Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Chương 5: Đồng Cảm​


Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 5: Đồng Cảm​


Hôm đó tôi trở về liền bị Đinh Ngọc kéo thẳng vào phòng tra khảo. Buổi chiều lúc tôi đang nằm ngủ, Đinh Ngọc và Gạo ra gian phòng khách phụ mẹ cả chuẩn bị cho ngày giỗ đầu của Việp quận công – cha nuôi của quận công Huy. Sau khi Đinh Ngọc quay lại phòng đã không thấy tôi đâu, sai Gạo tìm trong phủ cũng không thấy, hỏi quanh thì một người hầu nói có nhìn thấy tôi. Đinh Ngọc đoán tôi chạy ra ngoài chơi, một mặt sai Gạo ra phố tìm, một mặt che giấu giúp tôi.
Đinh Ngọc ngồi trên ghế tựa, từ tốn nói:
– Đinh Thanh, nói xem em trốn đi đâu chơi giờ mới về?
Tôi đứng giả bộ hối lỗi, một tay kéo kéo tay áo của nàng ta:
– Chị.
– Nếu cha mẹ biết em trốn đi chơi một mình, sẽ tức giận thế nào? Lần trước em trốn đi chơi, học đòi cưỡi ngựa, ngã bệnh thập tử nhất sinh, em vẫn chưa sợ sao? – Đinh Ngọc càng chất vấn, càng lên giọng.
Tôi chỉ biết Đinh Thanh ngã từ lưng ngựa nhưng không biết nguyên nhân sâu xa cũng là trốn đi chơi. Xem ra tôi và Đinh Thanh trước kia cũng có điểm chung. Nhìn gương mặt vì tức giận mà đỏ cả hai gò má của Đinh Ngọc, tôi bỗng muốn ôm lấy chị. Có người chị như Đinh Ngọc, tôi thấy may mắn cho Đinh Thanh, giờ may mắn ấy là của tôi.
Tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh Đinh Ngọc, tay ôm lấy cánh tay của nàng ta. Tôi thì thầm:
– Chị, lần sau em đi chơi sẽ nói cho chị biết trước.
Đinh Ngọc nghe tôi nói xong, bật cười, đẩy mặt tôi ra, gí ngón tay vào trán tôi:
– Thật nghịch ngợm. Lần sau chị sẽ mách cha, xem cha xử lý em thế nào.
Tôi cười hì hì rót nước uống. Đinh Ngọc hỏi tôi đã đi đâu, tôi nói tôi dạo phố chơi, ra ao ngắm sen. Tôi còn rủ Đinh Ngọc lần sau đi ngắm sen. Nhưng tôi không kể một chữ về chuyện tôi gặp Trịnh Khải. Một phần là sợ việc tôi gặp con trai bên ngoài sẽ càng khiến Đinh Ngọc lo lắng, một phần là tôi không muốn kể.

