Bạn đang đọc Đi Hết Một Đời Anh Vẫn Là Của Em – Miên Man Nỗi Nhớ – Chương 3: 3. Chỉ Một Mình Em Mới Được Xí Anh
Bởi tờ giấy mà Dương Tất Niệm để lại trên giường đã bị cậu em Dương Nhất Quang nghịch ngợm gấp máy bay, chơi chán xong thằng nhỏ phi luôn vào thùng rác rồi nên chẳng ai có thể đọc được những dòng nhắn nhủ của anh nó. Tuy kế hoạch chẳng hề suôn sẻ như dự tính của Niệm con nhưng nếu cậu bé biết ba mẹ mình không còn bàn tính chuyện ly hôn nữa chắc bé sẽ rất mừng. Nếu như bé biết tối hôm đó ba nhân lúc mẹ vừa tắm xong liền lao tới kéo mẹ vào lòng, vừa lau tóc giúp mẹ vừa ngoan ngoãn nhận lỗi, còn mẹ khi được ba ân cần chăm sóc lại mủi lòng hôn môi ba thì chắc bé đã không phải tự bắt cóc chính mình.
– Tay vợ ai mà xinh đẹp thế nhỉ?
Niệm ba thả thính, chị Hoài kiêu căng hỏi lại:
– Chả biết cơ, vợ ai đấy nhờ?
Tuy biết ở ngoài tiệm có vô vàn những mẫu đặc sắc nhưng chị vẫn thích cảm giác được chồng yêu thương. Chị tủm tỉm nhìn những chiếc móng tay bị sơn lem luốc của mình rồi liếc nhanh qua chỗ ba Nhất, vô tư bảo chồng:
– Uầy ba khóc Niệm ơi, trình độ diễn xuất của ba đã đạt lên một tầm cao mới.
Ba khóc? Dương Nhất Niệm hiểu ba mình, nếu như không phải chuyện hệ trọng không thể kiểm soát được cảm xúc thì ba sẽ không bao giờ khóc trước mặt vợ con như vậy. Gương mặt Niệm ba ngay lập tức trở nên tối sầm, cậu vội vã lao tới chỗ ba. Chị Hoài cũng đăm chiêu bám theo chồng. Ông Nhất hiện đang bị hoảng loạn cực độ, ban đầu ông còn tưởng cả nhà hùa nhau trêu mình, chỉ đến khi bà Kỷ nghiêm túc thề độc rằng bà không đùa ông, mấy ngày qua Niệm con không có ở nhà, mọi người đều nghĩ nó ra nước ngoài với ông thì ông mới nhận thức được tầm quan trọng của sự việc. Toàn bộ vệ sĩ của ông đều đã được điều động đi kiếm thằng nhỏ, Niệm ba cũng cố gắng trấn tĩnh để phóng xe đi tìm con trai. Chị Hoài chứng kiến mọi người nháo nhác thì tim gan quặn thắt, chị run run hỏi mẹ Kỷ:
– Mẹ… ba mẹ đùa phải không? Niệm con… Niệm của con… nó đâu… rốt cuộc nó ở đâu?
– Bình tĩnh con… sẽ sớm tìm được thằng bé thôi…
Bà Kỷ an ủi Hoài vậy thôi chứ bà cũng nóng lòng nóng ruột như ngồi trên đống lửa. Tay chân Hoài run lẩy bẩy nhưng con bé cứ nằng nặc đòi lái xe đi tìm con. Bà sợ xảy ra chuyện bất trắc nên sai mấy đứa giúp việc giữ Hoài lại rồi gọi cho Niệm ba, đợi Niệm ba quay về đưa Hoài đi cùng bà mới an tâm. Sau đó bà cũng bồng Quang lên xe của ông Nhất để đi tìm cháu. Trong khi cả nhà toán loạn thì người bị mất tích, Dương Tất Niệm vẫn vô cùng nhởn nhơ. Bán hết xoài dầm cậu dắt bé Miên vào công viên chơi cầu trượt. Niệm ba và mẹ Hoài trên đường đi tìm con cũng rẽ qua công viên đó, tiếc rằng họ lại tới muộn hơn chị Mơ. Bữa nay có người ở quê gọi điện lên báo mẹ chị mới bị ngã nên chị tới đón bọn trẻ từ rất sớm. Bọn nhỏ nghe chị nói chuẩn bị về quê chơi thì sướng rơn, tíu tít nhảy lên xe cười nói rôm rả. Chị Mơ trìu mến nhìn tụi nó rồi nổ máy lái xe ra khỏi thành phố. Quê chị ở mãi trên núi, cách trung tâm thành phố năm tiếng chạy xe lận, lúc tới nơi thì lũ nhóc đã ngủ hết rồi.
