Đọc truyện Giếng Thở Than – Chương 7: Bá tước Magnus
Làm sao những giấy tờ ghi chép mà từ đó nó được viết ra câu chuyện có đầu có đuôi như thế này đến được tay tôi, thì phải đến cuối những trang sau đây các bạn mới biết được. Nhưng trước khi đưa trích dẫn của tôi về các giấy tờ đó ra, tôi cũng phải nói để các bạn biết hình thức của chúng như thế nào đã.
Chúng gồm một phần các sưu tập cho một cuốn sách hướng dẫn du lịch kiểu như thường thấy ở những năm 40 như cuốn Quyển Nhật ký lưu lại Jutland và các đảo của Đan Mạch là một ví dụ thuộc loại này. Chúng thường nói về những vùng hiếm người đến ở lục địa, được minh họa bằng tranh khắc gỗ hay khắc thép, cho ta biết chi tiết việc ăn ở khách sạn, phương tiện đi lại, tựa như ở các sách du lịch được sắp đặt đầy đủ thời nay, trong còn ghi lại các cuộc chuyện trò với những người ngoại quốc thông mình, các chủ quán nhiệt tình, những người nông dân ba hoa, nói chúng là những người hay chuyện.
Với ý định ban đầu là thu thập tài liệu cho một cuốn sách như vậy, các giấy tờ tôi thu nhặt được cho là của một người duy nhất, đã kể lại những gì mình trải qua cho tới tận phút cuối cùng của sự việc.
Người viết chúng là một ông Wraxall nào đó. Muốn hiểu về ông, tôi chỉ còn cách dựa hoàn toàn vào những gì ông cung cấp, từ đó suy luận ra ông ta là một người quá tuổi trung niên, có đôi chút tiền của, và chỉ có một mình trên đời. Hình như ông không có chỗ ở cố định tại nước Anh, thường chỉ ở khách sạn và nhà trọ. Có thể ông cũng muốn sẽ an cư lạc nghiệp trong tương lai, một tương lai không bao giờ đến cả, tôi nghĩ cũng có lẽ ngọn lửa của trận hoả hoạn Pantechnicon vào đầu thập niên 70 đã thiêu cháy hầu hết những gì có thể cho ta biết về tổ tiên của ông, vì một hai lần gì đó ông đã nhắc đến tài sản của mình chứa trong toà nhà ấy.
Cũng thấy được ông Wraxall đã cho in ra một quyển sách kể về kỳ nghỉ hè của ông ở Brittany, nay là vùng Bretagne của nước Pháp. Không thể nói gì thêm nữa về tác phẩm của ông. Tìm tòi kỹ trong các thư mục cũng không có, nếu có, hẳn xuất bản không tên hoặc dưới tên hiệu.
Về tính cách ông có thể sơ bộ nhận xét như sau: ông chắc chắn thông minh và có học vấn. Hình như suýt được ở trong ban lãnh đạo của trường đại học của ông ở Oxford – trường Brasenose, theo như tôi đọc được trong quyển sổ hàng năm của trường đại học. Thói xấu không sửa được của ông rõ ràng là quá tọc mạch, ở một người đi du lịch đó có thể là một ưu điểm, nhưng chính đó là đìều đã khiến ông phải trả giá đắt ở hồi cuối câu chuyện.
Cuộc du hành cuối cùng của ông có vẻ như để viết một cuốn sách khác. Bắc Âu, một nơi mà cách đây bốn chục năm người Anh thấy rất xa lạ, được ông coi là một lĩnh vực thú vị. Chắc hẳn đã vô tình rơi vào tay ông một vài quyển sách cổ về lịch sử Thụy Điển hay một vài cuốn hồi ký, thế là ông chợt nảy ra ý nghĩ có thể viết về một cuốn mô tả du lịch ở Thụy Điển xen kẽ với những mẩu chuyện về lịch sử của các gia đình lớn ở nước này. Ông kiếm được thư giới thiệu tới một số nhân vật tầm cỡ ở Thụy Điển và ông xuất phát đầu mùa hè 1863.
Chặng đường lên phía Bắc khỏi cần nói, mấy tuần di trú ở Stockholm cũng vậy. Chỉ cần nói một điều: đó là có mấy nhà thông thái ở đó khuyên ông truy tìm một bộ sưu tập tài liệu thuộc các chủ sở hữu của một ngôi thái ấp cổ ở vùng Eastergothland và tìm cách để được nghiên cứu các tư liệu ấy.
