Thằng mặt rỗ vẫn tiếp tục kiểu nói lấp lửng:
 – Hẳn nhiên là tụi tao sẽ để cho mày đi. Bao giờ tao nói tao cũng giữ lời! Mày sẽ được ra về mà không phải tốn một đồng xu nào!
 Khánh lại khấp khởi:
– Thế em đi được chưa ạ?
 – Tất nhiên là được! Nhưng thế này này! – Thằng mặt rỗ chém tay vào không khí, mắt nó đột ngột long lên và vẻ ỡm ờ biến mất – Mày không phải nộp tiền nhưng phải để chiếc đồng hồ trên tay mày lại!
  Ðề nghị “cụ thể” của đối phương khiến mặt Khánh lập tức xám xịt. Nó giấu phắt cánh tay đeo đồng hồ ra sau lưng, miệng bài hãi:
  – Không được! Không được! Chiếc đồng hồ này mẹ em mới mua cho em!
  – Không được cũng phải được! – Giọng thằng mặt rỗ đanh lại – Nếu không để chiếc đồng hồ đó lại, kiếp này mày đừng mong trở về nhà ở với mẹ!
 Tai ù như xay lúa, Khánh chẳng buồn để ý đến giọng điệu bỡn cợt của đối phương, nó cứ lắc đầu quầy quậy:
  – Không! Không!

  Vừa mếu máo Khánh vừa bước thụt lùi ra sau.
  Thằng đầu đinh quen “dụng võ” hơn “dụng văn”. Cái lối đôi co nhì nhằng giữa thằng mặt rỗ và thằng KHánh làm nó lộn ruột. Nhảy phóc một phát, nó đã ở sau lưng thằng Khánh. Và thêm một cái vung tay, chiếc đồng hồ của Khánh đã ở trong tay nó như có phép lạ. Khánh quay phắt lại, nước mắt chảy quanh:
– Trả cho em! Trả cho em!
 Thằng đầu đinh đong đưa chiếc đồng hồ trước mặt, cười hề hề:
  – Ai lại trả một thứ của quý như thế này! Tụi tao đâu có khùng!
Chiếc đồng hồ của Khánh là chiếc đồng hồ chạy pin loại dành cho trẻ em, vỏ bọc và dây đeo đều bằng nhựa. Tuy vậy, đó là chiếc đồng hồ cực tốt. Từ khi có nó, Khánh chưa một lần đến lớp trễ. Thế mà bây giờ người bạn thân thiết và hữu ích đó đã bị cướp đoạt thẳng tay, bảo Khánh không ấm ức sao được!
 – Trả cho em! Trả cho em đi! – Khánh vẫn ra rả.
  – Câm mồm và cuốn xéo! – Tiếng nức nở dai dẳng của nạn nhân làm thằng đầu đinh nổi quạu – Mày mà còn lăng nhăng khiến tao ngứa tai là mày sẽ ra bã ngay đấy!
Khánh lập tức im bặt. Tiếng quát và vẻ mặt hung hăng của thằng đầu đinh làm bụng nó giật thon thót. Nhưng rồi nhớ đến chiếc đồng hồ, nó lại thút thít. Dĩ nhiên lần này vừa thút thít Khánh vừa nhanh chân lủi tuốt ra xa, đứng nhập bọn với thằng bạn bị đá đít khi nãy.
  Từ đầu đến giờ, mắt Mạnh mở căng, không bỏ sót một chi tiết nhỏ. Sự hiếp đáp và cướp đoạt thô bạo của hai tên trấn lột đối với bọn học trò cấp một khiến Mạnh tức anh ách. Nhưng thân cô sức yếu, nó chỉ biết ngồi im cắn môi theo dõi.