– Mùi Chi Nhi Miên Than Cống, dậy đi tụi con!
Mấy đứa uể oải ngái ngủ, bà Mận nghe tiếng trẻ con ríu rít liền chống gậy tập tễnh chạy ra đón con gái, thấy hai cái mặt lạ hoắc, bà hỏi:
– Lại nhận thêm trẻ cơ nhỡ hả con? Ôi chao! Một đứa thì đen như than, một đứa thì béo như lợn! Sao con không đem đến đồn công an để họ giao cho cô nhi viện? Nuôi gì nuôi lắm thế? Vất vả ra.
– Đâu có, tụi nó nuôi con mà. Tụi nó đi bán hàng đấy bu, giỏi lắm. Bu bị ngã sao rồi? Con đã bảo bu bao nhiêu lần rồi, cứ ở nhà chơi thôi, bu đi bán rau làm chi?
– Ôi dào sáng sớm trời mưa đường trơn bu trượt chân xíu ý mà, bu xoa dầu rồi, mấy bữa nữa là khỏi thôi. Tụi nó con nít ranh còn bán hàng được, sao bu lại không?
Câu hỏi của mẹ khiến chị Mơ sững người, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nào đó, chị chợt nhận ra bản thân mình xấu xa vô cùng. Chị lợi dụng bọn nhỏ để kiếm sống. Cho dù chị cho tụi nó một mái ấm, cho tụi nó chỗ ăn chỗ ngủ, cho tụi nó xài tiền dư mỗi khi bán được nhiều hàng thì chung quy lại vẫn là lợi dụng. Nhìn những gương mặt trẻ thơ ngây ngô chị thấy cắn rứt lương tâm, nhưng rồi nhìn lên mái bếp dột nát của bu, mong ước kiếm đủ tiền xây nhà mới cho bu đã khiến chị trở lại là chị của mọi khi, một người phụ nữ hèn mọn và ích kỷ. Đợi các con xuống xe hết, chị dắt xe vào góc sân rồi xuống bếp phụ bu thổi cơm tối.
– Miên ơi! Ra vườn hái cho mẹ ít lá mồng tơi và vặt thêm cả mấy quả cà pháo, ít ớt và ít chanh vào đây con.
Chị Mơ lớn tiếng gọi đứa con út, Miên nhỏ nhất nhưng dễ bảo nhất, chỉ cần sai Miên thì kiểu gì Than và Mùi cũng lẽo đẽo bám theo, rồi Chi và Nhi sẽ xí xớn chạy ra cùng, bây giờ có thêm cả thằng Cống nữa. Sáu đứa nhí nhéo ngoài vườn nghe vui tai đến lạ. Nhà bà Mận có cây chanh rất cao, chỉ Mùi và Cống mới hái được khiến cho Than tủi thân hết sức, bởi vậy nên lúc mấy đứa con gái đang vặt lá mồng tơi, cậu bé nhanh trí chạy ra hái ớt hòng chứng tỏ mình với em Miên. Cơ mà hớn hở quá, mắt trớn hết cả lên thành ra dẫm luôn phải đống bùn bầy nhầy, rồi có mấy con gì đó hư hỗn bò lên chân bé. Tụi nó dài cỡ hai găng tay, hình trụ, thân mình trơn tuồn tuột. Than khóc thét, Chi và Nhi trông thấy cảnh tượng đó cũng run cầm cập. Em Miên mặt tái xanh tái mét, vội vã trèo lên lưng anh Cống. Anh Mùi cố tỏ ra bình tĩnh bảo:
– Đừng sợ, đó chỉ là con lươn thôi. Bắt con này về làm chả lươn nướng thơm phưng phức, ăn ngon lắm.
