Đọc truyện Giếng Thở Than – Chương 6: Con số 13
Trong số các thị trấn của Jutland, Viborg có vị trí quan trọng. Nó là nơi có toà giám mục, một nhà thờ hầu như mới xây nhưng rất đẹp, một khu vườn duyên dáng, một cái hồ tuyệt vời với rất nhiều cỏ. Gần đó là Maild, một trong những vùng đẹp nhất Đan Mạch, xa hơn chút nữa là Finderup, nơi Marsk Stig ám sát vua Erik Gripping vào ngày thánh Ceilia năm 1286. năm mươi sáu vết chày đầu sắt hình vuông được tìm thấy trên sọ Erik khi mộ ông được khai quật vào thế kỷ mười bảy. Nhưng thôi, tôi có viết sách hướng dẫn du lịch đâu nhỉ.
Viborg có nhiều khách sạn khá, Preislers và Phượng Hoàng là hai nơi ở được. Nhưng ông anh họ tôi qua kinh nghiệm mà tôi sẽ kể cho các bạn nghe sau đây, lần đầu tiên đến thăm Viborg, lại ở khách sạn Sư Tử Vàng. Suốt từ đó đến nay ông không trở lại đó lần nào nữa, lý do vì sao thì những trang sau đây sẽ cho các bạn biết.
Sư Tử Vàng là một trong số ít ngôi nhà không bị thiêu huỷ do hoả hoạn năm 1726, một trận hoả hoạn thiêu trụi cả nhà thờ, nhà Sognekirke, nhà Raadhuus và nhiều nhà cổ rất hay. Khách sạn là một toà nhà gạch – có nghĩa mặt trước bằng gạch, đầu hồi có những bậc tam cấp hình con quạ, trên cửa ra vào có viết cả một bài văn, tuy nhiên cái sân nơi xe buýt nhỏ đi vào thì đen và trắng như một cái lồng bằng gỗ và thạch cao.
Mặt trời đang lặn khi anh tôi tới cửa khách sạn, ánh sáng chiếu thẳng vào mặt tiền bề thế của ngôi nhà. Anh tôi thích thú cái vẻ cổ kính của nơi này lắm, tự hứa sẽ sống qua một thời gian thật hài lòng và thú vị trong ngôi quán đặc trưng của Jutland này.
Công việc đưa ông Anderson đến Viborg không phải công việc theo nghĩa thông thường. Ông đang nghiên cứu về lịch sử Nhà thờ Đan Mạch, ông được biết tại Rigsarkir ở Viborg có nhiều giấy tờ thoát khỏi nạn cháy, trong có nói đến những ngày cuối cùng của Thiên Chúa giáo La mã ở nước này. Vì vậy ông định ở đây một thời gian tương đối lâu – hai hoặc ba tuần để xem và sao chụp các giấy tờ đó. Ông hy vọng quán Sư Tử Vàng có thể cho ông một buồng khá rộng vừa làm phòng ngủ, vừa làm phòng làm việc. Ông giải thích yêu cầu này cho chủ quán, ông này nghĩ một lát rồi đề nghị tốt nhất khách nên tự đi xem, vừa ý phòng rộng nào trên gác thì chọn lấy.
Tầng trên thì phải leo gác nhiều sau một ngày làm việc, tầng ba không có phòng rộng như yêu cầu, nhưng tầng hai có thể chọn một trong hai hoặc ba phòng có kích thước phù hợp.
Ông chủ quán giới thiệu phòng 17 nhưng ông Anderson thấy cửa sổ nhìn ra bức tường trơ trụi của nhà bên cạnh, buổi tối sẽ rất tối. Phòng 12 hay 14 thì hơn vì cả hai trông xuống đường phố, ánh đèn rực rỡ buổi tối và quang cảnh bên ngoài sẽ bù đắp lại cho ông sự ồn ào của phố phường.
Cuối cùng ông chọn số 12. Giống các buồng bên, nó có ba cửa sổ, tất cả hướng ra một phía, buồng khá cao và lạnh một cách bất thường, dĩ nhiên không có lò sưởi nhưng có một cái lò than khá cổ kính rất đẹp mắt, bằng sắt chạm trổ, một bên có hình Abraham hy sinh Isaac vbdòng chữ Mug Mose, Cap.22″ ở phía trên. Trong phòng chẳng có gì đáng chú ý ngoài một bức tranh in cổ kính, miêu tả cảnh thị trấn năm 1820.