  Ðến khi trên “hiện trường” chỉ còn lại Tùng, Nghị, Ðạt đứng phơi mình trước ánh mắt hau háu của bọn du côn thì ngực Mạnh bỗng nặng chình chịch. Hỏng bét rồi. Bây giờ tới lượt bọn oắt này! – Mạnh than thầm, rồi nó nghiến răng nhủ – Nếu thằng Tùng em chị Hạnh bị thằng mặt rỗ và thằng đầu đinh hành hạ thì dù đánh không lại bọn chúng mình cũng phải xông ra! Dứt khoát phải xông ra! Ý nghĩ đó khiến mạch máu trong người Mạnh căng lên và nó thu nắm tay lại, phấp phỏng chờ đợi.
 Nhưng diễn biến trước mắt lại chẳng có vẻ gì giống như Mạnh nghĩ. Nó kinh ngạc đến há hốc miệng khi thằng đầu đinh khoát tay bảo tụi thằng Tùng:
  – Tụi mày đi đi!
  Trước sự sững sờ của Mạnh, tụi thằng Tùng từng đứa một ôm cặp líu ríu bước ngang qua mặt hai tên trấn lột, thoáng mắt đã tới chỗ hai đứa bạn đang đứng đợi.
  Hai đứa này cũng chẳng buồn thắc mắc tại sao tụi bạn mình được hai tên hung thần kia “tha mạng” dễ dàng như thế. Tùng, Nghị, Ðạt vừa đến nơi là hai đứa quay mình bỏ đi liền.
Mạnh vẫn đứng tựa vai vào cột đèn, băn khoăn nhìn theo năm thằng nhóc đang mỗi lúc một xa dần và sắp sửa mất hút ở cuối đường. Lúc này, thằng mặt rỗ và thằng đầu đinh cũng đã biến, Mạnh chả cần phải nấp lánh nữa. Nhưng không hiểu sao Mạnh không cất bước nổi. Những câu hỏi hiện ra trong đầu, không tìm thấy câu trả lời nên cứ bay lòng vòng và níu chặt lấy chân nó.
  Sao thế nhỉ? Sao hai tay anh chị đường phố đó lại buông tha cho tụi thằng Tùng? Chẳng lẽ… những con chim ưng đã “cứu mạng” cho tụi Tùng, Nghị, Ðạt. Mạnh nhớ lại: khi hai tên trấn lột bất ngờ xuất hiện, cả ba đứa đều đồng loạt xoay mặt cặp có dán hình chim ưng ra phía ngoài!
Chương 6
Mạnh hăm hở thuật lại tất cả những điều nó vừa chứng kiến cho Quý ròm nghe, rồi phấn khởi kết luận:
  – Như vậy em đã đoán đúng!
 Quý ròm nheo mắt:
  – Ðúng chuyện gì?
  – Thì chuyện những con chim ưng ấy! Dứt khoát có một bí mật gì đó chung quanh những con chim này!
– Bí mật chung quanh những con chim ư? – Quý ròm hỏi bằng giọng thật như đếm.
Mạnh so vai:
– Thì em đã nói rồi!
Quý ròm gật gù:
  – Thế thì tao biết.
– Biết gì cơ?
  – Thì biết những bí mật mày vừa nói đó.
 Mạnh tròn mắt:
  – Anh biết sao?
  Quý ròm thản nhiên:
  – Tao biết những con chim ưng không phải lúc nào cũng là những con chim ưng.
Câu nói bí hiểm của Quý ròm làm Mạnh đực mặt ra và nó cảm thấy điều ông anh nó sắp tiết lộ thật vô cùng trọng đại.
– Thế không phải chim ưng thì chúng là cai gì? – Mạnh hồi hộp hỏi.
– Ðó là bí mật thuộc lãnh vự quân sự? – Giọng Quý ròm thoắt nghiêm trọng.
Mạnh áp tay lên ngực:
  – Bí mật quân sự?
