Giếng Thở Than

Chương 5: Cây tần bì


Đọc truyện Giếng Thở Than – Chương 5: Cây tần bì

Ai đã từng đi qua miền đông nước Anh đêu biết những ngôi nhà thôn quê nho nhỏ rải rác khắp nơi: những ngôi nhà khá ẩm thấp thường xây theo kiểu Ý, bao quanh là công viên độ tám mươi đến một trăm mẫu tây. Đối với tôi bao giờ chúng cũng có sức hấp dẫn mạnh mẽ, cái hàng rào xám bằng những thanh gỗ sồi, các cây cao quý phái, ao hồ với thảm lau sậy, xa xa là cánh rừng. Tôi cũng thích cái cổng có cột chống – có lẽ dính liền vào một ngôi nhà gạch đỏ xây từ thời nữ hoàng Anne, mặt trước trát vữa, khiến nó sánh được với phong cách Hy Lạp cuối thế kỷ mười tám, bên trong là sảnh cao lên tận mái nhà có cá hành lang chạy quanh với một chiếc đàn organ nhỏ. Tôi cũng thích cả thư viện của nó trong có từ Thánh Kinh thế kỷ mười ba đến tác phẩm của Shakespeare in giấy khổ bốn. Dĩ nhiên tôi thích cả những bức tranh phần lớn hình dung cuộc sống trong những ngôi nhà ấy lúc mới xây, thời đã có ống dẫn nước, chủ đất đã khá giả, và ngay cả bây giờ, nhiều tiền nhiều thị hiếu khác nhau, cuộc sống nhiều thú vị. Bản thân tôi cũng muốn có một ngôi nhà như vậy ở thôn quê. Và đủ tiền bảo trì nó, thỉnh thoảng đưa bạn bè đến vui chơi một cách khiêm tốn.

Nhưng tôi lạc đề mất rồi. Tôi có nhiệm vụ phải kể các bạn nghe những chuyện xảy ra trong một ngôi thái ấp giống như thế. Đó là Castringham Hall ở vùng Suffolk. Từ thời có câu chuyện kể của tôi đến nay, ngôi nhà đã được sửa chữa nhiều lần, nhưng những nét chính tôi mô tả trên kia thì vẫn vậy – cổng kiểu Ý, bốn khối nhà màu trắng, trong nhà cổ hơn ở ngoài, công viên được bao quanh bởi một dải đất có nhiều cây to, và có cái ao. Vẻ khác biệt với hàng tá ngôi nhà khác không còn. Nhìn từ phía công viên vào, bạn sẽ thấy một cây tần bì cổ đại mọc cách tường độ sáu mét, cành lá gần như chạm vào nhà. Tôi cho là nó đã mọc ở đó kể từ thời ngôi nhà không còn là một pháo đài, hào chung quanh được lấp đi, nhà xây theo kiểu thời nữ hoàng Elizabeth. Kiểu gì thì nhà cũng gần bằng kích thước hồi năm 1690.

Trong cái năm kể trên, trong vùng ngôi nhà tọạ lạc, có nhiều vụ xử án các mụ phù thuỷ. Chắc còn rất lâu ta mới có thể đánh giá đúng các lý do – nếu có – nằm tận gốc rễ nỗi sợ phù thuỷ của toàn thế giới. Cũng có thể những người bị kết tội thực sự cho rằng họ có quyền lực bất thường, hoặc giả ít nhất không có quyền thì cũng có ý chí gây chuyện ác độc cho hàng xóm, hoặc giả nhiều lời thú tội bị những kẻ tàn ác đi săn lùng phù thủy bẻ quẹo đi – tôi cho là có rất nhiều vấn đề chưa giải quyết được. Chuyện kể sau đây làm tôi bối rối, không thể hoàn toàn cho là chuyện bịa đặt. Xin được để độc giả tự đánh giá.

Catringham đã cống hiến một nạn nhân cho việc bị kết tội hoả thiêu. Tên bà này là Mothersole, khác với các bà phù thuỷ trong các làng khác chỉ ở chỗ sống sung túc hơn và có vị trí gây ảnh hưởng nhiều hơn. Các trại chủ trong giáo khu tìm hết cách gỡ tội cho bà, cố hết sức chứng thực tính cách bà và khá lo lắng cho sự tuyên án của Toà.