Mùi nói miệng an ủi các em vậy thôi chứ trông đám lươn trườn trườn nó cũng phát ghê, chỉ có Cống nghe thấy cụm từ “thơm phưng phức” với “ăn ngon lắm” thì khí thế tràn trề, chạy vù qua giếng lấy chiếc xô nhựa mang ra vườn. Thế rồi cậu bé thò đôi bàn tay bụ bẫm của mình xuống đống bùn bẩn, lần mò bắt toàn bộ chỗ lươn đang bò lổm ngổm bỏ vào xô. Miên ngồi trên lưng Cống tròn mắt trầm trồ thán phục. Nhi và Chi cùng nhau xách xô lươn vào bếp cho mẹ Mơ làm chả lươn nướng. Mẹ xoa đầu tụi nhóc, dúi cho mỗi đứa một quả trứng luộc lòng đào. Nhi ngồi trong xó bếp hí hửng bóc vỏ, còn Chi tí tởn đem ra mua chuộc Cống.
– Anh Cống giỏi quá à! Anh Cống cho Chi xí anh Cống nha! Rồi Chi cho anh Cống trứng luộc lòng đào nè.
Cống nghe trứng luộc lòng đào mắt sáng long lanh, đang định chộp lấy thì bị đứa nào đó nhéo tai đau điếng.
– Ơ hay… anh hứa anh cho em xí rồi cơ mà?
Miên đanh đá ghé tai anh hỏi vặn, Cống cõng em ra bụi chuối để bàn bạc riêng tư:
– Đừng lo, anh cho Chi xí anh một xíu thôi, đợi anh ăn hết quả trứng anh lại cho Miên xí anh.
– Ứ ừ. Ứ chịu đâu. Chỉ một mình em mới được xí anh thui. Nếu hem thì em cắt xoẹt anh đó.
Miên làm mình làm mẩy, thấy anh Cống vẫn liếc về phía quả trứng của chị Chi tiếc hùi hụi, bé đành bảo:
– Trứng luộc thì có gì mà ghê? Mấy bữa nữa em lớn em luộc trứng cho anh ăn cả đời luôn.
– Em hứa rồi đấy nhé!
– Dạ.
Em Miên ngoan ngoãn đáp, anh Cống lúc bấy giờ mới hùng dũng chạy về phía chị Chi từ chối:
– Chi này… em không được phép xí anh đâu.
– Sao lại thế ạ? Anh không thích ăn trứng ạ?
Chi đăm chiêu thắc mắc, Cống trầm ngâm đáp:
– Anh có thích ăn trứng… nhưng về cơ bản thì đã có người luộc trứng cho anh ăn cả đời rồi.
– Em cũng có thể luộc trứng cho anh ăn cả đời.
Chi mặc cả, Miên dẻo miệng nịnh nọt:
– Nhưng em luộc trứng ngon hơn chị ý.
Cống nghe bùi bùi tai liền bảo:
– Thôi, anh ăn trứng Miên luộc là được rồi.
– Vậy anh cho Miên xí anh ạ?
Cống gật đầu, Nhi ở trong bếp chui ra làm ầm lên:
– Ứ chịu. Ứ thể nào mà chịu nổi đâu. Nhi xí anh Thông Văn Cống trước rồi á, Miên không có quyền!
– Sao em lại không có quyền ạ?
Miên ngây ngô hỏi, Nhi gằn giọng:
– Vì em không xinh đẹp bằng chị. Chị đẹp chị mới có quyền. Quyền năng của chị là vô cực, em hiểu không?
