Bạn đang đọc Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7: Chương 1
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7
Yong Goo là ông bố bị thiểu năng. Cuộc đời ban tặng cho anh cô con gái thông minh, xinh đẹp Ye Seung. Dù nghèo khổ nhưng hai bố con vẫn luôn vui vẻ, ngày ngày bên nhau, ngày ngày dặn nhau sống tốt. Một buổi tối, bố của Ye Seung không trở về như thường lệ. Vì muốn mua chiếc cặp in hình Thủy thủ Mặt Trăng mà con gái mơ ước, Yong Goo chạy theo một bé gái – là con của Cục trưởng Cục cảnh sát. Trời giá buốt, bé gái vấp ngã và không may qua đời. Yong Goo bị vu oan cho tội bắt cóc, cưỡng dâm, giết người. Anh bị khép tội chết.
Vào tù, Yong Goo ban đầu bị bạn tù khinh mạt, đánh đập. Trại trưởng, người có con trai bị hãm hại, nhìn anh như nhìn hiện thân của tội lỗi… Nhưng Yong Goo đã dùng sự lương thiện và lòng yêu thương con người để hóa giải tất cả. Người ta dần nhận ra rằng kẻ thiểu năng bất chấp sinh mạng để nhiều lần cứu người khác ấy không thể là tội phạm có thể ra tay làm hại một đứa bé. Người trong tù, từ trên xuống dưới dành cho anh yêu mến đặc biệt. Mọi người tìm mọi cách để 2 cha con họ được gặp nhau. Và món quà kỳ diệu ấy đã đến, cô bé Ye Seung bước ra từ 1 thùng giấy. Hai cha con vỡ òa trong niềm vui đoàn tụ. Phòng giam số 7 từ khi có sự có mặt của đứa trẻ, như trở thành gia đình lớn đoàn kết. Tình cha con cảm hóa những trái tim, rung động cảm xúc gia đình thiêng liêng của những tên tội phạm. Tất cả như tan chảy, khuất phục trước sự thánh thiện, thơ ngây của bé gái. Họ dám làm tất cả những gì trong khả năng của mình để hai cha con được bên nhau. Ye Seung chính là món quà cho phòng giam số 7 và điều kỳ diệu đến cùng em trong căn phòng này.
Nhưng Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 là một câu chuyện cổ tích buồn, Yong Goo bị thi hành án vào đúng ngày sinh nhật con gái. Người cha, sau khi đã quyết định hy sinh tất cả, chấp nhận oan sai để bảo vệ thứ ý nghĩa duy nhất trong thế giới của anh – là cô con gái, cuối cùng vẫn không thể ngăn mình gục ngã và cuống quýt cầu cứu trước giây phút tiễn biệt. Khoảnh khắc người cha van xin ai đó hãy cứu lấy bố con anh và tiếng khóc xé ruột của cô con gái giữa trại giam, chỉ được đáp lại bằng âm vang của bốn bức tường lạnh lẽo chính là khoảnh khắc chạm đến nỗi đau một cách sâu sắc nhất.
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 như một quả bóng bay chứa đầy mơ ước về cuộc sống đơn giản, bình yên, không chỉ của hai cha con ông bố thiểu năng, mà còn của cả những tù nhân từng một thời lầm lỡ, của người trưởng trại tù luôn chứa chất trong lòng nỗi đau và lòng căm hận. Trên tất cả, truyện tôn vinh tình cảm gia đình thiêng liêng, tình bạn giữa những người cùng cảnh ngộ.
Truyện Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 đã được chuyển thể thành phim cùng tên và trong lễ trao giải Baeksang vừa qua, nam diễn viên Ryu Seung Ryong (vai Yong Goo) được vinh danh với tượng vàng Daesang (giải quan trọng nhất).
Phần mở đầu: Phiên tòa xét xử số 97-0223
Tỉnh Gyeonggi-do, huyện Ilsan, viên tòa mô phỏng lần thứ 42 của Viện Luật.
Áp phích đã được căng lên và mọi chuẩn bị cho phiên tòa đã hoàn tất. Tôi đặt tay lên ngực và đứng thẳng, cố gắng trấn tỉnh. Tim đập không ngừng, có lẽ do quá lo lắng nên tay tôi đẫm mồ hôi. Tôi nhìn ra phía cửa tòa án, vẫn không có gì khác biệt với những phiên tòa trước đó, phía dưới mọi người đã ngồi kín đặc cả gian phòng và xôn xao tiếng ồn ào bàn tán.
“Xin mọi người hãy yên lặng!”
Sau câu nói ấy, tất cả nhất loạt im phăng phắc, một số chuyển sang trầm ngâm nghĩ ngợi. Thế nhưng suốt từ sáng tới giờ, tim tôi vẫn đập mạnh liên hồi và chưa thể nào bình tĩnh được. Cuối cùng tôi phải chạy vào nhà vệ sinh và rửa mặt bằng nước lạnh. Nhìn mình trong gương, tôi khẽ tự trấn an.
“Bố ơi! Hãy đợi con nhé! Con nhất định sẽ làm được!”