Nhưng tai hoạ chết người cho bà lại do chứng cứ mà ông chủ Castringham Hall nêu ra – ông Mathew Fell. Ông khai đã nhiều lần từ cửa sổ nhìn vào đêm trăng sáng thấy bà “tỉa những cành con của cây tần bì gần ngôi nhà”. Bà trèo lên các cành cây, mặc mỗi chiếc áo sơ mi, cắt những cành nhỏ với một con dao cong rất đặc biệt, miệng lẩm bẩm cái gì đó. Lần nào ngài Mathew cũng tìm cách bắt lấy bà ta nhưng chỉ một tiếng động nhỏ của ông, bà biết ngay vội vàng trèo xuống, chạy rất nhanh về phía làng.

Đêm thứ ba, chạy theo không kịp, ông đến tận nhà bà Mothersole, đập cửa đến mười lăm phút mới thấy bà ta ra, rất giận dữ và có vẻ buồn ngủ như vừa mới ra khỏi giường, thành ra chẳng biết giải thích việc đến thăm của mình như thế nào.

Chủ yếu dựa vào chứng cứ này, tuy các thành viên trong giáo khu còn đưa ra nhiều điều không đáng chú ý bằng, bà Mothersole đã bị kết tội chết. Toà xử được một tuần thì bà bị treo cổ cùng sáu người không may nữa, ở Bury St Edmunds.

Ngài Mathew Fell, lúc đó là phó Quận trưởng, chứng kiến cuộc hành hình. Hôm đó là một sáng tháng ba sương mù ẩm ướt, xe bò leo dốc lên ngọn đồi mọc cỏ dại ở bên ngoài Northgate nơi có giá treo cổ. Những nạn nhân khác trông hờ hững hoặc vô cùng đau khổ, riêng bà Mothersole, sống cũng như chết, lại trong tâm trạng khác hẳn. “Nỗi giận dữ như thuốc độc” của bà, theo một phóng viên nói lại, “đã ảnh hưởng lớn đến những người đứng xem – ngay cả người phụ trách việc treo cổ – và về sau những người này cũng khẳng định bà thể hiện hình ảnh sống của một mụ điên. Mặt không chống đối người thi hành pháp luật, bà nhìn những bàn tay chạm vào người bà với vẻ nham hiểm và ác độc đến mức một trong số họ sau này bảo đảm với tôi rằng còn sợ hãi trong người đến sáu tháng sau mỗi khi nhớ lại”.

Tuy nhiên, nghe nói là bà ta đã nói những lời có vẻ vô nghĩa như sau “Khách sẽ tới thăm ngôi nhà”, những lời này được khe khẽ nhắc đi nhắc lại mấy lần. Ngài Mathew Fell không phải là không cảm động trước thái độ của người đàn bà. Ông nói chuyện với cha xứ, sau đó cùng cha đi về nhà khi việc hành quyết đã xong. Thực ra ông cũng chẳng tự nguyện ra làm chứng trước toà, ông chẳng thấy chứng mê săn lùng phù thuỷ là việc mình bị nhiễm phải, về sau ông có nói đưa chứng cứ như vậy ông chẳng được tiếng tốt nào, biết đâu ông có thể nhầm về những gì mình nhìn thấy. Ông ghê tởm toàn bộ chuyện này, ông vốn thích có quan hệ vui vẻ với mọi người, sở dĩ ông làm như vậy chỉ bởi bốn phận. Có lẽ đó là lý do theo như tình cảm ông, khiến cho cha xứ tán thưởng cũng như những người có hiểu biết nghĩ vậy là phải.

Vài tuần sau, đúng vào ngày trăng tròn của tháng năm, cha xứ và nhà điền chủ nông thôn gặp nhau tại công viên và cùng đi vào thái ấp. Phu nhân Fell đang ở nhà bà mẹ ốm nặng, ông Fell ở một mình, vì thế cha xứ – ông Crome – và ông Fell dự định ăn bữa tối cùng nhau tại thái ấp.

Ông Mathew tối hôm ấy có vẻ không thích chuyện trò mấy, câu chuyện chủ yếu xoay quanh những gia đình trong giáo khu, và cũng may, ông ngồi viết một bản ghi nhớ về các ý định muốn thực hiện trong lãnh địa của mình, sau này nó tỏ ra vô cùng ích lợi.