Giờ ăn tối đã đến, Anderson vừa tắm rửa mát mẻ, ông xuống cầu thang trước khi chuông gọi. Ông tranh thủ xem bảng danh sách các khách cùng ở trọ. Thường ở Đan Mạch tên khách được kẻ trên một cái bảng to, chia từng cột, từng hàng, mỗi hàng ở đầu là số phòng. Danh sách chẳng có gì hấp dẫn. Một luật sư người Đức, một người đi chào hàng từ Copenhagen. Chỉ có mỗi một điểm duy nhất khiến người ta phải nghĩ ngợi đôi chút là trong liệt kê các phòng không có số 13, Anderson đã để ý trong nhiều khách sạn khác ở Đan Mạch cũng vậy. Ông không hiểu tại sao cái con số đặc biệt ấy, bình thường như thế mà lại có sức mạnh lan rộng khiến người ta bỏ không dám đánh số, ông quyết định sẽ hỏi ông chủ xem các chủ quán giống như ông ta và bản thân ông ta đã bao giờ gặp khách hàng không chịu ở phòng 13 hay chưa.
Ông anh chẳng có gì để kể với tôi về buổi ăn tối hôm ấy (tôi kể ở đây là theo những gì ông ấy kể cho tôi nghe) cũng như lúc về buồng thu xếp quần áo, đồ đạc, giấy tờ. Tới mười một giờ ông quyết định đi ngủ, nhưng ông cũng như nhiều người khác thời nay trước khi đi ngủ phải đọc vài trang sách, ông nhớ ra quyển sách đang đọc dở trên xe lửa mà ông đặc biệt thích đọc lúc này lại ở trong túi áo khoác treo bên ngoài phòng ăn dưới nhà.
Chạy xuống lấy lên mất một lúc, hành lang thì tối, thành ra tìm đến cửa phòng mình không dễ dàng gì. Nhưng rồi đến nơi quay quả đấm thì cửa không mở và nghe tiếng động vội vã đi tới cánh cửa từ bên trong. Ông mở nhầm cửa rồi! vậy là phòng ông ở bên phải hay bên trái cánh cửa này. Nhìn lên trên: phòng 13. Phòng ông ở bên trái, quả vậy. Vào giường ít phút và đọc được vài trang sách rồi tắt đèn đi ngủ, ông mới sực nhớ ra tên chiếc bảng đen của khách sạn làm gì có phòng 13? ấy thế nhưng vẫn có phòng 13 trong khách sạn. Ông rất tiếc đã không chọn phòng này, làm như vậy có khi giúp cho ông chủ để ông ta sau này kể lại rằng đã có một quý khách người Anh ở đó ba tuần và rất thích nó. Nhưng có lẽ phòng này đã dùng cho đầy tớ hoặc đại loại như vậy. Sau cùng thì chắc gì nó đã rộng và đẹp như phòng ông hiện giờ? Ông đưa cặp mắt buồn ngủ nhìn lại phòng mình được chiếu sáng mờ mờ dưới ánh đèn đường. Lạ quá, ông nghĩ. Thường trong bóng tối các phòng bao giờ cũng có vẻ rộng hơn nhưng phòng này lại có vẻ ngắn lại và cao hơn lên. Thôi! Thôi! Ngủ đi còn hơn là những nghĩ ngợi vớ vẩn ấy – và thế là ông ngủ mất.
Đến Viborg được một ngày, hôm sau Anderson đến ngay Rigsarkiv của Viborg. Ông được tiếp đón ân cần – Đan Mạch vẫn vậy – và vào chỗ nào cũng vậy cả. Tài liệu ở đây nhiều và hay hơn ông hình dung nhiều. Ngoài sách và giấy tờ chính thức còn có một đống thư từ liên quan đến giám mục Jorgen Friis theo Thiên Chúa giáo La Mã, người cai quản cuối cùng của toà giám mục, trong đó nhiều thư từ thú vị liên quan đến đời tư và tính cách cá nhân ông ta. Có thể nói về một căn nhà tư do giám mục sở hữu trong thị trấn, ông ta không ở đó mà là người khác. Người này đã gây xì căng đan trong khu và làm vướng chân cho phe cải cách rất nhiều, người ta phải viết lên thành phố vì hắn ta là một nỗi nhục cho họ bởi đã thực hành những công nghệ xấu xa bí ẩn và bán linh hồn cho kẻ thù. Lại còn có một đoạn thư chê trách nhà thờ Babylon này đã tham nhũng và mê tín cho nên giám mục mới dung túng và cho trú ngụ tên nham hiểm hút mau người Troldmand ấy. Vị giám mục trước những trách cứ này tỏ thái độ rất ngoan cường, ông nói bản thân ông cũng ghê tởm những cái người ta gọi là công việc bí ẩn, ông yêu cầu những kẻ chống đối mình đưa vấn đề ra Toà – dĩ nhiên là Toà án tôn giáo – để giải quyết việc này cho xong hắn. không ai sẵn sàng và thích thú hơn ông trong việc kết tội Mag. Nicolas Francken nếu như có bằng chứng về lỗi lầm và tội ác mà người ta đã kết cho hắn một cách không chính thức.