Ngôi thái ấp, tiếng Thuỵ Điển là herrgard, được gọi là Raback (đọc theo tiếng Anh na ná Roebeck), mặc dù đó không phải là tên nó. Nó là một trong những ngôi nhà đẹp nhất thuộc loại này trong cả nước, một bức tranh khắc về nó in trong quyển Thụy Điển cổ đại và hiện đại của Dahlenberg năm 1694 cho thấy một hình ảnh rất giống với những gì du khách nhìn thấy ngày nay. Ngôi nhà được xây sau năm 1600 không lâu, nói một cách thô thiển, rất giống một ngôi nhà ở Anh vào thời kỳ này về mặt vật liệu xây dựng – gạch đỏ, mặt trước là đá – kiểu cách cũng vậy. Người xây nó là một hậu duệ của gia đình có tiếng tăm lừng lẫy De la Gardie, hiện con cháu của ông này vẫn sở hữu ngôi nhà. De la Gardie sẽ là tên tôi dùng để chỉ những người ấy khi cần.
Họ đón tiếp ông Wraxall rất lịch sự, tử tế, đề nghị ông ở ngay tại đó cho đến khi nào xong việc nghiên cứu thì thôi. Nhưng, muốn tự do, vả lại không tin ở khả năng nói tiếng Thụy Điển của mình, ông ra ở một quán trọ trong làng, không ngờ quán rất tiện nghi và ấm cúng, kể cả trong những tháng hè. Thu xếp như vậy đòi hỏi hàng ngày phải đi bộ tới ngôi thái ấp kể cả đi về gần một dặm. Bản thân ngôi nhà nằm giữa một công viên và được che chắn bởi một cánh rừng già. Gần đó là một khu vườn có tường bao quanh, sau đó đến một khu rừng khép kín viền lấy một trong những cái hồ lớn, vùng này vốn trũng do cái hồ đó. Cuối cùng là bức tường ngăn cách phạm vi của cả ngôi thái ấp với bên ngoài.
Leo lên một ngọn đồi nhỏ – đồi đá phủ lớp đất mỏng – bạn tới nhà thờ trên đỉnh đồi bao quanh là cây cao bóng cả. đối với người Anh, nhà thờ là một toà nhà kỳ quặc. Gian giữa của giáo đường và các gian bên thấp hẳn xuống, trong kê các ghế nguyện và có rất nhiều hành lang. Trong hành lang phía Tây có một chiếc đàn organ cổ rất đẹp sơn màu sáng, các ống của nó bằng bạc. Trần phẳng được một hoạ sĩ thế kỷ mười bảy trang trí cảnh “phán xử cuối cùng” rất xấu xí và lạ lùng, với những ngọn lửa khủng khiếp, các thành phố hoang tàn, những tàu thuỷ cháy bừng bừng, nhiều con người kêu khóc và những con quỷ màu nâu đang cười. Đèn chùm bằng đồng treo ở giữa mái nhà thờ. Bục giảng kinh bé xíu như một ngôi nhà búp bê, trên có các thiên thần và các vi khách bằng gỗ sơn, một cái giá với đồng hồ cát lắp bằng bản lề vào bàn giảng đạo. Những cảnh như vậy người ta thường thấy trong nhà thờ Thụy Điển ngày nay, cái phân biệt ngồi nhà thờ này với các nha1 thờ khác là ở chỗ nó co một tòa nhà phụ đính vào toà nhà chính. Ở mé đông của gian phía Bắc, chủ nhân thái ấp đã xây một lăng mộ cho chính mình và gia đình mình. Đó là một toà nhà rộng, tám cạnh với một loạt cửa sổ bầu dục, mái vòm có chóp hình bí ngô vươn lên nó thành hình tháp, đây là hình thể của các kiến trúc sư Thụy Điển rất ưa chuộng. Vòm nhà bên ngoài dát đồng, sơn đen,trong khi các bức tường ngược lại trắng lồ lộ như đập vào mắt người ta. Từ nhà thờ không có cửa thông sang đây. Toà nhà có cánh cửa riêng với các bậc tam cấp ở phía bắc.
Qua sân nhà thờ tới con đường nhỏ đi vào làng, mất ba bốn phút bạn tới quán trọ.
Ngày đầu tiên ở Raback, ông Wraxall thấy cánh cửa nhà thờ mở, qua đó ta có thể thấy được những mô tả ở trên kia. Tuy nhiên, ông không vào được trong lăng mộ, chỉ nhìn qua lỗ khoá thấy các hình đáp nổi bằng đá hoa cương và quan tài bằng đồng, một đồ thờ hình gia huy rất quý, khiến ông rằng mong muốn có thì giờ vào khảo sát bên trong.