  – Ừ! – Quý ròm láu lỉnh liếc Mạnh rồi làm ra vẻ trịnh trọng nó chậm rãi giải thích – Ðó là tên một loại máy bay cường kich hạng nhẹ, một chỗ ngồi, một động cơ tua-bia phản lực kiểu A-4 của hải quân Mỹ. Khối lượng lớn nhất của loại máy bay chim ưng này là 12.437 nghìn kí-lô-gam, tốc độ cao nhất khoảng 1.086 nghìn kí-lô-mét/giờ, chúng có thể mang tối đa 3000 kí-lô-gam bom thường hoặc hạt nhân, tên lửa, rốc-két…
  Thoạt đầu nghe ông anh tuyên bố tiết lộ những “bí mật quân sự” chung quanh con chim ưng. Mạnh cố nín thở dỏng tai nghe. Nhưng nghe một hồi, Mạnh ngẩn tò te, chẳng hiểu ông anh của mình đang thao thao bất tuyệt những gì.
– Thôi, thôi! – Cuối cùng không nén được, Mạnh nhăn nhó cắt ngang – Anh nói lung tung làm em chẳng hiểu gì cả!
 – Mày không hiểu gì cơ? – Quý ròm vờ vịt.
  – Loại máy bay gì của anh ấy! – Mạnh vò đầu – Em đâu cần biết những chuyện đó! Em nói bí mật của những tấm hình chim ưng dán trên cặp tụi thằng Tùng kìa!
– À! – Quý ròm gục gặc đầu – Nếu vậy thì lại là chuyện khác! Theo tao thì chả có bí mật nào chung quanh những tấm hình này cả!
  Nói xong, Quý ròm toét miệng ra cười.

  Biết nãy giờ bị ông anh bợm, Mạnh đỏ mặt tía tai. Nó bứt tóc:
  – Em không thèm nói chuyên với anh nữa!
  – Mày không thèm nhưng tao thèm! – Quý ròm gãi gãi mũi – Nói chuyện với một đứa có máu “hình sự” như mày vui thí mồ!
 Cũng như lần trước, trêu xong một câu Quý ròm nhe răng cười hì hì làm Mạnh tức như bị bò đá.
Nhưng nó chưa kịp nghĩ ra câu nào “trả đủa” thì cửa phòng xịt mở. Tiểu Long thò đầu vào:
  – A, anh Tiểu Long!
  Mạnh hí hửng kêu, giọng mững rỡ như người chết đuối vớ được cọc.
  Kêu xong nó đưa tay ngoắt lia:
  – Anh vào đây em nói cái này cho nghe nè!
  Tiểu Long bước vào, tất nhiên chả cần thằng Mạnh ngoắt. Nó đứng giữa phòng, nhướn nhướn mắt:
 – Chuyện gì thế?
 – Chuyện này quan trọng lắm! – Mạnh chép miệng – Em nói với anh Quý nhưng anh không chịu tin em!
  Tiểu Long thong thả ngồi xuống ghế mỉm cười giục:
  – Nếu quan trọng thì mày kể tao nghe xem thử nào! Biết đâu anh Quý mày không tin nhưng tao lại tin!
  Lời nói của Tiểu Long như tiếp sức cho Mạnh. Nó hít vào một hơi rồi hùng hồn trình bày những nghi ngờ của mình chung quanh những tấm hình chim ưng trên cặp sách của tụi thằng Tùng.
Khác với Quý ròm, Tiểu Long có vẻ đăm chiêu trước những suy luận của Mạnh. Nó nhíu mày, tò mò hỏi lại:
  – Theo như mày nói thì thằng đầu đinh và thằng mặt rỗ không dám đụng đến tụi thằng Tùng là do bọn chúng nhìn thấy những tấm hình chim ưng tụi thằng Tùng dán trên cặp?
 – Ðúng vậy!
– Nhưng làm sao mày quả quyết được điều đó? – Giọng Tiểu Long băn khoăn – Nhỡ bọn chúng có một lý do nào khác thì sao?
 – Em chẳng thấy có một lý do nào khác! – Mạnh khăng khăng – Dứt khoát là bọn chúng không muốn dây vào “đảng Chim Ưng”!
– “Ðảng Chim Ưng”? – Tiểu Long thô lố mắt.
 Mạnh chưa kịp đáp thì Quý ròm đã bĩu môi:
  – Thôi đi mày ơi! Mày cứ tưởng tượng cho lắm vào! Làm quái gì có cái gọi là “đảng Chim Ưng”!