Khi ông Crome định ra về lúc chín giờ rưỡi thì ngài Mathew cùng ông đi dạo trên con đường rải sỏi sau ngôi nhà. Ông Crome bị sự kiện tác động mạnh: tới chỗ cây tần bì, mà tôi tả là mọc gần ngôi nhà, thì ông Mathew dừng lại bảo:

“Có con gì cứ chạy lên chạy xuống trên cây như con sóc ấy nhỉ? Giờ này chúng phải về hang cả rồi chứ?”

Cha xứ nhìn lên cây xem con vật đang di động đó như thế nào nhưng không rõ màu sắc của nó dưới ánh trăng. Tuy nhiên vẫn nhìn rõ hình, óc ông còn nhớ lắm, ông thề rằng, tuy hơi điên, chẳng biết có phải con sóc hay không nhưng nó có nhiều hơn bốn chân…Lúc đó nhìn thì chỉ biết vậy, hai người đàn ông chia tay nhau, hàng hai chục năm sau mới gặp lại.

Sáng hôm sau, sáu giờ vẫn chưa thấy ông Fell xuống dưới nhà như lệ thường, bảy giờ, tám giờ cũng không. Đầy tớ lên gõ cửa phòng ngủ của ông, nghe ngóng rồi gõ mãi, cuối cùng đành mở cửa ra, họ thấy ông chủ đã chết, xám đen. Hẳn bạn cũng đoán được. Không có dấu vết của bạo lực. Cửa sổ mở toang.

Một người đầy tớ đi tìm cha xứ, nhờ chỉ đường đi tìm cảnh sát tư pháp. Ông Crome thì lập tức tới thái ấp ngay và được đưa vào gian phòng người chết nằm. Về sau ông này có để lại vài tờ giấy tỏ lòng thực sự kính trọng và tiếc thương ông Mathew Fell, trong đó có đoạn sau đây soi sáng phần nào sự kiện xảy ra và suy nghĩ chung của mọi người:

“Không có dấu hiệu dùng vũ lực đột nhập vào gian phòng, nhưng cửa sổ thì mở như mùa này bạn tôi vẫn để ngỏ. Ông có uống không hết một phần tư lít rượu táo để trong chiếc cốc bằng bạc. Ông Hodgkins, bác sĩ ở Bury, đã khám nghiệm chỗ rượu còn lại, và tuyên thệ, theo yêu cầu của cảnh sát tư pháp, trong đó không có chất độc. Vi dĩ nhiên quanh đó người ta nói đến độc tố vì thấy xác ông đen và trương lên. Cơ thể nằmg trên giường, chăn nệm lộn xộn, chứng tỏ đã quằn quại đau đớn nhiều trong lúc hấp hối. Có điều tôi không lý giải được cho cuộc ám sát dã man khủng khiếp này là hai người đàn bà được giao đem thây người chết ra lau rửa, hai người này vốn chuyên nghiệp về công việc nhà đòn đám ma, đến chỗ tôi, rất buồn phiền lộ vẻ đau đớn giơ hai bàn tay chạm vào ngực xác chết ra cho biết lòng bàn tay họ và mặt trước cánh tay bị đau ghê gớm, nỗi đau còn kéo dài nhiều tuần lễ, phải bỏ việc, tuy trên da không sao.


Nghe vậy tôi bèn mời ông bác sĩ vẫn còn ở trong nhà ra. Chúng tôi dùng kính lúp soi trên da ở ngực tử thi, không thấy gì quan trọng nhưng có nhiều vết chấm, chúng tôi kết luận đây là nơi độc tố được đưa vào và nhớ lại chiếc nhẫn của Pope Borgia [1] là dụng cụ đưa độc tố vào của tay đầu độc người Ý thế kỷ trước trong thứ nghệ thuật kinh hãi của ông ta.

