Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng

Chương 6: Đám Giỗ​


Bạn đang đọc Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng: Chương 6: Đám Giỗ​


Buổi chiều, tôi và Đinh Ngọc cùng mẹ cả ra phố mua đồ. Mẹ cả, Đinh Ngọc và tôi đi trước, dẫn theo hai gã người hầu theo sau để phụ việc xách đồ. Hoa và Gạo ở phủ cùng người hầu tiếp tục dọn dẹp, xếp đặt.
Đến cửa hàng vải, chúng tôi lựa một hồi rồi lấy ba xấp vải tốt, màu sắc nhã nhặn. Lại qua cửa hàng đồ trang sức, mẹ cả rất thích chiếc kiềng cổ bằng vàng có đính hình con gà trống đang vươn cổ gáy, rất tinh xảo. Năm nay là năm Đinh Dậu, chiếc kiềng này càng phù hợp. Trả tiền, mẹ cả bắt ông chủ để vào hộp gỗ cẩn thận.
Lúc ra khỏi cửa hàng, tôi nhìn thấy bên góc đường đang có hai người đàn ông dắt theo hai con ngựa, từ từ rẽ ra đường lớn. Một người mặc áo dài xám tro, một người mặc áo đen. Tôi đứng nhìn chằm chằm vào bóng lưng người áo xám tro. Rất quen. Tôi không dám chắc, bởi tầm nhìn khá xa, người qua lại cũng đông đúc.
Đang đứng thẫn thờ, tôi bị Đinh Ngọc kéo tay đi, người áo xám tro cũng biến mất khỏi tầm mắt của tôi.
Về đến nhà, mẹ cả viết một thiệp chúc mừng, để một phong bì đỏ chúc may mắn và chiếc hộp trang sức ban sáng vào một túi vải lớn, cột cẩn thận. Đây là phần quà chúc mừng quý tử mới sinh ra của chúa thượng và Tuyên phi. Hoàng Lộc – người hầu thân tín của quận công và một gã gia nhân khác sẽ lập tức lên đường, đưa quà đến tận phủ chúa.
Ngày hôm sau là giỗ đầu của ông nội nuôi – Quận công Việp.
Sáng sớm, mọi người đã tất bật, bận rộn. Tôi để ý thấy rất nhiều khách đến, mang theo phần lễ vật cúng, rồi sẽ ra bàn ngồi nói chuyện với quận công. Mẹ cả sẽ chỉ huy người hầu đặt lễ vật ở đâu. Bàn thờ vốn không hề nhỏ nhưng nhanh chóng đầy kín vật lễ cúng bái. Mẹ cả sai người kê thêm một chiếc bàn trước bàn thờ, chiếc bàn lại nhanh chóng kín lễ vật.
Những người khách hầu hết là quan lại của trấn Nghệ An. Một số khác đến từ nơi khác. Một nửa trong đó là vì quận công mời mà đến, một nửa lại là nhớ ngày mà đến.
Tôi thực sự tò mò, Việp quận công là người như thế nào? Thông thường, một người khi chết đi, có thể có nhiều người chỉ vì một lần gặp mặt mà đến thắp một nén nhang tiễn đưa. Nhưng ngày giỗ đầu thường chỉ có người trong nhà nhớ đến. Còn giỗ đầu của Việp quận công lại có nhiều người nhớ mà đến thắp nhang?

