Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7

Chương 2


Bạn đang đọc Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7: Chương 2


Chương 1: Người bố trẻ con
Ngày hôm ấy, tuyết rơi.
Tháng 2, năm 1997, bầu trời cuối đông nhuốm một màu lạnh lẽo. Tôi đã nghe tivi báo đây là đợt rét đậm nhất trong vòng 18 năm qua, và người dân sẽ có một kỳ nghỉ khá dài. Nhưng có lạnh đến cắt da cắt thịt đi chăng nữa cũng không thể nào ngăn được tôi và bố.
“Ye Seung à! Nhanh lên con!”
“Chờ con một chút. Không thể để bị cảm cúm được, bố cũng nhanh mặc mặc thêm áo vào đi!”
Tôi nhắc bố và sau đó chúng tôi mặc áo trong thật dày và ấm, đi hai đôi tất để chuẩn bị ra ngoài. Đôi găng tay tôi đeo cả mùa đông giờ đã xuất hiện những chỗ rách khiến gió lạnh lùa vào da thịt, nhưng vẫn còn dùng tốt. Cuối cùng tôi đội mũ len cẩn thận rồi bước ra ngoài. Bố đang đứng đợi tôi trước cửa, với dáng vẻ ngập ngừng, bố chìa tay về phía tôi.
“Chúng ta đi thôi con!”
Bàn tay của bố lớn đến mức có thể ôm trọn đôi tay nhỏ xíu đang đeo găng của tôi. Chúng tôi cứ thế chạy mãi dưới trời đầy tuyết. Tuyết trắng phủ kín những con đường, trên cành cây, ngọn cỏ và rơi cả trên đầu chúng tôi.
Thật khó giải thích tại sao tôi lại có thể nhớ tất cả những thứ xảy ra ngày hôm ấy một cách rõ ràng đến vậy. Trên đường duy nhất chỉ có tôi và bố vừa chạy vừa thở hổn hển. Qua những con ngõ nhỏ, dưới bầu trời phủ sương mờ, những ngọn cây cao về phía cánh rừng trông y như những tòa nhà chọc trời trắng xóa. Hơi thở của chúng tôi phả ra bị gió thổi ngược… Khung cảnh tươi đẹp ấy hiện lên rõ ràng trong tâm trí tôi, như đang tận mắt nhìn thấy vậy.
Từng lớp tuyết nhẹ nhàng phủ lên những con đường mà chúng tôi đã đi qua. Chúng tôi bước vào một khu chung cư mới xây, tôi vừa đi vừa nhảy chân sáo trên những viên đá lát vỉa hè đầy màu sắc. Và bố là người đã phát hiện ra ở đó có một sân chơi.
“Ồ, Ye Seung ơi, con nhìn này!”
Bàn tay to lớn của bố chỉ về chiếc xích đu. Tôi sung sướng chạy đến. Vì hôm ấy trời rất lạnh nên ở đó chẳng có ai ngoài chúng tôi. Chiếc xích đu mà tôi yêu thích đã xuất hiện thật đúng lúc.
“Bố ơi, nhanh lên nhanh lên!”

Thế là chúng tôi cùng nhau chơi đùa. Mỗi khi bố đẩy xích đu, tôi thấy mình như được bay lên bầu trời cùng với bố, cảm giác ấy thật tuyệt diệu. Cho dù gió và tuyết có tạt vào mặt lạnh buốt, tôi vẫn thấy rất vui sướng và chơi không biết mệt.
Tôi vẫn nhớ hôm đó là hai ngày trước khi vào lớp Một. Đúng, chỉ còn hai ngày nữa thôi. Và có vẻ như việc tôi đi học còn khiến bố vui sướng hơn cả tôi thì phải.
Mặc dù chẳng có lời chúc nào từ mẹ nhưng tôi cũng không để tâm cho lắm. Vì dù sao đi nữa, trong tiềm thức của tôi chẳng có chút ký ức nào về mẹ cả. Nếu đột nhiên một ngày nào đó mẹ xuất hiện, có lẽ cả hai chúng tôi sẽ ngượng ngùng và khó xử chết mất.
Gia đình tôi chỉ có hai người thôi, bố và tôi. Nhưng có lẽ thế cũng đủ rồi! Trong căn phòng đơn chật hẹp chỉ đủ để duỗi chân, chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc theo cách của riêng mình.
Thế nhưng có một điều mà tôi cứ lo lắng mãi, nếu tôi đến trường thì ai sẽ chơi với bố đây?
Khi tôi lên bảy, bố đã bắt đầu có những biểu hiện lạ lùng. Và những cư xử, hành động khác thường ấy chỉ tôi mới có thể hiểu được. Nếu đi học rồi, tôi sẽ không thể chơi với bố nữa nên tự hứa với mình trước hôm đó chúng tôi nhất định phải chơi một bữa thật đã đời.
Tôi vừa nghĩ về trách nhiệm to lớn ấy của mình vừa chơi một cách đầy hào hứng bên chiếc xích đu. Bỗng một người phụ nữ xuất hiện, tiến đến chỗ chúng tôi và thốt lên.
“Ồ, quả là một ông bố tuyệt vời đấy nhỉ!”
Tôi đang ngồi đung đưa thì nhận ra có một thằng nhóc đang níu tay người phụ nữ, trong ánh mắt của nó ánh lên sự hiếu kỳ và ghen tỵ.
“Hơ hơ!” Bố tôi ngây ngô cười.
“Anh mới chuyển đến đây à? Chúng tôi ở phòng 104.”
Người phụ nữ tiếp tục hỏi, tôi cũng muốn trả lời nhưng không biết phải nói thế nào, bố thì cứ liên tục đẩy xích đu cho tôi nên cũng không đáp lại.
“Nếu không phải mới chuyển đến thì chắc là đến chơi rồi. Anh thấy chung cư này đẹp không? Nó được thiết kế theo kiểu thân thiện với môi trường đấy.”