Chỉ có vậy về mặt triệu chứng trên tử thi. Đây chỉ là kinh nghiệm riêng của tôi, thế hệ sau sẽ đánh giá xem có gì là giá trị hơn không. Trên bàn cạnh giường ngủ có một quyển Kinh Thánh nhỏ mà bạn tôi đều đặn dùng mỗi đêm, mỗi sáng sớm dậy ông cũng đọc một đoạn định sẵn. Tôi cầm lên – không khỏi nhỏ một giọt nước mắt thích đáng, thương cho cái bản phác hoạ đơn giản này nay đang bị chuyển sang sự chiêm ngưỡng, bản Kinh Thánh vĩ đại nguyên thủy. Chợt tôi có ý nghĩ, trong những giờ phút mà ta vô kế khả thi như thế này, ta có xu hướng dùng những tia le lói để tìm ra ánh sáng, do đó tôi đã dùng biện pháp được coi là duy tâm để thử một kiểu rút thăm: Như trong trường hợp Đức Vua Tử vì Đạo, King Charles, và chúa công Falkland người ta đã lấy làm ví dụ mà nay còn nhắc tới. Tôi phải thừa nhận thử nghiệm này không giúp được gì cho tôi cả, tuy nhiên biết đâu sau đây có thể Nguyên nhân và Nguồn gốc của những sự kiện hãi hùng này sẽ được tìm ra. Tôi cứ đưa kết quả ra đây, biết đâu chúng chỉ ra hướng của tội ác một cách thông minh hơn tôi.

Tôi làm tất cả ba thử nghiệm, mở cuốn Kinh Thánh ra đặt ngón tay vào một số chữ nó ào đó, lấy ra những chữ đầu, ở chỗ Luke XIII 7, chặt nó đi, lần hai Isaiah XIII 20, không ai được ở đấy nữa, lần ba Job XXVIII 30: con cái nó cũng bị hút hết máu.”

Đó là những lời trích dẫn từ giấy tờ ông Crome để lại. Ông Mathew Fell được cho vào quan tài đem chôn, lời giảng kinh của cha Crome trong lễ an táng Chủ nhật sau đó được in dưới đầu đề “Một phương thức không thể tìm ra được, hoặc Nỗi nguy hiểm nước Anh và Những cách thức xảo quyệt của việc chống lại Chúa”, vì theo quan điểm của cha xứ cũng như của hàng xóm láng giềng, vị quý tộc điền chủ nông thôn là nạn nhân của sự trở lại của những âm mưu theo kỉêu đầu độc Giáo hoàng.

Con trai ông Fell là Sir Matthew II thừa kế tước vị và lãnh địa của cha. Đến chấm dứt phần đầu của tấm thảm kịch Castringham. Cũng nên nhắc tới việc ngài Nam tước mới không ở căn phòng cũ của cha mình nữa, vậy cũng phải thôi. Cũng chẳng ai ngủ trong đó trừ một vị khách vô tình đi qua ở lại. Ông chủ ở thái ấp – Sir Matthew II mất năm 1735 – nơi này không xảy ra chuyện gì đối với ngoại trừ việc trâu bò lợn gà chết ngày một nhiều, sau còn có xu hướng tăng dần lên.

Người nào lưu ý tới chi tiết chuyện này có thể đọc bảng thống kê số liệu súc vật nuôi của ngài nam tước viết trong thư gửi tờ tạp chí Người Phong Lưu 1772. Ông chấm dứt việc trâu bò chết nhiều bằng cách ban đêm dồn hết chúng vào chuồng khoá kỹ, cừu không thả tự do ngoài công viên nữa. Vì ông nhận xét ở trong chuồng không con vật nào bị tấn công. Sau đó chỉ các chim rừng và thú vật hoang dã bị hại, không ai biết gì về triệu chứng tử nạn của các con thú hoang này, cho người canh suốt đêm thì lãng phí vô ích, tôi không muốn đi sâu thêm vào cái mà các trại chủ ở Suffolk gọi là “căn bệnh của Castringham”.

Sir Matthew II mất năm 1735, được con trai là Sir Richard thừa kế. Sir Richard cho xây khu ghế ngồi riêng của gia đình ở bên ngoài nhà thờ giáo khu về mạn bắc, vì khá rộng nên theo ý ông quý tộc điền chủ nông thôn này cần rời đi một số ngôi mộ nằm trong khu của những kẻ vô đạo, trong đó có mộ của bà Mothersole, địa điểm ngôi mộ này sở dĩ biết được chính xác là do trong số giấy tờ ông Crome để lại có bản đồ nhà thờ và sân nhà thờ.

Khi biết mộ bà phù thủy được khai quật thì trong làng (một số người còn nhớ bà ta) có bị kích động đôi chút. Và ai cũng lấy làm lạ, lo lắng nữa khi trong quan tài dù gỗ rất chắc chắn, không bị vỡ nứt, không hề thấy vết tích xác chết đâu, dù là xương hay bụi. Quả là hiện trường kỳ quặc, thời đem chôn bà chưa có chuyện người chết sống lại, mà hình dung việc xác chết bị lấy cắp đem cho viện giải phẫu để phẫu tích lại càng khó hơn.