Anderson không có nhiều thì giờ vì kho lưu trữ hồ sơ sắp đóng cửa nên chỉ liếc qua lá thư tiếp theo của ông Rasmus Nielsen đứng đầu giáo phái Tin Lành, tuy thế cũng nắm được ý chung của lá thư là những người theo đạo Thiên Chúa bây giờ không còn bị phụ thuộc vào quyết định của các Đức giám mục ở Rome nữa và toà án của giám mục không phải và là kt là một nơi xét xử thích đáng cho một ca nặng nề quan trọng như vậy.
Anderson ra về, người chủ trì cơ quan lưu giữ tài liệu đi cùng đường, dĩ nhiên câu chuyện xoay quanh mấy lá thư tôi vừa nói đến.
Herr Scavenius, phụ trách kho lưu trữ của Viborg, mặc dù được thông tin tỉ mỉ về tình hình chung liên quan đến những giấy tờ mình cất giữ, không phải là người chuyên nghiên cứu về thời kỳ cải cách, do đó ông rất quan tâm đến những gì Anderson kể, ông rất mong được đọc bài mà Anderson sắp viết nhằm thể hiện các tài liệu trong kho của ông. Ông nói thêm “Tôi rất lấy làm lạ không hiểu căn nhà của giám mục Friis ở đâu. Tôi đã xem kỹ bản đồ địa hình Viborg cổ xưa, thật không may, sơ đồ đất đai của Giám mục được lặp lại năm 1560, và phần lớn là ở Arkiv hiện giờ nhưng mảnh có danh mục bất động sản của thị trấn thì bị thiếu. Không sao! Rồi một ngày nào đó tôi sẽ tìm ra thôi”.
Sau vài động tác thể dục nào đó – tôi quên như thế nào và ở đâu – Anderson về quán Sư Tử Vàng ăn cơm tối, chơi trò chờ đợi, rồi vào giường. Trên đường về phòng, ông nhớ ra quên chưa nói với chủ quán, về việc bỏ con số 13 trong việc đánh số phòng khách sạn, ông cũng cần phải đoán chắc phòng số 13 có tồn tại trong khách sạn không đã rồi mới nói chuyện với ông chủ quán được.
Việc này không khó khăn gì. Cánh cửa phòng vẫn đó, số phòng rõ rành rành, và rõ ràng có ai làm việc trong đó, tiến lại gần cửa, ông nghe có tiếng chân đi lại và tiếng nói ở bên trong. Mất vài giây khẳng định con số, trong lúc đó tiếng chân dừng ,có vẻ như rất gần cánh cửa, rồi lại có tiếng thở nhanh như của một người đang cơn kích động mạnh. Ông về phòng mình ngạc nhiên thấy nó nhỏ hẳn lại so với lúc ông chọn khiến ông hơi bất bình, nhưng thôi, bởi nếu nó không đủ rộng ông có thể đề nghị đổi phòng khác dễ dàng. Tự nhiên lúc đó ông muốn có cái gì đó torng túi áo măng tô – tôi nhớ là chiếc khăn tay thì phải – mà áo lại treo ở cái mắc đặt xa tít cuối phòng. Lạ quá, không thấy cái giá áo dâu cả, hẳn bọn đầy tớ đã đem đi chỗ khác, mở tủ áo ra cũng không thấy mới kỳ chứ. Ăn cắp thì không rồi. Những chuyện như thế ít khi xảy ra ở Đan Mạch, nhưng có chuyện ngu ngốc nào rồi (một chuyện ngu ngốc thì không phải bất thường) cô hầu phòng nào đó phải bị khiển trách nặng. Dù sao thì thứ ông cần không có ngay cũng không sao, để đến sáng mai cũng được, khỏi rung chuông gọi đầy tớ làm phiền họ. Ông tới bên cửa sổ – bên tay phải – nhìn ra đường phố vắng lặng. trước mặt là một toà nhà cao, nhiều bức tường để trống, không thấy khách bộ hành qua lại, đêm tối đen chẳng nhìn thấy gì.
Ánh sáng ở phía sau ông, ông nhìn rõ bóng mình in trên bức tường trước mặt. Có cả bóng ông có râu ở phòng 11 bên trái, ông này mặc áo không tay đi qua đi lại một vài lần, lúc đầu ông ta chải tóc, sau đó choàng chiếc áo ngủ vào. Có cả bóng ông khách phòng bên phải số 13. xem rất khá hay ho. Số 13, giống ông, đang tì tay trên bậu cửa sổ nhìn ra đường phố. Có vẻ ông này cao gầy – hay là đàn bà chăng? Ít nhất thì ông hay bà ta có cái khăn vải trùm trên đầu tựa như mũ đi ngủ, và hình như ông này có một cái chụp đèn màu đỏ, và cái đèn rung rinh tợn, vì trên tường trước cửa ánh đỏ chạy lên chạy xuống rất rõ. Ông vươn cổ sang nhìn xem có thấy gì rõ hơn không nhưng ngoài một chùm ánh sáng ở bậu cửa sổ có vẻ như màu trắng, còn thì không còn nhìn thấy gì khác.