Dù thấy tim mình dịu bớt một cách lạ lùng, nhưng tôi vẫn cố lẩm bẩm như làm theo một mệnh lệnh.
“Nhất định không thể quên! Nhất định không được quên!”
Tôi đã lo sợ trong phiên tòa này mình sẽ quên mất một điều nào đó, vì vậy ngày nào tôi cũng học đi học lại. Nhắm mắt và hít một hơi thật sâu, lòng tôi nhẹ nhõm và đầu óc đã trấn tĩnh trở lại.
Bên ngoài, phiên tòa sắp bắt đầu. Tôi hít thật sâu một lần nữa và quay trở lại.
“Xin tất cả mọi người hãy đứng lên!”
Thẩm phán bước vào và tất cả người dự phiên tòa đồng thời đứng dậy. Tôi chỉnh lại áo và bước vào chỗ của luật sư. Thẩm phán lặng lẽ ngồi xuống, sau đó đến công tố viên. Tôi đưa mắt xuống phía những nhân chứng đang ngồi phía dưới, chúng tôi nhìn nhau rồi cùng ngồi xuống.
Cuối cùng phiên tòa đã thực sự bắt đầu. Tôi đã chờ đợi nó 15 năm nay rồi.
“Phiên tòa xét xử số 97- 0223 – bị cáo Lee Yong Goo bị buộc tội đã bắt cóc và sát hại Choi Ji Young, con gái của Cục trưởng Cục cảnh sát đương nhiệm thời điểm đó, vào ngày mùng 1 tháng 3 năm 1997. Do có đơn kháng cáo nên phiên tòa hôm nay được mở và tiếp tục xét xử.”
Những lời của thẩm phán vừa dứt, đâu đó dưới khán phòng tiếng òa khóc chợt cất lên. Có ai đó cố ghìm mình nuốt nước mắt. Những người bạn tù của bố ngày xưa ấy, những người mà tôi tin tưởng trong suốt 15 năm nay, hôm nay đã đến đây làm nhân chứng. Khuôn mặt đầy lo âu của họ nhìn tôi, khiến tôi thấy nhớ bố đến vô cùng.
Tất cả tài liệu đã được tập hợp đầy đủ.
“Vậy xin mời công tố viên bắt đầu!”
Theo lời của thẩm phán, công tố viên rời ghế đứng dậy, bắt đầu mở các tài liệu của vụ án và đọc bằng những lời lẽ đanh thép.
“Bị cáo Lee Yong Goo đã phạm tội bắt cóc và quấy rối tình dục bé Choi Ji Young, cháu bé vì phản kháng đã bị hung thủ giết hại một cách hết sức dã man. Chứng cứ điều tra cho thấy có nước bọt của hung thủ trên miệng cháu bé, người làm chứng ở hiện trường vụ án lúc đó cũng đã xác nhận với cảnh sát về việc này. Kháng cáo theo đó, không thể coi là có giá trị.”
Tôi khẽ chớp mắt. Những lời buộc tội lạ lùng trên dù bịa đặt, nhưng cũng không hề vô lý. Và nếu tôi là công tố, có lẽ tôi cũng sẽ nói những lời như vậy.
Nhưng tôi là luật sư, dù đứng trước bất kỳ ai, cũng phải nhìn vào tội danh của bị cáo một cách công minh nhất. Tôi là người duy nhất sẽ tháo bỏ nỗi oan ức của thân chủ, Lee Yong Goo. Trước những lời buộc tội hoàn hảo như thế, phải làm thế nào để phản bác lại đây.
“Xin mời phần phản bác của luật sư!”
Tất cả ánh mắt đổ dồn về phía tôi. Tôi đưa mắt nhìn những khuôn mặt đang nín thở chờ đợi bên dưới. Suốt 15 năm qua không phải chỉ có mình tôi chờ đợi, họ cũng rất mong chờ phiên tòa này. Họ đã cố ghìm những căng thẳng trong lòng và nhìn tôi bằng ánh mắt vừa hy vọng vừa có phần lo lắng.
Tôi quay đầu lại phía bàn của chủ tọa phiên tòa. Ngày bé nó đối với tôi chẳng khác gì bức tường thành cao vời vợi, còn giờ tôi chỉ cần đưa tay là có thể với tới. Chẳng cần chuẩn bị thứ gì ghê gớm, tôi bắt đầu cất lời, những câu chữ trong đầu cứ thế tuôn trào.
“Nhìn vào sự việc có thể thấy bị cáo là người không ổn định về thần kinh, nhưng đã không nhận được sự bảo vệ nào từ phía pháp luật. Thêm nữa, tòa cần phải thông qua lời khai của những nhân chứng đã từng cùng sống, cùng sinh hoạt với bị cáo tại phòng giam lúc đó để biết bị cáo là người như thế nào. Và tôi, vì muốn đem tất cả sự thật ra ánh sáng nên mới ngồi vào chiếc ghế luật sư ngày hôm nay…”
Công tố viên vội đưa tay chen ngang.
“Tòa phản đối điều này. Tòa án không phải nơi đem sự thật ra ánh sáng. Đây là nơi xét xử những tội danh đã được định đoạt bằng những chứng cớ minh bạch và những lời khai đã được xác nhận là đúng!”