Hiện tượng này gợi lại một thời gian có những câu chuyện về phiên toà xử phù thuỷ, về chiến công của các bà này mà người ta lâu nay đã quên lãng. Ông Richard cho đem đốt quan tài, dù nhiều người nghĩ là điên.

Rõ ràng ông Richard là một nhà sáng chế phát minh đến là khó chịu. Trước thời ông, ngôi nhà thái ấp bằng gạch đỏ là một khối nhà dễ thương nhất, nhưng vì ông du lịch qua Ý bị nhiễm thị hiếu Ý và vì có nhiều tiền hơn cha và ông, ông biến ngôi nhà thôn quê Anh thành một lâu đài kiểu Ý. Vữa và đá khối che lấp hết gạch, một vài tấm đá hoa cương Ý đứng thờ ơ nơi vào gian sảnh và ngoài vườn, một ngôi đền sao chép kiểu Sibyl ở Tivoli dựng ngay bên bờ ao; Castringham mang một vẻ hoàn toàn mới, tôi phải nói là nom nó không được duyên dáng như trước, nhưng được nhiều người trầm trồ thán phục và trở thành kiểu mẫu cho các quý tộc nông thôn bắt chước trong nhiêu năm về sau này.

Một buổi sáng (vào năm 1754) ông Richard tỉnh dậy sau một đêm không thoải mái chút nào. Trời gió, ống khói lò sưởi phả khói liên tục – trời lạnh nên phải đốt lò sưởi trong nhà. Đã thế cái cửa sổ cứ kêu lạch cạch không để cho người ta yên. Triển vọng chiều nay khách khứa sang trọng đến chơi đông đặc (nếu trong lúc tiến hành các trò chơi mà ông cứ liên tục có cảm giác khó ở thế này sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của ông, vốn được coi là người chịu khó duy trì việc tổ chức các trò chơi). Điều làm ông chán ngán nhất lại là chuyện khác cơ trong cái đêm mất ngủ. Ông không thể tiếp tục ngủ trong căn buồng này được.

Trong bữa ăn sáng, ông cứ nghĩ mãi về chuyện này thành ra ăn sáng xong ông đi thăm một cách có hệ thống tất cả các phòng để xem phòng nào theo ông là tốt nhất. Mãi mới tìm ra được một phòng, có cửa sổ quay ra phía đông, và cửa sổ quay ra phía Bắc, cửa phía Bắc này đầy tớ luôn qua lại nên không thích lắm. Ông muốn nó nhìn ra phía Tây để mặt trời khỏi đánh thức ông dậy sớm quá và không bị quấy rối bởi các hoạt động buổi sáng ở trong nhà. Người giữ nhà cho biết chỉ có một phòng đạt được yêu cầu ấy.

“Là phòng nào vậy?” ông Richard hỏi.

“Phòng của ngài Mathew trước đây – vốn được gọi là Tây Phòng”.

“Thế thì, chuyển buồng ngủ của tôi sang đấy, tối nay tôi ngủ ở đấy” ông chủ nói “Đi lối nào nhỉ, à đây rồi” và ông vội vã đi.

“Nhưng thưa ngài Richard, đã bốn mươi năm nay không ai ngủ ở đấy cả. Từ ngày ngài Mathew qua đời không khí gian phòng đã đổi khác.”


Vừa nói bà ta vừa rượt theo chủ.

“Nào, bà Chiddock, mở khoá ra, ít nhất tôi muốn xem phòng ra sao đã.”

Thế là cánh cửa được mở ra, gian phòng xông lên mùi không khí tù hãm ẩm mốc. Ông Richard tiến ra phía cửa sổ và nóng lòng mở tung các cửa chớp cửa sổ. Nơi này, ở cuối ngôi nhà, sự sửa chữa bấy lâu nay không hề động chạm tới, lại bị cây tần bì um tùm che khuất.

“Bà Chiddock, thông khí gian phòng này cho tôi, mở cửa cả ngày vào, đưa đồ đạc phòng ngủ của tôi sang đây. Phòng cũ của tôi để cho linh mục Kilmore nằm.