– Em ứ thích hiểu đấy, chị làm gì được?
Miên đanh đá hỏi xoáy, Chi cũng ghê gớm gào thét inh ỏi, Mùi đành phải đứng ra phán xử:
– Thôi đừng cãi nhau nữa, đứa nào hái rau quả dẻo tay nhất đứa đó sẽ được xí thằng Cống.
Chi cất quả trứng vào trong túi rồi tự tin chạy ra chỗ cây cà pháo hái đầy một rổ, Nhi xông lên vặt ớt ầm ầm, bé Miên cũng không kém phần giỏi giang, bé ngồi trên lưng anh Cống vươn tay hái được mấy quả chanh to tròn mọng nước. Mùi phấn khởi đem rổ rau vào cho mẹ Mơ, đoạn anh đủng đỉnh đi ra, hắng giọng tuyên bố kết quả:
– Theo như đánh giá của anh thì các em đều là những cô gái vàng trong làng hái rau quả. Cuộc chiến ngày hôm nay bất phân thắng bại, thôi thì để lần sau tranh tài tiếp nhé!
Ba đứa con gái tiu nghỉu, nhưng chúng lại nhanh chóng vui vẻ khi Mùi rủ cả lũ chơi rồng rắn lên mây. Miên nhoài xuống khỏi lưng anh Cống, năm đứa hớn hở chuẩn bị nhập cuộc, riêng Cống thở dài đi tới bậc thềm ngoài hiên, thẩn thơ ngồi hóng gió. Miên thấy vậy liền thắc mắc:
– Ơ anh không chơi à?
Cống lắc đầu, chơi bời gì tầm này chứ? Cậu bé nghĩ mình nên ngồi một chỗ nghỉ ngơi thì hơn, nghỉ thật nhiều thì lát nữa mới có sức ăn cơm với chả lươn nướng.
– Kệ nó Miên ạ, có anh Than là có niềm vui rồi, có thằng Cống hay không không quan trọng.
Ơ sao lại có Cống hay không không quan trọng? Không quan trọng thì Miên với Cống việc gì phải xí nhau cho mất công? Nhìn Than tự nhiên như ruồi lôi Nắm Cơm Ngon đi, Cống hậm hực đứng phắt dậy chạy theo hai đứa kia. Bọn trẻ rôm rả oản tù tì, lần lượt từng đứa thắng ra xếp thành một hàng, đứa sau bám áo đứa trước, lượt cuối cùng chỉ còn Miên và Cống. Miên kiễn chân lên ghé tai Cống dặn dò:
– Anh ra cái búa nhé! Em sẽ ra cái kéo, cho anh thắng.
Chiến thắng dễ dàng vậy ư? Cảm thấy hơi sai sai, Thông Văn Cống quyết định ra chiếc kéo. Em Miên cứ ngỡ anh Cống cũng ngây thơ dễ bị lừa như anh Than, định ra chiếc lá để bao búa, ai ngờ đời chẳng như mơ.
– Rồi xong. Kéo cắt lá, anh Cống thắng.
Nhi tuyên bố, Miên buồn thỉu buồn thiu. Cống thấy Nắm Cơm Ngon của mình xị mặt tự dưng cũng mất cả vui, cậu bé nhanh trí bao biện:
– Đúng là anh ra kéo, nhưng vấn đề là anh không hề ra chiếc kéo sắc. Kéo anh ra là kéo cùn nên cắt lá không nổi, ngược lại còn bị lá bao. Anh thua. Miên thắng.
Miên cười tít mắt chạy vào đứng cuối hàng, Cống chấp nhận đóng vai thầy thuốc. Bọn trẻ ríu rít đọc đồng dao, tụi nó đối đáp xong xuôi cũng là lúc Cống phải bắt được cô nhóc đứng cuối cùng trong hàng.