Lúc này có tiếng chân dưới đường nhắc số 13 lộ mình ra quá nhiều thành ra ông này bỗng nhẹ nhàng lướt vào trong, ánh đèn đỏ cũng tắt. Anderson đang hút dở điếu thuốc, bỏ lại trên bậu cửa sổ, vào giường đi ngủ.
Sáng hôm sau hầu phòng đánh thức ông dậy, và đem nước nóng vào. Ông bèn nhỏm dậy, cố nhớ đúng mấy từ Đan Mạch để hỏi:
“Cô mang cái áo măng tô đi chỗ khác hả? Mang đi đâu vậy?”
Cô hầu phòng thấy lạ chỉ cười và trở ra không nói lời nào.
Anderson bực mình ngồi thẳng dậy trên giường, định gọi cô ta lại thì ông sững người ra, nhìn trân trân trước mặt.
Cái mắc áo vẫn treo trên giá đúng như lúc ông mới đến. Ông quá sốc vì xưa nay vẫn được coi là người có những nhận xét chính xác. Làm sao mà tối qua ông không thấy nay lại sờ sờ ra vậy?
Ánh sáng ban ngày không những làm tỏ tường cái mắc áo treo áo măng tô mà còn làm lộ tỷ lệ thích đáng của gian phòng với ba cửa sổ làm hco người đã chọn nó phải thoả mãn. Mặc quần áo xong ông ra cửa sổ giữa xem thời tiết thế nào. Lại thêm một cú sốc nữa. Đêm qua nhận xét nào của ông cũng kỳ quặc. Ông sẵn sàng thề mười lần rằng đêm qua ông hút thuốc lá ở cửa sổ bên phải trước khi vào giường, nay thì đầu mẩu thuốc lá còn lại trên bậu cửa sổ giữa!
Ông xuống ăn sáng. Khá muộn. nhưng số 13 còn muộn hơn: đôi bốt vẫn để trước cửa – bốt của đàn ông, vậy số 13 là đàn ông chứ không phải đàn bà. Ông bèn nhìn lên số của cánh cửa: số 14. Ông cứ nghĩ mình đã đi qua hòng 13 mà không chú ý. Ba lỗi lầm ngớ ngẩn trong có 12 giờ đồng hồ là quá nhiều cho một con người xưa nay vẫn có đầu óc chính xác và làm việc một cách có phương pháp do đó ông quay lại xem cho chắc chắn. Bên cạnh số 14 là 12, buồng của ông. Hoàn toàn không có số 13.
Sau ít phút nghĩ thật cẩn thận xem mình đã ăn và uống những gì hai mười bốn giờ qua, Anderson bỏ qua vấn đề này. Nếu như thị giác cũng như trí óc của ông kiệt quệ do sức khoẻ thì có thể xác định dễ dàng bằng nhiều cách, còn nếu không, ông đang trải nghiệm một chuyện rất thích thú mà những diễn biến của nó cũng đáng để dõi theo.
Suốt ngày ông tiếp tục xem xét những lá thư tôi đã tóm lược ở trên. Ông thất vọng thấy chúng không đầy đủ. Chỉ có một lá thư nhắc đến người tên là Mag Nicolas Francken. Đó là thư của giám mục Jorgen Friis viết cho Rasmus Nielsen, trong đó nói:
“Mặc dù chúng tôi không hề có ý định đồng tình với ông về cách đánh giá toà án của chúng tôi, và chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần nếu cần sẽ chống lại ông đến cùng, ấy thế nhưng Mag Nicolas Francken – người chúng tôi tin tưởng và yêu thương và bị ông dám buộc cho một số tội tệ hại không hề có, đã đột ngột rời xa chỗ chúng tôi rồi,do đó vấn đề này không đặt ra nữa. Nhưng còn việc ông đánh giá Thánh Tông Đồ – cũng là người viết Kinh Phúc Âm – St John đã viết trong sách Khải huyền mô tả nhà thờ La Mã thần thánh dưới hình thức cải trang và tượng trưng cho người đàn bà đĩ điếm, thì xin ông biết cho rằng…”v…v…Tìm mãi Anderson cũng không thấy lá thư nào tiếp tục chuyện này thành ra không thể hiểu nổi “rời bỏ” trong trường hợp này nghĩa là thế nào, chỉ có thể giả thiết Francken đã chết đột ngột. Giữa lá thư cuối cùng của Francken mà rõ ràng là lúc ấy Francken còn sống với lá thư của giám mục chỉ cách nhau hai ngày, do đó suy ra cái chết đã đến bất ngờ.
Buổi chiều ông ghé thăm Hald, uống trà tại Burkcdund, mặc dù hơi băn khoăn nhưng ông không nhìn thấy dấu hiệu nào của chứng suy thị giác hoặc suy não như ông sợ.