Các giấy tờ ghi chép của ông về ngôi thái ấp tỏ ra đúng là thuộc dạng cần để viết sách. Có các thư từ của gia đình, các quyển nhật ký, sổ sách kế toán của những người chủ đầu tiên từ thời xa xưa, viết sách đẹp, gìn giữ cẩn thận, nhiều chi tiết vui và sinh động. Sau khi ngôi thái ấp được xây dựng một thời gian ngắn thì vùng này đâm khốn khó, nông dân nổi dậy đánh phá các lâu đài, gây hư hại nhiều. Chủ Rãback là một trong những thành phần đàn áp chính yếu đưa đến việc xử tử các lãnh tụ phe chống đối, ngoài ra còn nhiều hình phạt tàn ác không nương tay.
Bức chân dung của bá tước Magnus de la Gardie là bức đẹp nhất trong ngôi nhà mà ông Wraxall nghiên cứu với không ít quan tâm sau cả một ngày làm việc. không thấy ông ta tả chi tiết, nhưng tôi đoán cái làm ông Wraxall quan tâm là sức mạnh của khuôn mặt chứ không phải vẻ đẹp của nó, thực tế ông viết “Bá tước Magnus xấu đến mức kỳ quặc”.
Hôm đó ông Wraxall ăn cơm tối cùng với gia đình rồi thả bộ về quán trong ánh trời chiều còn sáng, tuy giờ giấc đã muộn. Ông viết “Tôi phải nhớ hỏi người cháu xem có được phép vào lăng mộ của gia đình không mới được, ông này rõ ràng là đã vào bên trong, bởi tối đó tôi nhìn thấy ông ta đứng ở bậc tam cấp của toà lăng mộ không rõ đang khoá hay mở khoá”.
Sớm hôm sau ông Wraxall có nói chuyện với ông chủ quán. Lúc đầu tôi hơi lạ thấy cuộc chuyện trò khá dài nhưng sau nhớ ra các giây tờ mình đọc là tư liệu để viết quyển sách mà ông đang suy ngẫm, thành thử nó cũng như một bài báo, đủ chỗ cho việc đưa vào nội dung trò chuyện.
Ông nói mục đích của ông là tìm ra xem có đúng là người ta vẫn còn truyền miệng về các hành động của bá tước De la Gardie hay không, và ông này có được quần chúng mến mộ hay không. Như ông thấy thì không. Tá điền cày ruộg cho ông ta mà đến muộn vào ngày Rước Chúa công của thái ấp, liền bị đưa lên ngựa gỗ, bị đánh, bị đóng dấu sắt nung đỏ vào người ở trong sân thái ấp. Trong một vài trường hợp, đất nông dân lấn chiếm vào đất của thái ấp, thì nhà người nông dân ấy một đêm đông nào đó bị đốt cháy một cách bí ẩn, cả nhà chết cháy ở trong. Cái làm cho ông chủ quán nhớ kỹ nhất, vì ông ta nói đi nói lại nhiều lần, là vị bá tước đã làm một cuộc hành hương Đen tối và đem theo về một thứ gì đó.
Các bạn cũng như ông Wraxall chắc sẽ hỏi cuộc Hành hương Đen tối đó là cái gì. Ngay lúc ấy chưa trả lời được. Chủ quán không muốn đáp vào vấn đề, và vì có người gọi ra, ông ta trở vào nói là phải đi Skara đến tối mới về.
Vậy là ngày hôm đó ông Wraxall đi tới thái ấp làm việc, trong bụng vẫn chưa thoả mãn. Nhưng ông lại vừa đọc một số giấy tờ lôi cuốn tư tưởng ông theo một hướng khác. Đó là thư từ giữa Sophia Albertina ở Stockholm với người chị họ đã có chồng tên là Ulrica Leonora ở Rãback vào những năm 1705-1710. Những lá thư này rất đáng quan tâm vì chúng cho ta thấy rõ nền văn hoá Thụy Điển thời kỳ đó. Những người đã đọc toàn bộ những lá thư này trong ấn phẩm của hội đồng các Bản thảo về lịch sử Thụy Điển đều có thể chứng thực.