Tự nhiên có tiếng nói ở đâu ngắt lời ông:

“Xin cho tôi hầu chuyện ngài một lát được không ạ?”

Ông Richard quay người lại thấy một người mặc đồ đen đứng ở ngưỡng cửa đang cúi chào mình.

“Xin thứ lỗi cho tôi đã đột ngột vào đây, ngài không nhớ tôi đâu, tên tôi là William Crome, ông nội tôi là cha xứ cùng thời với ông nội của ngài”.

“Phải. Cái tên Crome bao giờ cũng là tấm hộ chiếu để vào Castringham này. Tôi rất vui được nối lại quan hệ của hai thế hệ sau. Tôi giúp gì ông được đây? Ông có vẻ hơi vội, và vào giờ này…”

“Đúng vậy, tôi đã phi ngựa suốt từ Norwich để tới Bury St Eđmunhs chỉ dừng lại đây để trao cho ngài một số giấy tờ ông nội tôi đã để lại khi qua đời, theo tôi có liên quan đến gia đình ngài”.

“Cám ơn ông quá” ông Richard nói “xin mời ông ra phòng khách uống ly rượu, ta cùng xem các giấy tờ đó với nhau được không. Còn bà, bà Chiddock, thông khí gian phòng này như tôi đã bảo…Phải, đây là nơi ông nội mất. Phải, cái cây, có lẽ, làm cho nơi này khá ẩm thấp. Không, tôi không muốn nghe nữa, bà làm gì thì làm đi. Còn ông, xin theo tôi”.

Họ vào phòng đọc. Ông Williams Crome, người trở thành một thành viên trong Ban lãnh đạo của Clare Hall Cambridge, vừa cho xuất bản một quyển Polyaenus giá trị, đã mang theo một cái gói trong đó có các ghi chép của cha xứ ông nội liên quan đến cái chết của Sir Matthew Fell. Vậy là lần đầu tiên Sir Richard đối mặt với việc bói Kinh Thánh mà ta đã biết ở trên, nó làm ông thích thú lắm.

“Vâng” ông Crome trẻ nói “quyển Kinh Thánh của ông nội tôi đã cho một lời khuyên giá trị – chặt nó đí – tức là cái cây tần bì đấy ạ, tôi không dám sao lãng lời khuyên này của cụ để cụ được yên nghỉ. Quả thật chưa từng thấy một cái ổ cho bệnh sổ mũi và bệnh sốt rét nào như cái cây này”.

Trong phòng khách có một số sách của gia đình, không nhiều lắm, hiện nay còn chờ bộ sưu tập từ Ý của ông Richard đưa sang, một phòng sách mới đang được xây để nhận số sách ấy.

Ông Richard nhìn từ tờ giấy lên giá sách và nói:


“Tôi tự hỏi không hiểu cái quyển Kinh Thánh tiên tri ấy nay còn không? Tôi có cảm giác đã từng nhìn thấy nó ở đâu đó.”

Ông băng qua gian phòng, lấy ra một quyển Kinh tháng lùn bè bè, trên trang đầu để trong có dòng chữ sau đây “Tặng Matthew Fell, từ mẹ đỡ đầu yêu thương Anne Aldous, 2 tháng Chín 1659”.

“Tôi lại thử nó lần nữa xem sao, ông Crome nhỉ. Chắc lại gặp phải mấy cái tên trong biên niên sử. Hừm, cái gì đây? “Anh đến tìm tôi sáng mai nhưng tôi sẽ không ở đấy đâu”. Phải! Phải! Ông nội ông đã đưa ra một điềm báo hiệu đây rồi! Thôi tiên tri như vậy là đủ. Toàn chuyện không đâu cả ấy mà. Thôi, ông Crome, xin cám ơn cái gói của ông vô cùng. Tôi e rằng ông đang vội đi, xin hãy uống thêm một ly rượu nữa”.

Với thái độ ông chủ nhà mến khách như thế (ông Richard nghĩ rất tốt về phong cách và cách nói năng của người đàn ông trẻ tuổi) hai người tạm biệt nhau.

Buổi chiều khách khứa đến – giám mục Kilmore, Phu nhân Mary Hervey, ông William Kentfield, v..v.. Ăn tối lúc năm giờ, uống rượu, chơi bài, ăn khuya, sau đó phân tán ai về phòng nấy.