Bữa cơm tối ông ngồi cạnh chủ quán. Chuyện tào lao một lát, ông hỏi:
“Tại sao đa số khách sạn nước này không có phòng số 13 hả ông? Khách sạn này cũng không có”
Chủ quán vui vui:
“Thì ra chuyện đó đã làm ông để ý! Nói thật ra tôi cũng đã nghĩ mãi. Tôi tự bảo, Người có học ai mê tín bao giờ! Tôi đã học Cao đẳng ở Viborg, thầy giáo tôi là người chống dị đoan. Ông chết đã nhiều năm nay rồi – một con người tinh tế, đàng hoàng, sẵn sàng sử dụng cả bàn tay lẫn khối óc. Tôi còn nhớ bọn học trò chúng tôi, vào một ngày tuyết rơi…”
Ông đăm chiêu nghĩ ngợi.
“Thế ông không phản đối có phòng 13 trong khách sạn? ” Anderson hỏi.
“À! Nhất định rồi. Ông biết đấy, cha tôi hướng dẫn tôi đi vào nghề nghiệp này. Tội nghiệp cụ, cụ có một khách sạn ở Aarhuus, sau khi sinh chúng tôi, cụ chuyển tới Viborg nay vốn là nơi chôn nhau cắt rốn của cụ, cụ sở hữu khách sạn Phượng Hoàng cho đến khi mất. Đó là năm 1876. Tôi, khởi nghiệp ở Silkeborg, từ năm kia tôi mới về đây”.
Sau đó ông chủ kể thêm các chi tiết của ngôi nhà và việc làm ăn khi ông mới tiếp quản nó.
“Thế khi ông tới đây, khách sạn có phòng 13 không?”
“Không, không. Để tôi kể cho ông nghe. Ông thấy đấy. Một nơi như thế này, các doanh nhân qua lại, đa số là dân thương mại mà. Chẳng lẽ để họ ở phòng 13? Chẳng thà họ ra đường ở còn hơn! Riêng về phần tôi thì số phòng chẳng liên quan gì, tôi bảo họ vậy, nhưng họ cứ nhất định cho là nó sẽ đem lại sự không may. Hàng đống chuyện đã xảy ra với khách ở phòng số 13 nên họ không ở đó nữa, hoặc nếu cứ để sẽ mất những khách hàng tốt nhất, hoặc chẳng chuyện này thì chuyện khác”, ông chủ quán nghĩ một chút rồi minh hoạ cho sinh động thêm.
“Vậy thế phòng 13 ở khách sạn, ông dùng làm gì?” Anderson hỏi, ý thức được là câu hỏi của mình mang vẻ gì đó không tương xứng với sự quan trọng của vấn đề.
“Số 13 ở khách sạn tôi ấy ư? Làm gì có! Tôi tưởng ông biết. Nếu có, nó đã ở bên cạnh phòng ông”
“Vâng, chỉ có điều là đêm qua khi qua hành lang, tôi nhìn thấy có cửa phòng mang số 13 mà, và thực ra tôi dám chắc tôi nói đúng, đêm qua tôi nhìn thấy mà”.
Dĩ nhiên ông Kristensen chỉ buồn cười như Anderson chờ đợi, ông ta còn nhấn mạnh và lặp đi lặp lại không hề có phòng 13 ở trong khách sạn ngay cả trước khi ông ta đến đây.
Anderson nhẹ người thấy ông ta khẳng định như vậy, tuy nhiên vẫn còn hoang mang và nghĩ chỉ có cách mời chủ quán tới phòng mình đêm nay hút xì gà để xem thử việc đó là có thực hay là do mình ảo tưởng. Anderson có mang theo ảnh chụp một vài thị trấn nước Anh mà ông coi là đủ lý do để mời ông chủ quán đến.
Ông Kristensen được mời thì thích lắm, vui vẻ mhận lời, mười giờ đêm ông ta sẽ đến. Anderson xin kiếu ngay về phòng viết vài lá thư, và tự đỏ mặt với bản thân khi thú nhận quá bồn chồn chỉ dám đi theo đường qua phòng 11 về phòng mình, sau đó vội vàng liếc nhìn chính phòng mình với vẻ nghi ngờ, nhưng không thấy gì hết ngoài việc nó vẫn có vẻ nhỏ đi. Không còn vấn đề về cái áo mắc măng tô nữa vì Anderson đã cất tất cả chỗ quần áo treo trên giá đi, cái giá thi nhét xuống gầm giường. Ông cố gắng quên đi con số 13, ngồi xuống viết thư.
Láng giềng hai bên yên lặng. Thỉnh thoảng có tiếng mở cửa trong hành lang, vài đôi bốt được vứt ra ngoài, có lúc một người chào hàng nào đó đi qua ư ử hát, bên ngoài thì thỉnh thoảng tiếng xe ngựa lóc cóc trên mặt đường lát đá, hoặc có tiếng chân bước vội bên lề đường.
Anderson viết xong bức thư, gọi Whiskysô đa rồi ra cửa sổ nghiên cứu bức tường trống phía trước mặt và những cái bóng in trên đó.