Buổi chiều đọc xong số thư từ ấy, ông cất lại vào hộp để trên giá, thuận tay lấy xuống vài cuôn sách để cạnh đó định xem thử ngày mai chủ yếu sẽ đọc cái gì. Trên giá sách phần lớn là sưu tập sổ sách kế toán do chính tay bá tước Magnus viết. Trong số đó lại có một quyển không phải sổ kế toán mà là sách về thuật giả kim học thế kỷ mười sáu. Không chuyên về loại sách này thành ra ông Wraxall mất khá nhiều chỗ trong giấy tờ của mình để ghi lại tênvà khởi đầu các luận thuyết khác nhau, sách của The Phoenix, sách của Trinity Words, sách của Toad, sách của Miriam, của nhà triết học Turba, vân vân. Ông tuyên bố rằng hài lòng khi tìm ra trên nó một trang giấy vốn để trắng ở giữa quyển sách mấy dòng chữ viết tay của bá tước Magnus mở đầu bằng “Liber nigrae peregrinationis”. Tuy chỉ vài dòng, nhưng cũng đủ chứng tỏ ông chủ quán sáng hôm đó đã nhắc đến một đức tín chí ít có từ thời bá tước Magnus, và rất có thể chính ông ta cũng tin. Tiếng Anh hiểu qua những dòng chữ đó như sau “Nếu như có ai muốn sống lâu, muốn tìm được một sứ giả trung thành và nhìn thấy máu kẻ thù, thì người đó trước hết phải đi đến thành phố Chorozin và tới chào ông hoàng ở đó…” Đến đây có một chữ bị tẩy xoá mờ mờ, theo ông Wraxall ông nhìn thấy rõ là chữ “aeris” (của không khí). Sau đó không thấy chép được gì nữa ngoài dòng chữ La tinh “Quaere reiqua hujus homelei inter secretiora” (xem phần cuối câu chuyện này trong những tư liệu có tinh cách riêng tư hơn)
Không thể chối cãi được mấy dòng trên rọi một ánh sáng khá ghê gớm vào đức tin và sở thích của bá tước, tuy nhiên ông Wraxall ở cách xa bá tước ba thế kỷ, ý nghĩ cho rằng những câu trên – nhằm đưa thêm thuật giả kim vào sức mạnh đầy sinh động của ông ta đồng thời đưa thêm phép thần vào thuật giả kim – đã khiến cho hình ảnh của ông ta càng thêm sinh động, thành ra sau khi ngắm kỹ hơn chân dung ông ta trong sảnh toà nhà rồi lên đường về quán, ông Wraxall đây hình ảnh bá tước trong đầu óc, chẳng để ý đường đi lối lại và cảnh vật chung quanh cũng như hương thơm buổi chiều trong rừng và bên hồ, đến lúc đột nhiên sực tỉnh mới giật mình thấy mình đã đến cổng nhà thờ và chỉ vài phút nữa là tới giờ cơm tối. “Ái chà”, ông Wraxall nói “Bá tước Magnus, thế ra đã đến nơi ông ở. Thế nào tôi cũng phải gặp ông mới được”
Wraxall viết “Giống như những người cô đơn, tôi có tật hay nói to một mình, và không giống những người Hy lạp và La tinh chút nào ,tôi không hề chờ đợi có ai đó trả lời. Quả vậy trong trường hợp này có lẽ là may mắn. Không có ai hay giống nói của ai, chỉ có một người đàn bà theo tôi là người quét nhà thờ, đánh rơi vật kim khí gì đó xuống sàn keng một cái làm tôi giật thót người. Bá tước Magnus, tôi cho là còn đang ngủ kỹ”.
Ngay tối đó, ông chủ quán nghe nói ông Wraxall muốn gặp người trợ tế (ở Thụy Điển họ gọi như vậy) của giáo khu, bèn giới thiệu ông này với ông Wraxall trong phòng khách quán trọ. Cuộc thăm khu lăng mộ gia đình De la Gardie được sắp xếp vào sáng hôm sau. Mọi người ngồi trao đổi với nhau trong cuộc nói chuyện chung.
Ông Wraxall nhớ ra một trong các nhiệm vụ của ông thầy trợ tế ở Bắc Âu là dạy dỗ những người sắp thụ lễ Kiên tin. Ông nghĩ nên làm mới trí nhớ của mình về vài điểm trong Kinh thánh.
“Thưa thầy có thể cho biết Chorazin ở đâu?”
Thầy trợ tế giật nảy mình, nhưng cũng sẵn sàng kể ông ta nghe ngôi làng này đã từng bị đe dọa san bằng.
“Vâng, tôi biết” ông Wraxall nói “tức là hiện nay đã tàn lụi?”
