Đọc truyện Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa – Chương 31: Vì Sao Không Tương Ưng Với Ðạo
“Chúng sanh sở dĩ không đắc được Ðạo chơn thật là vì có vọng tâm giả dối.
Khi đã có tâm giả dối thì sẽ kinh động tới thần.
Khi thần bị kinh động thì mình sẽ chấp trước vào vạn vật.
Khi chấp trước vào vạn vật thì mình sanh ra tham cầu.
Khi đã tham cầu thì sẽ sanh phiền não.
Phiền não vọng tưởng thì thân tâm khổ đau.
Do đó mình mới rớt vào chỗ ô trược, lưu lạc trong sanh tử, trầm luân nơi khổ hải và vĩnh viễn mất đi đạo chân thường.
Ðạo chân thường, kẻ ngộ tự mình chứng đắc.
Ðắc ngộ Ðạo rồi thì luôn thường thanh tịnh.”Vì sao bất luận mình dụng công thế nào cũng không _tương ưng với Ðạo được, cũng không thể tiến tới được.
Ðó là vì nguyên nhân nào vậy? Chỉ vì mình còn có tâm hư vọng, hư ngụy không chân thật.
Mình còn thích điều xa xôi vời vợi, cầu danh tham lợi.Ðó tức là những tâm hư vọng, có tâm hư vọng thì đối với tự tánh còn có sự giao động.
Ví như một thùng nước, khi không khuấy động thì bao nhiêu cát bùn sẽ tự nó lắng xuống dưới đáy, mặt nước sẽ trở nên thanh tịnh.
Nếu dùng một cây que mà quậy thì nước sẽ thành ô trược, cây que ấy ví như cái vọng tâm.
Từ đó mình không phân biệt được cái nào giả và cái nào là thiệt, không phân biệt được thiện ác.
Lúc ấy con mắt nhìn sự thật (Trạch pháp nhãn) sẽ không đủ mà trí huệ sẽ không hiện tiền.
Khi nước ô trược không thanh tịnh thì mình sẽ chấp trước vào vạn vật, tâm thần rối loạn, tìm không ra con đường giải thoát.
Vì sao vậy? Bởi vì mình chấp trước vào vạn vật thì sẽ sanh ra tâm tham cầu, cho vạn vật là chân thật.
Khi sanh ra tâm tham lam cầu cạnh thì tự mình sanh phiền não.
Mình tham cầu không được thì sanh phiền não, tham cầu mà được cũng sanh phiền não, bởi vì phiền não và vọng tưởng liên kết chặt chẽ với nhau.
Do đó mình bị chìm ngập trong dòng nước ngũ dục của cõi ngũ trược ác thế này và không thể khôi phục lại được tánh thanh tịnh.
Bởi thế cho nên sanh rồi lại chết, chết rồi lại sanh; sanh tử không ngừng và chẳng bao giờ chấm dứt.
Lúc sanh ra mà chẳng biết vì sao được sanh, do đó hồ đồ mê muội.
Khi chết đi, cũng không biết vì sao mà chết, lại cũng hồ đồ mê muội.
Không những lúc sanh bị mê muội mà cho đến lúc chết cũng mơ hồ mê muội.
Ngay như lúc sanh cũng là mê muội cả đời, không biết được chuyện gì cho rõ ràng.Vì thế luân hồi sanh tử đánh mất chân tâm, chân tâm đã đánh mất rồi thì mình lặn ngụp trong biển khổ, không ngoi lên, không bơi ra được.
Nếu hiểu được đạo lý này thì mình sẽ giác ngộ, không bị những cảnh giới hư vọng làm cho xoay chuyển, mà trí huệ lúc nào cũng hiện tiền.
Khi có trí huệ thì không còn điên đảo.Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: “Cuồng tâm đốn hiết, hiết tức bồ đề,” tâm điên cuồng hư ngụy chấm dứt thì sự chấm dứt ấy tức là giác ngộ.
Vì sao không tương ưng với Ðạo? Là bởi vì tâm điên cuồng hư ngụy chưa ngừng nghỉ.
Tâm điên cuồng này cũng chính là tâm không bằng lòng với hiện thực, cũng chính là tâm tham lam không đáy, cũng chính là lòng thương yêu ghen ghét.
Nếu dứt được cái tâm này thì đó là trí huệ, cũng chính là giác ngộ, cũng chính là bản thể của Phật tánh.
Song le con người ai cũng quên mất đạo lý này, do đó trở nên mê muội.
Trong cảnh giới mê muội lại cho rằng sung sướng, khoái lạc, vui vẻ lắm, rồi chẳng tìm cách thoát khỏi biển khổ sanh tử của Tam Giới..