“Thân thiện với môi trường?”
Đối với bố, đây quả là một cụm từ quá phức tạp. Thấy bà ta nhíu mày, tôi ngồi trên xích đu nói to. “Nghĩa là tốt cho sức khỏe đấy ạ!”
Nguồn ebook: s:// .luv-ebook
“À à…!” Bộp bộp bộp… Bố vỗ tay thích thú, rồi vừa cười vừa đẩy mạch chiếc xích đu lên cao hơn nữa. Tôi ngoái đầu lại nhìn và bắt gặp khuôn mặt bố rạng rỡ hơn bao giờ hết. Miệng bố há to và mười đầu ngón tay xòe ra, vỗ vào nhau thích thú.
“Sân chơi tốt cho sức khỏe. Hơ hơ! Thân thiện với môi trường! Thân thiện với môi trường!”
Thật ra mấy từ “thân thiện với môi trường” là gì, có thật sự mang ý nghĩa “tốt cho sức khỏe” hay không, khi ấy tôi cũng chưa hiểu lắm. Bố nghe cụm từ ấy thì chỉ cần biết rằng nó tốt là cứ cười và nói mấy câu ngây ngô như thế. Hẳn bố đang rất hạnh phúc, và tôi cũng bắt chước cười theo…
“Ôi… gì thế này…”
Tôi không để ý thấy người phụ nữ bắt đầu cau có quan sát bố con tôi. Ánh mắt với những thiện cảm ban đầu giờ đã chuyển sang coi thường và khó chịu…
Nụ cười của tôi cũng dần dần đông cứng lại.
Lại nữa rồi… Tôi chợt nghĩ trong đầu và thấy xung quanh bỗng dưng lạnh buốt. Giờ tôi mới cảm nhận được gió đang lùa vào những chỗ hở trên đôi găng tay đã rách của mình. Bố từ từ buông tay, chiếc xích đu chậm dần, chậm dần.
Tôi ngơ ngác khi thấy người phụ nữ ấy mỉm cười nói với con trai. “Kìa con, đến đó mau lên!”
Đứa bé nhanh chân chạy lại chiếc xích đu mà tôi đang ngồi, nắm lấy dây xích và lôi chẳng khác gì thằng ăn cướp buộc tôi phải bước xuống. Đến khi chiếc xích đu đã ngừng lại hẳn, thằng nhóc ấy vẫn không rời tay và quay sang nhìn tôi đắc thắng.
Vậy là trò chơi xích đu của tôi chấm dứt. Chiếc xích đu xinh đẹp tôi vẫn còn chơi khi nãy, tiếng vỗ tay và khuôn mặt ngây ngô của bố…