  Mạnh gân cổ:
  – Nếu không vậy thì tại sao bọn trấn lột lại tha cho tụi thằng Tùng?
 Quý ròm nhún vai:
 – Chuyện đó chẳng có gì khó hiểu! Sau khi “cuỗm” được một thứ đáng giá như chiếc đồng hồ thì chẳng ai lại thèm vơ vét thêm những thứ lặt vặt! Thế là tụi thằng Tùng thoát chứ có quái gì đâu!
 Giải thích của Quý ròm đơn giản nhưng hoàn toàn hợp lý. Chẳng tìm ra cách nào phản bác, mặt Mạnh nóng bừng:
  – Anh nói gì kệ anh, em vẫn tin vào sự phỏng đoán của em!
Quý ròm trợn mắt:
  – Á, à, cái thằng ngốc tử này! Cãi không lại người ta rồi đổ liều phải không?
– Chẳng phải là đổ liều! – Mạnh vẫn bướng bỉnh – Sự ngờ vực của em đâu phải bắt đầu từ trưa nay! Ngay từ lúc hỏi thăm thằng Tùng về tấm hình chim ưng, em đã thấy ngờ ngợ rồi!
  Thấy bầu không khí giữa hai anh em Quý ròm bắt đầu căng thẳng, Tiểu Long vội tìm cách xoa dịu:
  – Thôi, được rồi! Muốn kiểm tra chuyện này chẳng có gì khó!
  Rồi quay sang Mạnh, Tiểu Long gật gù dặn:
– Trưa mai, mày đợi tụi tao ở cổng trường Họa Mi! Tan học ra, tao và anh Quý mày sẽ chạy ngay đến đó!
Mạnh liếm môi:
– Cả chị Hạnh nữa chứ?
  Nãy giờ thấy thằng Tiểu Long lù khù tự dưng nổi hứng thay mình vạch mưu bày kế, Quý ròm đã bực. Giờ lại nghe thằng Mạnh hỏi han ấm ớ, Quý ròm càng thêm cáu. Nó xẳng giọng:
 – Chị Hạnh sao được mà chị Hạnh! Bộ mày quên thằng oắt Tùng là em chị Hạnh sao?
  – Em chị Hạnh thì sao? – Mạnh ngơ ngác.
– “Sao, sao” cái đầu mày! Nhỡ thằng Tùng ở trong cái “đảng Chim Ưng” gì đó thật thì mình đâu thể để chị Hạnh biết chuyện này! Chính tụi mình phải âm thầm điều tra thôi!
 Nói xong, sực nhận ra ý tứ trong câu nói của mình có vẻ đồng tình với Mạnh, Quý ròm lỏn lẻn quay mặt đi chỗ khác.
Nhưng Mạnh không bỏ lỡ cơ hội. Nó vỗ tay bôm bốp:
 – Thế là anh thừa nhận có “đảng Chim Ưng” rồi đấy nhé!
  – Tao chả “thừa nhận thiếu nhận” gì cả! – Quý ròm hừ mũi – Tao chỉ nói giả dụ thế thôi! Cứ đợi đến trưa mai khắc biết mày đúng hay tao đúng!
Trước giọng lưỡi thách thức của ông anh, Mạnh không nói gì. Nó hăm he nhủ bụng: Cãi lắm cũng chả có ích gì! Ðúng, cứ đợi đến trưa mai khắc biết!
Trưa hôm sau, Mạnh có mặt trước cổng trường Họa Mi lúc mười một giờ mười lăm. Rút kinh nghiệm ngày hôm qua, nó chẳng buồn vội vã. Trước giờ tan học mười lăm phút, Mạnh mới lò dò xuất hiện.
Và cũng như ngày hôm qua, nó cẩn thận giấu mình sau dãy hàng quán bên đường, chong mắt ngó ra.
Mạnh đợi một lát đã nghe tiếng trống trường vang lên. Rồi bọn học trò ùa ra, vần cánh chen lấn xô đẩy la hét inh trời như nó từng chứng kiến.