– Bắt em đi nè… có giỏi thì lại đây bắt em nè…
Miên thích thú khiêu khích. Tuy được các anh chị ra sức bảo vệ nhưng em vẫn không thoát được vòng tay của anh Cống. Khoảnh khắc thấy Cống ôm chầm Miên vào lòng còn Miên thì cười khanh khách, Than ghen nổ đom đóm mắt. Nó gào lên đòi được đóng vai thầy thuốc. Chỉ là, khi bọn kia cho nó toại nguyện thì em Miên lại chơi ăn gian. Em quàng tay qua cổ thằng Cống, như con sâu nhỏ nhí nhảnh đu bám trên lưng Cống. Cống nom to bự vậy mà khó bắt, hại Than đuổi đến toát cả mồ hôi hột cũng không ăn thua.
– Ứ thèm chơi nữa.
Than dỗi, Cống thấy mẹ Mơ đang khệ nệ bê mâm cơm nghi ngút khói ra khỏi bếp thì cũng không còn tâm trạng rồng rắn chi nữa, mừng huýnh bám theo mẹ. Mùi nghe lời bà Mận đem chiếu trải ra hiên nhà, Miên, Chi, Nhi ngoan ngoãn giúp bà sắp bát đũa. Cơm quê bữa nay có canh cua mồng tơi, cà pháo dầm tương, hoa chuối nộm chua ngọt, đậu phụ rán giòn rim mỡ hành, trứng luộc sốt me, chả lươn nướng và một chút tép rang. Toàn món dân dã nhưng bọn trẻ vẫn ăn rất ngon miệng, nhất là bé Cống, cậu nhóc hạnh phúc vùi mặt vào bát cơm, hùng hục ăn quên trời quên đất.
– Ăn từ từ thôi không nghẹn đó con.
Bà Mận nhắc thằng nhỏ, trên ngọn tre cao trăng đã treo lủng lẳng, bữa tối muộn như này bé đói cũng phải. Bà lấy cho mỗi đứa một xiên chả lươn rồi bật đài cát xét lên cho vui cửa vui nhà. Sau bản tin dự báo thời tiết là tới tiết mục bà thích nhất, hai cô dẫn chương trình đồng thanh cất giọng trầm ấm:
“Lê Ánh và Lê Thảo xin được gửi lời chào trân trọng nhất tới quý thính giả nghe đài. Chào mừng quý thính giả quay trở lại với chuyên mục tám chuyện bốn phương.”
Cô Lê Ánh mở đầu bằng bản tin cô bé thần đồng ngôn ngữ Vũ Thị Bích Ly vừa ra mắt cuốn truyện tranh song ngữ do bé tự sáng tác và đã được mua bản quyền phát hành ở mười hai quốc gia. Bà Mận chẹp miệng khen con nhà ai mà giỏi thế, chị Mơ gật đầu đồng tình. Ở trên đài, cô Lê Thảo ngọt ngào tiếp lời:
“Vâng, một sự kiện đáng tự hào về tài năng của thế hệ mầm non phải không ạ? Tuy nhiên tin tức đáng chú ý nhất của ngày hôm nay có lẽ là thông báo tìm trẻ lạc được đưa ra bởi người đứng đầu tập đoàn Nhất Kỷ, Chủ tịch Dương Ngọc Nhất. Người bị mất tích chính là cháu trai năm tuổi của ông, cậu bé Dương Tất Niệm.”
“Theo như Ánh được biết thì bé Niệm còn là con trai của người sáng lập NIEM Group và mẹ bé chính là nhà thiết kế nổi tiếng, Giám đốc công ty may Thu Hoài.”
“Đúng là con nhà trâm anh thế phiệt chị Ánh nhỉ? Chị có nghĩ đây là một vụ bắt cóc tống tiền không?”
“Cũng không thể loại trừ khả năng đó. Chủ tịch Dương Ngọc Nhất tuyên bố rằng chỉ cần cháu trai ông an toàn thì chuyện tiền nong hoàn toàn không thành vấn đề.”