“Ye Seung à!”
Tôi quay lại thì thấy bố đang dang rộng cánh tay chào đón tôi. Tôi chạy đến ôm chầm lấy bố, đặt tay lên gò má lạnh buốt của ông và được nhấc bổng lên. Tôi lại thấy mình trở thành đứa trẻ hạnh phúc nhất thế gian. Tôi quay sang thè lưỡi nhìn thằng nhóc.
Này, bố mày chắc không bao giờ ôm mày như thế này đúng không? Mày thua tao rồi nhé… Tôi ám chỉ với nó bằng ánh mắt rồi thì thầm vào tai bố.
“Bố ơi, về nhà thôi!”
“Về nhà bây giờ á? Sao về sớm thế?” Bố ngạc nhiên hỏi tôi.
“Con muốn về nhà cơ!”
“Ơ, nhưng mà Ye Seung! Con thích chơi xích đu mà?”
“Nhưng chúng ta không thể chơi cả ngày được! Con muốn chơi trò khác nữa cơ!”
“Thế à? Ye Seung muốn chơi trò khác hả?”
“Vâng ạ!”
Tôi vốn định nói rằng hôm nay tôi chỉ thích chơi xích đu một tẹo thôi, giờ tôi không thích chơi xích đu ấy nữa, thì nước mắt bỗng ứa ra. Tôi cố nén lại vì không muốn bố thấy tôi mít ướt.
Mọi chuyện khi ấy diễn ra như vậy. Chúng tôi đi qua người phụ nữ lạ mặt chưa được bao xa thì không biết từ đâu, một người bảo vệ chạy vội vàng về phía chúng tôi, chỉ tay và nói.
“Sao lại đi vào tự tiện? Khai báo chưa mà được vào, hai người kia?”
Bố vẫn ôm tôi trong lòng, chúng tôi đứng như trời trồng, không nói được lời nào. Chúng tôi chẳng vào đây để ăn trộm, cũng chẳng làm hại ai, chúng tôi không hề vứt rác bừa bãi và cũng không làm hỏng thứ gì. Nhưng tôi biết tại sao người ta lại nhìn bố với ánh mắt như thế. Dù chẳng có lý do gì để người ta coi thường bố cả.
Tôi nhìn người bảo vệ, khuôn mặt đang lộ rõ vẻ khó chịu muốn đuổi cổ chúng tôi ra khỏi đây. Nhưng bố đã hỏi lại.

“Vé vào cửa giá bao nhiêu vậy?”
Đã có lần tôi và bố được vào công viên chơi cùng một đoàn tình nguyện. Có lẽ vì thế nên bố nghĩ nơi này cũng giống như vậy. Gã bảo vệ lẩm bẩm trong miệng.
“Vé vào cửa á? Điên thật rồi mà!”
Tôi ngoảnh lại nhìn khu chung cư và trề môi. Rõ ràng chẳng có tấm biển nào cấm người lạ ra vào cả. Tôi hét lên giận dữ với gã bảo vệ. “Chẳng lẽ chỉ có người ở đây mới được vào chơi thôi sao?”
Ánh mắt của người bảo vệ chuyển từ bố sang tôi. Lần này tôi thấy đằng sau những nếp nhăn nơi khóe mắt, ánh lên sự hiếu kỳ và thương hại.
“Này nhóc, vừa nói gì thế? Ranh con, mấy tuổi rồi?”
“8 tuổi ạ. Nếu không được phép vào đây chơi, xin hãy làm biển báo gần ở cửa đi ạ!” Tôi trả lời rồi tự tuột khỏi tay bố xuống đất, sau đó cúi đầu chào. “Xin lỗi chú! Bố ơi, chúng ta đi thôi!”
Bố vừa nắm đôi tay bé xíu của tôi, vừa ngoảnh đầu nhìn lại sân chơi tiếc nuối. Chợt bố cúi xuống thì thầm vào tai tôi hỏi.
“Ye Seung à, vé vào cửa khoảng bao nhiêu nhỉ? Người được vào phải là người thế nào?” Hẳn gã bảo vệ nghe được, tôi thấy gã chép miệng phía sau mình.
“Chậc chậc! Đần độn mà còn biết thắc mắc cơ đấy…”
Khi ấy tôi ức phát khóc nhưng ngoài chịu đựng ra thì lại chẳng thể làm gì. Vì tôi chỉ là một đứa trẻ, và bố còn trẻ con hơn tôi nhiều.
* * *
Bố tôi mắc bệnh thiểu năng trí tuệ độ hai. Dưới dáng vẻ của một người đàn ông 36 tuổi bình thường là suy nghĩ của một đứa trẻ mới chỉ lên 6 tuổi. Mặc dù biết bố bị bệnh nhưng tôi chẳng thấy bất tiện chút nào. Cũng chẳng chút xấu hổ hay tủi thân gì hết. Hai bố con tôi, tuy vóc dáng khác nhau, nhưng lại như những người bạn cùng trang lứa vậy.
Đối với tôi, bố là cả thế gian này. Mẹ đã qua đời khi tôi mới 3 tuổi. Sau đó nhà chúng tôi còn bị cháy nữa, chẳng biết phải làm thế nào khi thấy bà chủ nhà khóc lóc thảm thiết, tôi chỉ nín lặng và nhìn chăm chăm vào gương mặt bố.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.