Tôi đã nghe quá nhiều những lời phản bác thế này đến mức như một sự ám ảnh.
“Tòa án là nơi đem những sự thật được che giấu ra ánh sáng. Hơn nữa, chứng cớ minh bạch và những lời khai đã được xác nhận… Chỉ dùng những thứ đó để kết tội bị cáo, đó chính là sai lầm lớn nhất của vụ án này.”
Tôi nói những lời ấy thoạt đầu chỉ với mục đích ngụy biện, nhưng cũng thật tình cờ, đó lại là sự thật.
Quả nhiên, công tố viên có vẻ đuối lý.
“Thưa tòa, luật sư…!”
“Đã sai ư?”
Tôi hơi bất ngờ vì công tố viên im lặng. Tôi gật đầu và tiếp tục đưa thêm các chứng cứ.
“Vâng thưa quý tòa. Thẩm phán đang thụ lý vụ án bây giờ không phải là thẩm phán được giao lúc đó. Vụ án khác với những vụ việc khác, những người đảm nhận nó đã bỏ qua nguyên nhân sâu xa và công tố viên thì chỉ dựa vào những chứng cớ và ghi chép bịa đặt của cảnh sát khi ấy để đưa ra kết luận. Lợi dụng bị cáo là người gặp vấn đề về thần kinh, những người có quyền lực lúc đó đã bịa đặt ra những bản tường trình sai sự thật, và ép bị cáo phải nhận tội.”
Đó chính là lý do tôi yêu cầu tái thẩm và điều tra vụ án. Và đây chỉ mới là những giây phút đầu tiên của sự chờ đợi suốt 15 năm qua.
Nhưng công tố viên đã nhếch môi cười và hỏi lại. “Vậy luật sư bây giờ có phải là luật sư được giao trước đây không?”
Ở đâu đó phía dưới có tiếng cười. Tôi tự hỏi nếu người ngồi ở ghế thẩm phán là tôi, liệu mọi việc có được minh bạch không? Khi sự việc ấy xảy ra, tôi chỉ là một đứa bé 8 tuổi, mới bắt đầu học bảng cửu chương…
“Luật sư hãy trả lời câu hỏi của công tố viên!”
Thẩm phán nói với giọng khá nhỏ. Tôi hơi bối rối nhưng vẫn trả lời bằng giọng rõ ràng.
“Không phải ạ.”
“Vấn đề chính là ở chỗ đó đấy!”
Công tố viên chỉ đợi tôi trả lời rồi gật đầu quay về phía thẩm phán. Tôi bắt đầu run và mặc dù muốn ngồi xuống ghế, nhưng tôi vẫn đứng thẳng người, đặt tay lên bàn. Và tôi nói những lời từ tận cùng lòng ân hận của tôi khi đó.
“Nhưng tôi đã ngồi ở dưới và xem phiên tòa ngày hôm ấy. Đó là sự thật!”
Công tố viên nhìn thẳng vào dáng vẻ run rẩy của tôi. Thẩm phán ngồi dựa lưng vào ghế, trong mắt đầy ắp sự nghi ngờ.
“Cô nói đã có mặt ở phiên tòa đó sao?”
Thẩm phán ngạc nhiên hỏi lại. Tôi ngẩng cao đầu và trả lời bằng giọng rành mạch.
“Vâng, đúng vậy!”
Phía dưới lại bắt đầu những tiếng xì xầm. Từ cửa sau vài nhà báo lặng lẽ đi vào. Cả thẩm phán, công tố viên và nhân chứng đều bất ngờ khi camera chĩa vào họ. Một số nhà báo mở sổ tay và chuẩn bị tốc ký. Họ muốn ghi chép về phiên tòa hôm nay, có lẽ vì khi phiên tòa kết thúc vụ án sẽ khép lại với một kết quả khác.
Tôi thì chỉ mong phiên tòa đừng kết thúc như một kỳ thi đơn giản. Suốt mấy tháng qua tôi đã thuyết phục và không ngừng gửi email đến những người đang ngồi làm chứng bên dưới. Thoạt đầu, cũng có người không thật sự tin, nhưng sau khi nghe tôi phân tích vụ án và cho xem chứng cớ, họ cũng đã gật đầu đồng ý.
Tòa án này là tiếng nói của những con người yếu đuối nhằm vào những kẻ có quyền lực, cả cảnh sát và những người làm luật tồn tại trên đất nước này. Và với bố của tôi khi ấy, lời buộc tội có khác gì việc bắt một người nhát gan đi dưới trời bão tố.
Tôi đợi cho những tiếng xì xầm phía dưới lắng xuống rồi bắt đầu nói.
“Thưa quý vị, từ bây giờ, tất cả những lời tôi mà tôi nói đều là sự thật.”
Khoảng thời gian đó có thể coi là dài, mà cũng có thể cho là ngắn. Đó là câu chuyện của 15 năm về trước.
Ngày 23 tháng 12 năm 1997, vụ án của bị cáo Lee Yong Goo.
Tôi là Lee Ye Seung, con gái duy nhất của bị cáo.