Hai cô dẫn chương trình miêu tả chi tiết dáng dấp của cậu nhóc để nhờ quý thính giả nghe đài nếu ai biết tin tức gì thì gọi điện cho gia đình bé. Xong xuôi, họ lại tiếp tục chuyển sang các bản tin khác. Tuy trời đã về khuya nhưng trên nẻo đường xa xa nào đó vẫn có chiếc xe thể thao lướt đi trong đêm. Trong xe, người đàn ông cố gắng kiềm nén những lo âu để đảo mắt kiếm con, người phụ nữ thì không được bình tĩnh như chồng mình, mỗi một giây một phút trôi qua tim chị lại thêm tê buốt. Nước mắt rơi ướt đẫm đôi hàng mi dài, có đôi lúc chị nghẹn ngào gọi con trong vô thức:
– Niệm… Tất Niệm của mẹ… con ở đâu về đi con. Mẹ Hoài nhớ con lắm, mẹ Hoài không mong gì cả, mẹ Hoài chỉ cần con về nhà thôi, chỉ cần con an toàn về bên mẹ thì con muốn nốc bao nhiêu thau cám lợn mẹ Hoài cũng chịu hết con à. Niệm ơi…
Chẳng cứ cám lợn đâu, nếu như con muốn thì chuồng lợn chị cũng xây được cho con. Chị Hoài khóc lóc tức tưởi, chồng chị tạm dừng xe quay sang lau nước mắt cho vợ, vừa ôm vợ vào lòng chồng vừa xoa xoa lưng trấn an:
– Đừng lo, mọi việc sẽ ổn thôi. Đấy biết mà, khả năng sinh tồn của thằng bé rất tuyệt vời. Kể cả khi bị vứt trong chuồng lợn thì nó vẫn lạc quan ăn cám đó thôi.
– Biết… biết vậy… nhưng… nhưng xót…
Chị nấc lên từng tiếng, không biết những ngày qua Niệm con trôi dạt ở phương trời nào? Nó có bị người ta bắt nạt, hành hạ không? Có gặp nguy hiểm gì không? Những câu hỏi luẩn quẩn trong đầu bức chị phát điên, chị giục chồng mau lái xe đi tìm con. Mỗi đoạn đường đi qua không thấy bóng dáng thằng nhỏ tim chị lại như hẫng mất một nhịp. Muôn vàn những nỗi lo lắng bủa vây khiến ruột gan chị quặng thắt. Chị không hề hay biết rằng ở ngôi nhà nhỏ dưới chân núi, thằng con trai quý tử của chị đã chén gọn ghẽ mười xiên chả lươn nướng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bà Mận nom thằng Cống một lượt rồi quay sang bảo chị Mơ:
– Ơ, bé Cống cũng mập mập y như miêu tả của hai cô dẫn chương trình trên đài kìa con. Biết đâu nó lại là cháu trai mất tích của Chủ tịch Nhất.
Chị Mơ đang cắn quả cà pháo dầm tương giòn sừn sựt, nghe mẹ nói vậy thì suýt nghẹn, chị phì cười bảo:
– Ôi dào, cứ béo mà được làm cháu trai Chủ tịch thì Chủ tịch trở thành người đàn ông có nhiều cháu nhất quả đất hả mẹ? Mẹ nom lại nó xem, lúc nào cũng hau háu như bị bỏ đói lâu năm, đâu có tí tư chất nào của con nhà gia thế.
– Cũng phải. Tội nghiệp thằng bé, ăn như thụi thế kia chắc hẳn gia cảnh nhà nó phải khó khăn lắm.
Bà Mận thở dài gắp cho Cống thêm miếng đậu phụ rán rim mỡ hành. Cống hí hửng đưa miếng đậu lên miệng cắt một phát, bên ngoài giòn giòn, bên trong béo béo, cộng thêm cái ngầy ngậy thơm thơm của mỡ hành khiến cho Thông Văn Cống cảm thấy dường như cậu đang được bay lơ lửng trên thiên đường. Em Miên nhìn vẻ mặt đắc chí của anh Cống liền ngây người thắc mắc:
– Ơ anh ăn nhiều như vậy không sợ mỏi cơ hàm ạ?