Tôi tranh thủ lúc Đinh Ngọc rảnh rỗi, kéo nàng vào phòng hỏi chuyện.
– Chị, ông nội là người rất nổi tiếng phải không?
– Em thật không nhớ tí nào sao? Mới năm kia em còn nói, sau này sẽ lấy người oai hùng như ông nội còn gì. – Đinh Ngọc rót trà, vừa uống vừa nói.
Nghe vậy, tôi càng tò mò hơn, càng gặng hỏi cho được. Đinh Ngọc nhìn tôi, nghĩ nghĩ rồi nói:
– Ngày giỗ đầu của ông, kể chuyện của ông cũng rất hay.
Tôi gật gật. Đinh Ngọc uống một ngụm nước, bắt đầu kể.
Việp quận công xuất thân từ một hoạn quan, tên là Hoàng Ngũ Phúc. Tuy là một hoạn quan nhưng ông là người văn võ song toàn, nổi tiếng mưu trí. Ông giữ chức Tả thiếu giám sau lên chức Nội sai trong Hình phiên. Khi khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi, Hoàng Ngũ Phúc đã dâng 12 điều binh pháp lên chúa Trịnh Doanh. Chúa đọc, biết được tài năng của ông, ban cho ông thống lĩnh kỳ binh, mang quân dẹp loạn.
Sau khi dẹp loạn quân Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Ngũ Phúc còn dẹp yên quân cướp bóc, dẫn quân dẹp loạn các phiến quân khác. Từ đó, chúa Trịnh Doanh càng thêm phần tin tưởng, phong làm Việp quận công, trở thành vị tướng quan trọng nhất triều đình.
Việp quận công tuy giữ chức lớn nhưng thái độ ôn hòa, không vì được chúa yêu mến mà kiêu ngạo, vẫn đối xử tốt với các quan lại khác và người dân trong thành. Vì vậy ông rất được yêu mến, tôn kính và cũng bị không ít đố kỵ. Ông vẫn còn giữ chức cho đến khi chúa Trịnh Sâm lên ngôi. Sau vì nhiều lời gièm pha, ông cáo lão về quê, được phong làm Quốc lão.
Mấy năm trước, anh em nhà Tây Sơn nổi dậy khởi nghĩa, nhà chúa Nguyễn ở Đàng Trong lục đục, chúa Trịnh quyết định mang quân tiêu diệt họ Nguyễn. Chúa Trịnh Sâm gọi Hoàng Ngũ Phúc, lúc đó đã 62 tuổi ra cầm quân, gọi là Bình nam thượng tướng quân. Ông mang theo các con trai nuôi và tướng quân khác ra trận.

Chỉ mới hai năm trước thôi, năm Ất Mùi, Cảnh Hưng thứ 36 (tức năm 1775), Việp quận công cùng các tướng tá của mình đã chiếm được Phú Xuân, đẩy lùi họ Nguyễn về phía Nam, phá trận của quân Tây Sơn khiến Nguyễn Nhạc phải quy phục.
Thừa thắng xông lên, Việp quận công tiếp tục đánh đuổi quân Nguyễn. Nhưng cuối năm Ất Mùi, quân Trịnh gặp bệnh dịch. Việp quận công lúc này đã 63 tuổi, tuổi già, sức yếu. Tháng giêng năm ngoái, ông qua đời trên đường quay trở lại Thăng Long, thọ 64 tuổi.
Quả thật là lịch sử hùng tráng của một đời người. Tuy rằng ông mang quân đánh dẹp cuộc khởi nghĩa nông dân, nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác, thì ông là người mang đến cuộc sống yên ổn cho Đại Việt. Nghe xong tôi thật sự rất muốn gặp Việp quận công một lần.
– Sao chị biết rõ đến vậy? – Tôi hỏi.
– Em ngốc sao. Là ông nội của chúng ta đấy. Năm ngoái hai chị em còn ra ngõ đứng chờ cha về, rốt cuộc cha về còn mang theo cả quan tài của ông nội. – Đinh Ngọc buồn bã.
– Vậy hôm nay chúng ta có ra lăng mộ của ông nội không? – Tôi lại hỏi.
– Lăng mộ của ông nằm ở Thăng Long, cha đã cho người đến cúng bái. Giỗ bốn chín ngày của ông, chúng ta vẫn còn ở kinh thành. Năm nay giỗ đầu ông lại cúng ở đây. – Đinh Ngọc nhìn ra cửa sổ.
Gạo ở đâu hớt hải chạy vào:
– Tiểu thư, công tử Đình Duệ đến rồi.