  Mạnh vừa dán mắt chỗ cổng trường canh chừng tụi thằng Tùng vừa phập phồng lia mắt về hai phía đầu đường xem Tiểu Long và Quý ròm đã tới chưa.
  Mãi đến khi tụi thằng Tùng vượt qua khỏi chỗ nấp của Mạnh một quãng khá xa, Tiểu Long và Quý ròm mới hộc tốc chạy tới quay đầu nhìn quanh quất.
– Em ở đâh này! – Mạnh nhào ra.
  Tiểu Long và Quý ròm vừa nhác thấy Mạnh, chưa kịp lên tiếng hỏi han đã bị ông em cầm tay lôi tuột đi:
 – Rượt theo mau!
Ba đứa chạy một hồi đã thấy tụi thằng Tùng lững thững trước mặt. Bên cạnh Tùng, Nghị, Ðạt vẫn là hai thằng nhóc Mạnh nhìn thấy hôm qua.
Quý ròm khều vai Mạnh:

  – Tụi mình leo lên lề!
Tiểu Long quẹt mũi hỏi:
 – Hôm qua tụi thằng Tùng bị trấn lột chỗ nào đâu?
  – Gần tới rồi! – Mạnh chỉ tay ra phía trước – Ở góc đường đằng kia kìa!
Vừa nói Mạnh vừa chậm bước lại. Tiểu Long và Quý ròm cũng bất giác giảm tốc độ theo.
 Năm ông nhóc trườg Họa Mi không hay biết mình đang bị theo dõi, vẫn thản nhiên rảo bước và không ngừng huyên thuyên tán gẫu.
Càng đến gần góc đường hôm nọ, Mạnh càng hồi hộp dán chặt mắt vào bọn nhóc. Và nó nhận ngay ra thằng Tùng cũng đang hồi hộp không kém gì mình. Tiếng trò chuyện rôm rả tự nhiên ngưng bặt, các ông nhóc rụt rè băng qua ngã tư và đảo mắt lấm lét nhìn quanh.
  Mạnh khẽ huých vào hông Tiểu Long, thì thào:
  – Tụi nó sắp xuất hiện rồi đấy!
Tiểu Long liếm môi:
– Thằng đầu đinh và thằng mặt rỗ ấy ư?
  – Ừ! – Mạnh rụt cổ – Tụi nó trông dữ dằn lắm! Lại hung ác nữa!
  Nghe Mạnh “quảng cáo” về hai tên trấn lột ghê quá, Tiểu Long đăm nôn nao. Nó mở căng mắt thấp thỏm chờ đợi.
  Nhưng Tiểu Long chỉ công cốc. Tụi thằng Tùng băng qua ngã tư một cách an toàn và cho đến khi bọn chúng đặt chân lên lề đường đối diện vẫn chẳng có gì xảy ra.
  Ðợi thêm một lát nữa, Tiểu Long ngạc nhiên quay sang Mạnh:
  – Sao thế hở mày?
  Mạnh gãi đầu:
 – Em cũng chẳng biết nữa! Hôm qua chính mắt em thấy thằng đầu đinh và thắng mặt rỗ chặn bọn nhóc ngay tại chỗ này mà!
  Quý ròm nheo mắt:
  – Hay là mày nhớ nhầm?
  – Nhầm thế nào được mà nhầm! – Mạnh gân cổ, rồi để chứng minh cho sự thành thực của mình, nó chỉ tay vô cột điện – Trưa hôm qua em nấp ngay đằng sau cột điện này nè!
  – Tối nằm ngủ mày vãn có thể mơ thấy mầy nấp đằng sau cột điện được vậy! – Quý ròm tiếp tục trêu chọc ông em.
Mặt Mạnh đỏ gay:
  – Em không nói chuyện với anh nữa đâu!
 – Anh Quý mày đùa đó thôi – Tiểu Long vội can thiệp – Sao, thế ngoài thằng đầu đinh và thằng mặt rỗ mày còn thấy ai lảng vảng quanh đây nữa không?