Thực ra Cống cũng thấy hơi hơi mỏi, cơ mà sau đó vị thanh ngọt của thìa nước canh cua mồng tơi rưới qua cơ hàm đã xua đi sự mỏi mệt đó rồi. Tuy nhiên do lười giải thích nên Cống chỉ đơn giản lắc đầu. Ăn xong bữa tối cậu bé ngồi vắt vẻo trên nhánh cây lộc vừng già, tay ôm khư khư lọ me ngâm đường, thi thoảng lại nhón một quả nhai chóp chép tráng miệng, ánh mắt lười biếng liếc qua chỗ Nắm Cơm Ngon. Em đang chơi nu na nu nống với Nhi và Chi ở ngoài sân.
– Miên! Xoè tay ra anh tặng cái nè.
Mùi hí hửng đề nghị, Miên ngoan ngoãn làm theo lời anh, tay anh khum khum truyền vào đôi bàn tay Miên một chú đom đóm bé xíu đang phát sáng. Miên thích lắm, cơ mà em chưa kịp bắt chuyện với chú đom đóm thì chú ấy đã bay mất rồi. Anh Than thấy vậy liền bắt cho em thêm con nữa, tiếc rằng tay Miên nhỏ xíu, cứ hơi hơi xoè ra là đom đóm liền trốn chạy. Thông Văn Cống ngồi đằng xa lắc đầu thở dài, cậu ăn nốt quả me cuối cùng rồi ra giếng rửa chiếc lọ thuỷ tinh thật sạch và xin bà Mận một tấm vải màn nhỏ. Mỗi lần bắt một chú đom đóm bỏ vào lọ cậu bé lại che tấm vải màn lên trên để đom đóm khỏi bay đi mất. Khi chiếc lọ đã rực sáng bởi rất nhiều đom đóm xinh, cậu bé dùng dây chun cố định tấm vải màn rồi chạy ra chỗ Miên. Thông Văn Cống giấu chiếc lọ phía sau lưng, phấn khởi gọi:
– Miên!
Miên tươi cười nhìn anh Cống, hai đứa đứng đối diện với nhau dưới ánh trăng dịu vàng. Bốn đứa kia cũng tò mò chạy tới hóng hớt. Trước mặt đông đủ mọi người, Cống nghiêm trang đưa chiếc lọ tới trước mặt Miên, trịnh trọng tuyên bố:
– Đây là món quà anh dành tặng người sẽ luộc trứng cho anh cả đời. Em phải luộc thật ngon như em đã hứa nhé!
– Dạ.
Miên bẽn lẽn đáp lời rồi cẩn thận nhận lấy lọ đom đóm đang phát ra thứ ánh sáng lung linh huyền diệu từ tay anh Cống. Không chỉ có Miên, cả Chi và Nhi cũng mê mẩn chiếc lọ hết sức. Ba đứa để chiếc lọ ở giữa, vừa say sưa ngắm nghía vừa ríu rít nói chuyện với lũ đom đóm, mãi đến khi mẹ Mơ lớn giọng quát tụi nó mới chịu tháo vải màn để thả đom đóm bay đi rồi nhảy chân sáo lao vào nhà tắm. Đất ở quê mênh mông nên nhà tắm cũng khá rộng rãi, có tấm vách tre ngăn làm đôi, một gian của tụi con trai, một gian cho tụi con gái. Do em Miên bé loắt choắt nhất nhà nên mẹ Mơ vẫn cưng chiều bồng nhóc con vào lòng rồi gội đầu cho cô bé.
– Hầu chị cho lắm vào để sau này chị tha hồ cãi giả.
Mẹ Mơ trêu, Miên phụng phịu:
– Ứ phải á, Miên là em bé Mưa Thị Miên dễ thương xinh đẹp tốt bụng hem bao giờ biết cãi giả là gì luôn.