“Tôi nghĩ vậy” thầy trợ tế nói tiếp “Tôi nghe các vị tu sĩ già nói đó là nơi sẽ sinh ra sự chống lại Chúa, có nhiều chuyện kể…”
“Chuyện thế nào ạ?” ông Wraxall hỏi.
“Những chuyện mà tôi đã quên rồi” thầy trợ tế đáp, đến đó ra về.
Lúc này chỉ còn lại chủ quán, một mình với ông Wraxall, con người hay hỏi chuyện này không tha ông ta.
“Ông Nielsen” Wraxall nói “tôi đã tìm hiểu được đôi chút về cuộc Hành hương Đen tối. Ông cứ cho tôi nghe những gì ông biết. Bá tước Magnus đem theo cái gì về đây?”.
Người Thụy Điển thường chậm chạp khi trả lời, không biết có đúng thế không, hay ông chủ quán là cá tính, tôi biết ông Wraxall ghi lại rằng, ông chủ quán nhìn vào ông độ một phút rồi mới nói. Ông ta lại gần khách, cố gắng lắm mới lên tiếng được
“Ông Wraxall ạ, tôi kể cho ông câu chuyện nhỏ này, chỉ một chuyện mà thôi, không hơn, xin ông đừng hỏi gì thêm mới được. Thời ông nội tôi tức là chín mươi năm về trước có hai người nói với nhau rằng “Bá tước chết rồi, cần gì. Ta cứ đi tối nay, tha hồ săn trộm trong rừng của lão”. Rừng này chạy dài trên quả đồi mà ông trông thấy ở phía sau Rãback ấy. Có người nghe thấy hai người ấy nói thế bèn bảo “Này, đừng đi, dám chắc hai anh sẽ gặp những người đang đi, những người lẽ ra đang yên nghỉ chớ không phải là đang đi.” Hai người kia chỉ cười. Vì không ai muốn đi săn ở khu rừng đó nên không có người gác rừng. Gia đình chủ thái ấp lại không ở trong ngôi nhà do đó mấy người kia muốn làm gì thì làm. Thế là họ vào rừng. Ông nội tôi ngồi ở đây, trong nhà này. Đó là một đêm mùa hè, trời rất sáng. Cửa sổ mở nên cụ nhìn ra ngoài rất rõ, nghe cũng rõ nữa.”
“Cụ ngồi cùng hai ba người nữa, tất cả cùng lắng nghe. Lúc đầu không nghe thấy gì cả, sau đó nghe tiếng gì đó – ở rất xa –thét lên một tiếng kinh hãi như thể linh hồn anh ta bị xoắn vặn ra ngoài cơ thể. Mấy người ngồi trong phòng ôm lấy nhau thật chặt suốt bốn mươi lăm phút sau. Rồi họ nghe tiếng một người khác – chỉ cách độ ba chục mét, cười phá lên, người này không phải một trong số hai người kia, ai cũng nói không phải tiếng cười của một trong hai người họ. Cuối cùng có tiếng cánh cửa đóng lại.”
“Đợi lúc mặt trời lên, cả bọn tìm đến cha cố, nói với cha “Xin cha mặc áo chùng và đeo cổ áo xếp nếp đến chôn cho Anders Bjomsen và Hans Throbjorn!”
“Ông biết chứ, mọi người tin là cả hai đã chết. Tất cả vào rừng – ông tôi còn nhớ là chính họ cũng như những người đã chết, cha cố sợ đến bệch mặt ra, lúc họ đến chính cha cũng nói “Tôi có nghe một tiếng thét đêm qua, còn nhớ đến tiếng thét ấy tôi sẽ không bao giờ có thể ngủ ngon được”
“Thế là họ vào rừng và thấy hai người kia ở bìa rừng. Hans Thorbjorn đứng dựa lưng vào một cái cây, hai tay cứ đưa ra phía trước như đẩy một cái gì đó ra mà cái đó không ai trông thấy. Anh ta không chết. Họ đưa anh ta về nhà ở Nyjoping, anh ta chết trước mùa đông, vẫn tiếp tục đưa hai tay đẩy trước mặt. Còn Anders Bjornsen thì nằm chết ở đó, anh ta là một người rất đẹp trai thế mà không thấy mặt đâu, mất hết thịt chỉ còn trơ xương. Ông hiểu không? Ông nội tôi nhớ mãi. Họ khiêng anh ta lên cái cáng mang theo, phủ một tấm vải lên mặt, cha cố đi trước và họ hát lên bài kinh cầu nguyện cho người chết. Vừa hát xong một câu thì người khiêng cáng phía đầu ngã xuống, mọi người nhìn theo thấy tấm vải che mặt rơi ra, và hai con mắt anh chàng Anders Bjornsen ngước nhìn lên. Họ bước không nổi. Cha lấy tấm vải len phủ lại, cho người đi lấy xẻng chôn anh ta luôn tại đó.”.