Câu hỏi bất thần của Tiểu Long làm Mạnh đực mặt ra:
– Không! Không có! Thực ra thì lúc đó em…. không để ý, nhưng có lẽ chỉ có hai tên đó thôi! Không hiểu sao hôm nay chẳng thấy bọn chúng xuất hiện!
  Câu cuối cùng, giọng Mạnh thoắt bối rối.
  – Hay là bọn chúng đã phát hiện ra tụi mình?
  – Không phải đâu! – Quý ròm lắc đầu, nó đã lấy lại vẻ nghiêm trang – Tông tích của tụi mình không thể nào lộ được!
  Tiểu Long ngó Quý ròm, mày cau lại:
  – Thế theo mày thì tại sao hôm nay bọn chúng không chịu ra mặt?
– Rất đơn giản! – Quý ròm so vai – Nếu quả thật có một bọn trấn lột đang hoạt động quanh khu vực trường Họa Mi thì chắc chắn trưa nay chúng đang bắt nạt một nhóm học sinh khác ở một ngã đường khác! Chúng chả dại gì tấn công những đứa vừa bị chúng “lột” sạch sẽ một ngày trước đó!
Nhận xét của Quý ròm hợp lý đến mức Tiểu Long sáng mắt “à” lên một tiếng, những thắc mắc trong lòng bay biến đâu mất. Nó nhìn bạn giọng nhẹ nhõm:
  – Thế có nghĩa là ngày mai bọn mình vẫn tiếp tục theo dõi?
– Tất nhiên.
Sực nghĩ đến một chuyện nan giải, Tiểu Long bỗng băn khoăn:
  – Nhưng làm sao tụi mình biết trưa mai bọn trấn lột sẽ xuất hiện ở góc đường nào?
  Quý ròm thản nhiên:
  – Dì nhiên là tụi mình không biết!
  Tiểu Long giương mắt ếch:
 – Không biết thì làm sao theo dõi?
  – Mình đâu có theo dõi thằng đầu đinh và thằng mặt rỗ làm chi! – Giọng Quý ròm vẫn tỉnh rụi – Mình cứ bám theo tụi thằng Tùng.
  Tới đây thì Tiểu Long hiểu ra. Nó gật gù.
– Nghĩa là mình chờ bọn trấn lột quay lại?
– Ðúng! Sớm muộn gì bọn chúng cũng sẽ quay lại!
Mạnh nãy giờ im lặng vểnh tai nghe, ruột nở từng khúc. Sự thay đổi thái độ của Quý ròm khiến nó sướng rơn. Và không nén được, nó ríu tay Quý ròm, hớn hở vọt miệng:
– Thế là cuối cùng anh cũng đã tin em rồi đấy nhé!
– Tin chuyện gì?
– Thì tin những chuyện em kể ấy!
Quý ròm hừ mũi:
– Tao chỉ tin lời mày một nửa thôi!
– Một nửa là sao? – Mạnh liếm môi.
Quý ròm vung tay:
– Là tao chỉ tin những gì mày kể về bọn trấn lột học trò thôi! Còn cái “đảng Chim Ưng” gì gì đó thì chỉ là một sự tưởng tượng hoàn toàn ngốc nghếch!
Bị ông anh chê ngốc, Mạnh ức lắm. Nhưng nó bấm bụng làm thinh. Dù sao Quý ròm và Tiểu Long cũng đã quyết định tiếp tục theo dõi tụi thằng Tùng. Ðợi khi thằng đầu đinh và thằng mặt rỗ xuất hiện và ra tay trấn lột bọn học trò, chỉ buông tha những đứa nào có xách cặp dán hình chim ưng, lúc ấy hai ông anh của mình sẽ tự khắt nhận ra những nghi ngờ của mình không phải là những câu nói viễn vông! Mạnh nghĩ vậy và không buồn cãi cọ. Cũng chẳng thanh minh. Nó âm thầm chờ đợi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.