– Đúng rồi đó mẹ Mơ ạ, phu nhân của Chủ tịch Lò Văn Than thì phải khí chất hơn người chứ mẹ.
Than từ gian bên kia nói vọng sang, mẹ Mơ vui vẻ tám chuyện với lũ nhóc. Sau khi đã hóng hớt được kha khá, trước khi đi ngủ Miên thủ thỉ với Cống:
– Ban nãy anh nghe mẹ nói gì chưa? Sáng mai mẹ phải ở đây sửa mái bếp dột cho bà Mận đấy, chúng mình cũng được ở đây cùng mẹ. Em sẽ dẫn anh lên rừng hái măng rồi về làm măng nướng chấm chẩm chéo cực ngon nhé!
Tuy chưa mường tượng ra vị của món đó như nào nhưng mới nghe Miên giới thiệu “cực ngon” Cống đã cảm thấy phấn khởi lắm rồi. Sáng hôm sau đánh răng rửa mặt xong cậu bé liền hớn hở gọi Miên lên rừng hái măng. Ngặt nỗi, Miên không có nhà. Thay vào đó là tiếng Chi trả lời:
– Miên đi tìm Niệm rồi anh Cống ạ.
– Thằng Niệm là thằng nào?
Cống khó chịu chất vấn, Chi đáp:
– Niệm là con cô Hoài anh ạ.
– Cô Hoài là ai? Ở đâu? Chui từ xó nào lên? Mắc mớ gì Miên phải đi tìm con hộ cô ấy? – Cống cáu.
– Cô Hoài là nhà thiết kế đó anh, sáng nay Miên nhìn thấy cô trên quyển tạp chí anh Mùi mang từ ngoài chợ về liền khoe khoang Miên được gặp cô ngoài đời rồi, nhà cô đẹp ghê lắm, cô cũng đẹp dã man con ngan. Anh Mùi bảo nghe đài nói hôm qua thì bé Niệm con cô bị mất tích. Miên thương cô quá nên quyết tâm đi tìm con hộ cô.
Lời giải thích của Chi không thể làm nguôi ngoai sự hậm hực trong lòng Thông Văn Cống. Cứ nghĩ tới món măng nướng chấm chẩm chéo cực ngon ruột gan cậu bé lại nẫu nề. Măng mà đã nướng lên thì nức mũi phải biết, cơ mà chấm chẩm chéo là chấm cái gì cơ? Có thơm không? Có chua chua cay cay như chanh lắc muối ớt không? Tò mò quá trời quá đất, Cống sốt sắng lởn vởn quanh chiếc cổng gỗ, thấy bóng Miên một cái liền háo hức chạy tới rủ rê:
– Miên ơi đi lên rừng hái măng với anh.
– Em… em bận đi tìm anh Niệm mất rồi.
– Thế không đi hái măng nữa à?
Miên lắc đầu, tự dưng Cống bị hụt hẫng khủng khiếp. Miên thấy Cống nghệt mặt liền đưa cho Cống chiếc bánh tẻ. Cống đang rất tâm trạng nên quay mặt đi làm kiêu.
– Anh không thích ăn bánh tẻ à?
Cống lắc đầu, ý Cống là phủ nhận câu hỏi của Miên, đâu phải cứ quay mặt đi là không thích ăn bánh tẻ đâu. Cơ mà Miên lại hiểu nhầm ý Cống, thành ra Cống chưa kịp quay lại chộp chiếc bánh tẻ thì Miên đã đút luôn vào túi:
– Nếu anh không thích ăn thì để em mang bánh đi, lúc nào tìm được anh Niệm sẽ cho anh ý, đỡ phí.
Cống tức nghẹn, sắc mặt đen sì xám xịt như kiểu vừa bị sét đánh. Cậu bé hậm hực tuyên bố:
– Được thôi. Em thích thì em cứ việc mang bánh đi. Xong em cũng mang luôn cả cuộc đời em đi mà luộc trứng cho nó. Anh đây chả cần!