Ngày hôm sau ông Wraxall ghi lại, thầy trợ tế đến tìm ông ngay sau bữa ăn sáng, đưa ông tới nhà thờ và nhà mộ. Ông để ý thấy chìa khóa nhà mộ treo trên một cái đinh bên cạnh bục giảng kinh, vậy là ông có thể vào nhà mộ lần thứ hai thăm thú một cách riêng tư hơn nếu như lần đầu chưa thấy được hết cái hay của nó, bởi vì như một quy luật, cửa nhà thờ lúc nào cũng mở. Bước vào nhà mộ ông thấy nó khá là bề thế. Các tượng đài khá rộng, bản dựng thẳng đứng theo kiểu thế kỷ mười bảy và mười tám, trông rất đường hoàng, trang nghiêm nếu không muốn nói là phong phú kể cả về mộ chí lẫn huy hiệu. Chính giữa gian phòng mái vòm là ba cỗ quan tài bằng đồng, trên mặt trang trí rất tinh xảo. Hai trong số quan tài, theo kiểu Đan Mạch và Thụy Điển, có một chữ thập bằng kim loại trên nắp. Quan tài thứ ba, của bá tước Magnus như được thấy rõ, trên toàn bộ chiều dài nắp khắc hình nổi của ông và chung quanh là những dải hình thể hiện nhiều cảnh vật khác nhau, cũng được khắc như thế. một là cảnh chiến trận với súng thần công vừa nhả đạn còn bốc khói, vừa các thành phố có tường vây quanh, các toán lính hoặc toán người gác ở các chỗ thu thuế đường. Cảnh khác mô tả một cuộc hành quyết. Cảnh thứ ba, giữa các cây to, là một người đàn ông đang chạy hết tốc lực, tóc bay tơi tả, hai bàn tay giơ ra, đằng sau có một hình thù đuổi theo, rất khó hình dung nghệ sĩ định vẽ một người đàn ông mà không được giống thế hay có ý mô tả một con quỷ như hình vẽ thể hiện. Theo như tài khéo léo trổ trên các hình khắc khác, ông Wraxall nghiêng về ý sau này nhiều hơn. Dáng dấp thấp lùn, từ đầu đến chân trùm tùm hum một cái áo dài đen có mũ trùm đầu, dài sát đất. Phần duy nhất của hình thù thò ra ngoài áo không rõ là bàn tay hay cánh tay, ông Wraxall cho là tua cảm nhận của loại quỷ cá. Ông viết “Nhìn thấy thế, tôi nghĩ đến biểu tượng quỷ sứ săn đuổi người – có thể là nguồn gốc câu chuyện về bá tước Magnus và kẻ đồng hành bí ẩn của ông ta. Giờ thì ta hãy nhìn vào người đàn ông đi săn, nhất định là một con quỷ đang thổi tù và”. Nhưng rồi lại hóa ra cái hình ảnh giật gân đó, chỉ là một người mặc áo khoác dài đứng trên một ngọn đồi nhỏ, dựa vào một cây gậy nhìn cảnh săn người với vẻ quan tâm mà người khắc cố tỏ ra diễn đạt thái độ ấy của ông ta.
Ông Wraxall lưu ý tới ba cái khóa móc lớn được chế tạo tinh vi dùng để khóa cỗ quan tài bá tước. Một trong ba cái khóa đó rời ra nằm trên mặt đá lát gian phòng. Đến đó, không muốn mất thì giờ của thầy trợ tế nữa, ông Wraxalll từ biệt, lên đường đi tới toà thái ấp.