Như ông nhớ thì phòng 14 có một luật sư ở, ông này là người điềm đạm, ít nói, trong bữa ăn chỉ mải nhìn vào một đống giấy tờ đặt bên cạnh đĩa ăn. Ấy thế nhưng xem ra ông ta lại có vẻ như có thói quen làm cho hả cái tính sôi nổi yêu đời của mình khi có một mình. Tại sao ông ta lại cứ khiêu vũ một mình kia chứ? Cái bóng in trên tường thể hiện điều đó, bóng ông ta lướt qua lướt lại cửa sổ, tay vẫy vẫy, một ống chân khẳng khiu đá lên đá xuống, nhanh nhẹn khác thương. Có lẽ ông ta đi chân không, sàn nhà trải thảm dầy nên không gây tiếng độg nào. Sagofer Herr Anders Jensen, khiêuvũ lúc mười giờ đêm trong một phòng ngủ của một khách sạn, thật là một đề tài khá hợp cho một bức tranh lịch sử hoành tráng. Những suy nghĩ của Anderson, giống như của Emily trong Bí mật của Udolpho, có thể được sắp xếp thành những dòng thơ sau đây:
Khi tôi trở về khách sạn
Vào mười giờ đêm,
Hầu bàn nghĩ tôi mệt,
Tôi chẳng kể gì đến họ
Nhưng sau khi khoá cửa phòng ngủ
Và vứt đôi bốt ra ngoài
Tôi khiêu vũ cả đêm trên sàn nhà
Dẫu khách phòng bên có kêu ca
Tôi chỉ càng nhảy hăng hơn
Bởi tôi đã quen với pháp luật
Tha hồ cho họ lải nhải dài dòng
Tôi càng chế giễu phản ứng của họ
Giả sử lúc này mà ông chủ quán không gõ cửa, chắc hẳn độc giả sẽ được đọc những vần thơ dài hơn. Cứ nhìn cái vẻ ngạc nhiên trên bộ mặt ông Kristensen thì thấy ông ta có vẻ sốc khi đứng trong phòng, nhưng Anderson không nhận xét gì. Mấy bức ảnh của Anderson làm cho ông ta thích thú lắm, ông nói ra nhiều chuyện phần lớn là tự truyện. Chưa biết câu chuyện lý thú về con số 13 được đề cập như thế nào thì ông luật sư bên cạnh bắt đầu hát, hát một cách hăng hái đến nỗi ai cũng phải cho là ông ta quá say hoặc hoá điên. Giọng hát nhỏ thôi nhưng cao vút, nghe nó khê như ít khi được sử dụng. Lời và điệu thì không thành vấn đề. Dần dần nó càng lên cao hơn sau đó trầm hẳn xuống như một lời than vãn tuyệt vọng, như gió đêm đông thổi trên ống khói lò sưởi hay một cây đàn organ không thể lên cao được nữa. nó trở thành một tiếng kêu kinh hoàng. Giá Anderson có một mình ắt phải chạy trốn sang phòng nào đó, phòng người chào hàng chẳng hạn.
Ông chủ quán ngồi há hốc miệng.
“Tôi chẳng hiểu ra làm sao nữa” cuối cùng ông ta lau mồ hôi trán và bảo “Nghe sao mà khiếp thế, tôi đã từng có lần nghe thấy,cứ tưởng là tiếng mèo kêu”
“Hay là ông ta điên?” Anderson hỏi.
“Hẳn vậy và đáng buồn thay! Một khách hàng tốt như thế, thành công trong công việc và theo như người ta nói, có một gia đình rất trẻ trung cần nuôi nấng”.
Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa, người gõ xồng xộc vào không đợi trả lời. Đó chính là ông luật sư mặc quần áo ngủ, tóc tai rối bời trông có vẻ vô cùng giận dữ.
“Xin lỗi ông” ông ta nói “xin rất cảm ơn nếu ông ngừng cho…”
Đến đây ông ta im. Rõ ràng cả hai người trước mặt ông ta không có vẻ gì gây rối loạn cả, sau một lúc im thì tiếng động càng to hơn trước.
“Ồ, thế này nghĩa là thế nào?” Ông luật sư hỏi. “Nó ở đâu tới? Ai ở đó? Tôi mất trí chăng?”
“Ngài Jensen, tữ bên buồng ông cạnh đây chứ đâu? Hay là có con mèo nào bị kẹt trong lò sưởi?”
Andeson chỉ có thể nói vậy mặc dù ông biết lời nói của ông chẳng đem lại tác dụng gì, tốt hơn là cứ đứng mà nghe cái giọng khủng khiếp đó và nhìn vào bộ mặt trắng nhợt của ông chủ quán, ông này đang vã mồ hôi và run lập cập phải nắm vào hai tay cái ghế bành ông ngồi.