Đinh Ngọc nghe thấy, vui mừng kéo tay tôi đi ra ngoài. Lúc này ở gian nhà giữa, Quận Công và mẹ cả đang ngồi trên ghế hỏi chuyện người ngồi đối diện. Đó là một anh chàng mặc áo dài nâu sẫm, vạt chéo màu đen, không quấn khăn quanh đầu mà chỉ cột một dây đen quanh búi tỏi, lộ ra cái trán cao. Người thanh niên đang ngồi, nhìn thấy tôi và Đinh Ngọc đi tới liền đứng dậy, cười:
– Đã lâu không gặp các em.
– Anh Đình Duệ. – Đinh Ngọc cười mỉm, gọi một tiếng thay lời chào.
Tôi vẫn đứng im bên cạnh Đinh Ngọc, mẹ cả nhắc nhở:
– Đinh Thanh, mau chào anh con đi. Đình Duệ đi vất vả mấy ngày đường mới đến được, sao con lại đứng im ở đó.
– Dạ, chào anh. – Tôi đáp lời.
Là ai đây? Xem ra rất thân thiết, không phải là anh trai chứ? Nhưng nếu là anh trai thì ngay từ đầu Gạo nói về thân phận của tôi sao không nhắc đến. Quận công và mẹ cả nói phải ra gian ngoài tiếp khách, để Đình Duệ ngồi ở đây nghỉ ngơi.
Đinh Ngọc kéo tôi ngồi xuống ghế, mỉm cười:
– Anh Đình Duệ là con của chú Hoàng Đình Thể, cùng là con nuôi của ông nội. Anh Đình Duệ cũng không nên trách Đinh Thanh, nó vừa rồi bị sốt mê man đến hỏng cả đầu óc rồi. Từ từ trí nhớ mới hồi phục được.
A, ra là anh họ. Đình Duệ nghe thế, có chút bất ngờ, quay qua nhìn chằm chằm vào tôi:
– Đinh Thanh, em thực sự không nhớ gì hả?

– Em chỉ quên một số chuyện và một số người thôi. Không phải nhiều người lâu không gặp thì sẽ bị quên đó sao. – Tôi cười trả lời.
– A, thì ra em đang trách anh lâu ngày không đến thăm các em phải không? – Đình Duệ cười lớn. Tiếng cười của anh ta rất sảng khoái, làm người nghe cảm giác rất thoải mái.
Tôi nghĩ nghĩ, lại hỏi:
– Anh chỉ đi một mình thôi sao?
Đình Duệ gật đầu, nói:
– Thành Phú Xuân cách trấn Nghệ An xa, cha anh phải ở trấn giữ thành, đi vài ngày là không được, Đình Khuê và Đình Vị cũng đều không thể đi được.
Tôi đoán hai cái tên Đình Khuê, Đình Vị kia là anh em của anh ta. Sau đó chúng tôi ngồi nói chuyện rất vui vẻ. Tính tình Đình Duệ phóng khoáng, khi vui sẽ cười lớn, do đó tôi rất thích nói chuyện với vị anh họ này.
Chưa đến một giờ, Hoa đến gọi chúng tôi ra gian nhà trước làm lễ. Lễ cúng rất nhiều nghi thức, có cả thầy cúng. Đốt giấy tiền âm phủ và áo giấy xong thì khách quan được mời ở lại dùng bữa.
Bàn ghế từ hôm qua đã được kê ra giữa sân, che lọng. Mọi người ngồi vào bàn, nâng chén rượu, kể lại những thành tích ngày trước của Việp quận công. Tôi ngồi cùng bàn với Đinh Ngọc và những người phụ nữ khác ở trong góc nhà.
Món ăn vừa mang ra, một gã sai vặt chạy vào báo nhỏ vào tai quận công. Ông liền đứng dậy, đi về phía cổng. Tôi đoán là có khách quý đến.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.