“Kể cũng lạ” Wraxall ghi chép “khi nghiên cứu ngược lại lịch sử của một gia tộc người ta lại cứ bị thu hút bởi những chuyện ngoài rìa. Đêm nay là lần thứ hai tôi hoàn toàn không để ý là mình đi đâu (tôi đã hoạch định trở lại nhà mộ lần thứ hai để chép lại đoạn văn bia) thì bỗng nhiên sực tỉnh thấy mình (như lần trước) đi vào cổng nhà thờ và tin là mình có nói hay hát lên câu gì đó đại loại như là “Bá tước Magnus, ngài đang thức hay đang ngủ?” và câu gì nữa tôi không còn nhớ. Đôi khi tôi vẫn hay có những việc làm vô thức như thế”
Ông tìm thấy chiếc chìa khóa nhà mộ treo ở chỗ hôm trước, ông chép lại phần lớn đoạn văn bia, ở đó đến khi tối không nhìn rõ nữa mới ra về. “Có lẽ tôi nhầm” ông viết, “khi nói là một trong ba cái khóa móc của quan tài bá tước Magnus được mở ra. Thực tế hôm nay tôi nhìn thấy hai. Tôi nhặt cả hai lên, cẩn thận đặt chúng trên bờ cửa sổ, cố khoá chúng lại mà không được. Cái khoá móc còn lại vẫn được khoá chặt mặc dù tôi nghĩ đây là loại khoá lò so. Nhưng không biết mở cách nào, giả sử mở đến hẳn tôi đã dám mở chiếc quan tài ra chứ chẳng chơi. Kể cũng lạ, tôi có cảm giác sở dĩ mình quan tâm đến cái nhân vật ở trong là vì tôi cho đó là một lão quý phái già tính cách phần nào man rợ và nhẫn tâm”.
Ngày hôm sau hoá ra lại là ngày cuối cùng ông Wraxall lưu lại Raxback. Ông nhận được mấy lá thư về việc đầu tư của ông ở Anh, nói nếu ông trở về được thì tốt, thực tế công việc nghiên cứu của ông cũng đã xong mà đi đường lại mất nhiều thì giờ. Do dó ông quyết định còn gì thì ghi chép nốt, sau đó chia tay mọi người để trở về.
Thực tế việc ghi chép và chia tay mất nhiều thì giờ hơn ông tưởng. gia đình hiếu khách kia nhất định mời ông dùng cơm tối – họ ăn lúc ba giờ – tới sáu giờ rưỡi ông mới ra khỏi Raxback. Ông đi chầm chậm từng bước một bên bờ hồ để tận hưởng cho hết giờ khắc cũng như nơi chốn mà ông đi trên đó lần cuối cùng. Tới đỉnh ngọn đồi gần nhà thờ ông chần chừ ít phút nhìn vào cánh rừng vô tận như gần như xa, tối thẫm dưới bầu trời trong xanh màu lá cây. Cuối cùng khi quay đi, ông chợt nảy ra ý nghĩ phải từ biệt bá tước Magnus cũng như những người còn lại của ga De la Gardie. Nhà thờ còn cách đó độ hai chục mét mà chìa khóa nhà mộ ông đã biết nơi treo. Ông đứng bên chiếc quan tài bằng đồng và như mọi khi nói to lên một mình “Vào thời ngài, Magnus ạ, ngài có thể là một tay côn đồ bất lương” ông nói “nhưng vì tất cả những lý do mà tôi muốn gặp ngài, hoặc giả…”
“Vừa lúc đó” ông kể “bàn chân tôi như có ai đá mạnh vào. Tôi lập tức co chân lại và một vật gì đó rơi loảng xoảng trên nền đá. Đó là chiếc khoá móc thứ ba vốn khoá quan tài. Tôi cúi xuống nhặt nó lên – có Trời chứng giám – tôi chỉ nói sự thực, trước khi tôi đứng dậy, có tiếng kim khí động mạnh vào nhau lách cách và rõ ràng tôi nhìn thấy nắp quan tài dựng lên. Tôi hèn thật nhưng quả là không dám đứng thêm một phút nào nữa, vọt ngay ra khỏi khu nhà mộ, và lạ quá không thể nào quay chìa khóa đóng nhà mộ lại, tôi sợ phát khiếp lên. Khi ngồi trong phòng tôi để ghi chép mấy dòng này (hai mươi phút sau) tôi còn tự hỏi cái tiếng leng keng hiện còn tiếp tục không và thực tế đã có hay không. Tôi chỉ biết rằng có một cái gì đó còn đáng sợ hơn thế đã báo động cho tôi, đó là một tiếng động hay hình ảnh tôi không tài nào nhớ được. Tôi đã làm gi vậy?”