“Không thể được!” ông luật sư nói “Không thể! Làm gì có lò sưởi! sở dĩ tôi sang đây là tưởng tiếng động xuất phát từ bên này. Rõ ràng là từ phòng bên cạnh tôi mà”
“Có cửa thông giữa phòng ông và phòng tôi không nhỉ?” Anderson hăm hở hỏi.
“Không, thưa ông” Herr Jensen trả lời “Ít nhất là trong buổi sáng nay”
“À ra thế!” Anderson nói “Đêm nay thì sao?”
“Tôi không dám chắc” ông luật sư ngập ngừng.
Bỗng nhiên tiếng nói hoặc tiếng hát bên phòng bên im hẳn, người hát đang cười một mình, kiểu cười nhỏ ngâm nga khiến cả ba bên này lạnh gáy. Rồi im bặt.
“Này, thưa ông Kristensen, thế này là thế nào ạ?” – Ông luật sư hỏi.
“Trời đất ơi!” Kristensen kêu lên. “Tôi biết nói thế nào? Tôi cũng chẳng hơn gì quý vị. Tôi chỉ cầu Trời không phải nghe cái tiếng kêu ấy lần nào nữa!”
“Tôi cũng thế” ông Jensen nói, rồi ông khẽ nói thêm cái gì đó mà Anderson nghĩ là mấy lời cuối cùng trong sách Phúc âm “Omnis spiritus laudet Dominium – tất cả mọi linh hồn cảm tạ chủ nhân” tuy nhiên ông không dám chắc.
Anderson nói:
– Nhưng ta phải làm một cái gì chứ? Cả ba chúng ta sang phòng bên cạnh xem nào”
– “Nhưng đó là phòng ông Jensen đây rồi còn gì” ông chủ quán than thở “Vô ích, chính ông ấy đã sang đây”.
– “Tôi không dám chắc” Jensen bảo. “Tôi nghĩ vị quý tộc này nói đúng. Ta phải sang xem thôi”.
Vũ khí tự vệ lúc ấy có được là một cái gậy và một cái can. Đoàn thám hỉêm ra hành lang không khỏi run lên bần bật. Bên ngoài yên lặng như tờ, nhưng có ánh sáng le lói từ dưới chân cửa phòng bên cạnh. Anderson và Jensen lại gần, Jensen quay quả đấm và đẩy mạnh, vô ích, cửa vững nguyên.
“Ông Kristensen” Jensen nói “ông tìm đầy tớ khoẻ mạnh nhất lên đây. Ta phải mở cánh cửa này ra”.
Ông chủ quán gật đầu chạy đi, sung sướng thoát khỏi hiện trường. Jensen và Anderson đứng lại nhìn vào cánh cửa.
“Ủa, con số 13 này!” Anderson nói.
“Phải, cửa phòng của ông ở đàng kia, còn cửa phòng tôi ở kìa!” Jensen nó.
“Ban ngày phòng tôi có ba cửa sổ ” Anderson nói, cổ ông phát ra một tiếng cười bồn chồn.
“Lạy thánhg George, phòng tôi cũng vậy!” ông luật sư nói, quay lại nhìn Anderson, lưng quay về phía cánh cửa. Đúng lúc này cửa phòng bật mở, một cánh tay thò ra quắp lấy vai ông luật sư. Cánh tay đó phủ vải rách tã vàng khè, chỗ da lộ ra thì đầy lông lá bạc trắng. Anderson vừa kịp lôi Jensen ra và kêu lên một tiếng kinh hãi thì cửa sập ngay lại và có tiếng cười gằn.
Jensen không kịp nhìn thấy gì nhưng Anderson vội bảo ông ta mối nguy ngập ông vừa thoát khỏi, ông này hoảng hốt cả người, đề nghị ai rút về phòng nấy và khóa cửa lại.
Tuy nhiên vừa vặn ông chủ quán và hai đầy tớ lực lưỡng lên tới nơi, trông cả ba nghiêm trang và sợ sệt. Jensen gặp họ giải thích, định làm họ thoái chí không phá cửa nữa.
Hai người kia bỏ xà beng đem theo xuống, nói là tội gì thò đầu vào hang quỷ. Ông chủ bối rối không biết quyết định thế nào, ý thức được là nếu gặp nguy hiểm thì khách sạn ông sẽ tai hại, thành ra bản thân cũng sợ đối mặt với sự việc. May thay Anderson có cách làm mấy kẻ mất tinh thần này vững tâm lên.
“Chẳng lẽ đây là dũng khí của người Đan Mạch mà tôi vẫn nghe danh? Không có người Đức trong đó đâu, mà nếu có, chúng ta có năm người chống lại một, sợ gì?”
Thế là hai người đầy tớ và Jensen lao vào đẩy cánh cửa.