Sáng hôm say ngài Richard không có ý định đi săn với những người kia mà nói chuyện với giám mục Kilmore. Vị giám mục này khác với các giám mục Ireland thời ấy, đã tới thăm toà giám mục của mình và cư trú ở đó một thời gian khá lâu. Sáng hôm ấy hai người đi dạo ở sân đang nói về những thay đổi và cải tiến của ngôi nhà, vị giám mục bảo, chỉ vào cửa sổ Tây Phòng.

“Ngài Richard ạ, ngài mà cho dân Ireland của tôi ở những chỗ như thế này là không được đâu”.

“Sao thế, chính là phòng của tôi đấy”

Người nông dân Ireland kỵ nhất ngủ bên cạnh chỗ có cây tần bì, mà cây tần bì này mọc um tùm gần ngay cửa sổ phòng, cách không đến hai mét. Có lẽ” ông giám mục mỉm cười nói tiếp “chính vì nó mọc tốt cao to như thế cho nên vẻ mặt ngài mới kém tươi như bạn bè ngài nhìn thấy đây”.

“Quả như thế hay sao ấy, suốt từ mười hai giờ đêm đến bốn giờ sáng tôi không sao ngủ được. Nhưng mai tôi cho hạ cây rồi, khỏi phải nghe nói về nó nữa”.

“Tôi hoan nghênh quyết định ấy của ngài đấy. Lá cây dày đặc thế kia thì làm ngài thở sao nổi”

“Ngài nói đúng. Nhưng đêm qua tôi không mở cửa sổ. Vì có nhiều tiếng động quá, có lẽ các cành cây chà vào ô kính cửa sổ làm tôi chong mắt ra”

“Không thể được ngài Richard ạ, đây ngài xem, không cành cây nào vươn tới khung cửa sổ cả trừ khi có trận gió mạnh mà đêm qua có gió đâu! Cành lá cách ô cửa sổ có đến ba chục phân kia mà”

“Không! Thế tại sao có vết cào để lại khắp trên lớp bụi ở ngưỡng cửa sổ?”

Cuối cùng họ cho là có chuột từ đám dây thường xuân. Đức giám mục đưa ý đó ra, ngài Richard chộp lấy ngay.

Cả ngày trôi qua êm đềm, đêm đến mọi người về phòng đi ngủ, chúc ngài Richard ngủ ngon.

Giờ đây ông ta đang ở trong phòng mình, nằm trong giường, tắt đèn. Phòng này ở ngay trên nóc bếp, đêm lại ấm, do đó cửa sổ để mở.

Chỗ khung giường rất ít ánh sáng nhưng người ta thấy động đậy tựa như ngài Richard trở đầu từ bên này qua bên kia rất nhanh và gây tiếng động khe khẽ, ta có thể hình dung như là ông ta có rằng nhiều cái đầu màu nâu trong bóng tối mờ, chúng đưa ra trước rồi lại ra sau và cả lồng ngực cũng vậy. Ảo giác này thật đáng sợ.

Còn gì nữa không? Có đấy! Một tiếng động của cái gì đó từ giừơng rơi xuống đánh bộp, đó là một thứ mập mạp trông như con mèo con chạy vút ra khỏi cửa sổ như một ánh chớp rồi một cái gì đó như thế nữa – bốn tất cả – sau đó yên lặng hoàn toàn.


“Anh đến tìm tôi sáng mai nhưng tôi sẽ không ở đấy nữa”

Giống như ngài Matthew, ngài Richard cũng chết trong giường, đen kịt lại!

Một đám khách khứa lặng lẽ và đầy tớ đứng đầy dưới cửa sổ khi biết tin. Nào là ngộ độc kiểu Ý, nào là phái viên của Giáo hoàng đến ám hại, nào là ô nhiễm bởi không khí.

Khách khứa đưa ra nhiều giả thiết, riêng giám mục Kilmore nhìn vào cái cây, nơi chẽ ba thấp co một con mèo đen đang thu người lại nhìn vào cái hốc từ lâu đã có ở thân cây. Nó có vẻ như đang nhìn vào một cái gì rất đáng chú ý trong đấy.

Bỗng dưng nó vươn cổ nhòm hẳn vào cái lỗ và vì đứng chênh vênh, nó trượt tõm vào cái lỗ. Người ta nghe thấy tiếng nó rơi.