Đến tối ăn cơm, mẹ cả nhìn thấy tóc tôi vẫn chưa chịu búi lên gọn gàng, liền nhẹ giọng nhắc nhở. Tôi định bịa chuyện đầu của tôi vẫn còn đau, nếu búi lên sẽ khó chịu, nhưng nghĩ lại không dám nói, đành dạ qua loa. Quận công thì chỉ cười, ông nói cứ để tùy ý tôi đi. Tôi mừng rỡ gật đầu tán thành. Ông thấy thế lại càng cười lớn. Mẹ cả vì vậy sau này không bao giờ nhắc nhở vụ tóc tai của tôi nữa.
Nhưng tôi vẫn thể hiện là một đứa con gái ngoan. Sáng hôm sau tôi để Gạo tết tóc, quấn khăn tròn quanh đầu, cài thêm một trâm bạc, lại thả đuôi tóc một bên. Còn về trang phục, hôm qua tôi thấy nó thú vị, còn hôm nay tôi thấy nó rắc rối, nhưng vẫn nhẫn nại để Gạo mặc từng lớp cho tôi.
Dùng xong bữa sáng, quận công giống mọi ngày đi xử lý việc của trấn. Mẹ cả và Đinh Ngọc tiếp tục chuẩn bị cho ngày giỗ, lên danh sách cần mua, vật phẩm cúng tế, món ăn tiếp khách. Gạo, Hoa và các người hầu khác trong phủ lăng xăng lau dọn, kê bàn, căng màn… Chỉ có tôi là rảnh rỗi không việc làm. Tôi nói muốn về phòng nằm nghỉ.
Chưa về đến phòng tôi lại bị cánh cửa gỗ cuốn hút.
Kéttt…
Tôi lại lẻn ra ngoài đi chơi, đến gốc đa bên cạnh hồ sen hôm qua. Xung quanh yên tĩnh, bóng cây phủ xuống một nửa trên bờ, một nửa xuống ao sen. Leo lên một cành cây lớn, tôi ngồi tựa vào thân cây, thả chân đung đưa, mắt nhìn ra xa. Tôi thực sự thích phong cảnh yên bình ở đây. Trong gió mát thổi đến vừa có hương sen thoang thoảng dưới ao, vừa có mùi lúa chín từ cánh đồng bên kia và cả mùi nắng thanh khiết.
Đang thả hồn ngắm cảnh, tôi chợt nghe tiếng bước chân chạy đến. Chỗ tôi đang ngồi khá cao, có vài cành lá che chắn nhưng chỉ cần có người ở dưới ngước mắt nhìn lên là sẽ thấy tôi. Tôi có chút hoảng hốt, liền ngồi im lặng, đến thở cũng không dám thở mạnh. Hôm qua là gặp Trịnh Khải, hôm nay gặp ai đây?
Tôi nghiêng đầu nhìn xuống. Người ở dưới mang một bộ đồ xám tro, đầu quấn khăn xanh đen, không nhìn rõ mặt. Anh ta hét một tiếng “A” rồi vung tay đấm một cái rất mạnh vào thân cây khiến cành lá lắc lư. Tôi sợ hãi một tay ôm thân cây thật chặt, một tay bịt miệng.
Anh ta sau khi giải tỏa cơn tức giận bằng nắm đấm thì đứng thẳng người, mắt nhìn ra xa về phía ao sen. Tôi không biết anh ta đang nhìn gì, đang suy nghĩ gì nhưng anh ta đứng mãi, đứng mãi rất lâu. Hai tay anh ta buông thõng xuống hai chân, bàn tay vẫn như cũ nắm chặt. Tôi cũng vì thế ngồi ôm cây rất lâu, người không dám động đậy nên có chút mỏi. Nhưng tôi lại không dám lên tiếng.
Tôi lại nhìn xuống người ở bên dưới, bỗng có cảm giác, người đứng dưới đó trông rất cô đơn.
Mặc dù có chút đồng cảm nhưng chân tôi hơi tê, người nào đó ơi, mau mau trở về đi. Tôi nhúc nhích hai chân để máu lưu thông, không ngờ một chiếc giày tuột xuống đất.
Bịch.
Chiếc giày vải đáp xuống đất. Đồng thời, người kia quay người lại, nhìn chiếc giày rồi ngước mặt nhìn lên cây. Tôi đang ngồi trên cây, chân buông thõng cũng lập tức vịn cành đứng dậy. Nhưng do ngồi lâu, chân đã tê cứng nên tôi bị tuột xuống khỏi cành cây.

“Aaa…”
Tôi chỉ kịp hét một tiếng thất thanh. Tiêu rồi, xương gãy là chắc. Nhưng tôi lại cảm nhận được đôi tay rắn chắt bắt lấy cả người tôi. Anh ta đã đỡ được tôi, tôi không rớt xuống đất. Tôi sợ hãi từ từ mở mắt nhìn người vừa cứu mình.
Là Trịnh Khải.
Sao có thể trùng hợp đến như vậy?
Là Trịnh Khải ngạo mạn, lạnh nhạt hôm qua, vừa nãy tức giận và cô đơn như vậy?
Là Trịnh Khải đang ôm cả người tôi.
Tôi liền tuột xuống khỏi hai tay của anh ta, phủi phủi áo cho thẳng, ngượng ngùng:
– Cám ơn.
Anh ta nhìn về phía chiếc giày bị rơi cách tôi khoảng một bước chân, tôi hiểu ý nhích chân qua, mang giày vào. Giọng anh ta rất trầm:
– Sao nàng lại ở đây? Nàng tính quyên sinh lần nữa sao?
Nghe thì có vẻ anh ta đang giễu cợt tôi, nhưng giọng nói lại buồn bã như vậy. Tôi không biết nói thế nào, đành im lặng.
Trịnh Khải lại hỏi:

– Tại sao nàng không lên tiếng từ đầu?
Tôi vò vò tóc, nói dối không nháy mắt:
– Tôi muốn thử xem công tử có phát hiện ra tôi hay không. Không ngờ anh lại kém như vậy. Làm tôi ngồi muốn tê liệt cả người.
Trịnh Khải cười nhẹ, tuy tôi thấy miệng anh ta được kéo giãn ra nhưng sao trong đôi mắt kia vẫn mờ mịt và lạnh lẽo đến vậy.
– Ta thua rồi, không phải nàng lại muốn bắt đền ta chứ? – Trịnh Khải lên tiếng.
Tôi cảm thấy lúc Trịnh Khải buồn, anh ta rất có khiếu hài hước. Tôi cười, nói:
– Lần này thì bổn cô nương không đòi hỏi. Dù sao công tử cũng vừa cứu tôi một mạng. Tôi phải đa tạ ơn cứu mạng của công tử.
Tôi nửa đùa nửa thật, nói toàn những từ không khác nào trong phim truyền hình. Anh ta nghe thấy cũng cười một tiếng, mắt lại phóng ra hồ sen trước mặt. Im lặng.
Trịnh Khải đã không muốn nói, tôi sẽ không hỏi nguyên nhân tại sao anh ta buồn. Nhưng tôi lại muốn an ủi anh ta một chút. Tôi lại không thể nói “đừng buồn”. Nghe thật vô nghĩa. Nói đừng buồn là có thể đừng buồn được sao. Vì thế cách tốt nhất là đánh lạc hướng nỗi buồn. Tôi nghĩ nghĩ, liền nói:
– Để tôi kể cho công tử nghe một câu chuyện.
Anh ta im lặng. Tôi liền bắt đầu kể.
“Có một cô gái từ nhỏ đã sống rất vui vẻ. Ba mẹ hết lòng thương yêu cô gái, cho cô gái mọi thứ tốt nhất. Cô gái gắng học hành, lại hoạt bát, ngoan hiền, vì vậy ba mẹ luôn vui vẻ, lại càng cưng chiều cô hơn. Cô gái luôn nghĩ rằng mình là người may mắn nhất.
Thế nhưng một ngày cô gái phát hiện ra một bí mật, cô không phải con của ba mẹ. Cô là con nuôi. Ba mẹ cô trước lúc nhận cô cũng có một cô con gái vì tai nạn mà qua đời. Sau đó họ quá đau lòng nên mới nhận một bé gái bằng tuổi, lại có vẻ ngoài gần giống con gái mình về nuôi. Không những vậy, ba mẹ nuôi còn đặt tên cô giống tên đứa con gái đã mất. Anh nói xem cô gái khi biết được bí mật ấy sẽ hành động như thế nào?”
Trịnh Khải quay qua nhìn tôi, không trả lời.
Nhớ lại ngay lúc biết được bí mật đó, tôi đã cảm giác thế nào? Đau đớn, mất mát, bị lừa dối, uất ức, tức giận, căm ghét… một loạt các cảm giác chồng chéo đan vào trái tim tôi. Nhưng hơn hết chính là cảm thấy cô độc. Gia đình tôi yêu thương thì ra ngay từ đầu vốn không thuộc về tôi.

Trong lúc bấn loạn, một người bạn đã rủ tôi đi du lịch. Tôi lúc này chỉ muốn ra khỏi nhà nên liền đồng ý. Chỉ là bất ngờ gặp tai nạn. Nếu tôi không bị trở về thời này, có lẽ sau đó tôi sẽ làm loạn lên hoặc gây ra chuyện điên khùng nào đó.
Nhưng lúc này, tôi chỉ thấy đau lòng mỗi khi nghĩ rằng ba mẹ sẽ đau buồn như thế nào khi nhận được tin tôi gặp nạn, khi thêm một lần nữa mất đi một đứa con gái.
Còn nữa, tại sao tôi lại đi kể cho anh ta nghe chuyện của mình? Chính tôi cũng không hiểu. Có lẽ là vì sự đồng cảm dâng lên khi nhìn thấy bóng lưng cô đơn của anh ta chăng?
Lúc tôi ngước mặt nhìn Trịnh Khải, gương mặt anh ta có chút hoảng hốt.
Trịnh Khải đưa ngón tay cầm lấy mặt tôi, khẽ gạt đi giọt nước mắt đang chảy dài trên má tôi. Ra là tôi đã khóc. Anh ta nhìn tôi, vẻ mặt cô đơn đã không còn, chỉ còn lại đôi mắt đen trầm tư. Tôi kéo tay anh ta xuống:
– Đừng thương hại.
Tôi vừa nói xong thì có cảm giác tay anh ta hơi run lên. Hai chúng tôi đứng đối mặt, im lặng.
Trịnh Khải thở ra một tiếng rất nhẹ, nói:
– Nàng sẽ không cô đơn.
Lần này chính là người tôi run lên, “nàng sẽ không cô đơn”, là tôi thật sự sẽ không cô đơn sao? Tôi nhìn thẳng vào mắt Trịnh Khải, ở đó có sự kiên định và ấm áp.
Đến gần trưa, chúng tôi chia tay nhau, tôi lại vào nhà bằng đường cửa sau. Cả nhà bận rộn không ai phát hiện ra sự biến mất của tôi, tôi thầm vui mừng.
Bữa cơm trưa hôm đó, lần đầu tiên, quận công Huy trở về nhà ăn cơm. Thường ngày sẽ có người hầu mang cơm đến trấn phủ. Hôm nay ông trở về giữa ngày chắc hẳn là có chuyện.
Ra là Tuyên phi vừa hạ sinh vương tử. Chúa thượng quá vui mừng, lấy tên ngày nhỏ của mình đặt cho con trai, gọi là Trịnh Cán. Một chữ “Cán” đó cũng đủ để biết chúa thượng yêu quý con út thế nào. Quận công trở về bàn với mẹ cả gởi quà chúc mừng, càng sớm càng tốt.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.