“Hãy ngừng lại đã” Anderson nói “Đừng có làm vội như thế. Ông chủ, xin ông đứng ngoài cầm đèn, một trong hai anh đây phá cửa, cửa mở ra đừng có xông vào ngay”
Hai người đàn ông gật đầu, người trẻ bước lên, dùng xà beng bổ mạnh vào phần trên cánh cửa. Kết quả không ai lường trước được! không phải tiếng gỗ bị xẻ ra – chỉ có tiếng đùng đục tựa như một bức tường bị đập ra. Người đàn ông vứt xà beng hét lên, tay xoa khuỷu tay. nghe tiếng kêu, mọi người nhìn ngay vào anh ta đã, sau đó Anderson mới nhìn vào cánh cửa. Chẳng còn thấy cánh cửa đâu, chỉ là bức tường hành lang bị đập vỡ ra một khoảng khá lớn do bị xà beng bổ vào. Số 13 hoàn toàn không tồn tại. Trong một lúc mọi người đứng sững sờ nhìn vào bức tường trống trơn. Một con gà sống dưới sân gáy lên, Anderson nhìn ra phía có tiếng gà gáy, qua cánh cửa sổ ở cuối hành lang, bầu trời phía Đông bắt đầu rạng.
“Có lẽ” ông chủ ngập ngừng nói “hai vị muốn sang phòng nào đó ngủ tạm đêm nay, một phòng hai giường nào đó?”
Cả Anderson lẫn Jensen không ai phản đối. Sau những gì họ trải qua, họ có vẻ không muốn rời nhau nữa. Thế là mỗi người về phòng mình nhặt nhạnh các thứ cần thiết trong đêm. Một người cầm cây nến soi đường, họ thấy rõ cả phòng 12 lẫn phòng 14 đều có 3 cửa sổ.
Sáng sớm hôm sau cả hội tụ tập ở phòng 12. chủ quán dĩ nhiên không muốn nhờ bên ngoài giúp đỡ, nhưng nhất thiết bí mật về khu vực này của khách sạn phải được làm sáng tỏ. Hai đầy tớ tự làm thợ mộc. Đồ đạc được dọn ra, phần sàn ngay bên cạnh phòng 14 được moi ra, không tránh khỏi tổn thất nhất định, do việc các tấm ván sàn được lật lên.
Hẳn các bạn cho rằng sẽ tìm thấy một bộ xương – của Mag Nicolas Francken? Không! Họ tìm được giữa các dầm đỡ sàn nhà một hộp nhỏ bằng đồng, trong có tài liệu gấp gọn ghẽ độ hai mươi trang viết tay trên giấy da bò. Cả Anderson lẫn Jensen (ông này hóa ra thông tỏ môn chữ cổ) rất kích động về vụ khám phá này, họ hứa sẽ tìm ra chìa khoá cho hiện tượng kỳ lạ trên đây.
Tôi có một bản sao chụp của một tài liệu thiên văn mà tôi chưa bao giờ đọc. Trang đầu là tranh khắc gỗ của Hans Sebald Beham, tả cảnh một số học giả ngồi quanh một cái bàn. Chi tiết này đã giúp cho những người sành sỏi phân định được quyển sách. Tôi không nhớ tên quyển sách là gì, mà lúc này cũng không có điều kiện xem lại quyển sách ấy, nhưng những trang rời khác thì toàn là chữ viết, suốt thời gian mười năm sở hữu quyển sách đó tôi cũng không biết đọc nó thế nào và chữ viết trong đó là ngôn ngữ gì. Giống hệt hoàn cảnh của Anderson và Jensen sau một thời gian xem xét khá lâu, đành quy phục mớ tài liệu trong cái hộp đồng.
Hai ngày săm soi mãi, Jensen, người mạnh dạn hơn trong hai người, liều cho rằng đó là chữ Latinh hoặc Đan Mạch cổ.
Anderson thì chẳng phỏng đoán gì cả, đưa cái hộp và những tờ giấy da cho hội sử học Viborg đặt vào viện bảo tàng của họ.
Vài tháng sau ông anh rể tôi kể chuyện này cho tôi, khi chúng tôi ngồi trong một khu rừng gần Upsala, nơi mà chúng tôi – nói đúng hơn là tôi – đã phá lên cười về bản hợp đồng mà Daniel Salthenius (về sau là giáo sư tiếng Do thái ở Konigsberg) đã bán mình cho quỷ Sa tăng, Anderson không thực sự thấy thích thú gì.
“Thằng cha khờ khạo!” ông anh tôi nói “ám chỉ Salthenius, người mà khi dại dột hở bí mật này ra mới chỉ là một cậu sinh viên chưa tốt nghiệp “làm sao hắn biết mình đang đi lại với quỷ kia chứ?”
Và khi tôi đề nghị cứ xem xét trường hợp một cách thông thường thì ông chỉ lầm bầm. Ngay chiều hôm đó ông kể cho tôi nghe câu chuyện các bạn vừa đọc, nhưng nhất định không chịu đưa ra suy luận nào cũng tuyệt nhiên không tán đồng bất cứ suy luận nào tôi đưa ra.