Ta đều biết mèo có thể kêu nhưng ít ai nghe thấy nó thét – cái tiếng thét từ trong hốc cây vọng ra. Hai, ba tiếng thét! Mấy người làm chứng không chắc lắm. Sau đến tôi đông nghèn nghẹn, tiếng vật lộn. Phu nhân Mary Hervey ngất đi, bà quản gia bịt tai chạy thẳng lên đến sân thượng mới bỏ tay ra.

Riêng giám mục Kilmore và ngài William Kentfield ở lại. Cho dù tiếng kêu đầy đe doạ nhưng cũng chỉ là tiếng kêu của một con mèo, ngài William nuốt nước bọt mấy cái trước khi nói:

“Xin thưa là trong cái cây thể nào cũng có cái gì đó mà ta chưa biết. Tôi sẽ tìm hiểu ngay đây”

Mọi người nhất trí. Một cái thang được đem tới, một người làm vườn trèo lên nhìn vào trong hốc, chẳng thấy rõ gì cả trừ một cái gì đó lờ mờ đang động đậy ở bên dưới. Người ta lấy một cái đèn lồng buộc dây thừng thả xuống.

“Chúng ta phải xuống dưới đáy. Xin lấy cuộc sống của tôi ra mà thề, bí mất của những cái chết khủng khiếp này nhất định là nằm ở dưới đó”.

Người làm vườn lại trèo lên thang tay cầm đèn, thận trọng thả đèn xuống cái hốc. Ông ta cúi xuống, mặt có ánh đèn chiếu vàng khè, sau đó thì cái mặt đó nhăn nhúm lại như nhìn thấy một cái gì thực kinh khủng và ghê tởm, ông ta thét lên một tiếng hãi hùng và ngã ngửa ra rơi từ trên thang xuống – may thay được hai người đàn ông ở gốc cây đỡ lấy – riêng cái đèn thì rơi vào trong.

Ông ta ngất đi tưởng như đã chết, thành ra chưa ai moi được lời nào từ miệng của ông ta cả.

Nhưng rồi lại có một thứ khác cho mọi người nhìn. Vì cái đèn rơi xuống, lửa bắt vào rác rưởi và lá cây khô ở trong thành ra vài phút sau từ trong hốc một làn khói dày đặc bốc lên ,sau đến ngọn lửa, nói tóm lại, cả cái cây đang bùng cháy.

Những người đứng xem quây thành một vòng ở xa mấy mét, ngài William và đức giám mục cử người đi tìm vật khí hoặc bất cứ dụng cụ gì cũng được, bởi rất rõ ràng là con thú nào dùng hốc cây đó làm hang thế nào cũng phải vọt ra do lửa hun.

Đúng thế. Thoạt tiên ngay chỗ chẽ cây là một thân hình tròn xoe – như cái đầu người – đang bốc lửa – đột ngột nhô lên sau đó xỉu ngay rơi xuống. Rồi đến sáu bảy lần như thế, cuối cùng một quả cầu lửa vọt lên không trung tiếp đến nhào xuống bãi cỏ năm im. Vị giám mục tới gân, nhìn thấy…những gì còn lại của một con nhện khổng lồ mắt đầy gân vỡ bung ra! Cái cây cháy thấp xuống thì rằng nhiều con vật giống như thế từ trong thân cây bổ ra, chúng có lông lá xám xịt.

Cả ngày hôm ấy cây tần bì cháy và người ta đứng quanh cho đến lúc nó rụi hẳn. Con nhện nào ra đến ngoài cũng bị diệt ngay. Cuối cùng một lúc lâu không thấy gì bò ra nữa họ xúm lại nhìn vào những rễ cây.

“Họ tìm thấy” giám mục Kilmore nói “dưới cùng chỗ đất lõm sâu có vài ba xác con vật như thế chết vì ngạt khói, và lạ thay bên cạnh cái hố đó, sát vào tường nhà, là một bộ xương người, bên trên còn lớp da khô, vài sợi tóc đen, những người đến xem bảo rõ ràng đây là một bộ xương đàn bà chết cách đây khoảng năm mươi năm”.

Chú thích:

[1] Cựu giáo hoàng Alexandre VI, thuộc gia đình Borgia người Ý gốc Tây Ban Nha nổi tiếng về tội ác đầu độc, nhấ là người em gái Lucrèce Borgia


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.