Tội nghiệp ông Wraxall, ngày hôm sau ông lên đường về Anh như đã dự định, ông về đến Anh an toàn, ấy thế nhưng qua nét chữ viết trái tay cùng những đoạn ghi chép rời rạc, ông tỏ ra bị suy nhược. Các giấy tờ này cùng một trong những sổ tay ghi chép của ông đến tay tôi cho thấy tuy không phải yếu tố chủ chốt, một loại thể nghiệm nào đó của ông. Vì phần lớn chuyến du hành của ông là ở trên thuyền, có đến sáu lần ông cố gắng vất vả mô tả hành khách cùng đi, theo kiểu như sau:
24 – Cha xứ làng Skane: áo chùng đen, mũ đen mềm
25 –Thương nhân đi từ Stockholm đến Trollhattan, áo khoác đen, mũ nâu.
26 – một người đàn ông mặc áo khoác ngoài màu đen, mũ rộng vành, người rất cổ.
Mục này được kẻ đi, và thêm vào ghi chép như sau “Cố lẽ giống với số 13, chưa nhìn thấy tận mặt” Xem đến số 13, tôi tìm ra ông ta là cha cố La Mã mặc áo thầy tu.
Kết quả tính toán vẫn như nhau. Có 28 người tất cả được liệt kê ra, trong số đó một vẫn là người đàn ông mặc áo khoác dài màu đen, mũ rộng, kẻ thứ hai “lùn, mặc áo khoác có mũ trùm đầu”. Mặt khác ghi chép luôn kể ra chỉ có 26 hành khách có mặt trong bữa cơm, người mặc áo khoác đen không thấy, người lùn cũng vắng mặt.
Tới Anh, ông Wraxall lên bờ ở Harwich và lập tức tìm cách để thoát khỏi người nào đó hoặc những người nào đó mà ông không xác định được, nhưng tin chắc là đang đuổi theo ông. Vì vậy ông thuê một cỗ xe ngựa, xe độc mã đóng ngựa, ông không tinh ở tàu hoả, để băng qua miền quê tới một làng là làng Belchamp St Paul. Ông đến gần làng này lúc chín giờ vào một đêm tháng tám sáng trăng. Ông ngồi phía trước, qua cửa sổ nhìn ra cánh đống và các bụi cây bên ngoài đang lao đi vùn vụt – vì cũng chẳng có gì khác để ngắm. Bỗng nhiên đến một ngã tư, góc đường có hai hình người đứng bất động, cả hai trùm áo khoác đen, người cao hơn thì đội mũ, người thấp có mũ trùm đầu. Ông không kịp nhìn thấy mặt họ, vả họ cũng không làm một động tác nào để ông có thể nhận mặt. Con ngựa nhảy mạnh sang một bên rồi phi thật nhanh, ông Wraxall ngã người ra sau ghế, tuyệt vọng. Hai người này trước đây ông đã nhìn thấy.
Đến Belchamp St Paul, ông may mắn tìm được một chỗ trọ đồ đạc sẵn, hai mươi bốn giờ tiếp theo có thể nói là ông cũng tương đối ổn. Những ghi chép cuối cùng của ông cũng là trong ngày hôm ấy. Chúng không đầu đuôi, phóng ra bất kỳ, tuy nội dung thì đủ sáng tỏ. Ông đang chờ hai người theo đuổi ông tới thăm – bằng cách nào và khi nào thì ông không biết – và lúc nào ông cũng chỉ kêu lên có mỗi một câu “Tôi đã làm gì nào?” và “Không có hy vọng nào sao?” ông biết các bác sĩ sẽ cho là ông điên, cảnh sát sẽ cười vào mặt ông. Cha xứ đi vắng. Ông biết làm gì khác ngoài việc đóng kín cửa cầu Chúa?
Năm ngoái dân ở đó vẫn còn nhớ nhiều năm trước ở Belchamp St Paul có một ông quý tộc đến đó vào buổi tối một đêm tháng tám, sáng hôm sau chết trong phòng, người ta có điều tra, bồi thẩm đoàn bảy người nhìn váo xác chết ngất cả bảy không ai nói được một câu là đã nhìn thấy cái gì, lời tuyên án là “Sự trừng phạt của Chúa”. Người coi nhà dọn đi chỗ khác ngay trong tuần ấy. Không ai tìm ra một ánh sáng le lói nào của bí mật không thể tìm nổi.
Năm ngoái, vô tình căn nhà nhỏ đó rơi vào tay tôi với một phần của cải thừa kế. Suốt từ 1863 nó vẫn bị bỏ không và xem ra triển vọng chẳng ai thuê, thế là tôi kéo sập nó. Các giấy tờ qua đó tôi tóm lược câu chuyện vừa rồi cho các bạn nghe, được tìm thấy trong một chiếc tủ bị quên lãng nằm dưới cửa sổ gian phòng ngủ đẹp nhất của căn nhà.